Luân Lý Thực Tồn Trong Nhãn Giới Của Karl Rahner

0
1320


Lm. Giuse  Vũ Kim Chính, S.J.

 

Một hành động luân lý là một hành động chiếu theo nguyên tắc đạo đức căn bản để chọn lựa. Mặc dầu khi phán đoán luân lý ít ai nghi ngờ vai trò quan trọng của hai nguyên tố thực tiễn và qui tắc nói trên, nhưng khi thảo luận tầm quan hệ giữa hai nguyên tố này, thì bao người đã sa vào hai thái cực hoặc trọng luân lý thực chứng hoặc nghiêng về luân lý hình thức. Làm sao có thể cân bằng một nền luân lý vừa coi trọng trạng huống cá biệt, vừa khẳng định giá trị căn cơ siêu hình? Ðó chính là mục đích của luân lý thực tồn tính (existentiale Ethik) mà K. Rahner muốn nhắm tới.

Một đằng khác, trong những năm gần đây vấn đề phẩm định những nguyên tắc căn bản của luân lý như tự do, luật tự nhiên… đã trở thành những đề tài nóng bỏng trong thần học luân lý. Nếu không nắm vững quan điểm và không có một cái nhìn vừa sâu xa vừa bao quát, thì những cuộc tranh chấp trên trở thành độc đoán và khó tránh được sự tranh chấp dựa trên luận điểm thành kiến hơn là phán đoán khách quan. trong phiên đoản luận này, chúng ta trước hết tìm hiểu căn bản của luân lý thực tồn đặt nền tảng trên “nhân chủng học siêu nghiệm”, sau đó phân tích và diễn đạt luân lý thực tồn của K. Rahner.

I. NỀN TẢNG LUÂN LÝ THỰC TỒN

K. Rahner (1904-1984), một thần học gia mà giới thần học đều ngưỡng mộ và coi ông như bậc sư phụ. Tư tưởng ông đã ảnh hưởng khá sâu đậm trong Công đồng Vaticanô II. Nói chung K. Rahner một đằng phát huy truyền thống tư tưởng kinh viện, đằng khác tiếp thu triết học Ðức Quốc Duy Tâm và triết thuyết kinh viện, gạn lọc lấy những tinh hoa để hòa nhập vào những tư tưởng hiện đại. Như vậy, ông góp phần thực thi đường hướng “tân kinh viện” mà đức Leo XIII đã đề xướng và thôi thúc trong thông điệp “Aeterni Patris” (1879). Rahner đã nhận chỉ thị chung để phát huy một hướng đi riêng biệt. Hướng đi này được đúc kết dưới học thuyết “nhân chủng học siêu nghiệm” được trình bày trong hai tác phẩm nổi tiếng: “Tinh Thần trong Thế Giới” và “Lắng nghe Chân Ngôn”.

Như những tư tưởng gia tân kinh viện khác, Rahner tự nhận mình là người đi theo triết học tiên nghiệm (transzendentale Philosophie). Triết thuyết này khác với các học thuyết khác ở chỗ họ ưu tiên quan tâm tới con người, lấy con người làm khởi điểm để nhận ra sự liên hệ với vạn vật. Kant là triết gia khai phóng đường hướng này: ông không bắt đầu bằng việc luận đàm đối tượng triết học, nhưng bằng cách đi khám phá ra những điều kiện siêu nghiệm của tri thức con người. Kant phát hiện ra điều kiện ngoại tại và nội tại của nhân tri là thời gian, không gian và 12 phạm trù. Ông chứng minh rằng đó là điều kiện tất yếu và phổ quát để con người tri nghiệm đối tượng. Nhưng chính vì quá dựa trên những điều kiện cố định này mà ông đã sa vào bẫy nguy hiểm của bất khả tri luận và chủ nghĩa nhị nguyên (giữa hiện tượng và vật tự thân, giữa lý thuyết và thực hành).

Rahner học hỏi triết thuyết của Maréchal lấy quan điểm động tính của triết gia J.G. Fichte để giải quyết những quan niệm thuyết kinh viện để phát giác ra những điều kiện để xây dựng nền siêu hình học của ông. Ông quan niệm rằng, những điều kiện này càng đơn giản, càng thực tiễn bao nhiêu thì càng được đánh giá trị cao bấy nhiêu. Và ông nhận định điều kiện đó gắn liền với con người hiện hữu: đó là thực tại thường ngày của con người “đặt câu hỏi” (Fragen). Lấy việc “đặt câu hỏi” làm phát điểm để khám phá bản thể học, thực ra trước đó Heidegger đã bắt đầu và người kế vị Rahner sau này E. Coreth mới phát huy tới mức tinh vi. Dù sao đi nữa, ba triết gia đều xác định giá trị của phương pháp và điều kiện ưu thế của hành động đặt câu hỏi.

Con người bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào và đề tài nào đều có thể đặt vấn đề. Ðó là đặc tính chung của con người nhưng đồng thời cũng là của cá thể riêng biệt. Như vậy, siêu hình học thực sự bắt nguồn từ kinh nghiệm cụ thể, từ bất cứ một kinh nghiệm nào, vì bất cứ một vấn nạn nào đều có thể trở thành đối tượng tìm hỏi, để khám phá ra chân trời rộng hơn, cao hơn. Ngoài ra, khi vấn xét trở thành vấn nạn, con người đứng xen giữa hai lãnh vực: một đàng đã biết (nếu không, họ không thể đặt vấn đề được), đằng khác, phần giải quyết vấn đề chưa biết hay còn mông lung chưa thành luận đề. Như vậy, hành động đặt câu hỏi là khởi điểm và đóng vai trò dò xét (Vorgriff) để khám phá ra những đầu mối kết cấu của tồn hữu.

Trong học thuyết của Rahner còn một số quan niệm tương tự hỗ tương nhau như vậy, tỉ dụ: “hiện đề” (thematisch) và “ẩn đề” (Unthemtisch). Hai quan niệm này bộc lộ hai quan điểm chủ quan của con người: khi con người nhận định một cảnh giới, thường thì lực chú ý của họ tập trung vào một địa điểm nào đó và các đối tượng chung quanh trở thành mờ ảo hay phụ thuộc, hay nhiều khi chỉ hiện hữu trong hàm ý. Loại suy ra, chúng ta cũng có thể nhận ra sự liên quan giữa “hữu danh” và “vô danh”, như Rahner minh luận đề tài Kitô hữu vô danh sau này. Một đôi quan niệm tương tự nữa là “tiên nghiệm tính” (transzendental) và “phạm trù tính” (categorial). Hai quan niệm này diễn đạt giới hạn và đặc tính của tri thức con người: khi con người (chủ thể) chủ động nhận thức, thì hành động nhận thức đó thuộc về tiên nghiệm tính, nghĩa là con người tự chú ý tới một đối tượng nào đó. Nếu mượn quan niệm của E. Husserl để diễn đạt, thì đó là noesis, một năng lực chủ động nào đó của tri thức. Ngược lại khi tri thức con người đã diễn tả rõ ràng, đã trở thành một luận đề, thì nó đã trở thành nhận thức thuộc phạm trù tính. Giao điểm giữa hai quan niệm này là cố định hóa, giới hạn hóa. Nói cách khác, bất luận hiện-đề hay ẩn-đề, tiên-nghiệm hay phạm trù đều quy tụ vào mức độ nhận thức của con nguòi. Ðồng thời nó cũng ám chỉ một sự kiện: hành tri thì luôn luôn có hướng độ thâm sâu hơn là thành quả đã được phạm trù ấn định.

Cũng trong mạch tư tưởng này, chúng ta cần diễn giải tỉ mỉ hơn hai quan niệm tương tự có liên quan trực tiếp tới đề tài thảo luận của chúng ta, đó là: “thực tồn tính” (existential) và “hiện tại tính” (existentiell). Theo Rahner, thực tồn tính có thể miêu tả như sau: đó là một trạng thái tinh thần trường cửu và hằng tồn bị giới hạn như là một điều kiện tiên định và tất yếu để một kinh nghiệm hay một khả thể kinh nghiệm nào đó trở thành một đối tượng. Ðương nhiên ở đây cũng bao hàm khả năng con người tự do phát triển chính mình nương theo những điều kiện cố định hay khả định. Hiện tại tính là một hiện trạng hay phẩm tính đương tại của một hành động tự do của con người. Ẩn ý thâm sâu của sự liên quan giữa hai quan niệm này là: khi con người “hiện tại” đương đầu với mức độ như: hữu hạn, yếu đuối, khủng hoảng, bất an hay tội lỗi… thì lúc đó con người cũng được nhắc nhở là: ngay trong phạm vi tiêu cực này, con người vẫn còn có một chiều sâu chân nguyên thường hữu với con người, đó là ân sủng, siêu việt tính và tự do. Hoặc giả để lý hội rõ ràng hơn, chúng ta có thể mượn phần phân tích “phi chân nguyên” (Uneigentlichkeit) của triết thuyết Heidegger được diễn đạt trong tác phẩm “Tồn Hữu và Thời Gian” (Sein und Zeit) để thấy rõ Rahner đã bổ túc phần quan trọng mà Heidegger đã không quan tâm tới hay chỉ hiểu ngầm: Tồn hữu (Sein) mới là căn nguyên và điều kiện tiên quyết của Tại Hữu (Da-sein). Sau khi nhắc qua những quan điểm trên được kết cấu và phát huy trong hai tác phẩm “Tinh Thần trong Thế Giới” và “Lắng Nghe Chân Ngôn” như thế nào.

“Tinh thần trong Thế Giới” và “Lắng nghe Chân Ngôn”

Có thể nói, để hiểu tư tưởng của Rahner, chúng ta cần thấu triệt học thuyết siêu nghiệm nhân chủng học của ông, vì đó là khởi điểm và nền tảng phát huy những đề tài khác, như Ân sủng luận, Kitô học, Giáo Hội học… Nhưng những tư tưởng của siêu nghiệm nhân chủng học chủ yếu được trình bày trong hai tác phẩm triết học tôn giáo nói trên. Tiếp tục tư tưởng của triết học Ðức Quốc Duy Tâm Rahner cho rằng khi tinh thần hạ nhập (setzen) vào thế giới hữu hình, thì tinh thần không những hạn hữu chính mình để có thể cụ thể hóa, nhưng đồng thời cũng đưa một năng lực siêu hình để con người có thể vượt qua những giới hạn vật chất để thăng hóa và viên mãn hóa thế giới. Như vậy, “thế giới” không còn là một phạm vi ngăn cản hay đối lập với tinh thần, nhưng đó chính là một thực tại môi giới để tinh thần được cụ thể hóa; và nhờ đó sự phối hợp giữa tinh thần và vật chất trở thành những bước tiến, những quá trình thăng hóa để hướng về một mục đích tối hậu.

Thực ra, đó là một cách thông diễn mới tư tưởng của thánh Tôna: Rahner đã mượn một đề tài trong cuốn “Thần Học Ðại Cương” (summa theologiae I a,q 84, a 7) để làm khởi điểm thảo luận. Ở đó thánh Tôma đã đặt vấn đề: Phải chăng lý trí con người có thể nhận thức đối tượng trực tiếp mà không nhờ vào đồ tượng (phantasma) của cảm quan? Câu trả lời phủ quyết của ngài, chúng ta ai cũng biết rõ rồi, nên không cần thảo luận dài dòng ở đây. Ðiều đáng chú ý là, Rahner đã mượn đề tài bàn luận về tri thức học của thánh Tôma để làm bàn đạp nhảy sang vấn đề nóng bỏng của thời nay, đó là vấn đề liên hệ giữa con người và thế giới, giữa tinh thần và vật chất. Sau khi nêu những lý chứng sắc bén và chắc chắn, ông đã đạt tới kết luận: như tinh thần con người cần nhập vào thế giới mới có thể cụ thể hóa, thì con người cũng cậy nhờ vào môi giới của thế giới mới có thể hồi quy về mình. Nói cách khác, con người chỉ qua đối tượng mới có thể đạt tỉ mỉ hơn trong chương hai của tác phẩm “Lắng nghe Chân Ngôn” và ông đã phát huy “đặt câu hỏi” là điều kiện thiết yếu để mở rộng mọi vấn đề, và đó là khởi điểm của thế giới hiện nay để tiếp xúc với thế giới siêu hình. Nói cách khác, hữu thể nhận ra mình trong quá trình nhập thế (cụ thể hóa) và siêu thoát để có thể tinh thần hóa, phối hợp giữa chủ động và bị động, tiếp thu linh cảm và phản tỉnh thành quả. Như vậy, đề tài mà Rahner thảo luận không phải chỉ đóng khuôn trong phạm vi tri thức, làm sao rút ngắn khoảng cách giữa tri giả và đối tượng, nhưng đã biến thành vấn đề mà con người thời nay quan tâm, như triết học Hiện Sinh của Heidegger đã khởi xướng: làm sao phát hiện nền móng để xây dựng mối liên hệ giữa tri giả và thế giới mà họ đang sống.

Trong quá trình này, “ý hướng” (Bewusstsein-von, Intention) đóng một vai trò bất khả khiếm khuyết. Ðó là điều mà Rahner, thánh Tôma và các nhà hiện tượng học đều khẳng định. Thật vậy, chỉ trong trạng thái tri thức này con người mới nhận định sự bất khả phân giữa chủ thể và đối tượng, và qua đối tượng hóa mới chân nhận được mình là ai. Nói cách khác, trong lịch sử triết học chủ trương duy tâm như R. Descartes hay duy nghiệm như D. Hume, họ đã phân ly và cô lập chủ thể ý thức và đối tượng kinh nghiệm hoặc ngược lại. Như vậy, nhận diện đối tượng phải nhờ vào ý thức hóa và đồng thời phản tỉnh không phải là trực giác, nhưng là gián tiếp phản ảnh qua đối tượng. Chính vì thế, hiện-hữu-tại-thế là điều kiện tất yếu của tri thức con người và là môi giới cần thiết để chân lý có thể mạc khải cho con người. Trên quan điểm này, Rahner đã tìm cách dung hòa tư tưởng của thánh Tôma và của Heidegger thành một hợp đề mới. Ông đã cắt nghĩa hợp đề đó như sau: “Lẽ hiển nhiên đối với thánh Tôma là chỉ có một năng lực tri hiểu duy nhất (nur ein Wissen), đó là chính con người. Nói cách khác, đó là tri giả tại thế (ein wissendes Bei-der-Welt-sein). Chỉ có con người tại thế mới được kêu gọi để phát hiện tồn hữu toàn diện”.

Ðặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời là khởi điểm kinh nghiệm siêu việt của con người, đồng thời đó cũng là quá trình mà Hiện Hữu tuyệt đối dùng để vén màn để lộ chân lý ra. Chính vì tâm linh con người không có khả năng trực tri mình, nên con người phải nhờ phản tỉnh mới nhận ra chính mình; qua hành động phản tỉnh con người thẩm định và đánh giá trị cuộc sống mính và chính lúc đó con người nhận ra mình đang khao khát hướng về siêu việt. Tuy nhiên, mỗi bước hướng về siêu việt là một giai đoạn lý niệm hóa, cụ thể hóa, hay nói cách khác, là một nỗ lực “hạn định mức vô giới hạn”, một bước tiến thêm vào thế giới siêu hình. trong nỗ lực này, con người mỗi bước tiến là một nỗ lực “hạn định mức vô giới hạn”, một bước tiến thêm vào thế giới siêu hình. Trong nỗ lực này, con người mỗi bước tiến là một lần tái chân nhận mức giới hạn của mình, và nhận ra tuyệt đối luôn ẩn tàng “ở ngoài”, là Siêu Việt Giả.

Nhiều lúc con người đối diện không phải là “ánh sáng” chân lý soi chiếu nhưng là “bóng tối” hư vô bao trùm. Chính vì vậy, đứng trên quan điểm triết học thuần túy nhiều tư tưởng gia, kể cả Heidegger, đã coi ánh sáng siêu việt và vực thẳm hư vô là giới hạn của nhân sinh. Nếu quan điểm này trở thành nhân sinh quan thì sẽ mang lại những hậu quả khác nhau. Chính vì thế, tùy theo con người hiểu mình và Siêu Việt như thế nào, họ sẽ tuyển chọn và quyết định cho đời sống mình. Do đó, ý thức là chìa khóa để con người lý giải ý nghĩa của tự do. ý thức con người luôn đi tìm chân lý, kể cả khi họ đang lầm lạc. Ngày nào con người còn sống, thì họ còn tự do, kể cả khi họ từ chối lựa chọn, hay bị hoàn cảnh ngoại tại bó buộc. Tự do con người có thể bị giảm thiểu chứ không thể bị triệt tiêu được, khi họ còn ý thức. Nói tóm lại, tinh thần hiện hữu tại thế là một thực thể lắng nghe chân ngôn, là một hợp thể bất khả phân giữa chủ thể và đối tượng, giữa tri thức và ý thức, giữa giới hạn và siêu việt.

Tuy nhiên làm sao con người cụ thể thể nghiệm hướng đi siêu việt trong cuộc sống tự do bị hạn chế đây? Như chúng ta vừa thảo luận, con người chỉ có thể ý thức khi đối tượng hóa tinh thần để đối tượng được thăng hóa. Nhưng chính vì thế tự do con người một đằng bị luật tự nhiên hạn định, một đằng khác là tinh thần chủ động tuyển chọn. Ðó là một biện chứng không ngừng giữa bắt buộc và tự do, giữa đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Quá trình này là cuộc sống luân lý của mỗi con người.

II. PHÂN TÍCH LUÂN LÝ THỰC TỒN

Trước hết để tránh hiểu lầm, Rahner phân biệt rõ ràng quan điểm luân lý thực tồn của ông với luân lý hoàn cảnh (Situation Ethik). Ông rất coi trọng việc phân biệt này, vì luân lý hoàn cảnh căn cứ vào một số chủ nghĩa hiện sinh cực đoan phản kháng hay phủ nhận hiệu lực phổ quát của qui luật đạo đức. Ông giải thích: “Luân lý hoàn cảnh vì phủ nhận qui luật đạo đức một cách rõ ràng hay hàm cách, nên sa vào lầm lỗi của thuyết duy danh. Quan điểm luân lý này tự căn bản đã phủ nhận khả tính phổ quát rồi”.

Mặc dù Rahner nghiêm khắc lên án luân lý hoàn cảnh, nhưng công bằng mà xét đoán, ông cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng của quan điểm luân lý này đã tác động bắt thần học luân lý phải xét lại nhiều vấn đề để phát triển một nền luân lý cân bằng hơn. Rahner đã liệt kê một số vấn nạn mà luân lý hoàn cảnh đã nêu ra và các nhà luân lý hiện nay còn đang thảo luận như: Làm sao chúng ta có thể đoán định được bản tính phổ quát, bất biến của con người? Phải chăng chỉ căn cứ vào điều kiện tiên thiên để diễn dịch? Nếu như thế thì quá trình diễn dịch đó như thế nào, và sẽ sinh ra những hậu quả gì? Hoặc nếu giả định bản tính con người một phần là tiên thiên, một phần là hậu nghiệm thì làm sao chúng ta nhận định được ranh giới của tiên thiên và hậu nghiệm đây? Và kết quả của sự nhận thức phân biệt này như thế nào? Nhìn sơ qua bảng liệt kê những vấn nạn, chúng ta thấy Rahner quan tâm không chỉ là nêu ra những lý chứng giữa các lập trường khác nhau để thảo luận, nhưng hơn thế nữa là quá trình triển khai và hậu quả thực hành. Chính những câu hỏi hóc búa này đã khiến nhiều nhà thần học luân lý phải xét lại những tiền đề mà họ vô tình hay cố ý đã chấp nhận như là chân lý hằng tồn.

Ðể thảo luận vấn đề, Rahner đã áp dụng phương pháp “đặt ra câu hỏi” như chúng ta đã trình bày ở trên, như thế ông có thể tự do chọn bất cứ luận điểm nào để thảo luận đều có thể trở thành khởi điểm; đằng khác, đặt câu hỏi là cách nhận định một vấn đề còn hàm chứa nhiều khúc mắc cần phải làm sáng tỏ. Rahner chọn khởi điểm không phải là thảo luận những qui luật tổng quát làm sao được ấn định nhưng là vấn đề thực thi sau khi đã coi như chấp nhận những qui luật tổng quát đó, tức là: tình cảnh gặp phải như thế nào? Làm sao ứng dụng đúng qui luật đạo đức phổ quát vào hoàn cảnh này đây? Ðối với nhiều nhà luân lý truyền thống việc trả lời câu hỏi này thật quá dễ dàng, vì họ cho rằng chỉ cần chiếu theo từng bước của tam đoạn luận là chỉnh rồi. Tam đoạn luận đó là: Nguyên tắc tổng quát (đại tiền đề): Bất cứ ai trong trường hợp (được ấn định) như thế này, đều phải làm như thế. Mà hoàn cảnh cụ thể trước mắt là một trong những hoàn cảnh trên (tiểu đề). Kết luận là phải thi hành mệnh lệnh tổng quát trong trường hợp này mới đúng. Quá trình thật rõ ràng và đơn giản, vì ai cũng vậy, chỉ cần thuộc lòng qui luật, nhận biết rõ hoàn cảnh mình đang sống là biết ngay mình phải làm chi và tránh gì. Nếu quan điểm luân lý này đồng hóa với thần học, nghĩa là nhận Thiên Chúa làm trung tâm cuộc sống, thì mệnh lệnh phổ quát trên tức khắc được coi là Thiên Ý. Như vậy chọn hay bỏ là tuân theo hay chối từ Thiên Ý.

Rahner nhận thấy cách giải quyết vấn đề quá đơn giản, trong khi đó nó còn hàm chứa nhiều vấn nạn cần được đưa ra ánh sáng để thảo luận. Nếu nói thi hành mệnh lệnh tổng quát trên là thực thi Thiên Ý, thì Thiên Ý ở đâu? ở trong qui luật hay trong hoàn cảnh cụ thể hay có thể là trong trường hợp trừ? Một đằng luân lý diễn dịch đơn giản hóa việc phán đoán, đằng khác lại giao phó việc thảo luận “trường hợp” (casus) cho những vấn nạn “trường hợp” để tìm ra câu trả lời đúng đắn, thì chúng ta thấy sự phán đoán luân lý không phải là áp dụng một cách máy móc, nhưng cần nhiều khôn ngoan và minh trí. Nhưng khôn ngoan và minh trí là gì? (Dĩ nhiên ở đây Rahner giả định chủ thể là người “bình thường”, đủ khả năng nhận thức họ phải làm gì và tại sao lại chọn lựa như thế).

Câu hỏi mà Rahner đặt ra ở đây là: “mệnh lệnh” phải thi hành phải chăng hoàn toàn đồng hóa với điều mà chủ thể phải thi hành trong trường hợp cụ thể “này”? Theo ông, câu hỏi này cần được đặt ra vì ít nhất có hai lý do chưa được giải quyết ổn thỏa, đó là: Mặc dầu qui luật phổ quát được coi là mệnh lệnh, nhưng đối với chủ thể khi thực thi không phải cũng như ai, lúc nào, nơi nào chỉ cần sao nguyên bản là được, nhưng trong mỗi trường hợp còn hành chứa nhiều góc độ, lý do khác nhau. Ðiều này thật dễ hiểu và trên thực tế là như vậy, nhưng trên lý thuyết nhiều người lại khó chấp nhận. Thứ đến, cả khi chủ thể nhận định rõ ràng là qui luật phổ quát trong trường hợp cụ thể “này” chỉ cho phép một sự chọn lựa duy nhất, thì sự khẳng định đó là kết quả của quá trình suy xét và phán đoán tường tận. Chúng ta có thể tóm tắt vấn đề mà Rahner đã nêu trên bằng câu hỏi sau đây: Phải chăng chủ thể trong trường hợp cụ thể “này” hành động hoàn toàn đơn thuần nhằm phù hợp với qui luật tổng quát là đạt tới tiêu chuẩn đạo đức luân lý? và điều này phải được chấp nhận là đúng mà không còn một chút do dự hay hồ nghi gì?

Dựa theo nhân chủng học siêu hình ở trên, Rahner cho rằng con người là tinh thần trong thế giới, là kẻ lắng nghe Thiên Ý được biểu lộ trong ngôn từ con người; như thế, mỗi giây phút con người sống là nói nên mối liên kết giữa tinh thần và hành động cụ thể nới trần thế. Do đó, hành vi luân lý bao hàm một ý nghĩa sâu xa hơn là việc thực hữu, không thể lập lại lần thứ hai, đồng thời đó cũng là một phần của cuộc sống và như thế có liên quan tới toàn cuộc sống. Mỗi hành vi một hướng nhân sinh quan và nói lên thái độ chịu trách nhiệm đối với Giới Siêu Việt. Nói cách khác, mỗi hành vi luân lý không những chỉ là lập đi lập lại việc qui luật đòi hỏi, nhưng hơn thế nữa là một hành động đáp trả lời kêu gọi của “chân ngôn”, là một dấn thân có tính cách siêu việt tính, nghĩa là không dẫm chân tại chỗ, nhưng luôn chú ý tới sứ điệp của “mạc khải” (Gelichtenheit) soi sáng để tiến bước. Chính vì thế, con người nhận ra mình hiện hữu trong cảnh ngộ nghịch lý này: con người thuộc vật chất tính, sống trong lãnh vực tự nhiên, để thỏa mãn luật tự nhiên phổ quát nào đó, nhiều khi họ phải chấp nhận những điều trái với tâm hồn mình mong ước. Cũng con người đó thuộc tinh thần, sống trong linh vực, càng nhận ra sự cách biệt giữa hành vi đạo đức được phương án hóa và hành vi luân lý kiến tạo ý nghĩa cuộc sống.

Bản chất nhân chủng học theo Rahner là triết học đi tìm chân lý, tự nó đã có tôn giáo tính, vì khi con người khao khát hướng về siêu việt là một hành động do “linh tu” (Spiritualitaet) thúc bách. Ðó là cội gốc của mọi tôn giáo. Ðể hiểu rõ sức linh động của linh tu này và các hiện tượng biểu tả trong các tôn giáo, chúng ta chỉ cần nhắc nhở lại hai quan niệm “tiên nghiệm tính” và “phạm trù tính” mà chúng ta đã diễn đạt ở trên là đủ. Như vậy, niềm tin bắt nguồn từ khao khát chân lý, niềm hy vọng về ơn cứu độ phát xuất từ gốc siêu nhiên mà tôn giáo khẳng định, được mọi tôn giáo diễn tả trong những phạm trù khác nhau. Ðó là cách thế và ngôn ngữ tượng trưng mà con người mỗi thời, mỗi văn hóa tìm cách thuyết minh linh vực tuyệt đối. Chính vì thế, theo Rahner, nếu chúng ta đứng trên một quan điểm tôn giáo để tìm hiểu một tôn giáo khác, sẽ nhận ra nhiều căn bản và hình thức tương đồng của các tôn giáo.

Như vậy, chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi Rahner đề xướng quan niệm “Kitô hữu vô danh” (anonymous Christian) để chỉ tín đồ thành khẩn của các tôn giáo khác sống một đời lương thiện theo tiếng lương tâm. Kitô hữu vô danh không phải là cách nói trịch thượng coi thường các tôn giáo khác như nhiều người hiểu lầm, nhưng là một thái độ hòa đồng tôn giáo một cách cụ thể, coi tín đồ đều là tứ hải giai huynh đệ. Vì lẽ đó, chúng ta hiểu tại sao Rahner không những không phản đối mà còn hãnh diện, nếu khi một Phật tử chân chính coi ông là “Phật tử vô danh”. Như vậy, quan điểm thần học này của Rahner không chỉ khai hóa cho việc đối thoại giữa các tôn giáo, nhưng cũng có thể áp dụng trong nhận định luân lý: qua việc diễn đạt luân lý quan của một tôn giáo như Kitô giáo, chúng ta cũng có thể loại suy ra để thuyết minh luân lý quan của các tôn giáo khác, dĩ nhiên dưới những danh xưng, phạm trù… khác nhau. Ðiều này khá quan trọng, vì theo Rahner hành vi luân lý không những chỉ có giá trị đạo đức, nhưng tự bản chất nó đã ẩn chứa tôn giáo tính. Tuy nhiên, ở đây Rahner chỉ chú tâm tới phạm vi luân lý Kitô giáo.

Hành vi đạo đức của Kitô hữu là một hành động đáp trả lại tiếng gọi của Thiên Chúa trong lương tâm bằng cách thực thi thập giới và chân phúc đã được mặc khải trong Kinh Thánh và được Ðức Kitô sống động và viên mãn hóa trong Tin Mừng của Ngài. Như vậy luật luân lý bắt nguồn từ mặc khải và được cụ thể hóa trong lịch sử cứu độ. Nếu hiểu hành vi luân lý chỉ là một sự lập lại khuôn mẫu cố định của qui luật, thì cách lý giải này chưa kiện toàn, vì thiếu lịch sử tính. Thiên Chúa mặc khải là Chúa của Abraham, Isaac và Jacob, Chúa của lịch trình cứu độ mà Ðức Kitô đã bắt đầu và Thánh Linh dẫn dắt để hướng về viên mãn cánh chung. Chính vì thế mà Rahner đã nhận định: “Thiên Chúa quan tâm tới lịch sử không phải hệ tại qui luật có được thi hành hay không, nhưng là vì lịch sử là quá trình hòa hợp những sự kiện đặc thù, chính nhờ vậy mà lịch sử mới có ý nghĩa đối với vĩnh cửu”.

Tự do con người không chỉ là việc chọn một đối tượng trong số những đối tượng khác nhau, nhưng quan hệ nhất là hành vi chọn hay bỏ có ý thức và trách nhiệm. Như vậy ý nghĩa chọn lựa không chỉ đóng khung trong một hành động cô lập, nhưng là một bước thực hiện nhân bản hay sa lầy xuống phi nhân. Trong phần thảo luận siêu nghiệm nhân chủng học ở trên, chúng ta đã thấy con ngươi trải qua biết bao kinh nghiệm siêu vệt khác nhau và khi phản tỉnh mới nhận ra mình là hiện hữu khao khát hướng về Siêu Việt. Cả những lúc cố ý phản kháng siêu việt tính này, con người cũng đang mong muốn một điều phải lẽ hơn, tốt hơn; và như vậy trên thực tế họ đang khao khát chân thiện rồi. Tương tự như vậy, cả khi con người từ chối chọn lựa, thực ra họ đang chọn lựa rồi. Nhiều khi thái độ phản kháng bộc lộ lòng mong ước siêu thoát mạnh mẽ hơn là thực thi siêu việt nhịp nhàng theo thói quen.

Tóm lại, mỗi hành vi tự do chọn lựa không phải là một hành động cô lập, nhưng là bước khẩn định hay phủ định cuộc sống toàn diện. Tuy nhiên, Rahner cũng xác định rõ ràng: không phải mỗi hành động tự do đều có chiều sâu và cường độ như nhau; dầu vậy chúng đều mang một mức mạo hiểm nào đó. Trên quan điểm này, Rahner đồng ý với học thuyết thánh Tôma cũng như hiện tượng học, coi trọng “ý hướng” (intentio) của ý thức con người; hơn thế nữa ông còn nhấn mạnh coi mỗi ý hướng hành động đều ảnh hưởng tới cuộc sống toàn diện và qua đó góp phần trực tiếp vào “định hướng căn bản” (fundamental option) của cuộc sông.

Lấy quan điểm lịch sử cá nhân loại suy ra lịch sử nhân loại, Rahner cho rằng mỗi thời đại đều góp phần vào quá trình lịch sử hướng tới đích cánh chung. Như vậy, qua hành động tự do cá nhân liên quan với nhau, nhân loại nhận ra mỗi người, mỗi thời đại đều ảnh hưởng tới nhau và tới lịch sử nói chung. Chính vì vậy, mỗi hành động tự do đều mang một phẩm lượng đặc biệt, một cá tính hy hữu nên phải được coi trọng. Mặt khác, định hướng căn bản phải được khẳng định rõ ràng để trở thành động lực và mục đích của cuộc sống. Ý hướng bao hàm này được tóm kết trong các triết thuyết dưới những danh xưng khác nhau. Tỉ dụ Thánh Kinh hay thần học thánh Augustinô khẳng định đó là “con tim”; triết gia Kierkegaard gọi đó là “chủ thể tính”; triết thuyết Blondel coi đó là “hành động”… Tất cả những danh xưng này đều muốn nói lên căn bản tính của hành động tự do và sự góp phần của nó vào cuộc sống viên mãn của con người. Ðối với một cá nhân đạo đức trưởng thành, niềm tin chín chắn, thì họ nhận ra mỗi hành động tự do của mình trong chớp nhoáng đã hòa nhập vào vĩnh cữu, vì đó là thực thi ý định của Thượng Ðế. Hiểu như vậy thì việc tôn trọng cá nhân và thực thi tự do không thể tách rời, nhưng ngược lại phải hỗ tương nhau.

Yêu Chúa, yêu mình và yêu người là ba đối tượng của một hành động và theo quan điểm Kitô giáo thì không thể tách rời nhau ra được, vì không ai có thể được cứu độ một mình. Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa là tình yêu, nên khi thực thi tình yêu là hành động siêu việt, bao dung tất cả và như thế sống mật thiết với tha nhân. Trong chiều hướng này, đức ái bắt đầu từ khuôn vàng thước ngọc “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (mình không muốn điều gì thì cũng đừng làm cho người khác) như Khổng Tử đã tóm gọn, còn phải đi xa hơn nữa như Ðức Kitô đã sống, là thực thi một tình yêu vô ranh giới, bao gồm cả yêu thương kẻ thù địch. Rahner giải thích: “Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể bao hàm tất cả mọi khía cạnh của con người, cả những góc độ đối lập nhau cũng có thể hợp nhất, vì tất cả đều qui tụ về Thiên Chúa. Chỉ có sự hợp nhất và vô biên của Thiên Chúa mới có thể làm cho con người hòa hợp, vì Thiên Chúa hợp nhất những đa nguyên giới hạn chứ không khai trừ một thành phần nào”. Khi tình yêu nhân loại kết hợp với tình yêu Thiên Chúa thì con người không những không bài bác thế gian, nhưng dám chấp nhận tất cả, kể cả tội lỗi để vượt qua hậu quả của tội lỗi như Ðức Kitô. Ðó chính là nguyên tố đặc sắc và động lực vô biên của luân lý Kitô giáo. Trên nguyên tắc này, luân lý Kitô giáo thiết yếu không hệ tại quy luật khách quan (đây không có ý phủ định một giới luật nào), nhưng là con người, vì tất cả mọi cơ cấu, mọi luật lệ đều vì con người, nên đều kém con người. Con người có quyền và bổn phận phải cải tổ cơ cấu, qui luật khi cần thiết. Chỉ có một điều con người phải nổ lực bảo trì và phát huy, đó là năng lực của tình yêu, vì tình yêu là gốc của mọi sinh hoạt nhân bản và có hướng độ vô biên, hướng độ của Thiên Chúa tự tại. Như vậy khẳng định tình yêu, con người không những không bị gò bó, nhưng luôn được kêu gọi để hướng về siêu việt, được giải thoát. Chính vì thế mà Rahner cho rằng gốc rễ của tội lỗi con người là nơi con người từ chối tín nhiệm Ðấng Toàn Năng có thể giúp họ giải thoát giới hạn của mình. Khi con người từ chối không muốn cho tình yêu mình vươn lên, là lúc tình yều con người bắt đầu lụn bại, tức là chiều theo hướng bất nhân rồi.

Trong quá trình siêu vượt bản ngã, con người tự nhận ra mình là tinh thần nhập thế thành nhân, không ngừng phát triển mối liên đới cộng đoàn tính và cùng hướng về thế giới cánh chung viên mãn. Con người sống trong lịch sử, tiếp tục hoàn thành sứ mạng mỗi thời đại để hoàn hảo hóa nhân sinh quan trong linh vực quan. Như vậy giá trị và thành quả trước mắt là công lao của bao thế hệ tích lũy, là kết tinh của bao kinh nghiệm xã hội, văn hóa giao lưu, là công quả của bao nổ lực giải quyết những tranh chấp để đạt tới những cộng thức… tóm lại, một nhân sinh quan mà con người cảm thấy thoải mái như sống trong “tổ ấm”. Thực vậy, cả những dự luật thiên nhiên trong luân lý truyền thống đều căn cứ vào những điều kiện tiên nhiên của con người, những kết cấu cơ bản của kinh nghiệm siêu việt. Như thế, tất cả những qui chế, luật lệ đạo đức không được phép ngưng đọng trong tình trạng hiện thời, hay hơn nữa coi đó là qui luật tuyệt đối (tức là tuyệt đối hóa một qui luật bắt nguồn từ một thế hệ, hoàn cảnh nào đó), nhưng qua những bài học lịch sử, những kinh nghiệm thách đố của những cơ cấu xã hội khác nhau, những cọ sát của văn hóa đa dạng… giúp con người suy tư, phản tỉnh để chúng ta khám phá ra những khía cạnh mới của “luật tự nhiên” hay tái thông diễn những qui luật phổ quát để con người thời nay có thể hiểu được chân lý của nó. Ðiều này trở thành vấn đề cấp bách, nhất là khi thần học luân lý phải đối diện với những câu hỏi mà khoa học hiện tại, đặc biệt là những khoa học nhân văn nêu lên.

Những đòi hỏi tiếp tục học hỏi, suy tư này là những thách đố khó khăn, nhiều khi nan giải, nhưng không thể tránh né được, nếu con người quan tâm tới những dấu hiệu thời đại, những nhu cầu con người hiện tại trong chiều hướng phát triển toàn diện. Khi con người coi trọng sứ vụ này và thành tâm đi tìm những giải đáp hợp lý, thì một đằng họ sẽ phải chân nhận sự thiết yếu của siêu hình học để giải quyết những bế tắc nội tại của khoa học tự nhiên, đằng khác họ phải tránh những “khiếm khuyết nguyên chứng luận” (petitiones pricipii), nếu họ muốn những lý chứng mình được coi trọng. Tóm lại, bất cứ một dự luật nào, hay cơ cấu nào cũng không thể khống chế con người hay coi có giá trị ngang hàng với nhân phẩm. Nhận định được như thế, trên thực tế là kết quả của con người phản tỉnh, là thành quả của bài học lịch sử đang và sẽ còn tiếp diễn. Bao lâu lịch sử còn tiếp tục, thì con người không thể ngưng bài học lịch sử được, nếu không con người sẽ khó tránh rơi vào lỗi lầm: tuyệt đối hóa một quan điểm tương đối của một thời đại nào đó. Ðồng thời, bài học lịch sử không cho phép chúng ta rơi vào chủ nghĩa tương đối, vì lịch sử không ngừng cải thiện để tiến tới viên mãn, vì mỗi bước lịch sử (dù cá nhân hay nhân loại) là một kinh nghiệm siêu việt, một bước hướng về Tuyệt Ðối. Do đó Rahner nhấn mạnh tới tương quan biện chứng giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và tân tạo, khi ông nói: mỗi tri thức tự bản chất không thể không bắt nguồn từ một truyền thống nào đó (kể cả một tri thức phê phán truyền thống hay muốn loại bỏ truyền thống), đồng thời chỉ có thể tồn tại khi nó được liên kết với tương lai, như thế tự nó mang trong mình một tính chất mạo hiểm nào đó.

Như đã thảo luận ở trên, chúng ta thấy mỗi câu hỏi đều bao gồm hai phần “đã biết” và “chưa biết”, trong phần áp dụng vào luân lý ở đây, chúng ta nhận ra tuy nó biến hóa nhưng vẫn giữ lại cơ cấu căn bản. Nói cách khác, khi truyền thống phát sinh vấn đề, con người nhờ những tri thức mới biết do các khoa học hiện tại cống hiến để nhận ra lý do tại sao một quan điểm truyền thống cho tới nay không có vấn đề, bỗng dưng lại trở thành vấn đề, đó có thể là vấn đề riêng biệt của thời đại này, hay có thể là vấn đề mà kiến thức thời đại này, hay có thể là vấn đề mà kiến thức thời đại tiến triển đòi hỏi truyền thống phải đặt lại, nhiều khi đó là những quan niệm then chốt trong luân lý nữa. Khi câu hỏi được nêu ra, con người phải tìm hỏi để giải quyết những vấn nạn, đó là sự khai phóng, là chờ đợi những “linh cảm”, và đưa ra những dự định. Tương lai sẽ là quan tòa phê phán những dự định đó là thực tế hay ảo tưởng, là điều hướng về chân lý hay sai lầm. Ở đây không phải là những giả định thuần túy như trong khoa học tự nhiên dự đoán, nhưng là những bước Chân Lý hiển hiện, là quá trình Chân Lý tự vén màn để tỏ mình ra (A-letheia).

Con người khi phân tích những khía cạnh như thân thể tồn vong, tinh thần cá biệt, văn hóa đa dạng, niềm tin tôn giáo… đã dùng những phạm trù khác nhau để nhận định từng phần, nhưng trên thực tế, con người là một toàn thể sống động, không thể cô lập một phần nào mà không trở thành bệnh hoạn, bất thường. Do đó con người luôn sống trong sự giằng co giữa cá nhân đồng nhất tính và những phạm vi kiến thức đối tượng hóa. Một đằng con người phải chân nhận, khi nhân chủng học tìm cách khám phá ra những góc độ (mới) của con người; nhân chủng học “vĩnh viễn” là môn học đa dạng, đằng khác đa dạng tính đó chỉ được nhận ra khi con người phản tỉnh và nhận ra tương quan và cá biệt. Nếu hệ thống hóa các phạm vi và lấy qui luật để hợp lý hóa trật tự giá trị, chúng ta sẽ dễ nhận ra những uy quyền nào đã hợp thức hóa sự sắp xếp đó. Khi các hệ thống giá trị khác nhau phát sinh ra những tranh chấp, con người càng thấy rõ giới hạn của những yêu sách hay hiệu lực của những quan điểm và lý chứng, nhất là những lý chứng của khiếm khuyết nguyên chứng luận (petio principii). Chính vì thế, Rahner rất coi trọng những điều kiện luân lý chủ quan và khách quan, cũng như sự hỗ tương của chúng để phẩm định đúng mức một hành vi tự do, con người sẽ nhận rõ nguyên nhân tự do vượt xa những phạm trù mà trong thực tế con người đã lựa chọn: tự do bản chất là đối diện với Thiên Chúa và chịu trách nhiệm với Ngài, nên đó là một hành động tự phát và chủ động; đằng khác chỉ khi chọn lựa tự do con người mới thực sự thành hình, tức là tuyển chọn, là loại bỏ, là bị những điều kiện giới hạn ngoại tại chi phối. Như vậy, tuyển chọn là đáp lại một lời mời gọi của Thiên Chúa qua tiếng lương tâm nên hành động đáp trả không thể chỉ là lặp lại việc thực thi mệnh lệnh mà qui luật phổ quát đặt ra. Hiểu như thế, chúng ta mới nhận diện được ý nghĩa chân thực của “luật tự nhiên” trong luân lý truyền thống, đồng thời ý thức được sự hợp lý của hạn định tự do. Nói cách khác, khi chúng ta khảo xét kết quả lịch sử biến đổi, xã hội xoay vần, văn hóa giao lưu một cách tường tận, chúng ta có thể phát hiện: trong một thời gian khá lâu nào đó, một số đặc tính của phân loại được coi là cố định hay bất biến, nên được qui hóa thành “luật tự nhiên”, nhưng trên thực tế đó có thể là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử hay một xã hội, văn hóa, nên mang tính cách giai đoạn tính, khác với điều kiện tiên thiên hằng tồn của con người. Mặt khác, khi chọn lựa con người không thể không chú ý tới điều kiện giới hạn mình đang sống, nên ý thức đúng đắn điều kiện này là quá trình học hỏi để sử dụng tự do đúng mức. Nhận ra tự do hợp lý là điều có thể học tập được. Giáo dục con người biết hợp lý hóa tự do tức là giải phóng tự do con người khỏi những lầm lỗi không cần thiết, khỏi những áp lực phi lý và khỏi những khả thể vô thực. Cũng thế, nếu vì bất tri mà bị ảnh hưởng ngoại tại khống chế, thì tự do bị giới hạn và theo đó trách nhiệm cũng giảm thiểu. Ðằng khác, Rahner cũng rất quan tâm tới những tranh chấp do lương tâm cá nhân và mệnh lệnh qui luật đạo đức gây nên. Tỉ dụ, trong trường hợp giữa một nhà thần học luân lý với một đồng môn khác hay với giáo hội quan phương xảy ra tranh chấp, Rahner đã hơn một lần dũng cảm, bình tâm phân tích lý giải lập trường hai bên và đưa ra những đề nghị thiết thực để giải quyết. Trong tinh thần đối thoại và hiệp thông, để những luận chứng đưa ra được đạt lý, Rahner đề nghị hai nguyên tắc cần lưu ý:

1. Trong quá trình luận đàm, một minh chứng vô phương có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề và có thể đạt tới kết luận định đoán một cách tuyệt đối.

2. Một luận chứng của một thần học luân lý gia thường là một “lời kêu gọi” đối với một thực tế cố định nào đó. Mặc dù thực tại này do điều kiện lịch sử ứng khởi, nhưng nó cũng phải có một căn bản lý niệm làm gốc, vì không có lý niệm cũng không thể có quan niệm và luận chứng. Lời mời kêu gọi này (bao hàm đặt vấn đề, phân tích và đưa ra giải pháp) trong tương lai có được đáp ứng và thực hiện hay không, đó là quyền phán quyết của lịch sử, chứ không phải của đương sự. Nếu đặt trên căn cứ nhân bản siêu việt, luận chứng đó mới có hy vọng tồn tại. Nhưng ai có thể biết chắc luận chứng mình tuyệt đối là siêu việt tính, chứ không phải là lịch sử tính, nên những lời kêu gọi đó thường chỉ là tại hữu hướng về cánh chung tuyệt đối. Nói như thế không có nghĩa là coi thường tại hữu, nhưng ngược lại là nhấn mạnh tính cách độc nhất vô nhị của nó cũng như sự góp mặt cần thiết để móc nối những liên hệ lịch sử. Như thế, đặt vấn đề, tranh luận và đưa ra một giải quyết tự nó là một bước lịch sử.

Tóm lại, một luận chứng luân lý chỉ có thể là đúng hay sai. Ðúng, vì hoặc nó đạt căn tính siêu việt của con người và luôn luôn có hiệu lực trong mọi thực trạng, hoặc nó là hiện thân của một mô hình chính thực. Mô hình chính thực này hoặc do những khoa học nhân văn như nhân chủng học, xã hội học, văn hóa… chứng nhận là phải (nhưng không nhất thiết là siêu hình học tính), nên có giá trị lịch sử tính; hoặc nó mang tính cách phê bình hữu hiệu trong một hiện trạng và là một lời kêu gọi hướng về tương lai; luận chứng này có hiệu quả thực sự hay không, đó là điều phán đoán của lịch sử.

KẾT LUẬN

Triết học và thân học của Rahner là mốc đánh dấu hướng độ phát triển của phái Tân Kinh Viện. Trong phần triết học siêu nghiệm ông đã có thể sống động hóa điều kiện của tri thức và ý chí và nhờ đó đã hình thành một nền thần học nhân học mới, đó là một thần học từ dưới lên trên. Ðồng thời ông đã phát hiện chân lý của tri thức con người là sự vén màn của tuyệt đối như hậu Heidegger đã phỏng đoán. Như vậy, siêu nghiệm tính của con người là giao điểm giữa tuyệt đối và hữu hạn, giữa quang chiếu và tiếp nhận. Quan điểm này rất quan trọng đối với luân lý thực tồn, vì thực tiễn biện chứng giữa hành vi luân lý cá biệt và căn bản định hướng toàn diện khẳng định ý hướng tuyển chọn cụ thể phải được dung nạp vào cuộc sống toàn thể. Chúng ta có thể nói thần học Rahner đã đóng góp một công lao khá quan trọng là: lý giải thần học Kitô giáo hiện nay có một ý nghĩa giai đoạn tính, nhưng chúng ta chỉ nhận ra giai đoạn tính của nó, khi đặt chúng vào khuôn khổ lịch sử tính, tức là nhận ra mỗi thực tại là một bước trong quá trình hướng về cánh chung, thực hiện nguyên chân tính của con người, như vậy hành vi chọn lựa của luân lý và niềm tin tôn giáo hỗ tương nhau, hợp nhất với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ nhận ra dù lúc đi tìm kinh nghiệm siêu việt hay trong khi phân tích tại hữu, trọng điểm vẫn là ý hướng của cá nhân. Chính vì thế, tư tưởng của Rahner không tránh được vấn đề chung của triết học lấy ý hướng làm căn bản học thuyết họ, như hiện tượng luận, đó là vấn nạn quan hệ nhân tế, liên chủ thể; từ đó tương quan tới xã hội và lịch sử tính. Thực ra, Rahner đã ý thức được vấn đề này, nên khi diễn tả “phạm trù” ông đã đặc biệt chú trọng tới khách thể tính, nhấn mạnh lịch sử, xã hội, văn hóa… đóng một vai trò quan trọng trong suy tư luân lý nói chung và trong khi chọn lựa nói riêng. Dù vậy, ý thức cá nhân vẫn trổi vượt trên cộng đoàn. Vấn đề hệ tại khởi điểm tiền đề: đặt câu hỏi là cá nhân đặt ra, chứ không có sự tham kiến của cộng đoàn, nên cả khi câu hỏi được nêu ra, đó chưa chắc là vấn đề của cộng đoàn. Vì thế, đệ tử của Rahner như H. Rotter đã chuyển hóa phương pháp luận lấy điều kiện thông diễn (cộng đoàn tính) thay thế điều kiện siêu nghiệm (cá nhân tính). Hay càng đi xa hơn nữa như J.B.Metz hay H. Peukert đã coi việc phê phán và gạn lọc tư tưởng của Rahner là cần thiết (như Rahner đã biến hóa tư tưởng của thánh Tôma thành học thuyết tân kinh viện vậy) để thiết dựng một thần học chính trị hay thần học lấy đối thoại tương thông làm căn bản.