LỜI/TIN MỪNG NƠI THÁNH PHAOLÔ

0
5387

LỜI/TIN MỪNG NƠI THÁNH PHAOLÔ
THÁNH PHAOLÔ, NGƯỜI CHA VÀ NGƯỜI MẸ
TRONG CÁC BỨC THƯ

 Lm. Claude Tassin

 DÀN BÀI

I. LỜI THEO THÁNH PHAOLÔ

Tin Mừng

Kinh nghiệm về lời

Lời con người, lời Thiên Chúa
Những người noi theo
Lời hoạt động

Kết luận

II. THÁNH PHAOLÔ VỚI NHỮNG LỐI ẨN DỤ MANG UY QUYỀN CỦA BẬC CHA MẸ

Hậu cảnh văn hóa của những lối ẩn dụ mang uy quyền bậc cha mẹ

Những cội nguồn của lối ẩn dụ trong 1 Tx 2,7b

Những lối ẩn dụ khác mang uy quyền bậc cha mẹ nơi thánh Phaolô

Kết luận

—————————————-

I. LỜI THEO THÁNH PHAOLÔ

Đối với nhà chú giải đang ở trước mặt quí vị đây, tính thời sự của vấn đề đã dừng lại vào thế kỉ thứ 2 và nhà chú giải này cảm thấy hơi bất lực khi phải đề cập tới chủ đề mới đây, tức chủ đề “Tân Phúc Âm hóa”. Tuy nhiên, chúng ta cùng nhau dừng lại nơi thánh Phaolô. Nếu như có một vị tông đồ từng phải đối mặt với vấn đề Tân Phúc Âm hóa thì đó rõ ràng phải là thánh Phaolô. Cuộc gặp gỡ của chúng ta với thánh Phaolô sẽ nhằm tới hai khía cạnh.

Chúng ta cần nhớ rằng hạn từ hiện đại Phúc Âm hóa vốn do từ Tin Mừng. Từ này gợi lên việc loan báo Lời. Trước tiên, chúng ta sẽ chú tâm tới quan niệm về Lời nơi vị tông đồ. Sau đó, khởi đi từ quan niệm này, chúng ta sẽ suy tư về những lối ẩn dụ mang uy quyền phụ mẫu mà thánh Phaolô sử dụng, tức là trong những đoạn văn mà thánh Phaolô xuất hiện với tư cách là người cha hay người mẹ của những cộng đoàn mà thánh nhân đã thành lập.

Tin Mừng

Những bức thư nổi tiếng và xác thực của thánh Phaolô dùng từ euaggelion 44 lần. Chúng ta cần phải nhớ rằng vào thời thánh Phaolô chưa hề tồn tại một bản Tin Mừng thành văn nào. Đối với thánh Phaolô, Tin Mừng là một sứ điệp truyền khẩu có cội rễ trong Cựu Ước (Is 52,7), được tiếp nối bằng lời rao giảng kérygma của Chúa Giêsu (Mt 4,17). Đây là một tin tốt lành vĩnh cửu (Kh 14,6). Từ euaggelion này đã từng là đối tượng của nhiều nghiên cứu bác học[1]. Chúng ta hãy bằng lòng với việc đưa ra một số cách diễn tả qua đó thánh Phaolô cho thấy rõ quan niệm của ngài về Tin Mừng.

Thánh nhân công bố Tin Mừng của Thiên Chúa (Rm 1,1), tin tốt lành được Chúa Cha trao tặng và vị tông đồ gắn liền với sứ điệp sau đây: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi” (1 Tx 2,8). Nội dung của lời loan báo này được tóm lược trong hai ngữ đoạn: Tin Mừng của Đức Kitô (1 Cr 9,12), Tin Mừng về Con của Người (Rm 1,9). Dĩ nhiên, thập giá ở vị trí trung tâm của lời rao giảng, theo Cr 4,4: “Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Ki-tô, là hình ảnh Thiên Chúa.” Vị trí trung tâm của thập giá đã bị các nhà truyền giáo đối thủ của thánh Phaolô tranh cãi. Do chuyện này, thánh nhân có những kiểu nói sở hữu táo bạo: Tin Mừng của chúng tôi (1 Tx 1,5), Tin Mừng của tôi (Rm 2,16)[2]. Cũng chính cuộc tranh cãi này gợi hứng cho thánh Phaolô dùng cách diễn tả sau đây: chân lí Tin Mừng (Ga 2,17), tức là việc loan báo Đấng Chịu Đóng Đinh (Ga 2,19-20).

Vả lại, sự phong phú của sứ điệp Kitô giáo còn thúc đẩy vị tông đồ thành Tácxô sử dụng từ Tin Mừng ở trạng thái tuyệt đối, không có túc từ[3]. Cũng cần phải xem xét cả động từ tương đương, euaggelizomai, “Phúc Âm hóa”. Nơi thánh Phaolô, túc từ của động từ này không áp dụng cho những con người, nhưng cho nội dung sứ điệp: đem tin vui về một điều gì đó hay về một ai đó. Ngược lại, ngôn ngữ Tây phương hiện đại nói tới Phúc Âm hóa những con người. Một nhà báo mỉa mai nói với người đối thoại với mình bằng những từ sau đây: “Tôi không tìm cách Phúc Âm hóa bạn.” Như vậy, động từ mang ý nghĩa chinh phục này trở thành một động từ đồng nghĩa với “thực dân hóa”. Trong khung cảnh ngôn ngữ như thế, người ta sẽ hiểu sự ngập ngừng của tôi trước cách diễn tả “Tân Phúc Âm hóa”.

Để trở lại với từ euaggelion trong các bản văn của thánh Phaolô, chúng tôi xin nêu lên tính cách hai lần cụ thể của từ này. Một đàng, Thánh Phaolô viết rằng: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi (…) anh em đã góp phần vào Tin Mừng” (Pl 1,3.5). Đây là việc các tín hữu ở Philípphê đóng góp tài chính cho những sứ vụ của vị tông đồ[4]. Mặt khác, đây là một kinh nghiệm cốt tử: “Cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1 Cr 4,15). Câu Kinh Thánh này mở đầu cho phần thứ hai trong bài suy tư của chúng tôi, tức là việc sử dụng những lối ẩn dụ mang uy quyền phụ mẫu. Trước chặng suy tư đó, cần phải nhắc lại ý nghĩa của lời, nơi thánh Phaolô, một hạn từ đồng nghĩa với từ Tin Mừng[5], như chúng ta thấy trong Thư thứ nhất gửi tín Thêxalônica 2,13-14.

Kinh nghiệm về lời

Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu. Thật vậy, thưa anh em, anh em đã noi gương các Hội Thánh của Thiên Chúa ở miền Giuđê là những Hội Thánh của Đức Kitô Giêsu, vì anh em cũng đã phải chịu những nỗi đau khổ do đồng bào của anh em gây ra, như các Hội Thánh đó đã phải chịu do người Dothái (1 Tx 2,13-14)[6].

Hai câu này rất cô đọng và xứng đáng được xem xét kĩ lưỡng. Chúng tôi sẽ tạm bằng lòng trả lời cho ba câu hỏi, trong khi cố gắng không đi ra ngoài văn mạch của bức thư này. Thánh Phaolô đặt lời Thiên Chúa đối lập với lời con người ở điểm nào? Việc noi gương mà thánh Phaolô nói tới là gì? Sau cùng, thánh nhân muốn điều gì qua cách nói tác động của Lời nơi các tín hữu?

Lời con người, lời Thiên Chúa

Lời Thiên Chúa được tóm lược trong câu Thánh vịnh sau: “Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện” (Tv 32 [33],9). Chúng tôi thêm vào đây lời giải thích của thánh Phaolô về lòng tin của Ápraham. Vị tổ phụ đã tin vào Thiên Chúa, Đấng khiến những gì không hiện hữu thành hiện hữu (Rm 4,17). Theo hướng ngược lại, chúng tôi ghi nhận lời Chúa Giêsu về những kí lục và người Pharisêu: “Họ nói mà không làm” (Mt 23,3). Thoạt tiên, đây là một lời phê bình luân lí. Nhưng theo nghĩa nhân học sâu xa, lời công kích tố cáo sự thiếu vắng lời khiến ta hầu như có thể dịch câu này thành: “Các ông là những kẻ bất lực”.

Khi đặt lời Thiên Chúa đối lập với lời con người, thánh Phaolô đã dùng mánh khóe. Thực vậy, chúng ta chỉ có thể biết được lời Thiên Chúa khởi đi từ kinh nghiệm của chúng ta về ngôn từ. Những lời nói của chúng ta không chỉ đơn thuần là những thông tin, mà còn là những hành động. Nếu như một nhà sư phạm nói với một đứa trẻ: “cháu sẽ chẳng đi tới đâu”, rốt cuộc đứa trẻ này có nguy cơ chẳng đi tới đâu. Nếu tôi nói với cháu tôi rằng: “những bài thơ của cháu rất hay”, lời tôi nói sẽ thúc đẩy cháu tiếp tục trở thành một nhà thơ giỏi hơn.

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời (Ga 1,1). Một nhà thơ đã diễn dịch rằng: “Lúc khởi đầu đã có hành động.” Vì mọi lời nói đều là hành động. Đây là điều mà phần đầu bức thư đã loan báo: “Vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa” (1 Tx 1,5).

Về phía những người loan báo Tin Mừng ngày nay và đào tạo những người loan báo Tin Mừng, toàn bộ công việc Phúc Âm hóa, dù mới hay không, bắt đầu bằng việc vệ sinh lời, việc liên tục giám sát cách thức mà chúng ta nói năng, không kể việc nói đùa, với những người mà chúng ta có trách nhiệm mục vụ.

Những người noi theo

Thánh Phaolô chào các tín hữu Thêxalônica như là những người noi gương[7] các tín hữu ở miền Giuđê. Trái ngược lại với lối đón nhận hiện đại thường gặp, vị tông đồ không thúc giục một sự tương hợp luân lí, mà là một nhận xét mang tính hiện sinh: “anh em trải qua cùng một kinh nghiệm.” Ở đây, vấn đề được nêu lên là một hệ thống liên đới tron cuộc bách hại và hệ thống này bắt nguồn từ nơi thập giá của Đức Kitô, nếu như ta coi câu 15 là xác thực: “những người này đã giết Chúa Giêsu”. Hệ thống này cũng bao gồm cả sử vụ của các tông đồ được đem ra thử thách (x. 1 Tx 2,2): “Còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban” (1 Tx 1,6). Niềm vui này được qui về Thánh Thần, Đấng khiến các tín hữu bị bách hại hiểu rằng họ được tham phần vào mầu nhiệm của Đấng chịu đóng đinh[8].

Niềm vui ngay giữa cơn thử thách vì Tin Mừng – chứ không phải là sau cơn thử thách, là nội dung của mối phúc thứ chín (Mt 5,11-12) và trong phần kết luận của đoạn văn mà các tông đồ bị đánh đòn: “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Kinh nghiệm không mấy thông thường này đòi hỏi phải có một sự phân định sâu sắc, bởi vì người chịu đựng cơn bách hại đôi khi ở vào tình trạng khó khăn này do những nguyên nhân mập mờ khiến ông tùy hoàn cảnh lại thành ra chính thủ phạm.

Lời hoạt động

Lời hoạt động (énérgéitai) ở nơi nào, tích cực, hiệu quả, trong các tín hữu và giữa các tín hữu? Để trả lời cho những câu hỏi này, cần phải trở lại với phần đầu của bức thư, nơi mà thánh Phaolô chào các tín hữu Thêxalônica bằng những từ ngữ sau đây: “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa (…), và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Kitô” (1 Tx 1,2-3). Như vậy, vị tông đồ nhấn mạnh tính cách cụ thể của đời sống Kitô hữa tại Thêxalonica, thông qua ba nhân đức đối thần. Đó chính là kết quả của Lời. Nhưng kết quả còn nhiều hơn nữa. Sự biến đổi này đã đạt tới như là một mẫu mực (tupos) với các dân tộc xung quang (1,7-8). Tác giả viết: “Từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra”, trong tất cả các tỉnh lân cận. Thánh nhân hẳn không nghĩ tới một hành động truyền giáo, nhưng tới tiếng vang, tới tác động đã có nơi các tỉnh này: cuộc hoán cải của dân Thêxalônica[9].

Kết luận

Từ bài nghiên cứu ngắn ngủi của chúng tôi về các hạn từ Tin Mừng Lời trong những bức thư được coi là “xác thực” của thánh Phaolô, xin ghi nhớ ba nét sau đây.

1) Với thánh Phaolô, Tin Mừng không phải là một văn phẩm, cũng không phải là những giáo thuyết mà thánh nhân đã tiếp nhận trong những năm ngắn ngủi ngài sống tại Antiôkhia, thậm chí cũng không phải là lời thuyết giảng của ngài, nhưng là những kết quả các cuộc truyền giáo của ngài. Xin được trình bày những điều này một cách khác, vị tông đồ nhìn thấy thực tại Tin Mừng nơi các Hội Thánh và các tín hữu mà ngài đã khai sinh. Đây là điều mà ngài đã tóm lược trong những câu văn huy hoàng gửi tới các tín hữu Côrintô:

Phải chăng chúng tôi lại bắt đầu tự giới thiệu mình? Hoặc chẳng lẽ, như vài người, chúng tôi lại cần có thư giới thiệu chúng tôi với anh em, hoặc thư của anh em giới thiệu chúng tôi? Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi, mọi người đều biết và đã đọc. Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người (2 Cr 3,1-3)[10].

Cùng với nhiều đoạn văn Thánh Kinh khác, những dòng này được gợi hứng từ Gr 31,31-34, lời hứa về giao ước mới, và từ Ed 36,25-27. Ta có thể tóm lược những đoạn văn đó vào công thức sau đây: “Anh em chính là một trang Tin Mừng sống động”. Mỗi vị tông đồ đều khám phá ra thực tại Tin Mừng thông qua những kết quả mà sứ vụ của mình sản sinh ra.

2) Ta cũng nên ghi nhận nơi thánh Phaolô một âm điệu mà ta có thể nói là mang tính chất hi tế tạ ơn: “chúng tôi dâng lời cảm tạ” vì những gì mà Lời đã hoạt động nơi anh em (1 Tx 1,2; 2,13). Lời cầu nguyện tông đồ, là sự thực hành việc phân định ngôn sứ[11], cho phép điểm lại tình hình giữa sự tiến triển của Tin Mừng nơi những người đối thoại với vị tông đồ (lời cảm tạ) và điều mà ngài vẫn phải tiếp tục làm tăng trưởng (lời cầu nguyện xin ơn). Trong kinh nguyện của mình, vị tông đồ nhìn nhận rằng Lời vốn từ Thiên Chúa, chứ không phải lời ngài, đồng thời, ngài bị công việc Tin Mừng hóa, vốn là công việc không bao giờ hoàn tất, thôi thúc.

3) Sau cùng, vị tông đồ không thể khám phá và loan báo Tin Mừng khởi đi từ kinh nghiệm riêng của ngài, sự biến đổi mà Lời của Thiên Chúa đã hoạt động và còn đang hoạt động nơi ngài. Đối với thánh Phaolô, đây là điều mà ta gọi tên theo cách đơn giản là “con đường thành Đamát”. Vẫn do chính căn tính trải qua bằng kinh nghiệm này dệt nên một mối dây tình cảm giữa vị tông đồ và những Hội Thánh mà ngài thiết lập.

II. THÁNH PHAOLÔ VỚI NHỮNG LỐI ẨN DỤ MANG UY QUYỀN CỦA BẬC CHA MẸ

Mọi sứ vụ tông đồ đều hàm ý một mối dây tình cảm với những người mà vị tông đồ mang trách nhiệm chăm sóc. Chúng ta cùng xem xét cách thức mà thánh Phaolô sống, làm hoán cải và diễn giải sự gắn bó này. Ngay từ Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, 2,5-12, thánh nhân nêu ra đặc tính sư vụ tông đồ của ngài bằng lối ẩn dụ mang uy quyền của bậc cha mẹ: ngài là cha và là mẹ. Chúng ta cùng xem xét những đoạn tham chiếu này, trước hết từ nhãn quan của các nền văn hóa mà thánh nhân sống, sau đó bằng cách tìm kiếm nguồn gốc những lối diễn tả được dùng trong 1 Tx 2,7, sau cùng bằng cách so sánh những lối diễn tả sau thời thánh Phaolô, rút ra cũng chính từ cách diễn tả mang uy quyền của bậc cha mẹ[12].

Hậu cảnh văn hóa của những lối ẩn dụ mang uy quyền bậc cha mẹ

Thế giới cổ đại nhìn nhận trong việc giáo dục một môn đệ một mối tương quan cha con thực sự. Đối với người Hilạp, hành vi dạy dỗ tạo nên một mối tương quan cha con còn cao quí hơn tương quan cha con thể lí. Trong Kinh Thánh cũng vậy, bậc thầy khôn ngoan tự nhận vai trò của người cha, vì ông trao ban lời giáo huấn mang sự sốngNày con, lời thầy nói, con chú tâm để ý, lời thầy dạy, con hãy lắng tai nghe: (…) Vì lời thầy là sức sống cho ai tìm thấy, làm cho toàn thân được mạnh khoẻ an lành” (Cn 4,20-22). Trong Dothái giáo vào thời thánh Phaolô, người môn đệ gọi bậc thầy của mình là abba (cha), một danh hiệu vừa thân thương vừa kính trọng. Danh hiệu này sẽ thành biệt danh Abba Saun.

Với thánh Phaolô, Lời Thiên Chúa là Lời sống động, Lời mang sự sống. Với Tân Ước, Tin Mừng là một hạt giống làm nảy sinh sự sống mới: “Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1 Pr 1,23). Từ nhãn quan này, thánh Phaolô cậy dựa vào cách diễn tả mang uy quyền cha mẹ nhằm nêu bật đặc tính sứ vụ của mình: thông truyền Tin Mừng, tức là lời làm nảy sinh sự sống mới.

Những cội nguồn của lối ẩn dụ trong 1 Tx 2,7b

… Không bao giờ chúng tôi đã dùng lời xu nịnh, như anh em biết; không bao giờ chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham, có Thiên Chúa chứng giám; không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác, trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Kitô. Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được. Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người (1 Tx 2,5-12).

Để nắm bắt được những cội nguồn của những lối ẩn dụ được dùng trong 1 Tx 2,7b, chúng ta quay sang những Thánh vịnh Qumran. Nơi những Thánh vịnh này, Vị Thầy Công Chính thể hiện như thế vai trò của mình đối với cộng đoàn mà ông đã thiết lập:

Chúa đã làm cho ta thành cha đối với những con cái có lòng sùng mộ và giống như một người nuôi dưỡng đối với những người mẫu mực. và họ đã mở miệng ra như những đứa trẻ bú sữa [về phía những bầu vú của mẹ mình] và giống như đứa trẻ mơn trớn nơi vạt áo của những người nuôi dưỡng nó (1 QH VII,20-22).

Vị Thầy Công Chính đã rút tỉa những cách diễn tả này từ đâu? Chúng tôi nghĩ tới suy tư của Môsê tại Ds 11,12, một bản văn lẫn lộn một cách lí thú giống đực với giống cái. Như ta thấy trong những bản Kinh Thánh cổ (bản Hilạp LXX và bản Targum tiếng Aram), truyền thống Dothái đã cố gắng diễn giải bản văn khó hiểu này. Chúng ta thử so sánh:

* Bản Kinh Thánh tiếng Hípri (Ds 11,12):

Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi [thầy dạy?] bồng trẻ thơ đang bú?

* Bản Kinh Thánh tiếng Hilạp:

… để Ngài nói với con: Hãy bồng nó vào lòng như vú nuôi (từ “trophos” trong một số bản) hãy nâng trẻ thơ đang bú?

* Bản Targum tiếng Aram:

… để Ngài nói với con: Hãy bồng nó vào lòng như nhà sư phạm bồng đứa trẻ?

Những lời của Vị Thầy Công Chính cũng gợi lên một lời hứa táo bạo của Thiên Chúa: “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ (…), nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66,12-13). Vị Thầy không chỉ đơn thuần tự coi mình như là một nhà giáo dục đối với các môn đệ: đối với cộng đoàn của mình, ông giữ một phần vai trò của Môsê (x. Ds 11,12); thậm chí đối với những người thuộc về mình dụng cụ sự chú tâm mang tính hiền mẫu của Thiên Chúa (x. Is 66,2tt).

Cũng chính những bản văn đó gợi hứng cho thánh Phaolô trong 1 Tx 2,7&11. Vị tông đồ thành hiện thân tình âu yếm của Thiên Chúa được diễn tả (x. Is 66) trong Tin Mừng và ngài phải cụ thể hóa tình âu yếm này bằng cách cư xử tận tụy, vô vụ lợi, một nét vắng bóng lời của Vị Thầy Công Chính. Bởi vì Tin Mừng trao ban sự sống, vị tông đồ còn hơn cả Môsê là người mà truyền thống Dothái tôn vinh như là nhà sư phạm của dân Thiên Chúa.

Những lối ẩn dụ khác mang uy quyền bậc cha mẹ nơi thánh Phaolô

1 Cr 4,14-15: Tôi viết những lời đó (…) để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi. Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.

Thánh Phaolô tố cáo một số nhà lãnh đạo Hội Thánh Côrintô, những người chiếm lấy thiện cảm của các Kitô hữu bằng nhờ vào tiếng vang do sự khôn khéo hùng biện. Kết quả dẫn đến những chia rẽ. Vị tông khiến mọi người nhất trí: những Kitô hữu này có thể có cả đám những nhà sư phạm; nhưng họ chỉ có một người cha, là thánh Phaolô, người đã thiết lập cộng đoàn Kitô hữu Côrintô. Đây là một sự vượt trội so với nhà sư phạm Môsê và thánh nhân đòi hỏi sự vượt trội này. Ở Gl 3,23-26, thánh Phaolô xem Luật Môsê như là một nhà sư phạm cần phải trở nên mờ nhạt trước Chúa Kitô và Tin Mừng.

Vị tông đồ là người cha. Nhưng bằng cách nào? Ngài viết, nhờ Tin Mừng: chính là hạt giống mang sức sống! Và, ngài còn thêm: trong Chúa Kitô. Không phải: tôi là cha “thiêng liêng” của anh em, nhưng: tôi làm cho anh em thành những hữu thể mới trong Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là nên đồng hình đồng dạng với con người Chúa Kitô, chứ không phải đồng hình đồng dạng với tôi. Về việc nên đồng hình đồng dạng này, thánh Phaolô nhấn mạnh: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới” (2 Cr 5,17). “Chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu” (1 Cr 1,30). Quyền làm cha thực sự chỉ thuộc về Thiên Chúa, Đấng ủy thác cho vị thừa tác viên Tin Mừng hành động sinh hạ.

2 Cr 11,2-3: Tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết. Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà Evà thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô như vậy…

Thánh Phaolô tự giới thiệu như là người cha của vị hôn thê, chịu trách nhiệm trước vị hôn phu về sự trong trắng theo lời hứa. Ngài chịu trách nhiệm đối với chính Chúa Kitô về những tín hữu Côrintô, những người bị các nhà thừa sai khác mê hoặc khi những người này áp đặt quyền bính của họ để được trợ giúp về mặt tài chính (11,18-20). Thánh Phaolô không quan niệm quyền làm cha như thế, quyền làm cha trước hết là nhưng không và là sự tận tụy, những điều này minh chứng cho chính ý nghĩa của Tin Mừng (11,7-9; 12,14-15).

Plm 9-10: Nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi, Phaolô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ônêximô.

Chúng ta đều biết bối cảnh của vụ việc. Ônêximô, một người nô lệ của Philêmon, ở bên Phaolô đang chịu tù đày, hẳn là tại Êphêxô. Tôi không nghĩ rằng Ônêximô là một nô lệ bỏ trốn khỏi nhà chủ, đến trú ẩn nơi thánh Phaolô. Xét về mặt xã hội (đến ở với một tù nhân!) kịch bản này không thể nào xảy ra được[13]. Có lẽ giả thuyết này gần với sự thực hơn: Philêmon đã sai Ônêximô đến với thánh Phaolô để làm vơi nhẹ những điều kiện giam cầm của vị tông đồ. Nhưng thánh Phaolô đã xem Ônêximô là một Kitô hữu, tức là “một người anh em”. Vậy vị tông đồ thích từ chối sự phục vụ này và trong lôgích thuộc về đức tin Kitô giáo, ngài gửi Ônêximô lại cho Philêmon, đến mức Philêmon đón tiếp người
tân tòng không còn với tư cách một người nô lệ, mà là một người anh em.

Trong khung cảnh này, thánh Phaolô lại dùng lối ẩn dụ thuộc uy quyền cha mẹ. Ngài có thực sự già tuổi không? Chủ đề về tuổi già này có thể dựa trên hậu cảnh Kinh Thánh. Bởi vì vấn đề liên quan tới cuộc thai nghén Tin Mừng, ta có thể nghĩ tới một gương mặt nổi bật trong Kinh Thánh: chính Ápraham đã sinh con lúc già nua tuổi tác. Khi đưa Ônêximô vào đức tin, thánh Phaolô đã hoàn tất vai trò này, vì theo thần học của ngài, lời hứa ngỏ với Ápraham mở ra cho việc tái tạo một con người, dù là Hilạp hay Dothái, nơi chính con người Đức Kitô. Vả lại, vị tông đồ không tự coi mình như là hiện thân của chính Ápraham, vì ngài cũng có thể qui chiếu về Xara, mà không cần phải nói ra, như ví dụ sau cùng cho thấy.

Gl 4,19-20: Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em, tôi ước ao được có mặt giữa anh em lúc này, để lựa lời nói sao cho thích hợp, vì tôi thấy khó xử với anh em quá!

Các tín hữu Galát bị cám dỗ theo những vị tông đồ Kitô hữu Dothái, là những người coi phép cắt bì như là điều kiện để được ơn cứu độ. Luận đề của họ hủy hoại Tin Mừng ân sủng mà thánh Phaolô đã rao giảng; đây là sự từ chối chỉ nhận lãnh ơn cứu độ của Đấng Chịu Đón Đinh (Gl 2,20-21) và chuyển qua “một Tin Mừng khác” (Gl 1,6). Vị tông đồ bị buộc phải sinh ra những tín hữu Galát một lần nữa trong Chúa Kitô. Cách diễn tả tôi phải quặn đau mà sinh ra khiến động từ tiếng Hilạp ôdinô đầy ý nghĩa tiến trình đau đớn của việc sinh con. Ở Rm 8,22, động từ này gợi lại cuộc tạo thành một thế giới mới. Ở đây, động từ này mang theo ba sắc thái.

Trước tiên, động từ này nói lên sự ân cần và âu yếm trong ân ban sự sống; thánh Phaolô muốn thực sự làm động lòng độc giả (xem câu 20). Động từ này cũng nói lên tiến trình chậm rãi và liên tục (động từ ở thì hiện tại diễn tả sự kéo dài) là tiến trình chủ trì trong việc hình thành thụ tạo mới, cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em, ta có thể nói cho tới khi mỗi người có thể tuyên bố: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi (2,20). Một lần nữa, thánh Phaolô không tìm cách làm cho các Kitô hữu nên đồng hình đồng dạng với những tư tưởng của chính mình, nhưng nên đồng hình đồng dạng với sự sống của Chúa Kitô nơi họ. Sau cùng, động từ này gợi lên một tình trạng đau đớn: thánh Phaolô đã vất vả khó nhọc là nhằm đếm sự sống mới này; ngài không muốn rằng những vất vả khó nhọc này dẫn tới kết quả là một cuộc phá thai. Những Kitô hữu chủ trương giữ luật Dothái muốn tách lìa các tín hữu Galát khỏi thánh Phaolô (4,17), tức là đồng thời tách lìa khỏi Tin Mừng khiến thánh Phaolô sống. Họ không thể tách lìa các tín hữu khỏi thánh Phaolô mà lại không đồng thời diệt trừ tận căn sự sống thần linh mà tình cảm của vị tông đồ chỉ là biểu hiện. Thực ra, dấu ấn tình cảm này, hình ảnh hiền mẫu dẫn tới lối phúng dụ về Xara và Haga. Chính nhờ thánh Phaolô mà các tín hữu Galát đã được sinh ra làm người con tự do (Gl 4,21-31).

Kết luận

Thánh Phalô chỉ dùng những hình ảnh cha mẹ để ngọ lời với các Hội Thánh mà ngài là người sáng lập, và trong những hoàn cảnh khủng hoảng. Đây là sự cẩn trọng đầy ý nghĩa về phái ngài. Ngài tránh lối nói này khi ngỏ lời với các tín hữu Rôma, một cộng đoàn mà ngài không phải “người cha”. Nghĩa là những hình ảnh thánh nhân sử dụng ghi dấu kinh nghiệm của ngài trong lĩnh vực này. Chúng ta có thể nêu ra ba hệ quả:

1) Những lối ẩn dụ mang uy quyền cha mẹ của thánh Phaolô mặc cho thừa tác vụ tông đồ quyền làm cha và quyền làm mẹ mà ta nói mang nghĩa dụng cụ và trung gian. Lời Thiên Chúa là lời sáng tạo: chỉ lời này đã trao ban sự sống cho Đấng Chịu Đóng Dinh; chỉ lời này vẫn trao ban sự sống cho bất cứ ai đón nhận lời này bằng đức tin. Chỉ mình Chúa Kitô là hình ảnh của thiên Chúa (x. Pl 2,6; Cl 1,15) và cuộc hạ sinh Kitô giáo chính xác bao gồm khuôn đúc một con người với Hình Ảnh này. Khi những lời nói và cách ứng xử của vị tông đồ phản ảnh dung mạo của Chúa Kitô, quyền làm cha mang ý nghĩa dụng cụ này đang hoạt động.

2) Vậy quyền làm cha/làm mẹ chân thực của người tông đồ là trong sáng. Tương quan được thiết lập giữa vị thừa tác Tin Mừng với các tín hữu phải hữu ích cho cuộc gặp gỡ của những người này với Cha của Chúa Kitô: Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em (1 Cr 3,16-17).

Nếu như tội “phạm thánh” được định nghĩa như là sự thao túng điều thánh thiêng nhắm đến những mục tiêu phàm tục, thì lề lối gia trưởng trong sứ vụ tông đồ là sự phạm thánh; và việc vị tông đồ xóa bỏ mình đi để người khác sống được ghi khắc trong ơn gọi của ngài. Mục đích tối hậu của vị tông đồ là những người tiếp nhận sứ vụ của ngài yêu mến ngài và càng tốt hơn nếu họ học biết cách tự giải phóng khỏi chính ngài:

Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phaolô, hay Apôlô, hay Kêpha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa. (1 Cr 3,21-23).

3) Như vậy, những lối ẩn dụ mang dấu ấn tình cảm và uy quyền cha mẹ được thánh Phaolô sử dụng cũng có một lời điểm: chúng chứng tỏ rằng việc sai đi trong sứ vụ truyền giáo không tự giới hạn trong thừa tác vụ rao giảng. Ở bất cứ đâu có một Kitô hữu sinh sống, lối biện chứng liên quan đến lòng tận tụy và sự khước từ mọi kiểu sở hữu nhân danh đức tin, Tin Mừng được mặc khải cho người khác, người mà Kitô hữu dấn thân phục vụ.

Người dịch: Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS

———————————-

[1] Bắt đầu với G. Friedrich, art. « euaggelizomai » ktl, Theological Dictionary of the New Testament, vol. II, p. 607-737. Cũng xin đọc J. D. G. Dunn, The Theology of Paul the Apostle, Edinburgh, T & T Clark, 1998, p. 163-315.

[2] Chẳng hạn J.-P. Lémonon, L épître aux Galates, Paris, Cerf, 2008, p. 96.

[3] Chúng tôi ghi nhận những thí dụ mẫu Rm 1,16; 10,16; 11,28; 1 Cr 9,16.18.23. Về Thư gửi tín hữu Rôma, và chống lại kiểu đánh giá thái quá liên quan đến lý chứng về ơn công chính hóa, chúng tôi tán thành nhận xét của D. Moo : « What, then, is the theme of the letter ? The gospel », The Epistle to the Romans, Grand Rapids, Eermans, 1996, p. 29.

[4] So sánh Pl 4,3.15. Khía cạnh tài chính này được nêu lên trong C. Focant, Les lettres aux Philippiens et à Philémon, Paris, Cerf, 2015, p. 68. Xin cũng xem C. Tassin, Saint Paul, homme de prière, Paris, éd. de l’Atelier, 2003, p. 25.

[5] Chẳng hạn: lời của Thiên Chúa: Rm 9,6; 1 Cr 14,36; 2 Cr 2,17; 4,2; Pl 1,14; lời của Chúa: 1 Tx 4,13; lời của thập giá: 1 Cr 1,18; lời chân lí: 2 Cr 6,7; lời sự sống: Pl 2,16.

[6] Câu 15: “Những người này đã giết Chúa Giê-su …” Chúng tôi xin bỏ qua các câu 15-16 là những câu mà tính xác thực (do thánh Phaolô viết hay không) vẫn còn đang được tranh cãi.

[7] Từ “người noi gương” (tiếng Hilạp: mimètès) xuất hiện 6 lần trong Tân Ước: 1 Cr 4,16; 11,1; Ep 5,1; 1 Tx 1,6 ; 2,14; Hr 6,12. Ở Pl 3,17, thánh Phaolô tạo ra từ sum-mimètès (cùng người noi gương): “Chính vị Tông đồ hiến thân như tấm gương mẫu mực, mặc dù toàn bộ thái độ và cách ứng xử của ngài được gợi hứng từ Chúa Kitô và từ việc nên đồng hình đồng dạng với Chúa” (Y. Matta, à cause du Christ. Le Retournement de Paul le Juif, Paris, Cerf (Lectio divina 256), Paris, 2013, p. 305.

[8] X. Ga 2, 19-20.

[9] Xem bài giảng kérygma ở 1 Tx 1,9b-10. Nghiên cứu căn bản về các câu này vẫn là của P.-É. Langevin trong Jésus Seigneur et l’eschatologie, Exégèse de textes prépauliniens, Bruges-Paris, DDB 1967, p. 124-153.

[10] Về đoạn văn này và bối cảnh thần học của đoạn văn, xin xem bài nghiên cứu của chúng tôi L’Apôtre Paul. Un autoportrait, Paris DDB, 2009, p. 55-79.

[11] X. Saint Paul, homme de prière, p. 87-117.

[12] Ta có thể đào sâu nghiên cứu nhờ vào những tác phẩm sau đây : C. Gerber, Paulus und seine « Kinder ». Studien zur Betziehunsgsmetaphorik der paulinischen Briefe, Berlin, De Gruyter, 2005 ; P. Gutierrez, La paternité spirituelle selon saint Paul, Paris, Gabalda, 1968 ; A.J. Malherbe, « “Gentle as a Nurse”, The Cynic Background of 1 Th 2 » NovT 12 (1970), 203-17 : D. Marguerat, « L’Apôtre, mère et père de la communauté (1 Thessaloniciens 2, 1-12), ETR 75 (2000), p 373-389 ; C. Tassin, L’Apôtre Paul. Un autoportrait, Paris, DDB, p. 97-121 ; J.A.D Weima, « “But We Became Infants Among You ”: The Case for nèpioi in 1 Thess 2, 7 », NTS 46 (2000), p. 547-564.

[13] Kịch bản một nô lệ chạy trốn chịu ảnh hưởng đặc biệt một bức thư của Pline Trẻ [61-114] gửi cho Sabianus (Lettres IX, 21). Xem cuộc thảo luận về vấn đề này trong C. Focant, Les lettres aux Philippiens et à Philémon, Paris, Cerf, 2015, p. 215.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here