Linh Đạo Tuổi Già

0
1818

Phan Tấn Thành

Sách báo thời nay nói nhiều đến “tuổi trẻ” (X. Thời sự thần học số 80). Y học tìm cách giúp cho con người cứ trẻ mãi (vì người ta sợ già). Các sách Tâm linh đề cao “linh đạo thơ ấu”: Nước Trời chỉ dành cho người trẻ (chứ không cho người già). Thượng hội đồng giám mục sắp tới sẽ họp để bàn về tuổi trẻ (có lẽ sẽ không bao giờ bàn về tuổi già), mặc dù phần lớn các nghị phụ đều tóc bạc. Có thể nói đến “linh đạo tuổi già” không?

Chúng ta thử áp dụng phương pháp “quaestio” của thánh Tôma trong sách Tổng luận thần học để nghiên cứu vấn đề, với ba bước: 1/ Những vấn nạn. 2/ Phản đề. 3/ Phân định.

Đặt câu hỏi: “Có một linh đạo tuổi già không?

I.Phần Thứ nhất. Những vấn nạnvidetur quod non” (Xem ra không có), vì ba lý do như sau:

1/ “Tuổi già” tượng trưng cho sự cằn cỗi tàn tạ, còn “linh đạo” nói lên sức sống dồi dào của Thần khí. Không lạ gì mà Chúa Giêsu đã bảo cụ Nicôđêmô: “nếu cụ không sinh lại thì không được vào Nước Trời” (Ga 3,3). Lại cũng có lời rằng: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,9). Vì thế không thể có linh đạo tuổi già.

2/ Người già thích kể chuyện đời xưa, luyến tiếc thời vàng son trong quá khứ và chuyên môn chỉ trích tình trạng suy đồi thời nay. Như vậy là họ không nhận ra tác động của Thánh Linh trong hiện tại, và chiều kích cánh chung của Hội thánh trong tương lai. Như vậy, người già thiếu đức tin và đức cậy.

3/ Người già có tính hay quên. Vì thế có nguy cơ là họ quên luôn cả những ơn Chúa hằng tuôn đổ cho họ. Như vậy, người già thiếu đức mến.

II. Phần II. Phản đề. “Sed contra”.Tuổi thọ là một hồng ân Chúa ban, như có lời chép: “Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy, và hưởng ơn cứu độ Ta ban” (Tv 92,16). Mặt khác, Sách Khải huyền ngay từ chương 4, mô tả ở trên trời có 24 ngai dành cho các bô lão (kỳ mục) nhưng không thấy chú bé nào lảng vảng. Thật đúng như lời của thánh Phaolô gửi các tín hữu Ephêsô: “Chúng ta không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý … nhưng sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô” (Ep 4,14). Như vậy, Nước Trời dành cho người già dặn khôn ngoan, chứ không cho đám trẻ con nông nổi.

III. Phần III. Phân định.Respondeo dicendum quod”. Cần biết phân biệt. Cũng như đường “thơ ấu thiêng liêng” khác với “ấu trĩ” thiêng liêng” thế nào, thì “già dặn” cũng khác với “già nua” như vậy. Một người trẻ tuổi có thể già dặn chín chắn, cũng như có người già nua mà vẫn còn ấu trĩ, như sách Khôn ngoan (4,8) đã nói: “Vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi”. Nếu người cao tuổi mà lại thêm già dặn thiêng liêng thì đáng quý biết mấy. Bởi vậy, cần phát triển linh đạo “tuổi già thiêng liêng”, vì ba lý do sau đây.

1. Thứ nhất, người về già thì dễ trở nên trẻ thơ về đàng thiêng liêng. Chúa Giêsu đã nói với ông Phêrô: “lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,18). Người già sống phó thác cho Chúa quan phòng, phó thác cho cộng đoàn. Họ ý thức rằng mình yếu đuối, nên không dám cậy vào sức mình nữa. Như vậy, thật đúng là tinh thần trẻ thơ mà Kinh thánh nói đến: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130).

2. Thứ hai, người cao tuổi dần dần rút lui ra khỏi các chức vụ. Nhiều hội dòng nữ ở Việt Nam cắt quyền thụ cử sau 65 tuổi, và quyền bầu cử sau 70 tuổi. Linh đạo của người cao tuổi là biết nhận ra rằng giá trị đích thực của con người không nằm ở các chức vụ hoặc công tác, nhưng ở chính con người của ta. Vì thế cần phát triển đức tính con người, hơn là tranh giành địa vị chức tước. Địa vị tựa như chiếc áo chức, sáng khoác lên rồi tối cởi ra; duy bản thân con người mới tồn tại bền vững.

3. Thứ ba, người cao tuổi dần dần mất đi sự hấp dẫn ngoại hình, sụt giảm tài năng thể lý và tinh thần. Từ đó, họ bị người đời xa tránh, đưa vào nhà hưu dưỡng, và bị thiên hạ quên lãng. Người bi quan có thể nghĩ rằng người già bị bỏ rơi. Nhưng một người già dặn sẽ tái khám phá ơn gọi nguyên thuỷ của đời tận hiến: đâu là lẽ sống của cuộc đời? ta sống cho Chúa, ta phụng sự vinh quang Thiên Chúa, hay là ta sống dựa vào tiếng khen chê của dư luận? Ta thực sự quan tâm đến Chúa hay chỉ bận rộn với các công việc của Chúa? Ta có để cho Chúa hoạt động nơi người khác, hay muốn nắm giữ độc quyền công việc của Chúa, để rồi gây ra ganh đua, xích mích với người khác?

Tóm lại, người cao tuổi thiêng liêng là người sống kề sát với mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô. Do lời khấn dòng, tôi không còn sống cho chính mình nữa, tôi khước từ quyền định đoạt vận mạng của đời tôi, và trao hiến đời tôi cho Đức Kitô qua trung gian của Dòng. Tôi dám xả thân để phục vụ Tin mừng, chứ không sống tà tà, sợ hao mòn sức lực.

Thiết tưởng đó là ý nghĩa của sự hiến dâng mà chúng ta muốn lặp lại lúc cử hành Thánh lễ, như phụng vụ đã diễn tả trong kinh Tạ ơn số IV: “Để cho chúng con không còn sống cho chính mình nữa, nhưng để sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng con, thì Lạy Cha, từ nơi Cha, Người đã sai Chúa Thánh Thần như ân huệ khởi đầu … để kiện toàn công trình của Người trên trần gian, và hoàn tất công việc thánh hoá”. Chúng ta cầu xin Thánh Thần thánh hóa lễ vật chúng ta sắp dâng tiến, và thánh hóa chính chúng ta, để chúng ta học cách trở nên già dặn trong đường thiêng liêng, chứ không để cái già nua đánh úp chúng ta. “Lạy Chúa, xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 89,12).

SHARE
Previous articleThông báo nghỉ học
Next articleCÁO PHÓ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here