——————
Linh đạo Sa-lê-diêng
Mẹ Yvonne Reungoat, FMA, Bề trên Tổng quyền
Tôi rất vui lòng nhận lời mời chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn về sự phân định cộng đoàn và tính đồng nghị trong linh đạo Sa-lê-diêng. Tôi phải ngay lập tức xác định rằng, trong các nguồn cội của chúng tôi, các Vị sáng lập không để lại cho chúng tôi một khảo cứu lý thuyết và hệ thống nào, nhưng đúng hơn, các vị để lại một kinh nghiệm sống, một phương pháp thực hành bắt nguồn từ món quà đoàn sủng của chúng tôi, đó là tình yêu ưu tiên dành cho những người nhỏ bé, tức là những người nghèo, đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ.
Được Thánh Linh thúc đẩy, và với sự can thiệp trực tiếp của Đức Maria Phù hộ các Kitô hữu, thánh Gioan Bosco và thánh nữ Maria D. Mazzarello đã giúp cho giới trẻ dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành; Người là Đấng biết chúng ta, Đấng gọi tên chúng ta, Đấng ban sự sống dồi dào.
Chúng tôi sống đoàn sủng này trong cộng đoàn và với tư cách là một cộng đoàn được sinh động bởi tinh thần gia đình (the spirit of family). Trong đó, chúng tôi tìm thấy không gian để cầu nguyện, suy nghĩ, lập kế hoạch, làm việc và cử hành cùng nhau, đánh giá và hợp nhất những đóng góp của các thế hệ khác nhau. Phong cách tương quan của chúng tôi được truyền cảm hứng từ quan niệm nhân bản Kitô giáo của thánh Phanxicô de Sales, một phong cách mà các Vị sáng lập của chúng tôi đã cố gắng gầy dựng trong một cách thức sống động và cũng là phong cách mà, từ thế hệ này sang thế hệ khác, được phong phú hơn nhờ việc chúng tôi lắng nghe những thách đố mới về giáo dục, cũng như bằng cách chúng tôi cùng nhau bước đi với Giáo hội. Trong một mạng lưới với nhiều nữ giáo dân và nữ tu, chúng tôi tìm cách để làm chứng cho một phong trào nữ quyền mới được gợi hứng từ Tin mừng trong xã hội ngày nay (x. Evangelium Vitae 99) và để giáo dục nữ giới biết xây dựng một nền văn hóa của sự sống, gặp gỡ, và hỗ tương, trong sự hợp tác với nam giới.
Biến cố Công đồng Vaticanô II với những suy tư phong phú về phẩm giá và ơn gọi của con người trong kế hoạch của Thiên Chúa, và về giáo hội học của sự hiệp thông, cũng đã thúc giục Dòng chúng tôi suy nghĩ sâu sắc hơn về tính toàn cầu và sự phức tạp của hoạt động giáo dục, vốn luôn là một sự kiện có tính “đồng ca” đòi hỏi sự hiệp lực, sự phối hợp và tính đồng nghị.
Dưới ánh sáng này trong những năm gần đây, một phương thức hoạt động và quản trị mới mà chúng tôi gọi là sự phối hợp để hiệp thông, đã phát triển chín muồi trong Dòng. Điều này có được là nhờ quá trình suy tư, trao đổi lâu dài và kiên nhẫn, đặc biệt là trong các Tổng Tu nghị sau Công đồng Vaticanô II, và giờ đây được định hình trong Kế hoạch Đào tạo của Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu: “Sự hợp tác, về cơ bản là một hành động nhằm ‘cùng nhau tìm kiếm’, tạo điều kiện cho sự thống nhất cá nhân và sự quy tụ cộng đoàn được trở nên dễ dàng, yêu cầu và ủng hộ một tâm thức có kế hoạch vốn đòi hỏi phải có hiệu lực mang tính nghiêm túc và liên tục; nó là một chiến lược tương quan đánh thức các năng lượng tiềm ẩn và chấp nhận tính nhanh nhẹn có tổ chức hơn nữa. Vì sự hợp tác về cơ bản là một cách đối diện hay gặp gỡ người khác, cho nên nó bao hàm cả đời sống cá nhân lẫn các mối quan hệ.”[1] Và phong cách cùng nhau tìm kiếm này đặt nền trên hành trình phân định dưới ánh sáng của Lời Thiên Chúa, một trường học nội tâm định hình đời sống theo Thần Khí; đồng thời, nó cũng là nguồn gốc của tinh thần truyền giáo mạnh mẽ, trong chừng mực duy trì cam kết phát triển những sự đáp trả mới đối với những tình trạng nghèo khổ mới của thế giới ngày nay (x. VC 73).
Tại trường học của các Vị sáng lập: thánh Gioan Bosco và thánh nữ Maria D. Mazzarello
Các Vị sáng lập Dòng chúng tôi tin chắc rằng, thánh ý Thiên Chúa được khám phá trong cầu nguyện, trong quá trình lắng nghe Thần Khí và trong hành trình mà ở đó các cá nhân và cộng đoàn, xét như một tổng thể, được tham gia vào một cách cụ thể. Tuy không sử dụng thuật ngữ “đồng nghị” (synodality), nhưng các vị đã bắt đầu trong thực tiễn một phong cách đồng nghị cho đời sống cộng đoàn và sứ mạng giáo dục.
Thánh Don Bosco, một người được Thánh Linh hướng dẫn, rất chú ý đến các dấu chỉ của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh và biến cố khác nhau. Chẳng hạn, khi được hỏi về phương pháp sư phạm của mình, ngài trả lời: “Tôi luôn tiến bước như Chúa đã gợi hứng cho tôi và như các hoàn cảnh đòi hỏi”.[2] Sự trung thành với tiêu chí phân định này cũng đồng hành với ngài trong việc thành lập Dòng chúng tôi.
Trải qua một hành trình dài cầu nguyện và phân định cá nhân, ngài đã tìm đến và tham gia vào ban Tổng Cố vấn của Dòng. Ngài thỉnh ý và để cho mọi thành viên tham gia vào tiến trình phân định: “Vào tháng 5 năm 1870, cha Don Bosco, khi đã triệu tập Thượng hội, căn dặn họ cầu nguyện cho ngài trong một tháng để ngài có được sự soi sáng cần thiết hầu biết được liệu có nên chăm sóc các thiếu nữ hay không, như ngài đã nhiều lần được thúc thực hiện. Vào cuối tháng, ngài lại triệu tập ban Tổng Cố vấn, hỏi ý kiến từng người; tất cả đều đồng ý rằng nên thực hiện điều này.”[3]
Khi nhận ra đây là ý Chúa, ngài bắt tay vào việc và huy động nhiều người khác: Ngài đặt tin tưởng và giao trách nhiệm cho chị Maria Domenica Mazzarello, người đồng sáng lập Dòng; ngài nhận được sự tham gia của cha Don Domenico Pestarino, một linh mục giáo phận, người đã đồng hành từ vài năm với các nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Mornese; ngài đã mời gọi sự cộng tác của các Nữ tu thánh Anna, được thành lập bởi Hầu tước Barolo, để soạn ra các khoản Hiến pháp của Dòng và đưa ra sự nhất quán cho đời thánh hiến của họ trong giai đoạn sơ khởi ở Mornese; ngài đã chọn ra các giám đốc Sa-lê-diêng, những người có sứ mạng đảm bảo chất lượng đời sống tâm linh của cộng đoàn, và chính ngài cam kết xây dựng bầu khí gia đình, nơi mà mọi người, thậm chí là người trẻ, đều cảm thấy có trách nhiệm đối với sứ mạng chung.
Do đó, ở nơi thánh Don Bosco, các nữ tu FMA có một kiểu mẫu lắng nghe Thần Khí và liên quan đến mọi người. Điều thú vị là thánh Don Bosco, với tư cách là Đấng sáng lập, không phải là người duy nhất trong việc thực thi cảm hứng nguyên khởi của mình; ngài không đi sâu vào những chi tiết nhỏ nhất trong quá trình thành lập, nhưng để cho những người khác can thiệp, mặc dù ngài là người đầu tiên thực thi việc này. Ngài để cho chính đời sống của cộng đoàn nguyên thủy đóng góp vào cốt lõi của nó. Ngài không tự mình đưa ra các quy tắc nhưng yêu cầu sự đóng góp xây dựng của người khác, đồng thời đảm nhận vai trò của nhà lập pháp. Ngài biết cách chào đón và “tận dụng,” theo một nghĩa nào đó, tất cả những tác động mà ngài tìm thấy trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, để hoàn thành một công việc mà ngài biết đó là công việc của Thiên Chúa. Ngài biết cách chờ đợi trong thời gian dài, biết cách để mọi người và các dự phóng phát triển theo nhịp độ riêng, và cũng biết cách trao quyền tự lập và tự do cho cha Pestarino, cho chị Maria D. Mazzarello và các chị em trẻ của chị này. Với tư cách là Đấng sáng lập, ngài còn là một nhà giáo dục thực thụ, giúp mọi người phát triển và giao cho họ các trách nhiệm.[4]
Ngay từ đầu, cộng đoàn đầu tiên của các nữ tu FMA ở Mornese đã được định hình như một cộng đoàn cởi mở và hợp tác, nơi mà các thiếu nữ và các giáo viên (nữ tu và nữ giáo dân) cùng với các vị linh hướng chia sẻ cùng một dự án với thái độ tin cậy và tinh thần đồng trách nhiệm để cùng tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Tất cả điều này bắt đầu trong ý thức rằng, mỗi người sở hữu những nguồn lực nội tại đang chờ đợi được đánh thức và trân trọng để có thể thể hiện bản thân một cách trọn vẹn vì vinh quang Thiên Chúa và để phục vụ cho sứ mạng giáo dục chung.[5]
Sự tham gia, tinh thần đồng trách nhiệm, và việc thúc đẩy nguồn lực của mỗi người được thể hiện rõ cả trong những khoảnh khắc hàng ngày lẫn khi đưa ra các quyết định quan trọng, trong đó sự đóng góp của mỗi cá nhân được đánh giá cao. Chính mẹ Mazzarello sẽ luôn là hình mẫu của sự tin tưởng người khác và đánh thức sự tham gia cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của tất cả các chị em và những người trẻ. Trên thực tế, với tư cách là mẹ và là bề trên, không chỉ Mazzarello có nhiều điều để truyền đạt cho các chị em và các thiếu nữ được giao phó, mà chính những người này cũng có nhiều điều để nói và dạy cho bà. Luôn chú ý đến trường học cuộc sống này, bà thường hỏi các Chị em và các thiếu nữ: “Các con nghĩ gì?” và “Các con sẽ làm gì trong trường hợp này?”. Đây là những câu hỏi thể hiện sự khôn ngoan và không ngừng “cùng tìm kiếm.”
Ngay trong tu nghị hàng tuần đầu tiên sau khi thành lập Dòng, bà đã kêu gọi các chị em “hãy giúp đỡ và tham vấn cho bà; và do đó, mỗi người cần phải và có thể bày tỏ quan điểm cũng như ý kiến riêng, để mọi thứ có thể trở nên tốt hơn trong mọi cách”.[6] Thái độ này tạo ra một bầu khí rộng lượng, trong đó mỗi chị em đều biết rằng mình được chào đón, lắng nghe và yêu thương, vì thế họ có thể thể hiện bản thân như họ là mà không sợ hãi. Đồng thời, mỗi người trưởng thành trong việc sẵn sàng, với tinh thần trách nhiệm, cam kết đóng góp xây dựng cộng đoàn, dù vẫn có sự phân biệt rõ vai trò và nhiệm vụ riêng của mỗi người.
Phong cách tham gia này trong tổ chức và sứ mạng của cộng đoàn là đặc trưng của cộng đoàn sơ khởi và vẫn là đặc trưng của Dòng ngày nay. Trong những năm qua, khi những tình huống cứng nhắc và chủ nghĩa cá nhân đã và vẫn đang đe dọa đời sống của Dòng về lòng trung tín với đoàn sủng của mình, thì những tình huống này đã được giải quyết trong mối tương quan với Tin mừng, với huấn quyền Giáo hội và với nghệ thuật truyền thông cũng như hình mẫu năng động điển hình của thánh Don Bosco, mẹ Mazzarello và những người kế vị họ.
Thực hành sự phân định mang tính đồng nghị
Sự phân định là một yếu tố cấu thành cho đời sống và sứ mạng của Dòng FMA. Các Vị sáng lập của chúng tôi là những người có sự phân định, như chúng ta đã thấy. Đó là những người rất thành thạo nghệ thuật khơi gợi sự tham gia và tinh thần đồng trách nhiệm. Trong rất nhiều Tổng Tu nghị, sự phân định đã được nhấn mạnh và đề xuất để các cộng đoàn suy ngẫm. Một cách đặc biệt, Tổng Tu nghị XXI (2002) đã chọn chủ đề: phân định như một chiến lược, một lối tiếp cận và một sức mạnh biến đổi.[7]
Thái độ phân định giúp người ta có thể lắng nghe một cách khôn ngoan và đọc thực tại với đức tin trong kinh nghiệm hàng ngày về Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải dấn thân vào đời sống cầu nguyện, chăm chú lắng nghe Thiên Chúa trong Lời; đòi hỏi chúng tôi phải đọc lại các biến cố trong cuộc sống hàng ngày dưới ánh sáng của Lời và đoàn sủng của chúng tôi hầu nhận ra bước chân của Chúa cùng những lời mời gọi của Người để tiếp tục hoán cải và hướng tới tự do nội tâm; đòi hỏi chúng tôi phải cam kết thực hiện dự phóng cuộc sống của mình trong tính cá nhân, cộng đoàn lẫn giáo dục.[8]
Đến đây, tôi muốn cung cấp những ví dụ cụ thể về cách thức mà Dòng thực thi sự phân định trong tiến trình đồng nghị đang diễn ra.
- Cuộc gặp gỡ cá nhân với Bề trên được coi là một thời khắc ưu tiên để củng cố sự hiệp thông, khám phá thánh ý Thiên Chúa và đào sâu tinh thần của Dòng trong đời sống thực tiễn. Đó là một yếu tố không thể thay thế – theo suy nghĩ của thánh Don Bosco – cho sự phát triển cá nhân và cộng đoàn trong căn tính[9]
- Sự phân định cộng đoàn là một hình thức của sự tham gia và tinh thần đồng trách nhiệm cách mạnh mẽ. Mỗi người được kêu gọi đóng góp phần riêng của mình để hướng tới những lựa chọn tốt nhất, thậm chí bình thản đón nhận sự hy sinh của các ý kiến và sáng kiến cá nhân sau cùng. Bề trên làm sinh động cuộc tìm kiếm này theo cách thúc đẩy sự hiệp nhất huynh đệ và, khi thấy cần thiết, chị ấy sẽ đưa ra các quyết định cuối cùng vốn có lợi nhất cho việc thi hành sứ mạng chung. Mỗi thành viên FMA được kêu gọi đón nhận những quyết định này và hợp tác với nhau để thực hiện chúng.[10]
- Các Thư luân lưu (circular) hàng tháng của Bề trên Tổng quyền. Những lá thư này tạo thành một chỉ dẫn hàng tháng, vừa mang tính chính thức, vừa mang tính hình thức. Tùy thuộc vào các sự kiện, đây còn là một cách chia sẻ thông tin. Qua những lá thư luân lưu, Bề trên vươn tới các cộng đoàn, chuyển tải những định hướng và suy tư – chủ yếu liên quan đến các hoạt động – nhắm đến đoàn sủng và sứ mạng của Dòng, và hòa hợp sâu sắc với hành trình của Giáo hội và của đời thánh hiến ngày nay.
- Do đó, các thư luân lưu trở thành không gian riêng biệt để gặp gỡ, đương đầu và cởi mở thẳng thắn với các dấu chỉ thời đại. Chúng là phương tiện quan trọng để hiệp thông và đồng hành trong Dòng.
- Dự phóng của cộng đoàn, các bản lượng định của cộng đoàn và tỉnh dòng: Đây là những thời điểm quan trọng trong đó các cộng đoàn và các tỉnh dòng cùng nhau tìm cách thực thi sứ mạng một cách cụ thể trong đời sống hàng ngày, và sau đó chứng thực những nẻo đường này dưới ánh sáng của Lời Thiên Chúa, cũng như chứng thực các bước đã thực hiện.[11] Trong các môi trường giáo dục, người ta nhận ra tầm quan trọng của việc lựa chọn các cộng tác viên giáo dân. Các cộng tác viên này được cung cấp một sự chuẩn bị tiệm tiến, để họ có được tinh thần đồng trách nhiệm đối với việc xây dựng chương trình và đối với các mục tiêu giáo dục theo tinh thần của “hệ thống phòng ngừa”.[12] Những kinh nghiệm này về sự phân định, việc lập chương trình và đánh giá, được coi là những yếu tố then chốt của sự tham gia ở mọi cấp độ, vì chúng tạo điều kiện cho sự tương quan, suy tư và phát hiện ra những cách thức thích hợp nhất để sống và làm việc cùng nhau, trung thành với đoàn sủng trong tính đa dạng của các hoàn cảnh khác nhau.[13]
- Ban Cố vấn ở cấp địa phương và cấp tỉnh dòng là một không gian riêng biệt cho sự tham gia, phân định và tinh thần đồng trách nhiệm. Nó trở thành một trường đào tạo vì thúc đẩy sự trưởng thành trong các mối tương quan liên cá nhân, trong sứ mạng chung và trong khả năng quản trị. Nó cho phép chúng tôi lắng nghe cả thực tế lẫn Thần Khí và cùng nhau tìm kiếm những chọn lựa thích hợp.
- Ban Tổng Cố vấn: Mô hình tổ chức của ban Tổng Cố vấn phản ánh chiến lược phân định này vì nó phù hợp với sự phối hợp hướng tới hiệp thông; nó liên quan đến việc chia sẻ những suy tư, cẩn trọng phân định, hợp tác với các chị em – những người tham gia vào các lĩnh vực hoạt động và quản trị khác nhau, các cuộc gặp gỡ (không chính thức và / hoặc theo lịch trình), và các cuộc họp được quy tụ của ban Tổng Cố vấn với những cộng tác viên. Việc chia sẻ và thực thi các cam kết chung sẽ củng cố mối dây hợp tác, khơi dậy nguồn năng lượng mới, nuôi dưỡng sự quy tụ và có thể tránh được những lối nhìn cục bộ và những đường hướng song song có thể sinh ra sự hỗn độn trong các tỉnh dòng.[14]
- Tổng Tu nghị (General Chapter) là một kinh nghiệm quan trọng về sự phân định thánh ý Thiên Chúa đối với Dòng, được sống trong một tiến trình đồng nghị đầy ý nghĩa. Việc tổ chức Tổng Tu nghị là một thời điểm mạnh mẽ để xác nhận, suy tư và định hướng cho việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong bầu khí cộng đoàn. Mỗi chị em được kêu gọi tham gia vào tiến trình này bằng đóng góp của riêng mình. Các chị em, những người được kêu gọi đại diện cho tất cả các Tỉnh dòng và Dự tỉnh trên thế giới, khiêm tốn lắng nghe Thần Khí và nghiên cứu các vấn đề có liên quan tới các bối cảnh văn hóa–xã hội khác nhau, để cùng đưa ra các quyết định vốn sẽ làm gia tăng sức sống của Dòng, trong sự trung thành với tinh thần của nguồn cội Dòng và trong sự đáp trả trước những thách đố của các bối cảnh khác nhau.[15]
- Phương pháp luận về sự tham gia và sự chuẩn bị này cũng được kinh nghiệm tại Tổng Tu nghị như một phương pháp khởi đi từ kinh nghiệm cụ thể của các cộng đoàn khi họ suy tư về chủ đề của Tổng Tu nghị trong sự ngoan ngoãn trước Thần Khí và với sự chú ý tới các tình huống khác nhau. Sau đó, một đội ngũ quốc tế sẽ tập hợp các đóng góp của các cộng đoàn và soạn thảo Tài liệu Làm việc cho Tổng Tu nghị. Bằng cách này, suy tư của Tổng Tu nghị sẽ không phải được xây dựng trên bàn giấy, nhưng phản ánh đời sống của Dòng với những hy vọng, khó khăn và khác biệt tùy theo các châu lục khác nhau. Các quyết định được Đại Hội đưa ra sau đó sẽ được đề xuất cho các cộng đoàn trong thực tế đời sống của họ, ngõ hầu những quyết định này có thể được chia sẻ, lựa chọn và sống.
- Trong một Hội dòng đa văn hóa như chúng tôi (chúng tôi có mặt ở 97 quốc gia trên cả năm châu lục), một tu nghị năng động phải có nhiều thời gian lắng nghe để tất cả mọi người có thể thể hiện bản thân và để có thể có đủ sự hiểu biết lẫn nhau, ngõ hầu sự đa dạng và hiệp thông có thể được duy trì và vun trồng.
- Các Hội nghị liên tỉnh dòng (Interprovincial Conferences): những hội nghị này nảy sinh từ cam kết của các nhóm Tỉnh dòng trong cùng một vùng lãnh thổ hay văn hóa, để chia sẻ các nẻo đường và dự phóng liên quan đến đào tạo và sứ vụ. Các hội nghị này thúc đẩy các tiến trình suy tư và nghiên cứu liên quan tới những vấn đề chung. Ở cấp độ này, lợi thế của một cuộc gặp gỡ đa văn hóa có thể giúp đạt được một nhãn quan rộng lớn hơn về các thực tại mà trong đó người ta hoạt động[16] và tìm cách hội nhập văn hóa một vài tiến trình do Dòng khởi xướng ở cấp độ chung.
- Sự tham gia của Dòng trong việc suy tư và soạn thảo các tài liệu thông qua phương pháp luận mang tính tương tác và tham gia: như trường hợp Dự án Đào tạo của Dòng FMA (2000);[17] Các Định hướng cho Sứ mạng Giáo dục của FMA (2008);[18] Các Định hướng về Quản lý Kinh tế Hàng hóa trong Dòng (2017);[19] Các Định hướng cho Giai đoạn Đào tạo các tu sĩ khấn tạm (2017);[20] tài liệu về cuộc Gặp gỡ cá nhân (2020)[21] và các tài liệu khác. Trong những suy tư này có sự tham gia của mỗi phần tử FMA, các cộng đoàn, nhà đào tạo, cộng đoàn đào tạo, cộng đoàn giáo dục, người trẻ, và – đối với một số tài liệu – cả các giáo dân nữa. Các tiêu chí vốn hướng dẫn việc suy tư ngay từ đầu đó là các tiêu chí: lắng nghe thực tế, tham gia, thông dự, cam kết liên thế hệ và liên văn hóa, trong sự trung thành đầy sáng tạo với đoàn sủng và huấn quyền Giáo hội cũng như thẩm quyền giảng dạy của Dòng. Tiến trình dự thảo các tài liệu này đã và đang mang lại cho Dòng một ví dụ mạnh mẽ về việc đào tạo đang diễn ra, một cơ hội để tăng trưởng trong sự hỗ tương và hiệp thông, một kinh nghiệm về Thánh Linh.[22]
- Tiến trình hình thành các hình dạng mới của các Tỉnh dòng trong một số bộ phận của Dòng. Một ví dụ cụ thể khác về tính phân định và tính đồng nghị trong Dòng là tiến trình dẫn tới sự thống nhất của một số Tỉnh dòng, chẳng hạn như trường hợp ở Brazil. Từ chín Tỉnh dòng, chúng tôi đã hợp thành bốn. Toàn bộ tiến trình bắt đầu với hai câu hỏi / đề xuất từ Bề trên Tổng quyền, và sau đó tất cả các cộng đoàn đều được tham gia vào sự suy nghĩ và các bước thực hiện cụ thể. Bắt đầu với việc xuất bản tài liệu “Xác định lại đoàn sủng ở Brazil,” quá trình suy nghĩ về sự hiện diện của FMA ở đất nước vĩ đại này đã được bắt đầu. “Đó là khoảng thời gian hiệu quả để cởi mở trước Thần Khí, chú ý đến những câu hỏi nảy sinh từ giới trẻ Brazil, cùng nhau tìm kiếm những gì có thể đảm bảo tốt nhất cho tính liên tục của sự hiện diện trong lĩnh vực giáo dục trong những điều kiện mới của các cộng đoàn về tôn giáo và giáo dục của chúng, trong thực tế lịch sử, xã hội, kinh tế của đất nước Brazil vào Thiên niên kỷ thứ ba.” Nhu cầu chia sẻ đoàn sủng giữa FMA, giáo dân và giới trẻ trong một cấu trúc năng động mới, khả năng đáp trả những lời kêu gọi của sứ mạng giáo dục-truyền giáo, đã hình thành hình dạng mới của bốn Tỉnh dòng.
Tầm quan trọng của việc giải quyết bất đồng và xung đột, và tầm quan trọng của việc đào tạo trong thái độ cởi mở
Bất đồng và xung đột có thể xảy ra trong một tiến trình phân định. Điều quan trọng là dành thời gian và cơ hội để bộc lộ bản thân, để cho những suy nghĩ gây phân rẽ được giải quyết, được lắng nghe với sự chú ý và tôn trọng; đưa các lựa chọn và quyết định tới sự trưởng thành trong suy tư và cầu nguyện; tập trung vào những điều hiệp nhất trong nhận thức rằng, sự hiệp nhất sẽ vượt thắng xung đột (x. EG 226).
Trong những thời điểm này, sự khôn ngoan của người vận hành tiến trình (Bề trên của cộng đoàn hoặc của Tỉnh dòng…) là yếu tố quyết định để thúc đẩy sự hiệp thông, để tôn trọng tự do của mỗi người, và để đưa ra các quyết định cuối cùng – khi chị bề trên thấy là cần thiết – nhằm thực hiện dự phóng chung một cách tốt nhất.[23] Theo phong cách đồng nghị, cần hoan nghênh và đánh giá cao những khác biệt / những quan điểm khác biệt. Chúng không nên bị từ chối hoặc che giấu, nhưng cần được tiếp nhận. Điều quan trọng là không được đánh mất cái nhìn về viễn tượng được đặt nền trong sự hiệp thông. Để đi tới sự quy tụ và trở thành những người của hiệp thông và hòa giải, mặc dù có những quan điểm khác biệt, các chị em được mời gọi tiến tới trong các cách thức đối thoại, minh bạch, đón nhận nhau cách niềm nở, trong một tiến trình không ngừng hoán cải con tim và trí tuệ theo Tin mừng.
“Tinh thần gia đình” và “đam mê truyền giáo” mở rộng trái tim trước Chúa và vượt qua những quan điểm phiến diện để đến với tha nhân. Theo nghĩa này “có thể giải quyết và biến xung đột thành một mắt xích trong một tiến trình mới” (x. EG 226).
Bất đồng và xung đột, nếu được quản lý tốt, có thể trở thành cơ hội phát triển cho mỗi người: chúng có thể khơi dậy sự thận trọng, tính sâu sắc, khả năng nghiên cứu mới; nó có thể là một cơ hội để thẩm định liệu chúng tôi có đang ở trên nhịp sống của đoàn sủng hay đã tự thu mình lại và mắc kẹt trong các “suy nghĩ” và “quan điểm” của chúng tôi. Bất đồng và xung đột có thể giúp chúng tôi thực hiện một sự chuyển đổi từ “tôi” theo chủ nghĩa cá nhân sang “chúng ta” theo tinh thần cộng đoàn / giáo hội.[24]
Để sống thứ logic này, điều cốt yếu là chúng tôi phải luôn hướng tới mục tiêu: chúng tôi là một cộng đoàn để thực thi sứ mạng. Điều này đòi hỏi một nhận thức rằng, mỗi cộng đoàn là một cộng đoàn tông đồ, trong đó các mối quan tâm và hy vọng, lời cầu nguyện, các mục tiêu của hoạt động mục vụ và của cải vật chất được chia sẻ theo cái nhìn sứ mạng của Dòng. Điều này đòi hỏi sự sẵn sàng tham gia, tinh thần đồng trách nhiệm và sự liên lạc hỗ tương, trong cuộc gặp gỡ bình an và trung thành, và trong sự kết hợp hài hòa các giá trị cá nhân.
Những hiểu biết trọng yếu từ truyền thống và thực hành tâm linh vốn có ích cho việc phát triển tính đồng nghị và tiến trình đồng nghị trong Giáo hội vào thời điểm này:
- Chú ý lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe con người và lắng nghe thực tại luôn thay đổi của chúng ta;
- Phối hợp với nhau nhắm tới sự hiệp thông như một phong cách năng động phù hợp với những ai tin rằng, trong mỗi người đều có những nguồn lực cần được quý trọng và phát triển để phục vụ cho sứ mạng chung;
- Tinh thần gia đình tạo ra bầu khí tin cậy và cởi mở, bầu khí hỗ tương và đồng trách nhiệm;
- Đón nhận và quý trọng những khác biệt;
- Lắng nghe, đối thoại chân thành và cởi mở, phân định trong Thánh Linh, cầu nguyện, lập kế hoạch và chia sẻ việc đào tạo, có thể thúc đẩy một hành trình “cùng nhau” và xây dựng một nhãn quan “chúng ta” mang tính bao gồm vì cùng thực thi sứ mạng chung.
- Nhận thức rằng với tư cách là một cộng đoàn / dòng tu, chúng tôi là “dân Thiên Chúa đang lữ hành.” Chúng tôi ý thức và có trách nhiệm về đoàn sủng đã được lãnh nhận nhằm phục vụ cho điều thiện và sức sống của Giáo hội. Do đó, chúng tôi sống hiệp thông trong Dòng với tư cách là Dân Thiên Chúa; không phải trong một cộng đoàn tự quy chiếu về mình vốn khép kín trong chính nó, nhưng mở ra cho sứ mạng của Giáo hội và trong Giáo hội.
- Sự trung gian khôn ngoan của những người có thẩm quyền nằm ở cả cấp độ đồng hành cá nhân lẫn cấp độ cộng đoàn.
———————–
[1] Progetto formativo, 136-137.
[2] Memorie Biografiche di don Bosco XVIII, 127.
[3] SACRA RITUUM CONGREGATIO, TAURINEN, Beatificationis et canonizationis Servi Dei Joannis Bosco Sacerdotis Fundatoris Piae Societatis Salesanae. Positio Super Virtutibus. Summarium, Romae, Typ. Salesiana, s.d., 68.
[4] Cf POSADA Maria Esther, Don Bosco Fondatore dell’Istituto delle Figlie di Maria Ausiliatrice, in MIDALI Mario (a cura di), Don Bosco Fondatore della Famiglia Salesiana. Atti del Simposio (Roma-Salesianum, 22-26gennaio 1989), Roma, Editrice S.D.B. 1989, 303 e ss.
[5] Cf ISTITUTO FIGLIE DI MARIA AUSILIATRICE, Nei solchi dell’Alleanza. Progetto formativo delle Figlie di Maria Ausiliatrice, Leu-mann (TO), Elledici 2000, 133-135. Từ đây trở đi sẽ viết tắt là: Progetto formativo, theo sau là số trang.
[6] Cronistoria dell’Istituto FMA II, 11.
[7] Atti CGXXI (2002), n. 30.
[8] Atti CGXXI (2002), n. 34.
[9] Cf Costituzioni art. 34; AMBITO PER LA FORMAZIONE, Il colloquio personale momentoprivilegiatoper la crescitapersonale e comunitaria nell’identita di FMA, Roma, Istituto FMA 2020.
[10] Cf Costitutions FMA, art. 35.
[11] Cf Regulations FMA, art. 24 e 55.
[12] Cf Regulations FMA, art. 59.
[13] Cf Progetto formativo, 147.
[14] Cf Progetto formativo 141-142.
[15] Costitutions FMA, art. 135.
[16] Cf Progetto formativo 143.
[17] Cf Progetto formativo 9-10.
[18] Cf ISTITUTO FIGLIE DI MARIA AUSILIATRICE, Perché abbiano vita e vita in abbondanza. Linee orientative della missione edu-cativa delle FMA, Leumann (TO), Elledici 2005; Cf BORSI Mara, L ‘animazione della Pastorale Giovanile nell’Istituto delle Figlie di Maria Ausiliatrice (1962-2008), Roma, LAS 2010.
[19] Cf ISTITUTO FIGLIE DI MARIA AUSILIATRICE- AMBITO ECONOMATO GENERALE, Orientamenti per la gestione economica dei beni nell’Istituto delle Figlie di Maria Ausiliatrice, Roma, Istituto FMA 2017.
[20] Cf ISTITUTO FIGLIE DI MARIA AUSILIATRICE, Orientamenti per la tappa formativa dello luniorato, Roma, Istituto FMA 2017.
[21] Cf ISTITUTO FIGLIE DI MARIA AUSILIATRICE, Il colloquio personale momento privilegiato per la crescita personale e comunitaria dell’identita di FMA, Roma, Istituto FMA 2020.
[22] Cf COLOMBO Antonia, Lettera circolare n. 798, dell’ 11 febbraio 2008, in DE VIETRO Franca ed., In comunione su strade di speranza. Circolari di Madre Antonia Colombo, Milano, Paoline 2009, 121.
[23] Cf Costitutions FMA, art. 35.
[24] Cf SINODO DEI VESCOVI, I Giovani, la fede e il discernimento vocazionale. Documento finale, Leumann (TO), Elledici, 2018, 128.