Linh đạo Augustinô

0
2298

Linh đạo Augustinô (Unitas in Caritas – Hiệp nhất trong Đức ái)

Fr. Joseph Farrell, OSA,
Phụ tá Bề trên Tổng quyền

 

Một cuộc nghiên cứu sát về linh đạo của thánh Augustinô và bất kỳ nỗ lực nào để mô tả các khía cạnh của linh đạo Augustinô đều đòi hỏi một cuộc khảo sát sơ bộ ngắn gọn về ý nghĩa của thuật ngữ linh đạo. Walter Principe[1], Jon Alexander[2], Charles André Bernard[3], Sandra Schneiders[4] và những tác giả khác[5] đều đã công bố nghiên cứu về việc mô tả lịch sử phát triển một định nghĩa về ý nghĩa của linh đạo xét như một khuôn phép và nó liên quan thế nào đến thần học.

Walter Principe đề ra ba cấp độ công thức trong việc định nghĩa linh đạo. Hai cấp độ đầu tiên là a) thực tại hiện hữu hoặc thực tại sống của con người (chẳng hạn: thánh Augustinô); và b) công thức của một giáo huấn về thực tại sống (chẳng hạn: hy sinh, tính nội tâm, khiêm tốn, thiện ích chung, tình bạn, tình yêu). Cấp độ thứ ba theo Principe đề cập cụ thể đến việc nghiên cứu cấp độ đầu tiên và đặc biệt là cấp độ thứ hai.[6] Hôm nay, mục tiêu của tôi là chia sẻ với các bạn một vài khía cạnh của cấp độ thứ hai khi áp dụng cho thánh Augustinô và Gia đình Augustinô.

Vị Tổng quyền (Prior General) của chúng tôi, cha Alejandro Moral Anton, và các thành viên của Trung ương (General Curia) Dòng thánh Augustinô biết ơn lời mời mà chúng tôi đã nhận được để góp phần cho ngày hôm nay trong việc chia sẻ linh đạo của chúng tôi khi chúng ta đang cùng bước đi trên con đường đồng nghị. Trong phần trình bày ngắn gọn này, tôi sẽ cố gắng trung thành với hai nguyên tắc vốn làm sáng tỏ vấn đề. Nguyên tắc đầu tiên đến từ một bài thuyết trình mà Tarsisius van Bavel, một học giả Augustinô người Hà Lan, đã đưa ra trong cuộc họp của các tu sĩ Augustinô về linh đạo hay đoàn sủng. Tác giả nhìn nhận năm yếu tố then chốt cùng vận hành để định nghĩa linh đạo.

Linh đạo hay đoàn sủng 1) là tâm thế bền vững của tâm trí và trái tim con người, 2) có được thông qua quá trình đồng hóa cá nhân với một giá trị Tin Mừng, 3) nằm trong cuộc đối thoại với thế giới của cá nhân và loài người xét như một toàn khối, 4) bắt nguồn từ sự tự do chọn lựa, và 5) được cụ thể hóa như một tâm điểm riêng biệt trong phong cách sống của chúng ta với sự chú ý và điểm nhấn thích đáng.[7]

Nguyên tắc thứ hai là định nghĩa về Linh đạo Augustinô do Sơ Mary Clark, RSCJ đưa ra. Bà viết, “Linh đạo Augustinô bắt nguồn từ đời sống của tâm trí, và lớn lên nhờ tình yêu của trái tim. Linh đạo này mang tính nội tâm và xã hội, liên quan đến cá nhân và xã hội.”[8] Chúng ta có thể thấy ngay những điểm tương đồng giữa hai nguyên tắc này, đặc biệt là về tầm quan trọng của cả tâm trí lẫn trái tim, và sự cần thiết của việc tương tác với người khác. Thánh Augustinô là một người thích quy tụ mọi người quanh mình và sống với họ, và nhờ họ mà ngài có thể tiếp tục hành trình phát triển mối quan hệ tình yêu của ngài với Thiên Chúa và với những người bạn lữ hành trong cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ của họ.

Có vô vàn khía cạnh có thể được quy cho lý tưởng sống đời Kitô hữu của thánh Augustinô và do đó chúng cũng đóng góp vào điều đã và đang trở thành Linh đạo Augustinô. Trong thời gian của buổi sáng này, chúng tôi không thể trình bày chi tiết tất cả các khía cạnh đó. Vì thế, cho phép tôi chỉ đề cập đến một vài từ khóa mà một bài thuyết trình về Linh đạo Augustinô không thể thiếu được, và tôi sẽ khai triển chi tiết một số từ. Những từ khóa của Linh đạo Augustinô bao gồm: Nội tâm, Cầu nguyện, Không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, Sửa chữa Huynh đệ, Thiện ích chung, Nên một trong Chúa Kitô và Ân sủng.

Robert Dodaro, OSA, nguyên Viện trưởng Viện Thần học Giáo phụ Augustinô ở Rôma, đề xuất một thuật ngữ mà tôi tin rằng nó bao hàm tất cả các khía cạnh này của linh đạo Augustinô. Thuật ngữ đó là: sacramentum caritatis. Ông cho rằng “việc mô tả ý niệm của thánh Augustinô về tình yêu như một bí tích và đặt nó ở trung tâm của linh đạo của ngài giúp củng cố đánh giá về linh đạo ấy xét một cách chặt chẽ cả về Kinh thánh lẫn thần học”.[9] Đối với thánh Augustinô, bí tích là một “dấu chỉ thánh thiêng”[10] chỉ ra một thực tại. Việc chung sống nên một một cách hòa hợp, cùng với sự đa dạng và khác biệt của các ân huệ riêng biệt được nhìn nhận và cử hành như một sacramentum caritatis, là điều mà thánh Augustinô đánh giá cao đối với các cộng đoàn tu trì của ngài, và ngài giới thiệu với người dân thành Hippo qua lời giảng, đồng thời ngài cũng làm cho nó trở thành hiện thực trong tất cả các kinh nghiệm thừa tác vụ của ngài. Và tôi đề xuất rằng, nó cũng là yếu tố sống còn đối với việc hình thành một linh đạo Augustinô đương đại.

Một bối cảnh lịch sử vắn gọn

Không lâu sau khi thụ phong linh mục, Augustinô nhận được một đan viện trong một khu vườn từ đức cha Valeriô, giám mục của Hippo.[11] Có lẽ đức giám mục đã biết tới sự miễn cưỡng lớn của Augustinô: miễn cưỡng tiến tới chức linh mục cũng như miễn cưỡng đón nhận đan viện ấy như một món quà. Sự miễn cưỡng này còn là một cách mà Augustinô có thể xoa dịu những đau khổ của một vị tân linh mục. Hoặc cũng có thể đức cha Valerius đã nhận ra giá trị của nếp sống cộng đoàn và ngài muốn hỗ trợ Augustinô trong cách sống đó. Trong cả hai trường hợp, đan viện này, nơi mà tất cả các thành viên sẽ không nhất thiết phải sống một mình như một Đan sĩ (Monos), nhưng sống cùng nhau, sống như một thân thể. Thánh Augustinô đã mở rộng ý tưởng này nơi một trong những Enarrationes của ngài về Thánh vịnh 132: “Nơi mọi người sống với nhau trong sự hiệp nhất đến mức họ trở thành một cá thể duy nhất,… nhiều thân thể nhưng không nhiều tâm trí, nhiều thân thể nhưng không nhiều trái tim – do đó, họ thật sự được gọi là Monos ‘chỉ là một’”.[12] Đan viện này đã trở thành nơi cư trú của những năm đầu tiên của Augustinô trong thừa tác vụ linh mục và là một nơi vun trồng linh đạo trong cộng đoàn.

Thánh Augustinô mô tả chính xác lý tưởng về đan viện của ngài phải như thế nào. Ngài nói:

Tôi bắt đầu quy tụ những anh em có thiện chí, những người bạn đồng hành trong nghèo khó của tôi, không có ai giống tôi và bắt chước tôi. Giống như tôi đã bán tài sản của tôi là sự ít ỏi nghèo nàn của một người nghèo khó và đã phân phát số tiền ấy cho người nghèo, thì những ai muốn ở lại với tôi cũng sẽ làm như vậy, để chúng tôi có thể sống trên những gì chúng tôi có chung với nhau. Nhưng tài sản chung hữu ích và thật sự vĩ đại của chúng tôi là chính Thiên Chúa.[13]

Cha Agostino Trape, nguyên Bề trên Tổng quyền dòng thánh Augustinô, đưa ra một suy tư về những nỗ lực đầu tiên của thánh Augustinô để thiết lập cộng đoàn của ngài.[14] Sự kiên định của thánh Augustinô đối với lối sống này là một lời mời gọi hãy noi gương các thành viên của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem, những người đã sống cuộc đời của họ theo gương Đức Giêsu Kitô. Thánh Augustinô đã noi theo gương mẫu của họ, như được mô tả trong sách Công vụ Tông đồ:

Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.[15]

Tạo lập một nơi để chia sẻ trong đức ái

Thánh Augustinô nhấn mạnh sở thích của ngài là “chia sẻ đức bác ái cho nhau”[16], điều mà ngài đã rút ra từ việc đọc sách Công vụ Tông đồ (Cv 4,32-35) và là điều ngài thi hành trong tất cả các cộng đoàn của ngài. Mặc dù việc có tài sản chung là điều quý giá và cần thiết trong đời sống cộng đoàn Augustinô, nhưng việc chia sẻ tài sản và của cải vật chất là một khía cạnh hoặc, dùng hình ảnh dệt vải, nó là một sợi chỉ trong tấm thảm được gọi là đời sống cộng đoàn (sợi chỉ thứ nhất). Thánh Augustinô cũng nhấn mạnh đến sự hiệp thông của những công việc bác ái mà các Kitô hữu được kêu gọi thi hành. Với điều này, ngài đã dệt một sợi chỉ mới vào tấm thảm này (sợi chỉ thứ hai). Những công việc bác ái này là sự đáp lại tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ. Nó phát sinh từ một đời sống chiêm niệm cầu nguyện. Vươn tới đức bác ái là đáp lại giới răn yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận.[17] Thánh Augustinô đã viết trong tác phẩm Thành đô Thiên Chúa như sau:

Vì không ai được nhàn hạ đến mức không nghĩ đến sự nhàn hạ đó vì mối quan tâm tới người thân cận, cũng như không hoạt động đến mức cảm thấy không cần đến việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Sự hấp dẫn của một cuộc sống nhàn hạ không được trở thành viễn cảnh lười biếng không hoạt động, nhưng là cơ hội để khảo sát và khám phá chân lý, dựa trên sự hiểu biết rằng mỗi người đạt được một số tiến bộ trong việc này, và không miễn cưỡng từ chối các khám phá của mình về người khác.[18]

Đó là một sự đáp trả sacramentum caritatis đối với Tin mừng. Thánh Augustinô nói với các thành viên trong các cộng đoàn của ngài và cả những người trong dòng tu của ngài. “Hãy để Kitô hữu làm những gì Đức Kitô ra lệnh.”[19]

Sợi chỉ thứ ba trong tấm thảm của thánh Augustinô về sự chia sẻ trong đời sống chung là sợi chỉ mang lại giá trị lớn nhất. Khía cạnh này có thể được mô tả như sợi chỉ vàng được dệt xuyên suốt mảnh vải vốn mang lại cho nó giá trị vô giá. Sợi chỉ này sẽ được hình thành khi các thành viên của cộng đoàn đến với nhau để có “một tâm hồn và một trái tim”, không sở hữu gì là của riêng mình nhưng chia sẻ “tất cả mọi thứ làm của chung”. Khi điều này được thực hiện thì kho tàng lớn nhất mà cộng đoàn ấy nắm giữ làm của chung chính là Thiên Chúa.

Việc theo đuổi sự chia sẻ chung của Thiên Chúa là trọng tâm Tu luật thánh Augustinô. Tu luật này là văn kiện chính yếu của Linh đạo Augustinô.[20] Sử dụng đoạn văn sách Công vụ chương 4, mà chúng ta đã lưu ý ở trên, thánh Augustinô viết ở phần mở đầu Tu luật của ngài như sau: “Động lực chính yếu cho đời sống chia sẻ với nhau của anh em là sống hòa thuận trong nhà và chỉ có một trái tim, một tâm hồn trong việc tìm kiếm Thiên Chúa.”[21] Thiên Chúa không chỉ là mục tiêu và kho tàng chung của việc chung sống cùng nhau mà còn là điều kiện để có thể chung sống hòa thuận với nhau.

Trong bài Giải thích Thánh vịnh 132, thánh Augustinô trình bày chi tiết hơn để cho thấy lý tưởng này quý giá như thế nào đối với ngài. Ngài trích dẫn, “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132,1) và ngài tìm thấy sự ủng hộ của Kinh thánh không chỉ cho lý tưởng và linh đạo đan tu của ngài, mà còn cổ võ lý tưởng này như một mục tiêu mà tất cả mọi người nên phấn đấu đạt tới. Ngài nhận thấy trong Thánh vịnh này sự khởi đầu, những hạt giống cho đời sống chung đã được gieo trồng trong dân Israel, và rồi ngài tiếp tục nói rằng: “Họ là những người đầu tiên nhưng không phải là duy nhất, vì tình yêu và sự hiệp nhất huynh đệ này không vươn tới họ để rồi kết thúc ở đó. Niềm vui mãnh liệt của đức bác ái còn vươn tới con cháu của họ.”[22] Đây là lý do tại sao thánh Augustinô có thể vui mừng công bố vẻ đẹp và sự ngọt ngào mà ngài tìm thấy trong Thánh vịnh này.[23] Đây là điều đã khơi dậy ngọn lửa của ước muốn ban đầu đó là được cùng chung sống với nhau trong Thiên Chúa, và đã thổi bùng ngọn lửa đó trong cuộc đời thánh Augustinô đồng thời tiếp tục mang lại sức sống cho ngọn lửa tình yêu đó trong linh đạo Augustinô ngày nay.[24]

Tình Yêu là sự chia sẻ kho tàng của Thiên Chúa trong đời sống chung. Tình Yêu buộc các thành viên phải sống hiệp nhất. Như tác giả Thư thứ nhất Gioan đã nhắc nhở chúng ta: “Thiên Chúa là Tình Yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Đối với các Kitô hữu, chính sự chia sẻ của Đức Giêsu Kitô: cuộc đời, sự thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người, là điều làm cho tình yêu ấy trở thành hiện thực. Thánh Augustinô đã làm rõ quan điểm này trong quyển Về việc làm của đan sĩ (De opere monachorum) khi ngài viết rằng, mỗi thành viên trong đan viện của ngài là một người “không còn tìm kiếm những gì thuộc về bản thân nữa, nhưng tìm kiếm những gì thuộc về Đức Giêsu Kitô; anh ấy đã tận hiến bản thân cho đức bác ái của đời sống chung, muốn sống đồng hành với những người cũng có một trái tim và một tâm hồn trong Thiên Chúa, để không ai coi bất cứ thứ gì là của riêng mình nhưng mọi sự đều được giữ làm của chung”.[25]

Một khi nhìn nhận Thiên Chúa là gia sản chung trong đan viện, hay trong bất kỳ cộng đoàn nào, thì người ta có thể nhận ra một cách rõ ràng hơn vị trí của tình yêu, sự cầu nguyện, lòng khiêm nhường và đức hy sinh trong chính cộng đoàn đó. Đó là một tình yêu vị tha vượt khỏi bản thân và vươn tới người khác. Đó là tình yêu dành cho Thiên Chúa hiện thực trong tình yêu dành cho người thân cận.

Khi cộng đoàn các tín hữu nhận ra rằng kho báu lớn nhất của họ là sự chia sẻ chung của Thiên Chúa, “những ngôi đền thờ mà họ đã trở thành”[26], thì việc nhận ra lý tưởng của thánh Augustinô sẽ xảy ra trong lịch sử. “Cộng đoàn không phải một điều trừu tượng như một thể chế hay tổ chức, mà là một điều cụ thể như tình yêu dành cho một người thân cận của chúng ta”.[27] Thiên Chúa là kho báu lớn nhất, được bộc lộ rõ nhất khi được chia sẻ trong tình yêu hỗ tương giữa các thành viên đang sống trong cộng đoàn và khi điều này được nhận ra và được hiện thực hóa, tất cả các kho báu chung khác đều tìm thấy vị trí thích hợp của chúng trong sự so sánh này.

CHRISTUS TOTUS: Sống trong Tình yêu

Yếu tố then chốt để phát triển sự hiểu biết về Linh đạo Augustinô nằm trong Kitô học của thánh Augustinô. Thánh nhân nhấn mạnh rằng Thân thể Chúa Kitô bao gồm cả Đầu và các Chi thể, được mô tả như là Đức Kitô Toàn thể. Ý tưởng về Đức Kitô Toàn thể (Christus Totus) là sự kết hợp của thần học, giáo hội học, linh đạo hay tâm linh và Kitô học được dệt nên để hình thành một sự hiểu biết về điều vốn không chỉ thuộc về Đức Kitô, mà còn là chính Đức Kitô.[28]

Thánh Augustinô chủ yếu dựa vào giáo huấn của thánh Phaolô về Thân thể Chúa Kitô (Corpus Christi). Nếu lấy thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô làm nền tảng cho khía cạnh này trong linh đạo của thánh Augustinô,[29] thì chúng ta sẽ nhìn thấy nền tảng Kinh thánh ủng hộ cho ý tưởng của ngài.

Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. […] Thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. […] Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. […] Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.[30]

Thánh Augustinô nhấn mạnh vào việc nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Kitô trong cộng đoàn xét như một toàn thể, và nơi mỗi thành viên.[31] Ngài củng cố thông điệp của thánh Phaolô bằng thông điệp Tin mừng của Đức Giêsu: “Bất cứ điều gì các ngươi làm cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.”[32] Vị giám mục kêu gọi cộng đoàn của ngài có trách nhiệm giải thích để nhớ rằng, mặc dù Đầu của họ đã ở trên trời, nhưng Người vẫn đang hiện diện giữa họ dưới trần gian. Ở đâu có người khát, đói, trần truồng, bệnh tật, v.v., thì Đức Kitô hiện diện ở đấy. Nếu một chi thể trong thân thể Đức Kitô đang đau khổ, thì Đức Kitô cũng đau khổ.[33]

Những người là thành viên chính thức trong dòng tu của thánh Augustinô đều làm chứng rằng ngài rất nhiều lần ví cộng đoàn như là Đức Kitô Toàn thể (Christus totus).[34] Đối với thánh nhân, Đức Giêsu Kitô tỏ hiện trong thế giới của chúng ta theo ba cách: a) với tư cách là Thiên Chúa, đồng vĩnh cửu và ngang hàng với Cha, b) với tư cách là Ngôi Lời Nhập thể, đấng trung gian và là đầu của Hội thánh, c) với tư cách là Chúa Kitô toàn thể trong sự viên mãn của Hội thánh.[35]

Như Christus totus, Hội thánh được hiện thực theo cách nó nhận ra phải có trách nhiệm trở thành Đức Kitô cho nhau và với nhau. T. van Bavel khẳng định rằng, trách nhiệm này tập trung vào chính mối tương quan của tình yêu. Tình yêu hiện diện giữa các thành viên của cộng đoàn là một mối tương quan trong Chúa Kitô vốn nuôi dưỡng các thành viên để họ trở thành một toàn thể[36]. Đó là cách Đức Kitô trở nên hiện thực nơi tất cả các chi thể của Người. Thay vì tập trung vào cá nhân, tư tưởng của thánh Augustinô về cơ bản mang tính tập thể, với toàn thể có mặt trong các bộ phận cũng như các bộ phận có mặt trong toàn thể. Van Bavel tập trung vào điểm nhấn của thánh Augustinô về Đức Kitô toàn thể khi tuyên bố:

Do đó, đối với thánh nhân, Đức Kitô không chỉ là “Tôi”, mà còn là “Chúng ta.” Đức Kitô kết hợp chúng ta vào bản thân Người… Cũng như tính cách của chúng ta được cấu thành bởi hàng trăm mối tương quan, thì ngôi vị Đức Kitô cũng phải được xem như có mối tương quan với mọi người, bởi vì tình yêu của Người là phổ quát.[37]

Christus totus hiện diện trọn vẹn nơi sự kết hợp của mỗi thành viên trong cộng đoàn, và cũng hiện diện trọn vẹn trong mỗi thành viên riêng biệt. Mỗi thành viên, xét cách riêng lẻ và tập thể, tạo nên Đức Kitô toàn thể.[38]

Với sự hiểu biết này, chúng ta đi đến một đánh giá đầy đủ hơn về Bài giảng 272 về Bí tích Thánh Thể của thánh Augustinô. Trong đó, ngài nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô toàn thể trong hy tế được cử hành nơi bàn tiệc Thánh Thể. Ngài khuyến khích dòng tu của ngài nhận ra chính mình trong hy tế ấy, nhận lấy trách nhiệm trở thành thân thể Đức Kitô mà họ đón nhận và cử hành nơi bàn tiệc này. Ngài trích dẫn 1 Cr 12,27: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận,” và khuyến dòng tu của ngài nhận ra chính mình trong mầu nhiệm được đặt trên bàn thờ và mầu nhiệm mà họ nhận lãnh.

Anh em có là gì mà dám trả lời Amen, và bằng cách trả lời như vậy, anh em thể hiện sự đồng ý của mình. Điều anh em nghe, anh em thấy, là Thân thể Đức Kitô, và anh em trả lời, Amen. Vì vậy, hãy là chi thể của thân thể Đức Kitô, để từ Amen trở nên đúng đắn.[39]

Để hiểu được tư tưởng của thánh Augustinô về ý nghĩa của khẳng định Giáo hội thực sự là Đức Kitô, Christus totus, Người đứng đầu và các thành viên cần phải nhận thức được sự phân biệt mà ngài nhìn nhận như sự hiện hữu giữa Đức Kitô và nhân loại. Khi đồng nhất mỗi người với Đức Kitô,[40] thánh Augustinô không có ý nói rằng không có sự phân biệt nào giữa hai chủ thể này.[41] T. van Bavel nhắc nhở chúng ta về một thực tế cơ bản để một người hiểu được ý nghĩa của việc trở thành Kitô hữu. Ông nói rằng, ngay cả với sự đồng nhất của Đức Kitô với nhân loại trong Christus totus, nền tảng cơ bản của đức tin Kitô giáo của chúng ta vẫn rõ ràng, đó là: “Sự phân biệt giữa Đức Kitô và chúng ta nằm ở thực tế rằng, Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc còn chúng ta là những người đã được cứu chuộc.”[42]

Kết luận

Linh đạo Augustinô bao gồm các chủ đề về cộng đoàn, cầu nguyện, tình bạn, sự khiêm hạ, sự hy sinh, sự sửa chữa huynh đệ, ân sủng và tình yêu. Như tôi đã đề cập ở phần đầu của bài thuyết trình này, không thể đề cập đến tất cả các khía cạnh này trong thời gian ngắn ngủi của chúng ta đây. Vì vậy, cho phép tôi kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng, chỉ nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Linh được ban cho chúng ta (Rm 5,5) nhờ đó chúng tôi mới có thể làm cho linh đạo này trở nên như một thực tại trong đời sống của chúng tôi. Nếu không có ân sủng, chúng tôi không thể hoàn thành được gì. Đó là một yếu tố cấu thành quan trọng của việc sống Linh đạo Augustinô như Christus totus, bắt nguồn từ và đáp trả lệnh truyền yêu mến Thiên Chúa và người thân cận trong cộng đoàn. Một cộng đoàn hiệp nhất trong tình yêu, trong Thiên Chúa, là một cộng đoàn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa mà mình đã nhận lãnh, và sự hiểu biết này rất quan trọng đối với sự phát triển của Linh đạo Augustinô thật cổ điển nhưng cũng luôn mới mẻ – một sacramentum caritatis thực thụ.

—————————-

[1] W. Principe, “Toward Defining Spirituality,” in Exploring Christian Spirituality: An Ecumenical Reader, ed. K. Collins, (Grand Rapids, MI: Baker Academic Books, 2000), 43-57.

[2] J. Alexander, “What Do Recent Writers Mean by Spirituality?” Spirituality Today 32 (1980), 247-256.

[3] C. A. Bernard, Teologia spirituale, (Milano: Edizione San Paolo, 2002), 53-97.

[4] S. Schneiders, “The Study of Spirituality: Contours and Dynamics of a Discipline,” Christian Spirituality Bulletin 6/1 (Spring 1998), 1-12; see also: Schneiders, “Spirituality in the Academy,” Theological Studies 50 (December, 1989), 676-697, reprinted in Modern Christian Spirituality: Methodological and Historical Essays, ed. B. C. Hanson (Atlanta, Georgia: Scholars Press, 1990), 15-37.

[5] Xem ghi chú 33, in Schneiders, “Spirituality in the Academy,” TS 50 (1989), 683-84.

[6] Principe, 48.

[7] T. van Bavel, “Reflections on Spirituality and Charism,” Augustinian Spirituality and the Charism of the Augustinians, ed. J. Rotelle, OSA. (Villanova, PA: Augustinian Press, 1995), 78.

[8] M. Clark, “Augustinian Spirituality,” AugStud 15 (1984), 83; Cf. “Augustinian Spirituality,” The New Dictionary of Catholic Spirituality, ed. M. Downey, (Collegeville, MN: The Liturgical Press, 1993). “Augustinian spirituality is best portrayed as the absorption of the gospel teaching on caritas into daily living.” 67.

[9] Robert Dodaro, “Sacramentum Caritatis: Foundation of Augustine’s Spirituality,” in Augustinian Spirituality and the Charism of the Augustinians, ed. John Rotelle, (Villanova, PA: Augustinian Press, 1995), 47.

[10] ciu. X, 5 (CSEL 40,1:452). “Sacrificium ergo visibile invisibilis sacrificii sacramentum, id est sacrum signum est.”

[11] s. 355.2 (PL 39:1569-1570). “Et quia hoc disponebam, in monasterio esse cum fratribus, cognito instituto et voluntate mea, beatae memoriae senex Valerius dedit mihi hortum illum, in quo nunc est monasterium.”

[12] Cf. en. Ps. 132.2 (CCL 40:1927).

[13] s. 355.2 (PL 39:1570). “Coepi boni propositi fratres colligere, compauperes meos, nihil habentes, sicut nihil habebam, et imitantes me: ut quomodo ego tenuem paupertatulam meam vendidi et pauperibus erogavi, sic facerent et illi qui mecum esse voluissent, ut de communi viveremus; commune autem nobis esset magnum et uberrimum praedium ipse Deus.”

[14] A. Trape, S. Agostino: L ‘Uomo, Il Pastore, IlMistico, (Fossano: Editrice Esperienze, 1976), 173-178.

[15] Cv 4,32-35.

[16] s. dom. mon. II, 1. 3 (CCL 35:94). “Hoc enim indicio apparere poterat, quantum profecissent in Deum, cum id libenter facerent quod non propter gaudium de muneribus sed propter communionem caritatis ab eis quaerebatur.”

[17] Mt 22:39. Cf. R. Canning, “Distinction Between Love for God and Love for Neighbour in St. Augustine,” Augustiniana 32 (1982). “Love for neighbour is thus presented as a necessary condition of love for God, evil must be rejected if good is to grow; love for neighbour is, as it were, love for God in its infancy.” 11.

[18] ciu. XIX, 19 (CSEL 40/2:406). “Nec sic esse quisque debet otiosus, ut in eodem otio utilitatem non cogitet proximi, nec sic actuosus, ut contemplationem non requirat Dei. In otio non iners vacatio delectare debet, sed aut inquisitio aut inventio veritatis, ut in ea quisque proficiat et quod invenerit ne alteri invideat.”

[19] 5. 81.9 (PL 38:506). “Diliite ergo legem Dei, et non sit vobis scandalum. Rogamus vos, osecramus vos, exhortamur vos, estote mites, compatimini patientibus, suscipite infirmos; et in ista occasione multorum peregrinorum, egentium, laborantium, abundet hospitalitas vestra, abundent bona opera vestra. Quod iubet Christus, faciant Christiani.”

[20] OSA Const. 16.

[21] reg. I, 1 (PL 32:1378). “Primum, propter quod in unum estis congregati, ut unianimes habitetis in domo et sit vobis anima una et cor unum in deum.”

[22] en. Ps. 132.2 (CCL 40: 1927). “Primi audierunt, sed non soli audierunt. Non enim usque ad illos ista dilectio et unitas fratrum venit. Venit enim et ad posteros ista caritatis exsultatio.” Cf. c. litt. Pet. II, 104.238,239 (CSEL 52:152-55). Unless noted otherwise, all English references to Contra litteras Petiliani are here cited from The Letters of Petilian, the Donatist, in NPNF 4 (series one). All Latin citations will come from the following critical edition: CSEL 52.

[23] en. Ps. 132. 2 (CCL 40:1927). “Ista enim verba psalterii, iste dulcis sonus, ista suavis melodia, tam in cantico quam in intellect, etiam monasteria peperit.”

[24] s. 178.11 (PL 38:966) “Hanc scintillam boni amoris flate in vobis, nutrite in vobis: ipsa cum creverit, et flammam dignissimam et amplissimam fecerit.”

[25] Augustine, The Work of Monks, Trans. Sr. M. S. Muldowney, R.S.M. FOTC 14, Treatises on Various Subjects, (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1965), 323-394. De opera monachorum, XXV, 32 (CSEL 41:578-579). “Non quarens quae sua sunt, sed quae lesu Christi ad communis vitae se transtulit caritatem in eorum societate victurus, quibis est anima una et cor unum in deo, ita ut nemo dicat aliquid proprium, sed sint illis omnia communia.”

[26] reg. I, 8 (PL 32:1379). “cuius templa facti estis.”

[27] van Bavel, La communauté, 102.

[28] See: Io. eu. tr. 21.8 (CCL 36 :216). “Ergo gratulemur et agamus gratias, non solum nos christianos factos esse, sed Christum. Intellegitis, fratres, gratiam Dei super nos capitis? Admiramini, gaudete, Christus facti sumus.”

[29] Mặc dù chúng tôi đã nói rằng, trên thực tế, giáo huấn này là sự kết hợp của thần học, giáo hội học, linh đạo hay tâm linh và Kitô học, nhưng để cho có sự rõ ràng chúng tôi sẽ sử dụng hạn từ ‘linh đạo’ (spirituality) trong bài nghiên cứu này. Chúng tôi dựa vào thực tế rằng, đó là hạn từ mà T. van Bavel sử dụng để định nghĩa “ý tưởng” này của thánh Augustinô. See: T. van Bavel, “The Christus Totus Idea,” Augustinian Spirituality and the Charism of the Augustinians, (Villanova, PA: Augustinian Press, 1995), 59-70.

[30] 1 Cr 12,12-27.

[31] Cf. s. 46.37 (CCL 41:564). “Unum quemlibet ex Ecclesia, tamquam Ecclesiam Christus alloquitur.” See also: P. Agaësse, Introduction to, Commentaire de la Première Èpître de S. Jean, SC 75, (Paris : Les Éditions du Cerf, 1961), 91.

[32] Mt 25,41; T. van Bavel chứng thực có hơn 275 tham chiếu tới Tin mừng Mátthêu chương 25 trong các tác phẩm của thánh Augustinô. “The Double Face of Love in St. Augustine…”, 80.

[33] s. 137.2 (PL 38:755). “Videte enim, fratres, dilectionem ipsius capitis nostri. lam in caelo est, et hic laborat, quamdiu hic laborat Ecclesia. Hic Christus esurit, hic sitit, nudus est, hospes est, infirmatur, in carcere est. Quidquid enim hic patitur corpus eius, se dixit pati.”

[34] H. Marrou lưu ý rằng, trong các bài giảng của mình, nhất là trong Enarrationes in Psalmos, thánh Augustinô dùng kiểu nói Christus totus ít nhất là 200 lần, chưa kể hàng chục lần ám chỉ tới chủ đề này, và việc ông sử dụng cụm từ corpus Christi. See H. Marrou, Théologie de l’histoire, (Paris: Éditions du Seuil, 1968), 43. Cf. en. Ps. 17.2 (CCL 38 :94); 26.2.2 (CCL 38 :155); 30.2.1.3 (CCL38 :192); 54.3 (CCL 39 :656); 56.1,6 (CCL 39 :694, 698); 74.5 (CCL39 :1028); 100.3 (CCL 39 :1408); 132.7 (CCL 40 :1931); 138.2 (CCL 40 :1990).

[35] Cf. s. 341.1 (PL 39 :1493). “Dominus noster lesus Christus, fratres, quantum animadvertere potuimus Paginas sanctas, tribus modis intellegitur et nominatur, quando praedicatur, sive per Legem et Prophetas, sive per Epistulas apostolicas, sive per fidem rerum gestarum, quas in Evangelio cognoscimus. Primus modus est: secundum Deum et divinitatem illam Patri coaequalem atque coaeternam ante assumptionem carnis. Alter modus est: cum assumpta carne iam idem Deus qui homo, et idem homo qui Deus, secundum quamdam suae excellentiae proprietatem, qua non ceteris coaequatur hominibus, sed est mediator et caput Ecclesiae, esse legitur et intellegitur. Tertius modus est: quodam modo totus Christus, in plenitudine Ecclesiae, id est, caput et corpus, secundum plenitudinem perfecti cuiusdam viri, in quo viro singuli membra sumus.”

[36] ep. Io. tr. 10.3 (SC 75:414). “Cum enim se invicem amant membra, corpus se amat.”

[37] T. van Bavel, “The Double Face of Love…” 73.

[38] See: s. 133.8 (PL 38:742). “lam vero si nos ipsos attendamus, si corpus eius cogitemus, quia et nos ipse est. Nam etsi nos ipse non essemus, non esset verum: Cum uni ex minimis meis fecistis, mihi fecistis. Si nos ipse non essemus, non esset verum: Saule, Saule, quid me persequeris? Ergo et nos ipse, quia nos membra eius, quia nos corpus eius, quia ipse caput nostrum, quia totus Christus caput et corpus.” See also: Io. eu. tr. 108.5 (CCL 36: 617-18); Io. eu. tr. 111.6 (CCL 36:632-33).

[39] s. 272.1 (PL 38:1247). “Si ergo vos estis corpus Christi et membra, mysterium vestrum in mensa Dominica positum est: mysterium vestrum accipitis. Ad id quod estis, Amen respondetis, et respondendo subscribitis. Audis enim, Corpus Christi; et respondes, Amen. Esto membrum corporis Christi, ut verum sit Amen.”

[40] Cf: Io, Ev Tr 21.8 (CCL 36:216) “Christus facti sumus.”

[41] See s. 246.5 (PL 38:1156). “Est distinctio quia aliter Pater unigeniti Filii, aliter Pater noster. Illius Pater per naturam, noster per gratiam.”

[42] T. van Bavel, “The totus Christus Idea”, 64.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here