Luật Tự Nhiên Và Đối Thoại Văn Hóa Qua Nhãn Giới Của Thánh Tôma Aquinô

0
1439


Học Viện Đaminh

 

NHẬP ĐỀ

Nhắc đến học thuyết của thánh Tôma Aquinô, người ta thường chỉ nghĩ đến “thế giá” của ngài trong lãnh vực suy tư thần học hoặc cùng lắm là triết học, chứ không có ý nghĩa gì bên ngoài Giáo hội Công giáo.

Cảm nghĩ đó không đúng. Vào những năm gần đây, các vị Giáo hoàng không ngại trưng dẫn thánh Tôma tại các diễn đàn quốc tế. Trong bài diễn văn đọc tại trụ sở tổ chức Văn hóa Quốc tế (UNESCO) ngày 2/6/1980, đức Gioan Phaolô II đã dùng định nghĩa văn hoá của thánh Tôma như là khởi điểm cho bài thuyết trình: Genus humanum arte et ratione vivit (chú giải sách Posteriora Analytica của Aristote, n.1).

Gần đây, trong các bài diễn văn đọc tại quốc hội Anh (ngày 17/9/2010) và Đức (ngày 22/9/2011), Đức Bênêđictô XVI đã kêu gọi các cơ quan lập pháp hãy dựa trên luật tự nhiên như cơ sở của các luật lệ sống chung trong xã hội. Khi nói đến “luật tự nhiên”, đức thánh cha không hiểu về bất cứ quan điểm nào đã được đưa ra trải qua dòng lịch sử, nhưng là dựa theo truyền thống của thánh Tôma. Vì thế Uỷ ban Thần học Quốc tế được yêu cầu nghiên cứu đề tài Luật Tự nhiên, và kết quả được công bố vào tháng 12 năm 2008 dưới tựa đề: “Đi tìm một nền luân lý phổ quát: một cái nhìn mới về luật tự nhiên” (Nguyên bản bằng tiếng Pháp, có thể đọc trên mạng internet của Vatican).[1] Văn kiện đã trình bày học thuyết về luật tự nhiên theo tư tưởng của thánh Tôma, vì nhận thấy rằng nó là cơ sở tốt để đối thoại với các triết thuyết và tôn giáo ngày nay (từ “đối thoại” xuất hiện 15 lần).[2]

Bài này được chia làm ba phần: 1/ Trước hết, lịch sử những quan niệm khác nhau về luật tự nhiên. 2/ Tiếp đến, giới thiệu văn kiện của Uỷ ban Thần học quốc tế cùng với tư tưởng của thánh Tôma. 3/ Vài nhận định. Trong phần kết luận, chúng ta sẽ xem học thuyết này có thể áp dụng như thế nào ở Việt Nam.

I. LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG

Luật tự nhiên là một khái niệm của tư tưởng triết học Hy Lạp và Rôma, và được du nhập vào Kitô giáo nhờ các giáo phụ và thần học kinh viện

Trải qua lịch sử, đã có nhiều quan niệm khác nhau về “luật tự nhiên”.[3] Có lẽ do sự khác biệt ấy cho nên nó được hiểu và dịch nhiều cách trong tiếng Việt. Thực vậy, thuật ngữ lex naturalis (tiếng Latinh, hoặc loi naturelle tiếng Pháp, natural law tiếng Anh) có thể chuyển dịch là: “luật tự nhiên, luật thiên nhiên, luật bản nhiên”, tùy theo sự giải thích ý nghĩa của danh từ “natura” (hay nature trong tiếng Pháp-Anh): bản chất, bản tính, bẩm sinh, tự nhiên, thiên nhiên, đương nhiên, tất nhiên, v.v…[4]

Chúng ta hãy rảo qua những ý nghĩa khác nhau được gán cho thuật ngữ “luật tự nhiên” trải qua lịch sử, tạm chia thành bốn giai đoạn: 1/ Cổ điển Hy-lạp và Rôma. 2/ Các giáo phụ và Kinh viện thời Trung cổ. 3/ Thời cận đại. 4/ Quan niệm hiện đại.

A. Cổ thời

Chúng tôi chỉ xin giới hạn vào khu vực văn hóa của Hy-lạp và Rôma.

1. Hy-lạp

Vấn đề luật tự nhiên được đặt ra do các triết gia Hy-lạp cổ thời. Tại đây cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới, những người cầm quyền tự coi mình thay Trời trị dân. Thế nhưng không thiếu lần họ ra những luật lệ chẳng hợp ý Trời chút nào hết. Để phản đối lại các quyết định độc đoán ngạo mạn ấy, các ông Sophocle (Antigone), Socrate khẳng định rằng các nhà cầm quyền không thể tự đồng hóa với Trời được: các luật lệ mà họ ra có thể là phi pháp nếu đi ngược với luật của Trời. Các triết gia gọi quy chuẩn tối cao ấy là luật tự nhiên. Thế nhưng, khi giải thích bản chất và nguồn gốc của luật tự nhiên thì có rất nhiều thuyết khác nhau: ông Platon thì đặt nó trong thế giới của ý luận, và chỉ có các triết gia mới khám phá được, còn ông Aristote thì đặt nền tảng của luật tự nhiên trong chính bản tính của con người (natura humana).

2. Rôma

Đang khi tại Hy-lạp vấn đề luật tự nhiên được đặt ra để kháng cự lại những luật bất công của nhà nước, thì tại Rôma, vấn đề được đặt ra trong một bối cảnh hơi khác biệt. Tại đây, các công dân Rôma được điều hành bởi dân luật (ius civile, ius civium); thế còn tương quan với các dân khác sẽ do luật gì chi phối? Các Luật tự nhiên và đối thoại văn hóa pháp gia trả lời: do “luật chư dân” (ius gentium). Nói khác đi, ngoài dân luật do nhà cầm quyền đặt ra và có giá trị trong nước, còn có một luật khác mang tính cách phổ quát hơn, chi phối tất cả các dân tộc trên thế giới.

Dưới khía cạnh luân lý, ông Cicêrô cũng khẳng định sự hiện hữu của một luật hằng cửu ràng buộc tất cả mọi người, đó là lý trí ngay chính (recta ratio).

B. Kitô giáo

Chúng ta ghi nhận hai giai đoạn chính: các giáo phụ và Kinh viện

1. Các giáo phụ Kitô giáo đã lấy lại tư tưởng của các triết gia Hylạp và Rôma (Sênêca, Cicêrô), nhưng lồng trong khung cảnh mới của mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Luật tự nhiên được coi như là một hình thức mạc khải tự nhiên của Thiên Chúa, nhờ đó con người biết được điều tốt điều xấu để mà làm hay tránh. Thánh Augustinô (và các học phái tiếp theo) đồng hóa luật tự nhiên với lương tâm, theo nghĩa là ý thức về những bổn phận phải làm hay phải tránh; luật tự nhiên là nền tảng cho các luật lệ chế định (hay thực định: lex positiva). Luật tự nhiên đã được Chúa mạc khải cho con người ngay từ buổi tạo dựng; nhưng sau đó do tội nguyên tổ, con người dần dần mất ý thức về luật ấy cho đến lúc Chúa Kitô, nhờ công cuộc cứu chuộc, đã lập lại nó. Luật tự nhiên được tu chính bởi Phúc âm.

2. Sang thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô quan niệm luật tự nhiên cách khác. Dĩ nhiên, nối tiếp truyền thống của các giáo phụ, Tôma cũng coi luật tự nhiên như là biểu thị của đường lối Thiên Chúa đối với con người.[5] Tuy nhiên Tôma không quan niệm nó như là một bộ luật đã được Chúa ban hành cho nhân loại vào hồi sơ khai trước khi phạm tội. Tôma hiểu luật tự nhiên như là luật dựa trên bản tính con người. Nhờ lý trí, con người có thể khám phá ra bản tính ấy, biết được điều gì hợp với bản tính, và điều gì trái nghịch với nó. Thực vậy, con người không những đã có khuynh hướng về điều thiện nói chung, nhưng còn có khả năng nhận biết điều thiện hảo cho bản thân, chủng loại (tỉ như bảo vệ sự sống cá nhân, truyền sinh và giáo dục con cái, sống hòa hợp với Đấng Tạo Hóa, với tha nhân trong xã hội). Tưởng cũng nên biết là theo Tôma, luật tự nhiên chưa phải là một mớ những mệnh lệnh chi tiết rõ ràng, bất biến. Đúng hơn, nó bao gồm một số giá trị phổ quát; và sau đó, lý trí con người sẽ tìm cách ứng dụng vào những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta sẽ trở lại quan điểm của thánh Tôma khi trình bày văn kiện của Uỷ ban Thần học quốc tế dưới đây.

C. Thời cận đại

Mặc dù có những lối nhìn khác nhau về luật tự nhiên nhưng quan điểm của các giáo phụ và kinh viện thời Trung cổ khá đồng nhất. Bước sang thời cận đại, ta thấy nảy ra nhiều ý kiến khác nhau giữa các tác giả Kitô giáo, và dĩ nhiên giữa các triết gia ngoài Kitô giáo.

1. Các tác giả Kitô giáo

Chúng ta chỉ cần ghi nhận hai ý kiến: Ockham và Luther, điển hình cho quan điểm bi quan về luật tự nhiên, xét về “luật” cũng như xét về “tự nhiên”.

a) Ockham với thuyết duy ý chí (voluntarismus)

Ockham hạ giá của lý trí xuống, không nhìn nhận cho nó cái khả năng để khám phá ra sự thực; đối lại, ông đề cao vai trò của ý chí trong luật lệ: điều tốt hay xấu không phải là tự bản chất của nó tốt hay xấu, nhưng là chỗ có hợp với ý chí của nhà lập pháp hay không.[6] Ockham đi tới lý luận cực đoan như thế này: nếu Chúa truyền cho mình ghét Chúa thì mình cũng phải vâng theo. Trong bối cảnh đó, không lạ gì mà Ockham quan niệm rằng luật tự nhiên là những mệnh lệnh mà Thiên Chúa đã ấn định cho con người. Vai trò của lý trí là đi từ những quy tắc nguyên thủy ấy để rút ra những quy chuẩn khác để mà hành động.

b) Luther

Luther cho rằng tội lỗi đã làm huỷ hoại bản tính (natura) của con người: con người không còn khả năng nhận ra điều tốt điều xấu. Vì thế không thể nào dùng bản tính con người làm tiêu chuẩn cho luân lý.

2. Ngoài Kitô giáo

Dù sao, Ockham và Luther vẫn còn lấy Thiên Chúa để làm tiêu chuẩn ấn định điều tốt điều xấu. Vào thời cận đại, nhiều triết gia muốn gạt hẳn Thiên Chúa ra khỏi diễn đàn luân lý, vì thế cần phải tìm những tiêu chuẩn khác, tựa như: thiên nhiên, tự nhiên, bản nhiên.

Trước hết cần ghi nhận rằng trong các “khoa học tự nhiên” (sciences naturelles tựa như vật lý, hóa học), thuật ngữ “định luật tự nhiên” áp dụng không phải cho con người nhưng là cho các hiện tượng thiên nhiên. Nhờ sự quan sát và thí nghiệm, khoa học khám phá ra những quy luật chặt chẽ giữa các hiện tượng. Như vậy “nature” được hiểu như là “thiên nhiên”.

Trong ngành triết lý xã hội, có tác giả đưa ra giả thuyết rằng vào thời nguyên sơ, con người sống một mình. Đến một lúc nào đó, con người muốn kết hợp thành xã hội, qua một “khế ước xã hội” (contrat social), trong đó họ nhường cho xã hội một số quyền lợi, nhưng giữ lại một số quyền bất khả nhượng. Đây là nguồn gốc của những “quyền lợi tự nhiên” của con người, mà Nhà nước không được xâm phạm. Ở đây, từ “tự nhiên” có thể giải thích theo hai nghĩa:

a) Bản tính con người. “Quyền lợi tự nhiên” là quyền gắn với bản tính con người, chứ không do Nhà nước ban cấp; thậm chí Nhà nước không được đụng đến các quyền đó. Vài tác giả cố gắng thiết lập một danh sách những quyền lợi “bất khả xâm phạm ấy”.

b) Nguyên sơ. Tình trạng sơ khai của nhân loại (ăn lông ở lỗ), trước khi có xã hội và văn minh. Như vậy, người ta đối chọi “nature” (thiên nhiên, hoang dã) với “culture” (văn hóa). Không lạ gì mà “luật thiên nhiên” được hiểu như “luật rừng”, nghĩa là luật của kẻ mạnh thế (xc. Hobbes, Spinoza).

D. Quan điểm hiện đại

Những quan điểm trái ngược về luật tự nhiên phần nào đã tạo ra một thái độ dị ứng trong dư luận, nhất là đi tiếp xúc với những luồng triết học chủ trương rằng chẳng có chân lý nào tuyệt đối trên đời này.

1. Tuy nhiên, vào những thế kỷ XIX-XX, vấn đề luật tự nhiên đặt ra trong lãnh vực chính trị xã hội, tuy dưới tiêu đề “quyền lợi tự nhiên” (droit naturel) hơn là “luật tự nhiên” (loi naturelle). Sau kinh nghiệm của những chế độ chuyên chế độc tài, người ta nhận thấy cần rằng phải đặt ra một giới hạn cho quyền lực Nhà Nước. Nhà Nước không thể cư xử như Thượng đế! Nhà Nước phải tôn trọng những “quyền tự nhiên” của người công dân. Đó là lý do của những bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền ở cấp quốc tế (chẳng hạn như của Liên hiệp quốc) và quốc gia (ở đầu các bản Hiến pháp). Như vậy luật tự nhiên (loi naturelle) đối lại với luật thiết định (hay thực định: loi positive). Tuy nhiên câu hỏi căn bản là: dựa vào tiêu chuẩn gì để xác định các “quyền tự nhiên”? Phải chăng dựa trên Thiên Chúa là Đấng ấn định luật lệ thiên nhiên, hay là dựa trên bản tính của con người? Bản tính con người có thay đổi không?

2. Trong phạm vi thần học luân lý, chúng ta thấy hai khuynh hướng trái ngược:

Một đàng, Huấn quyền trong thế kỷ XIX-XX thường nại đến luật tự nhiên để đặt tiêu chuẩn cho nghĩa vụ luân lý. Đường hướng này vẫn tiếp tục trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 1954-1960), và thông điệp Veritatis Splendor (số 40-53).

Đàng khác, luật tự nhiên trở thành đề tài cho nhiều cuộc tranh cãi bên trong và bên ngoài Giáo hội công giáo.

a) Ngoài Giáo hội công giáo, thần học Luther dè dặt đối với “luật tự nhiên”, bởi vì bản tính con người đã sa đoạ do tội lỗi, không còn khả năng phân định điều tốt điều xấu nữa. Nói cách khác, con người cần được đặt trong khung cảnh của lịch sử cứu độ, chứ không thể phân tích trong bản tính siêu hình.

b) Bên trong Giáo hội Công giáo, nhiều vấn nạn cũng được nêu lên, chẳng hạn như:

– Luật tự nhiên là gì? Phải chăng đó là một số mệnh lệnh do Chúa ban vào lúc tạo dựng loài người? Thế nhưng chúng ta đã có mạc khải Cựu ước và Tân ước rồi, đâu cần trở lại luật tự nhiên làm chi?

– Làm thế nào biết được nội dung của luật tự nhiên? Luật tự nhiên bất biến trường tồn hay có thể thay đổi?

– Có thể đồng hóa luật tự nhiên với lương tâm không? Nếu lương tâm trái ngược với luật Giáo hội thì ta phải theo tiếng lương tâm hay phải tuân theo Giáo hội? Giáo hội đã chẳng dạy rằng phải nghe theo tiếng Chúa hơn là quyền bính nhân loại đấy ư?

– Thay vì nhấn mạnh đến luật tự nhiên, tại sao không nói đến những khát vọng chính đáng của con người ngày nay, tựa như: phẩm giá con người, công lý, liên đới?

Tóm lại, một trở ngại lớn cho việc nghiên cứu luật tự nhiên bắt nguồn từ những quan điểm khác biệt về bản chất của nó:

– Có người coi rằng đó là luật của con người khi còn sống trong tình trạng sơ khai.

– Có người hình dung như là một bộ luật gồm những mệnh lệnh chi phối toàn thể sinh hoạt của con người.

– Có người quan niệm rằng đó là bộ luật được rút ra từ bản tính siêu hình của con người, và vì thế cố định vĩnh viễn.

Vì thế, khi trình bày luật tự nhiên cần phải giải đáp vài câu hỏi căn bản sau đây: Luật tự nhiên là gì? Làm sao biết được luật tự nhiên? Luật tự nhiên có giá trị như thế nào?

Đó là điều mà văn kiện của Uỷ ban thần học quốc tế muốn tìm hiểu. Luật tự nhiên được giới hạn vào lãnh vực luân lý, mang theo những hệ quả pháp lý trong việc tổ chức chính trị xã hội.

II. VĂN KIỆN CỦA UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ

A. Bố cục

Văn kiện gồm 116 số, chia thành: Nhập đề (số 1-11), năm Chương, và Kết luận (số 113-116).

  • Chương I (số 12-35) trình bày những điểm đồng quy trong các nền triết học cổ điển và tôn giáo.

  • Chương II (số 36-59) phân tích việc nhận thức các giá trị luân lý dựa trên những dữ kiện đơn giản mà mỗi người cảm nhận được.

  • Chương III (số 60-82) chú trọng đến những nền tảng (triết học, siêu hình, tôn giáo) của luật tự nhiên.

  • Chương IV (số 83-100) bàn đến tương quan giữa luật tự nhiên với luật thiết định (của các quốc gia).

  • Chương V (số 101-112), với tựa đề “Đức Kitô, sự sung mãn của luật tự nhiên”, muốn cho thấy rằng mọi lề luật đạt được sự viên mãn nơi Con Thiên Chúa nhập thể.

  • Kết luận mời gọi các tôn giáo và triết lý đối thoại nhằm tiến đến việc nhìn nhận những quy tắc luân lý phổ quát dựa trên lý trí.

 

Có thể giải thích thứ tự lập luận như thế này: Chương Một điểm qua lịch sử các quan điểm về luật tự nhiên. Chương Hai và Chương Ba trình bày học thuyết về luật tự nhiên, dựa theo thánh Tôma (xc. số 31). Chương Bốn bàn đến một hệ luận trong đời sống xã hội. Chương Năm hướng về các Kitô hữu, vạch ra tương quan giữa luật tự nhiên với Tân ước. Xét vì khía cạnh lịch sử đã được đề cập ở phần đầu của bài này, cho nên chúng tôi chỉ lướt qua, để dành chỗ nhiều hơn cho hai chương kế tiếp, liên quan đến học thuyết của thánh Tôma về bản chất và sự hiểu biết luật tự nhiên.

B. Nhập đề

Ngày nay nhân loại ý thức rằng mọi người họp thành một cộng đồng hoàn vũ. Các vấn đề dễ mang tính cách toàn cầu, vì thế đòi hỏi phải sử dụng ngôn ngữ luân lý phổ quát để giải quyết các vấn đề chung, tựa như: bảo vệ môi sinh, nạn khủng bố, những hình thức áp bức và vũ lực, sự tiến bộ của kỹ thuật sinh học. Bản Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 là một nỗ lực đầu tiên của luân lý hoàn vũ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn quan niệm rằng công lý và quyền lợi lệ thuộc vào ý định của nhà lập pháp quốc gia. Trong bối cảnh này, người ta nhận thấy cần phải đi tìm một đường hướng hoạt động dựa trên bản tính con người, và cần được diễn tả thành quy luật điều hành cuộc sống của cá nhân và xã hội.

Mục tiêu của văn kiện còn được lặp lại ở kết luận (số 113). “Giáo hội Công giáo, ý thức về sự cần thiết của con người phải cùng nhau truy tầm những quy tắc để sống chung trong hòa bình và công lý, Giáo hội công giáo ước muốn chia sẻ với các tôn giáo và các triết học thời đại về luật tự nhiên. Luật tự nhiên là thuật ngữ được đặt cho nền tảng của luân lý phổ quát dựa theo những nhận xét và suy tư về bản tính con người. Đó là luật viết trong con tim của con người, được nhân loại ý thức rõ rệt dọc theo đà tiến của lịch sử. Luật tự nhiên không mang một lối diễn tả bất biến; nó không phải là danh sách những mệnh lệnh cứng nhắc và không thay đổi. Luật tự nhiên là một nguồn mạch cảm hứng liên tục trào ra từ công cuộc truy tầm một nền tảng khách thể cho một nền luân lý phổ quát”.

Chương Một: Những điểm đồng quy

Chúng ta có thể đọc thấy ở đây tóm tắt lịch sử vấn đề luật tự nhiên. Trước hết, văn kiện trình bày những quan điểm trùng hợp về luật tự nhiên giữa các tôn giáo trên thế giới (số 12-17),[7] cũng như các luồng tư tưởng triết học Hy-lạp cổ điển (số 18-21), của Kinh thánh (số 22-25), các giáo phụ và các tác giả thời Trung cổ (số 26-27). Thế nhưng quan niệm về luật tự nhiên bắt đầu thay đổi kể từ thuyết duy ý chí (số 29-30) và thuyết duy lý (số 31–33). Sau cùng, văn kiện nêu ra bốn bối cảnh mà Huấn quyền cận đại của Giáo hội Công giáo nại đến luật tự nhiên (số 33-35), đó là:

1. Đề cao vai trò của lý trí trong việc tìm ra một nền tảng luân lý mang khả năng đối thoại giữa văn hóa và tôn giáo; để chống lại một nền văn hóa chỉ nhìn nhận những định luật khách thể trong khoa học tự nhiện, nhưng không chấp nhận những quy tắc khách thể trong đời sống luân lý.

2. Đề cao những giá trị khách quan điều hành đời sống xã hội; chống lại những chủ nghĩa cá nhân đặt nền tảng luật pháp trên sự thoả hiệp giữa các khối đa số.

3. Biện minh cho sự can thiệp của Giáo hội vào những vấn đề của con người, chẳng hạn: những quyền lợi căn bản (chống lại chế độ độc tài), công lý trong tương quan quốc tế, sự sống và gia đình, tự do tín ngưỡng và giáo dục. Những điều này bắt nguồn từ luật tự nhiên, chứ không lệ thuộc vào một tôn giáo nào hết.

4. Chống lại sự lạm quyền của các chế độ độc tài, Giáo hội nhắc nhở rằng những luật lệ của Nhà nước trái ngược với luật tự nhiên thì không buộc tuân giữ.

Thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại rằng chế độ độc tài vào thời đại hôm nay không còn là những chính thể phát-xít nhưng là các chính sách kinh tế (chỉ biết tuân theo định luật của thị trường) và các ngành công nghệ sinh học (khoa học không có ranh giới).

Chương Hai: việc nhận thức về những giá trị luân lý phổ quát

Chương này bàn cách riêng về sự hiểu biết luật tự nhiên, dựa theo học thuyết của thánh Tôma (Summa Theologica II-II, q.94,a.2), khởi đi từ cảm nghiệm của lương tâm con người. Đành rằng lương tâm của con người chịu ảnh hưởng của xã hội và văn hóa, tuy nhiên nó vẫn cảm nhận được một tiếng nói từ nội tâm thúc giục “hãy làm điều thiện và tránh điều ác” (số 39). Đây là một mệnh lệnh luân lý nguyên khởi, không phải được áp đặt do quyền lực bên ngoài, nhưng phát xuất từ một yêu sách của tinh thần. Chính khi tuân theo lương tâm mà con người nhận ra rằng mình là một hữu thể có tự do và trách nhiệm. Khởi đi từ nguyên lý nguyên khởi đó, con người dùng lý trí để dần dần khám phá ra những điều thiện nào thích hợp với bản tính của mình.

Theo thánh Tôma, bản tính của con người có thể phân tích từ ba khía cạnh: con người là một hữu thể, là một động vật, là loài có lý trí.[8] Ta có thể khám phá những “khuynh hướng” dựa theo bản tính của mỗi cấp độ vừa kể, nghĩa là “khuynh hướng tự nhiên”:

a) Khuynh hướng chung cho tất cả mọi hữu thể là bảo tồn sự sống của mình;

b) Khuynh hướng chung với loài động vật là duy trì chủng loại;

c) Khuynh hướng riêng của loài người, sinh vật có lý trí, là nhận biết sự thật và sống trong xã hội (số 46).

Do ba khuynh hướng nền tảng ấy nảy ra những “mệnh lệnh sơ yếu” (prima praecepta), tuy còn tổng quát nhưng là nền tảng cho những suy tư kế tiếp để phát triển những “mệnh lệnh thứ yếu” (praecepta secundaria).

Từ khuynh hướng bảo tồn và phát triển sự hiện hữu nảy ra những khuynh hướng cụ thể hơn, nhằm mưu cầu sự toàn vẹn thân thể và những điều thiện bên ngoài để bảo vệ nó. Khuynh hướng duy trì chủng loại đưa đến việc kết hợp vợ chồng, chăm sóc và giáo dục con cái. Khuynh hướng thứ ba trở thành động lực thúc đẩy việc truy tầm chân lý, đối thoại, giao lưu xã hội, truy tầm chân lý tôn giáo hay ít là ý nghĩa cuộc sống (số 48-50). Cũng trong khung cảnh này mà nảy sinh cảm quan về công bình, được phát biểu qua hình thức sơ đẳng quen gọi là “luật vàng”, đó là: “đừng làm cho người ta điều mà bạn không muốn cho họ làm cho mình”.

Trên lý thuyết, những mệnh lệnh phổ quát ấy mang tính chất phổ quát và trường cửu. Tuy nhiên việc nhận thức các mệnh lệnh ấy có thể bị lu mờ do tội lỗi hoặc những hoàn cảnh văn hóa và lịch sử. Cũng vì điều kiện lịch sử mà chúng ta thấy sự do dự của lý trí khi phải đương đầu với vài vấn đề cụ thể, chẳng hạn như chế độ nô lệ, việc cho vay ăn lãi, sự đấu kiếm và án tử hình.

Sự phân biệt giữa những mệnh lệnh “sơ yếu” và “thứ yếu” (Summa Theologica I-II, q.94, aa.4-6) giúp giải thích được sự tiến triển trong các luật luân lý: các mệnh lệnh sơ yếu và tổng quát thì chắc chắn; còn khi áp dụng vào những hoàn cảnh đa dạng của thực tế, thì lý trí cảm thấy nhiều lúng túng do dự. Để có thể đánh giá chính xác giá trị luân lý của một vấn đề cụ thể, không những ta cần phải bàn hỏi đối thoại với những người khác, nhưng còn đòi ta thực hành các nhân đức, đặc biệt là đức khôn ngoan. Thực vậy, đức khôn ngoan hướng dẫn cách cư xử trong trường hợp cụ thể, cân nhắc các hoàn cảnh, và quyết định lựa chọn những phương tiện nào thích hợp nhất phù hợp với mệnh lệnh luân lý. Dĩ nhiên để việc suy xét lựa chọn được trung thực, lý trí không được để cho đam mê khống chế.

Chương Ba: Những nền tảng lý thuyết của luật tự nhiên

Từ cảm nghiệm về những nguyên tắc luân lý phổ quát của luật tự nhiên, văn kiện bước sang vấn đề nền tảng lý thuyết của nó. Tuy rằng nền tảng có thể đặt trên nhiều cấp bậc, nhưng nền tảng cuối cùng là khuynh hướng của con người muốn đạt đến cứu cánh của mình. Chúng ta có thể nhận thấy nơi đây một tư tưởng của thánh Tôma. Thiên Chúa đã thiết lập một trật tự cho toàn thể vũ trụ: mỗi vật đạt đến mục tiêu mà Ngài đã xếp đặt cho chúng. Tuy nhiên, đối với con người là loài có lý trí, Ngài muốn cho nó hướng đến mục tiêu hợp theo bản tính của mình, nghĩa là cách ý thức. Nhờ lý trí, con người nhận ra mục tiêu tối hậu của mình, và quy hướng hành vi của mình để đạt đến cứu cánh. Như vậy, trong luật tự nhiên ta thấy có sự gặp gỡ giữa hai nhân tố: một bên là trật tự do Thiên Chúa thiết lập; một bên là con người khám phá trật tự nhờ lý trí của mình. Thánh Tôma định nghĩa luật tự nhiên như là “sự tham gia của thụ tạo của lý trí vào luật vĩnh cữu”.[9] Từ đó, có thể kết luận rằng luật tự nhiên vừa biểu lộ sự khôn ngoan của Đấng Tạo hoá, vừa biểu lộ sự quyết định lựa chọn của con người. Không nên quan niệm luật tự nhiên như là những mệnh lệnh mà Thiên Chúa áp đặt lên con người. Không, chính nhờ lý trí của mình, con người nhận ra những điều giúp cho sự phát triển toàn diện của mình. Thiên Chúa và con người không phải là hai đối thể chống chọi nhau. Thiên Chúa là hạnh phúc của con người.

Ngoài ra, việc sử dụng lý trí để khám phá luật tự nhiên cũng hàm ngụ tính cách năng động của luật tự nhiên: đó không phải là một bộ luật đóng khung cố định, nhưng là kết quả của sự nhận thức không ngừng tiến triển của nhân loại.

Chương Bốn: Tương quan giữa luật tự nhiên với quyền bính Quốc gia.

Ta có thể coi chương này như là một áp dụng cụ thể của luật tự nhiên trong đời sống chính trị xã hội, cách riêng về mối liên hệ giữa “luật tự nhiên” (lex naturalis) và “quyền tự nhiên” (ius naturale).

Bản tính của con người là sống trong xã hội. Xã hội không hình thành do một khế ước ký kết giữa các phần tử. Con người cần đến xã hội để có thể phát triển những nhu cầu của mình.

Một khi con người sống trong xã hội, vấn đề công bình được đặt ra trong tương quan giữa các cá nhân với nhau, giữa các thể nhân với các pháp nhân, giữa các tư nhân với công quyền. Từ quan điểm luân lý về “luật tự nhiên” chúng ta bước sang quan điểm pháp lý về “quyền tự nhiên”, nền tảng cho việc tổ chức xã hội.[10] Ý tưởng liên kết giữa hai bình diện là “công ích” (bonum commune: thiện ích chung) mà xã hội phải nhằm tới. Công ích hệ tại việc thực hiện những khuynh hướng tự nhiên của con người (số 83-86), được phái biểu qua các ý niệm: tự do, chân lý, công bằng và liên đới. Nhờ những luật chế định, Nhà lập pháp phải xác định cụ thể những phương thế để đạt tới công ích.

Như vậy trong lãnh vực pháp lý, phạm trù “quyền tự nhiên” được sử dụng để quy định tương quan giữa luật tự nhiên và pháp luật của Quốc gia. Những quyền lợi “tự nhiên” một đàng biện minh lý do hiện hữu của Quốc gia (Quốc gia cần thiết để điều hành những tương quan xã hội của con người), đàng khác giới hạn quyền lực của Quốc gia (bởi vì luật Quốc gia không được phép đi ngược lại với quyền tự nhiên).

Văn kiện còn thêm vài suy tư về giới hạn của quyền lực chính trị dựa trên lịch sử của Cựu ước. Thời xưa, các vua chúa ở Israel (cũng như tại các nước khác) có khuynh hướng giữ vai trò thay Trời để trị dân. Tuy nhiên, Tân ước đã tách rời hai lãnh vực tôn giáo và chính trị. Quyền lực chính trị không còn giữ vai trò tuyệt đối nữa. Mặt khác, điều này cũng biện minh cho một thứ tự trị giữa hai lãnh vực: quyền lực chính trị không có thẩm quyền để quy định lãnh vực tôn giáo (áp đặt một tôn giáo hay một ý thức hệ), nhưng cũng được ngăn cản việc thực hành tôn giáo của các công dân. Trong ngôn ngữ pháp lý, giới hạn của quyền lực chính trị được gọi là Công lý (Ius, Droit, Pháp quyền)

Tóm lại, cần tái khám phá vai trò của lý trí trong việc ấn định những tương quan công bình trong xã hội: đó cũng chính là sự áp dụng luật tự nhiên trong lãnh vực chính trị.

Chương Năm. Chúa Kitô, sự sung mãn của luật tự nhiên

Chương cuối cùng móc nối luật tự nhiên với luật của Chúa Kitô. Luật tự nhiên, xét như là sự diễn đạt của lý trí chung cho hết mọi người, được hoà nhập với trật tự của ân sủng. Thật vậy, luật của Tin mừng đã thâu nhập luật tự nhiên và thể hiện nó ở cấp siêu việt, bởi vì đặc trưng của luật mới là ân sủng Chúa Thánh Thần tác động trong con tim của các tín hữu, để thánh hóa và đưa họ đến chia sẻ đời sống của Ba Ngôi (số 102-103).

Điều này có thể thực hiện được bởi vì trật tự tự nhiên không những bộc lộ sự tốt lành của Đấng Tạo thành nhưng nó còn được tạo dựng trong Đức Kitô (Cl 1,15-17), và tìm thấy ý nghĩa nơi Người. Tuy dù tội lỗi đã khiến cho con người không còn ý thức rõ rệt mối tương quan ấy, nhưng nhờ hồng ân cứu chuộc, Đức Kitô đã hồi phục hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Hơn thế, là Lời Nhập thể, Đức Kitô không những bày tỏ ý định của Thiên Chúa cho con người, mà còn thể hiện nơi chính bản thân mình một cuộc sống phù hợp với luật tự nhiên. Do đó Đức Kitô là tiêu chuẩn tối hậu để chúng ta khám phá ra những khát vọng chân chính của con người, không bị lệch lạc bởi tội lỗi và các đam mê (số 105). Thập giới, là một hình thức diễn tả luật tự nhiên, đã được hoàn tất do Đức Kitô bằng giới luật yêu thương mà Người đã thực hiện bằng cái chết của mình vì yêu thương. Nhờ Thánh Thần được trao ban cho các tín hữu, họ có thể tuân giữ luật Chúa trọn hảo.

Như vậy, luật tự nhiên vừa trở thành nền tảng để đối thoại với mọi người dù thuộc bất cứ tín ngưỡng hay tôn giáo nào, vừa được liên kết chặt chẽ với luật mới của Tin mừng.

III. NHẬN XÉT

Khi phê bình văn kiện của của Uỷ Ban Thần học quốc tế, nên phân biệt hai lãnh vực: Một, phê bình quan điểm của thánh Tôma Aquinô về luật quốc tế; Hai, phê bình cách thức mà văn kiện giải thích quan điểm của thánh Tôma.

A. Phê bình quan điểm của thánh Tôma

1. Ở số 27, văn kiện đã nêu bật bốn ưu điểm của học thuyết thánh Tôma về luật tự nhiên:

a) tổng hợp những truyền thống trước đó về luật tự nhiên;

b) luật tự nhiên được nhìn như là sự tham gia cách tự do của loài thụ tạo có lý trì vào kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa; luật tự nhiên không phải là một bộ luật khóa kín gồm những mệnh lệnh luân lý, nhưng là nguồn mạch cho những sáng khởi liên tục;

c) luật tự nhiên tạo ra một trật tự luân lý phù hợp với lý trí, biệt lập với trật tự của mạc khải;

d) luật tự nhiên trở thành tiêu chí để đánh giá tính cách hợp pháp của các luật lệ và tập quán của con người.

2. Nhờ những đặc tính đó mà ta có thể dùng học thuyết của thánh Tôma về luật tự nhiên để đối thoại với các tôn giáo và triết thuyết khác. Thực vậy, bởi vì nó dựa vào lý trí và bản tính của con người, cho nên có thể sử dụng để nói chuyện với hết mọi người, bất luận họ thuộc về tín ngưỡng hay triết lý nào.[11] Hơn thế nữa, quan điểm của thánh Tôma thúc đẩy lý trí tiếp tục làm việc, bởi vì luật tự nhiên không phải là một mớ những mệnh lệnh cố định cứng nhắc, nhưng luôn luôn có thể phát triển nhờ sự học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc suy xét này không những đòi hỏi đầu óc sáng suốt mà còn đời sống đức hạnh nữa, bởi vì đó là công tác của nhân đức khôn ngoan. Những luật thiết định (của Giáo hội hay của Quốc gia) nhằm hướng dẫn cho người

B. Phê bình lối giải thích quan điểm của thánh Tôma

Uỷ ban quốc tế thần học muốn trình bày quan điểm của Giáo hội công giáo về luật tự nhiên, dựa trên học thuyết của thánh Tôma Aquinô. Nhưng không thể nói rằng đây là một bản chú giải văn bản của thánh nhân, bởi vì văn kiện của Uỷ ban còn muốn sử dụng những nguồn tư liệu khác, và thậm chí còn tìm cách diễn tả học thuyết cổ điển bằng những ngôn ngữ thời đại (thí dụ như: đồng hóa các “giá trị” và “quy luật”, “lương tâm” với “synderesis”). Không lạ gì mà nhiều nhà nghiên cứu thánh Tôma đã phê bình phương pháp giải thích thánh Tôma do Uỷ ban đề xướng.[12]

Có người đặt vấn đề cách triệt để hơn: tại sao phải dựa vào thánh Tôma để tìm hiểu luật tự nhiên? Phải chăng không còn lối tiếp cận nào khác ư? Thay vì khởi đi từ nguyên lý “Hãy làm điều tốt, và tránh làm điều xấu”, tại sao không khởi đi từ nguyên lý “tình yêu” của Tân ước, hoặc từ yêu sách “công lý” của con người thời đại?[13]

Dù sao, xây dựng lý thuyết về luật tự nhiên là một chuyện, áp dụng vào những trường hợp cụ thể là chuyện khác. Liệu một điều ngày nay được coi là “luật tự nhiên” có thể bị thay đổi trong vài thế kỷ nữa không? Trong quá khứ, có những chuyện được coi như là “tự nhiên” (đa thê, nô lệ) nhưng ngày nay bị coi là “trái tự nhiên”. Liệu điều này sẽ còn xảy ra đối với những vấn đề khác hay không (chẳng hạn: tình yêu hôn nhân hướng đến việc sinh con đẻ cái; dây hôn nhân bất khả ly)?

Chúng tôi không thể trả lời cho tất cả những vấn nạn đó trong bài này, bởi vì mục tiêu chỉ nhằm trình bày cho thấy rằng tư tưởng của thánh Tôma có thể dùng trong việc đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa, bởi vì dựa trên sự phân tích của lý trí được mạc khải soi chiếu.

Tóm lại, nếu hỏi rằng: “luật tự nhiên là gì?” thì xin trả lời vắn tắt thế này: đó là luật buộc con người sống cho ra người, nghĩa là sống như loài sinh vật có lý trí, tìm cái gì tốt lành cho con người, không phải con người đơn độc nhưng là con người sống trong tương quan với xã hội và vươn lên chiều kích siêu việt.[14]

KẾT LUẬN

Để kết luận cho bài này, chúng tôi xin thêm một câu hỏi: học thuyết về luật tự nhiên có ý nghĩa gì cho hoàn cảnh Việt Nam?

Thiết tưởng có nhiều cách trả lời.

1. Có lẽ thuật ngữ “luật tự nhiên” mới được du nhập vào Việt Nam từ vài thế kỷ gần đây cùng với những tư tưởng khác của Au Tây (tự do, dân chủ), nhưng nội dung thì không phải là xa lạ, bởi vì từ lâu đời, văn hóa Đông phương đã đặt ra những quy tắc cho đời sống luân lý cá nhân và xã hội. Văn kiện của Uỷ ban Thần học đã trưng dẫn vài chứng tích. Khi bàn đến tư tưởng An độ, văn kiện nhắc đến ý tưởng “dharma” (Pháp), nhưng chúng ta biết rằng tư tưởng này cũng ảnh hưởng cả đến Phật giáo nữa. Bước sang Phật giáo, văn kiện nhắc đến ngũ giới, bát chánh đạo; thiết tưởng cũng có thể thêm luật Nghiệp báo (Karma). Đối với Lão giáo, ý tưởng căn bản là Đạo, còn với Khổng giáo thì ta gặp thấy những quy tắc xử thế được phát biểu qua các nhân đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), mà mục tiêu cuối cùng là tuân theo ý Trời. Châm ngôn “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” là chứng tích của “luật vàng” (xc. Tb 4,12; Mt 7,12) được gặp thấy nơi các tôn giáo cổ điển.

2. Thử hỏi: những giá trị của luân lý Khổng Mạnh còn vang âm trong xã hội ngày nay không? Chắc chắn là có. Mặt khác, dân tộc Việt Nam không ngần ngại đón nhận những giá trị của Kitô giáo được truyền thụ qua văn hoá Tây phương, tựa như: “tự do, bình đẳng, huynh đệ”, hoặc “công lý-hòa bình”, “nhân quyền”. Ai dám bảo rằng đó là những giá trị lai căng cần phải tẩy chay? Hơn thế nữa, những hạn từ đó không chỉ là khẩu hiệu hô to nhân những cuộc mít-tinh, nhưng còn mang theo những áp dụng thực tiễn trong đời sống, cách riêng trong đời sống chính trị xã hội. Chúng ta cũng có thể khẳng định như vậy đối với “luật tự nhiên”. Trong một bài mới được đăng lên mạng của Bộ Tư pháp ngày 7/10/2011 dưới tựa đề “Học thuyết tự nhiên và một số vấn đề trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật trong giai đoạn hiện nay”,[15] Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tùng đã viết như sau ở khúc kết luận:

Trong thực tế xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, pháp luật không chỉ đơn thuần là sản phẩm “độc quyền” của nhà nước mà trước hết là sự kết tinh thiêng liêng những giá trị cao quý trong xã hội, dựa trên nền tảng dân chủ, nhân bản và đạo lý mà không một ai bác bỏ được để trở thành lẽ phải đương nhiên như tự do, bình đẳng, công lý, công minh… Bên cạnh hệ thống quy tắc xử sự do nhà nước ban hành, còn có sự hiện hữu của pháp luật tự nhiên. Ở Việt Nam, luật tự nhiên không là gì xa lạ mà nó đã hoá thân thành những quan niệm giản dị mà sâu sắc của xã hội: bên cạnh pháp lý có đạo lý, có lương tri, cùng với phép vua có lệ làng, sức dân như sức nước… Trong cuốn “Người Việt-Phẩm chất và thói hư tật xấu”, tác giả Đinh Thế Hưng trong bài “Thiếu ý thức pháp luật” đã đi tìm lời giải cho thói xấu bất tuân pháp luật của người dân là do dân ta phải sống quá lâu trong chế độ đô hộ, phong kiến, thực dân. Pháp luật do đó được quan niệm là công cụ của kẻ thống trị, của ngoại bang trấn áp, trừng trị và phục vụ cho thiểu số người cai trị. Người dân Việt Nam không tìm thấy trong pháp luật trước đây những giá trị phản ánh lợi ích của mình nên đã hình thành nên một phản xạ là luôn đặt pháp luật ở vị trí đối lập. “Pháp luật là của Nhà nước, Nhà nước không phải của dân. Còn người dân thì quay về cố thủ sau luỹ tre làng và bằng lòng với những lệ làng, hương ước tuy giản dị đơn sơ và có phần hoang dã nhưng lại phản ánh được ý chí của họ…” Từ đó, tác giả nhận định: Để người dân không còn bất tuân pháp luật, cần khẳng định đó là kiểu pháp luật gì. Tôi nghĩ rằng người Việt mình sẽ không có truyền thống bất tuân pháp luật khi họ nhận thấy cái pháp luật hiện hữu là kiểu pháp luật phù hợp với quy luật khách quan, khi nó “vang vọng tiếng dân” chứ không phải là sự áp đặt của thiểu số người trong xã hội…”[16] Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 của Đảng ta đã khẳng định yêu cầu đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Học thuyết luật tự nhiên là học thuyết phản ánh khát vọng của loài người về tự do, nhân phẩm, pháp quyền, dân chủ, công bằng, công lý và các quyền con người. Trước yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý, xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, việc giới thiệu và ứng dụng những thuộc tính phù hợp của luật tự nhiên trong hệ thống pháp luật XHCN hứa hẹn những triển vọng đóng góp tích cực trong quá trình nhận thức, xây dựng và phát triển một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch theo định hướng phát triển mà Đảng ta đã đề ra”.

Những hàng gạch dưới là do chúng tôi thêm vào, và xin mượn để kết thúc bài nghiên cứu này.

THƯ TỊCH

Commission Théologique Internationale, À la recherche d”une éthique universelle, Nouveau regard sur la Loi naturelle, Cerf, Paris, 2009.

Revue d”Ethique et de Théologie morale -RETM –n° 261, 2010, Loi naturelle- retour d’un concept en miettes? Actes du Colloque de Tours de l’ATEM (Association des théologiens pour l’étude de la morale)

The Pontifical Academy of St Thomas Aquinas, The Human Person, Natural Law, Human Rights in a Complex and Globalised World, Proceedings of the VI Plenary Session, 23-25 June 2006, Doctor Communis, fasc.I-II, 2007.

Luc-Thomas Somme, A propos du document “A la recherche d’une éthique universelle” in: Revue Thomiste vol.109 (2009) 639-646.

Stephen Brock, Natural Law, The Understanding of Principles and Universal Good, in: Nova et Vetera, English edition, vol.9 (2011) 671-706.

Mark Murphy The Natural Law Tradition in Ethics, in: Stanford Encyclopedia of Philosophy, http://plato.stanford.edu/entries/natural-law-ethics/

AA.VV., Tres perspectivas sobre la ley natural, in: Veritas, Revista de Teologia y Filosofia, n.24 (Marzo 2011), p.9-66.

 


[1]Commission Théologique Internationale, A la recherche d’une éthique universelle: Nouveau regard sur la loi naturelle, http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/
rc_con_cfaith_doc_20090520_legge-naturale_fr.html
[2]Xc. Số 37. Văn kiện cũng cho thấy rằng thông điệp Veritatis splendor của đức Gioan Phaolô II cũng dựa theo học thuyết thánh Tôma khi nói đến luân lý tự nhiên (số 44).
[3]E. Chiavacci, Legge naturale, in: Nuovo Dizionario di Teologia Morale, Paoline, Cisinello Balsamo, 1990, p.634-647.
[4]Vấn đề dịch thuật sẽ còn được đặt ra cho vài từ ngữ khác nữa, chẳng hạn như: ius tiếng Latinh là đối tượng của iustitia (công lý, công bằng) được dịch sang tiếng Pháp là droit (ngay thẳng, pháp luật, quyền lợi), và tiếng Anh là law (luật pháp) và right (quyền lợi); bonum tiếng Latinh (bien tiếng Pháp, good tiếng Anh) vừa có nghĩa là “tốt” (xét về phẩm chất, đối lại với “xấu”) vừa có nghĩa là “thiện” (xét về luân lý, đối lại với “ác, dữ”).
[5]Trong sách Tổng luận thần học, Thánh Tôma bàn về luật tự nhiên trong phần quen gọi là luân lý (Secunda pars). Con người tự bản tính hướng về Thiên Chúa như là cứu cánh của cuộc đời. Thiên Chúa đến giúp con người bằng cách dùng luật để dạy dỗ và ban ân sủng để nâng đỡ. Dựa theo lịch sử mạc khải, thánh Tôma nói đến bốn chặng: luật vĩnh cửu dành cho vạn vật (I-II, q.93), luật tự nhiên dành cho con người (I-II, q.94), luật Cũ (I-II, q.98-105) và luật Mới (I-II, q.105-108) dành cho Dân được tuyển chọn.
[6]Nên biết là thánh Tôma quan niệm luật như là một hành vi của lý trí nhắm đến ích chung của cộng đồng (ordo rationis ad bonum commune).
[7]Văn kiện nhắc lại các truyền thống tôn giáo cổ kính: Ấn độ giáo, Phật giáo, Lão tử và Khổng tử, các tôn giáo cổ truyền Phi châu, Islam.
[8]Sự phân biệt ba cấp độ này đã được ông Cicêrô đề cập: xc. De finibus bonorum et malorum, IV, 14, 39; III, 7, 23.
[9]Summa Theologica I-II, q.91, a.2: “Inter cetera autem rationalis creatura excellentiori quodam modo divinae providentiae subiacet, inquantum et ipsa fit providentiae particeps, sibi ipsi et aliis providens. Unde et in ipsa participatur ratio aeterna, per quam habet naturalem inclinationem ad debitum actum et finem. Et talis participatio legis aeternae in rationali creatura lex naturalis dicitur”.
[10]Thiết tưởng nên ghi nhận một khó khăn trong việc chuyển dịch từ ngữ. Như đã nói ở đầu, trong tiếng Latinh, ius là đối tượng của iustitia (công lý, công bằng); nó bao hàm ba khía cạnh: a) khía cạnh khách thể: công lý; b) khía cạnh quy phạm: luật pháp (lex, ius normativum) nhằm thể hiện công lý trong tương quan giữa các phần tử (và không thiếu những luật bất công); c) khía cạnh chủ quan (ius subjectivum): quyền lợi, nghĩa là điều gì thuộc về một chủ thể do lẽ công bình. Những quyền lợi này có thể bắt nguồn từ luật tự nhiên, nghĩa là từ bản tính con người (vì thế gọi là “quyền tự nhiên”), hoặc từ luật pháp của Quốc gia. Trong tiếng Pháp droit naturel có thể hiểu vừa như là “luật tự nhiên” vừa như là “quyền tự nhiên”. Natural right trong tiếng Anh chỉ có nghĩa là “quyền tự nhiên”.
[11]Đây không phải là khẳng định tiên thiên nhưng dựa trên lịch sử. Vào thế kỷ XVI, cha Francisco de Vitoria đã dựa vào học thuyết của thánh Tôma để phát biểu công pháp quốc tế, bênh vực quyền lợi các thổ dân châu Mỹ. Vào giữa thế kỷ XX, một trong những tác giả để lại dấu ấn sâu đậm trong bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền của Liên Hiệp quốc là ông Jacques Maritain, một triết gia theo học thuyết Tôma. dân biết phải hành động thế nào cho hợp lý và hợp pháp trong hoàn cảnh cụ thể.
[12]Thí dụ: Luc-Thomas Somme, A propos du document “A la recherche d’une éthique universelle” in: Revue Thomiste 2009, n.4, 639-646.
[13]Xc. Aristide Fumagalli, L’amore come legge. Per una rinnovata teologia della legge morale in: Scuola Cattolica 135 (2007) 3-28.
[14]Xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1956.
[15]http://moj.gov.vn/ct/tintuc/lists/nghin%20cu%20trao%20i/view_detail.aspx?ItemID=4431.

[16]Tác giả trưng dẫn: Người Việt – Phẩm chất và thói hư, tật xấu, Nxb Thanh niên – Báo Tiền Phong năm 2008.