Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Được Biểu Tỏ Trong Phụng Vụ

0
1451


Lm. Antôn Hà văn Minh,

Giáo phận Phú Cường

 

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư Misericordiae Vultus đã viết: “Chúa Giêsu Kitô là dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo xem ra được trình bày một cách chính xác trong câu nói ấy. Trong Chúa Giêsu thành Nazareth, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng, và đã tìm thấy tột đỉnh điểm của nó”.[1]

Khuôn mặt của lòng thương xót đó luôn tiếp tục tỏ bày cách sống động trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt qua Phụng Vụ. Thánh Công Đồng Vatican II đã khẳng định:

Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ, vừa ở nơi con người của thừa tác viên, khi “chính Đấng xưa đã tự hiến mình trên Thập giá, nay cũng đang dâng hiến nhờ tác vụ của các linh mục”, vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình bánh, rượu trong Bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người, đến nỗi, khi có ai cử hành Bí tích Rửa Tội thì chính là Chúa Kitô đang rửa tội. Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát thánh vịnh, như chính Người đã hứa: “Nơi đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).[2]

Quả thật, qua Phụng vụ lòng thương xót của Thiên Chúa luôn được tỏ bày cho nhân loại, bởi chính nơi Phụng vụ như là không gian của cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, nhờ cuộc gặp gỡ này con người nhận được ơn cứu độ do bởi lòng thương xót Chúa trao ban, nói như Đức Thánh Cha Benedicto XVI: Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa ngàn trùng cách xa giờ đây xuất hiện gần kề bên ta. Ngài là sự hiện diện đích thật của Đấng vĩnh cửu nơi trần gian này.[3] Sự hiện diện này không nhằm thể hiện quyền uy của Đấng toàn năng vượt trên hết mọi loài, nhưng là một sự hiện diện để tỏ bày một tình yêu không thể cân đo đong đếm qua việc Ngài tự hiến trọn vẹn cho nhân loại, nhờ đó ta thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Vâng, chính nhờ cái chết tự hiến của Đức Kitô trên Thập Giá mà cuộc đời tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn, vì không có gì ý nghĩa hơn cho cuộc đời khi biết mình được Thiên Chúa yêu thương bằng một tình yêu vĩnh hằng và không bị vẩn đục bởi mọi toan tính ích kỷ. Chính từ sự tự hiến của Đức Kitô trên thập giá mà chúng ta đọc được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, bởi nhờ sự tự hiến đó, Ngài đã nâng con người lên khỏi kiếp nô lệ của sự chết và cứu độ họ.

Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ vắng mặt:

Người luôn luôn tìm đến chúng ta – qua những con người mà Người soi sáng; qua Lời của Người, trong các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Trong phụng vụ của Hội Thánh, trong lời cầu nguyện, trong cộng đoàn sống động của các tín hữu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Người và học cho biết nhận ra Người trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Người đã yêu chúng ta trước và tiếp tục yêu chúng ta trước.[4]

Tình yêu đó không chỉ dừng lại nơi khuôn mặt của Đức Kitô, nhưng còn được đồng hóa với những người khốn cùng: những người đói, những người khát, người xa lạ, người trần truồng, người bệnh và cả những người đang ở trong ngục tù: “Mỗi lẫn các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

1. Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu tỏ qua sự hiện diện của Ngài trong lịch sử cứu chuộc

Thánh Thomas Aquinas đã minh định: Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một thứ cảm xúc hời hợt, một cảm tính nay còn mai mất, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa được trình bày qua hành động tích cực nhằm xua trừ khổ đau và mang lại niềm hạnh phúc cho con người.[5] Thật vậy lòng thương xót của Thiên Chúa không là một khái niệm mơ hồ, một ngôn từ do sáng kiến của con người thêu dệt nên, nhưng đó là một thực tại cụ thể sống động qua con người Đức Giêsu Kitô, Người Con duy nhất của Thiên Chúa, được sai đến trần gian để bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Điều đó chứng tỏ rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không là một hành vi can thiệp từ bên ngoài như là một sự thương cảm mang tính khách quan của người giàu bố thí một chút của cải cho người nghèo, hay là một cảm xúc chóng qua, nói như Benedicto XVI: “cảm xúc đến rồi sẽ qua đi, cảm xúc có thể là một tia sáng khai mở điều kỳ diệu, nhưng tổng thể của tình yêu thì không phải thế”.[6] Lòng thương xót của Thiên Chúa đã tự ràng buộc với thụ tạo của Ngài bằng một tình thương đặc biệt, điều mà Thiên Chúa đã bày tỏ “Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương”. “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi”. Vâng, Thiên Chúa xót thương nhân loại đến độ Ngài cảm thấy đau thương vì những nỗi khổ đau họ đang mang vác, và Ngài sẵn sàng hạ cố để gánh lấy nỗi thương đau đó và mang lại hạnh phúc cho nhân loại, đó là một hành vi mang đặc tính thâm sâu của một mối tương quan tình yêu Phụ-tử hay là tình yêu Phu-phụ, điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày:

Tất cả tình thương của Thiên Chúa đều được biểu lộ trong lòng thương xót của Ngài đối với dân Ngài: Ngài là Cha họ, bởi vì Israel là con đầu lòng của Ngài; Ngài cũng là vị hôn phu của dân được ngôn sứ loan báo cho một tên mới: ruhama “được yêu thương”, vì sẽ được hưởng lòng xót thương.[7]

Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một cụm từ hoa mỹ về sự ban phát để thoả lòng tự ái, nhưng là một sự trao hiến phát xuất do bởi một tình yêu từ con tim đến con tim. Một hành vi yêu thương đến độ trao hiến thân mình vì thiện ích của người “được yêu thương” chỉ có thể được thực hiện từ một sự hiện diện của “người yêu” bên cạnh “người được yêu”. Có thể nói, lịch sử của Dân Chúa là một lịch sử về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Dân Ngài. Thật vậy, trước khi thực hiện cuộc giải phóng Israel ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã biểu tỏ sự hiện diện của Ngài nơi các tổ phụ qua các cuộc gặp gỡ với các ngài. Từ cuộc gặp gỡ với Abraham, Isaac, Jacob tới cuộc gặp gỡ với Moses. Các cuộc gặp gỡ đó không là những câu chuyện hàn huyên bình thường, mà là những mặc khải về một kế hoạch cứu chuộc con người khỏi đau khổ do tội gây nên, một kế hoạch phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa được biểu tỏ cách đặc biệt nhất, khi Ngài giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập, thiết lập nên một đất nước hùng mạnh, làm cho mọi dân khi nghe đến đều phải khiếp hãi. Và dấu chỉ của sự hiện diện đó được trình bày từ việc Thiên Chúa ngự trong Lều Tạm qua sự hiện diện của Hòm Bia Giao Ước cho đến Đền Thánh Jerusalem được coi là ngai tòa ngự trị của Thiên Chúa. Với sự hiện diện này, Dân Chúa nhận được sự chăm sóc đầy yêu thương của Thiên Chúa, từ việc ban lương thực để nuôi dân trên con đường hành trình trong Sa mạc về Đất hứa, tới việc giáo dục, huấn luyện Dân trở thành một Dân tư tế, một Dân hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Tất cả đều là ân huệ từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nói như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

Bằng hành động cũng như bằng lời nói, Thiên Chúa đã mặc khải lòng thương xót ngay từ khi Ngài chọn dân Israel; và trải qua suốt lịch sử của họ, trong những nỗi bất hạnh cũng như trong nhận thức tội lỗi của họ, dân ấy đã không ngừng cậy trông nơi Thiên Chúa đầy lòng thương xót.[8] Sự hiện diện đó đã đạt tới đỉnh cao qua việc nhập thể của Ngôi Lời. Với sự hiện diện này, con người thực sự được chiêm ngưỡng và đụng chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa cách cụ thể. Thực vậy,… trong lịch sử, tình yêu mà Thánh Kinh tường thuật cho chúng ta, Thiên Chúa đi đến với chúng ta, tìm cách chinh phục chúng ta mãi cho đến bữa Tiệc ly, mãi cho đến trái tim bị đâm thâu trên thập giá, mãi cho đến những lần hiện ra của Đấng Phục sinh và những kỳ công của Người.[9]

Thiên Chúa tìm cách chinh phục con người đâu phải vì con người tốt lành, mà chỉ vì lòng thương xót của Thiên Chúa dành để cho con người bất trung và bội phản. Thiên Chúa không nỡ để con người trầm luân khổ đau vì tội, Ngài quyết ra tay cứu thoát công trình do tay Ngài tạo thành vì lòng thương xót của Ngài. Sự hiện diện của Chúa Kitô trên trần thế và cuộc sống của Người đã mặc khải tình thương hiện diện của Thiên Chúa Cha trong thế giới chúng ta sống, tình thương tích cực, tình thương được gởi đến cho con người, tình thương đó bao gồm tất cả những gì làm thành nhân tính của con người. Tình thương này càng nổi bật hơn khi tiếp xúc với đau khổ, với bất công, nghèo khó, với tất cả ‘thân phận con người’ trong lịch sử. Cách này hay cách khác, thân phận đó biểu lộ tính chất hữu hạn và mong manh của con người, cả về thể xác lẫn tinh thần. Do đó, theo ngôn ngữ Thánh Kinh, các cách thức và những lãnh vực nào mà tình thương được biểu lộ, thì được gọi là “lòng thương xót”.[10]

2. Sự hiện diện của lòng Chúa xót thương trong Phụng vụ

Sự hiện diện của Thiên Chúa không ngưng nghỉ trong chương trình cứu chuộc con người. Đức Kitô bỏ thế gian mà về cùng Cha, không có nghĩa là chấm dứt sự hiện diện của Thiên Chúa trong dòng lịch sử của con người, bởi lòng thương xót của Thiên Chúa không thể dừng lại khi còn đó những nỗi khốn khổ mà con người còn mang vác. Mặc dầu Chúa Kitô đã chiến thắng được sự chết, nhưng thế gian vẫn chưa đi đến cái cùng tận sự hiện hữu của mình, nên vẫn còn đó sự có mặt của ác thần, và con người vẫn đối diện với bao khổ đau do quỷ dữ gây nên. Vì thế, Chúa Kitô đã thiết lập các Bí tích đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải để hiện diện hóa lòng thương xót của Thiên Chúa.

Như vậy, Phụng vụ Kitô giáo không chỉ là con đường dẫn tới việc tôn thờ Thiên Chúa, nhưng còn là nơi để gặp gỡ Đức Kitô, khuôn mặt của lòng thương xót, bởi chính “nơi” để cử hành Phụng vụ đích thật không là Đền thờ được xây cất bằng đá, mà chính là con người Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, (Logos incarnatus), chính Logos đã đi vào trần thế, mặc lấy một thân xác và trở nên giống mọi thân xác. Người đã mang lấy trong thân xác mình mọi đau khổ và hy vọng của nhân loại, tất cả tiếng rên xiết của thụ tạo và dâng tất cả về cho Thiên Chúa.[11] Chúa Kitô đã thực hiện điều đó trong chính thân xác được hiến tế trên thập giá và sự Phục sinh của Người. Thật vậy, sự Phục sinh của Chúa đã biến thân xác trần thế của Người trở thành thân thể sống động, chính thân thể này đã bước vào trong ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa và trở thành nơi tôn thờ Thiên Chúa đích thực.[12] Điều mà Người đã tiên báo: “các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Ngay chính tại nơi Đền thờ này, việc tôn thờ Thiên Chúa được cử hành, và ngôn từ được cất lên không là ngôn từ nào ngoài ngôn từ Phụng vụ của Giáo Hội được dệt lên từ Lời Thiên Chúa (Dei Verbum), Lời đã mặc lấy xác phàm. Chính từ ngôn từ này, Phụng vụ Giáo Hội đã tỏ bày lòng thương xót của Thiên Chúa trở nên hữu hình trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Thật vậy, ngôn từ Phụng vụ không gì hơn là tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng mà trong sự Phục sinh của mình, đã có kinh nghiệm triệt để về lòng thương xót, tức là về tình thương của Chúa Cha mạnh hơn sự chết. Và cũng chính Đức Kitô ấy, Con Thiên Chúa, lúc ở cuối hạn kỳ và theo một ý nghĩa nào đó vượt trên hạn kỳ sứ mệnh cứu thế của mình, lại tự mặc khải mình là nguồn mạch khôn cạn của lòng thương xót, của tình thương, tình thương mà trong viễn cảnh lịch sử cứu chuộc trong Giáo Hội sau này phải không ngừng tỏ ra mạnh hơn tội lỗi. Đức Kitô Phục sinh là hiện thân trọn vẹn dấu chỉ sống động của lòng thương xót: dấu chỉ của ơn Cứu chuộc vừa mang tính lịch sử vừa mang tính cánh chung. Trong tinh thần này, phụng vụ mùa Phục sinh mới đặt lên môi chúng ta những lời Thánh Vịnh: “Misericordias Domini in aeternum cantabo” – “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng”.[13]

Vì thế, việc Giáo Hội cử hành Phụng vụ, nhất là cử hành Thánh Lễ là để hiện tại và hiện diện hóa lòng thương xót Chúa liên tục qua mọi thời đại cho tới khi Chúa đến.[14] Việc hiện diện của Chúa Kitô cách bí tích không phải là sự hiện diện mang đặc tính tượng trưng, nhưng là hiện diện thật, vì chỉ có sự hiện diện như thế lòng thương xót của Thiên Chúa mới thể hiện cách trọn hảo và phù hợp với bản tính của Thiên Chúa, Đấng hiện hữu cách tuyệt đối và trọn hảo. Dĩ nhiên sự hiện hữu đích thật của Chúa không được hiểu là sự hiện diện thể lý trong không gian với ba chiều kích cao, rộng, dài. Giả như Chúa Giêsu hiện diện qua việc cử hành Phụng vụ với “thể xác” trước phục sinh, thì sự hiện diện này mang nhiều khiếm khuyết, nó không thẻ nào trình bày một sự hiện diện hoàn hảo và như thế lòng thương xót của Chúa cũng bị giới hạn trong một thân xác hữu hạn. Nếu sự hiện diện chỉ được nhìn đến qua sự hiện hữu của một xác thể, thì quả thật chúng ta không thể nào gặp gỡ được lòng thương xót của Thiên Chúa, vì thân xác là ranh giới phân chia chúng ta với người khác, và nó làm cho chúng ta trở nên xa lạ với người khác; không chỉ có thế, thân xác còn là vật cản để chúng ta không thể nhìn thấy chính mình và cũng như không thể đụng chạm tới “cái tôi” của người khác, và vì thế chúng ta mãi xa lạ với nhau.[15] Sự hiện diện của Chúa trong Phụng vụ là sự hiện diện của một thân xác đã vượt qua giới hạn của cái chết để tiến tới phục sinh. Chính thân xác phục sinh không còn bị giới hạn bởi ranh giới của cái tôi tạo ra ngăn cách, khép kín với người khác, nhưng nó trở thành cái cầu dẫn tới sự hiệp thông. Với thân xác phục sinh Chúa đã hiện diện trong một hữu thể tự mở ra, tự trao ban, vượt qua mọi giới hạn để kiến tạo sự gặp gỡ thâm sâu [16] và qua đó chúng ta có thể chạm tới được lòng thương xót của Chúa.

Công Đồng Vatican II đã minh định: “Chính nhờ Phụng vụ, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, mà công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện”,[17] cho nên, việc cử hành Phụng vụ là hiện diện hóa công trình cứu chuộc của Đức Kitô, một công trình thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa cách cụ thể, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói:

Thập giá được dựng trên núi Sọ và là chỗ Đức Kitô đối thoại cuối cùng với Chúa Cha, thập giá ấy xuất hiện từ chính trung tâm của tình thương mà Thiên Chúa theo ý định đời đời đã dành cho con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Ngài. Thiên Chúa, như Đức Kitô đã mặc khải, không phải chỉ có tương quan chặt chẽ với thế gian trong tư cách là Đấng Tạo Hóa và là nguồn mạch tối thượng của hiện hữu, Ngài cũng là Cha: Ngài kết hợp với con người mà Ngài đã gọi vào hiện hữu trong vũ trụ hữu hình, bằng một liên hệ còn sâu xa hơn liên hệ tạo thành. Chính tình thương không những tạo thành cái tốt, mà còn cho tham dự vào cả cái tốt, tham dự vào cả sự sống của Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Thật vậy, kẻ đã yêu thương thì muốn tự hiến chính mình.[18]

Tin Mừng Gioan đã trình bày về việc một tên lính lấy ngọn giáo mở toang cạnh sườn của Chúa trên Thập Giá, tức thì “máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Rõ ràng Gioan muốn nói rằng, Chúa Giêsu chính là Adam mới, Đấng đã tỏ bày cách thẳm sâu về lòng thương xót của Thiên Chúa từ cạnh sườn được mở ra trong hiến tế yêu thương. Thật vậy, chính từ cạnh sườn được mở ra này, một nhân loại mới được khơi mào từ dòng nước được tuôn trào từ cạnh sườn đó. Quả thật, từ cái chết bởi hiến tế yêu thương của Đức Giêsu máu và nước chảy ra để kiến tạo nên Hiến tế Thánh Thể và dòng nước Thanh Tẩy làm nên một cộng đoàn hiệp thông tân ước, và có thể gọi đó là cộng đoàn của lòng Chúa xót thương. Như vậy, việc cử hành phụng vụ của Giáo Hội chính là hiện diện hóa nguồn mạch làm nên cộng đoàn của lòng Chúa yêu thương này, và việc cử hành được thực hiện trong một cấu trúc mà nhà thần học Lothar Lies, S.J. gọi là cấu trúc Ân sủng Thiên Chúa (Eulogia): Giáo Hội Chúa Kitô trước tiên được hiểu như là Thân Mình của Người, nơi đó thể hiện sự hiện diện cùng với toàn bộ công trình cứu chuộc của Người.[19]

– Lòng thương xót được hiện diện qua lời khẩn cầu (epiklese)

Ý thức được sự giới hạn của mình, như là Hiền thê khiêm cung, Giáo Hội luôn cất tiếng khẩn cầu lòng Chúa xót thương. Lời khẩn cầu là yếu tố không thể thiếu trong việc cử hành Phụng vụ Giáo Hội, qua lời khẩn cầu Giáo Hội luôn minh định về mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa, một mối tương giao được thiết lập do lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người, và dựa vào lòng thương xót đó Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình:

“Chiên Thiên Chúa đã từ nơi thượng giới

Xuống cõi trần đền tội vạ chúng ta.

Nào cùng nhau chạy đến lượng hải hà,

Xin tha thứ bằng lời kinh thấm lệ”.[20]

Lời khẩn cầu của Giáo Hội vang lên trong Phụng vụ là lời van nài một sự biến đổi nhờ Thánh Thần để thực sự trở thành dấu chỉ về sự hiện diện của lòng thương xót Chúa giữa trần thế này: “Lạy Thiên Chúa là Cha nhân từ, xin thực hiện lời Chúa đã hứa mà sai Thánh Thần đến với chúng con. Chính Người ban cho chúng con sức mạnh để trước mặt người thế chúng con trở nên nhân chứng của Tin Mừng”.[21] Chứng nhân cho Tin Mừng không gì hơn là loan báo công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua nhiệm cục cứu chuộc được thực hiện nơi con người Đức Giêsu Kitô. Qua việc canh tân Phụng vụ của Công Đồng Vatican II, “Epiklese”, lời khẩn cầu nài xin Chúa Thánh Thần ngự xuống, lấy lại chỗ đứng trong Phụng vụ Roma. Bởi chính Chúa Thánh Thần như là “không gian” của đức tin.

Mỗi một cuộc gặp gỡ trong đức tin với Thiên Chúa, Đấng tự tặng ban cho chúng ta, đều được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Nếu không có sự khai trí mở lòng bởi Chúa Thánh Thần, chắc chắn sẽ không thể có đức tin. Kẻ nào được đắm mình trong mối dây liên kết tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con bởi Chúa Thánh Thần, kẻ đó sẽ nhận được đôi mắt yêu thương như quà tặng, với đôi mắt này họ sẽ nhận ra Chúa Giêsu lịch sử chính là Con vĩnh hằng của Thiên Chúa Cha.[22]

Việc khẩn cầu Thánh Thần trong Phụng vụ như là lời minh xác: chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong toàn bộ đời sống của Giáo Hội, không chỉ trong Bí tích Thánh Thể (sự hiệp thông của các thánh), Bí tích Rửa Tội và Hòa Giải (sự thứ tha tội lỗi), mà còn cả trong việc hoàn tất lịch sử trong biến cố “Phục sinh từ cõi chết”“sự sống đời đời” có giá trị như là một phương thế cần thiết trong đức tin Kitô giáo, trong phương thế này Chúa Thánh Thần hiện diện để hiện tại hóa và hoàn tất cách dứt khoát các biến cố tự tỏ mình của Thiên Chúa.[23]

Phúc Âm của Thánh Gioan đã suy tư đến vai trò của Chúa Thánh Thần qua cái chết của Chúa Giêsu Kitô như là quà tặng của lòng thương xót trong biểu tượng mang tính thực tế cách rõ nét: “Người trao ban Thần Khí” (Ga 19,30). Điều đó có nghĩa là ngay trong cái chết của Chúa Giêsu, động lực thẳm sâu của tình yêu Thiên Chúa chính là “sự tận hiến” được biểu lộ. “Ở đây tình yêu của Cha và tình yêu dâng hiến trọn vẹn của Con như là ân huệ của Chúa Thánh Thần được trao ban cho nhân loại”.[24] Phụng vụ đã hiện tại hóa sự tận hiến này qua lời khẩn cầu: “Vì vậy lạy Chúa chúng con nài xin Chúa cho Chúa Thánh Thần thánh hóa những của lễ này để trở nên Mình và Máu Đức Kitô, Chúa chúng con”.[25] Nhờ đó, cộng đoàn tham dự việc cử hành Phụng vụ cũng được thay đổi:

Sự thay đổi con người ích kỷ trở thành con cái Thần khí của Cha, sự thay đổi từng cá nhân riêng lẻ xa lạ trở thành cộng đoàn huynh đệ anh chị em với nhau, sự thánh hoà từ người tội lỗi trở thành con người mới qua việc tháp nhập vào trong hiến lễ tình yêu của Người Con… là đích điểm và đỉnh cao cũng như ý chính của việc cử hành Thánh Thể.[26]

Qua việc thay đổi này chúng ta cảm nhận được lòng Chúa xót thương, để chúng ta cũng biểu lộ lòng thương xót đó đến với tha nhân.

– Lòng thương xót được hiện diện qua việc tưởng niệm (anamnese)

Đỉnh cao của việc tỏ bày lòng thương xót của Thiên Chúa chính là biến cố chết và phục sinh của Đức Kitô. Việc tỏ bày đó được diễn tả cách sống động qua Phụng vụ, đặc biệt qua Bí tích Rửa Tội và Thánh Thể. Khi cử hành Bí tích Rửa Tội, Phụng vụ tưởng niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Giáo phụ Theodoret thành Cyr khi chú giải đoạn thư Do Thái 6,4 -6 đã minh định: Qua việc cử hành Bí tích Rửa Tội, chúng ta tưởng nhớ tưởng tới cuộc thương khó và phục sinh của Đức Kitô:

Nhờ Phép Rửa chúng ta được mai táng cùng với Người và được sống lại cùng với Người… Và con người cũ của chúng ta đã được đóng đinh cùng với Người trong Phép Rửa, trong khi Người chết cái chết điển hình cho sự chết… Vậy Bí tích này có một không hai, vì bao hàm biểu tượng điển hình cho cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ và cho cuộc Phục sinh, và Bí tích đó là hình mẫu báo trước cho chúng ta cuộc phục sinh sẽ diễn ra trong tương lai.[27]

Trong khía cạnh tưởng nhớ này, Phép Rửa đóng vai trò liên quan mật thiết đối với sự cần thiết cho việc cứu độ. Đức tin của chúng ta xác tìn rằng ơn cứu độ duy nhất đến từ Đức Kitô, không còn con đường nào, vì Người là trung gian cứu chuộc duy nhất. Đức Kitô đã chết cho tất cả nhân loại và cũng chỉ ra rằng do bởi lòng thương xót mà Thiên Chúa thể hiện ý muốn cứu độ cho hết mọi người và cho toàn thể thụ tạo; Đức Kitô đã ban ơn cứu độ qua Phép Rửa, đó là điều chắc chắn không sai lầm, và là phương thế cần thiết để nhận lãnh ơn cứu độ.

Đặc biệt khi cử hành Bí tích Thánh Thể, lòng thương xót của Thiên Chúa được bộc lộ sống động qua hiến lễ Thập Giá của Đức Kitô. Thật vậy, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Phụng vụ Giáo Hội biểu tỏ việc tưởng nhớ về hành động quyền năng của Thiên Chúa trong lịch sử là hiện thực cảm nhận về hành vi cứu chuộc của Thiên Chúa, được thực hiện trong lịch sử và qua đó Thiên Chúa thiết lập một thực tại tương quan với con người: Như trong lễ Vượt qua (Pasach) của người Do Thái, người ta cử hành một thực tại, đó là việc giải thoát khỏi ách nô lệ trên vùng đất xa lạ, cũng vậy trong lễ tạ ơn (Eucharistie) lịch sử được tưởng nhớ trở thành hiện tại: bữa ăn chiều cuối cùng của Chúa Giêsu và trong bữa ăn chiều này như dấu chỉ tổng kết một lịch sử yêu thương hiến tặng của Thiên Chúa dành cho Dân của Người, từ biến cố đi ra khỏi Ai Cập vượt qua Biển đỏ tới biến cố Phục sinh và Lên trời của Chúa Giêsu. Vì trong việc tưởng nhớ chuyện “hôm qua” và việc “hôm nay” quyện lẫn trong nhau, cho nên việc cử hành Lễ tạ ơn là một cuộc gặp gỡ đích thật với Chúa Giêsu Kitô và lịch sử của Người.

Chính Chúa Kitô với tất cả những gì Người đã hoàn tất vì chúng ta và vì toàn thể thụ tạo (trong sự hóa thân làm người, sống khiêm hạ, sự phục vụ, giáo huấn, sự đau khổ, hiến tế, sự Phục sinh và lên trời của Người và việc Người gởi ban Thánh Thần), được hiện tại trong việc tưởng nhớ này và ban tặng cho chúng ta sự hiệp thông với Người.[28]

– Lòng thương xót được hiện diện qua sự hiệp thông (communio)

Giáo Hội Chúa Kitô được xây dựng trên nền tảng hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, Công Đồng Vatican II đã minh định: “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.[29] Như vậy có thể nói, sự hiệp thông trong Giáo Hội được hình thành từ tình thương đầy lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi Ngài là một vị “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, nói như Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI: sự hiệp thông trong Giáo Hội “được xây dựng trên lòng nhân hậu của Thiên Chúa, lòng nhân hậu khiến cho tất cả mọi người trong Giáo Hội cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ”.[30] Sự hiệp thông của Giáo Hội được củng cố, nuôi dưỡng và phát triển nhờ “Lời Chúa và các bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể, nhờ đó mà Giáo Hội luôn sống động và lớn mạnh”.[31] Công Đồng Vatican II đã khẳng định:

Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu Kitô, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và công phúc của Ngài, những người theo Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận Phép Rửa, bí tích Đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải giữ gìn và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện họ đã lãnh nhận.[32]

Sự hiệp thông bởi ơn công chính hóa này được nhận ra trong chức linh mục cộng đồng.

Thật vậy, “Những Kitô hữu đã được nhập hiệp vào Thân thể Chúa Kitô nhờ Phép Rửa, đã trở nên Dân Chúa và được tham dự vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Đức Kitô theo cách thức của họ”.[33] Được trở thành con cái Thiên Chúa không phải do công trạng của chúng ta, nhưng tất cả nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Hồng ân này luôn được hiện tại hóa trong mỗi phút giây trong đời sống Giáo Hội, cụ thể qua việc cử hành Phụng vụ Thánh Thể. Giáo huấn Giáo Hội khẳng định: Phụng vụ là công trình của Đức Kitô, việc cử hành phụng vụ chính là thực hiện và biểu thị sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người.[34] Sự hiệp thông này có được chính nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, “chân lý về lòng thương xót của Thiên Chúa được trình bày trong Thánh Kinh vẫn luôn vang dội trong nhiều bài đọc của phụng vụ thánh. Và dân chúng, trong cảm thức đích thực theo đức tin, họ cảm nhận rõ tiếng vang đó, như nhiều biểu lộ của lòng đạo cá nhân và cộng đồng đã chứng tỏ. Chắc chắn khó mà kể ra và tóm tắt được tất cả những biểu lộ này, bởi vì phần lớn được ghi tạc tận nơi thâm sâu nhất trong các tâm hồn và các ý thức”,[35] nhất là qua việc hiệp thông Thánh Thể, mỗi người Kitô hữu cùng hiệp nhất với nhau để hiện tại hóa lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu tỏ trong chính Bí tích Tình Yêu. Thánh Augustin đã dạy:

Nếu anh em là thân thể và là chi thể của Chúa Kitô, thì chính anh em là Bí tích đang đặt trên Bàn thờ Chúa; anh em lãnh nhận Bí tích là chính anh em. Khi lãnh nhận, anh em nghe: “Mình Thánh Chúa Kitô” và trả lời Amen. Hãy thực sự trở thành chi thể của Chúa Kitô, để cho lời thưa Amen của anh em là chân thực.[36]

Phụng vụ thánh luôn được cử hành trong sự hiệp thông Giáo Hội, và chính việc cử hành này đã hiện diện hóa lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Đức Kitô trong Giáo Hội. Thánh Công Đồng Vatican II đã nói:

Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ, vừa ở nơi con người của thừa tác viên, khi “chính Đấng xưa đã tự hiến mình trên Thập giá, nay cũng đang dâng hiến nhờ tác vụ của các linh mục”, vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình bánh hình rượu trong Bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong cách bí tích nhờ quyền năng của Người, đến nỗi, khi có ai cử hành Bí tích Rửa Tội thì chính là Chúa Kitô đang rửa tội. Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát thánh vịnh, như chính Người đã hứa: “Nơi đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).[37]

– Lòng thương xót được hiện diện qua lòng biết ơn (Phosphora) trong Phụng vụ

Đối với Giáo Hội, việc cử hành Phụng vụ còn là cách thế diễn tả lời tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu Ngài dành cho con người qua việc hạ cố của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, xuống ở giữa con người, sẻ chia cuộc sống với con người và cuối cùng là tận hiến mạng sống để cứu chuộc con người.

Chính nhờ Phụng vụ, con người nội tâm được bén rễ sâu và đặt nền tảng trên tình yêu của Thiên Chúa, Đấng “rất mực yêu thương chúng ta” (Ep 2,4) trong Con yêu dấu của Ngài. Đây chính là “công trình kỳ diệu của Thiên Chúa”, là đời sống được hướng dẫn và được nội tâm hóa bởi mọi lời cầu nguyện, “mọi lúc trong Thần Khí” (Ep 6,18).[38]

Qua phụng vụ con người nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người cách đặc biệt, bởi chính phụng vụ trình bày cho biết Đức Kitô được Cha sai đến, Người cũng đã đổ tràn Thánh Thần cho các Tông đồ, không chỉ loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại và loan báo cho nhân loại biết Con Thiên Chúa đã giải phóng chúng ta khỏi quyền lực của Satan qua cái chết và sự Phục sinh của Người, nhưng còn là hiện thực công trình cứu chuộc mà các Tông đồ loan báo qua Hy lễ và Bí tích. Thật vậy qua Phép Rửa, con người được tháp nhập vào Mầu nhiệm Vượt qua. Cùng chết với Đức Kitô, họ được mai táng và cùng được phục sinh với Người. Họ nhận lãnh tinh thần nghĩa tử, qua đó chúng ta gọi Chúa là Cha (Rm 8,15), và như thế trở nên kẻ phụng thờ đích thật mà Chúa Cha tìm kiếm. Cũng thế, mỗi khi họ tham dự tiệc Chúa, họ loan báo cái chết của Chúa cho đến khi Người lại đến… Kể từ đấy, Giáo Hội không bao giờ ngừng việc quy tụ lại với nhau để cử hành Mầu nhiệm Vượt qua: gồm việc “đọc những gì viết về Người trong Kinh Thánh” (Lc 24,27), việc cử hành lễ Tạ ơn, trong đó “trình bày về sự vinh thắng khải hoàn từ cái chết của Người”, và đồng thời “cảm tạ Thiên Chúa về ân huệ khôn tả của Người” (2Cr 9,15), trong Chúa Giêsu Kitô, “để ca tụng vinh quang Người” (Ep 1,12), nhờ quyền năng của Thánh Thần.[39] Mầu nhiệm Vượt qua sẽ không thể có được nếu không được hiện thực nhờ bởi lòng thương xót của Thiên Chúa Cha trong Đức Giêsu Kitô. Trong Người, “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng, và đã tìm thấy tột đỉnh điểm của nó”[40] từ trên Thập Giá, khi cạnh sườn của Người được mở ra (Ga 19, 30-37). Chính từ cạnh sườn bị đâm thủng Chúa Giêsu đã khai sinh ra Giáo Hội và các bí tích làm nên Giáo Hội. Và việc thành lập này là điều cần thiết để lòng thương xót Chúa luôn được biểu lộ trong thời gian cho tới thời kỳ chung cuộc.

Có thể nói, phụng vụ là cách thế “Giáo Hội công bố chân lý lòng thương xót của Thiên Chúa, được mặc khải trong Đức Kitô chịu đóng đinh và đã Phục sinh”,[41] và Giáo Hội tuyên xưng chân lý ấy cách đặc biệt qua việc cử hành Thánh Thể, bởi ”Bí tích Thánh Thể là món quà đích thân của Tình Yêu mà chính Thiên Chúa đã cho đi chính mình trong nhiệm tích lễ Vượt Qua của Đức Kitô để cho thế gian được sống; là bí tích tuyệt diệu nhất, chứa đựng toàn thể mầu nhiệm cứu độ, là nguồn mạch và tột đỉnh của hành động và đời sống của Hội Thánh, để đưa chúng ta vào sự sống đời đời”.[42]

3. Lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện qua thừa tác viên cử hành phụng vụ

Thừa tác viên thông thường của việc cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ các bí tích chính là linh mục thừa tác. Người linh mục được chọn vì việc cử hành phụng vụ này. Đức Benedicto XVI trong Tông huấn Sacramentum caritatis đã khẳng định: “Giáo Hội dạy rằng, việc thụ phong linh mục là yếu tố thiết yếu cho việc cử hành Bí tích Thánh Thể thành sự”“chỉ linh mục, chứ không phải người nào khác, theo truyền thống Giáo Hội xác định, chủ sự toàn bộ việc cử hành Thánh Thể, từ lời chào mở đầu cho đến phép lành kết thúc”.[43] Như vậy, chức Linh mục thừa tác và Thánh Thể có mối tương quan chặt chẽ quyện lẫn vào nhau, đến nỗi không thể tách rời khỏi nhau được. Do đó, khi cử hành Thánh Thể, người linh mục như hiện tại hóa Hy lễ Thập giá, hiện tại hóa việc trao hiến hoàn toàn của Chúa Kitô cho nhân loại, qua việc Người trao nộp chính mình và đã đổ máu mình ra vì yêu thương con người.

Do đó, việc cử hành Phụng vụ không còn là nghĩa vụ phải chu toàn, nhưng đó thuộc về bản chất của đời sống người linh mục. Cử hành Phụng vụ không là những hành vi lập lại một biến cố, hay là một thực hành theo thói quen, nhưng đó chính là một hành vi làm cho lòng thương xót của Thiên Chúa qua Đức Kitô được biểu tỏ và hiện diện cách sống động, cụ thể. Thật vậy, được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, khi cử hành Phụng vụ, được hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu (in personna Christi capitis), người linh mục phải trở thành dấu chỉ của lòng thương xót Chúa.

Như là tác nhân sống động cho buổi cử hành Phụng vụ, người linh mục phải làm sao để người tham dự chạm tới được lòng thương xót của Chúa, vì vậy nghi lễ mà linh mục cử hành phải được thực hiện cách sốt sắng cả bề trong lẫn bề ngoài, đồng thời tránh đi sự vội vàng và cẩu thả. Việc chủ toạ nghi lễ Phụng vụ và việc làm cho nghi lễ đó sống động đòi hỏi phải có một đời sống nội tâm dồi dào, phải có trái tim của người mẹ, một tấm lòng bao dung của người mục tử, và phải dọn mình cẩn thận mỗi khi cử hành.

Người linh mục khi trao ban Mình và Máu Chúa Kitô, không là trao ban thân mình Chúa Kitô lịch sử, nhưng là trao ban Chúa Kitô nhập thể, chết và sống lại, hay nói cách khác một dung mạo của lòng thương xót Chúa, tức là trao ban một hiện thực tình yêu của Thiên Chúa, một hiện thực của lòng thương xót. Cho nên, như là tác viên của lòng thương xót, người linh mục phải trở thành hiện thực điều mà linh mục trao ban, nhờ đó sự sống được tiếp tục tuôn tràn, niềm vui được phục hồi. Thật vậy, khi dâng Hy tế Thánh Thể, người Linh mục không đơn thuần là dâng Hy tế Thập giá của Chúa Giêsu, nhưng còn là hiến dâng chính thân mình, bởi con người hiện thân của Chúa Giêsu không thể tách rời khỏi Người. Đức Hồng y Fulton Sheen đã có lý khi đưa ra nhận định: “Khi truyền phép chúng ta treo Chúa lên Thập giá, lẽ nào chúng ta chỉ dự như là khán giả trước một thảm kịch, mà lý ra chúng ta được chỉ định đóng vai chính?”.[44] Do đó, lời biến thể hóa bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu cũng là lời biến thể hóa cuộc đời Linh mục trở thành dấu chỉ của việc trao ban sự sống Thánh Thể. Là dấu chỉ, người Linh mục không làm nhiệm vụ chuyển trao cách thụ động, nhưng trong sự chuyển trao này có máu thịt của người Linh mục, máu thịt được đúc kết bởi một tình yêu hiến dâng cho Giáo Hội, Hôn thê của Chúa. Bởi, khi dâng Hy tế Thánh Thể, người Linh mục không cử hành nhân danh chính mình, nhưng nhân danh Chúa Kitô mà người Linh mục là hiện thân. Và như thế, cũng là nhân danh lòng thương xót của Chúa để linh mục tiếp tục thể hiện.

Như là thừa tác viên của lòng thương xót, người linh mục không bao giờ chán nản, bỏ cuộc trong việc thi thành nhiệm vụ phục vụ loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, nhất là qua việc cử hành phụng vụ, để qua phụng vụ người ta gặp được một vị Thiên Chúa nhân lành và hay thương xót. Sự hiến thân phục vụ cho lòng thương xót luôn mời gọi người linh mục khám phá liên tục, không ngơi nghỉ những phương thế hữu hiệu mang lại an bình cho con người. Lời yêu thương cứu độ được tỏ bày phù hợp với tâm thức của thời đại luôn là đối tượng của việc khám phá này. Đây không là chuyện đơn giản, nhưng là công việc đòi nhiều hy sinh, nhiều khi đổ cả máu đào. Thế giới chỉ có thể nghe tiếng gọi yêu thương nếu người linh mục dấn thân phục vụ nhằm “nắn đúc những quan hệ giữa người với người, trong một tinh thần rất trân trọng những gì thuộc về con người và tình anh em đối với nhau”.[45]

Lòng thương xót của Thiên Chúa được hiện diện hóa trong phụng vụ, cần được tuôn trào ra trong cuộc sống. Như Đức Kitô, Đấng đã mạnh dạn đồng bàn với bọn thu thuế và tội lỗi, Người sẵn sàng giơ tay đụng đến người phong cùi để chữa lành, Người lên tiếng bênh vực kẻ bị áp bức, như người phụ nữ ngoại tình, Người thẳng thắn phê bình kẻ giả hình, Người tiếp xúc với “dân ngoại” mà không chút dè dặt, thì người linh mục cũng phải nỗ lực làm cho thế giới loài người ngày càng mang tính người hơn khi chúng ta đưa vào trong mọi quan hệ hỗ tương giữa người với người sự tha thứ theo Tin Mừng; sự tha thứ cho thấy rằng trong thế giới tình thương mạnh hơn tội lỗi. Hơn nữa, tha thứ là điều kiện trước tiên của sự hòa giải, chẳng những trong các tương quan giữa Thiên Chúa với con người, mà còn trong những tương giao giữa người với người. Một thế giới nếu trong đó người ta loại trừ sự tha thứ, thì sẽ chỉ là một thế giới công bằng lạnh lùng và bất kính, để mỗi người nhân danh nó mà đòi hỏi những tư lợi đối với kẻ khác; như thế, mọi ích kỷ tiềm tàng trong con người sẽ có thể biến đổi đời sống và xã hội ấy thành một hệ thống: cá lớn nuốt cá bé, hoặc thành một đấu trường cho người ta thường xuyên xung đột lẫn nhau.[46]

Kết

Khi cử hành phụng vụ, Giáo Hội không chỉ dừng lại ở việc trình bày lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người, nhưng Giáo Hội còn phải làm cho việc cử hành đạt tới cùng đích của phụng vụ, bởi “Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội Thánh vươn tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào tất cả sức mạnh của Hội Thánh”,[47] vì thế Giáo Hội phải làm cho lòng thương xót của Thiên Chúa được hiện thực trong chính đời sống của mình. Giáo Hội không chỉ là người trình bày lòng thương xót Chúa, nhưng còn phải là dấu chỉ của lòng thương xót đó, Giáo Hội phải trở thành biến cố của việc hiện tại hóa lòng thương xót Chúa. Giáo Hội không chỉ trình bày lòng thương xót qua việc cử hành phụng vụ, nhưng “còn được kêu gọi “có hành động thương xót” đối với kẻ khác: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Trong những lời này, Giáo Hội nhận ra một lời mời gọi phải hành động và Giáo Hội cố gắng thực hành lòng thương xót”;[48] đặc biệt qua việc cử hành Thánh Thể Giáo Hội cử hành về lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ bày trong lịch sử cứu độ mà Giáo Hội phải hàm ơn, về niềm hy vọng mà Giáo Hội hướng tới, về việc Chúa đến, nhờ đó Giáo Hội được biến đổi; đồng thời trong việc cử hành này Giáo Hội trình bày những gì Giáo Hội là hay những gì Giáo Hội phải là: một cộng đoàn hiệp thông, chứng tá cho lòng thương xót của Thiên Chúa mà Đức Kitô loan báo, nỗ lực sống chứng tá này trong sứ mệnh phục vụ tha nhân qua hai hình thức: chứng tá bằng lời rao giảng và bằng hành động.

Việc cử hành phụng vụ không gì hơn là hiện tại hóa một tình yêu lớn lao vô vị lợi mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cử hành một tình yêu ngập tràn lòng thương xót, nơi Tình yêu không chỉ là hy sinh nhưng trước nhất phải là sáng tạo bắt nguồn từ lòng thương xót. Vì là lòng thương xót nên tình yêu luôn có những sáng kiến diệu kỳ. Vì yêu Thiên Chúa tạo dựng con người, vì yêu Thiên Chúa cho Người Con duy nhất xuống thế cứu chuộc, vì yêu Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với con người. Lòng thương xót là thế đấy, luôn làm nẩy sinh những điều mới lạ để biểu tỏ tình yêu, và những sáng kiến của tình yêu luôn biểu lộ tính độc đáo của lòng thương xót, nguồn mạch tuôn trào sự sống và niềm vui. Chính trong lòng thương xót nơi tình yêu mà có sự hy sinh. Thường thì người ta hay nhắc đến hai chữ hy sinh khi nói đến tình yêu, nhưng như vậy chưa đủ, bởi có những hy sinh nhưng thiếu vắng yêu thương. Có những người hy sinh thời giờ, tiền bạc, sức lực cho người khác, nhưng tim họ lạnh căm, không có chút hơi ấm của nhịp đập yêu thương. Hy sinh chỉ thực sự mang trọn ý nghĩa khi nó được thực hiện bởi sáng kiến phát xuất từ tình yêu. Sáng kiến tình yêu thúc đẩy chúng ta hành động ngoài những tính toán theo logic của nhân loại. Người môn đệ Đức Kitô luôn được thúc đẩy yêu thương, cũng có nghĩa là luôn được thúc đẩy nẩy sinh những sáng kiến để thực thi yêu thương trong các lãnh vực của cuộc sống nhân trần này. Những sáng kiến nhiều khi dám liều, dám hóa điên hóa dại với mục đích làm cho con người khám phá ra niềm vui của Tin Mừng, nhận ra Đức Kitô để kiến tạo một cộng đoàn sống trong tình huynh đệ đích thực, không kỳ thị phân chia, không phân cách bởi những vị thế trong xã hội, bởi tình trạng sang hèn, giàu nghèo.[49] Sáng kiến yêu thương này còn có thể “khôi phục cuộc hành trình gặp gỡ con người tại nơi họ đang sống: trong những thành phố và các gia đình, tại nơi họ làm việc”. Bởi “bất cứ nơi đâu có con người, Giáo Hội đều được kêu gọi hãy đến với họ và mang cho họ niềm vui Tin Mừng, lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa”.[50]

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus (Khuôn mặt xót thương), Ngày 11-04-2015, số 1.

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 7.

[3] Xc. Joseph Ratzinger, Ein fuerhrung in das Chirstentum, Koesel 2005, pp. 71.

[4] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa Là Tình Yêu), Ngày 25-12-2005, số 17.

[5] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, I, q. 21, a. 3.

[6] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa Là Tình Yêu), Ngày 25-12-2005, số 17.

[7] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót), Ngày 30-11-1980, số 4.

[8] Ibidem.

[9] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa Là Tình Yêu), Ngày 25-12-2005, số 17.

[10] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót), Ngày 30-11-1980, số 3.

[11] Xc. Joseph Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, Ignatius Publisher, San Francisco 2000, pp. 47.

[12] Xc. Ibid., pp. 43.

[13] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót), Ngày 30-11-1980, số 8.

[14] Xc. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 47.

[15] Xc. Joseph Ratzinger, Gott ist uns nah, Sankt Ulrich Publisher, Augsburg 2001, pp. 80.

[16] Xc. Ibid., pp. 82.

[17] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 2.

[18] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót), Ngày 30-11-1980, số 7.

[19] Xc. Lothar Lies, S.J., Die Sakramente dẻ Kirche, Tyrolia Publisher, Innbruck 2004, pp. 46. 

[20] Thánh Thi, Kinh Sáng Chúa Nhật I Mùa Vọng.

[21] Lời Nguyện Nhập Lễ, Thánh lễ cử hành Bí tích Thêm Sức.

[22] Hà Văn Minh, Giáo Hội như là Dấu chỉ Bí tích, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2015, tr. 114. 

[23] Xc. J. N. D Kelly, Altchristliche Glaubensbekenntnisse, Goettingen 1972; Th. Schneider, Was wir glauben. Eine Auslegung des Apostolichen Glaubensbekenntnisses, Düsseldorf 1985. 

[24] Hà Văn Minh, Giáo Hội như là Dấu chỉ Bí tích, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2015, tr. 121. 

[25] Kinh Nguyện Thánh Thể IV.

[26] B. J. Hilberath/Th. Schneider, Eucharistie, Düsseldorf 1993, pp. 436. 

[27] Theodoreth von Cyr, Chú giải Dt 6,4-6, in: PG 82, 717 AC.

[28] Kommision fuer Glauben und Kirchenverfasung des Oekumenischen Rates der Kirchen, Konvergenzerklaerung ueber des Amt, Lima 1982, Eucharistie 6.

[29] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 4.

[30] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Bài nói chuyện giờ kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng vào Chúa Nhật II Phục sinh Kính lòng Chúa Thương Xót, 19.4.2009, tại Castel Gandolfo, Roma.

[31] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia (Giáo Hội Từ Bí Tích Thánh Thể), Ngày 17-04-2003, số 34.

[32] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 40.

[33] Ibid., số 30.

[34] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1071.

[35] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót), Ngày 30-11-1980, số 13

[36] St. Augustin, Sermo 272: PL 38, 1247.

[37] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 7

[38] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1073.

[39] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 6

[40] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum, số 1.

[41] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót), Ngày 30-11-1980, số 15.

[42] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 8

[43] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis (Bí tích Tình Yêu), Ngày 22-02-2007, số 23.

[44] Fulton Sheen, Life of Christ, Hardcover Publisher 1958, Kim Thông dịch với tựa đề: “Linh mục Thời đại mới”, tr. 21.

[45] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót), Ngày 30-11-1980, số 14.

[46] Ibidem.

[47] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1074.

[48] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót), Ngày 30-11-1980, số 14.

[49] Hà văn Minh, Linh mục – Hồng ân cho Nhân loại, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2010, tr. 112. 

[50] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giảng khai mạc Năm Thánh Lòng Thương xót, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Roma, 8.12.2015.