Mc 9,38-43.45.47-48: Đức Giêsu Giáo Huấn Riêng Các Môn Đệ

0
1859


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mc 9,38-43.45.47-48[1]

38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” 39 Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

41 “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. 45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngụcâu 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.

***

1.- Ngữ cảnh

Bản văn này dường như là mộttổng hợp những chất liệu khác biệt:

– Ở câu 38-41: Ta thấy điều đó ngay khi nhìn bề ngoài nơi việc thay đổi thường xuyên các nhân vật: Gioan nói ở ngôi thứ nhất số phức, Đức Giêsu trả lời ngay bằng một câu ở ngôi thứ nhất số đơn, rồi bằng một câu khác ở ngôi thứ nhất số phức, và cuối cùng, ở câu 41 thì ngỏ lời với các môn đệ hymas” (anh em). Rồi, câu 41 nối với câu 37 thì khớp hơn là nối với câu 38-40. Khối câu 38-40 dường như là một đơn vị độc lập được viết nhằm giải quyết một một vấn đề cụ thể của cộng đoàn, với nội dung và cấu trúc Sêmít: câu 39 là một mệnh đề điều kiện theo kiểu Sêmít; câu 10 có một giọng văn cách ngôn. Dường như câu 41 được ghi giữ lại trong Mt 10,42, ở dạng cổ hơn: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi…”; bản văn nói về đề tài “những kẻ bé nhỏ” đã được tác giả Marco chuyển thành đề tài “các môn đệ”.

Đến câu 42-48: Chúng ta cũng nhận thấy có những câu nói thuộc các thể văn khác nhau. Dường như câu 42 tiếp nối đề tài những kẻ bé mọn của câu 37 và 41. Các câu 43, 45 và 47 có cùng một cấu trúc và lặp lại nhịp nhàng đề tài “cớ làm sa ngã”. Có thể nói, các tư tưởng được liên kết với nhau chỉ về mặt từ ngữ, bằng những “từ móc nối”. Điều đó đặc biệt rõ ràng trong câu 48-50: “lửa” ở câu 48 đưa đến “lửa” ở câu 49; tại đây “[ướp bằng] muối” đưa tới “muối” ở câu 50. Nhưng trước đó, động từ “làm cớ sa ngã” làm cho câu 42-48 được thống nhất. Và thuật ngữ “vì danh” móc nối: câu 37 (“vì danh Thầy”), câu 38-39 (“vì danh Thầy, “vì danh Ta [Thầy]”) và câu 41 (“vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô”)[2]. Ngoài ra “một em nhỏ như em này” ở câu 37 móc nối với “một trong những kẻ bé mọn đang tin đây” ở câu 42.[3]

Tuy đây là một bản văn gồm những tư tưởng được liên kết với nhau bằng những “từ móc nối”, nhưng khi đã thành một đơn vị văn chương, và đưa vào trong tác phẩm, hẳn tác giả phải có một chủ ý khi đặt nó vào một chỗ nhất định.

Đây là một cuộc chuyện trò giữa Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai: Đức Giêsu ngồi.[4] Truyện diễn ra “ở nhà” (câu 33), một ngôi nhà ta không biết rõ ai là chủ và tọa lạc ở đâu. Ở đây, ngôi nhà được xác định là tại Capharnaum, nhưng ta vẫn có thể gặp ở nơi khác, mỗi khi Marco cần có để diễn tả sự kín đáo thân mật trong những giáo huấn Đức Giêsu ban riêng cho các môn đệ, tách khỏi đám đông (Mc 7,17; 9,28; 10,10). Trong cuộc trò chuyện, Đức Giêsu nhấn mạnh rõ ràng đến mối nguy đe dọa cộng đoàn, khi các môn đệ còn tìm cách cho mình được ăn trên ngồi trước.

Cuối cùng, Mc 9,35-50 đến sau lời loan báo Cuộc Thương Khó lần thứ hai. Từ Mc 8,31 đến Mc 10,45, có ba lời loan báo Cuộc Thương Khó, mỗi lời đều có kèm theo những mẩu chuyện minh họa tình trạng tăm tối không hiểu của các môn đệ, khiến Đức Giêsu lại có cơ hội ban một giáo huấn về tình trạng cộng đồng sinh mệnh giữa Người và các môn đệ. Riêng ở đây, sau lời loan báo lần hai, vì các môn đệ còn quan tâm đến việc “ngồi trên – ngồi trước”, Đức Giêsu dạy cho họ biết đâu là đường lối của Thiên Chúa.

2.- Bố cục

Tuy bản văn rất tản mạn, chúng ta có thể chia thành hai đơn vị:

          1/. Người ở ngoài nhóm (câu 38-41);

          2/. Các cớ làm sa ngã (câu 42-48).

3.- Vài điểm chú giải

Người lấy danh Thầy mà trừ quỷ… không theo chúng ta (38-40): Trong Cựu Ước, có một đoạn song song với câu truyện này, đó là câu truyện Enđa và Mêđa không đến họp mà cũng tuyên sấm.[5] Môsê đã tỏ thái độ khoan dung. Trong bài tường thuật Marco, người trừ quỷ đã sử dụng danh Đức Giêsu như một thứ khí cụ đầy sức mạnh.[6] Đức Giêsu dạy các môn đệ tỏ ra khoan dung với người ấy. Thái độ của Người dựa trên ý tưởng này là, bất cứ ai đã trừ quỷ nhân danh Người, không thể ngay sau đó lại đi nói xấu Người. Hẳn là Marco đang muốn nêu ví dụ này để phê bình những khuynh hướng độc quyền trong Giáo Hội tiên khởi. Câu 9,40 là một câu tổng-quát-hóa giáo huấn trong câu 39 thành dạng châm ngôn.

Công thức “vì người ấy không theo chúng ta”, chứ không phải là “vì người ấy không theo Thầy”, khiến hiểu rằng nhóm các môn đệ là một thực thể khép kín, và có thể lời báo cáo của Gioan phản ánh một vấn đề của cộng đoàn.

Cho anh em uống một chén nước (41): Nên nối kết lời khẳng định này với câu 37: Hai câu này soi sáng cho nhau, vì ta thấy Đức Giêsu nói về em nhỏ bằng những từ ngữ thích hợp với một sứ giả, một vị thừa sai hơn. Chính truyền thống Tin Mừng đã áp dụng cho các môn đệ những lời và những cử chỉ của Đức Giêsu liên hệ đến các em nhỏ: người ta dễ dàng chuyển đi từ em nhỏ sang người môn đệ được mời trở nên bé mọn[7] hoặc sang “kẻ bé mọn đang tin”; nghĩa là người môn đệ yếu đuối nhất hoặc tầm thường nhất.[8] Câu 37 liên hệ đến việc tiếp đón em nhỏ nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là phù hợp với tinh thần và điều răn của Người, dường như sự nối kết hai câu được nói trong hai hoàn cảnh khác nhau, một câu (câu 37a) nói về các em nhỏ, câu kia (câu 37b) nói về những sứ giả của Đức Giêsu.[9] Được diễn tả trong Tin Mừng thứ II, câu 37 này hoàn toàn phù hợp với người môn đệ được tiếp đón trong tư cách môn đệ. Nếu chén nước cho người ấy có giá trị đến thế, chính là vì Đức Giêsu tự đồng hóa với người ấy.[10]

Nhờ những lời ấy, các Kitô hữu đầu tiên ý thức rằng, họ thuộc về Đức Kitô, và do đó, có những trách nhiệm: nhờ các môn đệ, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện nơi thế gian này.

Làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin phải sa ngã (42): “Những kẻ bé mọn” đây chính là những Kitô hữu yếu đuối hơn hoặc ít sáng suốt hơn những người khác. Thánh Phaolô có lưu ý rằng, những người hiểu biết hơn cũng có thể trở thành cớ khiến người yếu phải sa ngã.[11] Giọng nghiêm khắc của Đức Giêsu khiến ta hiểu phải tôn trọng phẩm giá của những kẻ ấy, và phải ân cần săn sóc họ.

– Ai làm cớ cho… sa ngã (43-48): Phân đoạn này có cấu trúc giống nhau:[12] nếu một chi thể nào là cớ đưa anh em đến chỗ phạm tội, thì loại nó đi để tránh được “geenna” (hỏa ngục) và được vào Nước Thiên Chúa. Không cần phải tìm hiểu xem những tội của tay, của chân, của mắt,… là những tội nào. Vả lại, loại bỏ những chi thể này đâu hẳn là loại trừ được mối nguy? Chúng tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi bản thân, hoặc trong các quan hệ bên ngoài. Đức Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, tiêu chuẩn tối hậu của mọi chọn lựa nơi con người.[13]

“Sự sống” thì đối lại với “hỏa ngục”, được coi như nơi có những khổ hình dành cho những kẻ tội lỗi bị loại khỏi “sự sống”. Câu trích khá thoáng ở câu 48 đưa chúng ta trở về với bản văn Is 66,22-24: trong đó, vị ngôn sứ gợi lên vinh quang của Giêrusalem, kinh đô tôn giáo của thế giới; trong khi đó, ngược lại, ở bên ngoài thành, tử thi của những kẻ phản loạn chống lại Thiên Chúa, đang bị giòi bọ rúc rỉa và lửa thiêu đốt. Đây là “thung lũng Hinnôm”[14] gần các cổng thành ở phía Nam. Ngôn sứ Giêrêmia đã tuyên sấm rằng đây là nơi mà dân Giuđa sẽ bị trừng phạt nặng nề, vì tội lỗi của họ[15] đã lên tới cực độ.[16] Lúc đầu, lửa và giòi bọ là những cách thế khác nhau để xử lý các tử thi, nay đi chúng đi với nhau hoặc riêng rẽ,[17] trở thành biểu tượng của số phận khủng khiếp dành cho những kẻ không chịu đáp lại lời Thiên Chúa kêu gọi hoán cải. Viễn tượng của Mc 9,43-48 là viễn tượng cuộc phán xét chung. Không nên dựa vào những bản văn này mà suy đoán về thế giới bên kia, nhưng qua đó soi sáng và hỗ trợ cho quyết định chọn lựa con đường đưa đến sự sống.[18]

Ghi chú: C.S. Mann giữ lại một gợi ý thú vị của J.R. Harris: Tác giả Tin Mừng thứ II đã lấy từ “salis” (muối) trong tiếng Latin ở thể accusative (thể đối cách)“salem”, rồi liên kết từ ấy với từ “salem” của tiếng Hípri nghĩa là “bình an, hòa bình”.[19] Kết quả là chúng ta có một lời khuyến khích các môn đệ giữ cho được sự “bình an nơi chính mình và duy trì sự bình an giữa họ với nhau” (Mc 9,50).

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Người ở ngoài nhóm (38-41)

Khi viết đoạn văn này, tác giả có hai mục tiêu. Trước tiên, sau Mc 8,33-37, cách xử sự của Gioan lại cung cấp mộtví dụ khác về tình trạng thiếu hiểu biết của các môn đệ và sự cần thiết phải sửa chữa. Các môn đệ không những tranh nhau về “chỗ trên – chỗ trước”, mà các ông còn khoe khoang về những đặc quyền. Đó là một điểm tiêu cực cần điều chỉnh. Kế đó, cách Đức Giêsu đánh giá hoạt động trừ quỷ cho các ông hiểu rằng, Người không nhắm thành lập một nhóm khép kín để hưởng các đặc quyền đặc lợi, nhưng là một nhóm biết phục vụ bất cứ ai, trong âm thầm, khiêm tốn.

* Các cớ làm sa ngã (42-48)

Trong khi đi theo Đức Giêsu trong cuộc chiến đấu chống lại sự dữ, các môn đệ phải sẵn sàng tránh làm cớ sa ngã trong mọi trường hợp, và phải sẵn sàng chấp nhận những hy sinh. Khi làm như thế, họ không nhắm đạt tới sự hoàn thiện cá nhân nhờ một việc khổ chế, hãm mình, nhưng là để củng cố sự hiệp thông giữa các thành viên. Sự hiệp thông này bị đe dọa bởi sự tranh cãi về quyền trên trước, bởi việc tìm kiếm các đặc quyền đặc lợi, bởi các cớ làm sa ngã, bởi thái độ khinh bỉ những người thấp kém,… Do đó, lệnh truyền cuối cùng là “duy trì sự bình an”, có nghĩa là góp phần giúp người ta vượt lên trên tất cả các mối nguy cơ đe dọa trên.[20]

+ Kết luận

Cho dù là tản mạn, các lời nói trên đây của Đức Giêsu luôn luôn có thể giáo huấn các Kitô hữu. Marco đã trình bày các lời này như những chỉ thị ban cho các môn đệ dấn thân trên nẻo đường đã từng đưa Đức Kitô đến những đau khổ thập giá. Toàn bộ những giáo huấn này nhắm tới lý tưởng một cộng đoàn trong đó mọi người sống hòa thuận với nhau (câu 50b), bởi vì sẵn sàng phục vụ lẫn nhau (câu 33-35).

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đức Giêsu như đang nói: Cứ để cho những người ở ngoài nhóm trừ quỷ! Người đang khuyến khích người ta làm những việc phục vụ ít lộ liễu. Quan trọng không phải là làm những việc ngoạn mục, tạo cảm giác mạnh,… nhưng là tình yêu diễn tả cách âm thầm, như đơn giản trao một ly nước cho người đang khát.

2. Lời kết án nặng nề của Đức Giêsu đối với kẻ làm cớ cho người khác sa ngã, có thể hiểu như là một lời an ủi khích lệ hay một lời răn đe tùy người được nhận lời nói này: Là lời an ủi khích lệ cho những người đạo đức, để họ cứ vững vàng sống đúng tư cách dù có bị thế gian khinh bỉ; ngược lại, sẽ là lời răn đe đối với những người lãnh đạo cộng đoàn: coi chừng kẻo lối ăn nói, cư xử của các ngài, lại thành cớ cho những kẻ mà các ngài đã đưa vào đức tin phải mất tinh thần và buông xuôi, hoặc học lấy một cách sống không phù hợp với người môn đệ của Đức Kitô.

3. Những ai có tinh thần của Đức Giêsu thì phải phục vụ như Người: quan tâm đến những kẻ thấp cổ bé miệng, những người cô thế cô thân, những người yếu đau bệnh tật, những người cùng khổ trong xã hội,… và đặc biệt là phục vụ họ trong thái độ kín đáo, khiêm tốn. Chỉ những người đó, vì kiến tạo được sự hiệp nhất trong các cộng đoàn, mới có thể làm chứng cho thế giới thấy rằng, Nước Thiên Chúa đã ở giữa nhân loại.

4. Thế giới và lịch sử đều là những hạt giống Lời Chúa. Ở bên ngoài Hội Thánh, nơi các dân tộc khắp nơi, nơi những người đang mở ra với làn hơi Thánh Thần, hiện có thực tại phôi thai của Nước Thiên Chúa. Nhưng các Kitô hữu phải làm gì? Phải phúc âm hóa các nền văn hóa để hội nhập Tin Mừng vào văn hóa. Trong những đất nước thuộc truyền thống Công Giáo, lệnh truyền này có nghĩa là khuyến khích, cổ vũ và củng cố sự phong phú vốn có rồi. Trong những đất nước thuộc các truyền thống tôn giáo khác, hay những đất nước bị thế tục hóa sâu xa, lệnh truyền này có nghĩa là gây ra những tiến trình mới để Phúc âm hóa nền văn hóa, thậm chí dù những tiến trình này đòi hỏi kế hoạch dài lâu. Dù thế nào, phải luôn luôn ghi nhớ trong tâm trí rằng, chúng ta thường hằng được kêu gọi lớn lên. Trong trường hợp của những nền văn hóa bình dân thuộc các dân tộc Công Giáo, chúng ta có thể thấy những nhược điểm cần phải được Tin Mừng chữa lành: thượng tôn nam giới, nạn nghiện ngập, bạo lực trong gia đình, không quan tâm hoặc tham dự Thánh lễ ít, tin vào thuyết định mệnh hoặc mê tín dị đoan dẫn đến việc bùa phép,.v.v… Lòng đạo đức bình dân tự nó có thể là khởi điểm để chữa lành và là sự giải thoát khỏi những nhược điểm này”.[21]

 

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Câu nói “vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô” diễn tả trong ngôn ngữ Hy lạp là en onomati hoti”, là một kiểu nói Sêmít

[3] Cho dù trong hai câu ấy có hai từ khác nhau: paidion / micro

[4] Trong văn hóa của Do Thái, Ngồi để ban giáo huấn là tư thế của vị Thầy

[5] Xc. Ds 11,26-30; Cv 8,18; 19,13-14

[6] Xc. Mc 1,24; 5,7

[7] Xc. Mt 18,2-5; Mc 9,33-37

[8] Xc. Mc 9,42; Mt 18,6

[9] Xc. Mt 10,40; Lc 10,16; Ga 13,20

[10] Xc. Mt 25,35-45

[11] Xc. 1 Cr 8,7-13; 9,22; 10,24-29; Rm 14,1-23

[12] Vòng lặp: “Nếu tay… nếu chân… nếu mắt…”; x. câu 43.45.47

[13] Xc. Mc 8,35-37 // 10,23-27 // Mt 13,44-45;…

[14] Trong tiếng Hípri, “ghê” (thung lũng). “ghê Hinnôm” là thung lũng Hinnôm. Ngoài ra, cũng có nghĩa “con cái Hinnôm”: ghê-Hinnôm hoặc ghê ben-Hinnôm; (Tiếng Hy Lạp: ghêenna)

[15] Việc sát tế con cái cho thần Môlốc

[16] Xc. Gr 7,30-8,3; 19,7; 32,35

[17] Xc. Giòi bọ và lửa chung (Gđt 16,17; Hc 7,17). Hoặc riêng rẽ (giòi bọ: G 25,5; Hc (Hípri) 7,17; lửa: Mt 13,42.50…)

[18] Xc. Mt 7,13-14 so sánh với câu 24-27

[19] Xc. Hr 7,2

[20] Xc. Hr 12,14-17

[21] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm vui Tin Mừng), 24-11-2013, số 69