Lương Tâm và Sự Cần Thiết Của Việc Đào Tạo Lương Tâm Ngày Nay

0
3011


Học Viện Đa Minh

DẪN NHẬP

Lương tâm luân lý chỉ sự hiểu biết riêng và luật của Thiên Chúa được nội tâm hóa: “Tự đáy lương tâm, con người khám phá ra sự hiện diện của một luật mà con người không tự ban cho mình, qua đó, con người có thể phân định được đâu là điều tốt, điều đúng nên làm và điều xấu, điều sai nên tránh. Tiếng nói của luật ấy không ngừng giục con người thi hành điều thiện và tránh ác xấu. Quả thật con người có lề luật, được khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người sẽ bị xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là trung khu sâu kín nhất của con người”.[1] Đây là cách nói chung chung theo tác giả Jean-Louis Brugues.

Để hiểu rõ hơn, chúng ta tìm hiểu lương tâm là gì? Khởi đi từ những quan niệm bình dân đến theo quan niệm các nhà triết – thần học gia; và cách riêng là theo giáo huấn của Giáo Hội, dưới ánh sáng của Lời Chúa. Mặt khác, để đào sâu hơn, thiết tưởng chúng ta nên phân biệt được thế nào là một lương tâm đúng hay lệch lạc. Từ đó, chúng ta biết tại sao việc giáo dục lương tâm được xem là vô cùng cần thiết đối với con người thời nay?

I. LƯƠNG TÂM LÀ GÌ?

1.  Lương tâm theo nghĩa bình dân

Không chỉ trong Kitô giáo người ta mới nói đến hai tiếng “lương tâm” mà hầu như trong tất cả các nền văn hóa qua các thời đại đều nói đến vấn đề này.  Có thể người ta dùng những từ như “lòng dạ”, “tâm”… để diễn tả, nhưng tất cả đều có một điểm chung: đó là một tiếng nói vọng lên từ tâïn đáy lòng của con người, cho người ta biết đâu là điều thiện phải làm, đâu là điều ác phải tránh.
Chẳng vậy, chúng ta thấy người ta thường nói, người này tốt bụng, người kia từ tâm… Hay như Nguyễn Du cũng đã từng đề cập đến trong câu thơ: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chữ tâm theo văn hóa Á Đông có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng ta có thể hiểu chữ tâm của Nguyễn Du ở đây là cõi lòng của một người lương thiện, có thể coi đó là một lương tâm tốt lành ngay thẳng vì lương tâm có lời hướng dẫn con người tới điều tốt lành. Lúc ấy lương tâm trở thành chuẩn mực của một giá trị vượt trên tài năng con người. Ngược lại, ta cũng thường nghe câu nói: “Kẻ ấy có tâm tà bất chánh”. Trong trường hợp này, ta có thể hiểu đó là một người có lòng độc ác, lươn lẹo, và cũng có thể hiểu là một người có lương tâm lệch lạc, sai lầm, bệnh hoạn.
Cũng có khi lương tâm được diễn tả như một qui luật khách quan, một tiếng nói của ai đó tác động, làm cho tự lòng con người bật lên lời ứng đáp qua các kiểu nói: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” hay “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”. Trong trường hợp này, tiếng lương tâm không chỉ đơn thuần là tiếng lòng con người mà thôi nhưng nó còn là tiếng nói của một Đấng nào đó đặt để nơi lòng con người. Tiếng ấy như một lời cảnh báo cho họ thấy được đâu là điều lành nên làm và đâu là điều dữ không được phép làm; vì phù hợp hay không phù hợp hay không phù hợp với qui luật do Đấng ấy qui định. Do đó, lương tâm ở đây được hiểu như nơi mà chính con người đối diện với một Đấng thấu suốt lòng dạ bí ẩn của con người và ta phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm trước Đấng ấy.

Như vậy, ta có thể nói rằng: Ở bất cứ thời đại nào, con người cũng khám phá ra tận đáy lòng mình một lề luật, một tiếng nói luôn kêu gọi và thúc giục
mình phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác.
[2]

2.  Một vài quan niệm về lương tâm

Như ta đã nói, về vấn đề lương tâm thì con người sống ở thời đại nào, ở nền văn hoá nào cũng có, nhưng không phải ai cũng quan niệm lương tâm giống nhau. Vậy sau đây ta điểm qua một vài quan niệm khác nhau về lương tâm:
– Nơi người theo Ấn độ giáo, lương tâm được coi là “Thượng Đế vô hình cư ngụ trong tâm hồn chúng ta”. Seneca cũng có ý nghĩ tương tự khi nói tới một hồn thiêng cư ngụ nơi con người, “quan sát và trông coi điều tốt và điều xấu nơi chúng ta” (Ep 41,1). Vì một vài quan niệm như thế cho ta thấy ngày nay, lương tâm là một vấn đề hết sức phong phú và phức tạp: mỗi người một trường phái hiểu lương tâm dưới cái nhìn của mình. Điều đó cho phép ta có cái nhìn rộng hơn, sâu hơn về các chiều kích cũng như nguồn gốc của lương tâm. Nhưng mặt khác, người ta cũng dựa vào đó để đi đến chỗ giản lược lương tâm là tâm lý, là sản phẩm của xã hội hay đến những quan niệm lệch lạc khác. Trước tình trạng này, ta phải qui về với giáo lý của Hội Thánh và của Mạc Khải để có được những hướng dẫn mang tính nền tảng hơn. Thời buổi ngày nay, do quá trình tục hóa, người ta thường bỏ qua khía cạnh tôn giáo của lương tâm. Thế nhưng, Kant vẫn coi lương tâm là sự ý thức về một tòa án công lý trong nội tâm con người.
– Trong khi đó, Thuyết Duy Nghiệm lại giải thích lương tâm theo chiều hướng tâm lý, coi đó như là kết quả của những điều kiện và nhu cầu xã hội (H. Spencer, E. Durkheim) hay do áp lực của văn minh (F. Niestche, S. Freud). Như vậy, tuy không phủ nhận sự có mặt của lương tâm, nhưng người ta đang thách thức và gạt bỏ thẩm quyền của lương tâm: lương tâm không còn được coi là người phán đoán có uy tín về điều tốt điều xấu nữa.

Tuy nhiên, trào lưu Triết học thế kỷ XX không chấp nhận quan điểm này, ngược lại xem ra họ trân trọng lương tâm hơn. Những ý kiến của các triết gia M. Scheler, N. Hartmann, M. Heidegger, K. Jaspers, Heidegger hầu như coi lương tâm là tiếng gọi hãy tỏ ra quan tâm hơn, nhờ đó cuộc sống của ta tránh được tình trạng vô ngã để cởi mở đón nhận tiếng nói của hữu thể. Jaspers thì hiểu lương tâm là tiếng nói đang nói với con người, hay là chính con người. Trong khoa tâm lý chiều sâu, CG. Jung và Caruso (18) đã dành cho lương tâm một chỗ đứng đúng đắn”.[3]

3.  Lương tâm theo Kinh Thánh

Để có được một quan niệm đúng đắn về lương tâm theo quan điểm
Kitô giáo, thiết tưởng chúng ta phải trở về nền tảng Kinh Thánh:
– Cựu Ước không dùng từ lương tâm nhưng lại nói nhiều đến vấn đề này qua các cách nói khác nhau như: lòng dạ, tâm can. Tiếng này được dùng như một lời trách móc vọng lên từ trong cõi lòng con người khi họ phạm tội như trường hợp của Kain sau khi giết em mình (St 4,9-14), của Đavít khi kiểm tra dân số (2 Sm 24,10). Hay là lời tán thưởng con người khi họ trong sạch “lòng tôi không trách cứ tôi về một ngày nào trong đời (G 27,16). Xa hơn nữa, lương tâm còn được xem là cái nhìn của Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người; nghĩa là lương tâm xuất hiện trước tòa án của Thiên Chúa.[4]
– Theo Tân Ước, thì Chúa Giêsu không trực tiếp dùng tiếng lương tâm, nhưng Người lại cảnh cáo sự chai lỳ của lương tâm: “Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào! ‘Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”. (Mt 6,23 -24).
Các thánh sử Tân Ước đã sử dụng từ ngữ lương tâm của văn hóa La-Hy đương thời, nhưng để xen vào nội dung mạc khải của thời cuối cùng: “khả năng nghe được Lời Thiên Chúa”, và vì thế mọi người sẽ phải lãnh trách nhiệm về lời nói “không”, lời khước từ Thiên Chúa: Tội.
– Như thế, lòng tin không phá bỏ lương tâm luân lý, nhưng là nâng lên cho đến sự tinh túy nhất: nơi Chúa nói Lời, và hơn nữa, nơi xảy ra chứng tá về Thánh Thần: “Trong Đức Kitô, tôi nói thật, tôi không nói dối; trong Thánh Thần, lương tâm tôi làm chứng cho tôi”, (Rm 9,1). Như thế đối với tín hữu, sống theo lương tâm hay sống theo lòng tin hầu như là một: “Còn phân vân mà dám ăn, tất bị lên án, bởi không do xác tín. Phàm điều gì không do xác tín mà làm, thì có tội” (Rm 14,23). Lòng tin soi sáng cho lương tâm luân lý và lương tâm ngay thẳng canh giữ lòng tin: “họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch.” (1Tm 3,9).
– Phán đoán của lương tâm như thế là mang tính cách đòi buộc. Nhưng đây không có nghĩa như lương tâm cá nhân, có giá trị quẫn bách tuyệt đối. Lòng tin cho thấy lương tâm tự nó được dẫn cuối cùng là tới lòng mến, nghĩa là những điều liên hệ tới sự cứu rỗi của anh em, sẽ mang giá trị quẫn bách nhiều hơn.
– Tóm lại: Đối với người chưa biết Thiên Chúa, lương tâm luân lý (về lành và dữ, tốt và xấu) là chuẩn mực chi phối tuyệt đối. Qua lương tâm đó, họ được liên kết thân thiết với chính luật của Thiên Chúa chân thật (mạc khải đệ nhất), được nhận biết nơi công cuộc tạo thành: đây là nơi Đức Kitô Lời Thiên Chúa đã đến với họ thực sự. Lương tâm này được nâng lên nhờ ánh sáng đức tin tới mức đón nhận trực tiếp lời mời dạy của Chúa Kitô, thì đã lộ ra một lương tâm vạy vò (1Tm 4, 2). Lương tâm trong sáng là lương tâm được lòng tin hướng dẫn và lòng mến thúc đẩy.[5]

 

4.  Lương tâm luân lý Kitô giáo

Sách giáo lý công giáo đã định nghĩa: “Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng… Lương tâm là sứ giả của Đấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng. Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Đức Ki-tô”.[6]

Thiết tưởng, ta cũng nên dừng lại ở một vài điểm quan trọng với khái niệm này:

– Lương tâm như một lề luật tinh thần của con người:
Lề luật ở đây không phải những nguyên tắc chết, áp đặt trên đời sống con người, nhưng nó chính là sự thiện, như một giá trị, có sức cuốn hút, lôi kéo và thúc đẩy con người đeo đuổi và đoạt lấy. Nếu một khi con người không đạt được giá trị này, thì tự trong lòng mình, người ta cảm thấy day dứt như  có lời trách móc, làm cho họ bất an như trường hợp của Kain. Và ngược lại, khi con người đạt được sự thiện sẽ cảm thấy lòng mình thanh thản. Hay có thể nói một cách khác: Lương tâm luân lý có một chức năng là qui về cái tôi, nhưng sự quay về này chỉ có nghiã là nó dẫn cái tôi đến một giá trị. Khi không có được sự duy nhất giữa cái tôi và giá trị thì lương tâm nâng lên khát vọng hướng về duy nhất. “Giá trị bị xúc phạm khinh mạn càng lớn thì sự đau đớn và khát vọng càng mãnh liệt”.[7]
– Lương tâm như là sứ giả của Thiên Chúa:

 

Lời thúc giục của lương tâm đẩy ta tới một giá trị mà ta phải đeo đuổi. Đây là một sự đòi buộc thiết thân liên quan đến sự “được cứu rỗi hay phải hư đi” của con người. Vậy giá trị ấy phải là một giá trị siêu việt. Để nó có một giá trị như thế thì ắt hẳn nó phải có một thế gia. Nghĩa là nó phải gắn liền với một Đấng trổi vượt trên tất cả thụ tạo này, chỉ có Ngài mới có đủ tư cách để bảo lãnh về vận mạng của con người. Đấng ấy chính là Thiên Chúa.

 

Như ta thấy ở đây, một mặt lương tâm vọng lên tiếng nói của Thiên Chúa trong chính tâm hồn của con người. Nó như là Lời, là sứ giả của Thiên Chúa đặt để nơi con người, để cảnh báo và hướng dẫn con người phải sống như thế nào để đạt tới điều thiện. Mặt khác, ta có thể thấy, tiếng nói của lương tâm là chính Lời của Thiên Chúa hiện diện trong lòng con người; đó là Lời phán xét. Lời ấy gắn liền với Thiên Chúa, đồng thời cũng đặt con người đối diện với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, thấu suốt mọi bí ẩn, ngõ ngách của tâm hồn. Khi ấy lương tâm con người sẽ phải trả lời cho Thiên Chúa về mọi việc của mình làm.

 

Đây là hai điểm mấu chốt về lương tâm. Lấy đó làm căn cứ để ta có thể bàn đến nhiều vấn đề khác như tự do lương tâm, lương tâm với quyền bính, lương tâm với lề luật, thế nào là lương tâm tốt lành? Nhưng trong giới hạn của bài này chúng ta chưa thể đề cập tới.
II.  CÁC DẠNG LƯƠNG TÂM
Phán đoán của lương tâm một đàng lệ thuộc vào khả năng nhận thức và trình độ đạo đức của mỗi  người, đàng khác lại bị chi phối nhiều ít bởi những điều kiện sinh lý và vật lý, bởi hoàn cảnh xã hội, bởi ảnh hương giáo dục… Vì thế, có thể lương tâm nhiều khi kém chính xác, đôi khi lệch lạc hoặc mang dấu vết bệnh hoạn. Để đào tạo một lương tâm ngay thẳng, chính xác và chân thật, thiết tưởng chúng ta cần phân tích các truờng hợp nghịch thường đó để tìm phương thuốc chữa trị.
1. Lương tâm sai lầm
– Chiếc la bàn có thể bị hư, kim không chỉ phương bắc. Tấm gương có thể bị mờ không còn phản chiếu vẻ trung thực hình ảnh nó nhận được. Lương tâm cũng vậy, lương tâm có thể bị sai lạc hoặc suy yếu bởi tội, bởi tập quán xấu, bởi cách giáo dục.
– Thông điệp Ánh Rạng Ngời Chân lý cho rằng: “Trong các phán quyết của lương tâm chúng ta luôn có thể ẩn náu một khả thể lầm lạc. Lương tâm không phải là một thẩm phán bất khả ngộ: lương tâm có thể sai lầm”.[8]
– Lương tâm sai lầm có hai loại: loại sai lầm có thể khắc phục hoặc sai lầm không thể khắc phục. Gọi là sai lầm không thể khắc phục khi đương sự không ý thức được sự sai lầm của mình, chính vì vậy không có trách nhiệm luân lý. (Có thể là do điều kiện họ không được học hỏi đầy đủ.)
– Trong khi đó sai lầm có thể khắc phục, nghĩa là sai lầm có thể vượt qua với một ít thiện chí và cố gắng, thì dĩ nhiên có trách nhiệm luân lý. (Có điều kiện mà lại chối từ học hỏi.)
2.  Lương tâm bối rối
– Lương tâm bối rối là lương tâm luôn hoài nghi, băn khoăn về điều mình đã làm, cứ tưởng không thành sự hoặc lỗi luật, mặc dầu có đủ lý lẽ chắc chắn phán đoán công việc cách chính xác trước khi bắt tay vào việc. Thường có ba loại lương tâm bối rối: bối rối do những khủng hoảng tạm thời, bối rối để bù trừ và loại bối rối liên tục day dứt.
– Người có lương tâm bối rối thường có triệu chứng lo lắng về những việc mình đã làm cách chắc chắn, như khi xưng tội thường kể lể dài dòng những điều không ăn nhập với tội trạng, hồ nghi lời khuyên của cha giải tội và thường chỉ theo ý riêng mình.
– Nguyên nhân: theo lẽ siêu nhiên có thể Chúa dùng sự bối rối để tinh luyện tâm hồn, hoặc do ma quỷ muốn làm lung lạc linh hồn thánh thiện. Còn theo lẽ tự nhiên nhiều khi do thần kinh yếu, đôi khi do tính kiêu ngạo, khư khư giữ ý riêng.

–   Hậu quả: Thường gây thiệt hại phần hồn: tâm hồn luôn bất an, khó lòng tiến đức. Có lúc lấy sự lánh tội làm khó, sinh ngã lòng không còn giữ điều gì nữa đi đến tình trạng làm liều hoặc không làm gì cả.
Gây thiệt hại phần xác: tâm hồn luôn bị quấy động, khiến thân mệt mỏi, căng thẳng sinh bất an, mất ăn ngon, ngủ yên, có khi phát điên.

3.    Lương tâm hồ nghi

Lương tâm hồ nghi là lương tâm đang ở trong tình trạng không chắc hành vi này hay hành vi nọ có hợp pháp và có buộc phải làm hay không; dù đã đình hoãn không đưa ra phán đoán hay đã có vẻ nghiêng theo một phía rồi, đương sự vẫn còn e ngại giải pháp ngược lại có thể cũng đúng. Đây là một tình trạng bệnh hoạn của phán đoán làm cho lương tâm luôn luôn sợ hãi vì chỉ thấy tội.

Nguồn gốc thông thường nhất của mọi sai lầm và hoài nghi trong lãnh vực luân lý là kém hiểu biết về các vấn đề tôn giáo và đạo đức. Thiếu kiên trì trong nỗ lực sống lương thiện và đạo đức. Một khuynh hướng xấu, một lỗi lầm không hối cải thường làm cho ý thức ra lu mờ và do đó lương tâm mất đi sự chính xác.

Hoài nghi thường được chia ra thành nhiều loại:

– Hoài nghi pháp lý (dubium juris)
– Hoài nghi sự kiện (dubium facti)
– Hoài nghi tích cực (dubium positivum)
– Hoài nghi suy lý (dubium speculativum)
– Hoài nghi thực tiễn (dubium practicum)

Người ta còn phân biệt hồ nghi trên lý thuyết và hồ nghi trong thực tế: 

– Loại thứ nhất có liên quan đến sự thật của một quan điểm đạo đức  học trên bình diện lý thuyết (vd: giết một người độc tài đôi khi là điều hợp pháp phải không?)

– Loại thứ hai có liên quan đến tính hợp pháp của một hành vi cụ thể phải làm ngay lúc này, ở đây (vd: giết nhà độc tài cụ thể này, tại đây, lúc này có hợp pháp không?).

Các tiêu chuẩn để hành động khi có lương tâm hồ nghi:

– Khi có hồ nghi thực tiến về tính hợp pháp của một hành vi cụ thể thì không bao giờ nên hành động. Vì nếu hành động với lương tâm hồ nghi thì người ta có thể đưa mình vào chỗ hành động bất công và phạm tội.
– Trong những lúc có lương tâm hồ nghi, phải hoãn hành động lại cho đến khi có được sự chắc chắn nhất.
– Nếu không loại bỏ sự hồ nghi cách trực tiếp – và chỉ khi đó – ta có thể tìm cách để có được sự chắc chắn thực tiến một cách gián tiếp như áp dụng các nguyên tắc phản xa.
– Nếu không có thời giờ hay không có khả năng loại bỏ nghi ngờ thì phải chọn giải pháp nào an toàn hơn, nghĩa là phải ưu tiên cho giải pháp nào ít gây nguy cơ phạm tội và bất công nhất.

 

4.   Lương tâm phóng túng

Lương tâm phóng túng có thể hiểu như một hành động, tức một phán đoán hiện tại của lý trí, hoặc như một tập quán hay thói quen tâm lý. Hay nói cách khác lương tâm phóng túng là lương tâm có xu hướng phê phán một việc tội là hợp pháp hay một tội nặng thành tội nhẹ, dựa trên cơ sở không đầy đủ. Với người nhẹ dạ thì không dám nhìn thẳng vào tầm mức quan trọng của một nghĩa vụ luân lý. Một hình thức khác của lương tâm phóng túng là lương tâm của người biệt phái: việc nhỏ thì cho là quan trọng, còn việc lớn thì lại cho là vụn vặt.

a. Nguyên nhân tạo nên lương tâm phóng túng:

– Do thiếu giá dục về đạo đức.
– Do thiếu suy xét, bàn hỏi.
– Bị đam mê lôicuốn thúc đẩy.
– Do thói quen phạm tôi thường xuyên.
– Do thiếu lòng cậy trông nơi lòng thương xót của Thiên Chúa.
b. Như vậy nơi lương tâm phóng túng ta hình dung ra được 3 loại:
– Lương tâm lỏng lẻo (Consc. Laxa simpliciter): Đây là một khuynh hướng tựï do quá trớn trong mọi vấn đề luân lý, với chủ trương giảm thiểu mọi trách nhiệm luân lý.
– Lương tâm chai đá (Consc. Cauteriata): Là lương tâm của những người vì quá quen phạm tội, nên ý thức luân lý của họ bị sa đọa đến độ không nhận thức được tội lỗi của mình nữa, hoặc coi thường tội, dù những tôi nặng.

– Lương tâm giả hình (Consc. Pharisaica): Họ vì tư lợi nên tuân giữ kỹ lưỡng những luật lệ nhỏ mọn, nhất là khi có người khác quan sát, nhưng lại lãng quên những giới răn quan trọng và cần thiết. Họ như những người Pharisêu mà Chúa đã quở trách trong Tin Mừng; lọc con muỗi nhưng lại nuốt con lạc đà (Mt 23,24).

c. Những nguyên tắc thần học về lương tâm phóng túng:

– Lương tâm phóng túng nếu do vô tri khả thắng là bất chính, do đó không miễn cho người tuân theo nó khỏi mắc tội.
– Lương tâm phóng túng khi là vô tri bất khả thắng, miễn cho người tuân theo nó khỏi mắc tội trong hiện tại, nhưng thường gây ra nhiều thiệt hại.
– Phương dược chữa trị:
  + Tĩnh tâm và cầu nguyện.
  + Năng đọc sach báo tốt, và tiếp xúc với người tử tế.
  + Kiểm thảo lương tâm mỗi ngày.
  + Suy gẫm về cứu cánh của con người.

5.  Lương tâm chắc chắn

Trong thư gởi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã nói: “Những gì không xuất phát từ đức tin đều là tội” (Rm14, 23). Dựa vào mạch văn, ta có thể hiểu ngài muốn nói rằng mọi hành vi được thi hành mà không xác tín là đúng, đều là tội.

Sở dĩ thế là vì lương tâm vốn là khả năng thích đáng cho con người biết đâu là nghĩa vụ luân lý của mình. như đã nói trên đây, lương tâm là người hướng dẫn cần thiết và có thẩm quyền đã được ban cho con người để nhận ra mục tiêu và nghĩa vụ luân lý của mình. Chỉ qua trung gian lương tâm mỗi người mới có được cái nhìn cần thiết để biết đâu là những lề luật mình phải tôn trọng trong lịch sử sáng tạo và đâu là những nhiệm vụ mình phải chu toàn để phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế giới. Bởi thế, không nghe theo lương tâm là không nghe theo trật tự luân lý, là bất tuân đối với ý muốn của Chúa, và đó chính là tội.

Tùy theo đối tượng mà xác định tính cách chắc chắn:

– Chắc chắn của chân lý đức tin.
– Chắc chắn siêu hình.
– Chắc chắn thể lý.
– Chắc chắn luân lý. Đây là vấn đề cần bàn, nó liên quan tới các luật luân lý hay việc áp dụng các luật đó.

Sự chắc chắn mà lương tâm phải có trong các phán đoán của mình không cần là sự chắc chắn luân lý theo nghĩa chặt, mà chỉ cần là sự chắc chắn theo nghĩa rộng.

Nói lương tâm luân lý theo nghĩa chặt là nói đến một sự chắc chắn không hề pha chút ngại ngùng rằng có thể sai lầm. Tin ngược lại sẽ là mâu thuẫn với cách ứng xử thông thường của con người và những quy luật lịch sử đã được kiểm chứng là chắc chắn. Còn trong sự chắc chắn theo nghĩa rộng vẫn có một chút (không đáng kể) e ngại là sai lầm, nhưng khả năng sai lầm này rất ít xảy ra. Có thể xếp vào loại này những sự chắc chắn như giả thiết bác sĩ luôn hành động có trách nhiệm và với khả năng chuyên môn, hoặc các tài xế luôn tôn trọng giao thông căn bản.

Có sự chắc chắn luân lý theo nghĩa rộng là đã đủ để coi một hành vi là hợp pháp trong những điều kiện bình thường của cuộc sống, vì thông thường ta chỉ có được sự chắc chắn loại này. Nếu lúc nào cũng đòi phải có sự chắc chắn về luân lý theo nghĩa hẹp để các hành vi được hợp pháp, thì quả là đã làm cho cuộc sống ra nặng nề và phức tạp với biết bao nhiêu lo âu thắc mắc, đến nỗi không thể chịu đựng được. Chúa không đòi chúng ta làm điều bất khả dĩ.

Chỉ có một số trường hợp là đòi phải có sự chắc chắn luân lý theo nghĩa chặt, như khi một giá trị quá lớn đến nỗi không được phép để thiệt hại do một chút xíu liều lĩnh; hay cử hành bí tích cho hiệu lực là điều kiện cần thiết để nhận được ơn thánh hoá.

Ta cũng nghe theo một lương tâm sai lầm không thể tránh được (sai lầm bất khả thắng) y như nghe theo một lương tâm chắc chắn và đúng.

Bởi đó, ai nói dối để cứu giúp một người hàng xóm ra khỏi sự khó khăn vì xác tín rằng đó là một việc làm bác ái là đã làm một hành vi bác ái huynh đệ đáng khen; mà nếu làm nguợc lại là đã phạm tội, dù trong thực tế câu nói ấy tự nó không có tội.

Câu nói của thánh Phaolô, những gì không xuất phát từ đức tin đều là tội muốn ám chỉ đến lương tâm sai lầm này. Trong thư thứ nhất gởi Hội Thánh Côrintô chương 8, ngài cũng đề cập đến một vấn đề tương tự. Đó là vấn đề ăn thịt mà người ngoại giáo đã cúng và bày bán ở chợ. Dù biết rằng không hề có thần nào khác ngoài Thiên Chúa và vì thế không có gì cấm ta ăn thịt đã cúng các “thần” ấy, nhưng ai đã nghĩ rằng không được ăn thịt ấy mà cứ ăn là có tội. “Lương tâm yếu đuối của họ đã ra ô uế” (1 Cr 8,7). Bởi đó, theo giáo huấn minh bạch của thánh Phaolô, cơ sở cuối cùng và có tính quyết định của luân lý là lương tâm của mỗi người, dù lương tâm ấy có phán đoán sai lầm.

Có thể lấy những lời Đức Kitô phán với những người Biệt phái để củng cố cho quan niệm này: “Nếu các ngươi mù, các ngươi đã không phạm tội” (Ga 9,41), nghĩa là những người Biệt phái không thể khám phá ra sai lầm của họ liên quan đến con người Đức Giêsu thì họ đã không có tội, nhưng trong thực tế lương tâm của họ sai lầm không phải là không tránh được mà có thể khắc phục được, nên họ phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình.

Lý do nội tại biện minh cho quan niệm này là lương tâm chắc chắn luôn đề ra một việc làm, một nghĩa vụ luân lý hay ý Chúa cho một người, dù điều ấy có thể đúng hay sai. Không nghe theo một phán đoán của lương tâm dù sai lầm nhưng chắc chắn là đã không nghe theo một điều được cho là nghĩa vụ luân lý và ý muốn của Chúa dành cho mình; và bởi đó có tội.

Nếu con người không bị ràng buộc phải theo phán đoán chắc chắn của lương tâm, lấy cớ rằng lương tâm ấy thỉnh thoảng có thể sai lầm, hẳn con người sẽ rơi vào tình trạng phi luật pháp, không thể đưa ra một quyết định đáng tin nào. Ngược lại, nhờ tùng phục lương tâm chắc chắn của mình, người ấy sẽ có cơ may nhiều nhất (dù thỉnh thoảng cũng sai lầm) để thực hiện điều tốt và tránh điều xấu. Nguy cơ có những quyết định sai lầm về mặt khách quan có thể có nhưng vẫn còn ở xa; còn chắc một điều là nếu vơ đũa cả nắm cho rằng lương tâm không đáng tin thì đã coi thường phán đoán của lương tâm.

Tuy nhiên, chính vì có khả năng đưa ra những phán đoán sai lầm nên con người cần cẩn trọng hơn trong các quyết định của mình và cần cởi mở lắng nghe sự góp ý của người khác. Nhưng sau khi đã cố gắng hết sức để đi tới một quyết định đúng đắn, người ta có quyền và có bổn phận phải nghe theo lương tâm ấy, cả khi lương tâm ấy không biết mà không có cách nào khắc phục. Bởi vậy, không loại trừ khả năng đôi khi xã hội cần phải can thiệp vào các hành vi xuất phát từ một lương tâm sai lầm ngăn ngừa để những hậu quả tai hại.

III. TẠI SAO VIỆC GIÁO DỤC LƯƠNG TÂM ĐƯỢC XEM LÀ VÔ CÙNG CẦN THIẾT ĐỐI VỚI CON NGƯỜI THỜI NAY

Bởi vì, con người ngày hôm nay đang đứng trước những thay đổi sâu xa và mau chóng trong mọi lãnh vực của thời đại, họ dường như khó tránh khỏi tình trạng khủng hoảng về lương tâm. Nguyên nhân có thể là do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, họ chú trọng vào công việc địa vị, tiền tài, danh vọng hơn là đạo đức luân lý dẫn đến mất định hướng và thường gây cho con người những bất an trong cuộc sống. Nhưng sâu xa hơn có thể do việc ý thức tôn giáo của con người thời đại đã bị lu mờ. Những lối suy tư và cảm nghĩ của người xưa để lại đối với họ hình như không còn đủ, không còn phù hợp với tình thế hiện đại, như lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Lương tâm và ý thức tôn giáo của con người thời đại bị lu mờ”

1. Mất cảm thức về tội

Vì lương tâm và ý thức tôn giáo con người bị lu mờ, nên con người cũng đang dần đánh mất ý thức về tội của mình. Một trong những lý do là có quá nhiều yếu tố mang tính tiêu cực tác động lên đời sống con người hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, ta thấy biết bao hình ảnh đồi truỵ. Thế nhưng, dường như trong thâm tâm con người thời đại muốn xoá ý niệm về tội trong tâm khảm mình, ranh giới giữa thiện và ác không còn nữa, nên tội chẳng là gì đối với họ. Họ bất chấp tất cả miễn là hành động ấy đem lại lợi ích cho bản thân. Điển hình mỗi ngày có biết bao người mẹ giết chính đứa con của mình, cũng chỉ vì ích kỷ, sợ mất danh tiếng sau những cuộc ăn chơi, hoặc để có thời gian hưởng thụ. Diệu Trinh một cô gái 22 tuổi, đã ba lần phá thai, khi được hỏi: Em có thấy phá thai là một tội không?. Cô mau mắn trả lời: “ Dạ, không vì nếu là tội thì nhà nước đã không cho phép, và ở đây sẽ không đông như thế này”. Quả thật, người ta đến đó rất đông. Theo thông tin của bác sĩ Phấn, phòng phá thai ở bệnh viện Từ Dũ có khoảng 50 ca trẻ vị thành niên mỗi ngày. Trung tâm bảo vệ sức khoẻ Bà Mẹ Trẻ Em ở Thành Phố Hồ Chí Minh, chỉ sáu tháng đầu năm đã có 60.000 ca phá thai.

Như vậy, xem ra người ta không còn cảm thấy xúc động hay ray rứt trước hành vi giết người của mình, tệ hơn họ đã giết chính đứa con mà họ đang cưu mang. Trong khi đó những điều tích cực có thể giúp thăng tiến con người thì quá ít ỏi. Chính vì thế con người dần chai cứng trước những tội ác bạo lực không còn cảm thấy áy náy lương tâm. Những lời sau đây của Erich Fromm cho ta hiểu rõ hơn về vấn đề này: Phải chăng thế giá của lương tâm “không bị đặt lại vấn đề do sự kiện là trong nhiều người, tiếng nói lương tâm quá yếu ớt đến độ không còn nghe thấy hay đi theo? Trên thực tế hiện tượng này nói lên tình trạng yếu kém về luân lý của nhân loại” Đứng trước thảm hoạ này Đức Piô XII đã phải thốt lên: “Ngày nay có lẽ cái tội lớn nhất của thế giới là đánh mất cảm thức về tội”. Và đây cũng là thảm cảnh của con người thời đại. Mất dần cảm thức về tội cũng đồng nghĩa với đánh mất sự trong sáng của lương tâm, dẫn đến lẫn lộn trong việc phân định điều tốt điều xấu, không còn cái nhìn khách quan đúng về luân lý, nên dễ dàng chà đạp lên nhân phẩm của nhau, không còn coi trọng những quy tắc đạo đức tối thiểu trong tương quan giữa người với người.

2. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời

Chúng ta cũng có thể nhìn nhận nguyên nhân dẫn các bạn trẻ Công Giáo quan niệm sai về tội là do họ đang loại dần Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Đối với xã hội ngày nay thường làm cho giới trẻ nghĩ rằng họ có thể làm được tất cả, nên họ không cần Thiên Chúa. Ngay cả sự sống họ cũng tìm cách để tạo ra các phần cơ thể. Họ tự tạo ra những tiêu chuẩn luân lý để phục vụ tham vọng của chính mình, hay tự bào chữa tội lỗi cho mình. Chúa Giêsu đã hơn một lần khẳng định: “Ta là sự thật và là sự sống”(Ga 4,6). Như thế đời sống thiếu vắng Thiên Chúa cũng đồng nghĩa là thiếu vắng sự thật. Vì con người tự  tách mình ra khỏi Thiên Chúa nên con người cũng chối bỏ anh em, và chỉ biết nghĩ đến bản thân, coi thường lề luật không còn nhậy bén trước những lỗi lầm, mất cảm thức về tội làm lu mờ giá trị luân lý. Nếu con người mãi tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa thì con người đang tự phá đổ trật tự công trình sáng tạo yêu thương của Thiên Chúa ban cho để đạt tới cùng đích của mình, đồng thời phá vỡ mọi hoà hợp nơi bản thân cũng như mối tương quan với người khác. Nên ta có thể khẳng định rằng: khi con người không còn liên kết với Thiên Chúa thì khó có thể tự thắng chính mình và sức mạnh của Satan, của sự ác sẽ len lỏi trong ta. Chính vì thế mà tội lỗi đã không ngừng gia tăng trong thế giới ngày nay.

3. Không dám đối diện với chính mình

Có thể nói rằng, điều đáng sợ nhất hôm nay là con người không nhận ra chính mình. Có lẽ một phần cũng do con người ngày nay luôn sống trong một thế giới ồn ào náo nhiệt, với những tiện nghi máy móc, công việc, không có thời gian cho chính mình, vì thế họ sợ thinh lặng, sợ đối diện với chính mình.  Trên thực tế, chúng ta thích có một cuộc sống vui nhộn, linh hoạt hơn là sống một mình và đối diện với chính mình như Triết gia Pascal có nói: “Sáng kiến giải trí của con người là một cuộc trốn chạy, con người trốn chạy chính mình và lẩn trốn tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng càng lẩn trốn con người càng rơi vào sự trống rỗng và đánh mất chính mình”.[9] Chính ở điểm này mà con người không thể nghe được tiếng lương tâm, không tìm được ý Chúa. Mặt khác, không dám đối diện với chính mình thì con người cũng không dám nhìn nhận sự thật về bản thân, họ sợ và chạy trốn những khuyết điểm của mình. Chính khi không trở về với cõi lòng, không nhìn nhận bản thân thì họ cũng không dễ nhận ra Thiên Chúa và dễ phạm những sai lầm, dần dần lương tâm sẽ ngủ vùi trong những lỗi lầm. Khi không sẵn sàng lắng nghe tiếng nói và những đòi hỏi của lương tâm, con người cũng cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa. Khi con người sợ đối diện với lương tâm mình, cũng sẽ sợ đối diện với Thiên Chúa. Đây là điển hình của một cuộc sống thiếu thành thật. Vì thế, khi không dám đối diện với chính mình con người cũng không thể có một lương tâm an bình, trong sáng. 

4. Vài dạng thức băng hoại lương tâm

a- Lánh vào thuyết luân lý và lo âu về sự đền bồi: người ta sẽ phỉnh gạt mình bởi lòng nhiệt thành và tỉ mỉ về một ít điều nhỏ nhặt trong khi lại sao lãng lòng yêu mến cảm thương và sự công chính. Và dần dần họ bị rơi vào mức độ của một nền luân lý qui ước và thực dụng.

b- Những năng lực hắc ám của một tính cách mạnh: mỗi lần trong lòng cắn rứt là mỗi lần con người được lương tâm kêu gọi hoán cải. Nhưng tính tự ái, kiêu căng khiến họ cưỡng lại lời mời gọi đó, thì guồng máy tội lỗi ngoan cố ấy sẽ sản sinh ra một thứ thống nhất nội tâm khác: lý trí khi ấy sẽ tìm ra một ngàn lẻ một lý do mà ủng hộ cho những gì mà ý chí đang muốn. Vậy, chỉ vì muốn tìm sự thống nhất nội tâm, họ đã làm mất hẳn sự chính trực và cởi mở.

c- Đánh mất sự vui mừng, bình an và sức mạnh: do tội, sự toàn vẹn con người bị phá đổ và con người không hài lòng với mình nên lúc nào họ cũng bị cám dỗ gây chiến chống lại một ai đó, hoặc một cái gì đó.

d- Danh mục những tội chống lại tự do và sự lành mạnh:

– Không vượt ra khỏi các mức độ thấp của lương tâm; không muốn học và vô học; không vượt thắng được một quan điểm quá tĩnh về cuộc sống, về các qui tắc, luật lệ và lương tâm; biết quá nhiều thứ nhưng lại không biết đâu là sự thiện hảo, đâu là sự  chân thật.

– Khước từ dấn thân hoạt động cho tự do và phẩm giá của mọi người, và hậu quả là, không những không phát huy được mà còn làm cho tự do của mình bị lâm nguy nữa.

– Duy trì một sự thụ động trong giáo dục; quá quan tâm đến sự  hàng phục và đồng nhất hơn là quan tâm đến sự lớn lên trong trách nhiệm luân lý; bóp nghẹt sáng kiến và sự tự do sáng tạo.

– Không dám liều lĩnh, thích lẩn tránh, không muốn dấn thân cho những lý tưởng chung và cho ơn gọi gay go, gian khổ.

– Ủng hộ trung ương tập quyền và những hình thức độc tài của chính phủ, một chính phủ bóp nghẹt các cấp dưới và các đoàn thể, và ủng hộ sự vâng phục tối mặt.

– Cho phép người khác chi phối lương tâm mình; không chống lại sự thao túng lương tâm người khác nhờ hệ thống thưởng phạt thay vì giúp họ một động cơ đích thật và kêu gọi sự chân thành của lương tâm; tỏ ra khoan nhượng đối với việc khuynh đảo ý kiến chung.

– Từ khước không chịu lắng nghe các ngôn sứ  để biết biện phân.

– Chia cắt tôn giáo ra thành tín lý (những đạo lý trừu tượng không có liên quan gì tới sự toàn diện và ơn cứu độ của con người) với những nền luân lý không có được một hệ thống giá trị có tính thuyết phục; tách tính chính thống ra khỏi những hành động đúng.

– Cúi đầu trước các nhóm áp bức thay vì đứng lên bênh vực những người yếu và bị áp bức; biện minh cho sự đán áp hoặc nói và hành động về sự giải thoát chỉ / hoặc chủ yếu bằng những lời kích động.

– Đưa ra một nền đạo đức gồm toàn những luật cấm và kiểm soát gây tác hại cho một nền đạo đức của tự do sáng tạo và trung thành.

5. Lương tâm yếu đuối

Lương tâm và tự do triển nở bình thường ở thời thơ ấu. Người ta lớn lên cùng lương tâm nếu như họ có thói quen suy nghĩ về mỗi ngày mình sống, và nắm bắt được nó, thay vì để nó trôi qua. Người ta củng cố tự do của mình khi họ mở rộng tối đa đến giới hạn của sự thiện, bằng tất cả ý chí của mình. Trái lại, như là một khối cơ bắp thực hành sai bài tập, lương tâm và tự do của người ấy như của một đứa trẻ nếu không thực hành việc suy tưởng hàng ngày và để cuộc sống trôi tự do theo cái tôi vị kỷ và theo áp lực của xã hội. Ở đây nhấn mạnh đến việc thực hành mỗi ngày, không thể chờ cơ hội lớn lao nào đó mới làm, vì như vậy nó (lương tâm) chỉ sống sót vào những ngày đẹp trời, theo cái hứng của trẻ nhỏ. Mà Thiên Chúa lại muốn hành động với mỗi chúng ta như với các môn đệ của Ngài, tức là một cách liên tục từ khi nghe thấy tiếng Chúa gọi, theo Ngài, được dạy dỗ và ở lại thế gian khi Ngài về trời…

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới với nền văn hoá làm “nhiễm” thói quen và các truyền thống của chúng ta… Việc hiện đại hoá mỗi ngày làm đảo lộn nội tâm  của chúng ta, đảo lộn khung cảnh vật chất lẫn tinh thần, và đặt chúng ta vào những vấn đề mới phức tạp hơn, nan giải hơn. Những tâm hồn yếu đuối luôn sợ những cơn cuồng phong thời đại thổi đến. Họ lại chỉ có những phương thuốc cũ không còn hợp thời, thay vì phải nắm bắt lấy những “dấu chỉ thời đại mới” và tìm cách để “trở nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện”. Tin Mừng không đưa ra những giải pháp cụ thể mà chỉ gợi mở cho những người đã trưởng thành về đức tin và tự do, là làm sao để giải thoát mình khỏi những ràng buộc và giới hạn.

Như vậy, mọi Kitô hữu phải là người trưởng thành trong Giáo Hội. Họ sống bằng Tin Mừng và tiếp nhận mọi giáo huấn của Giáo Hội. Đồng thời người Kitô hữu cũng phải biết đánh giá và cân nhắc những phẩm giá liên quan đến đời sống thiêng liêng của mình. Để đời sống ấy sinh hiệu quả, người Kitô hữu luôn phải cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần, tham vấn cùng những người xung quanh và sau cùng quyết định để nhận trách nhiệm. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cập vấn đề này như sau: “…Giáo Hội quả quyết rằng, nơi con người có một lương tâm, cho dù nó phải chịu nhiều sức ép, một lương tâm có thể nhận biết phẩm giá của chính mình và phát triển tuyệt đối, một lương tâm làm nảy sinh những lựa chọn nhờ biết tìm kiếm điều thiện cho tha nhân cũng như cho chính mình, một lương tâm làm điểm tựa cho một sự tự do có trách nhiệm”.[10]

6. Lương tâm bị cưỡng bách

Chúng ta cần phải chú ý rằng giới răn của Thiên Chúa là giới răn tình yêu, là tự do và tự nguyện, không một mảy may cưỡng chế. Trong đó, ta thấy tự do được phát triển tối đa, trong một tình yêu chân chính, bởi vì người ta không thể có yêu thương khi bị cưỡng bách và bị đe doạ. Khi có đe doạ là có sợ hãi, mà sợ hãi thì không thể yêu thương. Cho nên thật kỳ cục và đáng buồn nếu như  luật yêu thương của Chúa Giêsu lại trở thành một chế độ cưỡng bách, bắt người khác thực hiện bằng mệnh lệnh và được duy trì bằng đe doạ. Nếu thế, người ta sẽ sống hoàn toàn mâu thuẫn, khác hẳn với đường lối của Chúa Giêsu, khác hẳn đường lối lề luật: “Ngươi hãy yêu thương  anh em…”. Như thế luật Chúa đã trở thành luật của tình yêu, và sự tự do triển nở đến mức cao độ. Khi Chúa Giêsu  thực hiện việc rửa chân cho môn đệ, Ngài không hề bị thúc ép hay chịu sự cưỡng bách nào. Ngài chỉ cầu nguyện, khoác áo vào và làm công việc đó. Ngài nói bằng con tim và chờ được trả lời bằng con tim. Thánh Gioan cũng đã cảm nhận vấn đề: “Lòng mến trọn lành xua sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi có liên can với hình phạt, và kẻ sợ hãi ắt không được  thành toàn trong lòng mến” (1Ga 4,18). Như vậy là đã mang dáng dấp của kẻ nô lệ, mà Thiên Chúa không muốn có những nô lệ trong Giáo Hội. Ngài chỉ muốn những người con, những người đáng đựơc thừa hưởng gia sản của chính Thiên Chúa, Đấng đã tỏ hiện ra nơi Đức Kitô. Chính Thiên Chúa mà trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samaria, đã trở thành nguồn nước vọt ra, có sức ban cho ta cuộc sống vĩnh cửu.

7. Lương tâm bắt chước không ý thức

Trong quân ngũ, mỗi người mang một mã số để xoá đi cái gì riêng tư của mình, để hoà mình vào kỷ luật chung cùng với mọi người, để mọi cái nhất nhất phải tuân theo tiếng còi hiệu, tuân theo mệnh lệnh mà không cần đắn đo, cân nhắc xem việc đó sẽ như thế nào, kết quả ra sao. Thiên Chúa và Giáo Hội lại không đối xử với con người như vậy. Mỗi người con của Chúa, nam hay nữ, là độc nhất. Cho nên lương tâm mỗi người lại tuỳ thuộc từng người, không có loại lương tâm bắt chước, chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo lệnh cách máy móc. Mỗi người chúng ta hãy thử nhìn lại mình, sẽ nhận thấy được một số mặt tích cực, một số tài cán  nào đó mà chúng ta được Thiên Chúa ban cho để phục vụ Giáo Hội và xã hội. Điều quan trọng là phải tự hỏi xem phải làm gì để sinh lợi cho mình bằng những gì mình có, không phải để nâng giá trị mình lên, mà để không làm mai một những gì ta đã lãnh nhận mà giúp tha nhân. Đó là vấn đề lương tâm mà chúng ta phải chọn lựa, đo lường. Còn mỗi người đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho (Ep 4,7). Chúng ta cùng đọc một đoạn thư của Thomas More viết cho con gái ông để minh chứng điều này: “ … Mặc dù bản tính của cha rất sợ đau đớn, nhưng trong những lần hấp hối mà cha phải chịu, nhờ lòng thương xót và sức mạnh của Chúa, cha không bao giờ nghĩ tới chuyện phải chấp nhận bất cứ điều gì nghịch với lương tâm…”.

Vậy mỗi người không thể mang một thứ “lương tâm đại chúng”, vì nó dẫn đến thiệt hại cho xã hội và Giáo Hội. Trái lại, ta phải chinh phục nó mỗi ngày, trên mọi lãnh vực. Phải chinh phục nó trên những tập quán nhàm chán của tập thể, trên sự chậm chạp thường ngày, trên những cơn mệt mỏi, trên sự  ích kỷ của cá nhân và của cả tập thể. Để lương tâm không trở nên máy móc, nó cần được làm mới mỗi ngày, nếu không muốn nó bị nguội lạnh và xuống tới nhiệt độ bình thường. Theo đà đó thì nhiệt độ tình yêu dành cho Chúa, cho gia đình, cho thế giới cũng sẽ giảm xuống rất nhanh.

8. Lương tâm bị lừa dối

Trong thời đại thông tin hoàn cầu hiện nay, lương tâm con người thường bị sa sút vì bị lừa dối. Mỗi ngày, người ta thường bị mắc bẫy trong chính trường học, ở mọi cấp độ, không chỉ là những khoa học thuần tuý mà còn là những kiến thức tiếp nhận được qua phát thanh, truyền hình, quảng cáo, các học thuyết … ở ngay nơi mình đang sống. Đó là tình trạng bị nhốt trong lồng sắt mạ vàng mà lâu dần, con chim sẽ đánh mất khả năng bay của mình. Báo chí thường nhắm đến nhu cầu lợi nhuận trước tiên, thông tin chỉ là vấn đề thứ yếu. Truyền hình thì phát sóng những hình ảnh, trò giải trí mua vui rẻ tiền. Các loại thông tin khác cũng chỉ nhằm thu hút bằng những tin tức giật gân, lừa bịp…

Để không thấm nhiễm và tránh tình trạng xấu đó, mỗi người cần phải trang bị cho mình khả năng phê bình và thanh lọc. Chính ở điểm này mà lương tâm và tự do mới có giá trị. Trong lá thư mục tử gửi cho Hồng y Roy ngày 14/ 5/ 1971, Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã đề cập đến sự phát triển của các hình thức thông tin đại chúng. Đồng thời ngài cũng nêu lên khía cạnh hai mặt của thực trạng này, và những chuyển biến trong các lĩnh vực chính trị, ý thức hệ, đời sống xã hội, kinh tế và văn hoá. Ngài nhấn mạnh: “Những kẻ nắm giữ quyền lực đó lãnh một trách nhiệm luân lý quan trọng đối với những thông tin mà họ phát đi, về những nhu cầu và phản ứng nảy sinh, và những giá trị mà họ đặt ra” (20).

IV. LƯƠNG TÂM CẦN ĐƯỢC GIÁO DỤC

Lương tâm cần được soi sáng và hướng  dẫn, vì chuẩn mực lương tâm có thể chủ quan, vì thế, có thể sai lầm. Do đó phải có những chuẩn  mực khách quan là chân lý. Chân lý thuộc về Thiên Chúa, Ngài mặc khải chân lý đó nơi Đức Ki-tô là Lời của Ngài. Hội  Thánh chuyển lời này đến cho chúng ta. Vì vậy, dựa vào lời Chúa, Hội Thánh chỉ dẫn cho chúng ta để cho chúng ta

KẾT LUẬN

Trong thời đại chúng ta, lương tâm và tự do mang những khuôn mặt khác nhau, và dường như ngày càng sống động hơn, phong phú hơn, đồng thời cũng phức tạp hơn. Giáo Hội rất nhạy bén với những vấn đề liên quan đến con người nói chung, và đến đạo đức, lương tâm và tự do của con người nói riêng. Chính vì thế mà Giáo Hội đã lên tiếng: “Ở thời đại chúng ta, phẩm giá con người là đối tượng của lương tâm sống động hơn, và ngày càng có nhiều người đòi hỏi cho con người khả năng hành động tuỳ theo cái nhìn riêng của mình và với một trách nhiệm hoàn toàn tự do, không phải dưới sức ép cưỡng bách nào mà là được lương tâm bổn phận hướng dẫn…” (Tuyên ngôn của Công Đồng về vấn đề Tự do tôn giáo). Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã nói: “Để làm cân bằng một tình trạng kỹ thuật đang lớn mạnh, cần phải tìm ra những hình thức dân chủ hiện đại, không chỉ bằng cách cho mỗi người khả năng tư vấn và phát biểu, mà còn đưa họ vào một trách nhiệm chung. Như thế mọi người sẽ dần dần thay đổi cách chia sẻ và thay đổi cuộc sống ngay trong các cộng đoàn”.

Là những Kitô hữu trong thời hiện đại, chúng ta cũng cần phải xác định cho mình một thái độ cần thiết, có thể cùng ngồi lại, chất vấn, lắng nghe, bắt tay vào cùng chia sẻ trách nhiệm, xây dựng cho mọi người và cho chính mình một lương tâm và tự do của Kitô hữu trưởng thành, để đứng vững trước những chuyển biến lớn lao của xã hội đang ngày một phát triển không ngừng.

—————————-
Tài Liệu Tham Khảo

1-KARL H. PESCHECHKE,SVD. Thần Học Luân Lý Tổng Quát, Tập II, Tủ Sách Chuyên Đề
2- Lm Anphong PHẠM GIA THUỴ.Luân Lý khai Khoa
3- PHÊRÔ NGUYỄN MẠNH HÙNG, Thần học luân lý-một cái nhìn mới-, nxb Tôn Giáo, Tp.HCM 2004
4-BERNHARD HAERING, Thần Học Luân Lý, Những ý tưởng chủ đạo, Tủ Sách Chuyên đề,1992


[1] JEAN-LOUIS BRUGUES Từ Điển Luân Lý Công Giáo; cuốn thượng,  Tr 399

[2] X. Giáo lý Giáo Hội Công Giáo , số 1776

[3] Thần Học Luân Lý Tổng Quát, Tr. 24

[4] Phạm Gia Thụy, Luân Lý Khai Khoa, Tr. 24

[5] Phạm Gia Thụy, Luân Lý Khai Khoa, tr. 24-26

[6] Sách Giáo Lý Công Giáo, số 1778

[7] Phạm Gia Thụy, Luân Lý Khai Khoa, tr. 27

[8] Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor, Tr. 62

[9] R. VREITAS. Chân Lý Và Tự Do, Tr. 61

[10] Documentation catholique, 6/11/1988, 1001.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here