LUẬT TỰ NHIÊN VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

0
860

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM

Đạo đức học luật tự nhiên có thể áp dụng vào mối tương giao công cộng, trong đó có những vấn đề liên quan đến công bằng xã hội. Người ta dùng các tiêu chuẩn của luật tự nhiên để thiết lập quy chế luân lý cho các hoạt động kinh doanh. Kinh doanh giả định quyền tự do tìm kiếm lợi tức qua sáng kiến và sản phẩm của mình trong bối cảnh tương giao xã hội, do đó hoạt động kinh doanh cần phải tôn trọng nguyên tắc công bằng giữa phương tiện và cứu cánh trong mọi quyết định. Hơn nữa, hệ thống tương trợ xã hội sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều so với tổng số đạt được từ mỗi cá nhân riêng biệt; do đó, thực thể xã hội có quyền đòi hỏi danh dự xứng đáng cho trách nhiệm của nó. Là những thụ tạo với lý tính và cứu cánh nội tại, sự kiện con người tạo ra xã hội cũng chính là cách con người thể hiện bản tính tự nhiên của mình. Tự do và công bằng là những yếu tố điều phối tâm thức xã hội, vốn có thể thấy được qua các mối tương quan trong gia đình, hệ thống giáo dục, tương giao xã hội, hay môi trường lao động. Trong bài này, chúng ta sẽ phân tích những quy chế luân lý điều phối đời sống xã hội trước khi bàn về sự quân bình giữa tự do kinh doanh và công bằng xã hội.

LUẬT TỰ NHIÊN VÀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Lý luận căn bản của luật tự nhiên thì dựa trên những khuynh hướng phát triển vốn tìm hạnh phúc và đạt đến cứu cánh nội tại của con người qua cách nó bảo vệ các giá trị về xã hội tính. Nhưng có gì là tự nhiên về xã hội không? Xã hội có thể dùng cá nhân con người như là những phương tiện để đạt đến mục tiêu chung của cộng đồng không? Một khi cứu cánh của xã hội mâu thuẫn với cứu cánh của cá nhân con người trong đó thì chúng ta phải làm gì? Luật tự nhiên tìm cách giải quyết các vấn đề này.[1]

Thời Kinh Viện, thánh Tôma và các triết gia thuộc trường phái Salamanca đã dùng luật tự nhiên để tạo nền tảng cho sự công bằng về giá cả của các sản phẩm kinh tế. Các triết gia cận đại như Locke, Hobbes và Rousseau tranh luận về bản tính tự nhiên của xã hội dựa trên khái niệm “khế ước”. Họ cho rằng, tuy xã hội không có một bản thể duy nhất và đơn độc như con người, nhưng theo nghĩa loại suy, xã hội vẫn có một bản chất tự nhiên xuất phát từ xã hội tính của con người. Ở đâu có con người thì ở đó xã hội được thành hình, vì mục tiêu của nó thì gắn liền với cứu cánh nội tại của con người. Xã hội tính của con người được thể hiện qua nhiều hình thức quan hệ như gia đình, tổ chức hiệp hội, nhà nước và hội đồng Liên Hiệp Quốc. Cho dù có nhiều hình thức tương giao khác nhau, nhưng mục tiêu của xã hội là thỏa mãn những nhu cầu tự nhiên của con người, vốn đòi hỏi một sự hỗ tương tập thể. Vì thế, xã hội cần được xem như là những thực thể có quyền lợi và trách nhiệm cần phải được tôn trọng một cách hợp pháp và chính đáng.

Triết gia John Locke khẳng định rằng nếu nhà nước thống trị ngược lại với luật tự nhiên và thất bại trong việc bảo vệ sự sống, tự do và tài sản của dân, thì dân có quyền đứng lên lật đổ chính quyền. Locke đang nại đến một khái niệm thế tục được gọi là “quyền tự nhiên”. Mặt khác, James Madison cho rằng nhà nước không nên can thiệp vào mối tương quan giữa cá nhân con người và Thiên Chúa. Mối tương quan này đã có sẵn trước khi con người gia nhập vào xã hội, và đời sống của cá nhân trả lời trực tiếp với Thiên Chúa. Tự do tôn giáo đòi hỏi sự tách biệt giữa hai phạm vi nhà nước và Giáo hội.

Hơn thế nữa, các thần học gia như Walter Lippmann và Alasdair MacIntyre đã thiết lập một số điều kiện cho chế độ dân chủ dựa trên nền tảng luật tự nhiên.[2] Họ dùng luật tự nhiên để tạo nên các luận cứ về các quy chế xã hội như: điều kiện lao động, sức khỏe cộng đồng, phương pháp trị liệu và nghiên cứu y khoa; và như thế, họ đã cung cấp một nền tảng tôn giáo để áp dụng luật tự nhiên vào đời sống xã hội. Bản tính tự nhiên của xã hội nhắc nhở chúng ta rằng xã hội được cấu kết do một loài có lý trí với sự tự do và hiểu biết của mình, để đạt đến một số cùng đích nhất định như công ăn việc làm và an ninh cộng đoàn.

Xã hội đầu tiên và bền vững nhất là hôn nhân và gia đình. Tuy hôn nhân là quyết định giữa hai cá nhân, nhưng vì gia đình còn là cơ cấu căn bản để cá nhân được nuôi dưỡng, bảo vệ và học cách đón nhận và cho đi tình yêu, vốn là tự nhiên và thiết yếu cho đời sống cộng đồng. Trong gia đình, người nam có thể phát triển thành một người chồng và một người cha, và người nữ trở thành người vợ và người mẹ. Cũng vậy, bậc ông bà sẽ góp phần quan trọng trong sự nâng đỡ cơ cấu của gia đình và các nhu cầu của trẻ thơ. Luật tự nhiên luôn tìm cách bảo tồn vai trò quan trọng của hôn nhân và gia đình, bởi vì chúng sẽ cung cấp một môi trường an toàn mà qua đó nhân tính tự nhiên được trưởng thành. Tuy không phải hình thức nào cũng hoàn hảo, nhưng xã hội là môi trường để cá nhân hiện thực hóa tiềm năng của mình. Luật tự nhiên sẽ cần trở nên sáng tạo hơn nếu các giá trị của nó còn được phù hợp với bối cảnh hiện đại khi mà khái niệm gia đình đang trải qua nhiều thay đổi (cha mẹ đơn thân, hôn nhân đồng tính).

ĐẠO ĐỨC KINH DOANH

John Locke (1632 -1704) thiết lập khái niệm “quyền sở hữu tự nhiên” về tài nguyên và đất đai chưa có ai khai thác và từ đó khai triển chúng thành những sản phẩm kinh tế qua sức lao động của mình. Một thế hệ sau đó, Adam Smith (1723–1790)[3] giải thích “hệ thống công bằng tự nhiên” vốn trở thành kim chỉ nam cho đạo đức kinh doanh sau này. Smith đưa ra ba nguyên tắc tự nhiên trong tiến trình phát triển kinh tế. Thứ nhất, nguyên tắc vị lợi: con người làm việc với mục tiêu mang lại lợi ích cho mình. Thứ nhì, nguyên tắc cạnh tranh: cạnh tranh sẽ thúc đẩy con người tạo nên sản phẩm tốt hơn. Thứ ba, nguyên tắc cung-cầu: giá thành của sản phẩm thì tùy thuộc vào mối tương quan cung-cầu của thị trường.

Sự công bằng đòi hỏi mọi phần tử trong cộng đồng phải suy nghĩ về quyền lợi và trách nhiệm xã hội của họ. Công ty phải đối xử công bằng và trung thực với khách hàng cũng như chủ đầu tư. Trong khi tôn trọng quyền tự do kinh doanh, nhà nước có thẩm quyền kiểm soát sự minh bạch của tổ chức kinh doanh, chủ và thợ, khách hàng và người sản xuất. Nhà nước cần bảo đảm sự an toàn và quyền lợi của người dân nhưng vẫn không can thiệp vào tiến trình phát triển của kinh doanh. Cần phải có sự quân bình giữa các ý kiến của phe phái chính trị và nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Luật tự nhiên có thể hỗ trợ cho việc tạo nên những quy chế vốn cho phép nhiều người được tham dự vào lĩnh vực kinh doanh một cách công bằng.

Ngoài ra, sự công bằng xã hội còn bao gồm các trách nhiệm luân lý liên hệ đến hoạt động kinh doanh, không chỉ giữa các cá nhân mà còn cả công ty như là một chủ thể luân lý nữa. Công ty được xem là một tập đoàn có trách nhiệm đối với công nhân, các cổ đông, người tiêu thụ, nhà nước, xã hội và môi trường sinh sống. Từ đó, mọi quy luật điều hành của tập đoàn kinh doanh phải được xét theo trách nhiệm cân bằng giữa “cứu cánh” (lợi tức của các cổ đông và chủ tài sản) và “phương tiện” (lao động, tài sản, môi trường sản xuất) trong tiến trình điều hành kinh doanh.

Khía cạnh quan trọng thứ nhất là “cứu cánh” của việc kinh doanh. Một quan điểm cho rằng tập đoàn kinh doanh cần phải được điều hành theo lợi ích của cổ đông. Cổ đông là người đứng ra mướn ban quản lý điều hành kinh doanh vốn hứa sẽ mang lại lợi tức cho họ. Cổ đông không làm chủ công ty, nhưng họ sở hữu cổ phiếu, tức là một loại bảo đảm tài chính an toàn cho tập đoàn. Mục tiêu của ban điều hành vẫn là gia tăng giá trị của cổ phiếu và như thế sẽ mang lại hiệu quả tốt cho ban điều hành của công ty. Vấn đề là làm sao tìm sự công bằng khi các mục tiêu mâu thuẫn với nhau giữa việc gia tăng chất lượng của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu thụ, hay an toàn cho môi trường. Đa số các kinh tế gia ngày nay cho rằng các giá trị này thì quan trọng hơn là chỉ tối đa hóa giá trị của cổ phiếu.

Một quan điểm ngược lại cho rằng, ban điều hành cần phải quân bình giữa lợi ích của nhóm cổ đông và chủ tài sản. Nên làm gì với số lợi tức dư thừa sau khi thỏa mãn mọi trách nhiệm với người lao động, khách hàng và các chủ nợ? Nên dùng lợi tức dư thừa để cập nhật hóa môi trường làm việc, mua thêm máy móc, bất động sản, vốn sẽ mang lại lợi ích của chủ tài sản? Đầu tư vào tài sản và môi trường làm việc chưa chắc sẽ tối đa hóa lợi ích của nhóm cổ đông. Các tranh luận về ưu tiên lợi ích của chủ tài sản hay của nhóm cổ đông trên đây vẫn chưa giải quyết được vấn đề luân lý trong kinh doanh. Chúng chỉ nhắm vào cứu cánh hay mục đích của ban điều hành và chưa giải thích những ràng buộc luân lý khi theo đuổi các mục tiêu đó, kể cả bổn phận của những người thụ hưởng các lợi ích đó.

Khía cạnh quan trọng thứ hai trong đạo đức kinh doanh là về “phương tiện”, tức là quyền dùng công cụ để đạt đến cứu cánh của mình. Gần đây, quan điểm cho rằng nhóm cổ đông làm chủ công ty cho nên họ phải có quyền dùng bất cứ phương tiện nào để gia tăng giá trị cổ phiếu, thì đang bị thử thách. Không ai có độc quyền sở hữu một công ty cả, vì nhóm này làm chủ tài sản, nhóm kia làm chủ lao động. Tài sản có thể “mướn” lao động, hay lao động cũng có thể “vay” tài sản. Chỉ vì thường xuyên xảy ra là đa số các công ty đều phải bầu lên ban điều hành và trao cho họ quyền điều phối phương tiện mà chủ tài sản và nhóm cổ đông cung cấp. Nói chung, tập đoàn kinh doanh là một hệ thống các khế ước và giao thoa giữa các quyền lợi với nhau.

Nhiều kinh tế gia nhận ra nguy cơ lạm dụng quyền điều hành và trách nhiệm. Họ kêu gọi người lao động phải có tiếng nói ở cấp độ quản lý điều hành như quyền bỏ phiếu tín nhiệm, quyền từ chối mệnh lệnh hay yêu sách tùy tiện của ban quản lý, và phương cách sản xuất cho phù hợp với lợi ích của người lao động. Sự tham dự của giới lao động ở mức độ quản lý điều hành có thể qua nhiều hình thức và giá trị khác nhau, như bảo vệ lợi ích của lao động, quyền tự chủ trong khi lao động, quyết định theo chế độ dân chủ, v.v. Tuy nhiên, cách giới lao động tham dự vào tiến trình điều hành thì tùy thuộc theo quy luật xác định vai trò của ban quản lý. Có những công ty do người lao động tự lập nên. Mặt khác, sự can thiệp của giới lao động vào tiến trình quản lý có thể trì trệ hiệu quả hay gia tăng chi phí sản xuất cho công ty, và đó chính là điều mà các nhà đầu tư muốn tránh. Khả năng cạnh tranh của công ty cần phải được cân nhắc giữa phương tiện và cứu cánh trong cách điều hành của quản lý. Nguyên tắc song hiệu của luật tự nhiên có thể cung cấp một mô hình phán đoán cho đạo đức kinh doanh trong xã hội ngày nay.

CÔNG BẰNG & TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Trong tác phẩm nổi tiếng Một Học Thuyết về sự Công Bằng (A Theory of Justice, 1971), John Rawls khẳng định công bằng là nhân đức đầu tiên của mọi cơ chế xã hội. Cho dù luật pháp và cơ chế xã hội có hữu hiệu và chu đáo thế nào đi nữa thì cũng phải cải biến hoặc hủy bỏ nếu nó thiếu công bằng. Mỗi cá nhân con người sở hữu một sự công bằng bất khả xâm phạm. Công bằng không chấp nhận việc chiếm đoạt tự do của một người chỉ vì mục tiêu nào đó lớn hơn cho những kẻ khác. Công bằng không cho phép buộc một thiểu số phải hy sinh để đa số được thưởng thức lợi ích của họ. Do đó, trong một xã hội công bằng, sự tự do bình đẳng của công dân là điều phải có; quyền đòi hỏi sự công bằng không phải là kết quả của thương lượng hay tính toán về lợi ích chính trị. Rawls đề nghị mô hình “màn che vô tri” (veil of ignorance), loại bỏ mọi chi tiết về giai cấp cá nhân trong tương giao nhóm để tạo nên sự đồng thuận về các nguyên lý công bằng vốn điều phối hoạt động xã hội. [4]

Tuy nhiên, thật không dễ gì thiết lập một nền tảng luân lý chung để tìm sự công bằng cho vô số ý kiến trong xã hội về những vấn đề khác như: nhu cầu giáo dục, tương quan giữa lao động và sản xuất, quyền tư hữu, trách nhiệm và bổn phận đóng thuế, v.v. Có hai khía cạnh về công bằng xã hội. Công bằng phân phối (distributive justice) tìm cách phân phối phúc lợi để tránh sự bất công trong các lĩnh vực kinh tế, chủng tộc, phái tính và sức khỏe. Công bằng tương giao (commutative justice) liên quan đến quy luật điều phối các mối tương quan về đổi chác hay bảo vệ lợi ích của cá nhân. Chúng ta hãy xét hai ví dụ về giáo dục và sức khỏe cộng đồng.

Trước tiên, về giáo dục, những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân cho rằng chính quyền nên để cha mẹ tự do quyết định về việc giáo dục con cái, và các hội từ thiện đóng góp và không cần chính quyền nữa. Trái lại, phe cấp tiến chủ trương trách nhiệm công cộng về việc giáo dục trẻ em và cho rằng chính quyền phải đứng ra tổ chức các trường học và trẻ em bắt buộc phải đi học. Còn phe bảo thủ thì đồng ý giáo dục là một quan tâm cộng đồng, nhưng chúng ta phải dùng tiền đóng thuế để giúp cha mẹ thực hành tự do của họ trong việc chọn lựa trường học và cấp phiếu trang trải chi phí giáo dục cho con cái họ. Không dễ gì mà tạo nên sự công bằng xã hội trong bối cảnh mà chưa có sự đồng thuận.

Vấn đề sức khỏe cộng đồng cũng thế. Phe tự do cá nhân thì muốn để việc chăm sóc sức khỏe, nên họ để cho thị trường và các nhóm từ thiện lo. Nhóm cấp tiến cho rằng, sức khỏe là ưu tiên cộng đồng nên chính quyền phải đứng ra tổ chức và chịu mọi trách nhiệm tài chính. Còn nhóm bảo thủ thì muốn giao việc chăm sóc sức khỏe cho giới kinh doanh, nhà nước cung cấp phiếu chi phí, người dân tự do chọn lựa công ty nào phù hợp nhất với nhu cầu và sở thích của mình. Vấn đề ở đây là làm sao có thể mang lại hiệu quả tốt nhất cho mọi người thực thi quyền tự chủ của mình trong cách họ tổ chức và phát huy cuộc sống. Quan điểm nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm của nó.

Từ các ví dụ trên đây, chúng ta nhận ra công bằng xã hội cần phải cân nhắc mối tương quan giữa hai khía cạnh phân phối và tương giao. Hầu hết các học giả đồng ý về ba đặc tính thiết yếu cho công bằng xã hội sau đây: (1) Liên-chủ thể: công bằng là sự hướng về kẻ khác trong mọi tương quan và giao tiếp với tha nhân. (2) Bổn phận: công bằng đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm đối xử với tha nhân như họ có quyền được đối xử. (3) Bình đẳng: không chọn lợi ích của một nhóm này trên sự tổn hại của một nhóm khác. Tất cả mọi người được đối xử bình đẳng trước pháp luật, trong lĩnh vực chính trị và xã hội. Tuy nhiên sẽ không có công bằng thực sự nếu cá nhân và xã hội không ý thức về các mức độ trách nhiệm của mình.

Luigi Taparelli, một linh mục triết gia trong thế kỷ XIX, sau khi nghiên cứu sự gắn bó giữa đạo đức học luật tự nhiên với lịch sử tranh đấu cho công bằng và tự do đã đề nghị hai luận đề sau đây về công bằng xã hội. Thứ nhất, con người lệ thuộc vào nhiều mức độ xã hội vì bản tính con người là xã hội; và thứ nhì, công bằng xã hội cho thấy con người có nhiều trách nhiệm với nhau. Có nhiều mức độ xã hội tồn tại giữa tương quan cá nhân và chính quyền. Giữa con người và xã hội là những trách nhiệm với gia đình, với Giáo hội, và với cộng đoàn – vốn gắn bó cá nhân và xã hội lại với nhau. Sự ràng buộc từ các trách nhiệm gia đình, tập thể tôn giáo, và thẩm quyền của cộng đoàn địa phương đặt lên nhà nước một số giới hạn. Bản tính xã hội của con người chính là mạng lưới trách nhiệm, mà nhờ đó con người tồn tại.[5]

Sự hiểu lầm về tự do tuyệt đối trong xã hội Tây phương đưa đến việc đánh mất ý thức về các trách nhiệm xã hội. James Madison cho rằng mỗi người có trách nhiệm ưu tiên tìm kiếm chân lý về Thiên Chúa và trật tự của thụ tạo, vì nếu không có trách nhiệm với Thiên Chúa, thì cũng chẳng có gì để đạt đến qua các phong trào tự do tôn giáo nữa.[6] Có một tinh thần trách nhiệm tương tự như thế trong phạm vi kinh doanh. Chúng ta cần phải có tự do kinh doanh để hoàn thành các trách nhiệm của mình: lao động để nuôi sống gia đình, làm việc siêng năng và cần kiệm để không phí phạm tài năng, thời gian và chi phí của công ty. Ngoài ra kinh doanh cũng phải có trách nhiệm cung cấp sản phẩm với chất lượng tương xứng với nhu cầu của khách hàng cũng như bổn phận bảo vệ sự an toàn của cộng đồng và môi trường con người đang sống. Mục đích của tự do kinh doanh là để cho cá nhân phát triển tài năng và hoàn thành các trách nhiệm xã hội, và để cho nhà nước tôn trọng các mức độ tương giao vốn tạo nên cộng đồng dân sự mà chúng ta đang sống.

Xã hội chúng ta biết đầu tiên là gia đình, với bản chất và tính vẹn toàn tự tại của nó vốn tạo nên những trách nhiệm cụ thể của chúng ta đối với gia đình. Cũng thế, tự bản chất, tôn giáo sẽ tạo nên giới hạn về những gì thẩm quyền nhà nước có thể đòi hỏi nơi các phần tử của Giáo hội. Chúng ta bước vào cuộc sống hoàn toàn lệ thuộc vào gia đình, bạn bè, láng giềng, nông gia và nghệ gia, thương gia và công nhân. Con người sẽ đánh mất chính mình nếu chúng ta rơi vào ảo tưởng tự lập, chủ nghĩa cá nhân, hay quyền lực của nhà nước. Là động vật có lý trí, con người cần theo đuổi chân lý của tính liên đới tùy thuộc trong cuộc sống cho phù hợp với trách nhiệm của mình đối với Thiên Chúa và cộng đoàn vốn đã cho chúng ta tự do để sống và phát triển ngay từ ban đầu của cuộc sống. Theo Alasdair MacIntyre, con người là một “con vật có lý tính nhưng lệ thuộc”, do đó chúng ta cần điều phối hành vi của mình cho phù hợp với lý tính. Chúng ta không thể chọn những gì thế giới mang lại cho chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể chọn lối sống cho phù hợp với tinh thần công bằng và trách nhiệm vốn có sẵn trong bản tính con người của mình. Đây là nền tảng căn bản mà luật tự nhiên muốn bảo vệ nơi các giá trị “xã hội tính” và “tìm hiểu chân lý”.

[1] Johannes Messner, Social Ethics: Natural Law in the Modern World, dịch giả: J. J. Doherty (B. Herder, London, 1949).

[2] Alasdair MacIntyre, After Virtue, 3rd edition (University of Notre Dame Press, 2007).

[3] Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments.

https://plato.stanford.edu/entries/moral-sentimentalism/, truy cập ngày 14/5/2023.

[4] John Rawls, A Theory of Justice (Belknap Press, Cambridge, MA, 1971).

[5] Thomas C.  Behr, Social Justice and Subsidiarity: Luigi Taparelli and the Origins of Modern Catholic Social Thought (Catholic University of America Press, 2019).

[6] https://founders.archives.gov/documents/Madison/01-08-02-0163, truy cập ngày 14/5/2023.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here