Lm. Matthias Ch’ en Wen Yu, SJ.
A. Ý TƯỞNG (Idée)
I. VẤN ĐỀ Ý TƯỞNG
1/. Định nghĩa
Nói tổng quát thì nhận thức là một hành động nội tại (acte immanent), có ý thức (conscient) và hữu hướng (intentionnel), nhờ đó chủ thể nhận thức (le connaissant) thấu hiểu được đối tượng.
Nhận thức được gọi là một hành động:
– Nội tại (7): bởi vì nhận thức được thực hiện trong việc trình bày đối tượng cho nội tâm của chủ thể nhận thức.
– Có ý thức (8): bởi vì con người ý thứïc về đối tượng được nhận thức, về hành động nhận thức và về chủ thể của hành động nhận thức.
– Hữu hướng (9): bởi vì tự bản chất, nhận thức chỉ thị đối tượng được nhận thức.
2/. Nhận thức khả giác (sensible) là một hành động
– Được thực hiện nhờ cơ năng hữu cơ;
– Thiết yếu vượt trên hoạt động thuần túy của cơ thể hay hoạt động sinh vật của đời sống thảo mộc.
– Trình bày đối tượng khả giác là đối tượng, trong những cảm giác đầu tiên, hiện diện cho chủ thể nhận thức và gây một ảnh hưởng quyết định trên chủ thể. Ví dụ: tôi trông thấy một vật nào đó mầu đỏ, chứ không trông thấy màu đỏ chung chung.
Cách thế thực hiện cái cảm giác ban đầu này thật là phức tạp. Nói vắn tắt thì như sau: đối tượng ảnh hưởng đến cơ thể một cách trực tiếp hay gián tiếp. Ảnh hưởng này được thần kinh truyền tới trung tâm não. Khi chủ động tiếp nhận hay phản ứng lại ảnh hưởng này thì giác quan hay đúng hơn, chủ thể nhờ giác quan, nhận thức được đối tượng. Đối tượng được nhận thức như thế, đã để lại dấu vết của nó trong tâm hồn. Và dấu vết này có thể được tái sản xuất trong trí tưởng tượng (imagination) và được nhìn nhận trong ký ức (mémoire).
Có 5 giác quan bên ngoài giúp thấu hiểu, nắm bắt đối tượng bên ngoài đang hiện hữu. Và có 4 cơ năng trí tuệ bên trong. Bốn cơ năng này hoặc thu hợp những dữ kiện của giác quan bên ngoài hoặc tái sản xuất ra những dữ kiện đó.
3/. Nhận thức của trí năng là một hành động:
– Thiết yếu vượt trên những cảm giác thuần tuý;
– Giả thiết đã phải có những cảm giác;
– Nhận thức được đối tượng cụ thể và hữu chất một cách phổ quát và vô chất, nhờ trừu xuất (10) những đặc tính cá thể. Vd: Khi nhìn anh A, tôi nhận thức được anh ta là ‘người’. Lại nữa, nhờ loại suy với đối tượng hữu chất, tôi nhận thức được đối tượng tinh thần. Đó là điều được gọi là ý tưởng (idée) hay sơ niệm (simple appréhension).
Nhận thức của trí năng có ba tác động: sơ niệm, phán đoán và suy luận. Nói theo phương diện tâm lý học thì trước tiên chúng ta ý thức về phán đoán. Bởi vì một cách rất tự nhiên, chúng ta xác nhận hay phủ nhận về những đối tượng khác nhau đã được nhận biết. Chỉ nhờ phân tích phản tỉnh (analyse réflexive), chúng ta mới đạt đến các ý tưởng là những yếu tố cấu tạo nên phán đoán. Còn sự suy luận là kết qủa của việc kết hợp những phán đoán lại với nhau. (11)
II. BẢN CHẤT CỦA Ý TƯỞNG (nature de l’ idée)
1/. Định nghĩa
Ý tưởng là “ hình ảnh của đối tượng được diễn tả trong trí khôn nhận biết đối tượng đó mà không xác nhận hay phủ nhận gì ”; hoặc ý tưởng là “ hành động nhờ đó trí năng trình bày một ghi nhận về đối tượng nhưng chưa tuyên ra một xác nhận hay phủ nhận nào”. Ví dụ: người, bông hoa.
Ý tưởng được gọi theo nhiều cách khác nhau, tất cả đều diễn tả những khía cạnh khác nhau của ý tưởng. Ví dụ: ta có:
a) Ý tưởng (idée), xét như là hình ảnh hay hình tượng của đối tượng. (12)
b) Sơ niệm (simple appréhension), xét như là sự biểu thị đơn thuần về một đối tượng mà không xác nhận hay phủ nhận gì về đối tượng đó. (13)
c) Khái niệm (concept): một hình ảnh của đối tượng, xét như nó được quan niệm bởi trí năng(14).
d) Tâm từ (verbe mental): khi quan niệm một ý tưởng, thì trí năng phát ra một thứ lời nội tâm ở trong mình. (15)
e) Ảnh niệm mô tả (espèce expresse): bởi vì một ý tưởng diễn tả đối tượng của nó một cách rõ ràng. (16)
f) Mô thể hữu hướng (forme intentionnelle – intentio): bởi vì nhờ một ý tưởng, chủ thể nhận thức hướng về đối tượng được nhận thức. Chính ý tưởng không phải là đích nhắm của hành động nhận thức; ý tưởng được gọi là “gián phương” (medium in quo), là “phương tiện trong đó” đối tượng được nhận thức. (17)
2/. Đối tượng của ý tưởng
Nói tổng quát thì đối tượng của ý tưởng là tất cả những gì được nhận thức xuyên qua một ý tưởng (ob-jicitur là cái được đặt trước trí năng nhận thức)
Đối tượng chất thể của ý tưởng là sự vật được cứu xét trong chính nó, trong toàn thể tính của nó. Còn đối tượng mô thể là một khía cạnh xác định của sự vật; và dưới khía cạnh này, sự vật đó được nhận thức. Trong mọi ý tưởng đầu tiên, luôn luôn có một khía cạnh đặc thù của đối tượng được thấu hiểu. Khía cạnh đặc thù này trình bày nội dung hay nội hàm (compréhension) của ý tưởng. Dần dần chúng ta có thể phát biểu nhiều ý tưởng liên can đến cùng một đối tượng và rồi liên kết những ý tưởng đó lại với nhau; như thế liên hệ đến con người, chúng ta quan niệm được các ý tưởng: bản thể (substance), sinh vật (vivant), khả giác (sensible).
Như thế, nội hàm của ý tưởng nói lên cái đặc điểm hay những đặc điểm được trình bày trong ý tưởng. Còn ngoại trương (extension) của ý tưởng lại biểu thị toàn thể những thực tại, nhờ đó nội hàm hay nội dung của ý tưởng có thể được xác nhận. Tương quan giữa nội hàm và ngoại trương của một ý tưởng thì thường trái ngược nhau, nghĩa là nội hàm càng lớn thì ngoại trương càng nhỏ, và ngược lại. (18)
* Ghi chú: Khái niệm chủ thể (subjectif) và khái niệm khách thể (objectif): nơi những tác giả cận đại, những từ ngữ này thường được dùng theo một ý nghĩa mập mờ lẫn lộn.
Khi một khái niệm được xét như là cái đụng chạm tới chủ thể, hoặc như một tùy thể (accident) xẩy đến cho chủ thể thì khái niệm đó được gọi là thuộc chủ thể. Thực ra tốt hơn nên nói rằng đó là “một khái niệm được cứu xét một cách chủ quan”. Còn khi một khái niệm được xét như là một sự trình bày hay trong sự qui chiếu vào nội dung của khái niệm thì khái niệm đó được gọi là thuộc khách thể; tốt hơn nên gọi khái niệm đó là “khái niệm được xét một cách khách quan”.
Một khái niệm được cứu xét cách khách quan thì hoàn toàn tương ứng với đối tượng mô thể của nó. Hai kiểu nói này cùng diễn tả một sự nhận thức được cứu xét theo hai phương diện: phương diện của chủ thể nhận thức, đó là khái niệm được cứu xét cách khách quan; và phương diện của đối tượng được nhận thức, đó là đối tượng mô thể.
III. PHẦN CHIA CÁC Ý TƯỞNG
1/. Chiếu theo nguồn gốc
a) Ý tưởng nguyên thủy (idée primitive): ý tưởng này được tạo ra dưới ảnh hưởng của một đối tượng đang hiện diện và là đối tượng được trình bày theo sự tương đồng riêng của nó. ( vd: Bông hoa, quyển sách, đẹp…)
b) Ý tưởng cấu thành (construite – facticia): ý tưởng này được tạo ra do hoạt động của trí năng khởi đi từ những ý tưởng nguyên thủy đã đắc thủ được. Ý tưởng cấu thành có thể là võ đoán hay suy luận, diễn dịch. Là võ đoán (arbitraire), nếu ý tưởng đó được tạo ra bằng cách nối kết những ý tưởng nguyên thủy lại (vd: cái núi vàng); hoặc bằng cách không nhận ý tưởng nguyên thủy như một cái gì đó tích cực (vd: bóng tối)… Ý tưởng cấu thành là suy luận hay diễn dịch (discursive, déductive) nếu nó được tạo ra nhờ một suy luận.(Vd: ý tưởng về Thiên Chúa)
2/. Chiếu theo sự hoàn thiện, theo đó đối tượng được trình bày
a) Ý tưởng tối nghĩa (obscure), nếu nó không trình bày một đối tượng như được phân biệt khỏi đối tượng khác, vd: ý tưởng “động vật” so với con người.
b) Ý tưởng rõ nghĩa (claire), nếu nó trình bày đầy đủ một đối tượng như được phân biệt khỏi các đối tượng khác, vd: ý tưởng về “ tính dễ cười” so với con người.
Ý tưởng rõ nghĩa lại có thể là mập mờ hay phân minh. Mập mờ (confuse), nếu nó trình bày đối tượng của nó bằng một hay những đặc điểm không thiết yếu.- Phân minh (distincte), nếu nó trình bày đối tượng của nó bằng những đặc điểm thiết yếu của đối tượng đó, vd: ý tưởng “động vật có lý trí” so với người.
3/. Chiếu theo nội hàm của ý tưởng
a) Ý tưởng tích cực và tiêu cực
– Tích cực (positive), nếu nội hàm trình bày một sự hoàn hảo, vd: thị giác, sự sáng mắt…
– Tiêu cực (négative), nếu nội hàm không nói lên sự hoàn hảo, vd: sự mù lòa.
b) Ý tưởng đơn và ý tưởng kép
– Ý tưởng Đơn (simple), nếu nội hàm chứa đựng một đặc điểm duy nhất, và đặc điểm này không thể bị giản lược vào những đặc điểm khác, vd: ý tưởng về hữu thể…
– Ý tưởng Kép (composée), nếu nội hàm chứa đựng một đặc điểm, mà đặc điểm này lại có thể giản lược vào những đặc điểm khác, vd: ý tưởng “động vật” có thể phân giải thành: vật thể, sinh vật, khả giác. (19)
c) Ý tưởng cụ thể hay trừu tượng
– Cụ thể (concrète), nếu nội hàm trình bày một chủ thể cùng với mô thể hay sự hoàn hảo của nó, vd: ý tưởng nhà hiền triết, nghĩa là một người có mô thể là sự khôn ngoan.
– Trừu tượng (abstraite), nếu nội hàm nói về mô thể không có chủ thể, vd: ý tưởng sự khôn ngoan.
4/. Chiếu theo ngoại trương
a) Ý tưởng phổ quát (universelle) là ý tưởng bao gồm nhiều cá thể và được xác nhận một cách đơn nghĩa, riêng biệt và theo ý nghĩa đầy đủ của nó. Đơn nghĩa (univoque) là theo cùng một ý nghĩa; riêng biệt (respective) nghĩa là nội hàm của ý tưởng được nhân lên theo số của các vật hạ đẳng; theo ý nghĩa đầy đủ của nó nghĩa là toàn nội hàm được nhân lên.
Ngoài ra còn có ý tưởng phổ quát trực tiếp và ý tưởng phổ quát phản tỉnh:
– Ý tưởng phổ quát trực tiếp (universelle directe) nói lên rằng nội hàm của ý tưởng đó được cứu xét trong chính nó, bằng cách trừu xuất sự cá biệt hoá và như thế có thể áp dụng ý tưởng đó vào nhiều cá thể(20).
– Ý tưởng phổ quát phản tỉnh (réflexe) biểu thị rằng nội hàm của nó được cứu xét một cách đặc biệt xét như nó đã trừu xuất sự cá biệt hóa, và đặc biệt xét như nó có thể áp dụng vào các vật hạ đẳng. Nó được gọi là phản tỉnh bởi vì đòi phải có một sự trở về với ý tưởng phổ quát trực tiếp để so sánh ý tưởng này với những vật hạ đẳng và để thấy rằng ý tưởng đó có thể áp dụng vào những vật hạ đẳng (21).
b) Ý tưởng đặc thù (particulière), ý tưởng này tự nó là một ý tưởng phổ quát, nhưng ngoại trương của nó lại bị giới hạn vào một số cá thể bởi những từ ngữ hạn hẹp như những chữ: “một vài, nhiều”. Vd: vài chủng sinh. (22)
5/. Phạm trù và thuộc từ (prédicament et prédicable)
Chúng ta có thể có nhiều khái niệm về cùng một đối tượng. Những khái niệm hay những ý tưởng phổ quát trực tiếp này, theo nội hàm của chúng, phải tùy thuộc một cách có phẩm trật vào một Bộ tối thượng (genre suprême). Cái Bộ tối thượng này, chỉ nó hay cùng với loạt bộ những thứ dưới nó, mới được gọi là phạm trù (prédicament) hay khuôn khổ (catégorie). Trong cây phạm trù hệ của Porphyre (23), phạm trù Bản thể xuất hiện như sau: bản thể, vật thể, sinh vật, động vật, người, cá nhân nọ, cá nhân kia như anh Ất, anh Giáp… Ở đây chỉ cứu xét những ý tưởng phổ quát trực tiếp. Theo Aristote và sau ông ta, nói chung các tác giả đã chủ trương có mười phạm trù, một bản thể và chín tùy thể:
– Bản thể (substantia),
– Số lượng (quantitas),
– Tương quan (relatio),
– Phẩm tính (qualitas),
– Hành động (actio),
– Thụ động (passio),
– Thời gian (tempus),
– Không gian (ubi),
– Thái độ (situs),
– Tập quán (habitus). (24)
Thuộc từ (prédicable) chỉ thị cách thế theo đó nội hàm của một ý tưởng phổ quát được xác nhận cho một đối tượng. Có 5 thuộc từ trong đó ba cái thuộc về cơ cấu thiết yếu của đối tượng, vd: thể cách theo đó áp dụng cho người: thuộc từ “động vật” như Bộ (genre) của người; thuộc từ “hữu tri” như một dị biệt (différence spécifique) của người; thuộc từ “động vật hữu tri”như loại (espèce) của người; thuộc từ “biết cười” như đặc tính (propriété), không thuộc về nhưng thiết yếu đi theo yếu tính (essence) của người; thuộc từ “ nhạc sĩ ” như tùy thể (accident) của con người, nghĩa là sự hoàn hảo vì là nhạc sĩ là chuyện tùy phụ đối với con người, – người vẫn là người hoàn toàn dù không là nhạc sĩ. Bởi vì thuộc từ không trực tiếp cứu xét chính nội hàm của ý tưởng, mà chỉ cứu xét thể cách, theo đó nội hàm này được áp dụng cho những vật cấp dưới, cho nên giả thiết phải có sự suy tư phản tỉnh và như thế thuộc về ý tưởng phổ quát phản tỉnh hay thuộc về trật tự luận lý. (25)
IV. TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC Ý TƯỞNG
Theo tương quan hỗ tương giữa các ý tưởng, ta có các ý tưởng sau:
1/. Đồng nhất (identique): nếu nội hàm của chúng là đồng nhất hay là một. Vd: người và vật hữu tri. (hoặc: Thiên Chúa và Tình yêu – ND)
2/. Liên quan (connexe): nếu nội hàm của các ý tưởng hàm chứa nhau. Vd: cha và con. (hoặc: Tạo hoá và tạo vật – ND)
3/. Ly tạp (disparate): nếu nội hàm của các ý tưởng không hàm chứa nhau, cũng không nói lên sự liên hệ hỗ tương. Vd: người lính và nước uống.
4/. Tương hợp (compatible): nếu những ý tưởng không nói lên sự đối lập hỗ tương và lại có thể liên kết được với nhau. Vd: người và trắng. (hoặc: Hoa và đẹp – ND)
5/. Bất tương hợp hay đối lập (incompatible ou opposée): nếu những ý tưởng loại trừ nhau; sự loại trừ này có thể xẩy ra theo nhiều cách khác nhau và những ý tưởng có thể là:
a) Đối lập mâu thuẫn (contradictoirement opposée): nếu ý tưởng này xác nhận sự hoàn thiện, còn ý tưởng kia lại phủ nhận, vd: khoa học và vô khoa học. (hoặc: Đức tin và vô tín – ND)
b) Đối lập khuyết phạp (privativement opposée): nếu ý tưởng này xác nhận sự hoàn thiện, còn ý tưởng kia lại không nhận chủ thể có thể có sựû hoàn thiện đó. Vd: sự sáng mắt và sự mù lòa. (hoặc: Thính tai và điếc lác -ND)
c) Đối lập tương khắc (contrairement opposée): nếu hai ý tưởng nói lên hai thái cực trong cùng một phẩm tính hay cùng một chủng Bộ (genre) sự vật. Vd: trắng và đen trong mầu sắc.
d)- Đối lập tương quan (relativement opposée): nếu hai ý tưởng diễn tả hai đối tượng hàm chứa một phẩm trật giữa chúng. Vd: chủ và tớ. (Thầy và trò -ND)
B. TỪ NGỮ (Terme)
I. BẢN CHẤT VÀ SỰ PHÂN CHIA KÝ HIỆU
1/. Ký hiệu (signe): là cái làm cho ta nhận thức được một thực tại khác (26). Do đó trong bất cứ một ký hiệu nào cũng đều có những yếu tố này:
– Ký hiệu: cái biểu thị.
– Thực tại được biểu thị.
– Sự liên kết giữa ký hiệu và thực tại được biểu thị.
– Con người: nhận biết được thực tại nhờ ký hiệu.
2/. Sự phân chia ký hiệu
a) Ký hiệu tự nhiên (naturel): nếu sự liên kết giữa ký hiệu và thực tại được biểu thị, đặt nền trên bản chất của các sự vật và có thể được con người nhận biết cách dễ dàng, vd: sự liên kết giữa khói và lửa. (hoặc: Mây và mưa nắng; Nhịp tim và bệnh tim -ND). Ký hiệu võ đoán (arbitraire), nếu sự liên kết này được xác định bởi sự qui ước của con người, vd: sự liên kết giữa bông huệ và sự trinh khiết. (Chim bồ câu và sự hoà bình – ND)
b) Ký hiệu bày tỏ (manifestatif): nếu ký hiệu chỉ cho thấy sự hiện hữu của một thực tại, vd: tiếng rên của bệnh nhân chứïng tỏ có sự đau đớn. Ký hiệu giả định (suppositif), nếu ký hiêụ không những nói lên sự hiện hữu của một thực tại khác mà còn chiếm chỗ của thực tại đó. Vd: quốc kỳ của một nước.
3/. Từ ngữ: vì khái niệm là một tác động nội tại, nên khái niệm của ai đó chỉ có thể được người khác nhận biết nhờ những ký hiệu, đặc biệt nhờ những từ ngữ. Theo những gì chúng ta vừa nói về những loại ký hiệu khác nhau thì từ ngữ là ký hiệu võ đoán và giả định của một khái niệm được cứu xét cách khách quan. Điều này có nghĩa là trong luận lý học, từ ngữ chiếm vị thế của thực tại được biểu thị và rằng từ ngữ được dùng chủ yếu để trình bày thực tại này chứ không trình bày khái niệm của từ ngữ.
II. PHÂN LOẠI TỪ NGỮ
Vì từ ngữ là ký hiệu của khái niệm hay ý tưởng, nên sự phân loại các từ ngữ cũng giống như sự phân loại các ý tưởng: ở đây chúng ta chỉ thêm vào một vài sự phân chia riêng của từ ngữ.
1/. Chiếu theo ý nghĩa của từ ngữ
a) Từ ngữ khả thích dụng (terme catégorématique) là từ ngữ khi được hiểu riêng, đã có đủ nghĩa. Vd: người.
b) Từ ngữ phó dụng (syncatégorématique) là từ ngữ đứng một mình thì không đủ nghĩa. Nó chỉ đủ nghĩa khi được liên kết với một từ ngữ khác được nó phẩm định cho. Vd: tất cả, một vài, mấy, hết mọi, không một…
c) Từ ngữ đơn nghĩa (univoque): là từ ngữ được gán cho nhiều thực tại theo cùng một nghĩa, vd: từ ngữ động vật có thể gán cho người và cho sư tử.
d) Từ ngữ dị nghĩa (équivoque): là từ ngữ được gán cho nhiều thực tại theo một nghĩa hoàn toàn khác, vd: từ ngữ “crâne” trong tiếng Pháp vừa có nghĩa là cái sọ (một phần của cái đầu) vừa có nghĩa là gan dạ, người không biết sợ (27).
e) Từ ngữ loại suy (analogue) là từ ngữ được gán cho nhiều thực tại theo một nghĩa tương tự (nghĩa là một phấn thì giống, một phần thì khác), vd: sự thánh thiện được gán cho Thiên Chúa và cho người.
2/. Chiếu theo nội hàm
a) Từ ngữ tuyệt đối (absolu), là một bản thể dựa vào chính nó, vd: từ ngữ “người”.
b) Từ ngữ hàm súc (connotatif): là một tùy thể phải đính kết với một bản thể, vd: sự khôn ngoan.
c) Từ ngữ đơn (simple): là từ ngữ chỉ có một chữ và biểu thị một thực tại đàng hoàng.
d) Từ ngữ kép (composé): được ghép bởi nhiều chữ và biểu thị một thực tại kèm với thuộc từ của nó, vd: Thiên Chúa toàn năng. Trong trường hợp từ ngữ kép, từ ngữ biểu thị thực tại được gọi là chính, còn từ ngữ kia được gọi là thứ yếu. Từ ngữ thứ yếu này có thể là tiếng giải thích (explicatif) cho tiếng chính nếu nó hợp với tiếng chính theo tất cả ngoại trương của nó, vd: con người phải chết. Tiếng thứ yếu cũng có thể là tiếng giới hạn (restrictif) nếu nó hợp với tiếng chính theo một phần ngoại trương của nó, vd: con người thông thái.
3/. Chiếu theo ngọai trương
– Từ ngữ riêng (propre) là từ ngữ biểu thị một thực tại đặc thù, vd: Ông Socrate.
– Từ ngữ chung (commun) diễn tả một ý tưởng phổ quát, vd: người.
– Từ ngữ tập hợp (collectif) là từ ngữ chỉ có thể gán cho nhiều thực tại được hiểu chung với nhau, thí dụ: quân đội. (hoặc: Linh mục đoàn, Chủng sinh đoàn – ND)
III. SỰ GIẢ ĐỊNH CỦA CÁC TỪ NGỮ
Cùng với ý nghĩa riêng của mình, một từ ngữ có thể có những ý nghĩa khác. Những ý nghĩa này thường phải hiểu theo mạch văn. Sự giả định của một từ ngữ biểu thị một ý nghĩa được xác định như thế nào. Những giả định chính là như sau:
Giả định:
1/. Giả định luận lý (supposition logique), khi một từ ngữ được hiểu như một trong 5 thuộc từ, vd: Người là một loại; Nhân đức là một tùy thể. Giả định thực sự (réelle), khi một từ ngữ được hiểu cho thực tại được biểu thị, vd: Người là con vật biết lý luận; Nhân đức là một phẩm tính luân lý.
2/. Giả định thực sự tuyệt đối (réelle absolue), khi một từ ngữ được hiểu theo nội hàm của nó mà không qui chiếu gì về những vật hạ đẳng chứïa đựûng trong ngọai trương của nó, vd: Người là một con vật biết lý luận; (hoặc: Chó là con vật thính mũi – ND). Giả định thực sự tương đối (relative), trái lại, thì lại qui chiếu về những vật hạ đẳng, vd: Người (nghĩa là Adam) đã làm hư hỏng chúng ta.
3/. Giả định tương đối tập hợp (collective), khi một từ ngữ áp dụng cho các vật hạ đẳng được hiểu chung với nhau, vd: những bí tích thì có bảy. Giả định tương đối phân phối (distributive), khi một từ ngữ được áp dụng cho các vật hạ đẳng hiểu một cách riêng rẽ, cá thể, vd: những tội lỗi (nghĩa là mỗi tội) đều là những xúc phạm đến Thiên Chúa.
4/. Giả định phân phối
– Giả định phân phối chung (commune), khi một từ ngữ được áp dụng cho tất cả các vật hạ đẳng. Vd: Chúa Kitô đã chết cho các tội nhân (nghĩa là cho tất cả mọi tội nhân).
– Giả định phân phối đặc thù (particulière), khi một từ ngữ được áp dụng cho một thành phần trong các vật hạ đẳng, vd: con người (nghĩa là một số người) đã đóng đinh Con Thiên Chúa.
– Giả định phân phối riêng biệt (singulière), khi một từ ngữ được áp dụng cho một cá thể xác định trong số các vật hạ đẳng, vd: Người (nghĩa là chúa Kitô) đã cứu chuộc chúng ta.
5/. Giả định đặc thù xác định(déterminée), khi một từ ngữ được áp dụng cho một thành phần được xác định trong các vật hạ đẳng, vd: các đại chủng sinh Đại chủng viện này đã đạt được những khen thưởng. Giả định đặc thù bất định (indéterminée) khi một từ ngữ được áp dụng cho một thành phần bất định trong các vật hạ đẳng, vd: để băng qua biển thì rất cần một chiếc tàu nào đó. (28)
C. PHỤ LỤC VỀ SỰ ĐỊNH NGHĨA
Chúng ta nhận thức được một thực tại bằng cách tạo ra những khái niệm và chúng ta diễn tả những khái niệm này bằng những từ ngữ. Sự nhận thức của chúng ta về một thực tại có thể là hoàn hảo ít hay nhiều; điều này xảy ra trong việc chúng ta định nghĩa thực tại đó. Vì thế chúng ta nói một chút về sự “định nghĩa” sau khi đã nói về khái niệm và từ ngữ.
1/. Ý niệm về sự định nghĩa
Định nghĩa nói lên ý tưởng về một sự vật, nhờ đó sự vật này được phân biệt với các vật khác. Nói khác đi, định nghĩa là ý niệm hay sự nhận thức đầy đủ về một thực tại. Khi thực tại được diễn tả bằng lời nói thì định nghĩa là một công thức vắn, đầy đủ để giải thích thực tại đó. (29)
2/. Phân loại định nghĩa
a) Định nghĩa chiếu danh (définition nominale): là một công thức giải thích vắn tắt ý nghĩa của một từ ngữ. Định nghĩa chiếu danh có thể là chung hay riêng. Chung(commune), nếu ý nghĩa phù hợp với sự sử dụng thông thường cái từ ngữ đó. Riêng hay võ đoán (privée ou arbitraire), nếu ý nghĩa được tạo ra do người sử dụng từ ngữ đó. (30)
b) Định nghĩa chiếu thực (réelle): là một công thức giải thích một thực tại bằng những đặc điểm làm nên thực tại đó. Định nghĩa chiếu thực có thể là thiết yếu hay mô ta.í Thiết yếu (essentielle), nếu những đặc điểm cấu tố (notes constitutives) này tạo ra yếu tính của thực tại. Mô tả (descriptive), khi những đặc điểm này diễn tả những đặc tính của thực tại, vd: người là kẻ có khả năng nói; hay khi những đặc điểm này diễn tả những tùy thể của một thực tại mà nếu hiểu tách biệt thì cũng thích hợp với thực tại khác, còn nếu hiểu chung thì chỉ trình bày cái thực tại đang được bàn tới, vd: người là một hữu thể thuộc trần gian, được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh Ngài, để ca ngợi Thiên Chúa và để được hạnh phúc. (31)
3/. Những luật về sự định nghĩa: (32), (33)
a) Sự định nghĩa phải tích cực (positive) nghĩa là phải cho biết thực tại là cái gì, chứ không phải chỉ nói lên cái mà thực tại không là ( nghĩa là những gì không phải là thực tại).
b) Định nghĩa phải rõ ràng (claire) hơn thực tại được định nghĩa. Như thế, định nghĩa không thể hài lòng với việc lặp lại nội dung của thực tại này. Cũng phải tránh những ẩn dụ hay những kiểu diễn tả khó hiểu (tối nghĩa).
c) Định nghĩa phải hoán chuyển được với thực tại được định nghĩa, nghĩa là định nghĩa phải dẫn tới toàn bộ thực tại được định nghĩa và chỉ thực tại này thôi (34).
————————————————–
Chú thích:
(7) Nội tại (immanent) ở trong, sự kiện tâm linh là sự kiện nội tại trong tâm hồn. Opération immanente khác opération transitive (hoạt động hướng ngoại, hướng tha)
(8) Ý thức (conscient, conscience): khả năng nhận thức các sự kiện tâm linh, khác với giác quan là khả năng nhận thức các sự kiện vật lý.
(9) Hữu hướng (intentionnel): ý nhắm của sự kiện tâm linh: Yêu, phải là yêu ai, i.e phải có một hướng tới.
(10) Trừu Xuất (abstraire): trí năng có ba cách trừu xuất:
– Tách hình thức ra khỏi chủ thể, vd: chỉ lưu ý đến học thức, không lưu ý đến người học thức.
– Từ những cái cụ thể riêng biệt, rút ra cái phổ quát trừu tượng, vd: từ những hình tam giác, rút ra: Có ba góc.
– Cứu xét riêng biệt một cái mà không để ý đến những cái khác cũng trong một đối tượng, vd: chỉ xét tính cách vật hữu tri nơi anh Giáp…
(11) Nhận thức Trí năng – Connaissance intellectuelle
– Trong trí: Ý tưởng –> Phán đoán –> Suy luận
– Cách biểu lộ: Từ ngữ –> Mệnh đề –> Luận cứ
(12) Ý tưởng (idée): hình ảnh thay thế sự vật chịu nhận thức và biểu hiện trong trí khôn để trí khôn biết sự vật không hiện diện đang ở bên ngoài.
(13) Sơ niệm (simple appréhension): quan niệm đầu tiên về một vật, chưa phán đoán cũng chưa suy luận, vd: nghĩ tới người và thông giỏi, nhưng chưa phán đoán ai thông giỏi.
(14) Khái niệm (concept) ý tưởng tổng quát trừu tượng hay biểu thị tinh thẩn về bản tính trừu tượng của sự vật nhờ đó trí khôn có thể tự bảo mình cho biết vật đó là gì, vd: Thú tính là một khái niệm chung cho chó, mèo, heo, gà…
(15) Tâm Từ (verbe mental): từ ngữ hay tiếng nói trong tâm hồn trước khi được diễn tả ra ngoài bằng ngôn ngữ âm thanh.
(16) Ảnh niệm mô tả (espèce expresse): một ảnh niệm diễn tả một cái gì trong trí khôn gọi là ảnh niệm mô tả. Aính niệm mô tả có tính cách hữu hướng, i.e. hướng về một vật nào đó để cho nó có một ý nghĩa.
(17) Mô thể hữu hướng (forme intentionnelle) hay sự chú ý (intention), cái làm cho trí khôn hướng thẳng đến sự vật bên ngoài, nhờ đó sự vật bên ngoài hiện diện trước trí khôn; cái làm cho trí khôn để ý đến một vật hơn những vật khác.
(18) Nội hàm (compréhension) và Ngoại trương (extension). Nội hàm là tính chất chứa trong một ý tưởng. Nội hàm biểu thị cái gì thuộc về yếu tính, bản tính, nghĩa là cái tổng hợp thành bản tính sự vật biểu hiện trong trí khôn. Còn ngoại trương là toàn thể những thực tại gồm trong ý tưởng đó. Ngoại trương là tư cách tất nhiên theo sau việc trừu xuất và đòi phải có nội hàm trước. Nội hàm càng lớn thì ngoại trương càng nhỏ, và ngược lại, ví dụ:
* Ý tưởng “NGƯỜI VIỆT NAM”
– Nội hàm (lớn): da vàng mũi tẹt, hiếu học, hiếu khách, cần cù, kiên nhẫn, đoàn kết.
– Ngoại trương (nhỏ): chỉ những ai có những đặc tính trên.
* Ý tưởng “NGƯỜI”
– Nội hàm (lớn): vật thể, sinh vật, nhận thức, tình cảm, hiểu biết (lý tính, tinh thần), yêu (tự do, ý chí), bất tử tính…
– Ngoại trương (nhỏ): chỉ loài vật có những đặc tính trên mới gọi là người, chứ không phải mọi con vật hay mọi thứ vật chất…
(19) Ý tưởng Đơn và ý tưởng Kép
+ Hai ví dụ về ý tưởng đơn:
– “Hữu thể”: người, chó, mèo, gà, tủ, giường, bàn, ghế…
– “Đàn bà”: mẹ tôi, mẹ anh, bà A, bà B, cô Xoài, cô Mít…
+ Hai ví dụ về ý tưởng kép:
– “Động vật”: vật thể, sinh vật, loài khả giác..
– “Người”: thiêng liêng tính, lý tính, tự do tính, nhân tính…
(20) Ý tưởng phổ quát trực tiếp, vd: Ý tưởng “NGƯỜI” bao gồm hay áp dụng được cho rất nhiều thực tại như: anh Giáp, Ất, Bính, Đinh…(liên hệ tới 10 phạm trù)
(21) Ý tưởng phổ quát phản tỉnh: nói tới Giáp, Ất, Bính, Đinh…ta hiểu ngay đó là NGƯỜI… (liên hệ tới 5 thuộc từ)
(22) Ý tưởng đặc thù: nói tới NGƯỜI thì có thể hiểu được cho rất nhiều thực thể, nhưng khi nói “vài người” thì hiểu là chỉ nói đến một vài thực thể trong những thực thể nói trên.
(23) BẢNG PHẠM TRÙ của PORPHYRE
* Nhận xét:
Nhìn vào Bảng Phạm trù của Porphyre, ta thấy có một sự đi dần xuống từ những ý niệm thượng đẳng (concept supérieur) tới những ý niệm hạ đẳng (con. inférieur). Khái niệm thượng đẳng luôn hàm chứa trong khái niệm hạ đẳng, i.e. trong khái niệm hạ đẳng, có khái niệm thượng đẳng. Khái niệm thượng đẳng bao giờ cũng có một ngoại trương lớn hơn khái niệm hạ đẳng. Nhưng khái niệm hạ đẳng (xét về phương diện qui gán một thuộc từ cho chủ từ bởi động từ THÌ, LÀ) thì lại là chủ từ của mệnh đề có thuộc từ là khái niệm thượng đẳng, vd: Người là một sinh vật; Thực vật là sinh vật; anh An là người.
(24) PHẠM TRÙ – PRÉDICAMENT: theo Aristote, khi ta nói, tức phán đoán về sự vật, nhất định ta có những quan niệm trong 10 phạm trù và chỉ trong số 10 phạm trù thôi. Aïp dụng: Anh Ất (substance), một người đẹp trai (qualité), cao ráo nặng ký (quantité), con ông Giáp (relation), đang làm việc (action), ở ngoài ruộng (espace) thì bị rắn cắn (passion) hôm qua (temps), nên bây giờ anh ta đang lên cơn sốt (état)
Phê bình Bảng Phạm Trù của Aristote: Kant bảo đó là những phạm trù của lãnh vực thường nghiệm và thông thường. Cho nên Kant nhắm nghiên cứu luận lý học dưới phương diện siêu nghiệm và nghiên cứu chính khả năng phán đoán của con người.
(25) THUỘC TỪ – PRÉDICABLE:
(26) Ký hiệu là một thực tại khả giác hữu hình, cho ta biết một vật khác với chính ký hiệu:
– Khả gíác: dùng giác quan biết được.
– Cho ta biết một vật: nên ký hiệu phải được nhận biết trước vật được biểu thị, vd: Biết khói rồi mới biết lửa; Biết quốc kỳ rồi mới nghĩ đến quốc gia…- Cần phân biệt cụ hiệu (signe instrumental) với mô hiệu (signe formel): hình ảnh của vật chịu nhận thức ở trong trí khôn, hay mô thể của một vật.
– Khác với chính ký hiệu: như đã nói có 3 yếu tố trong ký hiệu: vật biểu thị, vật được biểu thị, liên hệ giữa vật biểu thị với vật được biểu thị.
(27) Trong tiếng Việt, cũng có những từ ngữ tương tự như thế, vd: từ ngữ “đường” vừa là đường ăn, vừa là đường đi – Nên biết: Dị nghĩa chỉ có trong khẩu từ (verbe oral), chứ không trong tâm từ (verbe mental)
(28) Công dụng của sự gỉa định:
Gỉa định là để cho nhận thức của ta được chân thực vì nhận thức chân thực là biết sự vật đúng như hiện hữu thực sự của nó. Vậy nếu danh từ chỉ thị ý niệm suông mà không thay thế cho sự vật thì ta không thể nói được “người là vật”, vì quan niệm người không phải là quan niệm vật; cũng không thể quyết “tường trắng” vì ý niệm “tường” không phải là ý niệm “trắng”. Nhưng nếu những danh từ đó hiểu về những sự vật bên ngoài thì những câu đó mới đúng, vì thực sự ở ngoài, người là vật. Cũng thế, ảnh tượng không phải chỉ hình dung ý niệm về người hay vật có hình ảnh mà còn thay thế cho chính người và vật, cho nên ta mới tôn kính ảnh tượng các thánh hoặc thờ lạy Thánh gía…
(29) Chữ “Định nghĩa” dịch danh từ definitio, bởi động từ definire có nghĩa là phân giới hạn. Trong luận lý, định nghĩa là việc hạn định một khái niệm để biệt nó với một khái niệm khác, nhưng theo thực nghĩa thì định nghĩa là lời nói giải thích yếu tính một vật.
(30) Định nghĩa chiếu danh không phải là định nghĩa thật vì chỉ cắt nghĩa sự vật theo danh từ biểu thị nó chứ không nói là vật gì. Có 3 cách định nghĩa chiếu danh:
– dùng tiếng khác, vd: l ’ homme là người.
– dùng tiếng rõ hơn,vd: chlorure de soude là sel, i.e. muối.
– cắt nghĩa theo tự nguyên, vd: philosophie là philos và sophia, i.e. yêu sự khôn ngoan.
(31) Định nghĩa chiếu thực: giải thích sự vật là gì. Có 3 cách:
– Định nghĩa yếu tính (définition essentielle) giải nghĩa rõ ràng yếu thể sự vật hợp thành bởi những đặc điểm yếu thể nào hoặc những phân thể cốt yếu nào. * Định nghĩa theo phân thể cốt yếu có thể phân biệt ở ngoài thiên nhiên thì gọi là định nghĩa yếu thể vật lý, vd: Người là một bản thể hợp thành bởi hồn thiêng và thể xác…* Còn định nghĩa theo bộ loại, theo cách nhận thức trong trí khôn thì gọi là định nghĩa yếu thể siêu hình, vd: Người là động vật hữu lý.
– Định nghĩa nguyên nhân (déf. causale): là giải nghĩa vật theo nguyên nhân của nó (nguyên nhân tác thành, cứu cánh, mô thể, chất thể), vd: linh hồn là hình thức được Thiên Chúa tạo nên giống hình ảnh của Người để được hưởng kiến Người.
– Định nghĩa mô tả (déf. descriptive) là giải nghĩa yếu thể sự vật nhưng không diễn tả những trưng biểu nội dung của nó, vd: Người là vật biết cười.
(32) Luật Về Định Nghĩa:
a- Vật chịu định nghĩa phải duy nhất tự nó (en soi) vì nếu sự vật là một nhất thể ngẫu nhiên (ens unum per accidens) thì sẽ có nhiều yếu tính, và mỗi yếu tính đòi một định nghĩa riêng, mà một định nghĩa không thể đề cập đến nhiều yếu tính.
b- Vật chịu định nghĩa phải phổ thông vì lời định nghĩa diễn tả chính bản tính vật. Cho nên những cái đơn độc cụ thể và những hoàn cảnh ngoài bản tính không thể định nghĩa đúng ý được.
c- Vật chịu định nghĩa phải là Loại (espèce); loại là cái lý phổ thông gồm trong Bộ (genre) và định nghĩa yếu tính phải có khái niệm đó.
d- Vật chịu định nghĩa phải là một thực thể hoàn bị (être complet) vì sự vật nào định nghĩa cũng theo thực thể hoàn bị của nó.
e- Lời định nghĩa phải theo Bộ (genre) gần hơn cả và theo yếu tính loại biệt (différence spécifique) vì định nghĩa phải nói rõ tất cả bản tính sự vật và là bản tính hoàn bị của sự vật kết thành bởi Bộ và Loại.
f- Lời định nghĩa phải vắn tắt nghĩa là phải loại trừ những tiếng làm tối nghĩa như câu: “Người là vật có trí khôn hay chết”: tiếng “hay chết” là dư thừa vì ngụ ý trong tiếng vật.
(33) Phương pháp ĐỊNH NGHĨA: có hai cách: phân tích (analyse) và tổng hợp (synthèse)
a- Phân tích: là đi từ cái phổ thông hơn đến cái ít phổ thông, từ Bộ thượng đẳng đến Bộ hạ đẳng, cho đến khi tìm được Loại có thể hoán chuyển với sự vật chịu định nghĩa.
b- Tổng hợp: đi từ cá thể đến phổ thông, cho đến khi tìm ra nguyên lý chung cho tất cả những cá thể. Khi tìm được các cá thể đơn độc có những điểm giống nhau, điểm chung, điểm riêng…là tìm được Bộ và Yếu tính loại biệt để định nghĩa.
(34) Không được định nghĩa rộng hơn, vd: “Người là vật sống có cảm giác”: hàm hồ! vì khi hoán chuyển sẽ là: “Vật sống có cảm giác là người” – Biết bao vật sống có cảm giác mà đâu phải là người…- Cũng không được định nghĩa hẹp hơn, vd: Người là vật thánh thiện.