Luật Riêng Của Mỗi Hội Dòng – Vấn Đề 8

0
588


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC HỘI DÒNG TẬN HIẾN

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

(Điều 573 – 606)

***

VẤN ĐỀ 8

LUẬT RIÊNG CỦA MỖI HỘI DÒNG

(đ. 586-587)[1]

 

Bộ Giáo Luật 1983 nhấn mạnh về nguyên tắc tự trị chính đáng cho mỗi Hội Dòng: “Giáo luật nhìn nhận cho mỗi Hội Dòng được hưởng một sự tự trị chính đáng về nếp sống, nhất là trong việc cai trị, nhờ đó họ được hưởng một kỷ luật riêng và có thể bảo tồn nguyên vẹn gia sản riêng đã nói ở điều 578”.[2]

Lúc ban đầu, sự tự trị này rất rõ ràng, và các dòng, nhất là các dòng cổ, đã luôn luôn chống lại những vụ “chen lấn” quá đáng của các vị nắm quyền cai trị. Thẩm quyền của Giáo Hội chỉ can dự vào lúc thành lập để “duyệt y” dự định của vị sáng lập qua việc phê chuẩn “Bộ luật nền tảng” (tức là Hiến Pháp) của mỗi Dòng, như chúng ta sẽ thấy dưới đây; còn trong sinh hoạt thường ngày và trong việc cai quản của Dòng, Giáo Quyền chỉ can thiệp trong những trường hợp bất thường mà thôi.

Đàng khác, trong đời sống tu trì, người ta khấn vâng lời “theo Hiến Pháp của Dòng”. Vì thế, nếu muốn duy trì vẻ phong phú này của Giáo Hội, cần phải tránh đừng giảm bớt những nét đặc trưng này, tuy vẫn cần phải duy trì sự hài hòa với công ích của Giáo Hội. Vì thế, triệt 2 của điều 586 thêm rằng: “Bản quyền địa phương có bổn phận tôn trọng và bảo đảm sự tự trị này”.

Dĩ nhiên, gặp lúc “khan hiếm” nhân sự, Giáo Quyền có thể muốn yêu cầu một cộng đoàn, một Hội Dòng, một cá nhân hãy đáp ứng nhu cầu khẩn cấp và nghiêm trọng. Nhưng nếu sự yêu cầu này đi ngượclại một điều căn bản, đụng tới “tinh thần riêng” của Dòng, thì lúc ấy cần phải nhớ lại điều khoản này của Bộ Giáo Luật 1983. Dù sao, đứng trước những tiếng gọi mời của Giáo Hội, tất cả các Dòng, dù cổ xưa hoặcmới thành lập, hãy tỏ ra trưởng thành để có thể thực hiện những sự thích nghi không tương phản với đặc tính riêng ơn gọi của mình.

Tinh thần của Đấng sáng lập, gia sản của Hội Dòng, ơn gọi riêng biệt, căn tính, nền tự trị chính đáng của mình, là những điểm phải được ghi rõ trong “Bộ luật nền tảng”. Điều 587§l của Bộ Giáo Luật 1983 đã quy định như sau:

“Để bảo vệ ơn kêu gọi riêng và căn tính của mỗi Dòng cách trung thành hơn, Bộ luật nền tảng, hay Hiến Pháp của bất cứ Dòng nào cũng cần phải chứa đựng những quy tắc nền tảng về việc cai trị Hội Dòng và kỷ luật của các thành viên, việc thâu nhận và đào tạo các thành viên, cũng như đối tượng riêng của các ràng buộc thánh, ngoài những gì đã mà điều 578 đã ấn định phải duy trì”.

Trong bộ luật này, cần phải dung hợp hài hòa các yếu tố thiêng liêng và các yếu tố pháp lý.[3] Đừng nên gia tăng các quy tắc pháp lý khi không cần thiết: đó cũng là điều Bộ Giáo Luật 1983 nhắc nhở chúng ta.

“Bộ luật nền tảng” cần được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội phê chuẩn,[4] và chỉ có thể được sửa đổi khi được thẩm quyền ấy đồng ý.[5] Như vậy Giáo quyền là người “bảo đảm” cho sự trung thành và cho phẩm chất của những sự thích nghi được đề nghị.

Những luật lệ khác và những tập tục chi phối đời sống của Tu Hội, “được duyệt xét và thích nghi cho hợp với những đòi hỏi của nơi chốn và thời gian”,[6] sẽ được chứa đựng trong các quyển luật khác, mang những tên gọi khác nhau tùy theo mỗi Dòng (Chỉ nam, Nội quy,.v.v…). Thường chính Hiến Pháp phải xác định quyền bính nào trong Dòng có thẩm quyềnđể thiết lập hoặc sửa đổi các luật lệ và tập tục này.[7]

Trong nội dung của “Bộ luật nền tảng”“những quyển luật khác” cần phải tránh hai thái cực:

– hoặc là khái quát mơ hồ,

– hoặc là quá nhiều chi tiết tỉ mỉ.

 

 


[1] Xem thêm các vấn đề 15,16

[2] Bộ Giáo Luật 1983, đ. 586 §1

[3] Tự sắc “Ecclesiae Sanctae”, II, số 12 và 13. Bộ Giáo Luật 1983, đ. 587 §3

[4] Xem thêm ở vấn đề 14

[5] Bộ Giáo Luật 1983, đ. 587 §2

[6] Ibid., đ. 587 §4

[7] Thông thường là Tu Nghị của Toàn Dòng, hoặc của Tỉnh Dòng, hoặc Miền Dòng