Lý Học Về Thượng Đế: Tự Do Và Vấn Đề Thượng Đế

0
3705


LÝ HỌC VỀ THƯỢNG ĐẾ

(THẦN LUẬN HAY THƯỢNG ĐẾ LUẬN)

Lm. G.B. Nguyễn Đăng Trực, OP.

***

***

CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT VỀ THƯỢNG ĐẾ

MỤC IV: TỰ DO VÀ VẤN ĐỀ THƯỢNG ĐẾ

 

Con người hiện đại là con người say mê tự do. Và tự do đã trở thành một thách đố quyết liệt đối với sự hiện hữu của Thượng Đế. Qua đó, con người hoặc tự đặt mình trong tương quan với Ngài hoặc tranh thủ chống lại Ngài.

Các triết gia hiện sinh vô thần phủ nhận Thượng Đế nhân danh sự cao cả của con người, trong đó có tự do và tự chủ. Đối với Jean Paul Sartre: Nếu Thượng Đế hiện hữu thì con người không thể có tự do: con mắt của Thượng Đế sẽ theo dõi họ khắp nơi, xét hỏi, buộc tội, xâm phạm đời tư và tiêu hủy tự do. Nếu Thượng Đế hiện hữu thì con người là hư vô, nhất thiết chỉ có một bên hiện hữu.

Đối với Merlean Ponty: cái tuyệt đối đè bẹp cái tương đối, như thế trước mặt Thượng Đế, con người trở nên vô nghĩa: phẩm giá, tự do, trách nhiệm chỉ còn là hư vô. Đối với Francis Jeanson: rõ ràng Thượng Đế và con người, sáng tạo và tự do là những từ ngữ loại trừ nhau. Đối với Camus, ưu phẩm có tính cách thần linh nơi con người chính là sự độc lập tuyệt đối. Thực ra các chủ trương trên chỉ là tổng hợp và lập lại ý tưởng của Marx, Nieizsche mà thôi. Tuy nhiên phải đợi đến J. P. Sartre, những ý tưởng kia mới được trình bày một cách thấu đáo và hệ thống hơn. Do đó, chúng ta lấy quan điểm của Sartre về tương quan giữa con người và Thượng Đế, thông qua tự do để tìm hiểu.

Sartre chối bỏ Thượng Đế nhân danh sự tự do của con người. Để con người hiện hữu thì Thượng Đế phải không hiện hữu. Nếu Thượng Đế hiện hữu thì con người không thể có tự do. Theo ông sự cao cả của hiện sinh con người thể hiện trong sự tự do tuyệt đối. Bằng tự do này, con người mới có thể tạo nên ý nghĩa và giá trị cho đời mình.

Sartre ý thức rõ ràng rằng nếu có Thượng Đế thì con người không phải là tuyệt đối, vì ông quan niệm con người như là một tuyệt đối nên ông mới chủ trương: “hiện sinh chủ nghĩa là một nhân bản chủ nghĩa”, nghĩa là hiện sinh của ông chỉ nhận có con người thôi, không thể công nhận có Thượng Đế. Đó là ý tưởng sau cùng của chữ “nhân bản chủ nghĩa” của J. P. Sartre. Chúng ta biết Sartre đã đặt vấn đề thế này: Nếu có Thượng Đế, tất phải nhận là Ngài đã tác thành nên tôi, khi đó tôi là một sản phẩm của Ngài, cũng như con dao rọc giấy là sản phẩm của người thợ. Ý của Sartre muốn nói là trước khi con dao rọc giấy được chế tạo ra thì người thợ đã phải hình dung về con dao đó: ông xác định bản chất, công dụng của nó ra sao, phương pháp chế tạo thế nào? Như vậy bản chất của con dao rọc giấy đã được hoạch định theo ý người thợ, sau đó nó mới được sản xuất và hiện hữu. Lúc đó bản chất của con dao có trước hiện hữu của nó.

Sartre cho rằng một lầm lẫn quan trọng là cho bản chất sự vật có trước hiện hữu, sau đó tuyệt đối hóa tình huống này và mở rộng đối với con người, rồi khẳng định nơi con người bản chất cũng có trước hiện hữu. Như vậy là hoàn toàn muốn đưa con người xuống vị trí ngang hàng với sự vật. Không thể chấp nhận được. Sartre cho rằng chỉ có chủ nghĩa hiện sinh với đề xướng hiện hữu có trước bản chất mới bảo vệ được địa vị cố hữu của con người và phân biệt rõ ràng con người với sự vật. Sự vật thì không có ý nghĩa, không có giá trị cũng không có bản chất. Bản chất của chúng là do con người ban cho. Trái lại, quan điểm hiện sinh của ông là: nơi con người, hiện hữu có trước bản chất, từ đó xây dựng nên khái niệm tự do của con người. Theo ông, tự do của con người không phải là tính chất nào đó của hiện hữu mà là bản thân hiện hữu. Con người là tự do. Không phải là con người trước tiên hiện hữu, rồi sau đó mới trở thành tự do, hiện hữu của con người và “họ là tự do” giữa hai điều này không có sự khác nhau. Như thế tự do của con người có trước bản chất của con người và bản chất ấy xuất phát từ sự sáng tạo tự do của con người.

Sartre cho rằng chủ nghĩa hiện sinh khẳng định sự hiện hữu của con người có trước bản chất nhằm nhấn mạnh tính năng động, và tính sáng tạo của con người và khuyến khích con người không ngừng tích cực đi lên. Trước mặt con người lúc đó, ngỗn ngang những khả năng tính, cuối cùng con người trở thành một con người như thế nào là do họ quyết định, thiết kế, bàn tính, lựa chọn, đào tạo bản thân mình. Sự khác nhau quan trọng giữa người và vật chỉ là ở chỗ con người là một hữu thể không ngừng tự mình thiết kế, tự mình trù tính, tự mình lựa chọn, tự mình tạo ra. Tựu trung vấn đề mà Sartre đặt ra trước lương tâm con người là vấn đề tự do và tự chủ. Từ đó mục tiêu hướng tới của Sartre là phủ nhận vai trò thống lĩnh của Thượng Đế. Ông cho rằng tự do của con người là tuyệt đối, nên không có một năng lực nào bên ngoài hay cao hơn để con người có thể lấy làm tiêu chuẩn và nương tựa vào. Không ai yêu sách con người trở thành một cái gì khác nó. Trách nhiệm nằm ngay trên đôi vai vuông vắn của mỗi người. Vì vậy Sartre cho rằng không thể có Thượng Đế được, vì chỉ như thế mới mong tự do của con người thật là tự do, nghĩa là một thứ tự do sáng tạo và làm chủ mọi giá trị. Chỉ có hữu thể vị thân (being for itself) mới có thứ tự do ấy. Trong kịch bản “ma quỷ và Thượng Đế”, Sartre đã xây dựng nên một nhân vật chính với những đặc điểm như sau: người đó không tin có Thượng Đế, không phục tùng bất cứ một sức mạnh nào khác, chỉ làm việc mà người đó quen làm, lúc thì ông ta đốt phá, cướp bóc, lúc lại động lòng thương hay khẳng khái, nhân từ. Nhưng tất cả những điều đó đều xuất phát từ sự lựa chọn của chính ông ta. Sartre coi nhân vật này là hóa thân của con người tự do.

Thực ra, tự do con người không thể là tuyệt đối. Ngay nơi tự do đó đã có một sự tự hạn định vì chính cuộc sống con người không thể ở mãi trong trạng thái bất quyết. Cuộc sống buộc phải quyết định bằng một chọn lựa đặc thù, khi đó tự do đã tự giới hạn mình lại. Chẳng vậy sẽ là từ khước chính cuộc sống của mình. Một hữu thể tự do lại bị buộc phải sử dụng tự do của mình. Đặt tự do làm tuyệt đối là mâu thuẫn tự trong từ ngữ.

Lại nữa, một hữu thể tự do phải chọn lựa thì sự chọn lựa này không thể tùy tiện, ngẫu hứng hoặc không theo một tiêu chuẩn nào. Vì đây là một con người thể hiện mình khi chọn lựa, một con người có lý trí do đó việc chọn lựa phải do sự thúc đẩy của một điều gì hữu lý, xứng đáng là của con người. Nó mang lại cho tự do con người một nội dung và một tính cách biệt loại cần thiết. Lý trí chính là quy phạm nền tảng của con người.

Điều này phù hợp với quan điểm của thánh Toma. Đối với Ngài, lý trí và ý chí là hai tài năng chị em của tâm hồn. Ý chí lấy thông tin nó cần từ lý trí để đưa ra quyết định hợp lý. Đó là lý do thánh Toma gọi là những quyết định khôn ngoan (intelligent decisions) và cũng là lý do tại sao Toma gọi ý chí là khát vọng có trí tuệ (intellectual appetite) (S.I.Ia, Q.19, a.1).

Năm 2004, Hồng Y Dulles, trong một bài thuyết trình, Ngài kêu gọi người Công giáo phải sống và cổ võ cho một khảo hướng tích cực về tự do. Không phải chỉ có thứ tự do muốn thoát khỏi (freedom from) mọi ràng buộc, như thoát khỏi ràng buộc luân lý, không lệ thuộc bất cứ chuẩn tắc nào: tự do trong tương quan tính dục, tự do phá thai… Thứ tự do thoát khỏi này tức khắc lại rơi vào thứ nô dịch khác là những cặn bả của xã hội như ma túy, bất công, khủng bố. Ngoài thứ tự do tiêu cực, Ngài nhấn mạnh tự do tích cực, tự do đạt tới những điều tốt đẹp, những giá trị cao quý xứng với bản chất con người (freedom for).

Lại nữa, theo Tin Mừng, tự do không thể tách khỏi sự giải phóng. Tự do là một giá trị thánh thiêng “chính để chúng ta được tự do mà Đức Kito đã giải thoát chúng ta” (Gal 5,1). Là kế hoạch của Thiên Chúa đối với con người: “Hãy nhớ anh em được kêu gọi để sống tự do” (Gal 5,13) vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống trong tự do. Tự do trở thành ngẫu tượng khi tách tự do ra khỏi sự giải phóng. Tự do mà không có giải phóng chỉ dẫn đến cá nhân chủ nghĩa, loại bỏ tha nhân như những kẻ làm vướng víu tự do của mình.

Thực vậy, quan điểm tự do tuyệt đối kiểu Sartre tạo nên quan hệ giữa người và người một mối quan hệ nô dịch. Theo quan niệm của ông, mỗi cá nhân đều xuất phát từ tính chủ quan của mình để xem xét tha nhân, luôn luôn coi mình là chủ thể và coi tha nhân là đối tượng, như một sự vật để mình xem xét chứ không phải một chủ thể ngang hàng với mình. Điều đó có nghĩa là giữa các cá nhân đều thay nhau coi mình là chủ thể và coi tha nhân là đối tượng. Ta không thể khi coi mình là chủ thể, cũng coi tha nhân là chủ thể. Tha nhân luôn luôn là đối tượng ý hướng chuyển dịch đi theo ta, như một nô lệ tính. Như thế, trong con mắt của mình, tha nhân là nô lệ của mình. Ngược lại, trong con mắt tha nhân, mình sẽ bị biến thành nô lệ. Phát xuất từ quan điểm đó, có lần Sartre đã mượn lời nhân vật nào đó nói ra khẩu hiệu: giữa con người với người “đều là đao phủ”. Theo Tin Mừng không thể có tự do đích thực nếu không muốn kẻ khác cũng được tự do. Được giải phóng trước hết có nghĩa là ra khỏi khuynh hướng bản năng, đặt mình là chủ thể tuyệt đối còn kẻ khác là đối tượng như là một nô lệ tính. Do đó giải phóng dẫn tới liên đới, là nối kết các tự do cá nhân lại để tất cả được tự do trong tình liên đới. Chỉ có sự liên đới mới cho phép con người tự do. Đức Jesu chính là mô hình tự do đích thực.

Sau cùng, Sartre loại bỏ Thượng Đế để mình được tự do tuyệt đối là do những hình ảnh sai lạc của ông về đấng sáng tạo. Ông lấy kinh nghiệm làm thợ để phóng chiếu lên hoạt động sáng tạo của Thượng Đế. Thực ra việc chế tạo đưa đến một vật đã hoàn tất (tout fait), còn sáng tạo đối với Thiên Chúa vẫn luôn luôn là một khai mở chứ không hàm ý một sự nô dịch nào. Khi con người được sáng tạo với tặng phẩm tự do thì chẳng khác gì Thiên Chúa tự thu mình lại để con người được tự do hiện hữu.

Hơn nữa, một chuyện tưởng chừng không tin nổi là dân Hy Bá thoạt đầu đã không chú ý đến Thiên Chúa như là một đấng sáng tạo. Khuôn mặt Thiên Chúa được mạc khải cho họ trước tiên là khuôn mặt của Đấng đã can thiệp vào lịch sử của họ để giải phóng họ khỏi kiếp tôi đòi. Kinh nghiệm quan trọng đầu tiên của họ về Thiên Chúa là kinh nghiệm về một đấng giải phóng. Mãi về sau họ mới hiểu rõ rằng: cũng một quyền năng giải phóng ấy, đồng thời cũng chính là khởi nguồn (sáng tạo) của tất cả những gì hiện có.

Thiên Chúa giải phóng cũng là Thiên Chúa sáng tạo, như thế mục tiêu sáng tạo không thể mang ý nghĩa nô dịch như J. P. Sartre đã nghĩ.