Lương Tâm Theo Quan Điểm Của Giáo Hội Công Giáo

0
6107


Lm. Nguyễn Hữu Thy

Nói một cách tổng quát, các khái niệm triết học bao gồm những ý tưởng trừu tượng thuộc lãnh vực siêu hình, nên thường rất khó lãnh hội. Để có thể tiếp cận được ý nghĩa một ý niệm triết học nào đó, người ta thường phải đi qua chặng đường tìm hiểu nguồn gốc của ngôn từ làm biểu tượng cho ý niệm ấy. Chính ngữ nguyên học (Etymologie) là bảng chỉ đường tương đối rõ ràng và cụ thể trong việc tiếp cận và nắm bắt được các khái niệm triết học phức tạp. Qua các cách sử dụng ngôn từ trong một bản văn, người ta sẽ lần hồi theo các dấu vết ý nghĩa của ý niệm muốn diễn tả được gói ghém trong đó. Chẳng hạn ý niệm “lương tâm“, mà tiếng Latinh gọi là “Conscientia.

Ý niệm “conscientia” được Notker III(1) dịch theo nghĩa của từ “syneidesis” trong tiếng Hy Lạp, và gồm hai từ “con”, mà nguyên ngữ của nó là “cum” và có nghĩa là “với”, “cùng với”, “cùng nhau” hay “với nhau”; còn từ “scientia” xuất phát từ động từ “scire” và có nghĩa là biết, hiểu hay ý thức. Như vậy, “conscientia” có nghĩa là cùng biết, cùng ý thức, tức một sự hiểu biết hay ý thức toàn diện của chủ thể tri thức: lương tâm.(2)

Qua đó chúng ta thấy rằng ý niệm “lương tâm” nếu hiểu sát với từ ngữ trong tiếng Latinh hay Đức ngữ thì có nghĩa là “cùng biết“. Nói cách khác, sự hiểu biết và ý thức được san sẻ – với một bản ngã độc lập và tự quyết (chủ quan tính) hay với một trật tự ngoại thuộc chi phối sự nhận thức của bản ngã (khách quan tính). Vậy, lương tâm là sự nhận thức hay ý thức toàn diện và phổ quát gồm hai yếu tố chủ quan và khách quan của một chủ thể.

Với tư cách là sự ý thức toàn diện của chủ thể nhận thức, lương tâm không còn là một sự tri thức thuần túy của trí năng mà thôi, nhưng là một tri thức của chủ thể toàn diện, nó vươn tới cả lãnh vực siêu hình, lãnh vực tâm linh, vâng, lãnh vực linh hồn con người nữa. Chính danh xưng “lương tâm” đã nói lên ý niệm ấy.

Trong ý niệm “lương tâm“, phương diện chủ quan của từng cá thể gặp gỡ và hòa hợp với thực trạng của tập thể, của cộng đồng, tức phương diện khách quan. Trong khi đó, nếu chỉ dựa theo sự hình thành khởi đầu ý tưởng của chủ thể, thì lương tâm được coi như mang tính cách thuần túy chủ quan, chẳng hạn khi ta phát biểu “tôi nhận thấy điều đó” hay “tôi cảm nhận thế này.” Qua tính cách tương đối hóa và thiếu sự gắn liền mật thiết với trật tự quy phạm và ngoại cảnh khách quan, chủ quan tính có thể dập tắt thực trạng của khách quan tính ngay từ trong trứng nước. Nói cách khác, một xung đột giữa chủ quan tính và khách quan tính được hình thành và bùng phát.

Lương tâm là trung tâm điểm của ta, nhưng không do ta tạo nên

Nếu chân lý hay sự thật được định nghĩa là sự đồng thuận giữa sự nhận thức chủ quan của chủ thể nhận thức với thực trạng khách quan của ngoại cảnh, thì sự xung đột tương khắc giữa chủ quan tính và khách quan tính cần phải được san bằng. Nói cách khác, người ta cần tìm kiếm một hình thái tái nối kết – cũng được gọi là sự thông tin hay sự rèn luyện – của lương tâm có thể giúp từng cá thể có khả năng phản ảnh lại một cách trung thực những quy phạm hiện hành, tức không chủ quan tự cho mình là người duy nhất suy tư và hành xử đúng đắn. Và ngoài sự chấp nhận các điều kiện cần thiết, người ta còn phải luôn khẳng định sự tự do và trách nhiệm, tức cần phải biết sử dụng lý trí trong việc tìm kiếm chân lý. Bởi vì, nếu khi người ta không nhìn nhận chân lý như là mục đích lớn nhất của tính cách hợp lý thực tiễn, thì tất nhiên người ta sẽ không bao giờ coi trọng lương tâm.

Cái chìa khóa của hình thái tái nối kết được ẩn chứa trong sự tương quan của lương tâm với chân lý. Ai xác tín được rằng giữa lý trí và chân lý luôn có một nền tảng chung, và đồng thời cũng là nền tảng luôn củng cố và đồng hành với lương tâm, tức Thiên Chúa, thì người ấy sẽ tìm được lý do cho việc khách quan hóa. Tuy nhiên sự khách quan hóa này chỉ có hiệu quả nhờ vào chủ thể, tức cá thể sử dụng lương tâm. Điều đó cũng muốn nói rằng sự khách quan hóa ấy tùy thuộc vào ý kiến và quan điểm của chủ thể sử dụng lương tâm.

Suy luận từ triết học Hy Lạp-Roma thời cổ đại, một nền triết học đã có những ảnh hưởng nhất định trên Kitô giáo, cho tới thời trung cổ, chúng ta sẽ luôn luôn tìm gặp được quan điểm cho rằng lương tâm là thẩm quyền nội tại trong ta, hướng dẫn các tư tưởng và hành động của ta, nhưng lương tâm lại độc lập, chứ không phải chịu sự chi phối của ta. Lương tâm hoạt động trong chính thẩm cung bản ngã của ta, giữa trung điểm của con người ta, nhưng lại không do ta tạo nên, nhưng như là một cái chi xa lạ và độc lập với mọi suy tư, lời nói và hành động của ta. Nhờ thế, lương tâm có thể giúp đỡ ta qua những phán quyết kịp thời, trung lập và khách quan.

Đối với Kitô giáo thì lương tâm chính là “tiếng nói của Thiên Chúa“, là thẩm quyền luân lý nội tại trong mỗi một người để hướng dẫn toàn diện cuộc sống của ta, từ tư tưởng, lời nói cho tới hành động. Vì thế, lương tâm một đàng rất riêng tư, cá nhân và thân thiết gần gũi với ta, nhưng đàng khác lại cách biệt, độc lập và không để ta chi phối. Vâng, ta có thể làm cho lương tâm mình ra chai đá và sự phán đoán hay tiếng nói của nó trở nên lệch lạc, không còn phù hợp với lý trí và chân lý khách quan nữa, nhưng ta không thể đè nét hay loại bỏ được tiếng nói của lương tâm, dù là tiếng nói ấy lệch lạc, vì nó luôn mang tính chất độc lập. Để sửa đổi tiếng nói lương tâm mình được trung thực, thì ta phải giáo dục và rèn luyện lương tâm cho đúng đắn. Đây là vấn đề quan trọng sẽ được bàn đến sau.

Người ta có thể nói được rằng những tính chất đối nghịch ấy của lương tâm cũng tương tự như sự quan hệ lưỡng diện mật thiết hay cũng được gọi là sự hiệp nhất thần bí, giữa người Kitô hữu và Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ, nghĩa là giữa tạo vật và Đấng Sáng Tạo, giữa hữu hạn và vô hạn. Vâng, đối với người Kitô hữu, một đàng Thiên Chúa là Đấng bất khả tiếp cận, hay như nhà thần học Tin Lành Rudolf Otto (1869-1937) nói là “Đấng hoàn toàn được che khuất“, nhưng một đàng khác, Thiên Chúa lại tự mặc khải mình ra cho họ như một người trong họ và cư ngụ giữa họ qua mầu nhiệm “Thiên Chúa làm người” của Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Nói cách khác, một đàng Thiên Chúa xét về phương diện bản thể của Người, thì Người là Đấng siêu việt, bất khả tiếp cận đối với trí năng con người, vì Người là Thiên Chúa thật, nhưng một đàng khác qua mầu nhiệm “Nhập Thể” của Đức Kitô, Thiên Chúa lại cùng đồng bản thể với con người và cư ngụ giữa họ, tức một người thật như bao người thật khác. Phải chăng đây là điểm đặc thù trong tương quan hy hữu giữa con người và Thiên Chúa đã được Đức Kitô ám chỉ khi Người nói “Thầy đi lên cùng Cha của Thầy và cha của anh em, đi lên cùng Thiên Chúa của Thầy và Thiên Chúa anh em“(3), chứ Người không nói là “Thầy đi lên cùng Cha của chúng ta” và “đi lên cùng Thiên Chúa của chúng ta“? Điều chắc chắn là theo chú giải Kinh Thánh thì dù Đức Giêsu là người thật như mọi người khác khi Người mặc lấy xác phàm, nhưng mối tương quan giữa Người với Thiên Chúa Cha không thể đồng hóa với mối tương quan giữa các môn đệ của Người với Thiên Chúa Cha được.

Thực tại của sự tương quan đặc thù này “gần gũi nhưng xa lạ, thân thiết nhưng cách biệt” giữa con người nói chung và người Kitô hữu nói riêng với Thiên Chúa được gọi là mầu nhiệm đức tin, tức một chân lý khách quan – vì đã được chính Thiên Chúa, chân lý tối hậu, mặc khải cho ta biết – nhưng lại không thể minh chứng được, vì nó vượt ra khỏi phạm vi mọi phạm trù của trí năng con người. Chính lương tâm là nơi thuận lợi để mầu nhiệm đức tin ấy tự phát huy và tăng triển, cũng như cảm nhận được một cách đặc biệt rằng sự tương quan giữa con người và Thiên Chúa mang tính chất nội tại trong cá vị của người liên hệ, nhưng đồng thời lại có sự giằng co giữa tính chất tuyệt đối của trách nhiệm lương tâm, tức của sự mặc khải, và nguyên tắc bất khả thấu triệt của thực tại vốn được coi như nguyên nhân khơi ra những đòi hỏi và soi sáng trong lương tâm của mỗi người, tuy âm thầm như vô cùng mạnh mẽ, đến nỗi không áp lực nào có thể dập tắt được, mà người ta thường gọi là “tiếng nói lương tâm”, “sự nhắc bảo của lương tâm” hay “sự dằn vặt cắn rứt của lương tâm.”

Lương tâm là phản ảnh thánh ý Thiên Chúa

Qua đó, quan điểm cho rằng lương tâm là “tiếng nói của Thiên Chúa” đã nêu lên một thực tại hiển nhiên là ý niệm về Thiên Chúa được hàm chứa trong chính cấu trúc của ý niệm về lương tâm. Hay nói rõ hơn, khi người ta đề cập tới lương tâm, nơi phát xuất tiếng nói của chân lý, thì tất nhiên người ta phải nói đến Thiên Chúa, đệ nhất nguyên lý hay nguồn mạch của chân lý, tức chân lý tối hậu.

Theo giáo huấn về luân lý công giáo thì một chân lý đạo đức khách quan với tính cách khả nhận thức và tính cách ràng buộc của nó, một đàng, luôn đòi hỏi phải được tuân giữ; nhưng một đàng khác, sự tự do của mỗi cá nhân cũng luôn đòi hỏi phải được tôn trọng, chứ không thể bị áp đặt bởi bất cứ quyền lực ngoại tại nào một cách tùy tiện được. Vậy, chỉ có một thẩm quyền nội tại trong con người mới có quyền đòi hỏi và thúc đẩy con người phải tuân giữ chân lý đạo đức khách quan. Đó chính là lương tâm. Như đã được trình bày ở trên, người ta có thể nói rằng lương tâm là một “thẩm quyền ngoại tại được nội hóa“, là bia đá đã được khắc đậm những quy luật tự nhiên của Đấng Sáng Tạo.

Tiếp đến, nhờ nguồn mạch của Thánh Kinh, người ta nhận thức được rằng chính Thiên Chúa là Đấng ban hành các giới răn và đồng thời qua lý trí con người Thiên Chúa lại ban cho họ sự hiểu biết để nhận thức được sự cần thiết của các giới răn ấy. Người ta gọi hành động nhận thức được giới luật tự nhiên của Đấng Sáng Tạo như là chân lý khách quan cần phải được vuông tròn là công việc của lương tâm. Qua lương tâm, con người biết khắc phục và hòa hợp được sự tự do cá nhân của mình với chân lý khách quan, và sau cùng là biết khắc phục và hòa hợp được tính chất đạo đức chủ quan của con người với giới luật khách quan của Thiên Chúa. Lương tâm và các luật lệ chân chính không bao giờ chống đối hay phủ nhận nhau, ngược lại, cả hai cùng bổ túc cho nhau và cả hai cùng có chung một nền tảng biện minh trong luật tự nhiên. Đó chính là nền tảng của giáo huấn Công Giáo về luân lý. Sự hòa điệu của lý tính tự lập (qua sự soi sáng của Thiên Chúa) cũng như của tính chất quy phạm ngoại thuộc (được đúc kết nên trong bản tính con người) chính là điều kiện cho lương tâm luôn tự trau dồi và hoàn hảo thêm mãi, một điều mà người ta cũng gọi là sự “giáo dục hay rèn luyện lương tâm“, tức một diễn tiến cần thiết trên đường tiến tới chân lý luân lý đạo đức.                             

Như vậy, giáo huấn Công Giáo về luân lý khẳng định rằng lương tâm chịu sự điều khiển và chi phối của Thiên Chúa, nguồn mạch của chân thiện mỹ tuyệt đối, chứ không phải của con người. Nhưng đồng thời giáo huấn ấy lại nhìn nhận sự tác động của lương tâm mang tính chất nội tại trong con người. Đây là giáo huấn đã được dựa trên quan điểm thần học của thánh Thomas Aquinô trong sự cân bằng giữa những yếu tố ngoại thuộc (heterom) nói chung và thần thuộc (theonom) nói riêng (tức các giới luật và ân sủng của Thiên Chúa) và những yếu tố độc lập (tức ý chí và sự tự do của con người). Để hòa hợp và duy trì những yếu tố này giữa Thiên Chúa và con người lại với nhau phải cần đến sự can thiệp của lý trí, nghĩa là nhờ vào sự hướng dẫn của lý trí con người mới có thể khám phá được lý tính thực tiễn của hành động của mình, nói cách khác, chính lý trí  soi sáng cho con người có được sự hiểu biết và nhận thức được chân lý. Ý tưởng này đòi hỏi một sự cân nhắc khôn ngoan và đúng đắn về những luận cứ chủ quan và khách quan. Một sự nỗ lực biết cân nhắc khôn ngoan như thế người ta cũng thường tìm gặp trong các văn kiện của Công Đồng Vatican II khi đề cập tới vấn đề lương tâm và tìm kiếm một sự dung hòa giữa các quan điểm về lương tâm.

Bởi vì, trong giáo huấn Công Giáo về luân lý, ý niệm “lương tâm” đóng một vai trò rất quan trọng, nên nó đã được đưa ra thảo luận một cách sôi nổi trong các khóa họp Công Đồng giữa các ý kiến trái chiều. Sau cùng hai hiến chế “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium) và “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng” (Gaudium et Spes) của Công Đồng đã nhấn mạnh một cách đặc biệt đến ý niệm lương tâm và đặt nó vào hàng “Hiến Chương” mang tính chất ràng buộc thần học. Nhờ Hiến Chế mục vụ “Gaudim et Spes” đã tổng hợp được những quan điểm trái chiều nhau, nên người ta đã tìm gặp được trong đó một sự xác định rất rõ ràng về lương tâm, điển hình trong đoạn viết sau đây: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật, con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng bị xét xử theo lề luật ấy nữa (x.Rm 2,14-16). Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ. Lương tâm làm cho con người nhận biết một cách tuyệt vời luật mến Chúa yêu người (x. Mt 22,37-40; Gal 5,14). Trung thàmh với lương tâm, các Kitô hữu phải liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy, lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được sự độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi lầm lạc vì bất tri vô khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng.”(4)

Định nghĩa về lương tâm trên đây của Công Đồng bao hàm tất cả những gì mà người ta cần phải có để hiểu được quan điểm Công Giáo về lương tâm. Trong câu định nghĩa ấy hàm chứa một thái độ được coi là mang tính chất đặc trưng nhờ sự phổ quát hóa một cách hợp lý các khía cạnh và phương diện của vấn đề, một sự hợp lý về chủ quan tính và khách quan tính và vượt lên trên cả biên giới của tôn giáo hay tín ngưỡng. Nói cách khác, một đàng, sự phán quyết của lương tâm không tùy thuộc vào niềm tin tín ngưỡng của người liên hệ, nhưng một đàng khác, lương tâm không thể hành xử đúng đắn được nếu không có chân lý, nhưng chân lý lại chỉ có nơi một mình Thiên Chúa mà thôi, ngoài Thiên Chúa không có chân lý đích thực, vì Thiên Chúa là chân lý tối hậu.

Điều đó muốn nói rằng, một người sẽ bị phê phán và xét đoán không vì người ấy là tín hữu Công Giáo hay không, nhưng là vì người ấy đã biết lắng nghe theo tiếng lương tâm của mình và nhờ thế đã sống xứng đáng với nhân phẩm của mình hay không. Tuy nhiên, con người luôn được kêu mời không những phải “làm lành lánh dữ“, nhưng còn phải “tìm kiếm điều chân thật và điều thiện hảo” nữa, nghĩa là Thiên Chúa, để không bị lầm lạc về phương diện luân lý đạo đức do sự vô tri trong việc sử dụng lương tâm. Và trong việc tìm kiếm điều chân thật và điều thiện hảo ấy, con người luôn được Giáo Hội cùng đồng hành và trợ lực. Nhưng sự trợ lực của Giáo Hội không thể thay thế cho sự nỗ lực bản thân của con người được trong việc sống theo lương tâm mình, và như thế, cũng không biện minh được cho sự lầm lẫn không thể tránh được của con người do sự bất cẩn và sao nhãng của mình.

Vậy, ai muốn đứng vững được trước sự xét xử công minh của Đấng Sáng Tạo, thì phải thực hiện tốt điều này là nỗ lực thực thi giáo huấn Công Giáo về luân lý, dù cho người ấy là tín hữu Công Giáo hay không. Bởi vì giáo huấn Công Giáo về luân lý có đủ thầm quyền để định hướng một cách chắc chắn và trực tiếp nhằm tới chân lý và qua đó hướng dẫn con người đạt tới sự cứu rỗi. Sự tương quan sống động này giữa cộng đồng tôn giáo và đức tin cá nhân của một người hình thành nên một sự liên kết bền vững giữa Thiên Chúa và lương tâm. Như thế, nhờ sự tương quan sống động ấy, Giáo Hội nói chung và Công Đồng nói riêng đã thành công trong một vấn đề mà người ta đã chí lý gọi là điều bất khả tìm gặp được đối với bản tính hữu hạn con người, tức sự cứu rỗi sau cùng. Với tư cách là Cộng Đồng của Thiên Chúa, Giáo Hội Công Giáo quả thực là thầy dạy chân lý và hướng dẫn con người  tìm gặp được chân lý tối hậu. Ở đây, để dễ hiểu hơn, người ta có thể đưa ra một ví dụ điển hình cụ thể để so sánh, chẳng hạn khi một người nào đó được dành cho một căn phòng trong một toà nhà mà viên quản gia đã dự định, vì viên quản gia nắm vững cơ cấu kiến trúc cũng như bản thiết kế của toàn thể toà nhà. Nếu như người ấy chẳng may khi đi ra khỏi phòng của mình và rồi sau đó khi trở lại bị lạc, không còn tìm ra được căn phòng đó nữa và cứ đi mở thử các cửa của những căn phòng khác không dành cho anh ta, thì điều đó không có nghĩa là bản thiết kế hay họa đồ tòa nhà bị vẽ sai hay thiếu rõ ràng, nhưng là do người ấy đã không chịu khó đọc kỹ càng và hiểu được bản thiết kế, cũng như do anh ta đã lơ là và khinh thường bỏ qua những dẫn giải và cắt nghĩa của viên quản gia với vai trò là người dày kinh nghiệm và thấu triệt mọi ngóc ngách của tòa nhà. Ở đây, chính Giáo Hội là nữ quản gia của tòa nhà luân lý mà Thiên Chúa là chủ nhân duy nhất.

Sự diễn tiến của Công Đồng Vatican II đã thành công trong việc nỗ lực đưa ra một sự dung hòa giữa quan điểm chủ quan và khách quan về lương tâm, và hơn nữa, chủ đề lương tâm còn được nghiên cứu cẩn thận và được trình bày trong những phát biểu công khai của Huấn Quyền, tức những Tông huấn hay Thông điệp của các Đức Giáo Hoàng, đặc biệt Thông điệp “Đấng Cứu Thế” (Redemptor hominis, 1979); “Ánh Rạng Ngời của Chân Lý” (Veritatis splendor, 1993); “Tin Mừng Sự Sống” (Evangelium vitae, 1995) cũng như nền thần học luân lý Công Giáo trong nhiều thập niên liên tiếp sau Công Đồng Vatican II đã chính thức bày tỏ một tinh thần rất cởi mở đối với phương diện cá nhân riêng tư, nhưng đồng thời cũng không quên nhắc nhủ cần phải luôn tôn trọng chân lý khách quan, mà quyền giải thích chân lý khách quan ấy là một yêu sách bất khả nhượng của giáo huấn Công Giáo về luân lý.

Việc rèn luyện lương tâm

Điều đó muốn khẳng định rằng Giáo Hội có trách nhiệm giúp đỡ và định hướng cho con người cũng như lương tâm của họ. Một cách cụ thể, đây là một sứ mệnh cao cả của các giáo huấn của Giáo Hội về luân lý. Ngoài ra, Giáo Hội còn luôn phải nhấn mạnh đến bổn phận của lương tâm đối với chân lý khách quan. Vì nhiều khi do những lý do và hoàn cảnh chủ quan cũng như khách quan – như môi trường giáo dục trong xã hội hay sự triền miên dầm mình trong một cuộc sống tội lỗi, v.v…– lương tâm con người có thể bị lệch lạc và không còn đưa ra những phán quyết trung thực phù hợp với chân lý khách quan nữa, nên lương tâm cũng cần phải được rèn luyện, vì “khi đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, hợp theo lý trí và luật Thiên Chúa, hoặc ngược lại, phán đoán sai.”(5). Vì thế, lương tâm con người luôn cần phải được giáo dục và rèn luyện một cách đúng đắn và cẩn thận. Chính Sách Giáo Lý Công Giáo (1993) đã dạy một cách rõ ràng như sau: “Lương tâm phải được rèn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm này sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí, phù hợp với điều kiện đích thực như Đáng Sáng Tạo đầy khôn ngoan muốn. Việc giáo dục luơng tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chân thực.”(6)

Nhưng để rèn luyện cho lương tâm trở nên ngay chính và đúng đắn, hầu lương tâm có thể đưa ra những phán quyết phù hợp với lý trí và luật Thiên Chúa, thì sự rèn luyện hay giáo dục lương tâm ấy nhất thiết cần phải được soi sáng và hướng dẫn bởi chính lời của Thiên Chúa(7). Đây là con đường duy nhất giúp ta có được một lương tâm tốt và ngay lành hầu có thể hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói và hành vị của ta, ngoài ra không có sự lựa chọn nào khác.

“Lạy Chúa, Lời
Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 119,105).

______________
1. Notker III (950-1022), cũng được gọi là Notker Teutonicus, là một Tu Sĩ Dòng thánh Biển Đức, hiệu trưởng trường của Tu Viện tại St. Gallen, ngày nay là một tỉnh thuộc bắc Thụy Sĩ. Ông là một nhà dịch thuật nổi tiếng vào thời trung cổ. Chính Notker là người đầu tiên đã dịch những bình luận của đại triết gia Aristote và các tuyệt tác thời cổ đại ra tiếng Latinh.
2. Cũng tương tự như thế, trong tiếng Đức từ “Gewissen” xuất phát từ tiếng Đức cổ “giwizzani.” Khởi đầu từ “giwizzani” được phát triển theo thời gian, trước hết thành “gewizzen” và sau cùng thành “Gewissen” như hiện đang được sử dụng trong tiếng Đức. Từ “gewizziani” đã được Notker III diễn dịch từ ý niệm “conscientia” trong tiếng Latinh và nếu theo sát ngữ vững thì có nghĩa là cùng biết. Và Notker đã đổi từ “wizzani” thành “wizzan”, và sau cùng là “wissen”, có nghĩa là biết, hiểu hay ý thức. Còn vần tiếp đầu ngữ “gi” (giwizzani) về sau được đổi thành “ge”, và được thêm vào một từ nào đó để nhấn mạnh hay bao quát hóa ý nghĩa của từ ấy, ví dụ: từ “Berg” có nghĩa là núi, nay thêm tiếp đầu ngữ “ge” vào thành “Gebirge” và có nghĩa là miền núi; hay từ “Wetter” có nghĩa là thời tiết, nay được thêm tiếp đầu ngữ “ge” vào thành “Gewitter” và có nghĩa là mưa bão sấm chớp. Cũng vậy, từ “wissen” có nghĩa là biết hay tri thức, nay được thêm tiếp đầu ngữ “ge” vào thành “Gewissen” và có nghĩa là sự hiểu biết hay tri thức toàn diện và tổng quát. Như vậy, qua chặng đường biến đổi tuần tự như thế, từ “giwizzani” cuối cùng đã trờ thành từ “Gewissen” như đang được sử dụng trong Đức ngữ hiện nay, và có nghĩa là lương tâm, tức sự tri thức bao quát và tổng thể của một người.
3. Gio-an 20,17: theo bản Kinh Th ánh tiếng Đức “Hausbibel-Einheitsübersetzung.
4. Gaudium et Spes, số 16.
5. Sách Giáo Lý Công Giáo, số 1786.
6. Như trên, số 1783.
7. xem số 1785.