Linh đạo Biển-đức

0
1223

Linh đạo “đồng hành – đồng nghị” của các Dòng tu.

Nhằm chuẩn bị cho Thượng hội đồng giám mục sắp tới về “đồng hành – đồng nghị” (synodality), văn phòng Tổng thư ký xin các dòng tu trình bày kinh nghiệm trong linh đạo của mình. Sau những bài về linh đạo thánh Augustinô và dòng Đa Minh, hôm nay xin gửi “linh đạo dòng Biển đức”

——————

Linh đạo Biển-đức

Tổng viện phụ Gregory J. Polan, OSB[1]

Trong bản Tu luật thánh Biển-đức, viện phụ (abbas) được khắc họa là một người thầy và người cha thiêng liêng, chịu trách nhiệm về đời sống của một cộng đoàn; thánh Biển-đức mô tả đan viện như là một “trường học về sự phục vụ  Chúa”, nơi mà người ta được hướng dẫn để sống mầu nhiệm vượt qua (RB, Prol. 45, 50). Một trong những yếu tố định hướng cộng đoàn được thấy ở đầu bản Tu luật 1500 năm tuổi này, ở ngay Chương 3: “Triệu tập Cộng đoàn để Hội ý.” Rõ ràng là đối với thánh Biển-đức, những quyết nghị quan trọng và chính yếu phải được biểu quyết bởi cộng đoàn xét như một toàn khối. Chúng tôi muốn tìm hiểu bản văn của chương ba của Tu luật thánh Biển-đức chỉ ra những viễn cảnh quan trọng về thủ tục đồng nghị trong truyền thống đan viện như thế nào, và nó đã bắt nguồn từ các bản văn Kinh thánh ra sao. Chương này tập trung vào một tiến trình đồng nghị trong việc đưa ra quyết định; cần lưu ý rằng, các phần khác của Tu luật cũng vọng lại chỉ dẫn của Chương 3.

Trong câu mở đầu Chương 3, thánh Biển-đức nói rõ rằng[2], khi bất cứ điều gì quan trọng cần được xem xét vì đời sống và hạnh phúc của cộng đoàn, thì cả cộng đoàn sẽ được triệu tập cùng nhau. Khi quy tụ cùng nhau như một nhóm, các thành viên sẽ thấu hiểu rõ nhất những gì đang xảy ra, và do đó cũng biết cách tiến hành giải gỡ với sự khôn ngoan và thận trọng.

Thánh Biển-đức đề nghị trong câu mở đầu rằng viện phụ là người giải thích vấn đề ấy. Điều này thoạt nghe có vẻ một chiều; nhưng thực ra có thể có sự khôn ngoan trong đó. Việc lắng nghe vấn đề từ người lãnh đạo của cộng đoàn sẽ giúp đạt được một số điều. Người ta mong đợi rằng, người lãnh đạo sẽ có cái nhìn sâu sắc nhất định về các vấn đề, một tầm nhìn rộng hơn về những điều hàm ẩn đang được xem xét, và một cách thức khả thi để sau đó cả cộng đoàn có thể cùng đánh giá. Đó cũng là cách để biết được ý định của người lãnh đạo, lý do vị ấy suy nghĩ theo lối này, và tầm nhìn khả thi hướng về phía trước. Có thể sẽ hữu ích nếu biết người lãnh đạo đang nghĩ gì, và trong sự hiện diện của tất cả mọi người, có một sự tự do nhất định vốn nảy sinh từ việc các thành viên có thể chia sẻ một cách trung thực về những hướng đi khác để giải quyết vấn đề theo ý của họ; nói cách khác – bề trên không thể giấu diếm một giải pháp cá nhân bởi vì ngài buộc phải nói  lên ngay từ đầu, chứ không phải đến cuối cùng mới phát biểu. Mọi người cần phải  biết rõ lập trường của nhau ngay từ đầu..

Chúng ta có thể lưu ý rằng, câu mở đầu này nói về các vấn đề quan trọng cần được đưa ra trước tất cả mọi người; sau đó trong câu 12[3], bản văn viết về các công việc kém quan trọng hơn cần được xử lý bởi một nhóm người  cao niên, có lẽ ám chỉ đến một ban cố vấn được bầu ra trong cộng đoàn. Chúng tôi đề cập đến điều này chỉ như một mối bận tâm trong các hoàn cảnh ngày nay khi mà mọi người có thể cảm thấy họ cần biết mọi chuyện; kết quả thường là rất ít hoặc không bao giờ có thể hoàn thành được như mong đợi, hoặc thậm chí tệ hơn khi trở thành một tình huống hỗn độn. Phải có một mức độ phó thác, tin tưởng và tôn trọng trong một nhóm được bầu hoặc được chọn, để tiến trình này có thể tiến triển với tiếng nói của một nhóm được bầu ra trong cộng đoàn, khi đó là một vấn đề ít quan trọng hơn.

Khi đọc qua văn bản này, đề cập đến việc nghe và nói, chúng ta có thể đoán được diều mà thánh Biển-đức coi là đương nhiên,. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một nền văn hóa nhiều từ ngữ; có thể có rất nhiều từ mà chúng ta nghe thấy người ta nói, nhưng lại không hiểu được họ muốn nói gì. Đối với thánh Biển-đức, lắng nghe là chìa khóa để lớn lên trong địa hạt tâm linh và hạnh phúc của đời sống cộng đoàn. Ngài khuyên chúng ta “hãy lắng nghe bằng tai của trái tim” (RB, Pro. 1). Đó là một hình ảnh đẹp để chúng ta suy nghĩ trong bối cảnh cần sự phân định mang tính đồng nghị. Lắng nghe bằng tai của trái tim là một điều gì đó giống với việc thực hành lectio divina, trong đó chúng ta tin rằng mình đang nghe một lời đến từ Thiên Chúa. Nếu chúng ta làm điều đó như một cách thực hành trong cách đọc Kinh thánh của chúng ta, thì nó sẽ trở thành cách thức chúng ta lắng nghe trong những bối cảnh khác của cuộc sống. Khi ai đó đến gặp chúng ta để phân định điều gì quan trọng trong cuộc đời họ, thì chúng ta lắng nghe với một sự tiếp nhận đầy trân quý bởi vì chúng ta tin rằng mình có thể thực sự giúp đỡ họ. Đó là một thách đố lớn đối với chúng ta khi thực hiện việc lắng nghe bằng tai của trái tim. Tuy nhiên, chúng ta đạt được hai điều: thứ nhất, nó cho phép chúng ta nghe có chiều sâu để từ đó đặt ra những câu hỏi trong bối cảnh giữa chúng ta; và thứ hai, nó coi trọng cả con người lẫn thông điệp đang được cung cấp cho chúng ta. Thánh Biển-đức sẽ mở rộng ý niệm này trong Chương 6 bàn về “Điều độ trong lời nói,” hoặc “Tầm quan trọng của Thinh lặng,” như một yếu tố của giáo huấn tâm linh. Một lần nữa, điều này được ấp ủ trong Chương 4 bàn về “Những Khí Cụ Làm Việc Lành.” Trong đó ngài viết: “Hãy bảo vệ miệng lưỡi anh em khỏi lời nói dối trá và có hại. Hãy yêu thích sự tiết chế trong lời nói” (RB 4:51-52). Lắng nghe bằng tai của trái tim là một đức tính cao quý cho sự gặp gỡ mang tính đồng nghị.

Thánh Biển-đức khuyên rằng, khi kêu gọi cộng đoàn quy tụ lại với nhau, sau khi lắng nghe những gì từng người nói thì các thành viên cộng đoàn “bày tỏ ý kiến ​​của mình với tất cả sự khiêm nhường, chứ đừng cố chấp đòi áp đặt quan điểm riêng của mình” (RB 3,4). Trong bản Tu luật thánh Biển-đức, toàn thể Chương 7 (gồm 70 câu) nhắc đến nhân đức này, do đó nó được coi là một yếu tố căn bản trong giáo huấn tâm linh của thánh Biển-đức. Nguyên chỉ trong chương này, bàn về tầm quan trọng của đức khiêm nhường, thánh Biển-đức trích dẫn Kinh thánh 42 lần. Chúng ta thấy sự nối kết rất quan trọng ở đây giữa  đức khiêm nhường và việc sẵn lòng lắng nghe với một trái tim rộng mở và vâng phục, bởi vì chính trong bối cảnh này mà thánh ý Thiên Chúa được tỏ hiện. Tiến trình đồng nghị đòi hỏi sự cởi mở đối với những gì có thể được coi như biểu lộ thánh ý Thiên Chúa trong một hoàn cảnh đặc thù. Thánh ý Thiên Chúa được tỏ hiện như thế nào? Kinh thánh nói cho chúng ta biết điều này trong Thánh vịnh 25,9: “[Thiên Chúa] dẫn kẻ khiêm nhường đi theo phán đoán đúng đắn; dạy kẻ khiêm nhường con đường của Người.” Sự khiêm nhường có tiềm năng trở thành con đường dẫn tới phán đoán đúng đắn trong một vấn đề mà người ta đang tìm kiếm câu trả lời hoặc cách giải quyết. Sách Châm ngôn dạy: “Khi nào sự kiêu ngạo đến thì sự tai hại cũng đến, còn sự khôn ngoan ở với những kẻ khiêm nhường” (Cn 11,2). Chắc hẳn rằng, tiến trình đồng nghị tìm cách đưa ra quyết định dựa trên sự khôn ngoan của tất cả những người tham gia vốn là những người mang theo kinh nghiệm sống được tích lũy, phán đoán cá nhân và sự khôn ngoan thực tiễn của họ.

Trong Chương Ba của bản Tu luật, thánh Biển-đức nhấn mạnh tới việc hỏi ý kiến của tất cả mọi người nghe: “Chúa thường tỏ cho kẻ ít tuổi những ý kiến hay hơn.” Trong một xã hội đề cao tiếng nói của những người lớn tuổi, đây là một đóng góp đặc biệt cho cách thức phân định của cộng đoàn. Trong sách 1 Sa-mu-en chương 3, chúng ta đọc thấy lời Đức Chúa kêu gọi của cậu bé Sa-mu-en thực thi tác vụ như một ngôn sứ. Ngay sau phần tường thuật tiếng gọi, bản văn nói tiếp: “Sa-mu-en lớn lên. ĐỨC CHÚA ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (1 Sm 3,19). Trong bối cảnh của đoạn Kinh thánh này, một người trẻ được kêu gọi để mặc khải thánh ý Thiên Chúa cho người thầy Ê-li của cậu, người đã đánh mất ơn nghĩa với Thiên Chúa vì ông và các con trai của ông đã lạc lối trong việc tuân giữ các giới luật của Người. Người trẻ thường có một tầm nhìn vốn có thể đưa thế hệ lớn tuổi vượt ra khỏi vị trí hiện tại của họ, nhìn các tình huống đương thời bằng một viễn cảnh mới và cái nhìn sâu sắc. Trong một Thượng Hội đồng, vai trò đó của người trẻ cũng có thể được mở rộng cho những người sống ở ngoại biên, nghĩa là người nghèo và người bị loại trừ và những người có ý kiến vật khác với số đông.

Thánh Biển-đức nói rõ rằng đức vâng phục không chỉ được đòi hỏi về phía cộng đoàn, mà một cách nào đó, còn được đòi hỏi  cả về phía viện phụ nữa: “Nhưng nếu môn đệ có bổn phận vâng phục thầy mình, thì cũng thật phù hợp khi người thầy có nghĩa vụ sắp đặt mọi thứ với đức khôn ngoan và công minh” (câu 6). Một vài lần trong Tu luật, thánh Biển-đức dùng cách diễn đạt “với đức khôn ngoan” (RB 41:4-5; 64:17).[4] Người thời nay khi đọc Tu luật thánh Biển-đức sẽ tự nhiên nghĩ rằng viện phụ nắm giữ một quyền hành quá lớn so với khả năng của một người phàm. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thấy rằng, thánh Biển-đức yêu cầu viện phụ phải chịu trách nhiệm về tất cả những quyết định được đưa ra trước cộng đoàn. Trong sự nỗ lực hết mình để lắng nghe, người lãnh đạo cộng đoàn là người chịu trách nhiệm, không chỉ đối với cộng đoàn, mà còn đối với Chúa và trước mặt Chúa. Trong tiến trình đồng nghị, điều này có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau. Không chỉ Đức Thánh Cha, mà cả những người điều khiển các ủy ban khi thảo luận và quyết định, cũng có bổn phận như vậy. Điều này đặt ra một thách đố lớn trong các cách phân định đối với những người gánh vác trách nhiệm; họ phải cân nhắc những gì họ tin là tốt nhất với những gì người khác cho là có lợi nhất, với những gì là khả thi, và với những gì có khả năng thành công khi quyết định thi hành vì thiện ích chung. Đồng thời, việc phân định thánh ý Thiên Chúa cũng là một thách đố, vì sự phân định này hiếm khi là một quyết định dễ dàng, bởi vì Tin Mừng không luôn nói rõ ràng và trực tiếp về những chủ đề thuộc về thời này.. Cân nhắc tất cả các thông tin và quyết định điều gì là tốt nhất thực sự là một nỗ lực thánh thiêng, vì nó thường liên quan đến hạnh phúc của các cá nhân và tương lai của họ. Trách nhiệm của các vị lãnh đạo trước mặt Thiên Chúa – Vị Thẩm phán công bình và nhân từ – hầu như luôn là một kinh nghiệm cá nhân đáng kinh ngạc, và thậm chí khủng khiếp.

Để kết thúc với một vài điểm về lời khuyên đồng nghị từ Tu luật và linh đạo thánh Biển-đức, chúng tôi sẽ đưa ra những nhận xét sau đây:

1. Thực hành lắng nghe “bằng tai của trái tim” tạo ra, trong sự chuyển động, một con đường dẫn đến sự phân định đích thực về thánh ý Thiên Chúa. Mặc dù chắc chắn Kinh thánh là một nguồn quan trọng, nhưng cũng cần tôn trọng cách thức mà Thiên Chúa có thể nói qua những người khác ( ít là khi tất cả mọi người đã suy nghĩ và lắng nghe trong đức tin).

2. Thánh Biển-đức có một cảm thức về sự hòa nhập, vốn mời gọi toàn thể cộng đoàn tham gia vào tiến trình phân định, đặc biệt là suy nghĩ của giới trẻ. Sự tham gia tích cực này của tất cả mọi người nên được thực thi với tinh thần khiêm nhường, coi trọng tất cả các thành viên của cộng đoàn như những bình chứa của khôn ngoan, chân lý và thiện chí.

3. Trong khung cảnh cuộc thảo luận của cộng đoàn, tới một lúc nào đó, cần có một người hoặc một ý kiến đưa ra và xác định một con đường phải theo. Những người tham gia vào tiến trình này cần phải sẵn sàng vâng phục trong đức tin, và khiêm tốn chấp nhận kết quả của tiến trình. Những vấn đề ít quan trọng nên trao cho một nhóm nhỏ, và cần tôn trọng quyết định khôn ngoan của họ.

4. Tiến trình đồng nghị mong đợi một sự cởi mở để có thể làm thay đổi con tim của một người, với niềm tin rằng Thiên Chúa có thể nói với chúng ta thông qua những người khác, ngay cả những người mà chúng ta không ngờ tới.

5. Trong một tiến trình đồng nghị, các tiếng nói, ý kiến và đề xuất cần được lắng nghe. Thách đố to lớn là phân định ở đâu thì sự khôn ngoan, sáng suốt mục vụ, và thiện ích chung được phục vụ tốt nhất.

Những lời khép lại chương Ba của bản Tu luật kết thúc bằng một trích dẫn Kinh thánh. Đối với thánh Biển-đức, lời Thiên Chúa là cực đỉnh của đức khôn ngoan và vẫn còn nói mạnh mẽ với chúng ta ngày nay: “Hãy làm mọi việc với sự bàn hỏi, như thế con sẽ không hối tiếc về sau” (Hc 32,24[16]).[5]

—————–

[1] Luật thánh Biển-đức chỉ nói đến “Viện phụ”, abbas đứng đầu đan viện. Vào thời cận đại, các đan viện được liên kết với nhau thành các “Chi dòng” (Congregatio), đứng đầu là Tông viện phụ (Abbas generalis). Vào cuối thể ký XIX, tất cả các chi dòng họp thành một “Liên minh” (Confederatio), đứng đầu là Abbas Primas, thường dịch là “Thống phụ” hoặc “Tổng phụ”. Chú thích của người dịch.

[2] Regula, 3,1: Mỗi khi đan viện cần phải bàn một vấn đề nào quan trọng, viện phụ phải triệu tập tất cả cộng đoàn, và đích thân giải thích câu chuyện được đặt ra”.

[3] Regula 3,12: “Nếu trong đan viện có những vấn đề kém quan trọng hơn, thì chỉ cần hỏi ý kiên của vài người lão thành”.

[4] Aquinata Bockman, A Listening Community: A Commentary on the Prologue and Chapters 1-3 of Benedict’s Rule (Collegeville, MN:The Liturgical Press, 2015) 190.

[5] Câu này ở Hc 32,19: “Không có ý định, con đừng làm, và trong việc con làm, con đừng hối hận.”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here