LINH ĐẠO THÁNH TÔMA CHO GIÁO DÂN SỐNG GIỮA ĐỜI

0
734

Walter Principe C.S.B.[1]

Trích Thời sự Thần học, số 101, tháng 8/2023, trang 164-196

Trong phần đầu, tác giả cảnh giác hai điểm sai lầm chung quanh linh đạo dành cho giáo dân sống giữa đời. Một, “linh đạo” được hiểu là đời sống trong Thánh Linh; nó chi phối toàn thể con người (cả linh hồn và thân xác), chứ không chỉ riêng linh hồn mà thôi. Hai, “trần thế” (trật tự thụ tạo) có giá trị riêng của nó, chứ không phải chỉ khi nó phục vụ lãnh vực tôn giáo.

Trong phần thứ hai, tác giả nêu bật 9 điểm tích cực của thánh Tôma dành cho giáo dân sống giữa đời: 1/ Tôn trọng sự độc đáo của linh đạo cá vị. 2/ Nguyên tắc sinh thái đa dạng. 3/ Sự toàn vẹn của nhân vị. 4/ Con người là hình ảnh Thiên Chúa và hình ảnh Thiên Chúa Tam vị. 5/ Tìm kiếm ý Chúa trong hoàn cảnh cụ thể. 6/ Một linh đạo của đức khôn ngoan được hướng dẫn bởi Thánh Linh. 7/ Luật mới và các ân huệ Thánh Linh. 8/ Đức Tin vào Thiên Chúa và những tuyên ngôn diễn tả đức tin. 9/ Sự hiện diện của Đức Kitô trong lịch sử nhân loại.

————

Trong bài này tôi khảo sát vài hướng đi mà thần học thánh Tôma có thể góp phần cho linh đạo của các tín hữu giáo dân đang sống và phục vụ trong một xã hội thế tục hay trần thế.[2]

Thuật ngữ thế gian (world) hay thế tục (worldly) có một lịch sử lâu dài trong tư tưởng và trong linh đạo Kitô giáo. Chúng ta thấy rằng tin mừng Gioan và thư đầu tiên của ông thường hay lên án thế gian và tính thế tục này. Bên cạnh đó, tin mừng Gioan cũng có đoạn chép tuyệt vời sau:

Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, ngõ hầu ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (3,16-17).

Vào thời trung cổ chủ đề “khinh chê thế gian” (contemptus mundi) thường được khai thác, đặc biệt ở nơi các tác giả sống trong các đan viện. Mãi gần đây, chủ đề này vẫn còn ảnh hưởng đến linh đạo Kitô giáo, tạo ra sức ép bất lợi cho những giáo dân đang sống và làm việc nơi trần gian này. Nó tạo ra sự căng thẳng giữa một bên là “đời sống thiêng liêng”, đời sống cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa, và bên kia là đời sống gia đình, công việc, thú vui và sự giải trí. Vào đầu thế kỷ XX, những phong trào Công giáo Tiến hành (Catholic Action) là một nỗ lực của những công nhân, học sinh và những người lập gia đình nhằm mang Tin Mừng vào đời sống thường ngày, và nhằm làm thay đổi những nơi họ làm việc và sinh sống, và cải thiện quan điểm sống của những người mà họ gặp gỡ. Nỗ lực này cùng với những nỗ lực khác mà tôi sẽ đề cập, đều chịu sự ảnh hưởng từ tư tưởng của thánh Tôma thông qua những môn đệ sáng suốt của người. Những nỗ lực này cũng mang đến một viễn cảnh mới đầy ngoạn mục qua các tài liệu làm việc của Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Giáo Hội trong Thế giới Hôm nay (Gaudium et Spes).

NHỮNG BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Tôi xin bắt đầu những nhận xét của mình bằng việc miêu tả cách tôi hiểu về thuật ngữ “spirituality” (linh đạo). Linh đạo ngày nay thường được sử dụng để nói về một học thuyết hay một truyền thống của một người sáng lập hoặc mẫu gương linh đạo, chẳng hạn linh đạo của thánh Phaolô, của thánh Phanxicô Assisi hay của thánh Biển Đức. Một cách tương tự, có thể nói về linh đạo của một nhóm người, chẳng hạn linh đạo thánh Đa Minh, linh đạo dòng Tên, linh đạo giáo sĩ hay giáo dân. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng ý nghĩa linh đạo như một học thuyết hay một truyền thống thì chỉ mới mang tính cách thứ yếu và hệ luận. Bởi vì, nếu không có một cấp độ linh đạo chính yếu hay nguyên thuỷ, một linh đạo sống thực sự, thì sẽ không có một học thuyết hay truyền thống nào để truyền lại qua việc giảng dạy hay nghiên cứu. Đây là cấp độ chính yếu và nguyên thuỷ của linh đạo, một cấp độ hiện sinh mà tôi mong muốn được đề cập ở đây.

Ngày nay có rất nhiều nỗ lực để định nghĩa linh đạo ở cấp độ nguyên thuỷ này. Nỗ lực riêng của tôi là định nghĩa hoặc miêu tả linh đạo như “đời sống trong Thần Khí” – đời sống trong Chúa Thánh Thần – và bổ sung thêm là “như những anh chị em của Đức Giêsu, là con cái của Chúa Cha”. Tôi nghĩ định nghĩa này xuất phát từ thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma, chương 8, trong ấn bản New Jerusalem Bible mang tựa đề: “Đời sống tâm linh của người Kitô hữu – đời sống của thần khí.” Toàn bộ chương này cần phải đọc nghiền ngẫm cẩn thận. Dưới đây là trích đoạn quan trọng nhất phục vụ cho mục đích làm rõ về định nghĩa linh đạo.

Điều mà Lề Luật không thể làm được do bởi sự yếu đuối của bản tính con người, thì Thiên Chúa đã làm khi sai chính Con của mình đến trong cùng một bản tính loài người như bao tội nhân khác để trở thành hiến tế vì tội lỗi, và lên án tội lỗi trong chính bản tính con người. Thiên Chúa làm như vậy để những điều Luật đòi hỏi được thực hiện các đầy đủ nơi chúng ta vì chúng ta không sống theo xu hướng tự nhiên nhưng theo Thần Khí.

Những ai sống theo xu hướng tự nhiên thì hướng về những điều bản tính con người khao khát; những ai sống theo thần khí thì hướng về những điều thuộc thần khí. Và bản tính con người không có gì để mong đợi ngoại trừ sự chết, trong khi thần khí sẽ đem lại sự sống và bình an, bởi vì viễn cảnh của sự mất trật tự nơi bản tính con người thì nghịch lại với Thiên Chúa, bởi vì nó không phục tùng luật của Thiên Chúa, và thực sự nó không thể phục tùng được, và những người sống bởi xu hướng tự nhiên của họ thì không thể nào làm hài lòng Thiên Chúa.

Nhưng anh em không sống bởi xu hướng tự nhiên mà bởi Thần khí, vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Quả thật, ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô… (3-9)

Chúng ta có thể tiếp tục trích dẫn toàn bộ bài tán tụng tuyệt hảo về tình yêu của Thiên Chúa và lời mời gọi của Người dành cho chúng ta để sống trong thần khí của Thánh Thần. Toàn bộ chương này phải là một chủ đề suy niệm vì có liên quan đến đề tài của chúng ta.

Tuy nhiên trích đoạn trên có một vấn đề về dịch thuật. Bản dịch The New Jerusalem Bible đã vật lộn với việc dịch nghĩa từ pneumasarx (spirituscaro trong bản Latinh phổ thông), những thuật ngữ mà Phaolô dùng để diễn tả mức độ căng thẳng mà ông thấy trong đời sống Kitô hữu. Trong khi những bản dịch khác thường xuyên nói về “thần khí” và “xác thịt”, bản dịch này lại nói về “thần khí” (spirit) hay “thuộc về thần khí” (spiritual) nhưng lại dịch sarx (caro) là “những xu hướng tự nhiên” hay “bản tính rối loạn của con người.” Tại sao không dịch nghĩa đen của sarx như “xác thịt”? Bởi vì nhiều dịch giả nhận thức được tác hại đã xảy ra trong lịch sử Kitô giáo do việc đọc sai về thánh Phaolô ở điểm này, điểm quan trọng nhất mà chúng ta quan tâm về linh đạo trong một xã hội thế tục.

Đối với Phaolô, thần khí trong chúng là toàn thể con người, được xem xét trong mọi khía cạnh, trong tầm mức toàn bộ con người ấy được dẫn dắt, tác động và linh hứng bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Như vậy thần khí bao gồm thân xác, cảm xúc, hoạt động của chúng ta, những điều này tưởng chừng là những yếu tố thuộc về thân xác hay cảm xúc theo cách nào đó – nhưng mọi thứ trong chúng ta đều chịu tác động bởi Thần Khí. Mặt khác, Sarx hay xác thịt không phải là thân xác của chúng ta hay bất cứ một yếu tố vật chất nào nơi chúng ta, nhưng là mọi thứ trong tổng thể của chúng ta xét như một con người, mà chống lại những hướng dẫn, tác động hoặc sự linh hứng của Thần khí. Do đó để tránh hiểu lầm về từ thân xác chúng ta nên dịch là “những xu hướng tự nhiên” hay một cách tốt hơn là “bản tính con người rối loạn”.[3]

Vì vậy, đối với thánh Phaolô những yếu tố trong chúng ta gần gũi với vật chất như thân xác, cảm xúc hay đam mê hoặc các hoạt động thân xác – đều có thể và và thuộc về thần khí khi chúng tham gia vào việc phụng sự Thiên Chúa trong và bởi Thánh Linh. Mặt khác, những điều phi-vật-chất nơi chúng ta – như tâm trí, trí tuệ, ý chí – đều có thể bị coi là xác thịt hay mang tính xác thịt nếu chúng đi ngược lại với Thánh Linh. Trên thực tế, trong thư gửi tín hữu Côlôxê (2,18), thánh Phaolô đã đề cập đến một số thầy dạy kiêu hãnh luôn khoe khoang về những thị kiến mà họ cho là mình đã nhìn thấy. Thánh Phaolô nói rằng họ đã “tự cao bởi tâm trí xác thịt của mình” (noûs tês sarkos). Như vậy qua đoạn trích dẫn trên, thánh Phaolô đã liên kết những điều trong tâm trí, thuộc quan năng cao nhất và vô chất của con người với việc chống cự Thánh Linh.

Tuy nhiên rất thường xuyên và từ rất sớm trong lịch sử Kitô giáo, giáo huấn của thánh Phaolô bị hiểu sai, như thể là thánh nhân đã coi đời sống của linh hồn là một điều thiện, đối nghịch với đời sống của xác thịt hay thân xác như một điều ác. Một sự hiểu lầm tương tự cũng ảnh hưởng đến 2 câu nói của Đức Giêsu trong tin mừng Matthêu 20,18 và 16,26. Đức Giêsu nói về thân xác và linh hồn hoặc việc đánh mất mạng sống mình. Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng từ ngữ được dùng để diễn tả “linh hồn” (psyche) không phải là từ ngữ diễn tả nguyên ủy tâm linh (spiritual principle) của triết học Hy Lạp, cho bằng khái niệm nephesh trong ngôn ngữ Hípri, nghĩa là chỗ của sự sống siêu nhiên và đối tượng của việc cứu rỗi siêu nhiên. Do đó, việc “đánh mất linh hồn của một người” là đánh mất toàn thể bản ngã như một chủ thể có sự sống và có ý thức, bao gồm cả thân thể và cảm xúc nảy sinh từ năng lực giác quan. “Cứu linh hồn của một người” là cứu lấy toàn thể bản ngã. Điều đó lý giải tại sao sự phục sinh của toàn thể hữu thể, bao gồm cả thân xác, là rất quan trọng trong giáo huấn Tin mừng.

THỜI CÁC GIÁO PHỤ

Chúng ta bắt đầu thấy việc hiểu sai này nơi các Giáo phụ và sự trệch hướng trong tư tưởng cũng như cách sử dụng thuật ngữ. Để thúc đẩy mọi người đến sự thánh thiện, rất nhiều Giáo phụ đã kết hợp sứ điệp tin mừng với triết học Khắc kỷ, triết học Platô và đôi khi còn mang nhiều dấu tích của thuyết Ngộ đạo và thuyết Manikê, mặc dù các Giáo phụ cũng đấu tranh để chống lại hai học thuyết này. Phái Khắc kỷ coi tình cảm, cảm xúc và thân xác là những trở ngại của đời sống nhân đức. Vì thế, lý tưởng của họ là apatheia – vô cảm. Qua đó, chúng ta có từ apathy (lãnh đạm) trong tiếng Anh có nguồn gốc bởi từ Hy lạp này.

Về phần những người theo thuyết Platô và tân Platô, thế giới cảm giác được xem là bóng hình của một thực tại có thật, và cái thực tại có thật ấy được thấy trong thế giới bất biến của các ý tưởng, mà đối với họ đó là một địa hạt phi-vật-chất, thiêng liêng (the spiritual) theo nghĩa là đối nghịch với vật chất. Sự biến đổi, và lịch sử vận hành do sự biến đổi, được xem là một khuyết điểm, và sa đọa khỏi lãnh vực của tinh thần là bất biến và vĩnh cửu. Họ quan niệm rằng cái “Một” (Nhất) là thực tại tối cao. Vì vậy họ sẽ gặp rắc rối với “cái nhiều”, với sự đa phức. Họ tìm cách để giảm thiểu và dẫn đưa tất cả sự đa phức trở về với “Một” (Nhất). Cả thuyết Ngộ đạo và Manikê đều coi thường vật chất và thân xác, họ coi đó là sản phẩm do lầm lỗi của các vị thần, hoặc là sự sáng tạo của một Hóa công độc ác.

Nhìn chung, các Giáo phụ đông phương và tây phương đều chịu ảnh hưởng bởi những nguồn tư tưởng này ở những mức độ khác nhau. Các giáo phụ hăm hở đón nhận thuyết Khắc kỷ và triết học Platô, bởi vì những học thuyết này dường như vạch ra được một đời sống cao thượng. Ở phương Tây, một vài tư tưởng của thuyết Khắc kỷ và triết học Platô được chọn lọc bởi các giáo phụ như Ambrôsiô và Augustinô, những nhân vật vĩ đại này đã phục vụ chúng ta qua nhiều phương thế khác nhau, nhưng đồng thời cũng đặt ra những đường hướng không lành mạnh. Học thuyết Platô của thánh Augustinô đã khiến thánh nhân nhấn mạnh đến việc thế gian là một chỗ của những dấu chỉ hướng đến điều chân thật. Con người có thể tìm thấy điều chân thật nơi Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần-, bằng cách đi từ thế giới ngoại tại vào thế giới nội tại, đi vào chính bên trong mình, và sau đó tiệm tiến từ thấp đến cao trong chính bản thân mình và từ đó đến với Thiên Chúa. Vì vậy, một đời sống tâm linh đích thực nhất là đời sống được hướng dẫn dắt bên trong tâm trí, và thánh Augustinô luôn theo một tiến trình mà Anton Pegis gọi là “Augustinian highway” (xa lộ Thánh Augustinô), từ bên ngoài vào bên trong, từ chính mình đến Thiên Chúa. Do đó, một khuynh hướng để hiểu được đời sống đích thực trong Thần khí là đời sống nội tâm.

Một ảnh hưởng quan trọng khác đối với đời sống tâm linh là đạo lý về tội nguyên tổ, đặc biệt được phát triển ở phương Tây. Theo thánh Augustinô, tội nguyên tổ và những hậu quả nghiêm trọng của nó được truyền qua hành vi hôn nhân, bởi vì dù bản chất hôn nhân là tốt đẹp, nhưng việc giao hợp chắc chắn không thể không liên quan đến một sự rối loạn hay tội lỗi, ít là tội nhẹ. Đối với thánh Augustinô, sự khoái lạc trong hôn nhân được biện minh vì thiện ích của con cái, mặc dù thánh nhân cũng kể ra những thiện ích khác của hôn nhân như là sự chung thuỷ của đôi lứa cũng như tính cách biểu tượng của hôn nhân – đó là tượng trưng sự hiệp nhất của Đức Kitô và Giáo hội, điều được coi là một lý do cho tính bất-khả-ly của hôn nhân.

Thánh Anselmô vào cuối thế kỷ XI và thánh Tôma ở thế kỷ XIII, đã sửa đổi mạnh mẽ quan điểm của thánh Augustinô về mối liên hệ giữa tội nguyên tổ và dục tình rối loạn. Họ nhấn mạnh rằng cốt lõi trung tâm của vấn đề là sự rối loạn nguyên thủy của ý chí con người đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên ảnh hưởng của thánh Augustinô vẫn còn rất mạnh mẽ, đến nỗi những vấn đề nền tảng của bản nhân ông Luther đã nảy sinh từ việc ông cố gắng giải quyết học thuyết của Augustinô về mối quan hệ của dục tình với tội nguyên tổ. Trước Luther, vào thế kỷ XII, Petrus Lombardus, tác giả của Liber sententỉaum, được dùng làm sách giáo khoa trong các trường đại học thần học, đã tóm tắt vai trò của các bí tích như thế này: một vài bí tích, như bí tích Rửa tội vừa có thể cứu chữa khỏi tội lỗi và trao ban ân sủng; những bí tích khác như bí tích Thánh thể, thuần túy trao ban ân sủng; nhưng chỉ có một bí tích duy nhất là phương thức chống lại tội lỗi và đó là bí tích Hôn nhân ((Sententiae in IV libris distinctae, d. 2 cap. 1). Thật khó để có một linh đạo tích cực cho đời sống hôn nhân hay cho những người giáo dân phải sống giữa đời hoặc ngay cả trong một xã hội tôn giáo!

NHỮNG ẢNH HƯỞNG KHÁC DO LỊCH SỬ 

Có hai yếu tố nữa của lịch sử khác đã tác động đến linh đạo của người giáo dân. Vào thế kỷ XIV, thần học bắt đầu tách ra khỏi những nguồn sống động của kinh thánh và truyền thống sâu sắc của giáo phụ, và bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận tinh vi không hồi kết. Điều này khiến cho những người mong muốn tìm kiếm nguồn nuôi dưỡng đời sống trong Thánh Linh phải tách rời việc nghiên cứu đời sống tâm linh ra khỏi thần học. Từ đó dẫn đến sự phát triển riêng biệt về “thần học tâm linh” hay “thần học về đời sống tâm linh” đi ngược lại với thần học kinh viện hiện hành. Mặc dù sự phát triển của thần học tâm linh như vậy có thể không gây tổn hại và thậm chí được coi là một sự phát triển tất yếu, được phát triển trong các đan viện, nhưng xu hướng này đã làm tách rời thần học tâm linh khỏi nhiều lãnh vực thần học rất trọng yếu cho một đời sống viên mãn trong Chúa Thánh Thần.

Thứ thần học tâm linh mới này có xu hướng nhấn mạnh đến lãnh vực cầu nguyện, khổ hạnh, hãm mình, thực hiện các nhân đức cụ thể, có các quy luật để làm tăng trưởng sự thánh thiện – tất cả những điều trên đều rất tốt, nhưng nó lại thường xuyên xa rời các mầu nhiệm đức tin cao cả, mà qua đó đời sống đích thực trong Thánh Linh được nuôi dưỡng. Do đó các học thuyết phong phú về Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh vốn được khai triển trong thần học Tam vị, trong các cuộc phái cử và cư ngụ trong linh hồn, đã không được đào sâu đúng mức như đã từng được thực hiện, và học thuyết Ba Ngôi cũng không được hội nhập vào đời sống tâm linh. Đức Kitô, ân sủng và ví trí thủ lãnh của Người, cũng như thần học về công trình cứu rỗi của Người, cũng không được học hỏi thấu đáo, vì vậy không thể đem lại lợi ích và sự hướng dẫn đúng đắn cho những lý thuyết thiếu óc phê phán và việc thực hành tâm linh. Ví dụ, nhiều người tìm kiếm sự thánh thiện bằng cách dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa như là “của lễ hy sinh” lãnh hình phạt để đền bù cho tội lỗi của người khác. Việc thực hành này phát sinh từ một suy tư thần học sai lầm về công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Họ cho rằng Đức Kitô đã cứu gia đình nhân loại bằng việc bị Thiên Chúa trừng phạt để đền bù cho tội lỗi của chúng ta, hơn là bằng sự vâng phục đầy yêu thương dành cho Chúa Cha, trung thành với sứ điệp của Tin mừng, sự trung thành và vâng phục đến nỗi chấp nhận cái chết. Một lần nữa, các bí tích và phụng vụ cũng không được coi trọng như là những yếu tố trọng yếu của đời sống trong Thánh Thần. Trong lĩnh vực ân sủng, người ta có thể nhận thấy những yếu tố của học thuyết Pelagiô thực hành, hoặc bán Pelagiô, đó là con người có thể bắt đầu mọi thứ trong đời sống tâm linh và chỉ kêu cầu Thiên Chúa giúp đỡ khi họ gặp thấy khó khăn.

Ngày nay có một xu hướng ngược lại, phù hợp với định hướng nền tảng của những chú giải Tin mừng và phù hợp với tư tưởng trong Tổng luận Thần học của thánh Tôma. Xu hướng này chống lại việc tách rời thần học tâm linh ra khỏi những đề tài thần học quan trọng làm nền tảng cho nó. Thần học một lần nữa được nuôi dưỡng bằng Thánh Kinh và các nhà thần học thánh thiện vĩ đại trong quá khứ, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến đời sống của Kitô hữu trong Thánh Linh. Một số thần học gia đang làm việc trong thần học tâm linh nhấn mạnh rằng bất kỳ sự hướng dẫn tâm linh nào thì cũng phải bao gồm sự chú ý đến toàn bộ chiều kích thần học, và ngoài ra, cũng phải quan tâm đến các yếu tố xã hội học, tâm lý học và văn hóa đang tác dụng ở thời điểm hiện tại cũng như đến bất cứ tác giả tâm linh trong quá khứ mà chúng ta đang nghiên cứu và sử dụng học thuyết của họ. Đời sống tâm linh được coi như bao trùm toàn bộ cuộc sống của con người. Đời sống xã hội – đời sống trong gia đình, khi làm việc, khi giải trí, trong xã hội xét như cộng đồng – đều được coi như thành phần của đời sống tâm linh. Đây chính là một phần của đời sống Thần Khí của một Kitô hữu, và một Kitô hữu có thể bước vào đời sống tâm linh bằng chính việc dấn thấn vào các lãnh vực ấy. Vì thế mà không thể tách biệt đời sống xã hội ra khỏi đời sống tâm linh. Nơi thánh Tôma không có sự tách biệt giữa hai yếu tố đó, và qua đó thánh nhân cũng đã dạy chúng ta những bài học quan trọng.

Một ảnh hưởng lịch sử thứ hai – theo tôi nghĩ là cơ bản – mà tôi muốn trình bày trong chủ đề này là quá trình phát triển của sự nhận thức về giá trị nội tại của trật tự tạo dựng tự nhiên. Nhận thức này bắt đầu từ thế kỷ XII và có ảnh hưởng mạnh mẽ vào thế kỷ XIII, đặc biệt là nơi thánh Albertô Cả và Tôma Aquinô, và tiếp tục phát triển bền vững cho đến nay. Kết quả là con người đã có thể khẳng định một cách mạnh mẽ hơn về lãnh vực tự nhiên và cùng với nó là vai trò của thế gian. Sự tự trị của lãnh vực tự nhiên, sự độc lập của thế gian không phụ thuộc vào lãnh vực thánh thiêng cũng như không phụ thuộc vào Giáo hội đã trở nên một tâm điểm lớn của lịch sử văn hoá phương Tây, và dĩ nhiên cũng đã trở thành đầu đề cho cuộc tranh chấp kinh tế và chính trị. Khi những cuộc tranh chấp vẫn còn đang diễn ra, và sự tiến triển của những thành tựu đáng kinh ngạc trong trật tự tạo dựng và trong nền nhân bản thế tục. Sự phân biệt tất yếu giữa cái thiêng và cái phàm có xu hướng trở thành sự tách biệt và thậm chí là sự đối nghịch. Vì vậy, cũng có sự gia tăng thái độ thù nghịch và xa lánh giữa Giáo hội và thế gian. Các tín hữu giáo dân đã bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp này. Với khát vọng để sống bởi đức tin và bởi Thần Khí, họ cần phải làm thế nào trong một xã hội dần mất kiên nhẫn với Giáo hội, mất kiên nhẫn với sự “can thiệp” của Giáo hội vào sự tiến bộ của nhân loại?

Tư tưởng của Thánh Augustinô đã phát triển trong hầu hết linh đạo Kitô giáo phương tây, (đừng kể quan điểm của thánh Tôma), theo đó thiên nhiên và tạo dựng đã bị làm tổn thương bởi tội nguyên tổ, mang đầy những hư hảo và chỉ có giá trị khi nó được chữa lành bởi ân sủng qua Đức Kitô và Hội Thánh của Người. Trong luồng tư tưởng này, thực tại thụ tạo có xu hướng trở về hư vô. Thiên Chúa phải liên lỉ ở trong thụ tạo với ân sủng của Người để giữ cho nó khỏi rơi vào hư vô vì tội lỗi. Dĩ nhiên, không phải tất cả các thụ tạo đều xấu, nhưng chức năng của thụ tạo được coi là thiện hảo khi nó khơi dậy trong tâm trí chúng ta những ý nghĩ về Thiên Chúa và thúc đẩy tâm hồn chúng ta ca ngợi Thiên Chúa. Các trật tự chính trị và xã hội là nhằm phụng sự Thiên Chúa; điều này đã thường được hiểu là chúng phải phục vụ Hội Thánh. Một linh đạo như thế khó có thể giúp ích cho những giáo dân đang dấn thân vào lĩnh vực trần thế. Nó dẫn các giáo dân đến chỗ chỉ trích lĩnh vực mà họ hoạt động để sinh sống.

Sư xung đột giữa các thái độ như thế đã được ông Gabriel Marcel phát biểu trong Journal Métaphysique (Nhật ký siêu hình học), ngày 5 tháng 3 năm 1933:

Trong niềm tin sâu sắc và không thể lay chuyển của tôi, thật là tệ nếu đối với quan niệm chính thống, niềm tin của tôi bị coi là dị giáo, nhưng tôi cho rằng những người có đời sống tâm linh hay những người có học thức bất kể họ nói gì đi nữa, thì Thiên Chúa không muốn chúng ta yêu mến Người bằng cách chống đối các thụ tạo, nhưng Người muốn chúng ta tôn vinh Người qua thụ tạo và khởi đi từ nơi thụ tạo. Đó là lý do vì sao tôi không thể chịu nổi vài tác phẩm viết về tâm linh. Những tác phẩm đó cho rằng Thiên Chúa chống lại tất cả những gì được tạo dựng, ra như phần nào Người ghen tị với chính công trình tạo dựng đo tay mình đã làm ra. Nhưng theo tôi nghĩ thì đó là một ngẫu tượng. Khi viết ra những điều này, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Và tôi tuyên bố rằng khi tôi rút lại những điều này, hoặc bất cứ khi nào tôi nói ra điều gì trái ngược lại với điều tôi vừa viết là tôi đã không thành thực (được trích dẫn trong Bultot, 54).

 Ông Marcel đã băn khoăn về tính chính thống trong quan điểm của mình. Thật đáng tiếc là ông đã không biết rõ hơn về Albertô Cả và Tôma Aquinô, vì nơi hai vị thánh này ông Marcel sẽ tìm thấy chính xác quan điểm của mình. Chắc chắn rằng Albertô Cả và Tôma đều không bỏ qua yếu tố tội lỗi và sự mất trật tự đã đi vào trong những vấn đề của con người và đi vào chính con người qua dòng lịch sử. Nhưng sự cống hiến to lớn của Albertô và Tôma là việc chấp nhận tính tự nhiên và trao trả lại cho tự nhiên thực chất vốn dĩ của nó. Mặc dù Albertô và Tôma không cố gắng phát triển tất cả những hàm ý trong quan điểm của mình, nhưng thái độ và học thuyết của cả hai đã dọn đường cho một nền linh đạo thích hợp với người giáo dân sống và làm việc trong một xã hội thế tục. Việc khuyến khích nghiên cứu học thuyết thánh Tôma của Giáo hoàng Leô XIII là cầu nối mang học thuyết của Tôma đến với xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, những giáo huấn của các Giáo hoàng và những nhà lãnh đạo khác của Giáo hội chịu ảnh hưởng của học thuyết Tôma đã dần dần giúp cho Giáo hội trân trọng xã hội thế tục hơn, thậm chí còn có thể hợp tác với xã hội thế tục bấy lâu nay vốn bị ngờ vực và lên án. Những nhà tư tưởng theo trường phái Tôma như Maritain, Gilson, Chenu, Congar, Rahner và những nhà tư tưởng khác đã đẩy mạnh quan điểm tích cực này về tự nhiên, cùng với thành tựu và hoạt động của thế tục của nó, bên cạnh đó, người Kitô hữu vẫn luôn ở trong hoạt động của ân sủng, nhưng vẫn tôn trọng vai trò của trật tự tự nhiên và những giá trị thế tục của nó.

Đối với thánh Tôma và các đồ đệ, thì không có một trật tự tự nhiên nào chứa đựng cứu cánh tuyệt đối trong chính nó. Cứu cánh tối hậu tuyệt đối của tất cả mọi người hệ tại phúc kiến tràn ngập tình yêu, và không ai có thể được hạnh phúc đích thực nếu không đạt tới cứu cánh này này. Thánh Albertô Cả, thánh Tôma và các đồ đệ đồng ý với quan điểm của thánh Augustinô và tất cả những người khác về điểm này (xc. ST I-II, 3.8). Theo thánh Tôma, mặc dù có những cứu cánh trung gian (intermediate ends) hoặc những cứu cánh phù hợp với bản tính của tự nhiên (connatural ends) và với các hoạt động thế tục cần được xác định và cũng cần phải tôn trọng (xc. ST I-II, 68.2). Những cứu cánh chịu giới hạn hay mang tính trung gian của tự nhiên hay của các thể chế nhân sinh đều có giá trị và cần phải được tôn trọng. Khi chúng ta thực hiện điều này, khi chúng ta phát triển những cứu cánh trung gian đến mức độ viên mãn, thì chúng ta làm vinh danh Thiên Chúa lớn hơn khi chúng ta chỉ sử dụng chúng như là một công cụ của Giáo hội hay của tôn giáo.

Đã từ lâu, thánh Irênê nói rằng vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống viên mãn.[4] Teilhard de Chardin đã phát triển những ý tưởng tương tự trong tác phẩm The Divine Milieu (Cảnh vực thần linh). Cha nói rằng, công việc của chúng ta thường được nhìn nhận cách đơn giản là một điều cần phải được thực hiện với chủ ý ngay lành, là điều được dâng lên Thiên Chúa trong kinh nguyện buổi sáng. Điều chúng ta làm không phải là chuyện đáng kể, – chủ ý hành động mới thực sự là điều quan trọng. Có những thầy tu đan rổ để trở nên bận rộn đang khi cầu nguyện, sau đó họ lại gỡ những chiếc rổ đã đan và thực hiện lại từ đầu. Không phải thế, Teilhard đã nói rằng công việc của chúng ta được thực hiện trên trần gian này là một phần của sự phục vụ đầy yêu thương mà một người dâng lên Thiên Chúa. Hình thức công việc, hiệu quả và ảnh hưởng của nó đối với xã hội đều là quan trọng và góp phần cho sự tiến bộ của lịch sử nhân loại, tiến đến sự viên mãn của nó trong Đức Kitô. Vì vậy lao động là thành phần của đời sống trong Thánh Linh – hay linh đạo. Gustave Thils, nhà thần học ở Louvain cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu với điều mà ông gọi là “thần học của những thực tại trần thế”. Những nhà thần học khác đã phát triển một nền thần học về lao động.

Tất cả những điều này được đưa vào Công đồng Vaticanô II và đi đến một kết quả là chấp nhận cách tích cực những tiến bộ đạt được trong lãnh vực thế tục cũng như là khích lệ những người Kitô hữu hãy làm việc trong trần thế nhắm đến sự tiến bộ của thế giới. Lịch sử và xã hội không phải như sân khúc côn cầu hay sân bóng chày nơi mà những người Kitô hữu có thể đến và chơi những trò chơi mà không cần quan tâm đến kết quả chung cuộc miễn là họ có thể chơi theo một cách thức mà không dẫn đến việc phạm tội mà đánh mất “phần rỗi linh hồn”. Không, lao động trong xã hội loài người là thành phần của sự phát triển lịch sử nhân loại, là thành phần của vương triều Đức Kitô đang đến. Đức Kitô Phục Sinh dẫn dắt toàn bộ lịch sử đến cứu cánh và sự viên mãn của nó, nhưng điều này vẫn có thể thực hiện được mà không cần phải rửa tội mỗi yếu tố của lịch sử nhân loại, hay biến nó thành Kitô giáo cách minh thị.

Vì vậy theo thánh Tôma, công việc của mỗi người giáo dân đang thực hiện trên trần gian này là cách thức thích hợp của họ để làm vinh danh Thiên Chúa. Điều này  được thực hiện không phải chỉ bằng cách hiến dâng nó với một chủ ý ngay lành, mặc dù nhắc nhở điều này cũng là tốt, nhưng chúng ta còn phải để tâm làm tất cả mọi thứ cách hoàn hảo – điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, xét vì các xu hướng bên trong hay bên ngoài chúng ta (thử nghĩ đến những doanh nhân và những nhà chính trị đang phải thực hiện công việc trong một xã hội có thể được gọi là “trần tục” theo đúng nghĩa tiêu cực của nó).

MÔT VÀI CHỦ ĐỀ ĐẶC THÙ CỦA THÁNH TÔMA AQUINÔ

1. Trân trọng sự độc đáo của linh đạo cá vị

Học thuyết sâu sắc của thánh Tôma có một vai trò quan trọng đối với mỗi người Kitô hữu và đặc biệt là những giáo dân. Thánh Tôma nói rằng “nhân vị, nghĩa là một cá nhân tồn hữu trong một bản tính có lý trí, là một thực tại hoàn hảo nhất trong mọi bản tính” (ST I, q. 29, a. 3). Trong quan điểm của thánh nhân, mỗi người đều là độc nhất vô nhị, mỗi người được cấu thành như một ngôi vị bởi một hành vi độc nhất của sự hiện hữu. Và như vậy mỗi người có sự hiện hữu cá vị và một lịch sử riêng, một sự phát triển và sự thánh thiện cá vị, có thể hoàn thành nhờ sự trợ giúp ưu ái của Thiên Chúa, tức là sự thánh thiện riêng của mình. Không ai khác có thể tôn vinh Thiên Chúa một cách đặc thù và cá biệt mà mỗi người được mời gọi để dâng lên Chúa bằng chính lịch sử độc đáo của bản thân mình.

Thánh Tôma nói thêm rằng sự đa dạng của các thụ tạo làm nên một vũ trụ hoàn hảo hơn và dâng lên Thiên Chúa nhiều lời tán tụng hơn, vì vậy sự đa dạng và mức độ khác nhau của ân sủng mà Thiên Chúa tuôn đổ trên cuộc đời của con người thì góp phần kiến tạo thêm vẻ đẹp và sự hoàn hảo cho Giáo hội (và cũng như cho vinh quang của Thiên Chúa) hơn là nếu mỗi người chỉ có cùng một loại ân sủng, cùng một mức độ ân sủng như nhau (ST I, q. 12, a. 4). Điều này có nghĩa là mỗi người chúng ta đều có một vai trò và một sứ mệnh độc nhất. Tôi sống và làm việc trong không gian và thời gian cụ thể với những hoạt động cụ thể, để dâng lời tán dương Thiên Chúa. Như vậy, không có bất cứ một yếu tố nào trong cuộc sống của tôi bị tách biệt ra khỏi đời sống trong Thần Khí nơi tôi.

2. Một nguyên tắc sinh thái học

Chủ đề trong học thuyết Tôma được đề cập liên quan đến con người có thể cũng được dùng làm nguyên tắc cơ bản cho vấn đề về sinh thái. Tôma không theo thuyết nhất nguyên, thánh nhân cảm nhận niềm hân hoan trước sự đa nguyên của vạn vật (cũng như sự đa dạng nơi loài người), vì ở mỗi loài vật cụ thể đều có khả năng thể hiện sự khôn ngoan và thiện hảo của Thiên Chúa theo một cách thức mà các loài khác không thể làm được, thế nên qua sự đa dạng ấy mà chúng ta có thể tán dương Thiên Chúa nhiều hơn (ST I, 47.1; xc. I, 44.4). (Ở đây chúng ta lưu ý rằng linh đạo của thánh Tôma không chỉ là linh đạo bắt nguồn từ Thiên Chúa, mà còn là linh đạo quy hướng về Thiên Chúa – các thụ tạo được trân trọng và được nhìn nhận những giá trị xứng đáng, nhưng linh đạo của Tôma không phải là một linh đạo về sự sáng tạo hay đặt sự sáng tạo làm trung tâm. Đối với thánh Tôma, việc bảo tồn mỗi chủng loại đều được coi là việc phục vụ cho vinh quang của Thiên Chúa, và đối những những giáo dân, là những người nên thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường, thì giáo huấn này có thể là một phương thức liên kết những vấn đề môi trường với đời sống của họ trong Thần khí.

3. Sự toàn vẹn của nhân vị: các đam mê, cảm xúc như là luân lý chia sẻ

Một ảnh hưởng nữa của lịch sử nữa bên phương tây, là việc tiếp nhận sự phân biệt giữa linh hồn và thân xác trong triết học Aristote vào ngôn ngữ tâm lý học con người. Mối nguy hiểm ở đây là linh hồn phi chất thể của Aristote được liên kết với tâm linh (spiritual), còn thân xác vật chất được liên kết với tính xác thịt. Khi điều này xảy ra, nó làm nghiêm trọng thêm việc hiểu sai đã có trước đó khi đọc các tác phẩm của thánh Phaolô và Mátthêu. Nguyên nhân của việc hiểu sai này là do ảnh hưởng bởi các học thuyết triết học khác. Người ta hiểu đời sống tâm linh là đời sống của linh hồn, còn những yếu tố thân xác được coi là yếu tố nằm ngoài đời sống tâm linh.

 Chúng ta luôn phải nhắc nhớ rằng thánh Tôma Aquinô không đơn thuần chỉ là một người áp dụng học thuyết Aristote. Mặc dù thánh nhân đã sử dụng sự phân biệt giữa linh hồn và thể xác trong triết học Aristote hơn là tâm lý học về tinh thần, linh hồn, và thể xác của Platô. Nhưng Tôma có một triết học về hữu thể (esse) của riêng mình, vượt xa Aristote. Tôma nhìn thấy nơi con người là một tổng thể toàn vẹn, thân xác và linh hồn được hợp nhất trong một con người, được hợp nhất bởi một hành vi duy nhất của hiện hữu (esse hoặc actus essendi). Thánh Tôma mạnh mẽ loại bỏ mọi thứ thuyết nhị nguyên về con người, dù đó là thuyết Platô, Khắc kỷ, Manikê, hoặc việc áp dụng một cách bất cẩn học thuyết của Aristote.

Kết quả là thánh Tôma đã nhận ra các ước muốn giác cảm, hoặc những đam mê hay cảm xúc bởi giác quan đều được coi là tốt khi nó được điều hòa theo một trật tự nội tại bởi các nhân đức tiết độ (temperance) và can đảm (fortitude). Các đam mê và xúc cảm chia sẻ một sự tốt lành luân lý của những hành vi được điều hành theo trật tự bởi ý chí. Ngược lại, các đam mê và xúc cảm chia sẻ một điều xấu luân lý của những hành vi mất trật tự được chọn lựa bởi ý chí. Những đam mê và xúc cảm không được điều hành do những thúc ép từ bên ngoài bởi một quy tắc độc đoán của ý chí, nhưng đến từ một thúc đẩy ngọt ngào của nhân đức từ bên trong – hẳn nhiên là sau khi đã được rèn luyện, tuân giữ kỷ luật và khổ chế (xc. ST I-II, 24.1 & 3). Khi chúng ta có được những nhân đức này ở một mức độ cao (Đức Kitô là khuôn mẫu tuyệt vời về điều này), thì những hành vi mạnh mẽ đầy đam mê sẽ chảy cuộn một cách tự nhiên nơi chúng ta vì chúng đã được các nhân đức điều hành theo một trật tự tuyệt hảo. Chúng ta có thể lấy ví dụ từ Đức Giêsu, khi Người nổi giận, hay khi bày tỏ tình yêu thương đối với Mácta, Maria và Lazarô đến nỗi người đã khóc thương cái chết của Lazarô, hoặc là khi Người thể hiện sự kinh ngạc trước đức tin của một ông quan chỉ huy quân đội (ST III, 15). Tuy nhiên, một bác sĩ tâm thần người Công giáo tên Conrad Baar, than thở rằng học thuyết của thánh Tôma đã không được nhiều người thực hành. Ông nhận thấy biết bao thế hệ người Công giáo đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những quan điểm mang tính đàn áp được kế thừa từ những truyền thống tâm linh khác trong đạo Công giáo (29-33).

Tất cả những điều này đã tác động đến toàn bộ cách thức mà chúng ta nghĩ về đời sống tâm linh. Như đã nói trên, đời sống tâm linh đã được hiểu theo nghĩa một đời sống nội tâm, tách rời khỏi một thế giới luôn đổi thay, bập bềnh và thậm chí là nguy hiểm. Lý tưởng này đã trở thành nếp sống nơi các đan viện và tu viện xa cách thế giới và xã hội. Thật ra, một vài tác giả cũng đã từng phác họa ơn gọi dành cho người giáo dân như thế. Điều này được nhận thấy nơi những hội đoàn và lý tưởng của tầng lớp hiệp sĩ (knighthood). Nhưng nói chung linh đạo cho người giáo dân đang làm việc trong xã hội – được coi như cần được biến đổi thành tôn giáo chứ không duy trì bản chất thế tục của nó – được mô phỏng theo khuôn mẫu của các đan sĩ hoặc tu sĩ.

Ảnh hưởng của quan niệm này có thể nhìn thấy nơi lòng đạo đức và việc giữ đạo của người Công giáo cho đến đầu thế kỷ XX. Các linh mục đã nói về sứ vụ mục tử của mình như việc cứu rỗi các linh hồn, hoặc đặt câu hỏi có bao nhiêu linh hồn trong một xứ đạo. Cuốn tự truyện xuất sắc của thánh Thánh Têrês Lisieux mang tựa đề La vie d’une âme (Truyện một linh hồn), và nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp dùng từ “linh hồn” thay vì “con người”. Cũng vậy, hầu hết những bài khảo luận về linh đạo xuất hiện ở những thập kỷ đầu của thế kỷ của chúng ta được viết bởi và cho các đan sĩ và tu sĩ. Vì vậy, tác giả thường phản ánh một nỗi sợ về thế giới như là một nơi đầy nguy hiểm và cám dỗ, cần phải rút lui khỏi nơi này để nuôi dưỡng đời sống tâm linh.

4. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa và là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi

Khi đề cập đến sự cân nhắc và chọn lựa trong hoạt động của con người (đây cũng là một vấn đề trong linh đạo của chúng là miễn là chúng ta không đóng sập linh đạo vào một lĩnh lực hạn hẹp tách rời khỏi tất cả hoạt động của con người và phẩm chất luân lý của nó), giáo huấn của thánh Tôma về vấn đề con người như hình ảnh của Thiên Chúa và là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi là một giáo huấn rất quan trọng. Cha Ignatius Eschmann, dòng Đa Minh, một giáo sư tuyệt vời của tôi tại Học viện Giáo hoàng về khoa Nghiên cứu Trung cổ đã từng gần như xuất thần khi cha trích dẫn và phân tích thận trọng đoạn dẫn nhập ngắn thánh Tôma đã viết trong phần mở đầu của prima secundae của bộ Tổng luận Thần học. Lý do là vì cha thấy được trong một phát biểu đơn giản lại có một viễn cảnh siêu vượt bao trùm và chi phối tất cả những gì theo sau: về mục đích, ý chí, đam mê của con người, các nhân đức, ân huệ Thánh Linh, các thói hư và cả các lệnh truyền. Trong phần mở đầu này thánh Tôma đã nói rằng:

Con người được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (ad imaginern Dei: diễn tả một khuynh hướng và hoạt động). Như thánh Gioan Đamascô nhận xét, điều này có nghĩa là con người là một hữu thể có trí năng, được ban cho sự tự do chọn lựa và năng lực hành động do chính mình (nghĩa là, như một tác nhân chính và có trách nhiệm). Chúng ta đã bàn về khuôn mẫu của con người, đó chính là Thiên Chúa, và cũng như là khuôn mẫu của tất cả những gì được tạo dựng do quyền năng và bởi ý muốn của Người. Giờ đây, chúng ta còn phải xem xét hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là con người xét như con người này, là nguồn gốc của các hoạt động của mình, trong đó con người có tự do chọn lựa và năng lực để thực hiện những hành động của mình.

Vậy trước tiên chúng ta phải xét đến cứu cánh tối hậu của đời sống con người, và sau đó bàn đến những cách thức mà con người có thể đạt được hay đánh mất cứu cánh: vì cứu cánh mang cho chúng ta những lý do và ý niệm nhờ đó mà chúng ta có thể đánh giá hoạt động của con người được điều chỉnh như thế nào hướng tới cứu cánh ấy. Và bởi vì cứu cánh tối hậu của đời sống con người là hạnh phúc, cho nên trước hết chúng ta phải bàn đến cứu cánh tối hậu này một cách tổng quát và sau đó là bàn đến hạnh phúc.[5]

Những lời này cho thấy rằng đối với Tôma mỗi người đều là tác nhân chính của đời sống và những quyết định tâm linh – luân lý của mình, dĩ nhiên là vẫn luôn phụ thuộc vào Thiên Chúa, nhưng không theo nghĩa là tiên vàn lệ thuộc vào các lệnh truyền, chỉ thị, tùng phục, sự chỉ dẫn hay tư vấn của người khác. Chính con người, “một chúa nhỏ (nếu chúng ta dám gọi con người như thế) vì được bắt chước Thiên Chúa vô biên, cần phải sử dụng tâm trí, sự chọn lựa tự do và động lực cho hành động của mình.[6]

5. Tìm kiếm ý Chúa

Nếu chúng ta có một nhân vị độc nhất và vì vậy chúng ta có một linh đạo độc nhất, làm sao chúng ta có thể tìm biết được ý định của Thiên Chúa để có thể sống với vai trò độc nhất của mình. Ý muốn của Thiên Chúa và cách thức tìm kiếm của chúng ta thường xuyên được nghĩ như một kịch bản thần thiêng, tất cả đã được sắp xếp trước. Thật khốn khổ cho chúng ta nếu chúng ta không khám phá ra được những yếu tố trong kịch bản đã định sẵn đó và tuân thủ theo các chi tiết của nó.

Tuy nhiên, trừ khi chúng ta có một mặc khải đặc biệt của Chúa, thì điều gì chúng ta làm cũng nên được xem là phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa trong lúc này. Bởi vì Thiên Chúa vĩnh cửu cũng hiện diện năng động ở đây và ngay lúc này để giúp tôi tìm ra thánh ý của Người. Chính tại đây và ngay bây giờ, tôi phải cố gắng đánh giá được đâu là điều tốt nhất, công bằng nhất và đáng mến nhất để thực hiện. Tôi phải tìm hiểu, thu thập thông tin, cố gắng tiên lường những hậu quả của một quyết định. Tôi phải cầu nguyện, có lẽ còn phải bàn hỏi – nhưng không buộc phải nhắm mắt tuân theo người khác hay buộc phải vâng lời ai nếu tôi là một giáo dân có trách nhiệm tôi phải đưa ra một quyết định trong phạm vi riêng biệt của mình.

Nếu tôi thực hiện được tất cả điều đó, cố gắng loại bỏ đi những thiên kiến cá nhân hoặc những đam mê mù quáng, và sau đó đưa ra sự quyết định, thì tôi có thể chắc chắn rằng tôi thực sự đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Đó là điều Chúa muốn nơi tôi. Chúa muốn tôi có được một quyết định tự do dưới ảnh hưởng của ơn Chúa và bằng cách sử dụng mọi phương tiện trong tầm tay của mình. Sau này, khi nhìn lại, tôi có thể thấy có một sự lựa chọn khác có vẻ tốt hơn. Nhưng không sao cả – bởi vì vào thời điểm đưa ra quyết định, tôi đã làm tất cả những điều mình có thể và như vậy là tôi đã thực hiện ý Chúa muốn rồi. Thánh Tôma nói rất cương quyết rằng thậm chí nếu lương tâm của tôi, quyết định cuối cùng của tôi về một hành vi tốt hay xấu là sai lầm, thì nó phải được tuân theo, và ta đáng bị khiển trách vì đã không tuân theo lương tâm sai lầm khách quan này.[7]

6. Một linh đạo của đức khôn ngoan được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần[8]

Đối với một giáo dân, một linh đạo của đức khôn ngoan dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thì phù hợp hơn là một linh đạo đề cao ý tưởng phải tuân thủ các luật lệ chi phối tất cả mọi tình huống, hoặc phải vâng nghe một vị linh hướng hay một thẩm quyền mà khả năng và chức vị của họ không thể bao quát hết được tất cả phạm vi của đời sống trong thế giới thế tục. Có những giáo dân đã chọn lựa những vị linh hướng để tìm kiếm và tuân phục họ trong tất cả mọi chuyện như thể những người này đang truyền đạt tiếng Chúa. Điều này quả là sai lầm! Những người như vậy chỉ nên tìm đến để trợ giúp mình trong việc cân nhắc trong tiến trình dẫn đến việc đưa ra chính quyết định của mình. Người trợ giúp không bao giờ được phép thay thế đời ta và đặc biệt là những quyết định của ta.

Điều này bắt rễ chắc chắn nơi giáo huấn sâu sắc của thánh Tôma Aquinô. Như đã nói, đối với ngài, mỗi người chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa vì chúng ta có trí năng, ý chí tự do và năng lực để hành động qua chính chúng ta và trong chính chúng ta – dĩ nhiên những điều này luôn luôn được đặt dưới sự trợ giúp của Thiên Chúa và sự trợ giúp đặc biệt của các ân huệ Thánh Linh, cách riêng là các ơn cao minh, minh luận và chỉ giáo. Một người khôn ngoan – và đức khôn ngoan có thể có nghĩa là dám liều lĩnh cũng như phải thận trọng! – tìm hiểu mặc khải, lề luật của Thiên Chúa và của Hội Thánh cũng như luật pháp của xã hội trong lĩnh vực thế tục, nhưng việc tuân giữ tất cả những luật này cũng không thể áp dụng cho tất cả những trường hợp cá biệt. Người khôn ngoan phải phán đoán bao gồm tất cả những đặc điểm cụ thể của mỗi trường hợp.

Một giáo dân sinh sống và làm việc trong một xã hội thế tục không thể từ bỏ vai trò của mình khi mang hình ảnh của Thiên Chúa đối với người khác. Thậm chí khi phải vâng phục, một người có thể xem xét những luật lệ hay mệnh lệnh ấy có thật sự mang lại thiện ích và không gây hại trong những hoàn cảnh mà mình biết rõ hơn các nhà lập pháp hoặc bề trên hoặc linh hướng. Và nếu chúng ta vâng phục thì chúng ta phải vâng phục một cách tự do. Luật pháp và sự vâng phục không thể bao trùm hết tất cả những hoàn cảnh và những tình huống cá biệt. Vì vậy mà người giáo dân cần phải trưởng thành để đưa ra một quyết định chín chắn khôn ngoan trong phạm vi mà họ có thể biết. Không có một linh mục hay bất cứ người nào khác được phép ra lệnh hay chỉ đạo một người liên quan đến phạm vi chuyên biệt và quyết định của cá nhân mình.

7. Luật mới và các ân huệ Thánh Linh

Khi sắp xếp các chất liệu cho phần “Secunda secundae” của Tổng luận Thần học, thánh Tôma đã đưa ra một quan điểm rất tích cực. Thánh nhân bắt đầu với những nhân đức trực tiếp thúc đẩy chúng ta bước vào đời sống với Thiên Chúa, bao gồm: đức tin, đức cậy và đức mến, và sau các nhân đức này là những nhân đức trụ: khôn ngoan, công bằng, tiết độ, can đảm. Theo thánh nhân, các nhân đức này được nối kết với các ân huệ Thánh Linh. Luật mới hay Giao Ứơc mới là sự hiện diện bên trong của Thánh Linh và các ân huệ của Người, để dẫn dắt đời sống của chúng ta cho phù hợp với Tin mừng – có lẽ đôi khi được coi là phù hợp với “sự điên rồ” của Tin Mừng. Tất cả những người giáo dân đều cần đến sự giúp đỡ liên tục và ngọt ngào này của Thánh Linh trong đời sống của mình. Bên cạnh đó, để sống trên một bình diện cao của nhân đức: tin – cậy – mến, và được ngay lập tức dẫn đến Thiên Chúa, chúng ta cần phải vượt lên trên những gì lý trí hay quan điểm trần tục đưa ra. Như vậy, chúng ta được dẫn đến bình diện cao hơn của những hoạt động tràn đầy Thánh Thần – đó chính là một linh đạo đích thực. (xc. ST 1-2.68.2).

Sau các nhân đức phú bẩm và các ân huệ Thánh Linh, chúng ta nhận thêm những nhân đức khác đi kèm với những nhân đức lớn lao ấy. Tới lúc ấy mới xuất hiện các nết xấu và tội lỗi, tức là những tập quán và hành vi có thể khiến ta xa rời sự hướng dẫn đến từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Lúc này tốt nhất chúng ta đừng để mình liên luỵ đến những chọn lựa bị rối loạn của con người. Sau cùng, chúng ta có thể nhận được những mệnh lệnh: bao gồm sự hướng dẫn dạy dỗ và những giúp đỡ để thiết lập kỷ luật cho bản thân, nhằm giữ đời sống của ta trong Thần khí khỏi đi trệch hướng.

Thật là một quan điểm tích cực biết mấy! Thật khác xa với cách tiếp cận của những thuyết luân lý khác nhấn mạnh đến nghĩa vụ và mệnh lệnh như là cách thức cơ bản để tiếp cận luân lý. Và dĩ nhiên chính những nhà luân lý ấy và các đồ đệ của họ đều không bao giờ coi những học thuyết luân lý chán ngắt đó là một linh đạo, một đời sống trong Thánh Linh, nhưng chỉ là một nền tảng cho những tuyên bố cao hứng khác được hình thành. Nhưng đối với thánh Tôma không có sự phân biệt giữa luân lý và tâm linh, bởi vì một đời sống luân lý phải là một đời sống trong Thánh Linh và đời sống trong Thánh Linh phải là đời sống luân lý.

8. Đức tin vào Thiên Chúa tương phản với công thức tuyên xưng đức tin và giáo huấn của giáo hội

Giáo huấn về đức tin của Thánh Tôma rất quan trọng đối với các vấn đề mà chúng ta đang đối mặt hôm nay, đặc biệt ở nơi những giáo dân đang băn khoăn về các giáo huấn chính thức của Giáo hội. Đối với thánh Tôma đức tin là sự ưng thuận một chân lý về Thiên Chúa trong một cuộc gặp gỡ rất riêng tư, trong đó Thiên Chúa là Chân lý Đệ nhất “lên tiếng” – tuy dù trong tối tăm – nói trong tâm trí của chúng ta, và chúng ta chấp thuận Chân lý này dưới sự thúc đẩy ngọt ngào (nhưng có lẽ run rẩy) của ý chí của chúng ta khi được Thiên Chúa tác động. Đối với thánh Tôma, đức tin là một cuộc gặp gỡ với một Thực Tại Vô Cùng của Thiên Chúa. Những lời phát biểu đức tin – kinh tin kính, các tín điều, vv – là một điều cần thiết phù hợp với cách thức hiểu biết của con người. Đó cũng là cách thế để giúp cộng đoàn đức tin được hiệp nhất trong việc tuyên xưng niềm tin của mình. Nhưng những phát biểu hay những lời tuyên xưng không phải là đối tượng hay mục tiêu của đức tin nơi chúng ta. Nhờ đức tin, chúng ta vượt qua việc tuyên xưng này để đến Thực tại huyền bí vô hạn của Thiên Chúa Nhất thể Tam vị. Đây là một sự tự hiến đầy mạo hiểm giống như điều mà Đức Giêsu đã mời gọi trong Tin Mừng, nhưng ta có thể tương-đối-hoá các tuyên ngôn đức tin ở một mức độ nào đó. Bởi vì các tuyên ngôn ấy có thể thực sự nắm bắt một vài yếu tố của Mầu nhiệm vô biên của Thiên Chúa, nhưng chưa cân xứng. Chính vì thế, các mệnh đề này luôn có thể được cải tiến, thích ứng, thay đổi mà không tự mâu thuẫn, và điều này đã xảy ra trong lịch sử.[9]

Nhận xét đầy ý nghĩa của thánh Tôma về việc tuyên xưng niềm tin, “Hành vi của người có đức tin không dừng lại ở tuyên ngôn nhưng nơi Thực Tại [của Thiên Chúa]” (ST II-II. 1.1.2 ad 2) càng cần được áp dụng cho các tuyên ngôn trình bày đức tin trong các giáo huấn chính thức của Giáo hội. Các giáo huấn này không phải là trung gian đưa con người tiến sâu vào Mầu nhiệm Thiên Chúa khi con người đã dâng hiến trọn vẹn tâm trí. Người giáo dân, đặc biệt ở nơi những người không có đủ khả năng chuyên môn hay kinh nghiệm sâu sắc về đức tin, cần được huấn luyện để tôn trọng và chấp nhận những giáo huấn này, cũng như phân biệt với những gì không thuộc về đức tin và có thể tiếp tục nghiên cứu và thay đổi. Bên cạnh đó, những giáo huấn này không phải là vấn đề của đức tin, nhưng nó có thể trở thành đối tượng cho việc nghiên cứu và có thể sẽ bị thay đổi. Điều này lại càng được áp dụng cho các ý kiến thần học thường được gặp trong các sách giáo lý hoặc tóm lược đạo lý Công giáo.[10] Tôi nghĩ đây là các giáo dân cần phải biết sự phân biệt các cấp độ đạo lý khi họ phải đối diện với các vấn đề mà họ gặp vào lúc áp dụng giáo huấn của Giáo hội vào đời sống cá nhân của mình.

9. Sự hiện diện của Đức Kitô trong lịch sử nhân loại

Giáo huấn của thánh Tôma về sự hiện diện năng động và sự tác động của Chúa Giêsu Phục Sinh vào lịch sử nhân loại có thể coi là một yếu tố quan trọng trong linh đạo dành cho những người đang sống và làm việc trong trần thế. Trong hai câu hỏi ở cuối khảo luận liên quan đến các mầu nhiệm về cuộc sống, sự chết và sự tôn vinh của Chúa Kitô, Tôma đã nói về Chúa Kitô, xuyên qua nhân tính của Người, chia sẻ quyền cai quản và phán xét của Chúa Cha. Hẳn nhiên, điều này đòi hỏi Đức Kitô có một tri thức theo nhân tính và hiện diện một cách nào đó trong dòng lịch sử nhân loại. Thánh Tôma đã có một giáo huấn tuyệt vời để giải thích làm sao sự hiện diện năng động của nhân tính Đức Kitô diễn ra nơi chúng ta. Chúng ta biết rằng chính Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhờ ân sủng của các Ngài, là nguyên nhân chính yếu của việc biến đổi, nâng cao hiện hữu và hoạt động của chúng ta, mà ta gọi ân sủng. Nhưng thánh Tôma đã thêm một điều mà trước đó chưa ai đề cập, đó là: Đức Kitô xét theo nhân tính cũng là nguyên nhân ban tặng ân sủng, vì nhân tính của Người đã phục vụ cho thần tính như một nguyên nhân công cụ để trao ban ân sủng. Tiếp tục ý tưởng này, thánh Tôma đã đưa ra một so sánh đáng ngạc nhiên giữa sự hiện diện của Đức Kitô để ban phát và duy trì ân sủng, và sự hiện diện của Thiên Chúa để ban phát và duy trì sự hiện hữu của chúng ta.

Bởi vì Chúa Giêsu một cách nào đó (quodammodo) tuôn đổ những hiệu quả của ân sủng trên tất cả các thụ tạo có lý trí, nên theo một cách nào đó (quodammodo), Người là nguyên lý của mọi ân sủng xét theo nhân tính của Người, cũng như Thiên Chúa chính là nguyên lý của mọi hữu thể vậy. Vì vậy, cũng như nơi Thiên Chúa mọi sự hoàn hảo của hữu thể (essendi) được hợp nhất thế nào thì nơi Đức Kitô cũng có sự viên mãn của mọi ân sủng và nhân đức, qua sự viên mãn này Người không chỉ có khả năng để thực hiện việc trao ban ân sủng, mà còn hướng dẫn những người khác đến với ân sủng. Và như thế, Người thể hiện cương vị là Đầu (De veritate 29.2).[11]

Chúng ta cần phải suy gẫm và khám phá sự hiện diện năng động và sự tác động, thường là kín đáo, của Đức Giêsu là Chúa Phục Sinh trong tất cả đời sống Kitô hữu và trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Bởi vì Đức Kitô là Chủ tể của toàn thể lịch sử nhân loại, của vũ trụ và của sự phát triển nơi nhân loại. Người can thiệp không phải để phá huỷ những sự phát triển tốt đẹp của trật tự đã được tạo dựng, nhưng là để thúc đẩy sự phát triển của nó cho đến khi Người tái lâm, khi quyền thống lĩnh của Người trở nên hữu hình và được toàn thể mọi người nhìn nhận một cách minh nhiên.

Do đó, sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô chính là suối nguồn hy vọng cho những người đang làm việc trong xã hội. Nếu những mục đích tự nhiên của xã hội phải được nuôi dưỡng và không chỉ là chuyển hướng để phục vụ cho cái linh thiêng, thì nó vẫn được đặt dưới sự thống lĩnh và sự hiện diện của Đức Kitô. Điều này là suối nguồn liên tục cho những hy vọng đích thực của chúng ta. Đức Kitô không phải chỉ thuộc riêng về một Giáo hội nào đó, hay tồn tại trong một linh đạo hẹp hòi. Nếu chúng ta tìm Người trong các nhà thờ, trong phụng vụ, trong buổi cầu nguyện riêng tư, thì chúng ta có thể và phải thấy Người đang hiện diện trong toàn thể nhân loại, nơi mọi nỗ lực và trong lịch sử con người.

Thánh Tôma Aquinô là một con người của thời đại của mình, và người cũng cần sự hoàn thiện và sự điều chỉnh trong những lĩnh vực khác nhau. Nhưng tôi hy vọng rằng qua bài nói chuyện này chúng ta thấy được có rất nhiều sự hiểu biết nền tảng và giáo huấn của thánh Tôma có thể mang lại những giá trị cho linh đạo của người giáo dân sống giữa trần thế.

——————–

CÁC TÁC PHẨM TRÍCH DẪN

Baars, Conrad. “Christian Anthropology of Thomas Aquinas,” The Priest 30/10 (October, 1974).

Bultot, Robert. “The Theology of Earthly Realities and Lay Spirituality,” in Concilium 19 (1966).

Lombard, Peter. Sententiae in IV libris distinctae. Ed. Ignatius Brady (Grottaferrata, 1971, 1981) 11, 239-40.

———————-

[1] Linh mục Walter Principe, thuộc dòng thánh Basiliô (1922-1996), nguyên là giáo sư lịch sử thần học tại Pontifical Institute of Medieval Studies ở Toronto. Đây là bài thuyết trình tại Aquinas Institute of Theology ở St Louis (Missouri) ngày 12/3/1992, và được đăng trên tạp chí Spirituality Today (vol. 44, Summer 1992, p. 110-131) với tựa đề “Aquinas ‘Spirituality for Christ’s Faithful Living in the World”. Tu sĩ Đa Minh Martin Nguyễn Ngọc Huy chuyển dịch.

[2] Các thuật ngữ “Christideles laici” (Các Kitô hữu giáo dân) được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sử dụng trong tông huấn hậu thượng hội đồng Christifideles Laici (30/12/1988) muốn nêu bật vai trò tích cực của các giáo dân, thay thế quan niệm thông thường về “giáo dân” (laici) được hiểu cách tiêu cực như là những người không phải là giáo sĩ hay tu sĩ..

[3] Việc chuyển dịch từ sarx là “khuynh hướng tự nhiên” cũng không hoàn toàn thỏa đáng vì nó tạo ra một ấn tượng rằng tự nhiên và những khuynh hướng tự nhiên thì đối lập với Thần Khí hay với Thiên Chúa. Theo tôi, tôi thích dịch thành “xu hướng rối loạn” (disorderly inclination). Bản Jerusalem Bible, đã dịch từ “sarx” là “phi tâm linh” (unspiritual). Mặc dù ý nghĩa của nó cũng mơ hồ, nhưng nó vẫn phù hợp hơn là “xu hướng tự nhiên”. [Nhóm Các Giờ Kinh Phụng vụ dịch là “tính xác thịt”; cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “hứng theo xác thịt”]

[4] Adversus haereses 4.20.7; eds. Adelin Rousseau et al., Irénée de Lyon: Contre Les hérésies 4/2: Texte et traduction, Sources Chrétiennes, 100 (Paris: Cerf, 1965), 649: “Gloria enim Dei vivens homo.” Tuy nhiên, thánh Irênê còn thêm một vế thường bị quên lãng đó là: “vita autem hominis visio Dei”, nghĩa là chúng ta được sống trọn vẹn nhất khi mà chúng ta được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Ông tiếp tục nói rằng: Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa là sự bày tỏ hoàn hảo nhất về Chúa Cha. Người ban sự sống trọn vẹn nhất cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa qua sự tỏ bày của Lời.

[5] Cần lưu ý đến câu nói “vì cứu cánh mang cho chúng ta những lý do và ý niệm nhờ đó mà chúng ta có thể đánh giá hoạt động của con người được điều chỉnh như thế nào hướng tới cứu cánh ấy”. Điều này cho thấy quan điểm của thánh Tôma “dựa trên bản chất”, tức là tìm kiếm những phán đoán luân lý – tâm linh bằng cách xem xét bản chất của sự vật và mục đích của chúng cũng như mục đích của các hành động. Sau này, thuyết Duy danh hoặc Duy khái niệm đã phá huỷ tính chất nội tại và buộc phải hướng đến ý chí của nhà lập pháp, hướng đến luật pháp, vì vậy họ coi nghĩa vụ là cơ sở của các phán đoán luân lý, với sự phát triển tiếp theo của phương pháp giải nố như một công cụ hàng đầu cho việc phán đoán đó.

[6] Về vấn đề này, và những điều tiếp theo sau, xc. ST I-II. 14: “Về việc bàn luận” (consilium) trước khi “lựa chọn”. Đối với thánh Tôma, việc bàn luận này được thực hiện bởi chính tác nhân hành động, qua việc truy tầm và suy xét điều cần thực hiện. Thánh Tôma chỉ nói thoáng qua sự hữu ích của việc tham khảo ý kiến của người khác trên đà dẫn đến quyết định của mình.

[7] Xc. II-II. 19.3-4, và những nhận xét của T.-H. Deman ở “Renseignements techniques”, Saint Thomas d’aquin: Somme théologique: La prudence, 2nd ed. (Paris, 1949), 496-506.

[8] Bàn về đức Khôn ngoan của Tôma, xc. 2-2.47-56: q. 52. Ở đây thánh nhân nghiên cứu về ơn chỉ giáo (consilium) của Chúa Thánh Thần. Xem giải thích đầy đủ trong Deman, được trích dẫn trên đây.

[9] Đây là một tóm tắt của những mục quan trọng trong ST II-II. 1 & 2.

[10] Xc.  Faith, History, and Cultures: Stability and Change in Church Teachings, The Père Marquette Lecture, 1991 (Milwaukee: The Marquette University Press, 1991), and “Changing Church Teachings,” Grail: An Ecumenical Journal 6 (September, 1990), 13-40.

[11]  Việc châm chế (quodammodo: một cách nào đó) được Tôma được đưa vào trong sự so sánh này để đánh dấu sự khác biệt giữa nguyên nhân đến từ Thiên Chúa và việc bảo tồn của hữu thể (esse, actus essendi), trong đó không có những nguyên nhân công cụ, và nguyên nhân ân sủng, trong đó nhân tính của Đức Kitô có thể giữ vai trò nguyên nhân công cụ. Bởi điều mà tôi muốn nói là “sự phục bái tâm trí” trước mầu nhiệm khi Tôma áp dụng các thuật ngữ loại suy cho Thiên Chúa. Tôma đang cảnh tỉnh người đọc về các giới hạn của sự so sánh này ngay cả trong khi người đang nêu ra một điểm quan trọng về nguyên nhân và sự hiện diện của Đức Kitô trong trật tự ân sủng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here