Lý Học Về Thượng Đế: Những Chứng Cứ Về Sự Hiện Hữu Của Thượng Đế

0
3306


LÝ HỌC VỀ THƯỢNG ĐẾ

(THẦN LUẬN HAY THƯỢNG ĐẾ LUẬN)

Lm. G.B. Nguyễn Đăng Trực, OP.

***

***

CHƯƠNG II: NHỮNG CHỨNG CỨ VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THƯỢNG ĐẾ

MỤC I: Ý NGHĨA VÀ TẦM MỨC NHỮNG LÝ CHỨNG

 

Điều lưu ý trước khi bước vào vấn đề chứng cứ để giải quyết có Thượng Đế là xác định ý nghĩa và tầm mức của những chứng cứ trong môn học này.

Mục tiêu của môn học này là tìm đến chính thực tại làm nền tảng cho sự hiện hữu các sự vật trong vũ trụ khả giác này. Sự tìm kiếm cuối cùng phải dẫn chúng ta tới khẳng định sự hiện hữu về một thực tại tối hậu và chỉ có thực tại này mới có khả năng giải thích thỏa đáng cái lý hữu (lý do hiện hữu) của mọi hữu thể trong vũ trụ là những hữu thể tự chúng không có lý do hiện hữu.

I. CHỨNG CỨ KHOA HỌC THỰC NGHIỆM VÀ CHỨNG CỨ NGŨ ĐẠO

+  Chứng cứ khoa học thực nghiệm

Khi minh chứng một sự kiện, các khoa học thực nghiệm như vật lý học, hóa học hay địa chất học, v.v… sử dụng những chứng cứ thực nghiệm bằng cách qui chiếu về một kinh nghiệm giác quan nào đó. Châm ngôn của ngành thực nghiệm là thấy mới tin (seeing is believing), niềm tin đó phải dựa trên kinh nghiệm giác quan nghĩa là dựa trên sự kiện thực nghiệm (empirical fact). Khoa học thực nghiệm chỉ dừng lại ở những sự kiện thuần túy thuôc lãnh vực khả giác, không quan tâm tới những khía cạnh khác của dữ kiện như những giá trị, ý nghĩa… của các sự kiện đó.

+  Chứng cứ Ngũ đạo

Trong khi đó chứng cứ về sự hiện hữu của Thượng Đế trong ngũ đạo của thánh Toma cũng khởi đi từ những quan sát thực nghiệm nhưng không dừng lại ở những sự kiện thuần túy như những khoa học thực nghiệm mà tiến xa hơn để vươn tới thực tại làm nên cái lý hữu của những sự kiện đó nữa. Nói cách khác, những chứng cứ về sự hiện hữu của Thượng Đế trong ngũ đạo thánh Toma dựa trên kinh nghiệm toàn diện trong đó do đòi hỏi của lý tính con người được mời gọi vươn xa hơn những dữ kiện thuần túy và kinh nghiệm thực nghiệm để tìm đến thực tại tối hậu uyên nguyên, làm nền tảng cho mọi thực tại trong vũ trụ. Tuy nhiên vẫn phải chân nhận tính cách chính xác, chắc chắn và hữu hiệu của những chứng cứ khoa học thực nghiệm cho dù phạm vi của chúng hạn hẹp và không bao hàm được tất cả mọi thực tại.

II. CHỨNG CỨ TOÁN HỌC VÀ CHỨNG CỨ NGŨ ĐẠO

+  Chứng cứ toán học

Một loại chứng cứ khác lại thuộc lãnh vực tư duy thuần túy: chứng cứ toán học. Tiến trình tư duy trong toán học hoàn toàn khép kín trong trí năng nhà nghiên cứu, nghĩa là khởi đi từ một ý niệm (giả định) rồi kết thúc cũng bằng một ý niệm (kết luận). Toán học không tiếp cận tới chính thực tại. Nói như thế không có nghĩa là toán học không được vận dụng để xây dựng những công trình phúc lợi cụ thể như những chiếc cầu hiện đại, những máy vi tính tối tân và những thực tại rất thật trong cuộc sống. Xét về cơ bản, toán học đề cập đến những gì có thể tưởng tượng được nhưng chúng lại không hiện hữu trong thực tế. Không ai chế tạo được hình tam giác mà EUCLID đã tưởng tượng: một mặt hình siêu phẳng (mọi mặt hình thực tế luôn lòi lõm (bumps and hollows) với ba cạnh thẳng nhưng lại thiếu bề dày (không một đường thẳng thực tế nào mà không có bề dày). Hiển nhiên toán học có thể được vận dụng để thiết kế những chiếc cầu hiện đại và những thành phần chiếc cầu có thể được thiết kế theo những hình tam giác hay những hình cung dựa theo kỹ thuật và nét thẩm mỹ đương đại. Tuy nhiên chúng đã được điều kiện hóa khi được áp dụng vào thực tế. Lại nữa, toán học cũng nghiên cứu bản chất các con số nhưng những con số thuần túy không hiện hữu ngoài toán học, thực tế chỉ có những cái gọi là 2 hòn đá, 5 hòn bi… hiện hữu trong hiện thực. Chúng cũng được điều kiện hóa.

+  Chứng cứ Ngũ đạo

Trái lại, những chứng cứ về sự hiện hữu của Thượng Đế trong ngũ đạo thánh Toma không khởi đi từ những ý niệm hay chỉ là những giả định thuần túy như trong toán học, nhưng khởi đi từ những quan sát thực nghiệm về những thực tại hiện hữu cụ thể trong thế giới khả nghiệm. Chẳng hạn, chứng cứ dựa vào trật tự vũ trụ khởi đi từ kinh nghiệm về những cơ cấu hài hòa kì diệu của vũ trụ đã được khoa học chứng nghiệm, cái mà vật lý học lượng tử ngày nay gọi là “nguyên lý vị nhân” (anthropic principle).

Lại nữa, kết luận của những chứng cứ trong ngũ đạo cũng không nhằm đưa ra những khẳng định về một chân lý thuộc lãnh vực tư duy thuần túy, nhưng nhằm khẳng định một thực tại thực hữu độc lập với tư duy con người. Chứng cứ khởi đi từ những kinh nghiệm về những thực thể hiện hữu cụ thể trong vũ trụ và kết thúc với khẳng định nhất thiết phải có một thực thể thực hữu uyên nguyên làm nền tảng hiện hữu cho mọi thực tại khả giác tạo nên mối tương quan hài hòa như khoa học đã quan sát. Nếu không có thực tại tối hậu kia thì không làm sao giải thích được cái lý hữu của các sự vật tạo nên tương quan hài hòa đó.

Hơn nữa, ngũ đạo thánh Toma đặc biệt đặt nền tảng trên nguyên lý nhân quả. Các khoa học thực nghiệm cũng vậy, đặc biệt vật lý học, hóa học, địa chất học, v.v… là những khoa học thâu thái kiến thực các sự vật qua nguyên lý nhân quả. Trong vật lý học, người ta nhận ra trọng lực là lý do hay nguyên nhân sự rơi của sự vật. Nhưng nhận thức này là nhận thức có điều kiện (knowledge THAT) vì trong môi trường vô trọng lực thì kết quả lại khác. Trái lại nhận thức của toán học là nhận thức có tính tất yếu: các góc tam giác Euclid nhất thiết là 180 độ. Bất chấp mọi khám phá của khoa học trong tương lai. Nhận thức này là nhận thức vô điều kiện (knowledge WHY). Như thế toán học sở hữu nhận thức qua các nguyên nhân nhưng với tính tất yếu. Do đó trong lãnh vực của mình, các nhà vật lý, hóa học, địa chất học phải sử dụng toán học chừng nào có thể để có được sự chính xác, chắc chắn nhất mặc dầu khi áp dụng như thế, sự chính xác đã bị điều kiện hóa.

Trái lại ngũ đạo thánh Toma hướng tới một nhận thức tất yếu vì xây dựng trên nguyên lý lý tính (the principle of rationality). “Mọi hiệu hữu đều có lý do”. Nguyên lý lý tính là một đòi hỏi căn bản thuộc về bản chất và nằm trong kinh nghiệm của con người, từ bác nông dân thất học đến các triết gia uyên bác đều phải vận dụng nguyên lý này. Là yếu tố sống còn của cuộc sống. Mặc dù việc nhận thức lý tính của thực tại (rationcality of reality) có tính cách mặc nhiên. Tuy nhiên thực tế nguyên lý này lại thể hiện một chức năng tác động cơ bản nhất trong cuộc sống con người. Ngũ đạo thánh Toma không chỉ tìm đến lý do hiện hữu giữa các sự kiện, nhưng còn tìm đến chính cái lý hữu các sự kiện đó để đi đến khẳng định phải có một hữu thể mà lý do hiện hữu hệ tại chính mình. Một hữu thể như thế luôn luôn là nguyên nhân chứ không bao giờ là hậu quả của bất cứ thực tại nào khác. Tự bản chất là hiện hữu, hữu thể này không có nguyên nhân nhưng không phải là không có lý do hiện hữu. Nếu hữu thể này không hiện hữu thì nhất thiết không thể hiểu được tại sao lại có sự hiện hữu của các hữu thể tự mình không hiện hữu được.

Do đó, hữu thể này nhất thiết phải hiện hữu vô điều kiện, mặc cho những gút mắc của các khoa học thực nghiệm hay toán học hay bất cứ khoa học nào khác đưa ra phản bác. Sẽ không bao giờ có thể khám phá ra điều gì làm cho nguyên lý lý tính này trở thành vô hiệu. Cũng tương tự như không bao giờ có thể khám phá ra điều gì làm cho tam giác Euclid thôi lài 180 độ cũng như sẽ không có khám phá nào thuộc vũ trụ học, từ vật lý học, thiên văn học, đến động lực học lượng tử (quantum electro dynamics), Vật lý hạt (quarks), di truyền học hay bất cứ ngành khoa học thực nghiệm nào khác có thể ảnh hưởng tới chân lý về thực tại tối hậu, nhất thiết phải hiện hữu, hiện hữu tự thân, tự thể (per se) và làm nền tảng cho mọi hữu thể bất tất khác. Tóm lại, cũng như trong toán học có định đề toán học là nguyên lý tối cao hay cơ bản, là lý do giải thích các điều cần minh chứng trong các khoa học thực nghiệm, đối với thánh Toma cũng có định đề về hiện hữu dùng làm lý do giải thích sự hiện hữu của muôn vật thuộc thế giới khả giác này.

Như vậy ngũ đạo thánh Toma một đàng không dừng lại ở các thực tại khả nghiệm như các khoa học thực nghiệm khác; đàng khác lại có thể đạt tới được thực tại mà khoa toán học nguyên nó không có được.

Tuy nhiên, một khúc mắc được nêu lên: tất cả những nguyên tắc tri thức trong ngũ đạo thánh Toma đều thuộc loại tri thức khả nghiệm. Vậy làm thế nào đi tới Thượng Đế là hữu thể siêu việt, thực tại tối hậu được. Muốn dùng khả nghiệm để vượt qua khả nghiệm tức là muốn dùng những tri thức khả nghiệm để đạt tới Thượng Đế siêu việt là tự mâu thuẫn.

Quả thực, truyền thống Toma thường bị mang tiếng là theo khuynh hướng thực nghiệm, khác với truyền thống Âu Tinh với chủ trương “thấy trong Thiên Chúa”. Trong khi thánh Toma đề cao giá trị tri thức khả giác, đồng thời chủ trương con người có thể nhờ tri thức khả giác để đạt tới Thượng Đế.

Khi bàn về khả năng tri thức các thực tại siêu việt, thánh Toma nhắc đến hai lập trường, một của Platon và một của Aristote. Ngài viết: “Theo Platon, không những ta có khả năng tri thức những thực tại siêu việt, nhưng đó còn là những đối tượng ta tri thức trước tiên và dễ nhất. Nhưng theo ý kiến của Aristote mà ta thấy đúng với kinh nghiệm hơn, thì trong hiện trạng hiện nay ở đời này, trí năng ta có tương quan bản nhiên với những bản tính của những sự vật vật chất: bởi đó, nó không thể tri thức cái chi mà không phải quay về với giác ảnh (phantasm). Và như thế, tất nhiên theo khả năng tri thức hiện nay của ta, thì những bản thể vô chất, vì không rơi vào những giác quan và trí tưởng tượng (phantasy) của ta, cho nên ta không thể tri thức chúng cách trực tiếp và ngay từ đầu được”) S.T Ia, q.88, a.1).

Lại nữa “Vì các bản thể vô chất thuộc một trật tự khác hẳn với các niệm tính (quiddity) của sự vật vật chất, cho nên dầu trí tuệ ta có trừu xuất những niệm tính đó cách hoàn hảo thế nào đi nữa, thì chúng cũng không bao giờ đạt tới trình độ giống với bản chất vô chất. Thành thử chúng ta không thể nhờ các bản chất vật chất để tri thức các bản thể vô chất một các đích thực” (S.T Ia, q.88, a.2)

Quyết liệt hơn, ngài viết: “Các bản thể vô chất không thuộc về cùng một loại thực tại như những bản thể vật chất… Tuy nhiên, chúng cùng ở trong một loại luận lý với nhau, vì chúng cùng ở trong phạm trù bản thể, sở dĩ thế vì bản tính của chúng không phải là sự hiện hữu của chúng (thụ tạo). Còn như Thượng Đế thì không có chi chung với các sự vật vật chất, dù xét theo loại thực tại, dù xét theo luận lý, bởi vì… Thượng Đế không có ở trong một loại. Cho nên nhờ tính chất tương tự của sự vật vật chất, ta có thể tri thức một cái chi tích cực về các thiên thần, xét như cùng chung một loại, nếu không cùng chung một thứ, còn về Thượng Đế thì không có cách nào để tri thức Ngài” (S.T Ia, q.88, a.2 ad.4).

Tất nhiên chúng ta đừng tưởng thánh Toma rơi vào chủ nghĩa bất khả thi. Theo ngài,  chúng ta không có đường đi trực tiếp đến với Thượng Đế, nhưng chúng ta có lối đi gián tiếp và đó là “nhờ hiệu quả mà tri thức nguyên nhân”. Hễ có hậu quả tất nhiên phải có nguyên nhân. Sự hiện hữu của nguyên nhân có thể minh chứng bởi bất cứ công hiệu nào. Về phương diện này, thánh Toma viết: “Từ những hiệu quả không cân xứng với nguyên nhân, chúng ta không thể biết thấu triệt về nguyên nhân. Tuy nhiên từ bất cứ hiệu quả nào, chúng ta cũng có thể minh chứng là có nguyên nhân. Như vậy có thể nhờ hiệu quả mà minh chứng Thượng Đế hiện hữu, mặc dầu từ những hiệu quả ấy, chúng ta không thể biết Thượng Đế cách hoàn hảo như Thượng Đế hiện thực nơi yếu tính của Ngài” (S.T Ia, q.2, a.2, ad.3). Ngài nhấn mạnh về sự cần phân biệt: biết có Thượng Đế và biết bản tính Ngài. Thành thử sự thiếu cân đối giữa tri thức hữu hạn của ta về Thượng Đế và bản thể vô cùng của Ngài cũng không làm mất giá trị của những minh chứng của ta. Thánh Toma vừa ý thức về tính chất vô cùng siêu việt của Thượng Đế, vừa nắm chặt mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người.

Ở một nơi khác, thánh Toma còn khúc chiết hơn: “trong những lập luận đế minh chứng sự hiện hữu của Thượng Đế, chúng ta không nên lấy bản tính tức niệm tính Thượng Đế làm phương tiện… ta phải lấy hậu quả làm phương tiện, như ta thấy trong các kiểu luận chứng ‘bởi vì’ (hậu nghiệm): “Do những hậu quả như thế mà ta nhận ra ý nghĩa của danh từ Thượng Đế. Bởi vì các danh từ của Thượng Đế (Hóa Công) đều đã được đặt cho Ngài, xét theo những hiệu quả Ngài thực hiện…” (Cont. Gent I, c12).