Mc 9, 2-10: Đức Giêsu Biến Đổi Hình Dạng

0
1778


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mc 9,2-10[1]

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

***

1.- Ngữ cảnh

Cuộc đời của Đức Giêsu là một hành trình, một chuyến đi đường. Điều này, tác giả Mc đã cho thấy dọc theo tác phẩm của ngài với từ ngữ “con đường” (hodos), đặc biệt trong phân đoạn 8,27–10,45: ở đây chúng ta thấy Đức Giêsu thường xuyên ở trên đường cùng với các môn đệ (8,27; 9,33.34; 10,32). Trên đường đi, Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại cách Người sống. Người tìm cách giải thích cho các môn đệ rằng, mộtbên, do chương trình mà Người sẽ thực hiện theo lệnh của Thiên Chúa, bên kia do kế hoạch của các đối thủ muốn khử trừ Người, Người phải chọn lựa giữa đánh liều mạng sống và phản bội sứ mạng. Vì đã chọn vâng lời Thiên Chúa, Người đi lên Giêrusalem.

Biến cố Đức Giêsu biến đổi hình dạng là cốt lõi của đoạn trung tâm 8,27–10,45 và được trực tiếp liên kết với phân đoạn Phêrô tuyên xưng đức tin và lời loan báo đầu tiên về Thương Khó (8,27–9,1).

Chúng ta có lý khi coi bài tường thuật về Hiển Dung như là cái trục của TM Mc.  Điều này càng rõ khi người ta nhận thấy bài này có thể dễ dàng tách khỏi ngữ cảnh: chỉ việc nối câu nói của Đức Giêsu về Quang Lâm gần kề (9,1) với cuộc tranh luận về Êlia phải đến trước (9,11-13) thì thấy tư tưởng cũng như thể văn không bị cắt đứt gì cả (Với lại các yếu tố của các bài tường thuật chỉ được nối với nhau bằng các liên từ kai: 9,1: “Người nói”; 9,2: “Người lên núi…”; 9,11: “các ông hỏi …”).

Sau khi đã nói đến những gian khổ mà các môn đệ phải chấp nhận nếu muốn đi theo Người, Đức Giêsu thêm: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm cái chết trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực” (9,1). Theo tác giả, biến cố Triều Đại (Nước) Thiên Chúa đến là đối tượng của Tin Mừng (1,14-15). Còn “uy lực” của Thiên Chúa thì sẽ được biểu lộ vào ngày Quang Lâm. Đức Giêsu đã khẳng định như thế nhiều lần (x. 12,18-27; 13,24-27; 14,61-62).

Nếu tạm bỏ bài Hiển Dung sang một bên, ta thấy cuộc tranh luận sau đó bàn về việc Êlia trở lại (9,11-13). Đồng hoá Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu với Êlia và các ngôn sứ Israel ngày xưa là một đề tài được Mc thường xuyên đề cập đến, ở đây, cũng như ở trong 6,14-16 và 8,27-29. Cuộc tranh luận ấy trước tiên có tầm mức cánh chung, bởi vì ngôn sứ Malakhi đã loan báo Êlia sẽ trở lại làm vị tiền hô của Đấng Mêsia (x. Ml 3,23-24). Đức Giêsu đã nhìn nhận Gioan Tẩy Giả đóng vai trò này (Mc 1,2-8; x. Lc 1,17). Nói tóm, cuộc tranh luận về việc ngôn sứ Êlia trở lại, cho dù được coi là đã được thể hiện nơi Gioan Tẩy Giả, được ghép rất tự nhiên vào một lời của Đức Giêsu  liên hệ đến biến cố Nước Thiên Chúa đến.

Vậy, bài tường thuật Hiển Dung đã được tháp vào đây là do nền thần học của tác giả và do cấu trúc ngài cung cấp cho tác phẩm của ngài, nhưng cũng là để làm một đoạn giải thích sự chậm trễ của Quang Lâm. Nếu như vậy,  tác giả đã thực hiện được một sự hài hoà đáng phục bởi vì câu nói về Quang Lâm của Đức Giêsu được minh hoạ và báo trước trong biến cố Hiển Dung. Sự xuất hiện của Êlia được nhắc đến trong biến cố này, gợi ra câu hỏi về vai trò của Êlia sau đó. Khi đó, viễn cảnh Quang Lâm được lặp lại, càng thêm long trọng.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Đức Giêsu đưa ba môn đệ đi (9,2a-b);

2) Đức Giêsu biến đổi hình dạng (9,2c-8);

3) Đức Giêsu truyền lệnh giữ kín những điều đã biết (9,9-10).

Một số nhà chú giải đã khám phá ra có một sự “đóng khung” vừa chính xác vừa tinh tế, ở cc. 2 và 8. Một đàng, Mc viết rằng “Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao”. Đàng khác, ông nói rằng “Các ông chợt nhìn chung quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi”: kiểu đóng khung này đã bỏ ra bên ngoài cc. 9-10 là hai câu chứa đựng hai chủ đề riêng của TM Mc, là bí mật thiên sai và sự không hiểu của các môn đệ, để nói về một mạc khải riêng cho ba môn đệ thân tín: Tác giả Mc cho hiểu rằng muốn khám phá ra chân tính của Đấng Mêsia, cần phải được dẫn nhập dần dần. Bài tường thuật Hiển Dung này như muốn là biểu tượng của cuộc dẫn nhập tiệm tiến vào mầu nhiệm Đấng Mêsia: thị kiến được dành riêng cho ba môn đệ được dẫn riêng lên một ngọn núi; lệnh truyền từ trời là hãy chỉ lắng nghe Người Con; cuối cùng, lệnh truyền giữ kín mạc khải này.

3.- Vài điểm chú giải

Sáu ngày sau (2): Toàn bài gợi tới Xh 24. Cũng như Môsê, Đức Giêsu lên núi với ba bạn đồng hành nêu rõ tên (Xh 24,1.9). Tới ngày thứ bảy, Thiên Chúa nói với Môsê; qua sáu ngày, Đức Giêsu lên núi và có tiếng Thiên Chúa phán. Tác giả Riesenfield nhấn mạnh tới chi tiết “sáu ngày sau” mà cho rằng đấy là biến cố Đức Giêsu tỏ mình ra là Đấng Mêsia (truyền thống dành ngày thứ bảy để tưởng niệm Thiên Chúa đăng quang làm vua). Đám mây, cũng giống như trong Xh 24,16t, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.

– Một ngọn núi cao: Ta không thể xác định đây là ngọn núi nào, nhưng nó có thể gợi tới núi Sinai (theo Xh 24). Ngọn núi là nơi có các cuộc thần hiển: Thiên Chúa nói với Môsê trên núi (Xh 24,15tt); Ngài tỏ mình ra với Êlia trên núi (1 V 19,8).

Người biến đổi hình dạng: Không có kinh nghiệm nào trong quá khứ, dù là kinh nghiệm của Môsê ở trên núi Sinai, có thể giúp hình dung sự biến đổi hình dạng của Đức Giêsu ở đây. Điều đặc biệt là khi Người ở trong vinh quang thiên quốc, các môn đệ vẫn nhận ra Người. Đức Giêsu có “y phục rực rỡ, trắng tinh không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (c. 3). Thật ra đây là một “ánh sáng chói lọi”, là màu sắc của những thực tại thiên quốc và cánh chung. Cuộc Hiển Dung không phải là kết quả của một nỗ lực con người, nhưng là một biến cố được mô tả theo dạng thái bị động (c. 2: metemorphôthê, aorist passive) để cho thấy rằng Thiên Chúa là Đấng hành động một mình trong biến cố này.

Thấy ông Êlia cùng ông Môsê (4): Theo truyền thống, Môsê có vai trò rất quan trọng trong lịch sử dân Chúa. Thứ tự Êlia–Môsê của riêng tác giả Mc tương ứng với vị trí quan trọng hơn mà Êlia có trong TM II. Ngoài ra, ông còn là một dung mạo mang tính khải huyền và thiên sai hơn Môsê. Tuy nhiên, c. 5, với tên Môsê ở trước, ta nhận ra dấu vết của truyền thống mà Mc chưa xóa đi. Dù sao, sự xuất hiện của hai ông chứng tỏ “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Hai ông xuất hiện vừa cho thấy Đức Giêsu hiệp thông với thiên giới, vừa giới thiệu với tư cách và số phận của Người.

– Đàm đạo với Đức Giêsu: Mc không cho biết đề tài cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu với Êlia và Môsê.

– Chúng con xin dựng ba cái lều (5): Khi ba nhân vật thiên giới đàm đạo với nhau, ba tông đồ, những con người “phàm phu tục tử”, ở cách xa. Do đó, khi ngỏ lời với Đức Giêsu mà chỉ thưa Người là “Thầy” (rabbi) và đề nghị được dựng ba lều, Phêrô đã chứng tỏ sự ngỡ ngàng hụt hẫng của mình. Đề nghị của Phêrô là nhắm duy trì hoàn cảnh các ông đang trải nghiệm. Tuy nhiên, ta chỉ hiểu được đề nghị này nếu ta đặt nó vào trong khung cảnh lịch sử của Lễ Lều. Lễ này kéo dài kỷ niệm 40 năm dân Israel đã sống trong sa mạc, dưới lều, để phụng sự Đức Chúa (Yhwh), và được Ngài che chở (đám mây sáng). Nhân danh  dân tộc mình, Môsê đã yêu cầu vua Pharaô để cho dân đi vào sa mạc để có thể cử hành lễ mừng Đức Chúa. Lễ này có thể trùng hợp với cuộc thần hiển tại núi Sinai, nhưng thật ra, nó bao trùm những năm dài trước khi vào Đất Hứa. Người Do-thái đã ghi giữ rồi nhớ nhung đời sống du mục này và đã kết tinh nó vào Lễ Lều, kéo dài một tuần, để kết thúc chu kỳ Lễ Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Trong Do-thái giáo hậu lưu đày, Lễ này có chứa nỗi niềm chờ mong Đấng Mêsia.

Thật ra, vì mối bận tâm của Mc là cho thấy hành trình đức tin của các môn đệ, nên đề nghị này của Phêrô chứng tỏ ông không hiểu gì (tương tự ở 8,32t): Do muốn duy trì niềm hạnh phúc thiên giới, ông lại đang muốn tránh những đau khổ chắc chắn phải đi vào.

– Kinh hoàng (6): Tác giả đã nhận định: “Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng” (9,6; xem 14,40: tình trạng ngây dại ở vườn Ghếtsêmani). Sự kinh hoàng này (tương tự sự kinh hoàng của các phụ nữ khi sứ thần hiện ra tại mộ, x. 16,5-8) chứng tỏ các ông khó mà hiểu, thậm chí không thể hiểu, tầm mức thiên sai của những lời nói và hành vi của Đức Giêsu. Phêrô đã minh giải sai cuộc tỏ mình của Đấng Mêsia trên núi; tất cả những gì ông có thể nói ra đều mang vẻ ngờ nghệch vì ông kinh hãi trước sự đột nhập của thế giới thần thiêng. Và khi Mc ghi nhận ở c. 8 rằng “các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi”, ta lại không nghe ra như một lời  trách nhắm đến đến các tông đồ là đã không biết tiếp tục dựa vào lòng tin mà nhìn ra Đức Giêsu vẫn không ngừng sống cùng các thánh của Cựu Ước và sống trong tình thân thiết với Cha Người đó sao? Khi cũng những vị tông đồ này tự hỏi câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì, thì đây không phải hỏi về một vấn đề tín điều (bởi vì đây là một tín điều được mọi người, trừ phái Sađốc, chấp nhận), nhưng là băn khoăn về Đức Giêsu: Các ông đang vấp phạm vì cái chết mà Đức Giêsu sẽ phải đi qua. Chẳng phải là Đấng Mêsia sẽ được cất lên trời như Êlia, như Môsê sao? Chẳng lẽ Người lại phải xuống cõi chết trước khi sống lại? Mc đã nêu bật sự tăm tối của các tông đồ dọc theo tác phẩm của Người (x. 4,13.40-41; 6,50-52; 8,17-21; 9,32; 10,24.26.32.38).

Từ đám mây (7): Đám mây là tấm phông trên đó Đức Giêsu biến đổi hình dạng, từ đó Êlia và Môsê đi ra để nói chuyện với Đức Giêsu và từ đó tiếng Chúa Cha phát ra; Êlia và Môsê lại biến mất vào đó, và cùng với đám mây, cũng biến mất vinh quang của Đức Giêsu. Như trong cuộc Xuất hành, đám mây tượng trưng sự hiện diện gần kề của Thiên Chúa. Đám mây này là tấm màn ngăn cách một thời gian nữa những thực tại trần thế với những thực tại biên giới. Đám mây này đã xé ra khi Đức Giêsu đến thế gian và nhận phép rửa. Đám mây này là nơi Đấng Phục Sinh biến mất vào hôm sau ngày sống lại và theo lời sấm Đanien; trên đám mây này, Đức Giêsu sẽ tái hiện vào thời tận thế để quy tụ những kẻ được tuyển chọn.

– Đây là con Ta yêu dấu (7): Sự xuất hiện của đám mây và tiếng nói của Thiên Chúa vừa giải nghĩa cuộc Hiển Dung vừa trả lời cho phản ứng của Phêrô.

So với Lời nói tại Phép Rửa (1,11), lời công bố này không thêm gì mới về Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và Đấng Mêsia, nhưng lời này đưa lại một điều chỉnh quan trọng cho lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (8,29). Vị tông đồ chỉ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia; Trời Cao chứng thực Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Nếu thị kiến về Đức Giêsu hiển dung giới thiệu trước vinh quang của Đức Giêsu vào ngày Phục Sinh và ngày Quang Lâm, Tiếng Nói lại chứng thực Đức Giêsu là Con luôn sống thân thiết với Chúa Cha và gợi ý rằng Người đã có từ  muôn đời (tiền hữu). Lời gửi gắm cuối cùng đã đẩy cuộc truyện trò của Êlia và Môsê vào hàng thứ yếu; kể từ nay chính Đức Giêsu là Đấng duy nhất mà các tín hữu phải lắng nghe; Người là Đấng trung gian duy nhất của Giao Ước Mới trong đó Êlia, Môsê và tất cả các ngôn sứ được tham dự vào.

– Truyền cho các ông không được kể lại (9): Đây là lệnh im lặng cuối cùng trong Mc, lệnh này có mộtý nghĩa căn bản cho cả các lệnh khác với cùng mộtgiới hạn về thời gian. Bằng c. 9 này, tác giả hướng bài tường thuật Hiển Dung về Phục Sinh: bài tường thuật như thế nối kết số phận của Đức Kitô và lời loan báo về Triều Đại Thiên Chúa. Những gì ba môn đệ đã thấy trên núi làm cho các ông thành những người được nhận trước sự hoàn tất của lời hứa 9,1. Sau lệnh của Đức Giêsu, tác giả dừng lại với môn đệ. Các ông tuân giữ lệnh truyền (ton logon ekratêsan cũng có thể có nghĩa là là “ghi nhớ ký ức”, theo kiểu nói La-tinh [memoria] tenere), nhưng tranh luận xem “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì, chắc chắn theo nghĩa là “cuộc sống lại của Đức Giêsu”.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu đưa ba môn đệ đi (2a-b)

Cuộc Hiển Dung lại là mộttruyện nữa trong đó Đức Giêsu đưa riêng ba môn đệ chọn lọc là Phêrô, Giacôbê và Gioan đi (x. chữa con gái Gia-ia, 5,35-43). Người chọn mộtquả núi cao, biểu tượng của tình trạng gần gũi với Thiên Chúa; Người chọn sự cô quạnh và biệt lập. Đức Giêsu đưa các môn đệ đi xa cuộc sống hằng ngày xô bồ náo nhiệt. Điều mà các môn đệ phải hiểu là một điều hoàn toàn lạ thường, nhưng không có gì là ngoạn mục hoặc gây cảm giác mạnh. Hoàn cảnh mà Người chọn và bố trí cho thấy rằng Người không muốn tạo ra một ấn tượng tức thời và hời hợt trên mộtđám đông, nhưng Người muốn biến đổi một vài người cách sâu xa và bền vững. Chỉ bằng cách để cho mình được dẫn vào nơi cô tịch và đến gần Thiên Chúa, ba môn đệ mới ở trong môi trường thuận lợi mà bước mộtbước quyết liệt đến chỗ hiểu biết mầu nhiệm bản thân Đức Giêsu.

* Đức Giêsu biến đổi hình dạng (2c-8)

Đức Giêsu đã biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Những gì xảy ra trên núi là nhắm cho các ông, chứ không phải cho Người. Bây giờ các ông hiểu rằng phương diện quan thuộc của con người trần thế nơi Đức Giêsu không diễn tả hết thực tại của Người; họ cũng nhận thấy rằng Người không bị giam hãm trong các giới hạn của thực tại trần thế. Đàng sau phương diện nhân loại trần thế của Đức Giêsu, có ẩn giấu thực tại thần linh siêu phàm của Người. Ở đây không những các giới hạn của thực tại trần thế bị vượt qua, mà cả những ranh giới của thời gian cũng bị vượt qua. Bên cạnh Đức Giêsu, xuất hiện Êlia và Môsê, hai gương mặt nổi bật trong lịch sử dânIsrael. Các ngài tượng trưng cho sự ân cần của Thiên Chúa đối với dân (Môsê) và cuộc tranh đấu của Ngài cho dân (Êlia). Sứ mạng và nhiệm vụ của Đức Giêsu được ví với sứ mạng và nhiệm vụ của hai ngài. Hai ngài là những vị báo trước Đức Giêsu. Sự kiện Đức Giêsu ở giữa hai ngài và hai ngài thưa chuyện với Đức Giêsu cho ba môn đệ một bằng chứng nữa để có thể nhận biết Đức Giêsu là ai: Người thuộc về thế giới của Thiên Chúa. Nhưng Người cũng thuộc về lịch sử của dânIsraelđược Thiên Chúa hướng dẫn. Người sẽ phải đưa sứ mạng của Môsê và Êlia đến chỗ hoàn tất. Tiếng Nói từ trời với các môn đệ xác nhận điều này. Ngoài lời tuyên xưng của Phêrô đã nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô (8,29), bây giờ các môn đệ còn hiểu Đức Giêsu có quan hệ thế nào với Thiên Chúa. Đồng thời, các ông cũng hiểu hậu quả của quan hệ này đối với các ông: vì Người là Con Thiên Chúa, các ông phải vâng nghe lời Người. Tương quan của Đức Giêsu với loài người tùy thuộc quan hệ của Người với Thiên Chúa.

Sau khi đã mạc khải rằng Đức Giêsu là Con yêu dấu, rằng Đức Giêsu không chỉ là tôi tớ, mà ở trong mộttương quan về nguồn gốc và bình đẳng do bản chất, Thiên Chúa còn tuyên bố về tình yêu đối với Người. Đây là bí mật đích thực của Người mà bây giờ ba môn đệ được chính Thiên Chúa đưa vào. Đức Giêsu không chỉ biết Thiên Chúa xa xa là Chúa tể, như Môsê và Êlia biết, nhưng biết Thiên Chúa như là Cha, trong mộttương quan gần gũi và thân tình nhất. Bởi vì chúng ta không thể trực tiếp có mộttương quan gần gũi với Thiên Chúa hơn và cũng không thể có mộtsự hiểu biết cao sâu hơn về Thiên Chúa, Đức Giêsu Đấng giúp chúng ta có sự hiểu biết tối hậu và vĩnh viễn về Thiên Chúa (x. Ga 1,18; Mc 12,6). Cho tới nay,Israel đã nghe lời Môsê và Êlia, bây giờ họ phải nghe lời Đức Giêsu.

Cuộc Hiển Dung là mộtđỉnh cao trong mạc khải về Đức Giêsu. Ở đây, Người tỏ mình ra cho các môn đệ trong thực tại siêu phàm của Người, trong quan hệ của Người với lịch sử Israel, trong tương quan của Người với Thiên Chúa. Các môn đệ đã nhận được mạc khải sâu xa nhất và quan trọng nhất về Đức Giêsu. Ta chỉ hiểu được sự vĩ đại và sâu thẳm của mạc khải này trong mức độ ta hiểu Thiên Chúa là ai: chỉ từ điểm này ta mới có thể hiểu nội dung của những điều sau đây: Thiên Chúa tự mạc khải ra như là Cha, đầy tình yêu, của Đức Giêsu; Đức Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa; trong lời nói và hành động của Đức Giêsu, tình yêu từ phụ của Thiên Chúa được tỏ bày ra. Các môn đệ đã biết tất cả những điều đó trong cuộc Hiển Dung.

* Đức Giêsu truyền lệnh giữ kín những điều đã biết (9-10)

Sau mạc khải ấy, Đức Giêsu truyền các môn đệ giữ im lặng. Họ còn cần có thời gian và phải tham dự vào cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, trước khi có thể hiểu được bản chất đích thực và ý nghĩa của tư cách Con Thiên Chúa của Người. Khi đó, họ sẽ không được thinh lặng nữa, trái lại họ phải đi làm chứng công khai.

+ Kết luận

Nơi Đức Giêsu, các môn đệ được nghe lời của Con Thiên Chúa. Các ông sẽ ghi nhớ những lời Người nói về những đau khổ đưa đến vinh quang (8,31-9,1) và sẽ nghiền ngẫm những chặng đường mầu nhiệm của ơn cứu độ mà Đức Giêsu mạc khải cho các ông (9,9-13). Lời nói trong ánh sáng này lại không phải là dấu chỉ mà từ bao đời, dân tộc Do-thái và toàn thể nhân loại vẫn mong chờ, để đạt được cùng đích vận mệnh của mình sao?

5.- Gợi ý suy niệm

1. Những hoàn cảnh và điều kiện trong đó xảy ra mạc khải cho ba môn đệ cũng có mộtý nghĩa cho việc chúng ta gặp gỡ riêng tư với Đức Giêsu và với Thiên Chúa: phải tách ra khỏi cuộc sống xô bồ, náo nhiệt, và phải để cho Đức Giêsu hướng dẫn. Khi đó, chúng ta lại được nghe Thiên Chúa giới thiệu Đức Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Người không phải là Con Thiên Chúa  theo bất cứ kiểu nào, nhưng là Người Con duy nhất có trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa là Cha Người.

2. Bên cạnh Đức Giêsu, có Môsê và Êlia. Xuyên qua sự hiện diện của hai nhân vật này, Đức Giêsu đi vào để thuộc về lịch sử cuộc quan hệ giữa Thiên Chúa Israel với dân Người. Đức Giêsu không chỉ là mộtnhà trừ quỷ hoặc mộtthầy chuyên làm phép lạ. Sự hiện diện của hai nhân vật đã tạo những hướng đi quan trọng trong lịch sử dân Israel nêu bật rằng Đức Giêsu đã đến nhân danh Thiên Chúa để tiếp tục công trình của hai ngài.

3. Cần phải suy nghĩ kỹ hơn về hậu quả giữa quan hệ của Đức Giêsu với Thiên Chúa và ý nghĩa của quan hệ này đối với chúng ta. Càng dành thì giờ thờ phượng, chúng ta càng hiểu sâu thêm về thực tại “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa”, khi đó, chúng ta cũng nhận ra những hậu quả của thực tại này đối với chúng ta. Chúng ta phải “vâng nghe lời” Người và không được phép im lặng nữa. Chúng ta sẽ phải ra đi mà làm chứng.

4. Ma quỷ quả có hô to chân tính của Đức Giêsu, nhưng không rút ra được bất cứ hệ quả nào cho những người đang nghe chúng. Còn ở trên ngọn núi này, lời khẳng định và lệnh truyền của Chúa Cha đi đôi với nhau. Chỉ có ai vâng theo mệnh lệnh thì mới nhìn nhận thật sự lời khẳng định và mới bắt đầu ở trên đường đưa tới chỗ hiểu lời này trọn vẹn hơn. Lệnh Đức Giêsu cấm các môn đệ nói về điều vừa thấy (9,9) cho hiểu là mọi điều đó vẫn còn nguyên giá trị, nhưng nói ra bây giờ thì còn quá sớm. Từ đó, ta hiểu rằng các tiếng la của ma quỷ hoàn toàn sai chỗ và quá sớm, và chỉ có thể gây khó khăn thêm cho việc hiểu biết Đức Giêsu cách đích thực.

 


[1] Bản văn Tin Mừng do nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển ngữ