Lương Tâm Con Người (1)

0
3490


Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang,

Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Trung Tâm Học Vấn Đaminh.

—————————
Viết theo:
1. Bernard Häring:

a. La loi du Christ, Vol. I, Phần La Faculté morale: Conscience. Nxb. Desclée, 1964.
b. Free and Faithfull in Christ, vol. I, Chương Conscience: The Sanctuary of Creative Fidelity and Liberty, Nxb, Seabury press, New York, trg 223-284.
2. Richard M. Gula SS, Reason Informed by Faith,
chương Consience, Nxb. Paulist. Press, New York, 1989, trg. 123-135.

3. Xavier Thévenot, Compter sur Dieu, chương 4, Nxb. Du Cerf, 1993, trg 83-104.
4. Jean Maria Aubert, Conscience et Loi, trong Initiation à la Pratique de la Théologie, Tom 4, Ethique, Nxb. Du Cerf, 1993.
5. Karl H. Percheke, SVD, Christian Ethics, Vol. I, chương 3 phần II.
6. Nguyễn Bình Tĩnh, Luân lý Thần học Cơ bản Kitô giáo, Nxb. Thuận Hóa, 1994, trg 181-219.
7. Bùi Châu Thi, Luân lý Thần học Cơ bản, ĐCV Sàigòn, 1963, trg 94-110.
**********
 

– Trong cuộc sống bình thường, ai trong chúng ta có cảm nhận có mối liên hệ giữa lương tâm và trách nhiệm. Lương tâm được coi như nguyên lý nội tại giúp ta nhận định mọi hành vi nhân linh, rồi thẩm định xem yếu tố nào trong đó là thiện hay ác, là phúc hay tội.

Lương tâm được coi như một chức năng bẩm sinh trong cõi lòng con người. Nó thúc đẩy ta làm điều lành và tránh điều xấu. Ai cũng công nhận và có kinh nghiệm về sự kiện hiển nhiên này: Con người có khả năng thực hiện những hành vi nhân linh, nhưng đồng thời cũng có khả năng nhận ra những giá trị luân lý trong hành vi đó. Có thể nói khi đề cập đến vấn đề lương tâm là ta đi sâu vào cốt lõi của vấn đề luân lý.

– Công đồng Vaticanô II đã có một nhận định thật chí lý và tuyệt vời về vấn đề lương tâm như sau:

“Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Vâng theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa (Rm. 2,14-16). Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em và được biểu lộ cách kỳ diệu (Mt. 22,37-40 và Ga. 7,14). (Hiến chế GS. 16).

Và còn đi thêm một bước nữa, Vaticanô II đã liên kết lương tâm với lề luật của Thiên Chúa: “nhờ lương tâm, con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của lề luật Chúa” (Sắc lệnh DH, về tự do tôn giáo).

– Nhìn vào thực trạng thế giới hiện nay, ta có thể nhận thấy vấn đề lương tâm trở thành một điểm nóng bỏng của thời đại chúng ta. Nó giữ một vị trí ưu tiên trong suy tư về luân lý hiện nay. Hiện nay nhiều người có khuynh hướng nại đến tự do lương tâm để không chịu chấp hành luật lệ của quốc gia, thậm chí họ còn đặt lại cả vấn đề về luật tự nhiên, coi luật tự nhiên như tình trạng áp bức đối với lương tâm cá nhân con người. Trong nội bộ của Giáo hội cũng không tránh khỏi sự nóng bỏng đó vì có nhiều người cũng nại đến tự do lương tâm cá nhân của mình để không chịu chấp nhận giáo huấn về luân lý của Đức giáo hoàng Phaolô VI trong thông điệp Humanae Vitae, và gần đây hơn họ không chấp nhận giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II cũng về vấn đề luân lý trong thông điệp Evangelium Vitae. Đây quả là một cơn sốt, một cơn lốc về luân lý.

– Chính vì thế việc hiểu biết về lương tâm trở thành một điều thiết yếu đối với việc đào tạo linh mục để hướng dẫn công việc mục vụ của họ sau này: các vị mục tử càng phải làm việc nhiều hơn nữa để giáo dục lương tâm Kitô giáo của người tín hữu được trưởng thành, biết nhận lời mời gọi của Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của đời người và biết đáp lời theo những đòi hỏi xác thực của niềm tin Kitô giáo và của đức bác ái.

I. QUAN ĐIỂM KINH THÁNH VỀ LƯƠNG TÂM

1. Lương tâm trong Kinh thánh Cựu ước

Nếu chỉ cố tìm cho được từ ngữ lương tâm trong Cựu ước, có lẽ ta sẽ rất thất vọng, vì chỉ gặp chữ này có một lần duy nhất trong sách Khôn ngoan (Kn. 17,10) từ Syneidesis, theo tiếng Hy lạp có nghĩa là lương tâm. Theo các nhà chú giải đây là một câu văn hầu chắc chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy lạp: “kẻ gian ác tự đưa ra bằng chứng để lên án chính mình là hèn hạ bị lương tâm dày vò, nó luôn cảm thấy mình khổ sở”.

a. – Giống như những nền văn hóa khác, tư duy của người  Do thái cũng phát triển. Họ nhìn kinh nghiệm về điều tốt và điều xấu theo một viễn tượng ngoại tại, khách quan, và đôi khi mang tính tập thể. Các truyền thống và những người lãnh đạo tôn giáo làm trung gian cho ý muốn của Thiên Chúa.

– Tuy nhiên họ cũng có kinh nghiệm về tiếng nói của Thiên Chúa kêu gọi họ từ bên trong. Cách hiểu lương tâm mang tính nội tại như thế là một đóng góp lớn lao của những vị ngôn sứ trong dân Do thái. Nó là cái gì sâu kín nhất nơi con người ở đó họ được mời gọi trung thành với Thiên Chúa của Giao ước.

–  Ở đây ta có thể nói nền tảng của Kinh thánh Cựu ước là Nhân học tôn giáo của người Do thái. Trong bối cảnh giao ước Thiên Chúa ngỏ lời với con người: “vì LỜI ở rất gần ngươi, nơi miệng ngươi, nơi lòng ngươi để ngươi thi hành” (Đnl. 30,14). Ý nghĩa và giá trị tôn giáo trong cuộc sống của người Do thái nằm ở chỗ trung thành với lời Chúa dạy. Muốn được như thế, con người phải biết chăm chú lắng nghe Lời của Chúa, trong đó họ tìm thấy sự khôn ngoan để phân biệt tốt xấu. Thế mà luật Chúa lại ở tận đáy lòng ta (Tv. 40,9) và cũng từ nơi đáy lòng mình, con người giữ kỹ Lời Chúa để khỏi lỗi phạm đến Ngài (Tv. 119,11). Sự hiện diện của Lời Chúa là món quà và con người tự do chấp nhận hay không. Theo lối nhìn này, sự phân biệt tốt xấu liên kết với Lời của Chúa, là Đấng mời gọi con người sống trung thành với Ngài.

Đây là cuộc gặp gỡ giữa một bên là Lời Chúa và một bên là sự đáp lời của con người. Giao ước, Lời Chúa, con người lắng nghe và vâng phục, những điều này tạo thành một cái nền cho phép hiểu hiện tượng lương tâm trong Cựu ước. Với bối cảnh hiện sinh như thế trong đó người Do thái đặt mình trong mối tương quan giao ước giữa họ với Chúa, thì ta cũng chẳng nên coi chuyện Cựu ước không thấy có từ ngữ lương tâm là một điều gì khiếm khuyết nghiêm trọng. Người Do thái nhận thức mối tương quan đó như một giá trị sống còn cho đời sống tôn giáo của họ và thực trạng đặc biệt này đưa họ đến việc chấp nhận những đòi hỏi luân lý nghiêm túc, để rồi từ nơi sâu thẳm nhất trong con người mình họ tự do thực hiện những đòi hỏi đó.

b. – Khi đề cập đến “từ nơi sâu thẳm trong con người”, tức là trước hết ta lưu tâm đến việc Kinh thánh hiểu cõi lòng người ta như thế nào. (trong phần lựa chọn cơ bản ta cũng đã đề cập đến cõi lòng). Nhờ Thánh Thần Chúa, con người lãnh nhận một thiên hướng bên trong (inner disposition) và lời mời gọi làm điều thiện, để chân thành tìm kiếm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực thi theo thánh ý Ngài. Cõi lòng bị lung lay nếu ta không tuân theo tiếng nói nội tâm này R. Schnackenburg cho rằng: đối với người Sêmit, cõi lòng là chỗ của tư duy, ước muốn, cảm xúc và cả những phán quyết luân lý nữa (Moral teaching of the New testament, New York 1965, tr 69). Người Do thái cho rằng Thần Khí Chúa có thể chạm đến và kêu gọi họ từ nơi cõi lòng. Tuy nhiên chính cõi lòng sẽ khen chê hành vi của ta: “lòng tôi không xấu hổ thẹn thùng về bất cứ ngày nào trong đời tôi” (Gióp. 27,6). Hoặc khi vua Đavit muốn chứng tỏ sức của mình và của dân Israel bằng cách cho lệnh kiểm ra dân số thì “lòng ông bùi ngùi sau khi kiểm tra dân số” (2Sm. 24,10) vì đây là thái độ bị Thiên Chúa coi là không tin tưởng vào sự quan phòng và dẫn dắt của Ngài. Điều này có nghĩa từ trong cõi lòng, người làm điều xấu biết rằng mình đã làm điều sai trái chống lại Chúa. Đây không phải là cái biết theo lý trí, nhưng chính là sự đau đớn sâu xa nơi cõi lòng. Trong cơn đau đớn này, người làm lỗi vẫn còn đứng trước mặt Chúa dẫu họ đã làm như Cain đã làm: “Cain thưa với Chúa: tội vạ tôi quá lớn làm sao mang nổi… tôi phải khuất khỏi nhan Ngài, nên kẻ vất vưởng chạy rông trên mặt đất”(St. 4,13-14).

– Không chỉ làm công việc cáo tội ai sau khi người đó làm điều xấu mà thôi, nhưng cõi lòng còn có thể lắng nghe Thần Khí Chúa, là Đấng soi sáng và hướng dẫn con người sống ngay chính. Nếu ai có làm điều gì xấu thì Thần Khí mời gọi họ gặp gỡ Chúa lại một lần nữa (x. Is 65,14). Từ trong thâm tâm được Thần khí Chúa tác động, tác giả Thánh vịnh đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy, xin đừng nỡ đuổi con không cho gần nhan Chúa, đừng cất khỏi con Thần khí thánh của Ngài” (Tv. 50,12-13). Như thế sự sám hối trong Cựu ước thường bắt đầu với cõi lòng đau đớn.

Đây quả là lối nhìn sâu sắc về cõi lòng con người nơi đó họ được Thần khí Chúa chạm đến và đánh động. Lối nhìn này vượt lên trên tính luân lý bề ngoài. Sứ điệp lớn lao được các vị ngôn sứ công bố đó là Thiên Chúa muốn viết lề luật của Ngài nơi cõi lòng là nơi sâu thẳm nhất nơi con người (x. Gr. 31,29-34; Ed. 14,1-3 và 36,26). Dù cõi lòng con người có thể trở nên cứng cỏi, nhưng sứ điệp của các ngôn sứ cho thấy Thiên Chúa có thể đổi mới ngay cả những cõi lòng cứng cỏi nhất. Ngài ban cho họ sự nhạy cảm mới và giúp họ biết mở rộng cõi lòng trước tình yêu của Thiên Chúa.

c. Nói gọn lại, chính cõi lòng lắng nghe tiếng Chúa, hiện diện trước mặt Chúa và trở thành “chỗ” cho lương tâm ngự trị. Hay nói rộng ra, đó chính là lương tâm của con người.

2. Lương tâm trong Kinh thánh Tân Ước

a. – Giống như trong Cựu ước, Tin mừng không có từ ngữ nào chuyên biệt để chỉ lương tâm. Chúa Giêsu cũng lấy lại chủ đề cõi lòng làm tính nội giới và nguồn gốc cho giá trị luân lý nơi con người (x. Mt. 5,8 ; 5,28 ; 6,21 ; Mc 7,20; Lc. 6,45). Việc nhận thức các giá trị tôn giáo và luân lý cũng như việc quyết định có thái độ luân lý và tôn giáo như thế nào đều nằm trong cõi lòng của ta (Ga. 3,19-21 ; 9,39-41 ; Mt. 4,17).

–  Như thế, cõi lòng được coi là khả năng nhận thức những giá trị luân lý và cũng là khả năng tự quyết định của cá nhân mỗi người trong tương quan với điều tốt hay điều xấu, tùy theo mối liên hệ của những điều này với Chúa.

Cho nên cõi lòng giữ vai trò chủ yếu trong việc đặt mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Nói cách đơn sơ, cõi lòng là nơi gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa.

Trong mối liên hệ nền tảng này, cõi lòng trở thành nhân chứng hay vị quan tòa đối với những giá trị luân lý của hành vi nhân linh. chính cõi lòng khiển trách (x. Mc. 6,16 trường hợp Hêrôđê chém đầu JB), gợi lên sự hối hận (x. Mc. 14,66-72 trường hợp Phêrô chối Chúa). Đó là kinh nghiệm tôn giáo, kinh nghiệm về lương tâm.

b. – Trong phần còn lại của Tân Ước, theo Tự điển bách khoa Kinh thánh, từ ngữ Syneidesis được dùng cả thảy 30 lần, thì riêng Phaolô đã dùng từ ngữ này đến 25 lần. Với tư cách là Tông đồ, Phaolô đã đem lối nhìn của Cựu Ước, kinh nghiệm về việc Chúa kêu gọi và đổi mới cõi lòng ông vào trong sứ vụ rao giảng của mình. Theo Stanley SJ., thì “sự nhạy cảm của Phaolô liên quan đến lương tâm người khác phát xuất từ lương tâm tinh tế của chính ông (x. 2Cr. 1,12), từ sự nhận thức liên tục về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chính bản thân ông” (x. 2Cr. 5,11). (x. Boasting the Lord, New York, 1973, trg 131).

– Sau đó ông đã chuyển sứ điệp này cho dân ngoại bằng chính ngôn ngữ của họ khi dựa trên kinh nghiệm của họ về lương tâm và lòng mộ đạo; nhưng cùng một lúc ông cố gắng đưa tất cả những thứ đó vào dưới ánh sáng tràn đầy của Đức Kitô. Ông không chỉ chấp nhận “những gì là chân thật, cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen” (Pl. 4,8), mà còn sử dụng cả khái niệm chủ yếu của nền đạo đức phái Khắc kỷ, đó là Syneidesis. Qua đó ông nhắm tìm ra những gì là tích cực và có thể chấp nhận được trong khái niệm Hy Lạp về Syneidesis, nhưng đồng thời những gì ông nghĩ, rao giảng và viết lách đều đã bắt nguồn sâu xa từ truyền thống Kinh thánh. Vì thế ông có khả năng đem sứ điệp của Chúa đến với ngôn ngữ của người nghe đương thời. Theo Philip Delhaye, ngay cả khi vay mượn những tiếng từ ngôn ngữ triết học thời của mình, nhưng sau đó ông đã củng cố những từ ngữ đó bằng truyền thống trong Thánh Kinh về vai trò của cõi lòng (x. Christian Conscience, New York, 1968, trg 36).

–  Cho đến thời của Phaolô, có lẽ hầu như trường phái Khắc kỷ đã dùng chữ Syneidesis để chỉ sự ý thức về điều xấu, nói lên sự hối hận. Nó còn nói lên khả năng nhận ra những điều tốt, xấu. Rồi từ cách hiểu thông dụng này, Phaolô đã khai triển một khái niệm về lương tâm Kitô giáo. Một trong những đoạn văn điển hình nhất về vấn đề này là

Rm. 2,15 khi ông đề cập đến mối tương quan giữa luật Môisê và dân ngoại: “Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải”. Ở trong đoạn này, Phaolô đã trung thành với khái niệm Hy Lạp truyền thống khi coi Syneidesis như một nhân chứng nội tâm xác nhận tính chất tốt hay xấu của hành vi. Nói cách khác, con người có phán đoán về hành vi nhân linh của mình. Như thế ở trong trường hợp này, lương tâm luân lý được nhân cách hóa và đóng vai trò làm chứng nhân cũng như quan tòa với những phán quyết có thẩm quyền hoặc khen ngợi hoặc kết án ( x. 2Cr. 1,12 và Rm. 9,1 ở đoạn này Philip Delhay nhấn mạnh cõi lòng con người còn được Thần Khí Chúa trợ giúp).

Ngoài chức năng đánh giá phẩm chất hành vi cá nhân của mình, lương tâm còn có khả năng đánh giá hành vi của người khác. (x. 1Cr. 10, 28-29; 2Cr. 4,2; 5,11). Đồng thời thánh Phaolô khuyên khi hành động ta phải lưu ý đến việc hành vi của ta dù tốt hay xấu có thể gây vấp phạm cho những người khác có lương tâm yếu đuối, không hiểu rõ vấn đề (x. 1Cr. 8,7. 10,12).

Rồi Phaolô còn nói đến lương tâm như qui luật của cuộc sống, nên có một lương tâm ngay chính đủ để hành động an toàn về mặt luân lý (Rm. 13,5 và 1Cr. 10,25.27).

Với những trường hợp điển hình nêu trên, lương tâm được coi như ánh sáng soi dẫn, chứng nhân, nhà lập luật, quan toà .

– Còn trong các thư mục vụ, Phaolô cho rằng lương tâm tốt, trong sạch làm cho cuộc sống người Kitô hữu hài hoà với đức tin của mình. Như thế lương tâm trở thành yếu tố cần thiết cho cuộc sống luân lý thánh thiện để phục vụ Chúa ( x 1Tm. 1,5.19; 2Tm. 1,3.5).

Ngoài ra trong khi xử dụng khái niệm Syneidesis, Phaolô còn muốn truyền đạt sứ điệp của các ngôn sứ về cõi lòng con người, nơi đó Thiên Chúa làm cho con người biết luật yêu thương của Ngài. Sứ điệp cốt lõi của Phaolô là Thánh Thần đổi mới cõi lòng người ta, chỗ nào có sám hối và hoán cải chỗ đó có sự tái sinh cõi lòng. Rõ ràng ở đây Phaolô muốn chỉ điều ta nói về lương tâm.

– Phaolô còn đề cập đến sự rạn nứt nơi sâu thẳm con người ta khi mình nói biết Thiên Chúa mà lại chống lại ân sủng Chúa và lời mời gọi của đức tin: “Với những kẻ nhiễm uế và không có đức tin, thì không có gì là trong sạch cả; trái lại trí khôn và lương tâm của họ đã bị nhiễm uế. Họ tuyên bố là biết Thiên Chúa nhưng trong hành động họ lại chối Người. Họ là đồ ghê tởm, không vâng lời và không có khả năng làm một việc gì tốt” (Tt. 1,15-16). Ơn cứu độ không chỉ giải thoát ta khỏi tâm trí và suy luận dối trá, nhưng còn chạm đến nơi sâu thẳm hơn đó là lương tâm con người.

II. NHỮNG Ý NIỆM VỀ LƯƠNG TÂM

1. a. Theo xác tín chung nơi các dân tộc, con người nghe tiếng của Thượng đế và sự thiện nơi cõi lòng của mình. Chính nơi đây vang lên tiếng nói liên kết con người với Thượng Đế và sự Thiện. Sự xác tín đó hàm ý sự hiện hữu của lương tâm là một sự kiện hiển nhiên, một cách nào đó ai cũng đều cảm thấy, không thể chối cãi được. Các triết gia thời cổ đại dùng kiểu nói khác nhau để diễn tả những đặc tính và nội dung của lương tâm.

b. Người Ai Cập coi lương tâm như bản ngã thứ hai, có vẻ tách biệt với con người. Nó được ví như người bạn đồng hành tốt, người hướng đạo, giống như người cố vấn nội tâm. Giống như kinh Thánh, họ còn diễn tả lương tâm như cõi lòng, trái tim.

c. Còn các triết gia thuộc phái Khắc kỷ (tk III tcn) coi lương tâm là sự hiểu biết của con người về chính bản thân của mình trong tương quan với điều Thiện. Phần lớn những người thuộc phái này cho rằng: Thần linh tự bày tỏ nơi lương tâm con người không phải là một vị thần sống động có ngôi vị, nhưng chỉ là một sức mạnh điều hoà vũ trụ. Nó mang tính chất linh thánh nhưng lại vô ngã, mà họ gọi là Lex aeterna mà lương tâm được tham dự vào.

– Một vài triết gia nổi bật của phái này như Chrysippe (280-205 AC), người Hy Lạp, ông diễn tả lương tâm như bản năng bảo tồn ngôi vị thiêng liêng, canh chừng lý trí, nó duy trì hữu thể của con người trong tương quan với Tinh thần điều hành sắp đặt thế giới (Nous).

– Epictète (tk I AC) gọi Lex aeterna là “vị hướng đạo tối thượng”.

– Ovide (43 AC – 17 BC) một thi sĩ La Mã gọi lương tâm là vị thần ngự trị nơi chúng ta.

– Sénèque (4 AC – 65 BC) một triết gia La Mã nói đến lương tâm như “một vị thần linh ở bên cạnh ta, ở với ta, ở trong ta”, hay lương tâm như “ một tinh thần thánh thiện ở trong ta, nó quan sát sự lành lẫn sự dữ”. Ông này còn đề ra một nguyên lý tóm lược đòi hỏi nền tảng của lương tâm là “sống theo lẽ tự nhiên”.

2. Trong tiếng Latinh, lương âm là Conscientia từ này do hai tiếng kết hợp lại với nhau: Scientia là sự hiểu biết, tri thức có liên quan với (con) một thực tại khác. Chính vì thế người ta coi lương tâm như là một chứng nhân, quan toà, vị cố vấn, người bạn tri kỷ đồng hành hay một tay đồng loã với chủ thể hành động.

3. Theo Léon Wieger, trong tiếng Hán Việt, lương có nghĩa là hồng ân trời ban cho, tính tự nhiên bẩm sinh hay bản tính thiên phú. Triết gia Mạnh Tử của Trung hoa gọi là bản tính tốt. Còn tâm là lòng dạ, trái tim. Như vậy có thể nói lương tâm là lương năng bẩm sinh trong lòng người làm ta phân biệt được điều tốt xấu, cái hay với cái dở, và lòng tốt thì thúc đẩy người ta chọn làm điều lành tránh điều dữ.

4. Nhưng những lý thuyết vô tín hiện đại thì lại chủ trương hoàn toàn khác hẳn.

a. Trường phái sinh vật học mà trong đó nhưng người theo thuyết Tiến hoá cho rằng lương tâm chỉ là sự thích nghi theo Chức năng và môi trường sống. Theo họ, nhu cầu và sự cần thiết tạo nên cơ quan, nên lương tâm chỉ là sản phẩm của trào lưu tiến hoá nơi con người.

b. Trường phái Xã hội học do Durkheim khởi xướng coi lương tâm là điều diễn tả sự thích nghi của bản thân vào môi trường sống, một sự thoả hiệp giữa tính ích kỷ của con người với lợi ích xã hội. Chính vì thế người ta coi lương tâm như một phản ánh sự nhận thức do xã hội tạo nên nơi con người.

c. Trường phái phân tâm học do Freud khởi xướng thì lại coi lương tâm như sức mạnh bản năng của cá thể, mang tính phi xã hội, chịu khuất phục trước sự thúc đẩy thường xuyên của một quyền bính siêu ngã (super Ego hay Sur-moi), mà quyền bính này lại đơn thuần chỉ là phản ánh quyền bính của người cha. Trường phái này có một thời ăn khách và được ưa chuộng. Nhưng John W.Glaser đã đưa ra một bảng đối chiếu những điều khác biệt cơ bản giữa Siêu Ngã và Lương tâm để cho thấy không thể đồng hoá chúng với nhau được.
 

SIÊU NGÃ LƯƠNG TÂM
 1. Sai khiến ta hành động để có được sự chấp thuận có lợi. Chủ thể sợ mất tình thương  1. Đáp lời mời gọi sống yêu thương. Người ta trở nên một loại người và đồng tạo ra giá trị tự thân (self-value)
2. Quay hướng về chính mình để đảm bảo cho bản thân mình có giá trị và đáng yêu  2. Một cách nền tảng hướng mở tới người khác và tới giá trị mời gọi ta hành động.
 3. Khuynh hướng tĩnh chỉ lập lại giới lệnh ưu tiên. Không có khả năng học hỏi hay hoạt động cách sáng tạo trong tình thế mới.  3. Khuynh hướng năng động, nhạy bén trước đòi hỏi của các giá trị mời gọi. Có những phương cách mới để đáp lời
 4. Ưu tiên hướng về quyền bính: không có vấn đề đáp lời các giá trị, nhưng chỉ vâng lời lệnh truyền của quyền bính cách “mù quáng”.  4. Ưu tiên hướng về giá trị, đáp lời giá trị đáng được ưu tiên, không lưu tâm đến chuyện quyền bính có thừa nhận hay không.
 5. Chủ yếu lưu tâm đến những hành vi cá nhân được coi như quan trọng; tách khỏi bối cảnh rộng lớn hơn hay vấn đề rộng lớn hơn của các hành động.  5. Chủ yếu lưu tâm đến tiến trình hay vấn đề rộng lớn hơn. Những hành vi cá nhân chỉ trở nên quan trọng trong bối cảnh rộng lớn hơn này.
 6. Hướng về quá khứ: “Đường lối ta đã từng làm”.  6. Hướng về tương lai: “Loại người mà ta phải trở nên”.
 7. Hình phạt là một đảm bảo chắc chắn cho sự hoà giải. Hình phạt càng nghiêm khắc thì người ta càng chắc mình được hoà giải.  7. Sự sửa chữa qua việc vạch ra hướng đi tương lai, hướng về các giá trị có liên quan. Kiến tạo một tương lai mới cũng là cách làm cho quá khứ thành tốt.
 8. Việc đi từ tình trạng tội lỗi sang tình trạng tự canh tân được thực hiện khá dễ dàng và nhanh chóng nhờ vào việc xưng thú với quyền bính.  8. Tự canh tân là một tiến trình tiệm tiến của việc tăng trưởng.
 9. Thường nhận ra sự bất cân xứng lớn lao giữa cảm nhận về kinh nghiệm tội lỗi với giá trị bị lâm nguy. Phạm vi tội lỗi tuỳ thuộc vào ý nghĩa của khuôn mặt quyền bính không được ta tuân phục hơn là vào giá trị bị lâm nguy.  9. Kinh nghiệm về tội lỗi tương xứng với mức độ sự hiểu biết và tự do, với tầm mức của giá trị bị lâm nguy; ngay cả khi quyền bính không bao giờ chăm chú tới giá trị có liên quan.

III. NHỮNG LẬP TRƯỜNG THẦN HỌC VỀ LƯƠNG TÂM NHƯ MỘT KHẢ NĂNG THIÊNG LIÊNG

Lương tâm còn đi xa hơn sự nhận thức thực hành về các giá trị, vì nó còn xuất hiện như khả năng của tâm hồn đảm bảo cho những đòi hỏi của bổn phận. Lương tâm là tiếng vang trong nội tâm cho ta biết sự cứu độ hay hư mất của mình, chúng liên kết với việc ta có lập trường theo điều thiện hay theo điều ác.

1. Phân biệt lương tâm như một khả năng (synderesis hay synteresis) và lương tâm như một hành vi (syneidesis)

a. Thánh Augustino đã giải thích một cách sâu sắc lương tâm như một khả năng. Lấy lại ý tưởng của trường phái Khắc kỷ coi lương tâm như là sự tham dự vào Lex aeterna. Sau đó Ngài chủ trương sự thánh thiện của Thiên Chúa làm cho con người được tham dự vào lề luật của Thiên Chúa. Ánh sáng thần linh xâm nhập vào tận nơi sâu kín nhất trong cõi lòng con người và cõi lòng lại không ngừng thúc đẩy ta hướng về Chúa. Con người lại không được dựng nên để yêu mến Thiên Chúa và sự thiện hay sao? Đây đích thực mới là bản chất sâu xa của con người.

b. Thần học kinh viện phân biệt rõ ràng giữa lương tâm như một khả năng thường xuyên với lương tâm như một hành vi trong mỗi lần xét xử.

– Lương tâm như một khả năng. Khả năng này được hiểu như một cố gắng thiết yếu của con người để bảo toàn chính bản thân khi hành động theo bản tính của mình, và hoàn lại cho Thiên Chúa những bổn phận do bản tính con người đòi hỏi. Như vậy, lương tâm là một khả năng nằm trong nơi sâu thẳm và trung tâm nhất của con người. Nó ý thức được ơn gọi riêng của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa và cảm nghiệm được tính đòi hỏi của ơn gọi ấy. Ngoài ra nó còn thôi thúc con người về mặt tâm linh và tình cảm hãy chu toàn các đòi hỏi xuất phát từ ơn gọi ấy. Tất cả các điều ấy cho thấy tự bản chất lương tâm mang một chiều kích tôn giáo. Đây là nơi con người được kêu gọi lãnh trách nhiệm trước mặt Chúa. Cho nên ta hiểu được lý do tại sao khi bất phục tùng tiếng gọi của lương tâm sẽ làm ta cảm thấy có tội. Theo quan niệm trên, ta có thể nói lương tâm có khả năng giúp con người biết các nghĩa vụ luân lý của mình và thúc đẩy con người chu toàn các nghĩa vụ đó.

– Theo Richard Gula, trong quá khứ ta cố gắng giới hạn lương tâm vào chức năng của ý chí hoặc lý trí, còn ngày nay ta hiểu lương tâm như sự diễn đạt toàn thể con người. Nói cách đơn giản lương tâm là “chính tôi đi đến quyết định”. Điều này không những bao hàm những khía cạnh nhận thức và ý chí, nhưng còn cả những khía cạnh cảm tính, trực giác, thái độ và thể xác nữa. Chung cuộc lương tâm là sự dấn thân toàn thể con người tới các giá trị Người ta phải có những phán đoán dưới ánh sáng sự dấn thân áp dụng các giá trị này.

Với ý nghĩa toàn diện của lương tâm ta có thể lượng giá ba chiều kích của lương tâm theo truyền thống Giáo hội Công giáo:

– Synderesis, khuynh hướng nền tảng hay khả năng trong ta biết và làm điều tốt.

– Kiến thức luân lý (moral science) là tiến trình khám phá những điều tốt phải làm và những điều xấu phải tránh.

– Sự phán đoán rành mạch về điều tốt “tôi phải làm” trong tình huống cá biệt.

Đây không phải là ba thực tại cách biệt, cũng không phải là ba giai đoạn phân biệt qua đó lương tâm đi từ trạng thái trẻ con đến trạng thái người lớn, nhưng chỉ là ba ý nghĩa, trong đó ta có thể hiểu một thực tại duy nhất của lương tâm mà thôi. Timothy O”Connell gọi là ba chiều kích hay ba ý nghĩa của lương tâm (x. Principles for a Catholic Morality, New York, Seabury Press, 1978, trg 88-93).

– Lương tâm như một khả năng (Synderesis), Ta tạm gọi là lương tâm 1.

Đây là khả năng biết và làm những điều tốt và tránh những điều xấu:

– Hướng chiều về điều tốt có thể cho thấy sự khác biệt sống động giữa điều gì là đúng, với điều gì là sai trong mỗi chọn lựa luân lý. Việc kinh nghiệm những khác biệt luân lý trong cuộc sống không những không phủ nhận sự hiện diện của lương tâm, nhưng ngược lại còn khẳng định chính sự hiện diện đó.

Vì có synderesis, nên ta chia sẻ ý thức chung về giá trị luân lý và cảm thức này tạo nên một sự khác biệt giữa việc làm một điều đúng và chuyện tránh một điều sai. Ta không thể sống một cách luân lý nếu không có lương tâm 1 này, nhưng tự nó lương tâm 1 này chưa đủ để làm cho ta có khả năng lựa chọn điều đúng trong mỗi trường hợp đặc thù.

– Lương tâm như một kiến thức luân lý (moral science), Ta tạm gọi đây là lương tâm 2.

Sức mạnh của lương tâm 1 làm cho ta có khả năng tìm thấy những giá trị luân lý khách quan trong mỗi trạng huống riêng biệt, để khám phá những điều đúng phải làm. Còn việc khám phá ra những giá trị luân lý thực tiễn (operative) lại là công việc của lương tâm 2.

Công việc chủ yếu của nó là sự nhận thức xác đáng và lý luận đúng về mặt luân lý. Vì lẽ đó, người ta lưu tâm rất nhiều đến lương tâm 2 trong vấn đề giáo dục luân lý hay trong những tranh luận về luân lý. Lương tâm 2 có thể đưa đến sự sáng suốt hay mù quáng, bất đồng hay lầm lạc mang tính chất luân lý.

Cho nên nó cần phải được giáo dục, đào tạo, hướng dẫn kiểm tra và biến đổi. Tắt một lời, nó trở thành mục tiêu của tiến trình đào tạo lương tâm là giúp ta nhìn đúng và nghĩ đúng. Chịu trách nhiệm trước sự thật luân lý, lương tâm 2 được soi sáng và trợ giúp bằng nhiều cách để nhận ra và có được sự thật này. Điều đó có nghĩa lương tâm 2 được đào tạo trong một cộng đoàn và nhờ từ nhiều nguồn khôn ngoan về luân lý để biết mình có thực sự ở trong đường lối luân lý hay không. Cho nên hoạt động của lương tâm 2 giống như một tiến trình.

– Lương tâm như một phán đoán, Ta tạm gọi là lương tâm 3.

Đây là lương tâm hiểu theo nghĩa hẹp của từ ngữ, nó đưa ta đi từ nhận thức, lý luận đến hành động.

Ở đây hướng chiều tổng quát về điều tốt (lương tâm/1) và tiến trình xem xét những nhân tố xác đáng (lương tâm 2) đều hội tụ lại để đưa ra những phán quyết về điều hiện giờ tôi phải làm và dẫn tôi đến sự dấn thân làm điều đó (lương tâm 3). Để đi đến sự phán đoán này, nhiều người có thể giúp tôi; nhưng không ai có thể thay tôi phán đoán, vì đây là điều chỉ mình tôi có thể làm được mà thôi. Đặc điểm của phán đoán trong lương tâm/3 đó là đây luôn luôn là một phán đoán cho tôi. Nó không bao giờ là một phán đoán về một điều gì mà một người nào đó phải làm, nhưng chỉ phán đoán về điều tôi phải làm mà thôi.

Sự tinh túy của phẩm giá là tự do của lương tâm đều nằm trong lương tâm 3: tôi luôn luôn phải làm điều tôi cho là đúng và tránh điều tôi cho là sai. Nếu người ta thực sự tin vào cõi lòng của mình cho rằng đường lối hành động này hơn đường lối hành động khác, nó là lời mời gọi khách quan của Chúa. Nên đường lối hành động này không còn đơn thuần là một sự lựa chọn giữa nhiều sự lựa chọn khác, thì về mặt luân lý, đường lối này là đường lối hành động mà người ta cần phải có. Đóù chính là điều mà cụm từ “buộc phải theo lương tâm mình” muốn nói. Cho nên người ta không thể xâm phạm lương tâm 3. Và đây cũng chính là điều Vaticanô II gọi là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người” (GS số 16) ở đó, con người hiện diện một mình với Thiên Chúa.

Dưới ánh sáng lối hiểu về lương tâm nêu trên, ta có thể đánh giá sự thật về câu thành ngữ: “Hãy để lương tâm bạn hướng dẫn”. Nếu theo câu thành ngữ này mà không biết phê phán gì cả, tức là đã tiêm vào bản chất của lương tâm một liều mạnh cá nhân chủ nghĩa và cắt đứt lương tâm 3 ra khỏi việc nó cần được hướng dẫn bởi những nguồn khôn ngoan luân lý khác.

“Hãy để lương tâm bạn hướng dẫn” phải được giải thích theo ý nghĩa lương tâm 3. Khi lương tâm 2 làm tốt công việc chuẩn bị, nó nhường bước cho lương tâm 3. Sự phán đoán trong mỗi trường hợp sẽ đáng tin cậy tương xứng với công việc chuẩn bị kỹ lưỡng mà người đã làm trong việc đào tạo lương tâm mình. Cuối cùng lương tâm 3 sẽ chỉ là người hướng dẫn chắc chắn cho hành động đối với người hiểu biết và tự do. Nên khi xâm phạm đến lương tâm 3 là xúc phạm đến sự trung thực của con người.

2. Các học thuyết về lương tâm luân lý

a. Trường phái Duy Trí (intellectualiste)

– Trường phái này nhấn mạnh đến lý trí thực hành do thánh Alberto và Tôma Aquino chủ trương. Theo các ngài, Synderesis là khả năng nhận thức những nguyên tắc luân lý nền tảng nhất do tri thức thực tiễn của con người bình thường thực hiện. Nó phần nào giống với lương tri trong tiếng Việt: đó là khả năng phê phán đúng, không thiên lệch trước các vấn đề, mà không cần nhờ đến lý luận khoa học hay kiến thức chuyên môn.

Nguyên tắc tổng quát nhất của Synderesis: Bonum est faciedum (phải làm điều thiện và ngầm hiểu ở đây là tránh điều dữ). Vậy rõ ràng ở đây người ta coi synderesis như một khả năng của lý trí.

Còn Conscientia là chính việc phán đoán minh nhiên hay mặc nhiên trong trường hợp cụ thể xem hành vi có hợp với luân lý và đạo đức hay không. Conscientia được coi như một hành vi, một động tác.

Sự phân biệt lương tâm như một khả năng và như một hành vi như thế làm sáng tỏ những thắc mắc về sự kiện lương tâm và những trường hợp cụ thể mà lương tâm phải giải quyết bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng rõ ràng sự phán đoán của lương tâm phải phát xuất từ khả năng nhận thức và đem ứng dụng vào hoàn cảnh cụ thể (hic et nunc).

– Xét bên ngoài, xem chừng trường phái Duy trí có vẻ như không biết đến yếu tố ý chí trong phán đoán của lương tâm, nhưng công bằng mà nói, thánh Tôma không phải là không biết đến yếu tố ý chí, bởi vì ngài cũng đặt vấn đề nhận thức của lương tâm trong tương quan với ý muốn, vì đối với ngài, tất cả những kiến thức thực tiễn đều bắt nguồn từ định hướng của ý muốn và gợi lên sự nhiệt tình cho lòng muốn.

b. Trường phái Duy chí (Volontarisme)

– Những người khởi xướng trường phái này là Alexandre de Halès, thánh Bonaventura và Henri de Gand. Những vị này nhấn mạnh đến khuynh hướng bẩm sinh của lòng muốn, họ không phải là không biết đến tầm quan trọng của nhận thức trong khi lương tâm phán đoán, nhưng ở trong tư thế ngược lại với trường phái Duy trí, họ nhấn mạnh và giải thích lương tâm thuộc lãnh vực khả năng của ý chí. Chính lòng muốn chủ động thúc đẩy người ta làm điều nào đó một khi nhận thấy điều đó là điều tốt.

– Nếu ý chí được dựng nên là để yêu mến, thì chính trong chiều sâu hay trong phần tinh túy nhất của linh hồn (scintilla animae) chứa đựng một sức mạnh thôi thúc ý chí yêu mến. Chính Thiên Chúa đã chạm tới điểm huyền nhiệm đó, bởi vì mọi lòng mến đều phát xuất từ Ngài. Vì thế, lương tâm lại càng được sống động vì Thiên Chúa hoạt động tích cực trong tận đáy lòng ta và lôi kéo lòng yêu mến của ta đến với Ngài. Với lối nhìn trên, ta có thể dễ dàng nhận ra trường phái Duy chí về lương tâm luôn luôn mang một chiều kích tôn giáo thực sự.

– Đối với thánh Bonaventura, ngài không bao giờ coi ý chí như một sức mạnh mù quáng, nhưng như một năng lực lôi kéo đến điều tốt được nhận thức. Ta có thể nói, hai trường phái nêu trên nhìn cùng một vấn đề dưới hai góc độ khác nhau, nên ta không thể cho đó là hai lập trường đối nghịch nhau, nhưng đúng hơn phải nói là chúng bổ túc cho nhau. Nếu quá nhấn mạnh một trong hai trường phái này thì tính toàn vẹn của vấn đề lương tâm sẽ bị đổ vỡ.

c. Trường phái toàn thể

– Đây được coi như cách hiểu toàn vẹn về lương tâm, vì trường phái này lưu tâm đến cả hai yếu tố lý trí và ý chí khi đề cập đến vấn đề lương tâm. Lương tâm luân lý kết hợp cả hai yếu tố nêu trên.

– Giống như Thiên Chúa là Đấng hiểu biết và yêu thương (Chúa Cha), tri thức của Ngài (Chúa Con) và tình yêu của Ngài (Chúa Thánh Thần) kết hợp với nhau trong bản tính duy nhất của Thiên Chúa, thì với tư cách là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, và xét khía cạnh toàn diện, linh hồn kết hợp trong bản chất hai yếu tố lý trí và ý chí. Nên trong hành động của lương tâm, hai yếu tố này không thể tách rời nhau hay thiếu nhau được

Ngoài ra người Kitô hữu phải điều chỉnh tâm hồn mình theo chân lý và sự thiện hảo khách quan, vì theo bản tính tự nhiên, con người hướng về sự thật và điều tốt. Cho nên con người không thể trở nên duy nhất một cách hoàn hảo nơi bản thân mình được, nếu không chịu sống phù hợp với Chân lý và sự Thiện hảo.

– Từ thâm tâm con người có nỗi khát khao sự toàn vẹn cho bản thân mình. Chúng ta được dựng nên là một thực thể toàn vẹn xét về sinh học, tâm lý và thiêng liêng. Phần thâm sâu nhất nơi con người chúng ta nhạy cảm mãnh liệt với những gì làm thăng tiến hay đe dọa tính toàn vẹn của con người, như một tác nhân luân lý (x. E. Mount, Conscience and Responsibility, Richmond, VA. 1969, trg 33). Những động lực trí năng, lòng muốn, và cảm xúc không tách rời nhau, nhưng chúng thâm nhập lẫn vào nhau nơi phần thâm sâu nhất nơi con người. Lòng khát khao của lý trí đối với sự thực và điều tốt bị lung lay nếu vì những lý do xấu mà lòng muốn chống lại lý trí. Và đến lượt mình, ý chí sẽ hấp hối nếu chúng cố thủ chống lại việc lý trí khát mong hiểu biết hơn và thực hiện điều tốt. Sự chia cắt hay rạn nứt giữa hai yếu tố cơ bản này sẽ làm cho phần thâm sâu của tâm hồn, được coi như cội rễ và nguồn mạch sự hiệp nhất mọi năng lực nơi con người, bị tra tấn và xé nát.

– Với lối nhìn toàn vẹn như thế, không những lý trí mở rộng trước những giá trị đích thực, ý chí rộng mở trước điều thiện được nhận thức, mà bản chất linh hồn còn được Thiên Chúa là nguồn mạch mọi điều chân thiện chạm tới và được nên một với Ngài. Cũng nhờ sự trợ giúp và ân sủng của Thiên Chúa, linh hồn con người mới có thể sống trong chân lý và sự thiện hảo.

d. Còn lương tâm theo Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 16 mà ta đã trích ngay đầu chương, được coi như tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong tâm hồn họ.

Theo chú thích của Cha Fx. Urrutia SJ. thì, tuy không đưa ra một học thuyết nào về lương tâm, nhưng trong số này, Công đồng đã nhắc lại những điểm chính yếu trong thần học luân lý Công giáo, theo đó, lương tâm như tiếng nói trong nội tâm của từng người, nó chỉ dẫn về điều lành, điều dữ. Lương tâm đòi hỏi phải làm điều thiện tránh điều ác, và đòi hỏi này như ra lệnh, nó giống như một lề luật đã được khắc ghi vào trong thâm tâm của con người, chứ không phải do con người lập ra.

Cách diễn tả của Vaticanô II về lương tâm luân lý theo phương pháp hiện tượng luận, và những hiện tượng được nêu trong số 16 thì lại đầy ý nghĩa, theo đó Công đồng nhận định: “Phẩm giá con người hệ tại việc vâng theo tiếng nói đó, lý do vì đây là lề luật cuối cùng đối với từng người, dựa vào đó con người sẽ bị xét xử. Vì lương tâm là một hiện tượng tâm linh rất đa dạng và phong phú, nên người ta có thể nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau”.

e. Ở đây chỉ xin đưa ra một định nghĩa giới hạn về lương tâm như sau:
 

 Lương tâm là một khả năng luân lý trong tâm hồn giúp ta nhận định bản chất sự việc là tốt hay xấu dựa theo những tiêu chuẩn đạo đức tự nhiên và khách quan, đồng thời nó thúc đẩy ý chí ta làm điều lành tránh điều dữ. Nó trở thành nhân chứng về những ý định ta muốn thực hiện hay về những hành vi mà ta đang thực hiện. Nó cũng là vị quan toà thẩm định giá trị luân lý của những hành vi mà ta đã thực hiện.
 
f. Lương tâm trong sự trung thành sáng tạo và tự do.

Vấn đề chính ở đây là lưu tâm đến sự phán đoán đúng đắn và trưởng thành của lương tâm, nhưng cũng còn lưu ý cả đến những điều kiện của nó nữa. Cùng với khuynh hướng sống trong sự thật, sự phán đoán sáng tạo của lương tâm lệ thuộc một vài sự kiện sau đây:

– Trước tiên sự phán đoán của lương tâm lệ thuộc vào Thiên Chúa là Đấng thúc đẩy lương tâm, vào lòng khát vọng tự nhiên hướng về tính toàn thể và rộng mở của hoạt động lương tâm.

– Thứ hai, lệ thuộc vào sự cương quyết và minh bạch của lựa chọn cơ bản.

– Thứ ba, lệ thuộc vào sự cảnh giác mạnh mẽ và sự thận trọng, cũng như mọi tâm trạng khác thể hiện sự lựa chọn cơ bản cách sâu sắc.

– Thứ bốn, lệ thuộc vào sự hỗ tương của các lương tâm trong môi trường ở đó sự tự do sáng tạo và trung tín được thể hiện.

– Thứ năm, lệ thuộc vào lòng trung thành hiện có, với tính sáng tạo, và hết sức tìm kiếm sự thật trong tư thế sẵn sàng hành động “theo kiểu vừa nói là làm ngay”.

– Khi đề cập đến tính sáng tạo của lương tâm, nhiều thần học gia đặc biệt ghi nhận rằng: thánh Tôma coi sự nhận thức trực giác về điều tốt có thể có được nhờ vào sự đồng cảm với điều tốt. Đây luôn luôn là công việc của Thánh Thần, là Đấng cho ta có khả năng sinh hoa trái dồi dào phù hợp với sự mở rộng cõi lòng của ta (x. 1Cr. 2,14-15; 1Ga. 2,20-27). Sự mở rộng cõi lòng được biểu lộ trong nhận thức trực giác. Đây cũng là tiến trình tự thể hiện của con người trong chính lương tâm của mình.

IV. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÀ ĐÀO TẠO LƯƠNG TÂM

1. Phát triển lương tâm

Theo Gordon W. Allport, ta cần phân biệt giữa “lương tâm phải làm” và “lương tâm nên làm”. Lương tâm phải làm còn có thể gọi là lương tâm độc đoán với những điều buộc phải làm đối với trẻ em. Còn lương tâm nên làm là lương tâm cá nhân với những điều khuyên nên làm dành cho người lớn.

 
a. Theo các nhà tâm lý, “lương tâm phải làm” phát sinh từ những mệnh lệnh hạn chế hay cấm đoán của cha mẹ. Nó thường kèm theo những hình phạt nào đó nếu đứa nhỏ không vâng phục. Thông thường, vào giai đoạn này, đứa bé chưa hiểu rõ lý do tại sao phải làm hay không được phép làm, vì đơn thuần chúng chỉ tuân theo những điều cha mẹ chúng dạy. Giai đoạn đầu của việc hình thành lương tâm nơi đứa trẻ được thực hiện do việc “nội tâm hoá” hay tiếp thu các quy luật và lý tưởng của cha mẹ và của xã hội. Họ được coi như những tiếng nói quyền bính từ bên ngoài. Ngày nay người ta càng nhấn mạnh đến vai trò của quy luật bắt chước và tự động hóa trong quá trình hình thành các mẫu giá trị và lý tưởng nơi trẻ em.

b. Theo Jean Piaget, việc chuyển từ “lương tâm dựa vào người khác” sang “lương tâm tự trị” xảy ra vào thời điểm khi đứa bé được bảy tuổi. Khi đứa bé tiến đến tuổi trưởng thành, lúc ấy lương tâm phải làm nhường chỗ cho lương tâm nên làm. Khi ấy trọng tâm nhấn mạnh được chuyển từ chỗ bắt chước và chịu sự kiểm soát của cha mẹ sang chỗ thi hành trách nhiệm một cách cá nhân.

Sự định hình rõ rệt của lương tâm phát xuất từ xác tín về giá trị nội tại của các đòi hỏi luân lý, từ luật nội tại của bản tính con người và từ tiếng gọi của Chúa được diễn tả ra ở chính trung tâm điểm của con người (x. Pattern and Growth in Personality, New York: Holt, Rinebart and Winston, 1963, tr. 148).

c. – Không có sự đối chọi giữa lương tâm của giai đoạn trưởng thành với “những điều phải làm của luật luân lý”. Theo Louis Monden, trên nguyên tắc, người trưởng thành sẽ cố gắng nhận ra và hồ hởi đón nhận sự đòi buộc mỗi người vươn tới sự trưởng thành của một con người và của một người Kitô hữu. Sự đòi buộc này thì trong lề luật nào cũng có, bởi vì mục đích của lề luật chẳng qua chỉ là sự diễn tả và làm sáng tỏ những gì con người cần trở thành theo đúng khả năng của mình và theo tiếng gọi của Thiên Chúa .

– Một người hình thành một lương tâm cá nhân tốt đẹp là người có khả năng hội nhập các lề luật và những giá trị luân lý thành thái độ nội tâm và xác tín riêng của mình. Nhưng không phải ai cũng thành công trong việc chuyển từ “lương tâm phải làm” sang ” lương tâm nên làm”. Có những người đến tuổi trưởng thành rồi, nhưng vẫn còn ở trong tình trạng “lương tâm phải làm” vì họ vẫn chưa đủ khả năng sống theo sự xác tín nội tâm của mình, mà chỉ biết làm những gì người khác trông đợi nơi họ.

Cho nên trưởng thành về mặt tâm linh là khiêm tốn nhận ra những gì ở nơi mình còn xa vóc dáng trưởng thành viên mãn của Đức Kitô như thế nào, để rồi từ đó sẵn sàng và hết lòng đón nhận những gì lề luật cung cấp giúp ta sửa chữa những quan điểm lệch lạc cá nhân và che chở ta khỏi ảnh hưởng tiêu cực của các xu hướng và thành kiến cá nhân (x. Sin, Liberty and Law, London : G. Chapman, 1966 trg 102).

2. Đào tạo lương tâm

a. Theo W. Norris Clarke, có ý hướng chân thành muốn làm điều tốt chưa đủ, con người cần có những thông tin tốt để có thể đưa ra những phán đoán luân lý trưởng thành và tốt đẹp (x. Concience: Its Freedom and Limitations, New York: Fordham Univ. Press 1971, trg 364).

Vì lương tâm cần được soi sáng và hướng dẫn, nên con người có trách nhiệm đào tạo lương tâm của mình.

Khi người Kitô hữu nại tới phán đoán của lương tâm mà không chịu cố gắng cho lương tâm có được những thông tin thích đáng thì hành vi đó được coi như một lạm dụng xấu. Theo ý kiến của Enda Mc. Donagh, khi không muốn cung cấp thông tin cho lương tâm, nghĩa là không muốn tận dụng những nguồn tin giá trị nhất để tìm hiểu sự thật của một hoàn cảnh luân lý được đặt ra cho mình, tức là ta đã từ chối đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa chân thật (x. Truth and Life, Dublin : Girl and Son 1968, trg 129).

b. Riêng Giáo huấn về luân lý của Hội thánh, được rút ra từ những hiểu biết và suy tư của Hội thánh về Mạc khải của Đức Kitô, chính là nguồn tư liệu ưu tiên cho người Kitô hữu để họ dựa vào đó mà đưa ra những phán đoán của lương tâm (x. GH số 25; MV số 50; TD số 14 trong Công đồng Vat. II).
Nếu cẩu thả trong việc tìm kiếm những thông tin cần thiết để nhờ đó có thể đưa ra những phán đoán khôn ngoan và có trách nhiệm, hay nếu coi thường nhiệm vụ đó là ta có lỗi, vì thái độ đó được coi như cố tình giữ một lương tâm sai lầm và khả thắng.

Những nhận định cần thiết vừa nêu trên đưa đến một kết quả tích cực là một khi đã đào tạo lương tâm cách đầy đủ nhờ biết lưu ý đến luật tự nhiên và ân sủng của Chúa, việc thanh lọc ý hướng và thu góp những thông tin chắc chắn sẽ có lúc dẫn ta đến việc thấy rằng mình đã có khả năng dựa vào lương tâm của mình. Đến mức này, để đáp lại lời mời gọi riêng tư của Chúa đối với cá nhân mình, thì nguyên việc giữ đúng luật mà thôi không còn đủ nữa. Nhưng dần dần người ta đạt đến tình trạng sống theo nguyên tắc của thánh Augustinô: “Hãy yêu đi rồi mới làm những gì mình muốn”. Đây chính là mức trưởng thành tâm linh tuyệt vời mà các thánh trong Giáo hội đã đạt được.