Linh đạo “đồng hành – đồng nghị” của các Dòng tu (5)
Linh đạo I-nhã
Nt. Jolanta Kafka, Tổng quyền Dòng nữ Claret, Chủ tịch hiệp hội các Tổng quyền Dòng nữ
Lm. Arturo Sosa, Tổng quyền Dòng Tên, Chủ tịch hiệp hội các Tổng quyền Dòng nam
Giới thiệu
Chúng tôi sẽ cùng nhau thảo ra bài giới thiệu này, bởi vì chúng tôi tin rằng một trong những dấu ấn của con đường đồng nghị của đời thánh hiến là củng cố các kinh nghiệm về sự hiệp thông.
Một trong những đóng góp quan trọng nhất cho linh đạo đồng nghị là việc phân định thần khí. Trong khi thực tế này đã và đang được thể hiện bởi các trường phái khác nhau trong suốt dòng lịch sử linh đạo, thì chúng tôi sẽ dựa vào đóng góp của thánh Inhaxiô Loyola qua cuộc đời của ngài, một đóng góp ở các cấp độ cá nhân, cộng đoàn cũng như giáo hội.
Tuy dù nó được biết đến như là một phương pháp, để được hòa nhập vào linh đạo, thì nó cần phải trở thành một lối sống, một thái độ. Và chúng tôi cầu mong rằng toàn thể Giáo hội, tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu, sẽ học biết con đường đức tin của họ trong trường phái phân định này.
Chúng tôi sẽ trình bày suy tư của mình trong hai phần. Ở phần đầu, chúng tôi sẽ tập trung vào các yếu tố then chốt của sự phân định thần khí nói chung. Trong phần thứ hai, chúng tôi sẽ tập trung vào mối quan hệ của nó với tính đồng nghị.
Phần thứ nhất: Các yếu tố then chốt của sự phân định thần khí nói chung
Yếu tố then chốt đầu tiên: Thiên Chúa tự thông đạt mình
Thiên Chúa tự thông đạt mình, đi vào cuộc đối thoại với con người, và hoạt động trong lịch sử nhân loại [EE 15.16]. Nhưng Người làm việc theo một cách rất cụ thể, bắt đầu với mầu nhiệm Nhập thể. Thiên Chúa trở nên nhục thể trong “cõi trần”; Người đi vào lịch sử và đồng thời Người ẩn mình. Chúng ta sẽ tìm thấy Thiên Chúa trong thực tại nhân loại theo nghĩa rộng nhất có thể, chứ không phải bên ngoài nó. Chính Chúa Giêsu đã dạy điều này khi Người nói với chúng ta: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20); hay “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20); và rồi thánh Phaolô cũng nói: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình […] tất cả mọi thứ đều được tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Không ai đã thấy Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa tự tỏ mình ra; Người đã trở nên nhục thể, đã làm người. “Sự tỏ lộ” này là sự xuống thế đi vào nhân loại của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự thông đạt mình và cách thức Người thông đạt chính là Đức Giêsu (Ga 1,14-18). Đức Giêsu là điểm quy chiếu trong việc phân định thần khí.
Yếu tố then chốt thứ hai: Một đời sống tâm linh toàn vẹn
Thiên Chúa thực sự tự thông đạt chính Người, nhưng để đón nhận Người, chúng ta cần có một môi trường nhất định. Vì vậy, chúng ta hãy nói về yếu tố then chốt thứ hai của sự phân định, đó là đời sống tâm linh của chúng ta. Người ta chỉ có thể phân định các thần khí khi khởi đi từ bên trong một môi trường (bầu khí) linh đạo hay tâm linh toàn vẹn. Sự phân định cộng đoàn ngụ ý sự hiện hữu của một cộng đoàn trên một hành trình tâm linh. Chiều kích này, mà thánh Inhaxiô gọi là “đồng cảm với Hội thánh” [EE 352-370], được thể hiện trong một cộng đoàn cụ thể cũng như trong một lãnh vực của mối hiệp thông các tín hữu. Kitô giáo chỉ hiện hữu khi nó ở trong và thông qua một cộng đoàn, một cộng đoàn được nuôi dưỡng bởi Lời, nhất là Tin mừng. Điều này ngụ ý một chiều kích cấu thành. Thánh Inhaxiô không ngừng đưa chúng ta trở lại với sự hiểu biết và nội tâm hóa Lời Thiên Chúa. Sự hiểu biết này có được nhờ việc siêng năng đọc Tin mừng, để dần dần trở thành bài đọc cầu nguyện, chiêm niệm, nhập thể, chứ không chỉ là một bài đọc chú giải [EE 2]. Hơn nữa, nó được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, một Thánh Thể làm nên sự sống, dẫn đến tương quan thân mật thường hằng như trong gia đình với Chúa Giêsu nhờ sự kết hợp với Người trong đức tin và nhờ sự đồng hóa với các tâm tình, các lựa chọn và cách sống của Người trong sự vâng phục Chúa Cha, trong việc tìm kiếm thánh ý Chúa Cha và loan báo Tin mừng (Lc 24,13-35). Cộng đoàn này luôn là một phần của cộng đoàn Giáo hội to lớn vốn được mở rộng đến tận cùng thế giới, bao trùm toàn thể nhân loại và toàn thể lịch sử. Sự hiệp thông giáo hội, với sự đa dạng và những biểu hiện khác nhau của nó, còn bao trùm trên những ai không phải là tín hữu vì hạt giống chân lý nằm trong tất cả mọi người.
Yếu tố then chốt thứ ba: Chủ thể
Yếu tố then chốt thứ ba là chủ thể phân định thần khí. Đó là một cá nhân, khi nói đến lựa chọn cá nhân. Chủ thể hàm ý nói tới một con người nhất định, một người hướng về Thiên Chúa trong sự tìm kiếm và ước muốn của mình; một con người hiểu biết về bản thân, một người nhận thức được những chuyển động nội tâm, điều mà chúng ta gọi là “các thần khí” khác nhau, mà thông thường là những biểu hiện của ham muốn, tình cảm và khát vọng. Thánh Inhaxiô không ngừng mời gọi chúng ta học cách đọc ra những chuyển động nội tâm này.
Linh đạo I-nhã là linh đạo của những chuyển động nội tâm, vì thế nó không phải là linh đạo tập trung vào lý trí nhưng là linh đạo của các tâm tình. Điều này dẫn đến “tự do nội tâm,” thông qua một tiến trình giải phóng, với mục tiêu duy nhất là thực sự sẵn sàng trước thánh ý Thiên Chúa và không khác biệt với thánh ý Người [EE. 23]; thực sự mong muốn và chỉ lựa chọn thánh ý Thiên Chúa đồng thời dùng các phương tiện (nhằm thực thi thánh ý Người) để hành động, càng nhiều càng tốt khi chúng giúp thực hiện điều này.
Khi chủ thể là cộng đoàn phân định, thì cũng phải tuân theo chủ thể ấy một cách có ý thức và có ý hướng. Cộng đoàn phân định có điểm chung là phải tạo ra các điều kiện lắng nghe, hỗ tương và tôn trọng sự đa dạng; nó cũng phải tạo ra không gian như một điểm tham chiếu vốn được bảo vệ khỏi các can thiệp từ bên ngoài. Đó là một cộng đoàn đang trên hành trình tự do để tìm kiếm và gặp được thánh ý Thiên Chúa [EE.1], có khả năng đọc ra các dấu chỉ thời đại mà qua đó Chúa thông đạt chính mình, phân định các chuyển động của các thần khí ở trong mình và việc lựa chọn nẻo đường được Thiên Chúa chỉ định (giống như kinh nghiệm Xuất hành). “Nghe” là không đủ; để lắng nghe, người ta phải hiểu những chuyển động của thần khí đang nổi lên từ bên trong cộng đoàn. Biết cách đọc ra những chuyển động này có lẽ là khó khăn lớn nhất trong việc phân định đối với cộng đoàn và cả cá nhân. Dầu sao, cách duy nhất là áp dụng các tiến trình này vào thực tế.
Phân định (các) thần khí…
Việc phân định thần khí không thể chỉ là một tiến trình phân tích để từ đó chúng ta đưa ra kết luận, thẩm tra ý kiến rồi tiến hành. Việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa không dựa trên sự đồng ý của con người mà dựa trên kinh nghiệm của việc để bản thân được Thần Khí dẫn dắt. Nếu Thần Khí hoạt động – và Người luôn hoạt động – thì chúng ta chỉ cần chuẩn bị sẵn sàng để chào đón Người; và để nhớ rằng Người luôn tỏ bày chính Người trong sự hiệp thông.
Việc phân định thần khí không thể là một “phương pháp thực dụng” (pragmatic method) nhằm đưa ra các quyết định hợp lý. Nó là một công cụ trong các bài linh thao để đọc hiểu các dấu chỉ thời đại trong cộng đoàn giáo hội [cf. EE. 175-188].
Do đó, điều quan trọng nhất là chuẩn bị nền tảng cho một bài thực hành (sự phân định) như thế. Trên thực tế, khi bước vào tiến trình đồng nghị này, Giáo hội cho thấy rõ rằng, không thể có sự phân định mà không có sự canh tân đời sống một cách liên lỉ, điều mà thánh Inhaxiô gọi là “cải tổ đời sống một cách liên lỉ” [x. EE. 189.343]. Những người tham gia và bước vào tiến trình này cũng phải cảm thấy bị thách đố bởi lời mời gọi thay đổi bản thân này để tham gia hành trình của cộng đoàn. Đó là sự hoán cải.
Hơn nữa, cộng đoàn phải cho phép chính mình được chất vấn và nhận ra những gì cần thay đổi hầu có thể nhận biết tác động của Thiên Chúa ở giữa cộng đoàn. Hành trình hoán cải của cộng đoàn là chất mùn (humus) cần thiết để phân biệt giữa điều gì đến từ Thiên Chúa với điều gì không đến từ Thiên Chúa.
Mục tiêu của tiến trình này là thực hiện một sự “đọc ra thiêng liêng”, một “Lectio Divina” về thực tại, về những gì được sống dưới ánh sáng của Lời, hầu đưa sự sống của Chúa Giêsu vào hiện tại, vào giữa Giáo hội và cuộc sống của thế giới một cách mới mẻ. Chúng ta được nhắc nhở về định nghĩa của cha Amedeo Cencini về đào tạo thường xuyên, bao gồm việc đồng hóa các tâm tình của Chúa Giêsu và đưa chúng vào thực tiễn; trong việc trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Nhờ hiệu lực của Phép rửa, chúng ta có thể khẳng định rằng đây là nẻo đường của toàn thể Giáo hội, và do đó cũng là của tất cả các môn đệ Chúa Giêsu. Chỉ trong sự hiệp thông, “cảm thức chung” (sensing in common) trong Chúa Kitô, thì người ta mới có thể thực hành sự phân định thần khí.
Thuật ngữ hiệp thông đã xuất hiện vài lần [trong các bài thuyết trình] sáng nay, và chắc chắn nó là thuật ngữ nền tảng. Tuy nhiên, sự hiệp thông, “cảm thức chung” không mang nghĩa là đồng nhất. Chúng ta được trợ giúp từ cách diễn đạt mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường sử dụng, mang đậm bản sắc I-nhã và tầm ảnh hưởng của cha Guardini. Ngài nói cho chúng ta biết phải làm sao để “cảm thức chung” của chúng ta không làm mất sự đa dạng, thậm chí sự mâu thuẫn. “Cảm thức chung” hướng tâm hồn về thiện ích chung, đó là thiện ích của Thiên Chúa. “Toàn thể thì lớn hơn một phần” và thời gian thì lớn hơn không gian vì luôn có một chân trời đang mở ra. (x. EG 235-236)
Sự phân định không phải lúc nào cũng kết thúc bằng một quyết định chính xác. Thay vào đó, sự phân định không ngừng tiến triển bởi vì Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói và hành động ngay cả sau khi chúng ta đưa thành quả phân định vào thực tiễn. Sự phân định không dừng lại ở chỗ tìm thấy thánh ý Thiên Chúa, nhưng đúng hơn, nó là một tiến trình tiếp diễn. Thánh Tôma nói về sự chọn lựa như một hành động nội tâm và lôi cuốn. Việc tuân theo thánh ý Thiên Chúa sẽ nảy sinh từ sự “hành động đồng thời với nhau” (synchronization) đến sự linh hứng của Thánh Linh và ý thức của một người về việc hành động trong tự do, cũng như nói “tôi muốn” tuân theo thánh ý Thiên Chúa. “Xin cứ làm cho tôi như lời ngài nói.” (Lc 1,38)
Thật không dễ để đạt được điều đó, nhưng có những dấu chỉ và hoa trái quen thuộc mà nẻo đường phân định để lại trong cá nhân và trong cộng đoàn: khiêm nhường, vô vị lợi, gia tăng tự do nội tâm, thêm nhiều lòng trắc ẩn hơn đối với người nghèo. Thành quả của hành trình này là “Magis” (hơn nữa) theo linh đạo I-nhã, như một sự năng động được thiết lập trong cá nhân và trong cộng đoàn khao khát có được lòng trung tín ngày càng lớn hơn và trọn vẹn hơn trong việc bước theo Chúa Giêsu, Tin mừng.
Phần hai: Linh đạo đồng nghị
Linh đạo đồng nghị bao gồm sự cùng nhau phân định thần khí. Điều làm cho cộng đoàn Giáo hội trở thành “Dân Thiên Chúa” là đi theo Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa bước đi với Dân, Thiên Chúa là Đấng chỉ đường và đồng hành với Dân Người. Người ta chỉ có thể nói về Dân Thiên Chúa khi có được sự hòa hợp với sự Hiện diện của Người và Lời của Người.
Dân Thiên Chúa là dân của những người đã chịu Phép rửa. Nhờ hiệu lực của bí tích này, chúng ta hoàn toàn bình đẳng với nhau trong ơn gọi làm môn đệ và trong sự phục vụ cộng đoàn với tư cách là những ngôn sứ, vương đế và tư tế. Tất cả chúng ta đều là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, và tất cả chúng ta được kêu gọi làm chứng cho đức tin hầu nhờ đó mà người khác cũng trở thành những môn đệ của Chúa. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi “học hỏi” với tư cách là môn đệ và làm chứng về tư cách môn đệ của mình cho người khác. Chúng ta cùng nhau lớn lên và tất cả chúng ta được mời gọi quan tâm chăm sóc cho nhau (Ga 10,1-18) nhờ hiệu lực của việc chúng ta được thông dự vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa.
Hiểu biết cách thức Thiên Chúa hành động trong lịch sử
Để lớn lên trong sự hiệp thông với tư cách là Dân Thiên Chúa, chúng ta phải biết cách thức thông thường mà Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Lời của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết về một Thiên Chúa, Đấng chăn dắt có lòng khiêm hạ, tiệm tiến, mời gọi, hỏi han, bước đi với chúng ta. Phân định là một sự đáp trả trong việc chúng ta tìm kiếm và nhận ra cách thức hành động của Thiên Chúa ở mỗi thời đại.
Ý hướng của hành trình đồng nghị này là để canh tân kinh nghiệm triệt để về sự hiệp thông này giữa Thiên Chúa và Dân Người qua chìa khóa của Giao ước, như là một sự thuộc về (“Mọi điều ĐỨC CHÚA phán bảo, chúng tôi xin làm theo” Xh 19,8), và qua chìa khóa của gia đình Chúa Giêsu, như là mối quan hệ tình thân (“Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” Mt 12,46-50). Sự phân định nuôi dưỡng cả hai chiều kích của sự hiệp thông giáo hội.
Tính đồng nghị và tính dân chủ
Tính đồng nghị không phải là tính dân chủ theo cách hiểu của các hệ thống chính trị tự do ở Tây phương. Điều quan trọng là phải hiểu rõ các quyết định mang tính đồng nghị được đưa ra như thế nào. Đây là một vấn đề cần được làm rõ ngay từ đầu trong mọi tiến trình có tính biểu quyết. Lắng nghe là điều cần thiết đối với tất cả, nhưng phong cách của các nền dân chủ tự do (trong đó phần đa số sẽ quyết định cuối cùng) không nuôi dưỡng sự phân định thần khí hoặc xây dựng Dân Thiên Chúa. Sự phân định không thể rút gọn vào cuộc đối đầu quyền lực nào giữa nhóm thiểu số và nhóm đa số. (X. Câu chuyện bà Susanna và vai trò ông Đaniel trong sách Đaniel chương 13).
Thay vào đó, điều quan trọng cần nhớ đó là khi nói về hành trình đồng nghị trong bối cảnh của sự chung nhau phân định thần khí, cần phải xác định rõ các ranh giới mà trong đó diễn ra sự phân định, cũng như cách thức mà sự phân định này được bảo vệ khỏi áp lực phe phái. Những thái độ của sự cởi mở, của đức tin và của tự do mà chúng ta đã nói ở phần đầu là nền tảng đảm bảo cho điều này. Trong trường hợp này, sự phân định nuôi dưỡng và định hình cho cộng đoàn tín hữu; và cộng đoàn tín hữu, với sự tham gia có ý thức, làm cho sự phân định trở nên khả thi và có kết quả. Tiến trình này trở thành một ân huệ biến đổi mỗi tín hữu trong kinh nghiệm của họ về lòng trung tín đối với Thiên Chúa.
Cũng như linh đạo I-nhã có thể đóng góp vào hành trình đồng nghị của Giáo hội, chúng ta cũng cảm thấy rằng, tất cả các đoàn sủng và ân huệ thiêng liêng, mà Thiên Chúa đã và vẫn đang khơi dậy qua các thế kỷ, đạt đến mức trưởng thành hoàn toàn khi chúng được đặt ở vị trí phục vụ lẫn nhau, mỗi đoàn sủng đều có vẻ đẹp riêng và tính đặc thù của nó. Mỗi đoàn sủng đều có đóng góp riêng của mình, không bị chi phối bởi sự đối đầu giữa các ý thức hệ hoặc cơ chế.
Chúng tôi xin kết thúc cuộc trò chuyện này với đoạn văn rút ra từ Tin mừng Luca chương 22, “giữa anh em thì không phải như vậy” (Lc 22,26), đừng giống như những kẻ thống trị người khác. Dân Thiên Chúa phân định, đào tạo và đòi hỏi một phong cách quản trị được đặt nền trên sự phục vụ chứ không phải sự thống trị của kẻ quyền thế đối với kẻ khác. “Giữa anh em thì không phải như vậy” (Lc 22,25-27).