LÝ HỌC VỀ THƯỢNG ĐẾ
(THẦN LUẬN HAY THƯỢNG ĐẾ LUẬN)
Lm. G.B. Nguyễn Đăng Trực, OP.
***
***
CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT VỀ THƯỢNG ĐẾ
MỤC III: KHOA HỌC VÀ VẤN ĐỀ THƯỢNG ĐẾ
Từ thế kỷ 19 cho tới nay đã chứng kiến một sự gia tăng nhanh chóng chưa từng thấy của tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong mọi lãnh vực. Khoa học ngày nay do được phổ biến rộng rãi nên đã trở thành một yếu tố, cốt lõi của nền văn hóa hiện đại. Thế giới ngày nay càng in đậm dấu ấn của con người. Con người đang tự tạo chính mình bằng cách biến đổi thế giới. Thế giới như một công trình vô tận của những hoạt động nhân loại. Nhiều người cho rằng vũ trụ không còn thuộc về Thiên Chúa nữa mà đang sang tay con người. Đối với một số nhà khoa học thì hoạt động khoa học đủ cho chính nó.
Tìm kiếm chân lý của thực tại là vai trò then chốt của khoa học. Nhưng khoa học có lãnh vực riêng của nó. Khoa học không thể bao trùm tất cả mọi thực tại nên chân lý nó tìm kiếm cũng chỉ nằm trong lãnh vực nó đảm lãnh.
Muốn nhận ra lãnh vực khoa học cần tìm hiểu:
I. TÍNH KHÁCH QUAN
Trước hết, khoa học đã thiết lập một lối phân tích mới về thực tại. Nó chỉ xét đến những điều có thể cân đong đo đếm được. Tính khách quan của tri thức khoa học loại trừ tất cả những cách thức lý luận trừu tượng trước đây, chỉ còn một khía cạnh duy nhất của thực tại được giữ lại, khía cạnh thuộc về lượng, có thể cân đo được. Ngay khi đó những khẳng định triết học về hữu thể, những khẳng định của niềm tin tôn giáo vì không thể kiểm nghiệm cân đo nên không được lý trí khoa học chấp nhận. Chúng được coi là những điều phi thực, ảo tưởng, và thuộc lãnh vực những mơ mộng thầm kín.
Nhà sinh vật học Franscois Jacob nói: “Điều gì không phải là thực hành khoa học thì tôi cho đó là vấn đề tùy sở thích theo chúng tôi nghĩ, ý niệm Thượng Đế không giúp ích gì cho khoa học. Nhà bác học không cần “giả thiết Thượng Đế”.
Theo đó người ta có thể đi tới những lập trường sau đây: chỉ những gì có thể thiết lập bằng phương pháp khoa học mới được gọi là đúng. Chỉ những gì có thể lãnh hội bằng giác quan hay bằng trí tuệ suy luận khoa học mới được xem là thực. Như thế những cách nhận thức khác bị phá đổ bởi não trạng duy khoa học có khuynh hướng độc quyền muốn biến mọi sự thành những điều khả dĩ thí nghiệm và kiểm chứng thực nghiệm được.
Thực ra ở tầm mức lập trường vô thần phương pháp thì thái độ này không làm cho các tín hữu ngạc nhiên. Nó là chuyện bình thường, thậm chí nó còn là điều kiện hoạt động khoa học. Vì Thiên Chúa đâu phải là một thành tố của thế giới hay sự vật giữa bao sự vật khác để rồi người ta có thể dùng những dụng cụ phân tích mà khảo sát Ngài. Ở bất cứ thời điểm nào của cuộc nghiên cứu, nhà khoa học khi bản thân ông là Kito hữu, không thể, cũng như không được nại đến khái niệm Thiên Chúa như một giả thiết cho việc tìm tòi khoa học. Nhưng với tư cách bản thân, ông được quyền suy nghĩ rằng các hiện tượng đang được nghiên cứu đó phải có một khởi nguồn siêu việt vì cho tới nay chưa có một thực tại hữu chất nào có thể biện minh lý do hiện hữu của chính mình: “Tại sao lại có cái gì chứ không phải là không có gì”. Nhưng khi suy nghĩ như thế ông đã rời bỏ lãnh vực khoa học để bước sang lãnh vực triết học hay tôn giáo.
Nhận định về khuynh hướng giản lược này, Jacques Lacourt nhận xét như sau: “giữa bản chất của bộ máy nhận thức nơi ta và cấu trúc của vũ trụ mà tâm trí của chúng ta tìm cách lãnh hội, có một sự bất tương xứng đáng kể… Hoảng hốt về tính phức tạp khôn lường của các sự kiện chúng ta đành chọn lựa trong những nghiên cứu của mình nghiêng về một chuỗi sự kiện này mà bỏ qua chuỗi sự kiện khác”.
Trên đây chúng ta đã biết về những hệ thống giản lược của Feuerbach Freud, Marx, Nietzsche, Sartre đối với nguồn gốc sự kiện tôn giáo.
Bằng cách biến đổi và chế ngự thiên nhiên, con người tự tạo chính mình, con người ngày càng cảm thấy mình là vị thần sáng tạo nên chính lịch sử của mình, và vì thế con người không còn cảm thấy cần một Thiên Chúa như phương thức vạn năng giúp chữa trị những yếu nhược của mình như trước đây nữa.
“Thói tự phụ về trí tuệ của một số nhà khoa học đã khiến họ hùng hồn tuyên bố về hồi kết của khoa học: người ta đã hiểu tất cả, chẳng còn gì để khám phá nữa. Tuy nhiên lịch sử các khoa học cho đến nay đều luôn luôn chứng tỏ rằng họ đã nhầm. Vào cuối thế kỷ 19 Lord Kelvin, nhà vật lý chuyên trong lãnh vực nhiệt động học đã lớn tiếng tuyên bố rằng: sự nghiên cứu vật lý đã hoàn tất và rằng tất cả những gì còn cần phải làm đối với các nhà vật lý thuộc các thế hệ sau là chau chuốt các phép đo và kéo dài thêm các số lẻ thập phân. Thật không có gì có thể sai lầm hơn thế, chỉ vài năm sau, thuyết tương đối và cơ học lượng tử đã làm đảo lộn vật lý học”.
Về phần mình (Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý) cho rằng, “chúng ta sẽ không bao giờ biết hết được các chân lý khi chỉ giới hạn ở con đường khoa học. Chúng ta sẽ không ngừng tiến đến gần mục đích nhưng chúng ta không bao giờ chạm được vào nó”. (Cái vô hạn trong lòng bàn tay, p.375, Trịnh Xuân Thuân).
Một lịch sử xung đột do những vấn đề chồng chéo.
Ngày nay một số tin tức có tính cạm bẫy (newshooks), hấp dẫn không cưỡng lại được ngay cả khi chúng sai hay thiếu sót hàm hồ. Chẳng hạn như cái được gọi là cuộc xung đột đương nhiên giữa khoa học và tôn giáo.
Thực ra khoa học có đối lập với tôn giáo không?
Câu trả lời lẽ thuộc phần lớn vào ý nghĩa của từ tôn giáo. Nếu tôn giáo được quan niệm như một thứ chiêm tinh học (astrology), chúng ta có thể khẳng định ngay là có sự xung đột vì khoa thiên văn học (astronomy) thực sự xung đột với tôn giáo chiêm tinh học. Thông thường sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo do sự thổi phồng hay cường điệu hóa vụ Galilée về vấn đề địa tâm (geocentricism) hay do một số luận chứng của một số Kito hữu (Công giáo hay Tin lành) về thuyết sáng tạo và thuyết tiến hóa. Thêm vào đó là các khẩu hiệu được phổ biến rộng rãi như: khoa học tiến tới đâu, Thiên Chúa lùi xa tới đó, khoa học càng tiến bộ, tôn giáo càng có vấn đề.
Tuy nhiên, những cạm bẫy về sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo có phản ảnh thực tại không?
Nhà vật lý hạt lý thuyết (theoretical particle physics) Stephen Barr trong tác phẩm “Modern physics and ancient faith” khẳng định là không. Theo ông, khoa học tự nhiên (thiên văn học, vật lý học, hóa học, sinh vật học, địa chất học) và khoa học nhân văn như nhân học, tâm lý học, triết học… có những mục tiêu riêng. Mục tiêu của khoa học tự nhiên là tìm hiểu trật tự tự nhiên của vũ trụ vật lý. Dĩ nhiên có những thực tại vượt trên trật tự tự nhiên và nằm ngoài phạm vi hoạt động của khoa học tự nhiên. Triết học và thần học có mục tiêu rộng lớn hơn nhiều. Ông cho rằng một số nhà khoa học khẳng định khoa học có thể trả lời mọi câu hỏi do con người đặt ra là phi lý. Khoa học có thể khẳng định kẻ sát nhân là sai quấy không? (luân lý). Con người có ý chí tự do không? (tâm lý)… Thế nhưng những câu hỏi này các nhà khoa học lại không thể tránh né.
Nhiều nhà khoa học vô thần tin rằng mọi tôn giáo, cơ bản hoặc là một nỗ lực của thời tiền khoa học muốn tìm hiểu hiện tượng tự nhiên qua thần thoại hoặc là một nỗ lực dựa vào pháp thuật mong đạt được một lợi ích nào đó. Và vì họ quan niệm khoa học là phản đề của thần thoại và pháp thuật, đương nhiên họ kết luận tôn giáo là phản khoa học. Tuy nhiên tôn giáo đích thực là gì thì họ tỏ ra bối rối.
Ngay khẳng định cho rằng hầu hết các nhà khoa học đều không tôn giáo. Nhưng theo sự phân tích của nhiều học giả thì điều đó có liên quan đến thái độ văn hóa (cultural attitudes) hơn là đơn thuần vì là nhà khoa học.
Cũng cần phân biệt khởi đầu của vũ trụ và nguồn gốc vũ trụ, khoa học không bao giờ trả lời được vấn nạn về nguồn gốc và câu hỏi tại sao có vũ trụ? Thậm chí Stephen Hawking cũng đã ghi nhận: “Tất cả những gì khoa vật lý lý thuyết có thể làm là cung cấp một bộ luật và phương trình để mô tả vũ trụ cách chính xác, nhưng vật lý không thể nói cho bạn tại sao có vũ trụ để các phương trình có thể diễn tả nó” (An interview with physicist Dr Stephen Barr). Khi chúng ta biết các luật căn bản của vật lý cách trọn vẹn thì chúng ta biết các biến cố khởi đầu của vũ trụ xảy ra phù hợp với các luật đó. Nhưng con người không phát sinh ra cái luật đó, họ chỉ khám phá ra. Con người không thể giải thích tại sao lại có luật đó để có thể khám phá.
Một số nhà vật lý đưa ra lý thuyết về vạn sự (theory of everything), phải nói ngay là lý thuyết về vạn sự bao hàm ý nghĩa: vạn sự tất cả chỉ mang tính cách vật lý (theory of everything physical). Mục tiêu của vật lý cơ bản là muốn khám phá ra các luật tối hậu (untimate laws), chi phối toàn thể thực tại vật lý. Hầu hết các nhà vật lý đều xác tín có những luật tối hậu đó. Nên có người thì lấy lý thuyết siêu dây (superstring theory) hay còn gọi là lý thuyết M (M-theory) là lý thuyết tối hậu, nhưng còn rất xa mới trắc nghiệm được điều đó. Thực chất chủ hưởng của lý thuyết vạn sự là muốn đưa ra một giả định sai lầm: vạn sự chỉ là vật lý (everything is physical).
Trong lược sử thời gian (a brief history of time) Hawking nói về Thiên Chúa và trí năng Ngài, nhưng ông lại vấn nạn: Có thực sự cần đến đấng sáng tạo để giải thích về hiện hữu của vũ trụ hay không? Nghĩa là Thiên Chúa có là giả thiết tất yếu không? (necessary hypothesis).
Hawking đã tự hỏi: tại sao có vũ trụ? Nhưng không hiểu sao ông không thể tiếp nhận câu trả lời. Có một câu hỏi tương tự như thế: Tại sao có cái gì chứ không phải là không có gì? Khoa học không thể trả lời câu hỏi này. Hawking ít nhất đôi khi cũng thừa nhận như vậy. Nhưng trong cuốn sách mới nhất của ông, ông đã trả lời câu hỏi đó là do sáng tạo tự phát.
Theo thánh Toma, một vật bất tất thì không thể tự mình giải thích lý do sự hiện hữu của mình (chúng ta sẽ bàn trong “Ngũ Đạo”) của Ngài, tựa như một chiếc ủng bị nhúng xuống bùn lầy không thể tự dùng dây ủng của chính mình để kéo chiếc ủng ra khỏi bãi bùn. Thánh Âutinh trong cuốn “Tự thú” viết: “Mọi thụ tạo đều kêu lên, chúng tôi không tự làm nên chúng tôi. Chỉ Thiên Chúa là bất tạo dựng, Ngài là hữu thể tất yếu. Ngài không thể không hiện hữu. Hiện hữu là yếu tính của Ngài. Ngài đã nói với Moise “Ta là Đấng Hiện Hữu”.
Các nhà bác học rất tâm đắc với khái niệm “Mọi thực tại là khả tri”. Nói như thế thì phải công nhận có một trí năng có khả năng hiểu rõ mọi thực tại nếu không có một trí năng hiện hữu thì câu “mọi thực tại là khả tri” chẳng còn ý nghĩa gì. Chúng ta cần lưu ý bài diễn thuyết của đức Benedicto 16 tại Regensburg. Ngài dùng đến ý niệm Thiên Chúa là Logos theo nghĩa chính Thiên Chúa là lý tính hay lý trí tự thân (God as Reason itself).
Còn hai vấn đề ngày nay vẫn thường được đề cập tới trên báo chí và phương tiện truyền thông thế giới: 1) Thuyết sáng tạo (creationism) và tiến hóa (evolution); 2) Thuyết tiến hóa Darwin và phong trào thiết kế thông minh (intelligent design) viết tắt là ID.
Nhà hóa sinh (biochemist) Michael Behe (Tin Lành) cho rằng có những hình thức sự sống đặc trưng quá phức tạp không thể phát sinh và giải thích dựa vào sự chọn lựa tự nhiên (natural selection), chứng tỏ có sự can thiệp của vị Thiết kế (Design) thông minh. Cụ thể, theo ông, các sinh vật nguyên thủy có thể đã được đặt trước tất cả các gene mà cuối cùng sẽ cần cho sự phát triển của những cổ máy phân tử đa thành tố phức tạp. Những gene đang ngủ này sau đó sẽ được đánh thức vào một thời điểm phù hợp sau khoảng hàng trăm triệu năm khi phải cần đến nó. Tuy nhiên, xét về phương diện thần học Công giáo, chỉ có thể gọi đó là thuyết của “Chúa các lỗ hổng” (God of the gaps) vì đưa ra giả thiết phải có bàn tay can thiệp siêu nhiên ở những nơi mà khoa học không thể giải thích nổi như thể cho rằng Chúa là Đấng sáng tạo “vụng về”, phải can thiệp thường xuyên nhằm chỉnh sửa những thiếu sót từ kế hoạch ban đầu.
Một số khái niệm cần được biện biệt. Khái niệm ngẫu nhiên (random) một số người sử dụng để làm giảm giá khẳng định sự sống trên trái đất là hành động sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khái niệm ngẫu nhiên trong các biến cố tuyệt nhiên không trái với học thuyết Công giáo. Thánh Âutinh trong “thành đô Thiên Chúa” nói rằng: không ai trên đời này có thể thoát được sự tranh luận do tình cờ hay ngẫu nhiên đặt ra.
Thánh Toma dành chương 74 trong Summa Contra Gentiles để bênh vực mệnh đề “Sự quan phòng của Thiên Chúa không loại trừ sự tình cờ và ngẫu nhiên”. Chính sách thánh cũng nói về sự ngẫu nhiên tình cờ xảy ra với hết mọi người: “Người ta gieo quẻ trong vạt áo, còn quyết định hoàn toàn do Thiên Chúa” (Châm ngôn 16, 33) khi chúng ta nói đến xác xuất tình cờ trong các biến cố, tuyệt nhiên chúng ta không muốn phủ nhận Thiên Chúa quan phòng.
Các nhà khoa học dùng khái niệm tình cờ ngẫu nhiên, xác xuất, cũng không có gì tất yếu là bao hàm ý niệm vô thần trong đó. Chẳng hạn, theo toán học “Các chuyển dịch của phân tử không khí trong một căn phòng là ngẫu nhiên”, theo ý nghĩa là không nhận ra mối tương quan hỗ tương.
Chủ nghĩa vật lý không giản lược của Nancey Murphy cho rằng “tinh thần phát sinh từ vật chất” và theo ông, nói: “mọi tinh thần là vật lý” là giản lược (Spiritual is physical is reductive). Nhưng nói theo kiểu Murphy là mâu thuẫn từ trong từ ngữ. Chỉ có thể nói, tinh thần nhập thể vào vật chất, không thể nói tinh thần phát sinh từ vật chất. Cũng như nếu chỉ có vật lý thì không bao giờ có tự do… Và vì thế đức Joan Phaolo II nói: “Giữa con người và loài vật có một đứt đoạn hữu thể” (ontological discontinuity). Sách khởi nguyên 2,7 cũng nói: “Thiên Chúa thở linh hồn vào Adam”.
Có người chủ trương: khoa học xét như khoa học cũng có thể cung cấp những giá trị khách quan hay luật lệ luân lý đạo đức như là nguyên lý phổ quát mà không cần đến tôn giáo.
Chính Richard Dawkins cũng phải thừa nhận khoa học không thể cung cấp những câu trả lời cho những câu hỏi về luân lý đạo đức. Do đó chủ nghĩa duy vật không thể xây dựng nền tảng cho nền luân lý khách quan, vì duy vật theo logic dẫn đến phủ nhận tự do ý chí. Nếu không có tự do ý chí, nói về luân lý là hoàn toàn vô nghĩa.