Phan Tấn Thành
————————
Nhập đề
I. Những tiền đề
A. Linh đạo là gì? Spiritualitas gốc bởi spiritualis và spiritus
1. Spiritus theo nghĩa thông thường
2. Spiritus theo nghĩa thần học
B. Linh đạo Kitô giáo là gì?
1. Những yếu tố cốt yếu
2. Duy nhất và đa dạng
II. Linh đạo Thánh mẫu
A. Linh đạo của Đức Maria (Mary’s spirituality)
– Thánh mẫu học “từ trên đi xuống” và “từ dưới đi lên”
– Những lối tiếp cận cách thức Đức Maria đáp trả ơn gọi của Chúa
B. Linh đạo với Đức Maria (Marian spirituality)
1. Linh đạo noi theo Đức Maria
2. Từ linh đạo theo gương Đức Mẹ đến linh đạo với Đức Mẹ
Kết luận
————————
Nhập đề
Các Dòng nữ tu được thành lập ở Việt Nam, ngoài các Dòng Mến Thánh Giá và Đa Minh, đều mang một tước hiệu kính Đức Mẹ Maria:
– Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế (8-9-1920).
– Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế (được quy tụ ngày 20-7-1924, được thiết lập ngày 20-11-1937 với danh hiệu MTG Kim Hai; và được đổi tên Con Đức Bà đi viếng từ 15-5-1967).
– Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu (8-9-1946).
– Dòng Ảnh phép lạ Kontum (6-4-1947)
– Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang (19-9-1961).
– Dòng Nữ Vương Hoà Bình Banmethuot (1-1-1959 tại Kontum, từ năm 1966 chuyển về BMT).
– Dòng Con Đức Mẹ Nam Vang (1942), tiền thân của Dòng Con Đức Mẹ Phú Cường (2016).
– Dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương Bùi Môn (1966).
Gần đây, có thêm Dòng “Đức Mẹ Hiệp nhất” ở Bắc Ninh (2021, tuy nguồn gốc đã có từ năm 1963)[1].
Khi được một vài Dòng mời viết vài hàng về “linh đạo”, trong đầu tôi liền nảy ra một thắc mắc: có mấy linh đạo Đức Mẹ? Có lần tôi nói đùa với hai dòng ở Huế: phải chăng linh đạo “Vô nhiễm” thì khác với linh đạo “Đi viếng”, hay cả hai cũng chỉ là một? (Đức Mẹ Vô nhiễm khác với Đức Mẹ đi viếng ở chỗ nào?)
Để làm sáng tỏ vấn đề, thiết tưởng cần phải tìm về nguồn gốc: lịch sử của từ ngữ cũng như nền tảng thần học của “linh đạo Thánh Mẫu”. Những câu hỏi được nêu lên như sau:
1/ Trước hết, về từ ngữ “Linh đạo”. Linh đạo có nghĩa là gì? Phải hiểu linh đạo như thế nào?
2/ Chúng ta đang bàn về các Dòng tu Kitô giáo (khác với các tôn giáo khác, chẳng hạn như Phật giáo). Vì thế, câu hỏi thứ hai được đặt ra là: linh đạo Kitô giáo là gì? Có một hay có nhiều linh đạo Kitô giáo?
3/ Hai câu hỏi trên đây được dùng làm tiền đề cho đối tượng chính của bài nghiên cứu về “Linh đạo Thánh Mẫu”. Như sẽ thấy, thuật ngữ này được phổ biến từ những thập niên 80 của thế kỷ XX, và bao hàm hai khía cạnh khác nhau: một đàng là linh đạo của Đức Mẹ Maria; đàng khác là linh đạo với Đức Mẹ Maria (hoặc theo gương Mẹ).
Chúng tôi xin chia bài này làm hai phần chính. Phần thứ nhất được coi như tiền đề, nhằm tìm hiểu hai câu hỏi: Linh đạo là gì? Linh đạo Kitô giáo là gì? Phần thứ hai, “Linh đạo Thánh Mẫu” cũng gồm hai khía cạnh: Linh đạo của Đức Maria; Linh đạo với Đức Maria.
I. Những tiền đề
Hai câu hỏi chính được nêu lên: Linh đạo là gì? Linh đạo Kitô giáo là gì?
A. Linh đạo là gì?
Ở Việt Nam, có lẽ từ ngữ “linh đạo” được cha An-sơn Vũ Hữu Vị (lúc ấy thuộc dòng Biển Đức Thiên An) sử dụng vào khoảng thập niên 60 (của thế kỷ XX) khi chuyển dịch cuốn sách “linh ân” Chúa Thánh Thần (của cha Ambroise Gardeil OP). “Linh đạo” được dùng để chuyển dịch từ spiritualité (tiếng Pháp, hoặc spirituality tiếng Anh, tất cả đều cùng gốc tiếng Latinh spiritualitas). Trước đó, từ ngữ tương đương quen thuộc là “con đường thiêng liêng”. Vì thế muốn hiểu linh đạo là gì thì phải truy về nguồn gốc của từ spiritualitas. Thực ra, danh từ này có rất nhiều nghĩa; chúng ta sẽ đi từ nghĩa chung đến nghĩa chuyên môn của thần học công giáo.
1) Nghĩa chung
a/ Theo cấu trúc từ ngữ, spiritualitas là một danh từ trừu tượng, có nghĩa là “tính chất spiritualis” (cũng như humanitas là tính chất humanus, divinitas là tính chất divinus, unitas: là tính chất unus). Tiến thêm một bước nữa, spiritualis là một thuộc từ gốc bởi danh từ spiritus (cũng như humanus là cái gì thuộc về homo). Vì thế muốn hiểu biết spiritualitas, cần phải tìm hiểu ý nghĩa của các từ ngữ spiritualis và spiritus.
b/ Spiritus là gì? Có thể hiểu theo ba nghĩa:
i- Spiritus là cái gì vô hình (thường dịch là “thiêng liêng”), đối lại với vật chất (materia). Thí dụ: linh hồn, đối lại với thân xác. Đừng quên rằng ma quỷ cũng là spiritus.
ii- Spiritus ám chỉ chiều kích cao thượng nơi con người, thường được dịch là “tinh thần” (thí dụ: tinh thần yêu nước, tinh thần phục vụ, tin thần cầu tiến). Cách riêng, “vita spiritualis” vừa có thể hiểu về đời sống trí thức (học hành) vừa có thể hiểu về đời sống tu đức. Trong bối cảnh này người ta đối chọi giữa “exercice spirituel” (luyện tập tinh thần, linh thao) với “exercice physique” (luyện tập thể chất, thể thao, thể dục).
iii- Spiritus ám chỉ đấng thiêng liêng (thần linh). Vie spirituelle “đời sống tôn giáo” (kinh nguyện, cúng bái) hoặc “đời sống tâm linh”, một khuynh hướng đi tìm kiếm Thiên Chúa được a gặp thấy nơi nhiều tôn giáo.
2) Thần học Công giáo
Hai từ spiritus và spiritualitas mang thêm nhiều nghĩa mới.
a/ Spiritus
Spiritus (La-tinh) tương đương với ruah (Hip-ri) và pneuma (Hy-lạp). Trong Kinh thánh, cách riêng nơi thánh Phaolô, từ này được hiểu rất nhiều nghĩa:
i- Gió, tức là một hiện tượng thiên nhiên (x. Ga 3,7).
ii- Nơi con người: pneuma ám chỉ “phần thượng” (đối lại với sarx, chẳng hạn khi thánh Phaolô đối chọi giữa spiritus / caro ở Gl 4,29; Rm 8,4-9.13), thường được chuyển dịch là “thần khí, thần khí”.
iii- Đặc biệt, Spiritus được hiểu về một ngôi vị Thiên Chúa, tức là Thánh Linh, Thần khí Chúa. Do đó, spiritual life được hiểu là; đời sống trong Thần khí, sống theo thần khí. Đây là nghĩa được chú ý cách riêng trong bài này.
b/ Spiritualité
Thuật ngữ này mới được lưu hành bên Pháp từ vài thế kỷ, lúc đầu viết là espiritualité[2] và từ đó chuyển dịch sang các ngôn ngữ khác (espiritualidad tiếng Tây-ban-nha, spirituality tiếng Anh, spiritualità tiếng Ý). Trong văn chương thần học, từ ngữ này chỉ mới trở thành thông dụng từ giữa thế kỷ XX. Thực vậy, trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, thuật ngữ vita spiritualis xuất hiện rất nhiều lần, nhưng spiritualitas chỉ được dùng 2 lần (PC 6, AG 29). Phải chờ đến những văn kiện gần đây chúng ta mới thấy định nghĩa của từ này, chẳng hạn như trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992), ở số 2684, chúng ta đọc thấy như sau:
Trong mầu nhiệm hiệp thông các thánh, đã có nhiều đường hướng linh đạo (spiritualities) phát sinh suốt dòng lịch sử Hội thánh. Đặc sủng cá nhân của vài chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người có thể được truyền lại, tựa như “thần khí” (spirit) của ông Elia được truyền lại cho ông Elisê và cho ông Gioan Tẩy giả, để các môn đệ có thể tham dự vào thần khí ấy. Một linh đạo đặc thù (distinct spirituality) cũng có thể nảy sinh từ sự kết tinh của những trào lưu phụng vụ và thần học, và làm chứng cho sự hội nhập đức tin vào một môi trường nhân văn trong lịch sử. Những trường phái linh đạo khác nhau của Kitô giáo chia sẻ vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện và là những hướng dẫn cần thiết cho các tín hữu. Các trường phái đa dạng này đều tỏa chiếu ánh sáng tinh tuyền và duy nhất của Thánh Linh[3].
Dựa theo đoạn văn này, chúng ta có thể phân biệt hai khía cạnh khi đề cập đến spirituality: a) khía cạnh sống: cảm nghiệm về Thánh Linh; b) khía cạnh học thuyết: đạo lý về đời sống tâm linh (spiritual life). Chúng ta hãy lấy một thí dụ. Khi nói đến “spirituality of Saint Paul”, ta có thể hiểu về hai khía cạnh: a/ kinh nghiệm sống của thánh Phaolô (hoán cải, sứ vụ, kết hợp với Đức Kitô); b/ đạo lý của thánh Tông đồ về đời sống tâm linh (những giáo huấn có thể đọc thấy trong các thư của ngài, hoặc những nghiên cứu của các học giả về giáo huấn ấy). Khỏi nói ai cũng biết, có rất nhiều lối trình bày về cả hai khía cạnh, tuy theo điểm nhấn của mỗi học giả (chẳng hạn chú ý đến một nhân đức nào cụ thể – thí dụ đức tin; hoặc một lãnh vực đời sống – thí dụ truyền giáo). Chúng ta nên ghi nhận hai khía cạnh này khi bàn đến linh đạo Đức Maria (linh đạo của Đức Maria, hay là linh đạo theo gương Đức Maria). Tuy nhiên, chúng ta cần dừng lại thêm một chút ở tiền đề thứ hai, đó là tìm hiểu “Christian spirituality”.
B. Linh đạo Kitô giáo
Một điều không thể phủ nhận là trong Kitô giáo có rất nhiều “linh đạo”, hoặc “trường phái linh đạo”, đặc biệt là nơi các dòng tu, và không thiếu những cuộc tranh luận đã nổi lên chung quanh căn cước của chúng. Tuy nhiên, khi chủ trương sự đa dạng của các linh đạo, chúng ta dễ quên rằng tất cả đều có một mẫu số chung, nhất là khi đối chiếu với các tôn giáo khác. Như đã nói trên đây, mỗi tôn giáo có thể coi như một “con đường” (đạo) hướng con người đến Thiên Chúa (Thượng đế, Đấng Thiêng liêng, Thực tại tuyệt đối). Từ đó, một câu hỏi được đặt ra là: cái gì làm nên căn tính của linh đạo Kitô giáo (Christian spirituality)? Kitô giáo có một hay nhiều linh đạo?
Xin trả lời như thế này: Kitô giáo vừa có một vừa có nhiều linh đạo, tùy theo cách nhìn: một, nếu xét về những yếu tố căn bản; nhiều, nếu xét về những hướng tiếp cận.
1/ Những yếu tố căn bản của đời sống tâm linh Kitô giáo
Khi đối chiếu với các tôn giáo khác, ta có thể vạch ra ba yếu tố sau đây làm nên cốt cách của đời sống tâm linh Kitô giáo:
a) Đó là đời sống theo Thánh Linh, Đấng ngự trong chúng ta như trong đền thờ (1Cr 3,16-17; 6,19; 2Cr 6,16); Đấng đổ xuống tâm hồn chúng ta tình yêu Thiên Chúa (Rm 5,5; Gl 5,22), Đấng thánh hóa chúng ta (Rm 8,4-13; 1Cr 6,11; Gl 5,16-25; 2Tx 2,13); biến đổi chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (2Cr 3,18; Gl 2,20). Đó là đi theo Thánh Linh (Rm 8,4; Gl 5,25; 6,7-8).
b) Đó là đời sống trong Đức Kitô (Pl 1,21). Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên thân thể của Đức Kitô (Ep 1,22-23). Người muốn cho chúng ta nên một với Người (Ga 17,21-23; 15,1-6). Đó là đời sống vì Đức Kitô, với Đức Kitô, trong Đức Kitô và cho Đức Kitô. Đó là chia sẻ những tâm tình của Người (Pl 2,5; Mt 11,29; Ep 4,20-24). Đó là gắn bó với Đức Kitô, hầu trở nên một tinh thần với Người (1Cr 6,17; Rm 8,9), cùng chết với Người ngõ hầu cùng được trỗi dậy với Người.
c) Đó là đời sống xứng với phẩm giá là con của Cha trên trời. Nhờ bí tích thánh tẩy chúng ta nhận được ơn thánh để trở nên con cái của Thiên Chúa, cũng như nhận được các nhân đức thiên phú và hồng ân Thánh Linh ngõ hầu có khả năng sống đời con thảo, yêu mến Thiên Chúa hết lòng, tuân theo ý Chúa trong hết mọi sự, và phục vụ kế hoạch cứu độ của Ngài.
Tóm lại, chúng ta đã được gọi là con Thiên Chúa, bằng cách trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và ngoan ngoãn để Thánh Linh hướng dẫn. Đó là lý tưởng của đời sống Kitô hữu.
2/ Những hướng tiếp cận trải qua lịch sử
Tuy chỉ có một con đường nên thánh của Kitô giáo, xét về tận điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi và xét về phương tiện là thương yêu, nhưng những cách thức diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa và thực thi bác ái thì có nhiều. Nói khác đi, đời sống Kitô hữu (vita christiana) hay đời sống tâm linh (vita spiritualis) thì có một, nhưng linh đạo (spiritualitas) thì có nhiều. Thần học và lịch sử các linh đạo đã dùng những tiêu chuẩn khác nhau để nghiên cứu các linh đạo ấy:
– Tiêu chuẩn lịch sử: theo từng thời kỳ trong lịch sử Giáo hội, tỉ như linh đạo thời Giáo hội sơ khai, thời giáo phụ, thời trung cổ, thời cận đại, vân vân.
– Tiêu chuẩn địa lý, theo từng dân tộc hay từng vùng: linh đạo Đông phương hay Tây phương; của Ý, Pháp, Tây-ban-nha, Đức, vân vân.
– Tiêu chuẩn đạo lý, chú trọng về một chân lý nào riêng biệt, tỉ như linh đạo Ba Ngôi, Đức Kitô, Chúa Thánh Thần, Đức Maria, vân vân.
– Tiêu chuẩn tu đức thực hành, đề cao một nhân đức nào hay một phương thế nào đó, tỉ như đức ái, khiêm nhường, khó nghèo, hoặc phụng vụ bí tích, vân vân.
– Tiêu chuẩn tâm lý, nhấn mạnh vào một quan năng nào của đời sống tâm linh con người, tỉ như: lý trí, suy luận, chiêm ngắm, tình cảm, hành động, vân vân.
– Tiêu chuẩn học thuyết, tức là những hệ thống học lý tổng hợp những yếu tố vừa nói, từ đó phát sinh những trường phái linh đạo khác nhau (schools of spirituality), nổi tiếng hơn cả là trường phái của các Dòng tu lớn trong Giáo hội: linh đạo Biển đức, Đaminh, Phanxicô, Carmêlô, Inhaxiô, Salêsianô, vân vân.
– Tiêu chuẩn hoàn cảnh sống: linh đạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, hôn nhân, vv.
Trên đây là những tiêu chuẩn xếp loại các thứ linh đạo xét về cách tiếp cận về phía con người, nhưng quan trọng hơn nữa, cần phải nói đến tác động thiên hình vạn trạng của Thánh Linh trong đời sống Hội thánh quen gọi là các đặc sủng (charisma).
II. Linh đạo Thánh mẫu
Những tiền đề trên đây giúp chúng ta đặt vấn đề “Linh đạo Thánh mẫu” cho đúng chỗ. Trong tiếng Việt, chúng ta có thể gọi là “linh đạo Thánh Mẫu”, hoặc “linh đạo Đức Maria” khi dịch spiritualitas mariana (tiếng Latinh; tiếng Anh: marian spirituality; tiếng Pháp: spiritualité mariale). Xét theo lịch sử, thuật ngữ “linh đạo Đức Maria” trở thành phổ thông kể từ thông điệp Ređemptoris Mater của ĐTC Gioan Phaolo II (ngày 25-3-1987), số 48. Trước đây, người ta thường sử dụng các từ ngữ tựa như: “Lòng tôn sùng Đức Maria”, “Các việc đạo đức kính Đức Mẹ”, mặc dù các thuật ngữ này không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau.
Dù sao, khi bàn về linh đạo Thánh mẫu, cần phân biệt hai khía cạnh: một bên là “đời sống tâm linh của Đức Mẹ Maria” (Mary’s spirituality); một bên là “đời sống tâm linh theo gương Đức Mẹ” (Marian spirituality). Mỗi khía cạnh có thể bao hàm nhiều lối tiếp cận khác nhau.
A. Linh đạo của Đức Maria
Như đã nói trên đây, đối với Kitô giáo, linh đạo (hoặc đời sống tâm linh) cần được đặt trong tương quan với Thánh Linh. Vì thế, khi đề cập đến linh đạo Thánh Mẫu, tiên vàn cần phải nghĩ đến đời sống tâm linh của chính Đức Maria, nghĩa là mối tương quan của Đức Maria với Thiên Chúa. Khía cạnh này có thể được phân tích từ hai chiều: từ phía Thiên Chúa hay từ phía Đức Maria, được cha Jesús Castellano đặt tên là Thánh mẫu học “từ trên đi xuống” (descending) hoặc “từ dưới đi lên” (ascending Mariology)[4]. Nhìn từ phía Thiên Chúa, chúng ta có thể suy gẫm về ơn tiền định và sứ mạng mà Ngài đã dành cho Mẹ. Nhìn từ phía Đức Maria, chúng ta có thể bàn đến những cách thức Người đã đáp lại ân huệ của Thiên Chúa.
Các nhà thần học dùng những lối tiếp cận khác nhau để diễn tả việc đáp trả này.
– Nếu Tân ước đã sử dụng hình ảnh người Tôi Trung của Giavê (x. Is 42; 49; 50; 53) để diễn tả sứ mạng của Đức Kitô, thì thiết tưởng không khó gì để áp dụng hình ảnh này cho Đức Maria, người tự xưng là “nữ tì của Thiên Chúa” (Lc 1,38), đi theo con đường phục vụ giống như Đức Kitô (x. Pl 2,7). Đức Maria tự nguyện phục vụ Lời Chúa: đón nhận, nghiền ngẫm và công bố Lời (x. Lc 1,28-55; 2,1-20)[5]. Mẹ trở nên “môn sinh” của Chúa, chăm chú lắng nghe và tuân giữ Lời Người (Mc 3,35; Lc 11,27-28). Trong thông điệp Redemptoris Mater, ĐTC Gioan Phaolô II ghi nhận rằng tuy Tân ước không kể Đức Maria vào hàng các “môn đệ” của Chúa Giêsu, nhưng Mẹ đã hội đủ những điều kiện của những người được kêu gọi từ bỏ tất cả để đi theo Chúa, thậm chí Mẹ là người đầu tiên đã đáp lại ơn gọi ấy.
– Có lúc Tân ước mô tả Đức Maria như mẫu gương của đức tin: Mẹ được chúc phúc vì đã tin (Lc 1,42.45); một đức tin kiên vững giữa nhiều thử thách, điển hình như ở Cana và Calvariô (Ga 2,5; 19,25-28a). Công đồng Vaticanô II nói rằng kể từ lúc Truyền tin, Đức Maria đã khởi đầu một cuộc “lữ hành đức tin” cho đến núi Calvariô, Phục sinh và Ngũ tuần (Lumen gentium, số 58). Đề tài này được ĐTC Gioan Phaolô II khai triển trong thông điệp Redemptoris mater số 12-19. Thiết tưởng cũng không nên bỏ qua những suy tư của ĐTC Bênêđictô XVI về “người phụ nữ hy vọng” trong thông điệp Spe salvi (30-11-2007), số 49-50.
– Không thiếu những nhà chú giải áp dụng cho Đức Maria tư tưởng “người nghèo của Giavê” (xc. các thánh vịnh 9; 10; 11; 112; 14; 15; 20; 22; 26; 34; 37; 69; 74; 76; 86; 113; 149), được phản ánh qua thánh ca Magnificat: Mẹ đặt mình vào hàng ngũ những người hèn mọn (Lc 9,48; Mt 11,25), hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, Đấng trung tín với lời hứa cứu độ nhân loại nói chung, và tỏ lòng ưu ái đặc biệt với những thành phần yếu ớt, khiêm tốn, đơn sơ.
– Sau cùng, chúng ta cũng có thể coi Đức Maria như là người phụ nữ của Thần khí (Lc 1,35), được Thần khí phủ rợp bóng (Lc 1,28.30) khi thực hiện cuộc Nhập thể của Chúa Giêsu, cũng như đón nhận Thần khí vào lúc khai sinh Giáo hội trong lễ Ngũ tuần (Cv 1,14; 2,4) [6].
Tóm lại, khi nghiên cứu linh đạo Đức Maria, chúng ta thấy có nhiều cách tiếp cận, và nêu bật nhiều nhân đức hoặc thái độ khác nhau của Người, chứ không chỉ giới hạn vào đức trinh khiết.
B. Linh đạo theo gương Đức Maria
Nếu khi nghiên cứu linh đạo của Đức Maria, chúng ta đã thấy nhiều đường hướng tiếp cận, thì không lạ gì trải qua lịch sử, đã có nhiều linh đạo theo gương Đức Maria cũng tựa như các nghệ sĩ đã họa lại các bức tranh của Mẹ để chiêm ngắm và bắt chước. Duy có điều là việc noi gương Đức Maria không chỉ giới hạn vào một lý tưởng trừu tượng để ngắm nhìn, mà còn bao gồm một mối liên lạc với Người (linh đạo với Đức Maria). Nói cách khác, linh đạo Thánh mẫu không chỉ gồm việc thực hành các nhân đức giống như Người nhưng còn kèm theo một vài hình thức tôn kính và cầu nguyện với Người. Tiếc rằng không thiếu lần người ta chỉ dừng lại ở việc cầu khẩn xin ơn, nhưng chẳng quan tâm đến việc khai triển nền tảng thần học của mối tương quan giữa người tín hữu với Đức Mẹ. Linh đạo Thánh mẫu cần dẫn tới việc thiết lập một tương quan với Đức Mẹ trên hành trình tiến tới việc kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi.
1/ Linh đạo noi theo Đức Maria
Lịch sử Giáo hội đã chứng kiến nhiều lối tiếp cận khác nhau khi đề cập đến tương quan giữa các tín hữu với Đức Maria.
– Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, Đức Maria được nhìn trước hết trong mầu nhiệm Nhập thể: hai tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” và “Trinh nữ” nhằm bảo vệ chân lý về Đức Giêsu vừa là người thật (chứ không phải ảo nhân) vừa là Con Thiên Chúa. Dần dần các giáo phụ cũng bàn đến sự hợp tác của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc: Người được coi như “bà Eva mới” cộng tác với Đức Kitô là Ađam mới trong công trình cứu độ. Các nhân đức thường được đề cao là đức tin và vâng phục. Ông Origène không ngại đề cập đến những thử thách đức tin của Đức Maria trong cuộc tử nạn của Con mình.
– Sang thế kỷ IV, chúng ta thấy những bài giảng đề cao Đức Maria như mẫu gương cho các tín hữu, cách riêng đức trinh khiết cho các trinh nữ. Từ sau công đồng Ephêsô, phụng vụ ghi nhận những lễ kính Đức Mẹ gắn liền với mầu nhiệm Nhập thể (lễ Truyền tin, lễ Giáng sinh, lễ Dâng con trong đền thờ); kế đó là những lễ đề cao Đức Maria dưới những tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, và chú trọng vào bản thân của Mẹ (lễ bà thánh Anna thụ thai, lễ sinh nhật Đức Mẹ, lễ Đức Mẹ an giấc).
– Vào cuối thời giáo phụ và sang thời Trung cổ, nảy ra những kinh nguyện hướng về Đức Mẹ, xin Đức Mẹ chuyển cầu. Nhiều giám mục và giảng thuyết ca ngợi Đức Maria (điển hình là thánh Bênađô) với nhiều tước hiệu. Các nhà thần học chú ý đến sự thánh thiện của Người (vô nhiễm nguyên tội).
– Sang thế kỷ XII-XIII, nhiều dòng tu mới được thiết lập và họ thường cổ võ một hình thức tôn kính đặc biệt dành cho Đức Mẹ: Dòng Xitô, Dòng Prémontrés, Dòng Augustinô, Dòng Đaminh, Dòng Phanxicô, Dòng Cát-minh, Dòng Tôi tớ Đức Bà,vv. Khuynh hướng này kéo dài vào thời cận đại, chẳng hạn như Dòng Tên, Dòng Vinh-sơn, Dòng Chúa Cứu thế. Nói chung, các dòng khai triển một khía cạnh của “tình mẹ thiêng liêng của Dức Maria” đối với dòng, kèm theo một vài hình thức tôn kính đặc biệt (áo Đức Bà, tràng hạt Mân côi, suy gẫm bảy sự đau khổ của Đức Mẹ, vv). Có điều là vào buổi đầu, các việc tôn kính này diễn tả một tâm tình đặc biệt đối với Mẹ dựa theo một suy tư thần học; đến khi truyền bá các kinh nguyện ấy cho lớp bình dân, thì người ta chỉ dừng lại ở các việc tôn kính (với ước mong xin được ơn lành nào đó), mà bỏ qua nền tảng thần học về vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ.
– Khuynh hướng này còn gia tăng hơn nữa trong thế kỷ XIX-XX, với sự ra đời của nhiều phong trào hiệp hội gắn liền với các dòng tu. Chúng ta cũng không thể bỏ qua việc tôn kính Đức Mẹ tiếp theo những lần tuyên bố các tín điều Vô nhiễm nguyên tội và Mông triệu thăng thiên, cũng như những lần Đức Mẹ hiện ra tại rue du Bac (Paris), La Salette, Lourdes, Fatima, vv., kèm theo những kinh nguyện hoặc việc đạo đức để đáp lại các sứ điệp ấy[7].
2/ Từ linh đạo theo gương Đức Mẹ đến linh đạo với Đức Mẹ
Công đồng Vaticanô II đã dành chương tám của Hiến chế Lumen gentium để đặt nền tảng thần học cho lòng tôn kính Đức Maria, dựa trên vai trò của Người trong tương quan với Đức Kitô và với Hội thánh[8]. Trong các văn kiện sau công đồng, cần nhắc đến tông huấn Marialis cultus của ĐTC Phaolô VI và thông điệp Redemptoris Mater của ĐTC Gioan Phaolô II. Trên phương diện thục hành mục vụ, chúng ta không thể bỏ qua văn kiện “Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng” của Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích (ban hành ngày 17-12-2001)[9]. Dựa theo văn kiện này, người ta có thể phân chia các việc tôn kính Đức Mẹ theo những hình thức như sau:
– Các lễ kinh Đức Mẹ trong lịch phụng vụ;
– Các ngày cổ truyền kính nhớ Đức Mẹ: ngày thứ bảy; các tháng dâng kính Đức Mẹ (tháng 5, tháng 10);
– Các kinh nguyện dựa trên Lời Chúa: Kinh Truyền tin, Kinh Mân Côi, Kinh Akathistos, các Kinh Cầu (Litaniae); đó là chưa kể những buổi học tập Lời Chúa, cử hành Lời Chúa về những chủ đề về Đức Mẹ;[10]
– Việc tôn kính các ảnh tượng, các cuộc rước kiệu, các cuộc hành hương về các đền thánh.
Nói chung, đó là những hình thức giúp người tín hữu có dịp chiêm ngắm cuộc đời Đức Maria và cố gắng bắt chước các nhân đức của Người. Tuy nhiên, không thể nào bỏ qua một hình thức nữa qua đó người tín hữu muốn trao hiến mình cho Mẹ Maria, để nhờ Người dẫn dắt trên đường nên thánh. Lịch sử đã ghi nhận nhiều hình thức “dâng mình” cho Đức Mẹ[11].
a) Lúc đầu, vào khoảng cuối thế kỷ IV, chúng ta đã đọc thấy những bài giảng của các giáo phụ (tựa như Ambrôsiô và Grêgôriô Nisseno) khuyên các trinh nữ hãy nhìn ngắm Đức Maria như mẫu gương của sự tận hiến cho Thiên Chúa. Vào thế kỷ VII, thánh Ilđêphonsô giám mục Toledo bên Tây ban nha (+667) dùng công thức “đầy tớ của nữ tì Thiên Chúa” trong một bản kinh hướng về Mẹ Maria. Theo thánh nhân, Đức Maria là mẫu gương của sự phục vụ Đức Kitô, vì vậy trở nên bà hoàng của những người nữ tì của Chúa. Bởi thế, Ilđêphonsô muốn đến làm đầy tớ của Mẹ, để học hỏi cách thức phục vụ Chúa Kitô. Sự làm đầy tớ Đức Maria hệ tại sự yêu mến, cao rao và vâng phục những mệnh lệnh của bà chủ. Sang thế kỷ VIII, thánh Gioan Đamascênô dùng công thức “dâng hiến tinh thần, linh hồn, thể xác và toàn thân” cho Người. Dù sao, trong thời các giáo phụ, ta có thể nói đựơc rằng việc dâng mình cho Đức Mẹ mang tính cách thiêng liêng, dựa trên ý thức vai trò của Người trong đời sống thiêng liêng, xét vì Người là tấm gương của sự tận hiến cho Chúa.
b) Qua thời Trung cổ, thì hình ảnh thay đổi. Âu châu thời đó sống dưới chế độ vương hầu phong kiến. Nhiều người đến xin làm thần dân của các lãnh chúa để nhờ họ bênh vực bảo vệ. Khuôn mẫu ấy cũng ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo của thời đại nữa. Tỉ dụ như nhiều dòng tu lấy hình thức đó để diễn tả việc khấn dòng, theo nghĩa là đan sĩ tới xin làm thần dân của tu viện, thề sống chết phục vụ cho tu viện, và đối lại mong được tu viện chở che. Ta có thể nhận thấy tâm trạng tương tự trong vấn đề dâng mình cho Đức Mẹ, tuy dưới những dạng khác nhau.
i- Một dạng là “phó thác, gửi gắm” (commendatio, traditio), tựa như cha mẹ ký thác đứa con mình cho người nào đó để nhờ dạy dỗ coi sóc. Dựa theo gương Chúa Giêsu đã ký thác Gioan cho Đức Mẹ coi sóc, một số người cũng chạy đến ký thác mình cho Mẹ nhờ Mẹ chỉ bảo cho biết đường nên lành nên thánh : “ecce tibi me commendo / me ut servum tibi trado”.
ii- Một dạng khác là “xin làm tôi hầu” (servitus). Cũng như các thần dân đến xin làm tôi một lãnh chúa (deditio), nghĩa là thề hứa sẽ hiến thân phục vụ tuyệt đối, trung thành cho đến chết ; và đối lại, mong đựơc hưởng sự che chở của lãnh chúa (tuitio). Một dạng khác nữa là lễ nghi tuyên thệ của các hiệp sĩ hay nghĩa sĩ. Như ta đã biết, thời ấy có những thanh niên được tuyển mộ làm hiệp sĩ phục vụ lãnh chúa, cũng như có những chàng trai si tình muốn dâng cả con tim để đi phò tá các tiểu thư ; một cách tương tự như vậy, có những tín hữu muốn trở thành hiệp sĩ đi phục vụ Đức Maria, trinh nữ kiều diễm, kiệt tác của Thiên Chúa, được tôn là Nữ hoàng, Bà chúa (Domina nostra, Notre Dame, Our Lady).
c) Vào thời cận đại, ta có thể ghi nhận bốn dạng chính về việc dâng mình cho Đức Mẹ như sau.
i- Các hiệp hội Thánh mẫu do các cha Dòng Tên lập từ thế kỷ XVI. Lúc đầu, công thức mà tân hội viên đọc khi gia nhập hội là “oblatio” (dâng mình), muốn thuộc trọn cho Đức Maria, nhìn nhận Người như là “Bà Chúa”, trao phó bản thân cho Người, hết mọi hành vi trong ngoài, hiện tại và tương lai. Vào đầu thế kỷ XX (năm 1910), từ “oblatio” được đổi thành “consecratio” (tận hiến) ; thế nhưng, sau công đồng Vaticanô II, danh từ “consecratio” cũng bị loại, xét vì thần học muốn dành tiếng này cho Thiên Chúa mà thôi. Do đó, thay vì nói “tận hiến” cho Mẹ, thì người ta nói tới “sống tình con thảo với Trinh nữ Maria”, coi Người như mẫu gương của sự hợp tác với sứ mạng của Đức Kitô ; vì thế chúng ta muốn kết hiệp với Người để sống sự dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa.
ii- Dạng thứ hai của thánh Gioan Eudes (thế kỷ XVII), trình bày sự dâng hiến như là “giao ước” (alliance). Khởi điểm từ bí tích rửa tội, nơi mà Thiên Chúa với con người ký kết giao ước, hai bên sẽ trao ban cho nhau (cách riêng con người trao hiến mình cho Thiên Chúa bằng việc khước từ ma quỷ và gắn bó với Đức Kitô) ; thánh Gioan Eudes cũng coi việc dâng mình cho Đức Mẹ như là một giao ước, hay đôi khi còn gọi là hôn ước (nghĩa là khế ước hôn nhân), trong đó con người cũng trao hiến mình cách tương tự như vậy.
iii- Dạng thứ ba của thánh Louis Marie Grignon de Montfort, trình bày trong cuốn sách “Thành thực sùng kính Đức Maria” xuất bản năm 1843. Theo thánh nhân, sự tận hiến trọn hảo phải dành cho Đức Kitô qua những lời cam kết lúc lãnh nhận bí tích rửa tội. Những lời cam kết ấy cần được lặp lại nhiều lần, xét vì thường tình chúng ta dễ quên lãng vì thờ ơ. Sự dâng mình cho Đức Maria là một phương thức để lặp lại các lời cam kết đó : nhờ việc dâng mình cho Mẹ để sống đời tận hiến cho Đức Kitô cách hoàn hảo hơn.
iv- Dạng thứ bốn, của thánh Maximiliano Kolbe. Cha cũng dùng những từ ngữ “tôi tớ, con thảo” trong công thức dâng mình, nhưng đặc biết nhấn mạnh đến tước hiệu Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, cũng như đến chiều kích tông đồ truyền giáo của việc dâng hiến, nghĩa là để cho Mẹ Vô nhiễm khải thắng trên toàn thế giới.
Ngoài bốn dạng kể trên, chắc chắn còn nhiều dạng khác, tỉ như có nơi cổ động việc tận hiến cho Mẫu tâm và nhấn mạnh đến khía cạnh đền tạ, họa theo việc dâng mình cho Trái tim Chúa Giêsu. Thêm vào đó, cũng phải kể đến việc dâng hiến một cộng đồng giáo xứ, giáo phận, quốc gia, thế giới cho Đức Mẹ, được thực hiện nhiều lần do Đức Gioan Phaolô II. Nên lưu ý là ĐTC dùng nhiều từ ngữ khác nhau : “ký thác, gửi gắm, trao phó, đặt trong tay, cam kết, dâng hiến…” (consacrare, affidare, dedicare, raccomandare, mettere nelle mani), thường là dựa trên lời Chúa Giêsu ký thác môn đệ yêu dấu cho Đức Maria.
Ta có thể coi những dạng thức khác nhau trong việc dâng mình cho Đức Maria như là những khuôn mẫu cam kết, tùy theo tâm tình của người sáng khởi. Ngoài ra, thiết tưởng những dạng thức khác biệt cũng phản ánh quan niệm thuộc các thời đại khác nhau về vai trò của Mẹ Maria trong đời sống đạo của các tín hữu. Thường thì các công thức dâng mình đều nói tới “dâng trót mình”, nghĩa là dâng hết tâm tình ước muốn, hành vi, chứ không phải chỉ dâng một phần nào của con người. Thậm chí có những công thức tự đặt mình ngang hàng với nô lệ, tôi đòi, hoàn toàn dưới sự điều động sai khiến của bà chủ. Những tư tưởng ấy chắc không tránh khỏi ảnh hưởng văn hóa và thần học của một thời đại lịch sử. Như trên đã nói, nhiều công thức hiến dâng ra đời vào hồi Trung cổ, lấy khuôn mẫu từ xã hội lãnh chúa phong kiến ở Âu châu. Mặt khác, một số công thức hiến dâng ra đời vào lúc mà ra như tất cả trung tâm của đời sống đạo đức là Đức Maria chứ không phải là Đức Kitô. Đức Kitô xem ra quá cao vời, ngự trên chín tầng mây, và chỉ xuất hiện trong ngày quang lâm như Thẩm phán công thẳng.
Từ công đồng Vaticanô II, thần học đã muốn duyệt lại một số hình ảnh lệch lạc đó ; chính vì vậy, mà như ta đã thấy trên đây, các Hiệp hội Thánh mẫu đã bỏ tiếng “thánh hiến” (consecratio) cho Đức Mẹ, và thay vào đó bằng từ ngữ “tình con thảo” đối với Người. Sự thay đổi từ ngữ và quan niệm dựa trên lý do thần học như sau. Trên nguyên tắc, con người đã được Thiên Chúa ban cho khả năng tự do chọn lựa, quyết định, để theo Ngài hay chống lại Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng cho dù khi con người chống lại Thiên Chúa đi nữa, thì không vì thế mà nó trở thành độc lập, vô chủ. Con người luôn luôn là một thụ tạo, lệ thuộc vào Thiên Chúa. Cách riêng, chúng ta, người tín hữu Kitô, chúng ta đã muốn thuộc về Chúa qua lời cam kết khi chịu phép rửa tội. Chúng ta không còn phải là đồ vô chủ nữa. Chúng ta đã hứa sẽ sống cho Chúa, sống theo mẫu gương của Đức Kitô, sống để phục vụ Chúa. Nói khác đi, chúng ta không còn thuộc về chúng ta hay thuộc về ai khác nữa, nhưng chúng ta đã thuộc trọn về Chúa, đã tận hiến cho Chúa rồi. Chính vì vậy mà công thức “tận hiến cho Mẹ Maria” không được chính xác, bởi vì không những chúng ta đã tận hiến cho Chúa rồi, nhưng còn bởi vì duy có Thiên Chúa, Đấng Chủ tể vạn vật, mới có quyền chiếm hữu tất cả lý trí, ý chí, hành vi, đời sống của chúng ta mà thôi.
Hiểu như vậy, việc dâng mình cho Đức Maria mang một ý nghĩa khác. Việc dâng minh cho Đức Mẹ, theo như thánh Louis M. Grignion de Montfort nói, là dịp để ta nhắc nhớ lại những lời cam kết với Đức Kitô lúc rửa tội. Chúng ta nhìn lên Người như mẫu gương của một tín hữu đã sống trọn vẹn cho Chúa Kitô, hay nói như các giáo phụ, mẫu gương của đời tận hiến cho Thiên Chúa. Mặt khác, dựa vào lời ký thác của Đức Kitô trên thập giá, chúng ta muốn bắt chước thánh Gioan rước Đức Maria về nhà mình, chia sẻ cuộc sống với mình, cách riêng chia sẻ con đường theo chân Chúa Kitô phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Đó là lý do vì sao Đức Gioan Phaolô II thích dùng những từ ngữ “gửi gắm, ký thác, trao phó, tiếp đón” : nó dựa trên đoạn văn Phúc âm thánh Gioan (19,26-27), và nó muốn nói lên tình nghĩa mẹ con thân thiết hơn. Người tín hữu đón rước Đức Maria vào nhà mình, nhìn nhận Người như bà mẹ thiêng liêng, như một người không những là đã sống trọn lý tưởng Phúc âm và đáng cho ta bắt chước mà còn muốn dìu dắt ta tiến trên con đường nên thánh với lòng ân cần âu yếm của tình mẹ. Người tín hữu tín thác nhờ Mẹ dẫn dắt, chia sẻ với Mẹ những vui buồn, thành bại (X. Thông điệp Redemptoris mater số 45).
Kết luận
Để kết luận, xin được rút ra một vài nhận xét như sau:
1. Linh đạo Thánh mẫu không phải là cùng đích của đời sống tâm linh Kitô giáo. Trọng tâm của đời sống Kitô hữu là sống tình con thảo với Chúa Cha, qua Đức Kitô trong sự hợp nhất với Thánh Linh[12].
2. Mặt khác, linh đạo Thánh mẫu không phải là chuyện “nhiệm ý” trong đời sống Kitô hữu, bởi vì Chúa Kitô đã muốn Mẹ Maria hiện diện trong cuộc lữ hành đức tin tiến về nhà Cha, ý định được biểu lộ qua lời ký thác hỗ tương giữa Đức Maria và người môn đệ yêu dấu dưới chân thập giá (Ga 19,26-27). Theo ĐTC Gioan Phaolô II, nếu đời sống Kitô hữu mang chiều kích Chúa Ba Ngôi và Hội thánh, thì cũng có thể nói rằng nó cũng mang “chiều kích Thánh mẫu” nữa (Thông điệp Redemptoris Mater số 45).
3. Ở những điểm căn bản, linh đạo Kitô giáo là một; nhưng trong cách diễn tả thì phải chấp nhận sự đa dạng. Một cách tương tự như vậy, có một “linh đạo Đức Maria” nhưng có thể được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. “Linh đạo theo gương hoặc với Đức Maria” cũng thế: có nhiều hình thức khác nhau trong việc bắt chước hoặc “kết thân”, với Mẹ. Dù sao, linh đạo Thánh mẫu có thể bao gồm các việc đạo đức biểu lộ lòng tôn kính mến yêu Đức Mẹ, nhưng không thể nào chỉ dừng lại ở các hình thức bên ngoài.
Thư mục
AA.Vv., La spiritualità mariana della Chiesa alla luce dell’enciclica «Redemptoris Mater», Roma, Teresianum 1988.
AA.Vv., La spiritualità mariana: legittimità, natura, articolazione, Roma, Facoltà Teologica Marianum, 3-6 novembre 1992.
AA.Vv., Maria en la espiritualidad de la lglesia, Madrid, Coculsa, SME 1972 y “Estudios Marianos’ 36 (1972).
A. Attard, Maria di Nazaret nella storia della spiritualità contemporanea, Teresianum, 62 (2011), 341-363.
J. Esquerda Bifet, Spiritualità mariana della Chiesa. Esposizione sistematica, Centro di Cultura Mariana “Madre della Chiesa”, Roma 1994.
Phan Tấn Thành, Magnificat. Thánh mẫu học, Học viện Đa-minh 2010.
Gò vấp, ngày 8 tháng 5 năm 2023
Lễ kính Đức Mẹ bảo trợ dòng Anh em Giảng thuyết.
Lễ kính Đức Mẹ trung gian các ơn.
Lễ kính Đức Mẹ Pompei (Ý) và Lujan (Argentina).
————————
[1] Chúng tôi chỉ nói đến các dòng nữ, chứ không nói đến dòng nam (chẳng hạn dòng Đồng Công, tức là Mẹ Đấng Cứu chuộc); chúng tôi cũng chỉ giới hạn vào các dòng được thành lập tại Việt Nam, chứ không nói đến các dòng có nguồn gốc “nước ngoài” (chẳng hạn: dòng Cát-Minh, dòng Đức Bà: Congrégation de Notre Dame, dòng Đức Bà Truyền giáo: Notre Dame des missions; dòng Con Đức Mẹ Phù hộ: Figlie di Maria Ausiliatrice).
[2] A. Solignac, Spiritualité: le mot et l’histoire, in: Dictionnaire de Spiritualité, vol.XIV, col.1142-1160; M. Dupuy, Spiritualité: la notion de spiritualité, ibid. col.1160-1173.
[3] In the communion of saints, many and varied spiritualities have been developed throughout the history of the Churches. The personal charism of some witnesses to God’s love for men has been handed on, like ‘the spirit’ of Elijah to Elisha and John the Baptist, so that their followers may have a share in this spirit. A distinct spirituality can also arise at the point of convergence of liturgical and theological currents, bearing witness to the integration of the faith into a particular human environment and its history. The different schools of Christian spirituality share in the living tradition of prayer and are essential guides for the faithful. In their rich diversity they are refractions of the one pure light of the Holy Spirit.
[4] Jesús Castellano Cervera, O.C.D. “La espiritualidad mariana: Una perspectiva actual” in: B. Coccia ed. In Communion with Mary: Our Heritage and Prospects for the Future. Sassone Seminar, June 2001. (Rome: Edizioni Carmelitane, 2003), p.77.
[5] Mối tương quan giữa Đức Maria và Lời Chúa được ĐTC Bênêđictô XVI trình bày trong tông huấn Verbum Domini (ngày 30-9-2024), ở các số 27-28; 88.
[6] Về mối tương quan giữa Đức Maria với Thánh Linh, xc Phan Tấn Thành, Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu (Đời sống tâm linh tập XV), trang 300-319 “Đức Maria với Thánh Linh”.
[7] Phan Tấn Thành, Magnificat. Thánh mẫu học. Học viện Đa-minh 2010, trang 214-284: “Lòng tôn kính Đức Maria trong Hội thánh”.
[8] Tựa đề chương VIII là “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong mầu nhiệm của Đức Kitô và của Hội thánh” (từ các số 52 cho đến 69).
[9] Xc. Bài viết của Corrado Maggioni, Lòng đạo đức kính Đức Mẹ trong bối cảnh của lòng đạo đức bình dân. Thời sự thần học số 64 (tháng 5/2014) trang 104-139.
[10] Xem thêm ĐTC Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 88: “Lời Thiên Chúa và việc cầu nguyện với Đức Mẹ”.
[11] Stefano De Fiores, “Consacrazione”, Nuovo Dizionario di Mariologia, Paoline, Cinisello Balsamo Milano 1986, p.394-417.
[12] Văn kiện “Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ” (số 186) nhắc lại những tiêu chuẩn căn bản của phụng tự Kitô giáo như sau:
“Các việc đạo đức kính Đức Maria phải bao hàm những đặc điểm sau đây, tuy chúng có thể thay đổi tuỳ theo từng việc sùng kính:
Chúng diễn đạt đặc tính Chúa Ba ngôi, là điểm phân biệt sự phụng tự Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, mà Tân ước mặc khải; cũng như diễn đạt đặc tính Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất và thiết yếu; cũng như chiều kích Thánh Linh, bởi vì mọi hình thức sùng kính đích thực đều phát xuất từ Thánh Linh và được hoàn thành trong Thánh Linh; cuối cùng chiều kích Hội thánh, bởi vì những người đã lãnh bí tích rửa tội làm thành dân thánh của Chúa thì họp nhau cầu nguyện nhân danh Đức Kitô (x. Mt 18,20) và hợp nhất với nhau trong sự hịêp thông các thánh.
Chúng luôn luôn quy chiếu về Kinh thánh, được dẫn giải trong khuôn khổ Thánh Truyền; hoàn toàn đúng theo đức tin nguyên tuyền của Hội thánh, tôn trọng những yêu sách của phong trào đại kết; chúng chú ý cân nhắc những phương diện nhân học của các biểu tượng phụng tự sao cho những biểu tượng này phản ánh một quan nịêm đúng đắn về con người và phù hợp với những yêu sách của nó; chúng làm sáng tỏ chiều kích cánh chung vốn là cốt yếu của sứ điệp Tin mừng; cuối cùng chúng minh họa tính cách truyền giáo và nghĩa vụ chứng tá thuộc các môn đệ của Chúa”.