Luân Lý Về Tội Lỗi

0
3892


Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang

 

Đối với nhiều người thời đại ngày hôm nay, kinh nghiệm về tội lỗi là một mặc cảm bệnh hoạn, một ảo tưởng độc hại. Theo họ vì lý do đó, cần phải thiết lập “một nền luân lý không tội lỗi”. Khuynh hướng này do tiến sĩ Hesnard chủ xướng với tác phẩm chủ yếu của ông nhan đề là: “L’Univers morbide de la Faute” (1950)“Moral sans péché” (1954) với khuynh hướng cực đoan như thế, nên đến năm 1956 những tác phẩm của ông bị Huấn quyền đưa vào danh mục những sách bị cấm sử dụng (Index).

Khi nhận định về một trào lưu như thế, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã lên tiếng cảnh báo: “tội lớn nhất hiện nay, đó là việc con người đánh mất cảm thức về tội lỗi”.[1]

Khi đứng trước một trào lưu như thế, ta cần phải trở về cội nguồn trong Kinh Thánh để biết những điều liên quan đến tội lỗi.

I. MẠC KHẢI TRONG KINH THÁNH LIÊN QUAN ĐẾN TỘI LỖI

Có lẽ ngày nay hơn bao giờ hết người ta cần quay trở lại với Kinh Thánh để thấy vấn đề tội lỗi là một vấn đề nghiêm túc, đáng để mọi người suy tư.

1. Tội lỗi là một sự dữ mà Đức Kitô đã hủy diệt để cứu chuộc chúng ta

a. Đức Kitô mạc khải về cho ta biết về tội lỗi

Dưới ánh sáng của Đức Kitô, tội lỗi đã bộc lộ sự khủng khiếp, thì cũng có thể nói người Kitô hữu chỉ có thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa mầu nhiệm Nhập thể – Khổ nạn – Phục sinh trong mối tương quan với tội lỗi mà thôi. Nói cách khác, chính tội lỗi làm ta hiểu rõ sự cao cả của mầu nhiệm Cứu độ.

Cuộc sống và cuộc khổ nạn của Đức Kitô là cuộc chiến chống lại tội lỗi và sự hủy diệt của nó. Còn cái chết và sự phục sinh của Ngài là dấu chỉ sự chiến thắng trên tội lỗi (x. Rm 8,3; Dt. 2,17). Ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn liên quan đến vấn đề này trong Tân ước như sau:

– Gioan Tẩy giả đã gọi Đức Kitô là Đấng gánh tội trần gian (x. Ga 1,29; Is 53,7).

– Chính Đức Giêsu tự giới thiệu mình như Đấng Giải Thoát những kẻ tội lỗi (x. Mt 18,11; Lc 19,10).

– Đức Kitô còn cho ta hiểu ơn huệ lớn lao nhất của ơn cứu độ đó là sự tha tội (x. Mt 9,6; Lc 5,24 và 9,49).

– Ngài nhìn cái chết của mình như một lễ tế cứu độ đem lại ơn tha tội (Mt 26,28), đã lập Bí tích Rửa Tội để tha tội (Cv 2,38), cũng như ban cho Giáo hội quyền tha tội nhân danh Ngài (Ga 20,23).

Còn sau cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, các môn đệ mới nhìn Thầy mình như Đấng khai mở thời cứu độ nhờ việc Ngài chiến thắng tội lỗi (x. 1Ga 1,7.2,2.3,5; Rm 8,3; 2Cr 5,21).

b. Chính Đức Kitô là sự xét xử tội lỗi

Sự xét xử của Đức Kitô lột mặt nạ tội lỗi và cho ta thấy sự khủng khiếp của nó. Khi Thiên Chúa gởi Người Con duy nhất của Ngài để qua Người Con này ta nhận ra kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa, thì sự chối từ Người Con của Ngài đồng nghĩa với sự từ chối tình yêu của Thiên Chúa và trở thành một sự xấu xa không thể tha thứ được (x. Ga 15,22-24). Như thế đứng trước bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Đức Kitô, tội lỗi để rơi khuôn mặt thật của nó đó là sự hận thù chống lại ý định yêu thương của Thiên Chúa. Điều này được Chúa Giêsu diễn tả trong dụ ngôn những tên tá điền gian ác thuê vườn nho (Mt 21,33-42).

2. Tội lỗi là sự ác mà ta cần phải chiến đấu chống lại theo gương Đức Kitô

a. Liên kết với Đức Kitô qua Bí tích Rửa Tội và Đức Tin

Đối với người Kitô hữu, Bí tích Rửa Tội và sự vâng phục đức tin đã liên kết họ với Đức Kitô, và làm cho họ được tham dự vào cuộc chiến thắng của Ngài trên tội lỗi. Với tư thế đó, người Kitô hữu phải chiến đấu chống lại tội lỗi “cho đến mức đổ máu”, nghĩa là chiến đấu không khoan nhượng (x. Dt 12,1-4; Rm 6). Theo Thánh Phaolô, người Kitô hữu sống trong ân sủng và quyền năng của Đức Kitô là Đấng chiến thắng tội lỗi. Điều này có nghĩa quyền năng chiến thắng tội lỗi không xuất phát từ chính bản thân của họ, nhưng từ sự liên kết chặt chẽ và sống còn giữa họ với Đức Kitô (x. Rm 6,14.18).

b. Luôn ý thức sự khó khăn trước những cám dỗ của tội lỗi

Một khi trở thành môn đệ của Đức Kitô, người Kitô hữu phải luôn ý thức sự gay go của cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi, bởi vì dấu chỉ của cuộc chiến thắng lại là cây Thập Giá.

Thánh Phaolô trình bày Đức Kitô chiến thắng hậu quả của tội lỗi là sự chết, và làm cho người Kitô hữu, là người được liên kết với Ngài trong Bí tích Rửa Tội, được giải phóng khỏi tội lỗi. Khi ta được liên kết với Đức Kitô trong cuộc chiến chống lại tội lỗi như thế nào, thì ta cũng được liên kết với Ngài trong sự Phục sinh chiến thắng sự chết và tội lỗi như vậy (x. Rm 6).

Riêng Thánh Gioan còn cho thấy cộng đoàn tín hữu thời sơ khai có sự căng thẳng giữa sự thánh thiện của Bí tích Rửa Tội và sự kiện người tín hữu phạm tội, nhưng theo ngài thì những tội này không thể là “những tội dẫn đến cái chết” làm họ xa cách Đức Kitô là nguồn sự sống (1Ga 5,16-17).

3. Những khía cạnh độc hại của tội lỗi

a. Tội lỗi là sự đánh mất Thiên Chúa và đánh mất ơn cứu độ

Tội lỗi không phải là sức mạnh vô ngã và mù quáng, nhưng chính là hệ quả của hành vi con người. Người tội lỗi muốn chứng minh sự độc lập tuyệt đối của mình. Họ “đùa giỡn” sự tự do của mình trên điều ác và làm phương hại khả năng hướng về điều thiện. Do đó, người tội lỗi tự do “nói không” với Thiên Chúa, vì thế họ dấn thân vào tình trạng đánh mất Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa bỏ mặc con người với hành vi xấu xa của họ, người tội lỗi sẽ rơi vào tình trạng nô lệ cho tội lỗi (Ga 8,34). Khi nói “không” với Thiên Chúa, tức là chối từ không dành cho Thiên Chúa vinh quang thuộc về Ngài, nghĩa là “không tôn vinh và cảm tạ Ngài cho phải đạo” (Rm 1,21).

Điều này kéo theo việc đánh mất ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh cửu (Kh 21,27). Khi tự đánh mất ơn cứu độ là đồng thời ta cũng làm giảm thiểu sự sung mãn của ơn cứu độ trong Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo hội.

b. Tội lỗi là việc chống lại thánh ý Thiên Chúa

– Quan điểm hết sức đặc trưng của Cựu ước về tội lỗi dựa trên lập trường của Kinh Thánh về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người là mối liên hệ dựa trên Giao ước: Thánh ý Chúa được biểu lộ trong Giao ước, cho nên hành vi tội lỗi là thái độ bỏ quên Thiên Chúa Giao ước (Gr 3,19-25; 16,10-13; Hs 1,3; Ed 16,59) là hành động rời xa Thiên Chúa và vô ơn đối với Ngài (Is 1,2-4). Không những thế, tội lỗi còn được mô tả như là sự thù ghét Thiên Chúa (Xh 20,5; Đnl 5,9; Tv 139,21).

– Trong Tân Ước, theo Tin mừng dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,11-31), tội lỗi được trình bày như sự từ bỏ Thiên Chúa cách vô ơn, một sự thiếu hụt toàn diện, thiếu hụt chính ý nghĩa làm nên cuộc sống làm con Thiên Chúa do việc ta lìa xa Ngài gây ra.

– Còn theo quan điểm của Thánh Phaolô, sự thù nghịch chống lại Thiên Chúa là một yếu tố chủ chốt của tội lỗi (x. Rm 3,9; 5,10; Cl 1,21; Ep 2,14). Tội còn được coi như thái độ vô lề luật (1Ga 3,4; 2Tx 2,3-8), như thái độ bất phục tùng đối với Thiên Chúa (Ep 5,6). Cho nên việc từ bỏ giao ước, lìa bỏ Thiên Chúa cách vô ơn hay thù nghịch chống lại Thiên Chúa đều là những hành vi tội lỗi vì chúng nói lên thái độ chống lại thánh ý Thiên Chúa.

c. Tội lỗi là một bất công tột bậc đối với Thiên Chúa

Đặc điểm riêng của tội lỗi là hành vi cự tuyệt đối với Thiên Chúa, đáng lẽ ra ta phải tuân phục Ngài. Vậy phạm tội là việc đổi việc phục vụ Thiên Chúa với lòng yêu mến lấy việc làm nô lệ cho tội lỗi. Đây là thái độ yêu chuộng “thế gian nhơ nhớp” và bị kết án trên thập giá hơn là thái độ yêu chuộng tình yêu vô biên của Đức Kitô (2Pr 2,20). Sự bất công nêu trên phát sinh từ sự vô đạo (Rm 1,18), từ việc chối bỏ việc thờ phượng phải là nghĩa vụ đầu tiên ta phải thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa. Khi một người được công chính hóa mà phạm tội, thì hành vi của họ mâu thuẫn với sự công chính mà họ đã lãnh nhận. Sự bất công của tội lỗi trước tiên tạo nên sự vô ơn lớn lao đối với tình yêu biên của Thiên Chúa đối với con người.

II. GIÁO THUYẾT VỀ TỘI LỖI CỦA ANH EM LY KHAI

Một trong những lãnh vực có tầm ảnh hưởng lớn trong quan điểm của anh em ly khai đó là quan điểm về tội.

1. Quan điểm của thần học Chính Thống Giáo

Chịu ảnh hưởng của các Giáo phụ Hy lạp, thần học Chính Thống giáo nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của ơn cứu độ. Họ không nhìn tội lỗi dưới thái độ bi quan, chính vì thế vấn đề con người được giải thoát khỏi tội lỗi không được đặt lên hàng đầu. Họ chủ trương con người phải cộng tác với ơn cứu độ bằng nỗ lực khắc khổ để tiến tới sự phát triển toàn diện hình ảnh của Thiên Chúa in sâu trong tâm hồn con người.

2. Quan điểm thần học Tin Lành

Cũng như trong các vấn đề khác, các thần học gia Tin Lành không đi đến một quan điểm thống nhất về tội. Nhưng có hai điểm chúng ta dễ nhận thấy đó là cái nhìn bi quan về tội, và tội nguyên tổ liên kết chặt chẽ với tội cá nhân. Ở đây chúng ta đề cập tới bốn nhân vật đại diện cho thần học Tin Lành về tội.

a. Martin Luther

– Khi đề cập đến tội, ông đã có một quan điểm rất bi quan. Theo ông, sự hư hỏng của con người đã phát xuất từ tội đầu tiên của Ađam, chính tội này đã đầu độc con người toàn diện. Bản tính tự nhiên của con người tuy còn đó, nhưng đã bị hư hỏng đáng sợ, bởi vì lòng tin vào Thiên Chúa bị mất đi, và tâm hồn tràn đầy sự nghi kỵ, sự sợ hãi và xấu hổ.

Dục tính được coi như tội nền tảng vì là hậu quả của tội nguyên tổ và đầu mối các tội mới. Như thế, nó trở thành yếu tố căn bản làm nên các tội khác, và là nguồn sự dữ làm cho con người trở thành tội nhân. Với Luther, không có sự phân biệt giữa tội nguyên tổ với các tội riêng, tất cả chỉ làm thành một khối thống nhất.

– Chính với lối nhìn hoàn toàn bi quan như thế, mà ông đi đến nhận định: ai lãnh nhận phép rửa thì được công chính hóa, nghĩa là được Thiên Chúa thứ tha và không quy trách nhiệm nữa. Nhưng trong thực tế, dục tình vẫn còn bám sát và thường xuyên ở trong người Kitô hữu, và thâm nhập vào hết mọi hành động của họ như là một tội, nên ta vừa được công chính hóa, nhưng đồng thời vẫn là tội nhân.

Cho nên tất cả mọi hành động của con người dù tốt đến đâu đi chăng nữa cũng đã bị tội đầu độc vì con người mãi mãi vẫn là tội nhân. Như thế, ông đi đến quan điểm cực đoan khi gán tính cách tội lỗi cho cả những hành vi tốt: “Mỗi hành vi tốt của mỗi người đều là tội trên thế gian này, đó là vì tình trạng nô lệ tội lỗi của con người”.[2]

– Thế là một khi coi mỗi hành động của con người đều xấu, thì không còn sự phân biệt giữa tội nặng và tội nhẹ nữa. Điều này phát xuất từ lập trường coi bản tính con người bị hư hỏng toàn diện, và con người luôn mang tư cách tội nhân. Có bàn đến vấn đề nặng nhẹ thì cũng tùy thuộc vào lòng thương xót của Thiên Chúa có bắt lỗi ta hay không.

Vì lúc sinh thời, Luther không đóng khung suy tư thần học của mình trong một hệ thống, nên những điểm vừa nêu cho chúng ta một cái nhìn toát lược về những tư tưởng nền tảng của ông liên quan đến tội.

b. John Calvin

– Cũng giống như Luther, Calvin cũng nhận định tính cách tội lỗi phát xuất từ tội nguyên tổ và cùng với tội riêng làm thành một khối duy nhất. Sau khi lãnh nhận Phép rửa, con người vẫn mãi mãi là tội nhân và từ bản tính hư hỏng của con người phát sinh những hành vi mà Thánh Phaolô gọi là sự tội, là công việc của xác thịt: “Tội nguyên tổ tỏ hiện ra như là sự xấu xa và độc dữ có tính di truyền của bản tính chúng ta, nó thâm nhập vào mọi lĩnh vực của tâm hồn: trước hết nó biến đổi chúng ta thành đối tượng của cơn giận Chúa, rồi nó phát sinh trong ta cả những hành vi mà Kinh Thánh gọi là công việc của xác thịt (Gl 5,19). Nó chính là điều mà Thánh Phaolô không ngừng gọi là sự tội”.[3]

– Ông nhấn mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa để đi đến lập trường cho rằng tội tuy không được xóa đi, nhưng những ai được công chính hóa thì không bị Chúa quy trách nhiệm.[4]

c. Helmut Thielicke

Quan điểm của tác giả này được coi như điển hình cho giáo thuyết của phái Luther ngày nay:

– Giữa tội nguyên tổ và các tội riêng có một mối dây liên kết chặt chẽ. Theo ông, do tội nguyên tổ, chúng ta là tội nhân, còn với các tội riêng, tính cách tội lỗi của chúng ta tỏ lộ ra. Tội nguyên tổ được khoác vào cho mỗi cá nhân, nó và các tội riêng thâm nhập vào nhau và nói nên cùng một thực tại nhưng được nhìn dưới góc độ khác nhau mà thôi. Trong những hành vi tội lỗi (tội riêng) thì trách nhiệm cá nhân ở hàng đầu, đang khi đó tội nguyên tổ nhấn mạnh đến tính cách “siêu chủ thể” của hành vi, tức là tính liên đới của tất cả mọi người trong tội. Vậy quả là có sự đan chéo nhau giữa tội nguyên tổ và tội riêng.

– Cũng giống như Luther, ông cho rằng người công chính làm bất cứ việc gì cũng phạm tội, vì người đó vừa là người công chính vừa là tội nhân (Simul justus et peccator). Nên mỗi hành vi của con người đều mang tính cách tội lỗi. Ông cũng cho rằng trong tất cả các tội riêng thì luôn luôn có tội nguyên tổ, tất cả làm thành sự chống đối Thiên Chúa, nên ông có vẻ không quan tâm đến sự phân chia tội theo sự nặng nhẹ. Điều quan trọng đối với ông là tội nhân khi tin thì được công chính hóa, còn nếu không tin thì ở mãi trong tội. Chỉ trong bối cảnh đức tin mới có thể đi đến sự phân chia nào đó giữa các tội: có một số tội nặng nề cản trở không cho ta đi đến đức tin, trong số những tội này có tội mại dâm (x. 1Cr 6,9), tham dự bàn tiệc của ma quỷ (x. 1Cr 10,21), chối Chúa (Mt 10,33; Lc 19,9).[5]

d. Karl Barth

– Ông là thần học gia có tên tuổi rất lớn của Tin Lành, và là điển hình cho thần học cải cách hiện nay. Quan điểm của ông về tội được trình bày trong tác phẩm “Die Kirchliche Dogmatik” (Tín lý của Giáo hội) trong các quyển III/3 và IV/1, 430, theo ông chỉ có đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh đã chịu thử thách vì con người tội nhân, mới làm cho ta mở mắt ra và chứng tỏ cho ta biết tội kinh khủng dường nào.

– Theo ông, tội nguyên tổ và tội riêng cũng có một mối liên kết chặt chẽ. Sự tội bắt đầu nơi Ađam, nhưng cùng một lúc lại là cái gì hợp với bản tính và sự mong muốn của mỗi người. Từ tội nguyên tổ (tức là từ ý muốn là hữu thể tội nhân) phát sinh ra các tội riêng.

– Chính ông là người làm nổi bật tính chất chống đối lại Thiên Chúa ở nơi tội lỗi. Tội chống đối lại Thiên Chúa tới mức độ nào thì chính Đức Kitô đã chứng tỏ bằng con đường đối nghịch lại: con người kiêu căng muốn bằng Chúa, thì Đức Kitô vốn là Thiên Chúa lại nhập thể làm người; hoặc con người muốn làm quan tòa cho chính mình để ấn định điều lành điều dữ, thì Đức Kitô, vị quan tòa tối cao của mọi người đã để cho người Do Thái lên án và treo trên thập giá.

– Ông cũng cho rằng, dưới ánh sáng cái chết của Đức Kitô, sự phân chia tội nặng nhẹ không có chỗ đứng, vì Ngài đã chết cho tất cả tội lỗi không phân biệt, ngay cả tội nhẹ cũng lên án con người, nếu Đức Kitô không chết vì chúng ta: “Nếu Ngài (Đức Kitô) mang lấy nó, thì dù một tội kinh khủng đến mấy cũng không lên án con người. Trái lại, nếu Ngài không mang lấy, thì chỉ một tội nhỏ bé cũng đủ kết án con người cách hoàn toàn”.[6]

– Theo ông, con người nhìn về quá khứ thì thấy mình là “totus peccator”, nhưng trong giây phút hiện tại là hưởng nhờ sự tha thứ triền miên của Thiên Chúa và được sống tình con thảo với Ngài, nên lại trở thành “totus justus”, mà lại không nghe nói đến “totus peccator”. Đây là cách hiểu của ông về vấn đề tội nơi người đã được ông chính hóa. Lập trường này vẫn dựa theo nguyên tắc “simul justus et peccator”.

e. Tóm lược giáo thuyết của anh em Tin Lành về tội lỗi

– Thực tại và tính xấu xa của tội lỗi

Tội nguyên tổ và các tội riêng thấm nhập vào toàn bộ con người cũng như đời sống của họ như một thực tại nặng nề đáng buồn. Ta chỉ có thể biết được tầm mức khủng khiếp của nó nhờ mạc khải và nhờ cái chết của Đức Kitô. Tính xấu xa cốt lõi của tội chính là sự phản nghịch chống lại Chúa, thái độ bất phục tùng, sự kiêu căng muốn độc lập khỏi Thiên Chúa và tự cứu lấy mình.

– Liên hệ giữa tội nguyên tổ và các tội riêng

Cả hai liên kết chặt chẽ với nhau thành một tội duy nhất trong toàn bộ. Tội với tư cách là tội nguyên tổ, biểu lộ tính phổ quát và vĩnh viễn của tội, còn tội với tư cách là tội riêng thì bộc lộ yếu tố chủ quan và lệ thuộc vào thời gian. Ở đây có thể nói: người ta phạm tội chính vì đã là tội nhân.

Một khi con người tin tưởng nơi Chúa, thì lòng thương xót Chúa không bắt tội họ, nên họ trở nên công chính hóa, nhưng thực sự họ vẫn là tội nhân cho đến suốt đời. Nói gọn lại, trong trạng thái công chính hóa con người vẫn hoàn toàn là tội nhân. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ỷ lại, nhưng người Kitô hữu phải nỗ lực làm việc không ngừng ở đời này, bằng cách chiến đấu để tội lỗi không có quyền hành gì trên họ.

– Hai cách nhìn khác nhau về tội

Theo phái Luther, có sự tiếp nối giữa tội và ơn cứu chuộc. Điều này nói lên một thực tại mang tính lịch sử: trước tiên tội làm đứt đoạn mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, sau đó Đức Kitô cứu chuộc con người.

Theo thần học Cải cách lại tập trung cái nhìn vào Đức Kitô: ý muốn căn bản của Thiên Chúa là nhắm kết giao con người trong Đức Kitô, mà ý muốn này có trước thực trạng tội lỗi, nên tội lỗi không thể ngăn cản được.

f. Vấn đề đại kết

Trong khi đối thoại với anh em Tin Lành, người Kitô hữu cần lưu ý những điểm nền tảng sau đây trong lập trường của họ về vấn đề tội lỗi:

– Trước tiên là tính cách nặng nề của tội thế gian.

– Thứ hai là tính “phản tôn giáo” của tội mà điểm chính yếu là chống lại Thiên Chúa.

– Thứ ba là ta chỉ có thể nhận biết đầy đủ về tội lỗi nhờ vào mạc khải của Chúa.

– Thứ tư là bản tính tội lỗi của con người được nhấn mạnh và giúp ta đi tới tận gốc rễ làm thành thái độ tội lỗi nơi tâm hồn.

– Thứ năm là những vết tích của tội nơi người đã được công chính hóa: tội vẫn còn tồn tại nơi người đã được công chính hóa.

– Cuối cùng quan điểm của K. Barth lấy Đức Kitô làm trung tâm phù hợp với lập trường Công giáo hơn, còn H. Thielicke quan niệm ngược hẳn lại khi cho rằng, vì có tình trạng tội lỗi nên mới có chương trình cứu độ.

g. Một vài nhận định về quan điểm của giáo thuyết Tin Lành liên quan đến luân lý

– Giáo thuyết về tội quá bi quan. Nếu con người vẫn mãi là hư hỏng (cho dù là đã được công chính hóa), nếu trong con người chỉ hoàn toàn là tội thì làm sao có thể đạt đến ơn cứu độ. Nếu con người luôn ở trong trạng thái tội lỗi, thì khó có thể chấp nhận sự tự do quyết định của con người. Mà đây lại là điểm then chốt của hành vi nhân linh trong luân lý. Thái độ bi quan này phản ảnh trên quan niệm về lương tâm khi họ cho rằng, trong con người tội lỗi không thể có tiếng nói của sự thiện, nhưng chỉ có thể làm cái chuyện là tự khẳng định mình chống lại Thiên Chúa.

– Với lập trường không phân biệt giữa tội nguyên tổ và tội riêng, anh em Tin Lành đã quá gắn chặt tội nguyên tổ vào con người một cách quá đáng, sẽ đi đến nguy cơ làm cho các tội riêng mất đi tính cách lỗi lầm, bởi vì chúng được thực hiện dưới sức ép của tội nguyên tổ.

– Còn theo lý thuyết Công giáo, tính cách tội lỗi xấu xa và trách nhiệm của tội nguyên tổ cũng như tội riêng nếu đem đối chiếu thì chúng chỉ theo nghĩa loại suy (analogique) thôi. Bởi vì để thành một tội riêng đúng nghĩa, thì cần phải có yếu tố ý chí tự do cá nhân, thế mà điều này lại không có trong tội nguyên tổ.

– Khác hẳn với các giáo thuyết Tin Lành, Giáo lý Công giáo cho rằng, sự công chính hóa tẩy sạch nội tâm khỏi tội lỗi và thực sự thánh hóa con người. Cho nên, nếu nói nhờ sự công chính hóa, tội lỗi của con người không bị Chúa quy trách nhiệm nữa, nhưng vẫn không được xóa bỏ thực sự thì không thể chấp nhận được đối với Công giáo. Công Đồng Vatican II cũng nhấn mạnh đến sự công chính hóa như là sự biến đổi thực sự nội tâm con người: “Chính Chúa đã đến giải thoát cho con người và ban cho con người sức mạnh, bằng cách đổi mới tự tâm can”,[7] và khẳng định con người được Đức Kitô cứu chuộc và đã trở thành tạo vật mới của Chúa Thánh Thần.[8]

– Chính sự khác biệt này ảnh hưởng đến quan điểm luân lý. Theo Công giáo, với ơn Chúa Thánh Thần, người được công chính hóa họ thực sự có được những việc lành, cho dù có pha trộn một chút gì là bất toàn, nhưng chúng không phải là những hành vi tội lỗi như anh em Tin Lành quan niệm.

– Giáo lý Công giáo cho rằng, có sự phân biệt giữa tội nặng và tội nhẹ; lý do là trong mọi hành vi luân lý, kể cả những hành vi xấu, người ta không dấn thân làm với cùng một cường độ như nhau. Cho nên, quyết định làm điều dữ có thể biểu lộ ở những mức độ khác nhau.

III. NHỮNG Ý NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN TỘI LỖI THEO CÔNG ĐỒNG VATICAN II

1. Lựa chọn đoàn kết trong ơn cứu độ hay cấu kết trong tội lỗi

Toàn thể nhân loại cũng như mỗi cá nhân đều được mời gọi chọn lựa cách dứt khoát: hoặc là đoàn kết lại để sống ơn cứu độ, hoặc là tự cấu kết trong khuôn khổ của tội lỗi.[9] Theo B. Häring, thì đây là một trong những khởi điểm phong phú nhất của Thần học hậu Công Đồng Vatican II bàn về ơn cứu chuộc và tội lỗi.

2. Đối lại với nô lệ cho tội lỗi là sự cao cả của tự do

a. Tội lỗi là sự lạm dụng sự tự do

– Tội lỗi được nhận diện như là sự lạm dụng tự do, món quà tặng của Thiên Chúa. Điều này dẫn đến hậu quả là tự do đã quay lưng lại với mục đích của nó, chuyển thành cuộc nổi dậy chống lại cội nguồn của món quà này là chính Thiên Chúa.

– Kế đến là sự nô lệ cho tội lỗi một cách tất yếu và không thể tránh được. Mọi lạm dụng tự do đều làm tổn hại đến phẩm giá con người, và biến con người thành tù nhân cho các thế lực đen tối của tội lỗi.

b. Thành quả của ơn cứu độ

Ngược lại, thành quả đầu tiên của ơn cứu độ chính là khám phá ra rằng, con người bị xiềng xích nô lệ dưới ách của tội lỗi, và họ bắt đầu khao khát tìm kiếm một tự do đích thực. Một khi bị tội lỗi làm tổn thương, tự do con người chỉ có thể đạt được trọn vẹn vẻ cao cả của mình qua việc tiếp nhận tình thân hữu vô vị lợi do Thiên Chúa ban cho. Điều này chỉ có thể có được nhờ sự trợ lực của ơn thánh. Với hướng chọn lựa như thế, người Kitô hữu mới có thể kết hợp với Thiên Chúa để tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Đây là sự kết hợp giữa tự do với trung tín.[10]

3. Ảnh hưởng của tội lỗi trên lương tâm

Trong những thủ bản luân lý cổ điển, người ta cho tội lỗi là một hành vi nghịch lại với sự phán đoán của lương tâm ngay thẳng. Nhưng hiện nay, Công Đồng Vaticano II lại đưa ra một khái niệm về tội lỗi như một quá trình bi đát: “Khi con người ít lo tìm điều chân thật và điều thiện, cũng như khi vì thói quen phạm tội, mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng”.[11]

Như thế, theo Công Đồng, quá trình bi đát nêu trên là một chuỗi các tội lỗi. Chúng hủy diệt ý thức về điều thiện, về chân lý. Chúng còn tiêu diệt luôn động lực của lương tâm, làm cho lương tâm không còn quy hướng về tình yêu và chân lý nữa. Một khi lương tâm đã hết nhạy bén và trở nên mù lòa, kẻ phạm tội trở thành nô lệ cho sự sai lầm. Kết quả là người ta sẽ bước đi trong “bóng tối tăm” của thế giới ích kỷ và xấu xa.

4. Tội lỗi liên quan đến sự chọn lựa cơ bản

Mặc dù trong cuộc sống thực tế con người còn có những quyết định, hành động cũng như thiếu sót khác, nhưng các quyết định quan trọng của họ đều dựa trên sự chọn lựa cơ bản; theo nghĩa con người ý thức mình dấn thân sống theo một động lực sâu xa và một ý hướng nền tảng, dứt khoát. Toàn bộ cuộc sống con người là một sự dấn thân của riêng bản thân họ vào điều thiện, hay ngược lại vào điều ác. Chọn lựa điều thiện là chọn hướng tăng trưởng trong đời sống luân lý. Chọn lựa điều ác là chọn hướng suy thoái trong đời sống luân lý.

Tội lỗi nói chung, và đặc biệt là tội nặng nói riêng, tương ứng với sự chọn lựa cơ bản hướng về điều ác, gắn bó cuộc sống mình vào tình trạng liên đới với sự ác; đồng thời, bộc lộ thái độ chống lại điều thiện và Thiên Chúa. Thái độ này phát sinh từ trong thâm tâm nơi con người chọn lựa lối sống hướng về điều xấu bằng việc lạm dụng tự do hay sử dụng tự do không đúng cách.

IV. NHỮNG Ý NIỆM NÊU TRÊN ĐƯA ĐẾN ĐÔI ĐIỀU VỀ BẢN CHẤT CỦA TỘI LỖI

Bao lâu còn lữ hành ở trần thế, khả năng phạm tội vẫn còn nằm trong ý muốn tự do của con người. Trong bất cứ hành vi tự do nào, con người cũng được giả thiết là theo đuổi điều tốt.

Con người hướng về điều tốt mạnh đến nỗi ngay cả khi con người làm điều xấu, họ cũng làm điều xấu đó ẩn núp dưới dáng vẻ của điều tốt (theo chủ quan). Sở dĩ con người có thể từ chối điều tốt thật sự và chọn điều tốt giả hiệu được gọi là tội, lý do là vì lý trí và ý chí hữu hạn của con người không bao giờ có thể nắm bắt cách trọn vẹn điều thiện tuyệt đối, hay nhiều khi cũng chẳng nhìn thấy hết mọi góc cạnh của điều tốt bình thường. Mâu thuẫn nội tại của tội lỗi nằm ở chỗ cho dù nhận thức điều xấu là điều tốt giả hiệu và mau qua, nhưng người ta vẫn luôn làm theo ý muốn riêng tư của mình.

Đến đây ta có thể nói mọi hình thức tội lỗi đều hàm chứa ba điểm chính sau đây.

1. Tội lỗi là thái độ cơ bản chối bỏ Thiên Chúa

a. Nếu nhìn tội lỗi trong tương quan với huyền nhiệm cứu độ, thay vì trình bày tội lỗi như một hành vi phạm đến lề luật của Thiên Chúa, có lẽ nên đặt vấn đề tội lỗi trong viễn tượng kế hoạch của Thiên Chúa về con người. Kế hoạch này được mạc khải và biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô, nói cách khác là trong viễn tượng của ơn cứu độ. Đây là viễn tượng trực tiếp liên hệ đến tội lỗi, vì con người có nhận thức được tình trạng tội lỗi của mình thì họ mới cảm thấy cần đến ơn cứu độ của Chúa. Nhìn theo viễn tượng này, tội lỗi xuất hiện như thái độ khước từ kế hoạch của Thiên Chúa, khước từ Tình Yêu của Ngài do việc con người tự co cụm trên chính bản thân của mình trong tư thế tự mãn và đi đến chỗ tuyệt đối hoá cái tôi của mình.

b. Khi tạo dựng và cứu chuộc con người, Thiên Chúa đã chỉ cho thấy nhiệm vụ và mục tiêu của con người để đạt tới hạnh phúc đích thực. Hành vi tội lỗi là thái độ chối từ những gì Thiên Chúa quy định cho con người và con người tự phác họa ra những mục tiêu cho cuộc đời mình. Thái độ đó nói lên ý đồ khẳng định tư thế độc lập hoàn toàn với Thiên Chúa. Đây là hành vi thách thức Thiên Chúa cách nghiêm trọng, quay lưng lại với tình yêu của Ngài và tự loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Ngài.

2. Tội lỗi mang chiều kích xã hội

a. Ơn cứu độ của Chúa mang tính cộng đoàn vì Chúa muốn cứu độ hết mọi người. Nên khước từ kế hoạch của Thiên Chúa đối với mình tức là ta khước từ tình yêu đối với tha nhân. Chính vì thế tội lỗi không phải là hành vi biệt lập, nhưng là một hành vi mang tính tương quan. Bằng cách này hay cách khác, có những tội ít nhiều gì cũng tác động đến tha nhân và làm thiệt hại họ, đó là những tội thiếu đức yêu thương, bất công, gây gương xấu, cộng tác để tạo ra bầu không khí xấu, hay không chịu chống lại môi trường sống bị ô nhiễm vì tội lỗi. Hai tội sau cùng này được coi là những hành vi cấu kết trong tội lỗi. Ngay cả những tội trong tư tưởng, một cách nào đó cũng có thể xúc phạm đến tha nhân từ xa, vì một khi để cho những tâm trạng xấu ấy phát triển, chúng sẽ dần dẫn đến nguy cơ biến thành hành động xấu, gây ra những hậu quả tai hại cho tha nhân.

b. Với quan niệm của Thánh Phaolô nhìn Giáo hội như Thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô và người Kitô hữu là chi thể mầu nhiệm của Đức Kitô, thì tội lỗi của mỗi người còn ảnh hưởng đến Giáo hội: Nếu tội lỗi làm cho ta là chi thể mầu nhiệm bị tổn thương, điều đó có nghĩa tội lỗi trực tiếp ngăn cản không cho sự sống ân sủng được truyền thông trong thân thể mầu nhiệm của Chúa là Giáo hội. Tình trạng này đưa đến hậu quả là tội lỗi làm phương hại Giáo hội ở chỗ làm cho Giáo hội và những người Kitô hữu khác thiếu ân sủng của Chúa và làm cho Giáo hội giảm thiểu đi sức lan toả tốt lành và thánh thiện của mình.

3. Tội lỗi mang chiều kích cá nhân

B. Häring đã nhận định thực chí lý: “Khi phạm tội, con người đang thực sự tàn ác đối với chính mình. Nếu không sám hối, con người sẽ dần dần phá hủy khả năng tự do làm điều tốt của mình. Con người phá vỡ sự bình an trong nội tâm, đánh mất sự toàn vẹn của mình và trọn kiếp làm nô lệ”.[12]

a. Tàn ác với chính bản thân mình

Tội lỗi làm cho con người mâu thuẫn với chính bản thân mình. Với tư cách là loài thụ tạo, con người chỉ có thể đạt đến sự hoàn thiện khi sống theo tư cách là hình ảnh Thiên Chúa, chứ không phải là chối bỏ Chúa và sống xa cách Ngài. Con người chỉ có thể phát triển thực sự khi quy hướng về Chúa. Cho nên khi muốn tạo hạnh phúc theo ý muốn riêng của mình, tức là con người đã đi vào con đường tự hủy diệt chính mình.

b. Tội lỗi dần dần phá hủy khả năng làm điều tốt

Khi bản tính tự nhiên của con người bị tội lỗi làm tổn thương, điều này sẽ dẫn đến một hậu quả tai hại: nơi bản thân sẽ nảy nở sức mạnh hướng về điều xấu. Lúc ấy lý trí bị lu mờ, ý chí trở nên nhu nhược, dục vọng dấy lên mạnh mẽ và không chịu tuân phục ý chí dưới sự hướng dẫn của lý trí. Do đó, khả năng hướng về điều tốt bị bào mòn dần đi.

c. Tội lỗi đánh mất sự bình an nội tâm

Sự mất bình an được thể hiện qua việc chia rẽ xảy ra trong chính nội tâm con người. Ý chí lúc ấy bị dục vọng trấn áp nên chọn lựa những điều trái ngược với lý trí chỉ dạy. Lương tâm ngay chính có lên tiếng phản đối lại thì tìm đủ mọi cách để làm im tiếng lương tâm đi. Sự xâu xé dằn vặt trong nội tâm cứ kéo dài, con người không thể sống bình an với chính bản thân mình.

4. Con người rơi vào trạng thái tội lỗi

Sự chia rẽ sâu xa có trong nội tâm sẽ đi đến một hậu quả nghiêm trọng là rơi vào trạng thái tội lỗi với những đặc điểm như tình trạng tách biệt khỏi Thiên Chúa kéo dài, sự kết hợp với Thiên Chúa bị tiêu tan, đánh mất địa vị và quyền lợi làm con cái Thiên Chúa. Cuối cùng đi đến trạng thái làm nô lệ cho tội lỗi.

5. Con người hụt mất mục tiêu tối hậu

Cho nên ta có thể nói, khi phạm tội, con người quay sang những mục tiêu khác và để hụt mất mục tiêu tối hậu của mình. Do đó, con người không tránh khỏi rơi vào tình trạng mất hài hòa và thất vọng.[13]

6. Con người chối từ không chịu lớn lên đúng với chiều kích thiêng liêng của mình

Nhìn theo một góc độ khác, tội lỗi là thái độ chối từ không chịu lớn lên cho đúng với kích thước thiêng liêng của mình. Họ không chịu trở thành con người hoàn hảo vì đã phản bội lại ơn gọi cao quý của mình. Họ cũng không chịu thể hiện chính bản thân mình theo cách Chúa muốn.

7. Tội lỗi dẫn đến sự diệt vong

Ta có thể nói tội lỗi là một sự dối trá kinh khủng, một sự lừa đảo hết mức, vì nó hứa hẹn một cách hão huyền hạnh phúc đích thực cho con người, nhưng thực ra nó chỉ dẫn con người đến sự diệt vong.

Nhưng con người không nên thất vọng về tình trạng tội lỗi của mình, ngược lại, ta cần nhìn tội lỗi với thái độ tích cực khi nhìn tội lỗi dưới chân trời cứu chuộc. Thượng Hội đồng Giám mục 1983 đề cập đến chủ đề Hòa Giải và Thống Hối, trong đó có bàn đến vấn đề tội lỗi. Thượng Hội Đồng đã ý thức rõ rằng Giáo hội chỉ có thể nói về tội lỗi trong bối cảnh của Ơn Cứu Chuộc, lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa.

Sau đó, trong phần hai của Thông điệp do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành, ngài đã chỉ cho thấy “Tình yêu lớn hơn tội lỗi”, mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa soi sáng mầu nhiệm tội lỗi. Người Kitô hữu cần phải nỗ lực bén rễ trong cảm nghiệm về lòng thương xót mang tính cứu độ và chữa lành của Thiên Chúa.[14]

V. TỘI LỖI GÂY THIỆT HẠI CHO CHÍNH BẢN THÂN VÀ Ý THỨC VỀ TÌNH TRẠNG TỘI LỖI

1. Tội gây thiệt hại cho chính bản thân

a. Tội lỗi có được một ý nghĩa luân lý thực sự khi ta thấy do tội lỗi con người dừng lại ở loài thụ tạo (coi đó như mục tiêu tối hậu của cuộc đời, chứ không phải là của Chúa).

b. Khi làm như thế, con người tự co cụm trên chính bản thân mình bằng cách tự mình làm quan toà độc nhất đối với những chọn lựa của mình, thay vì đi tới Chúa là Đấng được nhìn thấy xuyên qua những loài thụ tạo khác.

c. Nhìn như thế, tội lỗi trở thành một thái độ khước từ một trật tự được Thiên Chúa muốn như điều kiện cho hạnh phúc đích thực của con người. Tội trầm trọng, nhiều hay ít tùy theo mức độ nó đoạn tuyệt với Thiên Chúa.

* Tóm lại

– Nếu do tội lỗi mà người ta phạm tới Thiên Chúa và làm suy thoái nơi chính bản thân mình hình ảnh của Thiên Chúa, hình ảnh này đáng lẽ phải được rõ nét dần lên.

– Họ xúc phạm đến con người khi làm suy thoái nhân phẩm và khát vọng tăng trưởng nơi con người.

– Cuối cùng họ cũng làm tổn thương cộng đồng nhân loại và Giáo hội do việc đánh mất đi những năng lực yêu thương mà họ phải thể hiện.

2. Ý thức về tình trạng tội lỗi

Ngày nay người ta thường có khuynh hướng tố cáo tiến trình sám hối như nguyên nhân gây ra ý thức bệnh hoạn về tình trạng tội lỗi. Cho nên cần phải phân biệt ý thức bình thường về tình trạng tội lỗi và ý thức bệnh hoạn về tình trạng tội lỗi.

a. Ý thức bình thường về tình trạng tội lỗi chính là sự kiện tha tính hữu vị (altérité personnelle) hiện diện nơi tội lỗi. Tội lỗi là sự đoạn tuyệt mối liên hệ với một ngôi vị khác, đó là Thiên Chúa và về việc từ chối yêu mến Ngài. Nhận thức mình là người tội lỗi chính là tự đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Cho nên ý thức về tình trạng tội lỗi phát sinh từ cái nhìn về Người Cha yêu thương chúng ta. Nếu người phạm tội cảm thấy mình là nạn nhân của tình trạng tội lỗi do tội lỗi của mình và họ chính là thủ phạm làm cho tình yêu Thiên Chúa đối với mình bị thất bại. Khi ấy ý thức về tình trạng tội lỗi lại “mang tính chất cứu độ”, vì nó quy hướng chúng ta tới một ngôi vị khác đó là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể cứu độ chúng ta.

b. Ý thức bệnh hoạn về tình trạng tội lỗi chỉ xảy ra khi nó tự đóng kín trên chính bản thân mình. Đây mới là điều đáng trách vì khi ấy Thiên Chúa không còn là đối tượng đích thực đối với cái nhìn của hối nhân nữa, nhưng Ngài chỉ còn là cái cớ hay dụng cụ cho hối nhân ý thức về tình trạng tội lỗi của mình mà thôi.

– Nhưng cần nói thêm, con người tội lỗi không chỉ duy nhất tự đặt mình như thế trong mối tương quan với Thiên Chúa, nhưng còn đặt mình dưới cái nhìn thương xót của Thiên Chúa đang chiếu dãi trên họ. Do việc thay đổi trung tâm của ý thức (ví dụ đặt trọng tâm nơi Thiên Chúa thay vì nơi chính bản thân mình), người tội lỗi thấy mình được giải thoát vì với tầm nhìn như thế, họ mới nhận ra được ơn cứu độ và gặp được sự tha thứ nơi Thiên Chúa.

– Nói cách khác, điều quan trọng là luôn phải nhớ việc nhận thức mình có tội trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội, đó chính là thái độ trước tiên tự đặt mình trong viễn tượng tình yêu gặp gỡ lại với một Ngôi vị khác đó là Thiên Chúa.

* Cho nên ý thức về tình trạng tội lỗi sẽ không hệ tại ở việc hối tiếc thuần túy ích kỷ, nhưng hệ tại ở chỗ sự hối tiếc phải hướng mở đến Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Đây chính là sự giải thoát đích thực.

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Piô XII, Diễn văn ngày 26.10.1946; DC, số 43, cột 1380.

[2] x. Resolutiones Lutherianae super propositiones sui Lipsiae disputatis, 1519, WA 2, pp. 412.

[3] x. Calvino, Isnst. I.II, c.1,8 Vol. III, pp. 236-238

[4] x. Ibid. I.III, c. 19,2,283

[5] H. Thelicke, TE, I. số 1394, 1438, 1395, 1087-1090, 512 và 333-361

[6] HD. IV/1, 448

[7] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 13

[8] Ibid., số 37

[9] Ibid., số 9

[10] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 13 và 17

[11] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 16

[12] Free and Faithful in Christ, Vol I, 1978, tr. 391

[13] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 13

[14] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương” (Dives in misericordia), 30-11-1980.