LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA: TỪ VATICAN II ĐẾN NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT (2016)

0
1417

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA:
TỪ VATICAN II ĐẾN NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT (2016)

         Lm Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

Dẫn nhập

Cùng đi vào dòng chảy tư duy của Giáo hội, tôi muốn tìm hiểu cho chính mình để có thể chia sẻ với mọi tín hữu những xác tín đức tin về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Đức tin ấy không phải chỉ là chuyện cá nhân riêng rẽ. Không. Chân lý đức tin vào Thiên Chúa nhân hậu thấm nhập vào từng góc cạnh của đời tín hữu, cá nhân, giáo hội, xã hội, để làm cho cuộc đời nên đẹp tươi, sung mãn. Cả toàn Giáo hội, từ lúc khởi đầu cho đến kết thúc, đều mắc nợ vị Thiên Chúa này. Chính vì thế, ta hiểu được điều thánh Augustinô thốt lên: “Trong 13 cuốn sách, tôi tuyên xưng, ca ngợi Thiên Chúa chính trực và tốt lành khi các chương đó nói về hoặc là điều xấu hoặc điều tốt của tôi, và chúng muốn khơi động tâm trí và tình mến của con người dành cho Ngài”.[1]

Bài này, tôi sẽ sơ lược qua Vatican II dưới ánh sáng của Thiên Chúa xót thương, rồi tôi sẽ trình bày Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” bị lãng quên cách nào đó của Đức Gioan Phaolô II.[2] Đoạn tôi đi tới thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu” của Đức Bênêđictô XVI. Sau khi khảo sát văn kiện của Đức Phanxicô khi tuyên bố Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi muốn thoáng qua lòng thương xót ấy mang lấy vài nét tiêu biểu nào trong triền suy tư mục vụ của FABC. Bằng cách đó, tôi gợi lên một vài nét mục vụ của Giáo hội được khởi hứng và trải nghiệm Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

I. Vatican II làm sống dậy cảm thức tín hữu về Thiên Chúa xót thương

Trước bầu khí nghi kỵ và thù hằn đối với Giáo hội, đối diện với hình ảnh của một Giáo hội luật lệ, kết án, đứng trước những vết thương của hai cuộc thế chiến, Vatican II muốn khai mở một chương mới của Giáo hội, chương của lòng thương xót. Thật vậy, Đức Gioan XXIII đã chẳng xác định rằng con người ngày nay cần đến phương dược của lòng thương xót là gì?[3] Với ánh sáng đó, Vatican II tiên vàn không muốn trở thành vị thẩm phán, cho bằng trở thành cộng đoàn những tội nhân được xót thương và công bố lòng xót thương mới cứu thế giới.[4] Hướng đi đó đã tác động trên Công đồng mà ai cũng có thể nhận ra: khác với những công đồng trong quá khứ, Công đồng Vatican II không đưa ra lời kết án nào, song lại như một người mẹ hiền dịu và hy sinh ngỏ lời với tất cả mọi người.[5] Chính lòng thương xót là nguồn mạch và cùng đích của toàn bộ lịch sử sáng tạo và cứu độ. Hiến chế mặc khải viết: “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4)”.[6] Chỗ khác: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. . . và khi đã đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con mình, Ngôi Lời nhập thể, được xức dầu Thánh Thần, để rao giảng phúc âm cho những người nghèo, cứu chữa những người khổ tâm”.[7] Mầu nhiệm Giáo hội mà Vatican II trình bày cũng xuất phát từ Thiên Chúa Cha nhân hậu khôn lường biểu lộ qua hai cánh tay của ngài, nói theo ngôn ngữ của Irênê, là Đức Giêsu và Thánh Thần. Chính vì thế, Lumen Gentium 4 đã kết thúc với lời tuyên tín: Giáo hội xuất phát từ Ba Ngôi và sẽ qui tụ về Ba Ngôi như cứu cánh tuyệt đối của mình. Ba Ngôi đúng là đại dương vô tận của lòng thương xót. Như thế, ta chẳng thể hiểu được Ba Ngôi ngoài mặc khải của Đức Giêsu. Mà mặc khải ấy lại, một cách tối hậu, chỉ nói đến và chỉ làm chứng lại về Thiên Chúa là tình yêu hoàn hảo mà thôi.[8] Gaudium et Spes xác tín: “Ngôi Lời, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, đã làm người, là Con Người hoàn hảo. Người cứu rỗi mọi người và kết thâu vạn vật nơi Người. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm qui tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và đáp ứng mọi niềm khát vọng. Chính Người là Đấng Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết”.[9]  Lời tuyên xưng ấy có khác chi với lời “Vì ta, Đức Kitô đã trở thành vâng phục” trong phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh cũng như với tư tưởng của truyền thống giáo phụ: vì yêu thương Ngôi Lời đã làm người để chúng ta được làm thiên chúa. “Vì Ta”, “Vì yêu thương” là gì nếu không muốn nói lên LÒNG THƯƠNG XÓT? Như vậy, ta có thể nói, công đồng Vatican II tỏ lộ rõ ràng là công đồng của lòng thương xót.

Theo ánh sáng đó của Vatican II, truyền giáo không gì khác hơn là chia sẻ với mọi dân tộc kho tàng đức tin vào lòng Chúa xót thương được mặc khải cho họ nhờ Giáo hội. Giáo hội không phải là cứu cánh của truyền giáo. Truyền giáo chẳng thể là hình thức chiêu dụ tín đồ (proselytism). Đúng hơn, Giáo hội chỉ là dụng cụ và dấu chỉ mà qua đó Thiên Chúa tỏ lộ lòng nhân hậu với tất cả mọi người. Sắc lệnh truyền giáo nói rõ điều này, khi cho thấy vẻ đẹp hấp dẫn của truyền giáo trong viễn cảnh Vương quốc Thiên Chúa được Đức Giêsu thiết lập.[10] Lòng thương xót đó bộc lộ một cách rất “người”, có thể chạm được. Như Đức Giêsu đã từng tỏ lộ lòng thương xót đến nỗi làm rung động mọi tâm hồn chai đá, thì ngày nay, Vatican II cũng xác định điều đó bằng ngôn ngữ hiện đại: “Đức Giêsu đã lao động bằng đôi tay của con người, suy nghĩ bằng lý trí con người, yêu mến bằng trái tim con người’. Đó chẳng phải là một ngôn ngữ hiện đại của điều Thánh Gioan đã từng nói: Ngài yêu đến cùng theo một cách mà “chúng tôi đã từng nghe, đã từng chạm tới” hay sao? Lòng xót thương của Thiên Chúa nay mang tính chạm được đối với con người; nơi Đức Giêsu “Thiên-Chúa-là-Thiên-Chúa-theo-cách-của-con-người” (Schillebeechx).

Nếu thế, lòng thương xót Thiên Chúa phải khởi hứng, thúc đẩy và soi dẫn mọi chương trình, tiếp cận và kế hoạch mục vụ của Giáo hội. Toàn thể công việc mục vụ của Giáo hội phải biểu lộ được Đức Ái Mục Tử của Đức Giêsu. Mục vụ của Giáo hội phải tỏ lộ một Giáo hội-mẹ hiền, ngay cả lúc phải nói mạnh với con người.[11] Thật vậy, mục vụ của Giáo hội phải khởi đầu bằng cách chia sớt vui buồn, hy vọng, lo âu, khắc khoải và đấu tranh của con người cho một thế giới yêu thương, công bằng và nhân bản hơn để Thiên Chúa một lần nữa được trải nghiệm cách mới mẻ. Rồi Giáo hội sẽ dẫn con người thời đại tới gặp chính vị Thiên Chúa tình yêu của lịch sử, Đấng không có lịch sử đã đảm nhận lịch sử của con người thành của mình để họ biết Thiên Chúa không bao giờ ở xa họ. Nhờ đó, trái tim khát vọng liên lỷ của con người được đáp ứng vượt quá sự mong đợi. Họ trải nghiệm rõ Thiên Chúa đẹp biết bao, một vẻ đẹp vừa cũ lại vừa rất mới, vẻ đẹp của lòng thương xót mới cứu thế giới, mới lay tỉnh con tim bằng đá của nhân loại.[12] Hiểu rõ như vậy, Vatican II minh xác thế giới của con người chỉ trở nên nhân bản hơn khi rộng mở cho lòng thương xót của Thiên Chúa mà thôi.[13] Viễn cảnh lòng thương xót làm cho Giáo hội khám phá chính mình là cộng đoàn của hy vọng giữa những khó khăn, thất bại…. Giáo hội đó vẫn nhìn ra nơi những con người tầm thường tiềm năng để trở nên những cột trụ, những thánh nhân của xã hội và Giáo hội, trong hiện tại và tương lai.[14]

II. Lòng thương xót của Thiên Chúa theo Gioan Phaolô II trong Dives in Misericordia

Như đã nói ở trên, thông điệp này xem ra bị quên lãng nào đó. Nhưng khi đọc chăm chú, chúng ta có thể nhận ra thông điệp cho chúng ta thấy những chiều kích rất phong phú khi Giáo hội tuyên xưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

a. Chiều kích nhân học

Đức Gioan Phaolô II khởi đầu triều đại Giáo hoàng của mình bằng cách quay về Chúa Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Một cách dứt khoát, ngài trình bày lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu; ngài gắn chặt với chiều kích hữu vị-hiện sinh của lòng thương xót ấy. Nếu thông điệp Redemptor hominis dứt khoát nhìn về Đức Giêsu, thì thông điệp Dives in Misericordia lại cho thấy NGƯỜI CHA của Đức Giêsu. Chúa Cha và Đức Giêsu không hề tách biệt. Trong Đức Kitô, ta hiểu Chúa Cha là ai cũng như thấy rõ Chúa Cha lại nói chỉ nói MỘT LỜI, MỘT LOGOS của mình cho con người mà thôi. Cả hai thông điệp xác nhận chân lý của Vatican II về Đức Kitô như con người mới, con người hoàn hảo, tỏ lộ cho mọi người thấy phẩm giá và ơn gọi cao cả của họ. Người gắn liền với kiếp người của từng người và mọi người. Không một trạng huống nhân sinh nào mà không làm Đức Giêsu rung cảm. Đức Giáo hoàng cho thấy không bao giờ được biến Đức Kitô phục sinh thành một Đấng vô cảm ở trên một cõi trời cao thẳm. Trái lại, dù ở trên trời, nhưng không phải là để lìa xa chúng ta, Đức Giêsu cho con người trải nghiệm, nhờ Thần khí của mình, “con người không thể được tỏ lộ trong phẩm giá tròn đầy của bản tính mình – không chỉ trên bình diện những khái niệm mà còn một cách hiện sinh đầy đủ – mà không qui chiếu đến Thiên Chúa”.[15] Chỗ khác, chúng ta bắt gặp ý tưởng “Thiên Chúa Cha hoàn toàn tập trung vào nhân tính của người con xa lạc, vào phẩm giá của cậu”,[16] khi ngài chú giải dụ con người con hoang đàng. Như thế, khi Đức Giáo hoàng nói đến con người được xót thương không hề bị hạ nhục, song thấy mình được “khôi phục lại giá trị”,[17] ta phải hiểu rằng tính cách hiện sinh đạt đến tột đỉnh trên bình diện hữu thể học. Vì vậy, khi nói về mầu nhiệm Vượt qua, Đức Gioan Phaolô II đã dám nói như sau: “thực vậy, nếu thực tại của ơn cứu chuộc trong chiều kích nhân linh của nó mặc khải sự vĩ đại chưa từng có của con người, “qui talem ac tantum meruit habere redemptorem” (cho ta Đấng cứu chuộc vĩ đại), thì cùng lúc chiều kích thần linh của ơn cứu chuộc làm chúng ta lại có thể khám phá một cách thực nghiệm nhất và lịch sử nhất, chiều sâu của tình yêu ấy vốn không thoái lui trước hy tế ngoại thường của Người Con, hầu có thể làm mãn nguyện sự trung tín của Đấng Tạo hóa và là Cha đối với con người, được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và được chọn từ khởi nguyên nơi Con Ngài cho ân sủng và vinh quang”.[18] Với Đức Gioan Phaolô II, con người không Thiên Chúa, con người không ân sủng, không được xót thương thì chỉ mang lấy một nỗi tuyệt vọng và cô đơn mà không gì có thể bù đắp được. Con người không được lòng thương xót của Thiên Chúa chạm đến, thì họ sinh ra ở đời nào có ích chi. Trái lại, con người được yêu thương mới có khả năng vượt thắng mọi sự, kể cả sự chết. Rõ ràng, vẻ đẹp của Thiên Chúa nhân hậu lay động và làm mới các tầng trời và các thiên thần (x. Lc 15).

Như thế, thông điệp không hề quan niệm một sự biến đổi bên ngoài mà thôi. TC không chỉ phủ che vết thương chúng ta. Ngài thuyên chữa nó. Ngài giải thoát nó khỏi tính kiêu ngạo và bất tuân vì “quay về với TC luôn luôn là hoa trái của cuộc “khám phá lại” về người Cha giầu lòng nhân hậu này. Hiểu biết chân chính về Thiên Chúa thương xót, Thiên Chúa tình yêu nhân hậu là nguồn mạch không hề cạn và liên lỷ của sự trở về, không chỉ như một hành vi nội tâm chốc lát song cũng như một thái độ thường hằng, một tình trạng tâm trí. Những ai biết Thiên Chúa theo cách này, những ai ‘nhìn xem’ theo kiểu này chỉ có thể sống trong một tình trạng liên lỷ quay về ngài mà thôi”.[19] Và nhờ đó, họ biến đổi trong cả tình yêu đối với tha nhân. Nó là tình yêu đối với con người, không hề phân biệt. “Đây là tình yêu, hay đúng hơn một sự lo lắng quan tâm để đảm bảo cho mỗi cá nhân mọi sự tốt lành chân thật và lấy xa đi mọi sự dữ”.[20]

b. Chiều kích Kitô học

Bình diện hữu thể-nhân vị này tìm gặp được sự minh xác nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta càng nhận rõ điều này khi Đức Gioan Phaolô II nói đến sự nhập thể của lòng thương xót. Ngài bình giải rất thuyết phục mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu như là “sự nhập thể của lòng thương xót”. Phải hơn, chúng ta nhận thấy rằng chiêm ngắm mầu nhiệm thập giá được trải dài suốt đời của Đức Giêsu, vì mầu nhiệm ấy đã phủ che cả những trình thuật thời thơ ấu, chính là xác tín rằng lòng thương xót của Thiên Chúa đã nhập thể, đã thành người, đã thành tội nhân để không một ai trong đau khổ và cô đơn cùng cực lại không thấy sự liên đới thần linh ấy. Hãy cho tôi trích dẫn điều này:

“Thực vậy, mặc khải và đức tin dạy chúng ta không chỉ suy niệm trong trừu tượng mầu nhiệm Thiên Chúa như là “Cha thương xót”, song cũng nại tới lòng thương xót đó nhân danh Đức Kitô và trong sự kết hiệp với Người”.[21]

Hay:

“Đức Kitô mặc khải Thiên Chúa là Cha, là “tình yêu” như thánh Gioan diễn đạt nó trong thư thứ nhất của mình. Đức Kitô mặc khải Thiên Chúa như “Đấng giầu lòng thương xót” như chúng ta đọc thấy trong thánh Phaolô. Chân lý này không chỉ là đề tài giảng dạy; nó là một thực tại được làm thành hiện diện cho chúng ta nhờ Đức Kitô. Làm cho Chúa Cha hiện diện như tình yêu và lòng thương xót, trong chính ý thức của Đức Kitô, là tiêu chuẩn (touchstone) nền tảng của sứ mệnh ngài là đấng Mêsia”.[22]

Những dụ ngôn người con hoang đàng, đồng bạc bị mất, những sự kiện Người tiếp đón người tội lỗi, xét cho cùng, không nói lên điều gì khác hơn là lòng thương xót nay đã nhập thể, đã nên hữu hình, đã có một tên gọi “Giêsu Nadarét” (x. Benedict XVI, Deus caritas est). Chính vì thế, toàn thể lịch sử tạo dựng cũng như cứu độ đều minh chứng “sự ưu việt và cao cả của tình yêu đối với sự công bằng”,[23]

“ý nghĩa chân thật và riêng biệt của lòng thương xót không chỉ hệ tại ở việc nhìn vào sự dữ luân lý, thể lý hay vật chất một cách sắc sảo (penetratingly) và trắc ẩn: lòng thương xót được biểu lộ trong khía cạnh chân thật và riêng biệt của nó khi nó khôi phục lại giá trị, cổ xuý và rút được điều tốt từ tất cả mọi hình thức sự dữ có trong thế giới và nơi con người”.[24]

Chỉ lòng thương xót mới khôi phục lại các giá trị đã mất. Chúng ta xác tín điều này bởi vì mầu nhiệm Vượt qua. Cây thập giá đã được trồng trong thế giới, nơi đó con người đọc ra được một tình yêu đến cùng. Vì thế mầu nhiệm này xứng đáng được coi là trung tâm, là cốt lõi, là tột đỉnh và nguồn mạch của lòng thương xót được nhập thể. Chiều kích Kitô học của lòng thương xót dẫn đưa chúng ta đến chiều kích Ba Ngôi của lòng thương xót. Ở đây chúng ta có thể cảm nghiệm tất cả sức mạnh hùng biện của thông điệp. Ngài cho thấy mầu nhiệm đó vượt quá thứ quan niệm về sự công bằng mà con người thường có về Thiên Chúa. Nó bộc lộ cuộc cách mạng của Thiên Chúa, nếu có thể nói như thế, trước nỗi kiêu ngạo của con người (x. 1 Cr 1-2).

“Thực vậy, sự cứu chuộc này là mặc khải tối hậu và dứt khoát về sự thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng là sự sung mãn tuyệt đối của sự hoàn thiện: sự sung mãn của công chính và tình yêu, vì công chính được đặt nền trên tình yêu, xuất ra từ đó và hướng về đó. Trong khổ nạn và cái chết của Đức Kitô – nơi sự kiện rằng Chúa Cha không dung tha Con mình, nhưng “vì chúng ta đã làm Người thành tội” – sự công chính tuyệt đối được diễn tả, vì Đức Kitô chịu khổ nạn và thập giá vì tội lỗi nhân loại. Nó cấu thành ngay cả một sự “dư tràn” công chính, vì tội lỗi con người được “xá miễn” nhờ hy tế của vị Nhân-Thần”.[25]

Hay:

“mầu nhiệm vượt qua là tột đỉnh cho việc mặc khải và thực hiện lòng thương xót vốn có thể công chính hóa con người, khôi phục sự công bằng theo ý nghĩa của trật tự cứu độ mà Thiên Chúa đã muốn từ khởi nguyên nơi con người và, qua con người, trong thế giới. Đức Kitô khổ nạn nói một cách đặc biệt cho con người, chứ không chỉ cho người tín hữu. Người vô tín cũng có thể khám phá nơi ngài sự hùng biện của tình liên đới với định mệnh nhân loại, cũng như sự sung mãn hòa hợp của sự tận hiến vô vị lợi cho vụ việc của con người, cho chân lý và tình yêu”.[26]

Trong ánh sáng này, Đức Giáo hoàng nói tiếp:

“Chiều kích thần linh của mầu nhiệm vượt qua còn đi sâu hơn. Thập giá mà trên đó Đức Kitô đối thoại sau cùng với Chúa Cha, trồi hiện từ chính lõi tuỷ của tình yêu mà con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, đã được trao ban như một tặng phẩm, theo kế hoạch đời đời của Thiên Chúa”.[27]

Cứ theo đó, ta có lý nói rằng “lòng thương xót là chiều kích bất khả thay thế của tình yêu. Có thể nói, nó là tên thứ hai của tình yêu.” Hay Đức Kitô là tên gọi tột đỉnh của lòng thương xót của Thiên Chúa. “Đức Kitô vượt qua là sự nhập thể dứt khoát của lòng thương xót, là dấu chỉ hằng sống của nó: trong lịch sử cứu độ và trong cánh chung” (số 8).

Như vậy, Thiên Chúa không hề thua cuộc. Không có lý do nào để thất vọng. Chính bởi vì tội lỗi có trong thế giới được Thiên Chúa yêu thương “đến nỗi trao ban người con một” mà Thiên Chúa vốn là tình yêu không thể mặc khải chính mình cách nào khác hơn là lòng thương xót”. Chỗ khác, “giống như sự hoàn hảo của Thiên Chúa là vô biên, thì lòng thương xót nơi chính mình cũng vô biên. . . không tội lỗi nhân loại nào có thể ưu thắng trên sức mạnh này hay giới hạn nó.” Trong ánh sáng đó, thế giới ngày nay đang cần hơn bao giờ hết, vì đang bị xâu xé bởi hận thù và chia rẽ dưới mọi hình thức. Nếu Vatican II cho thấy thế giới hôm nay cần được biến đổi cho nhân bản hơn, thì theo thông điệp,

“xã hội chỉ trở thành nhân bản hơn nếu chúng ta đưa vào trong bối cảnh đa diện của những mối tương giao liên vị và xã hội, không chỉ sự công bằng, song cả ‘tình yêu xót thương’ vốn cấu thành sứ điệp thiên sai của Tin mừng. Xã hội chỉ có thể trở nên ‘mãi mãi nhân bản hơn’ khi chúng ta đưa vào trong tất cả những mối liên hệ hỗ tương vốn hình thành nên khía cạnh luân lý của nó thời khắc của sự tha thứ, thuộc về yếu tính của Tin Mừng. Tha thứ minh chứng tình yêu vốn mạnh hơn tội lỗi đang hiện diện trong thế giới”.[28]

c. Chiều kích Giáo hội

Còn một chiều kích không thể thiếu của lòng thương xót được thông điệp triển khai là chiều kích Giáo hội. Trong Giáo hội chúng ta bảo đảm được hưởng lòng xót thương và rồi hoạt động cho lòng thương xót. Trong Giáo hội chúng ta trở thành con cái của lòng thương xót và người thực thi lòng thương xót. Ta có thể định nghĩa người tín hữu như thế dưới góc độ ân sủng trong Giáo hội vậy (x. số 13-14) Giáo hội phải nỗ lực chấm dứt tiêu chuẩn ‘mắt đền mắt, răng đền răng’.[29] Thật vậy, Giáo hội đúng là thân phận được tiếp nhận lại, là tội nhân được xót thương. Giáo hội lại được thừa hưởng gia sản của Thiên Chúa. Vì thế, “chương trình thiên sai của Đức Kitô, chương trình của lòng thương xót trở thành chương trình của dân người, chương trình của Giáo hội”.[30]

Chiều kích Giáo hội cho thấy cái cấu trúc “chúng ta”, chứ không phải cấu trúc ‘”tôi” thuộc về cốt lõi của ân sủng lòng thương xót. Lòng thương xót Thiên Chúa, hay như chính Thiên Chúa thi thố lòng yêu thương vô biên, không cho phép chúng ta đóng kín trong ích kỷ. Nó đưa chúng ta vào hiệp thông với các thánh cũng như hiệp thông với các sự thánh, vì đã được hiệp thông với Thánh Thần yêu mến và xót thương. Nếu không có một tội nào chỉ thuần tuý mang chiều kích cá nhân mà thôi, thì lòng xót thương dẫn chúng ta vào quỹ đạo của toàn thân mình Đức Kitô. Lòng thương xót phá đổ mọi thứ phân cách, mọi rào cản. “Lòng thương xót trở thành một yếu tố bất khả thế để nắn hình những mối tương giao hỗ tương giữa con người trong một tinh thần của sự kính trọng sâu xa nhất đối với điều gì là nhân bản và trong một tinh thần của tình huynh đệ hỗ tương”.[31] Ân sủng lòng thương xót là tuyệt đối bất khả thế giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và con cái, giữa bạn hữu; nó là yếu tố không thể thiếu trong mục vụ và giáo dục.[32] Vì thế mà một xã hội chỉ đòi hỏi công bằng mà thôi cuối cùng lại trở thành bất công khủng khiếp, summum ius, summa iniuria:

“Đức Kitô chịu đóng đinh đối với chúng ta là khuôn mẫu cao cả nhất, là sự khởi hứng và khích lệ. Khi chúng ta xét mình với khuôn mẫu gây bất an này, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể tỏ lòng xót thương người khác, đang khi biết rằng Đức Kitô chấp nhận nó như thể nó được tỏ lộ cho Người. Trên nền tảng của khuôn mẫu này, chúng ta cũng phải liên lỷ thanh luyện tất cả hoạt động và ý hướng chúng ta mà trong đó lòng thương xót được hiểu và thực tập theo một cách độc chiều, như một việc tốt được làm cho người khác mà thôi.  Một hành vi của tình thương xót chỉ là thật sự như thế khi chúng ta thâm tín sâu xa rằng vào lúc chúng ta thực hiện nó chúng ta đồng thời nhận được sự thương xót từ những người tiếp nhận lòng thương xót từ chúng ta. Nếu phẩm chất hai chiều và hỗ tương này biến mất, những hành động của chúng ta chưa là những hành vi chân thật của lòng thương xót”.[33]

Chính đặc tính cộng đoàn của lòng thương xót nói cho chúng ta về kết cục vinh quang của toàn thụ tạo khi muôn loài được thống trị bởi lòng thương xót. Nó cho ta thấy Thiên Chúa đang đợi ta ở phía trước. Thiên Chúa không hề khinh thị bất cứ điều gì Ngài đã làm nên. Ngài sẽ hoàn tất điều Ngài đã khởi sự. Ý nghĩa của xác quyết “tình yêu mạnh hơn sự chết” không muốn nói đến chiều kích trên hay sao? Chính vì thế, “bất kể sự chống cưỡng của lịch sử nhân loại mạnh đến đâu, bất kể sự khác biệt của nền văn minh đương thời nổi bật đến đâu, bất kể sự chối từ Thiên Chúa trong thế giới con người lớn lao đến đâu, thì sự mật thiết của Giáo hội với mầu nhiệm này phải lớn lao hơn biết mấy, một mầu nhiệm được dấu kín từ bao thế hệ trong Thiên Chúa này thật sự được chia sẻ với con người, trong thời gian, nhờ Đức Giêsu Kitô” (số 15).

III. Lòng Thương xót của Thiên Chúa trong thông điệp Deus Caritas Est

Tiếp theo hướng đi của Đức Gioan Phaolô II, nhưng dưới góc nhìn khác, Đức Bênêđictô XVI minh định rằng Kitô giáo cốt yếu là một Ngôi Vị hoàn toàn là Tình Yêu: Thiên Chúa là Tình Yêu. Đức Giêsu Kitô là Tình Yêu đã nên xác phàm. Thánh Thần là Thánh Thần tình yêu. Như một hệ quả, chiều kích nhân học nằm ngay trong tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, một tình yêu làm nền tảng và nguồn mạch cho sự sống và hưng thịnh của thế giới, của từng người và mọi người. Chiều kích này, có thể nói như thế, thuộc về chính bản tính của Thiên Chúa. Đấng yêu thương con người quá đỗi… (x. Ga 3:16). Và như vậy, con người nếu không gặp được tình yêu xót thương ấy thì chẳng thể hiện hữu một cách sung mãn được.

Đức Bênêđictô đã cho thấy tình yêu của vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương đó không phải là một thứ thanh cao đến độ vô cảm. Cũng chẳng phải một thứ mãnh liệt như sóng cồn dẫn đến cái chết, như những trào lưu vô thần và hưởng thụ chủ trương. Không. Nơi Thiên Chúa, erosagape là một. Không chút chia tách. Thật là một khẳng định mang đến ‘cách mạng’ thiêng liêng và mục vụ, nếu được suy niệm đúng đắn. Tình yêu TC mãnh liệt đến độ tử thần chẳng thể vượt thắng. Nhưng tình yêu đó cũng nâng con người lên đến tận Thiên Chúa, đến tận ngai của Ngài, làm cho con người thành thiên chúa. Tách biệt erosagape sẽ làm méo mó hình ảnh Thiên Chúa cũng như hiểu sai hoàn toàn về Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Chính sự duy nhất này của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu làm cho Người đúng là Đấng Độc Nhất vô nhị. Chẳng có một ai giống như Thiên Chúa ấy. Người là độc nhất vì chẳng có một ai đã yêu mến tôi, yêu mến anh, yêu mến chị, yêu mến bạn như vậy cả. “Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của một người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15:13).

Trải nghiệm một tình yêu mãnh liệt như thế, người Kitô hữu không thể yêu mến với thứ tình yêu lạnh lùng, cũng chẳng phải với thứ tình yêu thể xác. Tình yêu của họ thật thánh thiện, vì xét cho cùng tình yêu hôn nhân nói về tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Nhưng tình yêu ấy cũng thật mãnh liệt đến nỗi sẵn sàng hy sinh tính mạng vì người mình yêu, vì hạnh phúc toàn diện của họ, vì hạnh phúc đích thực của họ (x. Ep 5:21-33). Tình yêu ấy có thể nói và tỏ lộ cho kẻ thù, cho người bách hại rằng “tôi tha thứ và yêu thương bạn”. Tình yêu của một Maximilien Kolbe chỉ là một họa ảnh yếu ớt, nhưng lại rất hấp dẫn không thể cưỡng lại được của Tình Yêu đích thực: Tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Như thế, tình yêu xót thương vừa nhưng không lại vừa rất đòi hỏi. Song tiên vàn không phải đòi hỏi người đối tác, cho bằng đòi hỏi chính chủ thể ấy. Thiên Chúa đã là như thế đấy. Giáo hội phát sinh từ lòng thương xót đó, sẽ sống bằng lòng thương xót đó và hành động hướng tới lòng thương xót đó.

Khi cảm nghiệm như thế, thực thi lòng thương xót là nét không thể thiếu được của Giáo hội. Thực thi lòng thương xót, sau khi đã được xót thương, phải là nét đặc trưng không thể bỏ qua của Giáo hội. “Đối với Hội thánh, bác ái không phải là một thứ hoạt động trợ giúp xã hội mà ta có thể để lại cho người khác làm, nhưng thuộc về bản tính của Giáo hội, một lối diễn tả không thể thiếu của bản chất Giáo hội”.[34] Giáo hội không phải là một tổ chức NGO (Non-Governmental Organization – tổ chức phi chính phủ), nói theo Đức Phanxicô. Nói mạnh mẽ hơn, song tôi nghĩ rằng vẫn đúng theo suy tư của Đức Bênêđictô XVI, Giáo hội buộc phải nổi bật về lòng thương xót, trong bất kỳ hoàn cảnh, địa phương, thời đại nào,[35] dẫu rằng Giáo hội phải khiêm tốn nhìn nhận những thiếu sót, những chậm trễ, những lừng khừng trong lãnh vực này.[36] Tuy vậy, khó mà chối cãi rằng trong mọi thời đại, với cảm thức đức tin không sai lầm cũng như do thúc bách không thể cưỡng lại được của đức ái, nhiều Kitô hữu đã là lời đáp trả đầy tình yêu xót thương trước những khổ đau, bất công, loại trừ của con người.[37] Những người con ấy của Giáo hội bước theo con đường yêu thương đó một cách ngoan cường, bất chấp nguy hiểm và cái chết, xác tín vững vàng rằng sống và thực thi lòng xót thương sẽ làm cho Giáo hội  nên giống với Đức Giêsu hơn cả. “Đức ái phải linh hoạt toàn thể đời sống của người Kitô hữu… Hội thánh không bao giờ có thể được miễn trừ khỏi việc thực thi bác ái… và sẽ không có một hoàn cảnh nào mà bác ái của mỗi cá nhân Kitô hữu là không cần thiết, bởi vì ngoài sự công bằng, con người cần đến và luôn cần đến tình yêu”.[38]

Bằng cách đó, Giáo hội minh định công bằng không phải là tối hậu. Chủ trương công bằng mà thôi sẽ chỉ dẫn đến bất công khủng khiếp. Quan điểm đó hàm chứa một sai lầm khủng khiếp rằng “tình yêu là thừa thãi”.[39] Không chỉ thế, nó còn loại trừ chính nhân vị, vì “ai muốn loại trừ tình yêu thì cũng đang chuẩn bị loại trừ con người”.[40] Nó phản ánh một quan điểm duy vật về con người, cho rằng con người chỉ sống nhờ cơm bánh.[41] Đức Bênêđictô cho thấy rõ chỉ tình yêu của Thiên Chúa mới là trên hết, nhưng cũng không có gì trái nghịch với công bằng. Đúng hơn, xét cho cùng, công bằng phải là công bằng của lòng thương xót. Đây là nét độc đáo của Đức Kitô đem vào thế giới. Chỉ khi nào công bằng được khởi động, kiện cường và hoàn hảo do đức ái như nguồn mạch và cùng đích cũng như sự hướng dẫn, thì mới có được một xã hội nhân bản. “Ta không thể làm cho trần gian nhân bản hơn, bằng cách từ chối hành động cách nhân đạo lúc này và ở đây… Chương trình của người Samari nhân hậu là chương trình của một ‘trái tim biết nhìn thấy’. Trái tim này nhìn thấy nơi nào tình yêu đang cần đến và hành động cách phù hợp”.[42] Một diễn ngữ thật tuyệt, nếu chúng ta có thể đo lường nó trong mục vụ, trong tương giao. Tình xót thương được Thiên Chúa chạm đến phải làm cho trái tim chúng ta trở nên “biết nhìn thấy”. Tình yêu Kitô hữu rõ ràng đi ngược lại với trào lưu tục hóa vô cảm mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay.[43] Tình yêu như thế không bao giờ đặt chuyện áp đặt đức tin lên người khác, nhưng nó cũng chẳng ngại ngần để nó rằng mình đang yêu ai và người đó đẹp như thế nào. “Tình yêu tinh tuyền và quảng đại là chứng tá tốt nhất về Thiên Chúa mà chúng ta tin và thúc đẩy chúng ta yêu thương. Một Kitô hữu biết lúc nào phải nói về Thiên Chúa và lúc nào không nói gì thì tốt hơn và để cho một mình tình yêu cất tiếng”.[44] Chỉ tình yêu xót thương này mới khởi hứng và đặt nền cho hy vọng. Tình yêu ấy “có mắt” để biết khi nào phải lên tiếng và lên tiếng cách nào. Quả vậy, khi Đức Giêsu trên thập giá không thể và không còn lên tiếng, thì ngài lại là LỜI TUYỆT ĐỐI; THÌ NGÀI LẠI NÓI TẤT CẢ. Lúc đó, sự im lặng của Thiên Chúa nhập thể lại là Lời Sung Mãn! Tình yêu xót thương thật kỳ diệu làm sao!

IV. Lòng Thương xót trong văn kiện Misericordiae Vultus

Nếu Đức Gioan Phaolô II đã muốn đánh dấu năm thánh 2000 bằng cách quay hướng về Chúa Cha, nơi dung nhan Đức Kitô và Thánh Thần tình yêu, thì Đức Phanxicô lại muốn lòng thương xót ấy ngự trị trong triều đại giáo hoàng của ngài. Có quá lắm không? Không. Vì ngay khi lên ngôi Giáo hoàng, ngài đã cho thấy châm ngôn của ngài là một kẻ tội lỗi nhưng được thương xót. Hạn từ và ý tưởng ngài trình bày một cách thu hút thậm chí cả với thế giới chính là “lòng thương xót”. Ngài nhắc đến sứ điệp về lòng thương xót dưới nhiều góc cạnh trong các chuyến tông du, chẳng hạn tại Trung Phi. Rồi, Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình do ngài sáng kiến, khai mạc, chủ tọa và hiện diện cũng đến từ sự cam kết của đức tin để tìm cách diễn dạt lòng thương xót và mục vụ cho những tâm hồn đau khổ. Theo tôi, Thượng hội đồng Giám mục đó đúng là một thứ công đồng Vatican II thu nhỏ của lòng xót thương trong mục vụ gia đình hôm nay vậy. Bằng nhiều cách ngài nêu bật lòng thương xót này, điều mà Giáo hội phải liên lỷ chiêm ngắm. Đây là tất cả cho Giáo hội:

“Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thuơng xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta”.[45]

Cùng với những vị tiền nhiệm, lòng thương xót của Thiên Chúa theo Đức Phanxicô luôn có tên là Giêsu: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh…”.[46] Đối với Đức Phanxicô, năm phụng vụ lột tả dung nhan Thiên Chúa nhân hậu trong mầu nhiệm Đức Kitô .[47] Cũng thế, ngài cho rằng Vatican II là công đồng về lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người hôm nay.[48]  Và việc tân phúc âm  hóa mà Giáo hội hôm nay nói đến đi liền và không thể tách với việc Giáo hội biểu lộ và là phương thế của lòng thương xót. Thật vậy, “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài”,[49] vì “Tất cả mọi sự nơi Người đều tỏ bày cho thấy lòng thương xót. Không có gì nơi Người lại thiếu vắng lòng thương xót”.[50] Nói tắt, cả lịch sử cứu độ chỉ làm sáng tỏ chân lý đầy an ủi này.

Khi suy niệm những thánh vịnh mô tả Thiên Chúa nhân hậu như thế nào (x. Tv 103; 146; 147), Đức Phanxicô kết luận như sau:

“Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một điều gì trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, qua đó Ngài tỏ bày tình yêu của Ngài, như tình yêu của một người cha hay một người mẹ, tan nát ruột gan vì con của mình. Phải nói đây là một tình yêu “thấu tận ruột gan”. Tình yêu này phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn, thật tự nhiên, đầy nhân từ và trắc ẩn, khoan dung và luôn tha thứ”.[51]

Quả là một hình ảnh rất người mà ai trong chúng ta đều trải nghiệm: tình mẹ “thấu tận ruột gan”. Đó không phải là một tấm lòng yêu thương cảm được và ‘có mắt’ mà Vatican II đã nói về Giáo hội như người mẹ rất đau lòng nhưng cương quyết bác bỏ vô thần hay sao?[52] Đó không phải là điều mà Đức Bênêdictô XVI cũng như Gioan Phaolô II từng nói đến trên kia hay sao? Tình xót thương hiền mẫu đó đúng là tình yêu mãnh liệt và cao cả mà Đức Bênêđictô XVI nói đến khi cho thấy ErosAgape là duy nhất.

Văn kiện tiếp tục cho thấy chính trong mầu nhiệm vượt qua mà chân lý về tình xót thương hiền mẫu của Thiên Chúa tỏ hiện rõ rệt và không thể đảo ngược. Văn kiện vắn gọn minh xác rằng chính Chúa Giêsu đi vào trong mầu nhiệm này với tâm tình của “trường ca Hallel”, vốn ca hát “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” như một điệp khúc bất tận. Nghĩa là mầu nhiệm vượt qua là tột đỉnh của lòng thương xót thần linh.

Theo Đức Phanxicô, khi chiêm ngắm “sự tối thượng của ân sủng”[53] trong lịch sử, cách riêng trong biến cố nhập thể, thì “sự sung mãn của ân sủng có thể biến đổi tâm hồn con người và làm thay đổi dòng lịch sử”.[54] Lịch sử ấy cho thấy rõ “tình yêu Thiên Chúa luôn đi trước, tiên liệu và cứu độ”.[55] Nghĩa là, ta chỉ có thể hiểu lịch sử của tội lỗi trong ánh sáng của Thiên Chúa xót thương, chứ không ngược lại.[56] Tội lỗi không bao giờ là tiếng nói cuối cùng. Không có lý do nào để thất vọng và sợ hãi, khi chúng ta đặt mình trước sự phán xét của lòng thương xót.[57]

Theo ánh sáng này, Giáo hội vươn ra như cuộc gặp gỡ của Tin Mừng với nhân loại. “Giáo hội bắt đầu lại một hành trình gặp gỡ con người trong nơi họ sống: trong thành phố, tư gia và chỗ làm việc. Ở đâu có con người, Giáo hội vươn ra đến với họ và đem lòng thương xót của Thiên Chúa cho họ. Không vươn ra như thế, Giáo hội chỉ bóng láng nhưng vàng vọt, yếu nhược.[58] Giáo hội chỉ mạnh mẽ và đáng yêu khi làm sống lại dung mạo của Đức Kitô trong hành vi rửa chân và băng bó của người Samari nhân hậu mà thôi. Truyền giáo của Giáo hội phải giương cao hiệu kỳ của lòng thương xót. Và chỉ khi đó, Giáo hội mới là thành phố “xây trên cao, không tài nào che dấu được” (x. Mt 5:14). Dựa vào thánh Augustinô, Đức Phanxicô khẳng định: “Ta phạm sai lầm biết mấy đối với Thiên Chúa và ân sủng Ngài khi nói về tội lỗi phải bị phạt vì Thiên Chúa sẽ xét xử, trước khi chúng ta nói rằng chúng ta được Ngài thương xót thứ tha”.[59] Chân lý này được Đức Phanxicô viết lại như sau: “Nếu Thiên Chúa chỉ dừng lại nơi sự công bình, thì quả thực Ngài sẽ chẳng là Thiên Chúa nữa“.[60]

Nhưng để hiện thực lòng thương xót của Thiên Chúa cách bí tích trên trần, các linh mục được trao phó một vai trò đặc biệt. Chính các linh mục, thừa tác viên của lòng thương xót, được gọi để cam kết thi hành tác vụ hòa giải. Các ngài được kỳ vọng để thật sự làm cho các hối nhân cảm nhận Chúa thương xót họ. Để nêu bật điều này, văn kiện cũng đưa ra sáng kiến thiết lập và sai đi “các Thừa sai của Lòng thương xót“.[61]

V. Lòng thương xót của Thiên Chúa trong các văn kiện của FABC

Các Giáo hội tại Á châu nhận ra điểm son của Vatican II về lòng thương xót, nên ngay sau Công đồng, các Giám mục Á châu năm 1971 đã ước mơ về một  Giáo hội được nhập thể trong văn hóa Á châu nhờ vào lối sống theo mầu nhiệm nhập thể. Giáo hội ấy nổi bật  lên nhờ sự hiền lành, kiên nhẫn và đối thoại. “Chung sống hòa bình”, “tinh thần hài hòa”, “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”[62], đó là những nhân đức hiện thực lòng thương xót của Thiên Chúa theo cách nhân bản. Trong phiên họp đầu tiên của các Giám mục Á châu, ta đọc thấy:

Chúng tôi làm mọi cố gắng để mở rộng lòng trí và tâm hồn chúng ta trước những nhu cầu và khát vọng của các dân tộc chúng ta, để chúng ta có thể làm những điều này thực sự cũng là của chính mình, và để chúng ta có thể đem đến cho họ sự khôn ngoan mà Tin Mừng dạy chúng ta cũng sự tình yêu tự hiến mà Ngài đặt vào lòng chúng ta, Đấng xót thương dân chúng, và đến mang cho mọi người một sự sống sung mãn và phong phú hơn.[63]

Tình yêu tự hiến được đặt vào lòng Giáo hội tại Á châu biểu lộ và làm chứng Đấng Xót Thương đến cùng!

Cũng văn kiện đó xác quyết sự canh tân của Giáo hội tại Á châu luôn phải ở trong ánh sáng của Đức Kitô. Nhưng Đức Kitô nào? “Trước Đức Kitô và anh chị em mình, chúng ta cam kết chính mình với tất cả hăng say “vào bất cứ điều gì liên quan đến phẩm giá con nguời… Đức tin, cậy và tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta phục vụ anh chị em mình, biết rằng như Người đã hiến mạng vì chúng ta, thì chúng ta cũng phải hiến mạng vì anh chị em mình”.[64] Giáo hội tại Á châu tin rằng “ở đâu người ốm được chữa trị, kẻ đói được nuôi dưỡng, các tù nhân được tự do, ở đâu cá nhân và cộng đoàn được giao hòa và sống trong bình an và cộng tác với nhau, chúng ta thấy bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động. Ngài cũng hoạt động trong khoa học, kỹ thuật, và văn hóa ở đấy những điều này phục vụ cho sự hưng thịnh của nhân loại”[65] Rõ ràng, Giáo hội tại Á châu đã hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa qua một sự phục vụ cảm được, qua kiên nhẫn và tự hiến. Đó là diện mạo của một “Giáo hội của người nghèo”, nghĩa là, một Giáo hội hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trong ánh sáng này, Giáo hội tại Á châu chiêm ngắm Thiên Chúa xót thương khi cho thấy một “Thiên Chúa đối thoại” trong nhãn quan của Ngài về Vương quốc.[66] Ngài đối thoại để “băng bó vết thương” và “giao hòa”.[67] Theo đó, Giáo hội tại Á châu thấy những lầm lỗi trái nghịch với lòng thương xót ấy là “sự không dung thứ, hẹp hòi, cực đoan, loại trừ và tự kiêu”.[68] Ngược lại, “theo chân Đức Giêsu khiêm nhường và xót thương, chúng ta chia sẻ với tha nhân điều Đức Giêsu muốn cho chúng ta và như thế cũng muốn cho kẻ khác.”[69]

Với các Giáo hội tại Á châu, đối thoại là cách thức mới để là Giáo hội, để sống Giáo hội. “Đối thoại không chỉ là một hoạt động giữa nhiều hoạt động. Nó là chiều kích cấu thành mọi Giáo hội địa phương chân chính… Theo Vatican II, là Giáo hội có nghĩa là một cộng đoàn đức tin-trong-đối-thoại”.[70] Quả là một khoa linh đạo của Thần khí đối thoại vậy.[71] Thật vậy, “Trong thinh lặng, chúng ta rộng mở cho sự biến đổi cõi lòng hướng tới việc thành lập Vương quốc Thiên Chúa”.[72] Với Giáo hội tại Á châu, lòng thương xót của Thiên Chúa không cho phép chúng ta nhìn việc phúc âm hóa, lời công bố Tin Mừng và sứ mệnh là những thực tại riêng rẽ.

“Nay chúng ta bắt đầu ý thức hơn rằng chúng ta sống sứ mệnh chúng ta trong đối thoại, vì đối thoại kêu gọi chúng ta cả công bố lẫn lắng nghe, thách đố và bị thách đố, biến đổi và được biến đổi. Sứ mệnh của chúng ta là đối thoại.”[73]

Chân lý này đến FABC 7 được minh định bằng “sứ mệnh yêu thương và phục vụ”. Muốn là chính mình, Giáo hội chỉ sống để yêu thương và phục vụ. Các Giám mục Á châu xác định: “Được kiên vững nhờ Thánh Thần và qua các bí tích, giáo dân nam nữ được can dự vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội bằng cách đem Tin Mừng của Đức Giêsu để ảnh hưởng các lãnh vực thương mại và chính trị, giáo dục và sức khỏe, đa phương tiện và thế giới lao động. Điều này đòi hỏi một linh đạo của người môn đệ”.[74] Linh đạo đó làm cho họ “liên đới với người nghèo và kẻ bị loại ra ngoài xã hội, hiệp nhất với tất cả anh chị em Kitô hữu, và chung tay với mọi người Á châu nam nữ thuộc mọi tín ngưỡng khác. Hội nhập văn hóa, đối thoại, công bằng và chọn lựa người nghèo là những khía cạnh của bất kỳ cái gì chúng ta làm”.[75] Đó không phải là cuộc đối thoại của trái tim hay sao?[76] Vì rằng “hình ảnh Đức Giêsu Tôi Tớ hùng biện hơn đối với tâm hồn của Á châu”.[77] Nhờ ánh sáng này, Giáo hội tại Á châu muốn kiến tạo một chu kỳ mục vụ theo phương cách Á châu được BISA VII nêu lên. Lối mục vụ này nổi bật ở thái độ chìm ngập-bày tỏ (immersion-exposure) giữa lòng dân chúng như sau:

“Sự chìm ngập tìm cách để kinh nghiệm thực tại từ chính viễn cảnh của người nghèo. Sự bày tỏ giống như thái độ của người bác sĩ đến thăm và bắt mạch mà thôi, còn sự chìm ngập lại giống như người bác sĩ-bạn thân chân chính đến thăm và đi vào cuộc đối thoại đời sống. Bày tỏ-chìm ngập đi theo nguyên lý cơ bản của sự nhập thể là giai đoạn đầu tiên của chu kỳ mục vụ”.[78]

Rõ ràng đó là cách sống Giáo hội một cách mới mẻ mà sẽ làm cho lòng thương xót được nổi bật. Nói khác đi, chính nhờ chiêm ngắm và sống lòng thương xót theo gương Đức Giêsu, Giáo hội tại Á châu mới trở thành dấu chỉ và phương thế để xây dựng vương quốc tình thương và công bằng mà con người hằng mong đợi. Giáo hội tại Á châu nhận ra mình là tôi tớ tự nguyện nên nghèo khó để chăm sóc những người nghèo khổ của Thiên Chúa.[79]

Kết luận

Đã đến lúc phải kết luận. Những phân tích trên, từ Vatican II cho đến Đức Phanxicô trải qua các Giáo hội tại Á châu, cho phép chúng ta đọc ra được Thiên Chúa đang muốn Giáo hội hôm nay phải như thế nào. Những phân tích trên làm ta vững tin rằng truyền thống sống động của Giáo hội về ân sủng vẫn luôn là một. Bằng nhiều lối diễn đạt mà nhiều khi mang dấu ấn của thời đại đặc thù, Giáo hội vẫn công bố ân sủng vĩ đại không phải là ơn này hay ơn khác mà là chính Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Người mà chúng ta nhận được những ơn này tới ơn khác. Nơi Người, Thiên Chúa tỏ lộ mình là TÌNH YÊU XÓT THƯƠNG cứu độ, nâng cao con người. Lịch sử cứu độ xác định chân lý: “Ở lì trong nẻo đường tội ác chỉ đưa đến cảm giác trống rỗng và buồn thảm. Sự sống đích thực là một điều hoàn toàn khác. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc dang tay chờ đón“.[80] Lòng thương xót ấy biến đổi chúng ta thành tạo vật mới của ngài. Thiên Chúa muốn biến chúng ta từ thụ tạo đến con cái Thiên Chúa, anh chị em của Đức Kitô và bạn hữu của Thần khí. Nay là lúc mỗi người chúng ta phải thấy rõ trách nhiệm làm làm cho mình thành dấu chỉ sống của lòng thương xót ấy. Về điều này, câu chuyện của thánh nữ Têrêsa Avila khiến chúng ta suy nghĩ không ngơi. Trong một lần tỏ lộ cho thánh nữ, Đức Giêsu hỏi: Têrêsa, con là ai? Thánh nữ trả lời: con là Têrêsa của Đức Giêsu. Rồi thánh nữ lại hỏi: Còn Ngài, Ngài là ai? Đức Giêsu trả lời: Ta là Giêsu của Têrêsa. Thiên Chúa xót thương chính là như thế đó. Bạn muốn mình như thế nào đây?

—————————————-

[1] St. Augustine, Confessions.

[2] x. Richard H. Bulzacchelli, “The Pivotal Significance of a Forgotten Encyclical” trong http://www.crvp.org/book/Series01/I-35/ch6.htm

[3] X. John XXIII, Diễn văn khai mạc công đồng, ; cũng x. Đức Phanxicô, Angelus ngày 17 tháng 11, 2013; bài nói chuyện cho nhân viên hỏa xa, ngày 21/12/2015.

[4] x. LG 8.

[5] X. GS 2.

[6] DV 2.

[7] PV 5; cũng x. GS 11: cụm từ “dấu chỉ về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố”.

[8] x. LG 39, 40, 42; GS 40.

[9] GS 45.

[10] X. AG 1-18.

[11] x. GS 19-21.

[12] X. St. Augustine, Confessions; cũng x. Dante Alighieri, Paradiso.

[13] X. GS 24-32; 37-44; 60-62; 76; 88-93.

[14] x. Ratzinger, GH như mùa vọng.

[15] Dives in misericordia, 1.

[16] Dives in misericordia, 6.

[17] Dives in misericordia, 6.

[18] Dives in misericordia, 7.

[19] Dives in misericordia, 13.

[20] Dives in misericordia, 15.

[21] Dives in misericordia, 2.

[22] Dives in misericordia, 3.

[23] Dives in misericordia, 4; 5.

[24] Dives in misericordia, 6.

[25] Dives in misericordia, 7.

[26] Dives in misericordia, 7.

[27] Dives in misericordia, 7.

[28] Dives in misericordia, 14.

[29] X. Dives in misericordia, 14.

[30] Dives in misericordia, 8)

[31]  Dives in misericordia, 14.

[32] Dives in misericordia, 14.

[33] Dives in misericordia, 14.

[34] Deus Caritas est, 25.

[35] X. Deus Caritas est, 19-24

[36] X. Deus Caritas est, 27.

[37] X. Deus Caritas est, 26-31.

[38] Deus Caritas est, 29.

[39] Deus Caritas est, 28.

[40] Deus Caritas est, 28.

[41] X. Deus Caritas est, 28.

[42] Deus Caritas est, 31.

[43] X. GS 4-10; Redemptor hominis 15-17; cũng x. Văn công Hùng, “Con người và sự vô cảm”, Nhà Văn và Thời Cuộc, số 45 (10-11-2013), trg 3.

[44] Deus Caritas est, 31.

[45] MV, 2.

[46] MV, 1.

[47] X. MV, 5.

[48] X. MV, 4.

[49] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4, được trích lại trong MV, 6.

[50] MV, 8.

[51] MV, 6.

[52] X. GS 21.

[53] Đức Phanxicô, bài giảng ở Bangui trong chuyến Tông du tại Trung Phi.

[54] Ibid.;

[55] Ibid.;

[56] ibid.;

[57] Đức Phanxicô, Bài giảng tại nhà thờ Bangui; Đức Phanxicô, bài suy niệm hằng ngày.

[58] EG 49.

[59] X. Saint Augustine, De Praedestinatione Sanctorum, 12, 24, được Đức Phanxicô trích lại trong MV.

[60] MV 21.

[61] MV 18.

[62] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, thư chung 1980.

[63] ABM 3, For All Peoples… vol. 1, p. 3; cũng x. FABC 6, B. số 6, For All Peoples,, vol.2, p. 9; 197.

[64] ABC 18, For All Peoples, vol.1, p.5; x. FABC 6, số 8-13.5, For All, vol. 2, p. 4-7.

[65] ABM 22, For All Peoples, vol. 1, p. 6; For All Peoples, vol. 2, p. 198.

[66] For All Peoples, vol.3, p. 120

[67] For All Peoples, vol. 3, p. 121.

[68] For All Peoples, vol. 3, p. 121.

[69] For All Peoples, vol. 3, p. 128.

[70] For All Peoples, vol. 3, 129.

[71] X. For All Peoples, vol. 3, 132.

[72] Ibid.,

[73] For All Peoples, vol. 3, p. 132.

[74] FABC 7, Part I, A, 6; for All peoples, vol. 3, p. 4.

[75] FABC 7, Part III; for All Peoples, vol. 3, p. 8.

[76] For All Peoples, vol. 3, p. 141-143

[77] Ibid.

[78] For All Peoples, vol. 1, p. 231; cũng x. Hội đồng Giám mục Việt  nam, Thư chung 1980 và Thư chung 2011.

[79] X. Aloysius Pieris, “Christ Beyond Dogma: Doing Christology in the Context of the Religions and the Poor,” Louvain Studies 25 (Fall, 2000).

[80] MV 19.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here