Lịch Sử Và Ý Nghĩa Lòng Tôn Kính Đức Maria Trong Tháng Năm

0
1681


Jos.Vinc. Ngọc Biển

 

Có lẽ, không một ai trên Đất Việt là người Công Giáo mà lại không biết đến tháng Năm là tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ. Thật vậy, sinh hoạt tôn giáo tại các Giáo xứ từ Bắc –Trung –Nam, cứ mỗi dịp tháng Năm về, ấy là lúc muôn con tim dạo rực hướng về Mẹ Maria như một ngọn hải đăng để tỏ lòng tôn kính, mến yêu.

Trong số vô vàn cách tỏ bày lòng tôn kính đối với Đức Mẹ nơi con dân Nước Việt, thì lòng đạo đức bình dân như: dâng hoa kính Mẹ; rước kiệu Mẹ; lần chuỗi Mân Côi; rồi những bài thánh ca hết sức dễ thương được cất lên để tôn vinh Mẹ là Nữ Hoàng Thiên Quốc.

Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào tháng Hoa. Tháng Hoa đối với Giáo Hội Công Giáo mang một ý nghĩa đặc biệt vì nó được dành riêng để tôn vinh Mẹ Chúa Trời.

Trước tiên, xin được khởi đi từ lịch sử của tháng Hoa, để thấy được diễn tiến của Giáo Hội trong việc sùng kính này.

1. Gốc tích tháng Hoa

Trong dịp đại lễ tuyên hiển thánh cho hai vị Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II vừa qua tại Roma, qua màn hình trực tiếp, chúng ta đều thấy thời tiết không còn lạnh lắm qua cách ăn mặc của người dân khắp nơi đổ về. Thời tiết lúc này ở Roma cũng giống như khí tiết của Việt Nam tại các vùng Bắc Bộ. Khí hậu lúc này không còn rét đậm, rét hại, cái rét mà nhiều người diễn tả: “rét cắt da cắt thịt”. Vì thế, cây cối trơ trụi và không phát triển là bao.

Từ những nét đặc trưng của khí hậu như thế, nên ngay từ những thế kỷ đầu, tại Roma, vào thời điểm này, người ta tôn kính sự thức giấc sau mùa Đông dài của thiên nhiên, bằng những cuộc rước linh đình để tôn kính Hoa là nữ thần của mùa Xuân.

Người tín hữu Kitô giáo thời điểm đó đã tôn giáo hóa ý nghĩa này và thánh hóa tập tục đó bằng cách rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng tốt tươi…

Ở nhiều nơi, người ta rước những cành lá có nụ, có hoa ở đầu cành, gọi là “rước xanh”. Những cành hoa, lá, được đưa về nhà thờ trang trí và nhất là nơi ngai tòa Đức Trinh Nữ Maria.

Đối với các nghệ nhân, họ đua nhau điêu khắc hay vẽ những bông hoa thật lộng lẫy để tôn lên vẻ đẹp kiều mỹ của Đức Maria trên các bức tranh hay trên vách tường…

Còn các nghệ sĩ thì sáng tác những bài hát mang đượm lòng tôn kính. Các bài giảng về Đức Maria cũng được biên soạn để cùng nhau sử dụng hầu bày tỏ lòng tôn kính.

Đến thế kỷ XIV, linh mục Henri Suzo, Dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng Năm, đã khởi xướng việc trang hoàng hoa muôn sắc chung quanh tượng Đức Maria.

Còn thánh Philip Neri, vào ngày 01 tháng 05, đã quy tụ các trẻ em lại quanh bàn thờ Đức Maria, và hướng dẫn các em dâng lên Đức Mẹ những bông hoa tươi sắc. Ngài cũng dâng lên Mẹ Maria những đóa hoa lòng còn trong trắng đơn sơ để Mẹ dìu dắt các em.

Sang thế kỷ thứ XVII, việc dâng hoa kính Đức Trinh Nữ Maria được cử hành trong toàn Dòng các nữ tu kín Clara. Mỗi chiều đều vang lên những bài hát kính Đức Mẹ. Từ đó, dần dần được lan rộng ra bên ngoài nơi các xứ đạo lân cận.

Đầu thế kỷ XIX, việc tôn kính Đức Mẹ được lan rộng nhiều nơi. Các nhà giảng thuyết đã có những bài giảng suất sắc về Đức Mẹ. Linh mục Chardon là người có công nhiều nhất trong việc phổ biến lòng đạo đức này. Thời điểm trên, lòng tôn kính Đức Mẹ được cử hành rầm rộ nhất là tại nước Pháp và một số quốc gia lân cận.

Các Đức Thánh Cha được coi là gắn bó đặc biệt với Đức Mẹ, đó là: Đức Thánh Cha Piô VII, đã cổ võ việc sùng kính Mẹ Maria vào tháng Năm; Đức Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức này; và đến thời Đức Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, đã thêm vào và có tính khuyến khích cao: “Việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo Hội công nhận và cổ võ”.

Đầu thế kỷ XX, Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ được Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành, trong đó có đoạn viết: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công Giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ”.[1]

Tháng 10 năm 2002, chuẩn bị mừng 25 năm Giáo Hoàng của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi đến mọi thành phần dân Chúa bức Tông thư “Kinh Rất Thánh Mân Côi” về Kinh Mân Côi, lặp lại xác tín và lòng yêu mến Đức Mẹ. Trong dịp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2003, ngài chỉ muốn nhắc lại xác tín này là “Hãy cùng với Đức Maria mà chiêm ngắm, bước theo và sinh Chúa Giêsu cho những người đồng thời với mình”.

Ngài cũng đã viết hai văn kiện lớn về Đức Mẹ:

– Thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Độ), công bố ngày 25.03.1987, để chuẩn bị Năm Thánh Mẫu, bắt đầu từ lễ Hiện Xuống năm 1987 và bế mạc ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời năm 1988.

– Tông thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi), công bố ngày 16.03.2002. Trong Tông thư này, ngài đã thêm Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng vào 15 Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi, và đồng thời công bố Năm Mân Côi (từ tháng 10.2002 đến tháng 10.2003).

Như thế, việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria không tách rời Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa, mà Đức Mẹ được ví như máng chuyển thông ơn sủng của Người xuống cho nhân loại.

Lược qua một chút về lịch sử tháng Hoa, cũng như những hướng dẫn về lòng tôn sùng Đức Mẹ, chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu thêm về ý nghĩa của tháng này.

2. Ý nghĩa của tháng Hoa

Mẹ Maria cũng được ví như Người Nữ tuyệt vời, đẹp nhất trong muôn ngàn phụ nữ; Mẹ đẹp tâm hồn, Mẹ đẹp thân xác. Vì thế, nơi những đóa hoa tỏa hương ngát thơm ngào ngạt, cũng được tượng trưng cho các nhân đức nơi Đức Nữ Trinh Maria; đồng thời, các sắc màu tươi thắm của những đóa hoa cũng tượng trưng cho Mẹ là Mẹ muôn loài khi đón nhận vai trò làm Mẹ Thiên Chúa.

Đức Maria còn được ví như Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa, mà hoa lại là vật được dùng để trang trí cho Hòm Bia Giao Ước thời Cựu Ước. Như thế, Đức Maria luôn ở bên Thiên Chúa, và hoa lại ở bên Mẹ…!

Hẳn chúng ta còn nhớ, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho Moses làm những nụ và cánh hoa để trang trí nơi cây đèn 7 ngọn đặt trước Hòm Bia Giao Ước. Hay như Salomon, ông đã ra lệnh cho nghệ nhân điêu khắc những cánh hoa bên trong và bên ngoài để trang trí nơi Cực Thánh trong đền thờ.

Bắt nguồn từ đó, hoa trong phụng vụ hay truyền thống của người Công Giáo luôn được coi trọng. Nó được dùng để trang hoàng cung thánh, bàn thờ hay để tỏ lòng tôn kính với các vị thánh, đặc biệt là Đức Maria. Tức là hoa được dùng vào vị trí trang trọng trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội.

Đức Maria được ví như bông hoa thơm ngát trước nhan thánh Thiên Chúa; nhưng trước đó, Mẹ cũng là những con người rất đỗi bình thường như bao người phụ nữ khác. Tuy nhiên, được Thiên Chúa tuyển chọn, và qua tiếng “Xin Vâng”, Đức Maria đã trở nên tuyệt mỹ hơn muôn ngàn phụ nữ. Mẹ đã trở nên đóa hoa thơm ngát trước Ngai Thiên Chúa. Mẹ đã trở nên đóa hoa độc nhất vô nhị của thế giới loài người. Tại sao lại như thế, thưa chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và như một sự tất yếu, Mẹ là Mẹ loài người.

Nhờ ơn Chúa, Mẹ đã trở nên đóa hoa kiệt tác như: ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn đồng trinh trọn đời, Mẹ Thiên Chúa, Hồn xác lên trời và Mẹ như “hoa hường mầu nhiệm vậy”.

3. Ý nghĩa của việc dâng Hoa kính Mẹ

Tại sao lại dâng hoa mà không dâng những thứ khác? Thưa! Rất đơn giản, vì hoa là thứ đẹp nhất trong mọi loài Chúa dựng nên, chẳng thế mà Đức Giêsu đã ví sự lộng lẫy, tươi đẹp của hoa còn hơn cả vua Salomon: “Chúng con hãy xem hoa huệ ngoài đồng. Chúng không canh cửa, không xe dệt, thế mà Thầy bảo cho chúng con biết, ngay cả Vua Salômôn dù vinh hoa tột bậc, cũng không thể mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (….).

Các nhà thờ thường hay tổ chức dâng hoa kính Mẹ, lúc này, mỗi màu hoa lại tượng trung cho một nỗi lòng của con cái muốn dâng lên Mẹ, hay ca ngợi một nhân đức nào đó của Mẹ. Như vậy, Hoa biểu trưng cho lòng Mẹ và cũng là biểu trưng của lòng con người:

– Hoa huệ trắng biểu trưng sự trong sạch khiết trinh nơi Mẹ;

– Hoa hồng diễn tả lòng mến nồng nàn mà Mẹ dành cho Chúa;

– Hoa lan toát lên sự trung thành, mạnh mẽ và can đảm nơi Mẹ;

– Hoa sen tượng trưng phó thác, đại lượng và cung kính nơi Mẹ;

– Hoa có màu tím tượng trung cho sự khiêm tốn…

Người Việt Nam chúng ta khi biết ơn ai, hoặc kính trọng ai, thường hay biểu cảm qua bó hoa hay bông hoa. Cũng vậy khi đón nhận được ơn lành từ Trên ban, người ta cũng dâng tạ bằng những bông hoa. Với người Công Giáo, những biến cố quan trọng trong đời sống đức tin như: khi Rửa tôi; Thêm Sức; lãnh nhận Hôn Phối; hay Truyền Chức thánh, người ta cũng tặng hoa cho những người được mừng, và ngay cả khi chết, người ta cũng biểu đạt bằng hoa trên quan tài, bên di ảnh hay nơi mộ phần. Hay khi gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật, khi hết bệnh, người ta cũng dâng hoa để tỏ làng biết ơn với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh,…

Riêng với Đức Mẹ, người dân Việt Nam có lòng sùng kính đặc biệt. Từ khắp nơi, mọi thành phần, lứa tuổi, đều hân hoan, nô nức dâng kính Mẹ những đóa hoa tươi thắm mối dịp tháng Năm về.

Tuy nhiên, hoa được dùng để qua đó, diễn tả hoa thiêng cõi lòng của con người. Hoa sẽ tàn phai, héo úa, lòng người cũng sẽ tàn phai và ủ rũ nếu không đón nhận được sứ điệp từ những việc đạo đức này.

Vì thế, điều quan trọng chính là tấm lòng chân thành, đơn sơ, yêu mến, phó thác, cậy trông của mỗi chúng ta dành nơi Mẹ. Như thế, nhờ những cách hoa lòng, chúng ta sẽ được nâng tâm hồn lên với Mẹ để Mẹ đón nhận và bầu chữa cho chúng ta. Thật vậy, không một ai có lòng tôn kính Mẹ mà mất ơn cứu rỗi bao giờ.

4. Lòng sùng kính Đức Mẹ đem lại hy vọng được sự sống đời đời

Công Đồng Vatican II đã khẳng định: “Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi Mẹ Maria tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà Mẹ đã kiên quyết giữ trọn cho đến bên Thập Giá. Đức Maria tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời… Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian”.[2]

Vì Mẹ Maria là Mẹ của Đầu thân thể mầu nhiệm Hội Thánh là chính Đức Giêsu và là “mẹ của nhân loại”,[3] và bởi Đấng Cứu Thế đã mang lấy đau khổ của mọi người, thì Đức Maria, Đấng đồng công cứu chuộc, đã chia sẻ hơn ai hết các hậu quả tai ác của tội lỗi nhân loại khi đảm nhận sứ mệnh làm Mẹ Đấng Cứu Thế: “Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2,35).

Tuy nhiên, vai trò Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian của Đức Trinh Nữ Maria phải gắn liền với Đức Giêsu, Đấng vốn dĩ là khởi nguyên và cùng đích của mọi điều thiện hảo.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng minh định: “Đức Trinh Nữ Maria được công nhận và tôn kính là Mẹ đích thực của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Chuộc… Mẹ cũng thật sự là ‘Mẹ các chi thể Chúa Kitô’… vì Mẹ đã cộng tác bằng đức ái của mình vào việc sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Đức Kitô là Đầu. Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, là Mẹ của Hội Thánh”.[4]

Việc sùng kính Đức Maria còn bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi vì: nhờ Người, với Người và trong Người, mọi vinh quang, danh dự đều quy về Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, những biểu hiện tỏ lòng tôn kính Mẹ Maria cần phải dẫn đến việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thế nên, mọi việc tôn sùng Đức Maria phải nhằm vào sự kết hợp trực tiếp với Đức Giêsu, thiếu yếu tố này, mọi việc kể như vô hiệu.

Qua những gì đã chia sẻ ở trên dựa trên Giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta có quyền tin tưởng sẽ được cứu độ khi tôn sùng Đức Maria cách chính đáng và hợp với ý định và trong chương trình của Thiên Chúa.

Về điểm này, thánh Alphonsus Maria de’ Liguori quả quyết: “Hết mọi ơn thánh ở trong Chúa Giêsu như nguồn mạch: nhưng do ý định mầu nhiệm và thương xót của Chúa, không một ơn nào ban xuống cho loài người mà không có Mẹ cầu xin cho. Hơn nữa, Mẹ Maria là Mẹ đầy tình thương, Mẹ chỉ có một sứ mạng, một chức vụ là thương xót: đến nỗi những tội nhân khốn nạn nhất, tuyệt vọng nhất là những người đầu tiên được Mẹ cứu, Mẹ dấu yêu, miễn là họ đừng bỏ mất thiện chí cải tạo mà tin tưởng chạy đến với Mẹ”. Thánh nhân còn kêu gọi các tội nhân bằng lời tha thiết này: “Bạn hãy yêu mến Mẹ Maria! Hãy cầu xin Mẹ, thì bạn sẽ được cứu rỗi”; “Chúng ta được rỗi là do Mẹ cầu bầu”; “Tôi tớ Mẹ không ai có thể hư mất đời đời”.

5. Những việc làm cụ thể tỏ lòng tôn sùng Đức Mẹ theo truyền thống Việt Nam

Bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người dân Việt Nam ngay từ lâu, đã có hình ảnh tốt đối với Đức Mẹ qua hình ảnh người mẹ trong đời thường.

Chắc rằng, đã có lần anh chị em nghe lời giới thiệu ngọt ngào, truyền cảm, đầy xúc động của ca sĩ Thanh Lan trong băng nhạc chủ đề “Quê hương”“Lòng Mẹ” như sau:

– “Mẹ là dòng suối dịu hiền”.

– “Mẹ là bóng mát trên cao”.

– “Mẹ là nguồn thương yêu bất tận”.

– “May mắn thay là những người còn mẹ”.

– “Mất mát thay là những người thiếu mẹ”.

– “Mỗi người chúng ta hãy dành một Bông Hồng cài áo Mẹ”.

– “Tất cả chúng ta đều trở nên bé nhỏ dưới ánh mắt, trong vòng tay và trong tình thương yêu bao la như biển cả của mẹ”.

– “Mẹ đã che chở cho chúng ta trong những vinh nhục của cuộc sống, qua những sóng gió của cuộc đời”.

Như vậy, lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta mang đậm nét kính trọng và mến yêu vì mang nặng tình mẫu tử. Qua hình ảnh người mẹ trần gian, thôi thúc chúng ta hướng về Mẹ trên trời. Thật vậy, trong cuộc sống, những lúc gặp khó khăn hay loạn lạc, nhiều người đã thuộc nằm lòng những ca vãn ngợi khen và cầu xin tha thiết như: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian…”; “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam…”; “Lạy Mẹ, xin yên ủi chúng con luôn luôn…”,v.v… rồi những kinh Kính Mừng, tràng chuỗi Mân Côi được đọc lên râm ran trong các thánh đường, nơi các gia đình, và trong mọi biến cố vui buồn, thành công hay thất bại,… Các cuộc cung nghinh linh đình, nhiều đền đài được mọc lên, nhiều nhà thờ được mang tước hiệu của Đức Maria. Những thói quen đó đã đem lại cho Giáo Hội Việt Nam một tinh thần sốt sắng, giàu đức tin, lòng mến và trung kiên giữ đạo dù trải qua trăm nghìn thử thách gian truân.

Tuy nhiên, việc sùng kính đó nhiều lúc đã làm cho không ít người xa lạ với đức tin, tức là họ đã nhìn nhận Đức Mẹ như là đấng Trung Gian tuyệt đối, mà quên mất rằng: “Mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô”.[5] “Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc”.[6]

Thiết nghĩ, nhân dịp này, mỗi chúng ta hãy nhìn lại việc sùng kính của mình dành cho Đức Mẹ, và nếu đang đi quá xa về cách thức biểu lộ niềm tin và cách tôn sùng Mẹ không đúng với Giáo Huấn của Giáo Hội, thì hãy chỉnh lại sao cho phù hợp, để lòng tôn sùng Đức Mẹ không mất đi hay xa lạ với Đức Tin Công Giáo mà lại làm cho đức tin được thêm khởi sắc và đúng như ý Chúa, ý Mẹ và Giáo Huấn của Giáo Hội mong muốn.

Vì thế, Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở: “Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta”.[7]

Mong sao, những việc tôn kính Đức Nữ Trinh Maria của anh chị em tín hữu chúng ta, không chỉ dừng lại ở khía cạnh bên ngoài, nhưng dẫn chúng ta đến việc noi gương Mẹ Maria để sống cho đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ đã sống, để sau cuộc đời này, chúng ta được cùng Đức Nữ Vương Maria ca ngợi Thiên Chúa không ngừng trên Thiên Quốc.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con người Mẹ tuyệt với là Đức Maria. Xin cho mỗi chúng con biết yêu mến Chúa như Mẹ, biết noi gương các nhân đức của Mẹ, để sau cuộc đời nay, chúng con cũng được vào Thiên Quốc dự tiệc vui bên Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, xin đón nhận muôn vàn ý nguyện của chúng con dâng lên Mẹ qua những đóa hoa muôn sắc màu, ước gì chúng con được đón nhận những ơn lành của Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ. Amen.

 

 

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Marialis Cultus (Sùng Kính Đức Maria), Ngày 02-02-1974, số 1.

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 62.

[3] x. Ibid., số 54.

[4] x. Catechismus Catholicae Ecclesiae, Ngày 25-06-1992. Bản việt ngữ: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin/HĐGMVN chuyển ngữ, Hà Nội, 2009, số 963.

[5] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 60.

[6] Catechismus Catholicae Ecclesiae, Ngày 25-06-1992. Bản việt ngữ: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin/HĐGMVN chuyển ngữ, Hà Nội, 2009, số 970.

[7] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 67.