Lịch sử Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh

0
1143

Miren Junkal Guevara Llaguno

Bài này ôn lại lịch sử của thể chế này, nhìn lại các văn kiện cũng như nhận định về đường hướng. Tác giả là giáo sư phân khoa thần học Granada (Tây ban nha). Nguồn: La Historia de la Pontificia Comisión Bíblica. Un Signo De Los Tiempos. In: Proyección 228 (2008) 71-87.

1. Nguồn gốc của thể chế

2. Sự phát triển của thể chế

2.1 Giai đoạn thứ nhất: từ khi thành lập năm 1902 đến lúc cải tổ năm 1971

2.1.1 Triều giáo hoàng Piô X

2.1.2 Triều giáo hoàng Bênêđictô XV

2.1.3 Triều giáo hoàng Piô XI

2.1.4 Triều giáo hoàng Piô XII

2.1.5 Triều giáo hoàng Gioan XXIII

2.2 Giai đoạn thứ hai: từ lúc cải tổ năm 1971

2.2.1 Triều giáo hoàng Phaolô VI

2.2.2 Triều giáo hoàng Gioan Phaolô II

2.2.3 Triều giáo hoàng Bêneđictô XVI

3. Lượng định: vai trò của thể chế theo dòng thời gian

3.1 Trong giai đoạn thứ nhất

3.2 Trong giai đoạn thứ hai

4. Vài viễn tượng cho tương lai

Chữ viết tắt: DH (Denzinger-Hunermann, Enchiridion symbolorum …). EB (Enchiridion Biblicum). KT (Kinh thánh). PCB (Pontificia Commissio Biblica): Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh. PIB (Pontificium Institutum Biblicum): Giáo hoàng Học viện về Thánh Kinh

1. Nguồn gốc của thể chế

Thể chế mang tên là Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh (PCB) được ĐTC Lêô XIII thành lập ngày 30/10/1902 do tông thư Vigilantiae studiique[1], với mục đích (hơi khái quát)[2] là “cổ vũ việc nghiên cứu Thánh Kinh, bảo vệ Lời Chúa không những khỏi những sai lầm mà còn khỏi bất cứ ý kiến nào lệch lạc”. Sự ra đời của thể chế này được gắn liền với thông điệp Providentissimus Deus năm 1893.

Ủy ban được tổ chức giống như các Thánh Bộ của giáo triều, và được coi như một cơ quan của Huấn quyền, với thành phần gồm các hồng y và các cố vấn. Ủy ban đầu tiên gồm các thành viên hồng y là Rampolla, Parocchi, Satolli, Segna, Vives y Tutó; cùng với 41 chuyên viên làm cố vấn trong số đó có M. -J. Lagrange, F. von Hummelauer và F. Prat. Hình như vào lúc đầu, người ta muốn dùng Revue Biblique[3] làm cơ quan chính thức của Uỷ ban, nhưng từ năm 1909 trở đi, các văn kiện của Ủy ban được đăng trên Acta Apostolicae Sedis.

Về sau, ĐTC Piô X, qua tự sắc Praestantia scripturae sacrae, đã giải thích ý định của vị tiền nhiệm như thế này:

“Và để phòng ngừa nguy cơ gây ra do sự bành trướng những ý kiến nông nổi và lệch lạc, vị tiền nhiệm của tôi, qua tông thư Vigilantiae studiique memores, ngày 30 tháng 10 năm 1902, đã thiết lập Hội đồng hoặc Ủy ban Giáo hoàng về các vấn đề KT, gồm bởi vài Hồng y lỗi lạc về đạo lý và khôn ngoan, thêm vào đó là các cố vấn, gồm bởi những linh mục thành thạo về thần học và KT thuộc các quốc gia khác nhau, với những phương pháp và khuynh hướng khác nhau trong việc giải thích. Với Hội đồng này. Đức thánh cha nhắm tới cơ quan thích hợp với thời đại, ngõ hầu có cơ hội đề nghị, học hỏi và thảo luận về bất cứ ý kiến nào cách tự do, và, theo như tông thư ấy, các vị hồng y sẽ không đưa ra một phán quyết nào trước khi hiểu rõ và nghiên cứu các luận chứng về cả hai phía, và không được bỏ qua bất cứ điều gì có thể làm sáng tỏ thực chất của các vấn đề KT được đề ra. Các phán quyết phải đệ trình Giáo hoàng và chỉ được phổ biến sau khi đã được phê chuẩn”.

Ngoài ra, trong tông thư Scripturae Sanctae [4] ngày 23/2/1904, Đức Piô X khẳng định rằng vị tiền nhiệm đã có ý quy định một tiến trình đào tạo nhiều giáo sư được huấn luyện kỹ lưỡng về đạo lý, để có khả năng giải thích sách thánh theo nhãn giới công giáo, và vì thế, xét thấy cần thiết lập tại Rôma một trung tâm học vấn cao cấp với đầy đủ giáo sư và những phương tiện thích hợp để khảo cứu KT. Một cách nào đó, đức Piô X đã tìm cách nói rõ hơn điều mà đức Lêô XIII ước muốn trong tông thư Vigilantiae studiique. Đức Piô X muốn thiết lập một thể chế khác biệt với PCB, với mục đích đào tạo các giáo sư KT, nhưng vẫn dành quyền cho PCB được cấp bằng tiến sĩ KT. Thể chế này, mang tên là Giáo hoàng Học viện TK (Pontificium Institutum Biblicum PIB), được thành lập tại Roma ngày 7/5/1909 qua tông thư Vinea electa. Vào lúc đầu PIB chuẩn bị các sinh viên ra thi lấy bằng cấp của PCB, nhưng với tông thư Cum Biblia sacra (ngày 15/8/1916), PIB được phép cấp bằng cử nhân (Licentia) nhân danh PCB. Sau này, dưới triều Đức Piô XI, qua tự sắc Quod maxime (ngày 30/9/1928), quyết định cho PIB được hoàn toàn tự lập khỏi PCB về khía cạnh hàn lâm, và PIB có quyền cấp bằng tiến sĩ KT.

2 Sự phát triển của thể chế

Mặc dù Cha K. Stock, trong bài thuyết trình tuyệt vời về lịch sử của PCB[5], đã phân chia sự phát triển thành ba chặng, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, trước tiên, nên ghi nhận hai giai đoạn của Ủy ban, thứ nhất là lúc thành lập và thứ hai là lúc cải tổ dưới thời Đức Phaolô VI; kế đó, chúng tôi xin trình bày công việc của PCB dựa theo thứ tự các triều giáo hoàng; nhờ thế, sẽ dễ đưa ra nhận định về ảnh hưởng của mỗi triều giáo hoàng vào sự tiến triển của thể chế này.

2.1. Giai đoạn thứ nhất: từ khi thành lập năm 1902 đến lúc cải tổ năm 1971.

2.1.1 Triều giáo hoàng Piô X (4/8/1903 – 30/8/1914)

PCB đã ban hành các văn kiện sau đây:

23.06.1905      Các trích dẫn mặc định trong KT (DH 3372)

23.06.1906      Những đoạn văn của riêng KT có vẻ mang tính lịch sử (DH 3373)

27.06.1906      Ông Môsê đích thực là tác giả Ngũ Kinh (DH 3394-3397)

29.05.1907      Về Tin mừng thứ bốn (DH 3398-3400)

28.06.1908      Tính chất và tác giả sách Isaia (DH 3505-3509)

30.06.1909      Tính lịch sử của ba chương đầu sách Sáng thế (DH 3512-3519)

01.05.1910      Tác giả và thời gian soạn thảo các thánh vịnh (DH 3521-3528)

19.06.1911      Các câu hỏi về Tin mừng Matthêu (DH 3561-3567)

26.06.1912      Các câu hỏi về Tin mừng Marcô và Luca (DH 3568-3576)

26.06.1912      Vấn đề Nhất lãm (DH 3577-3578)

12.06.1913      Các câu hỏi về sách Tông đồ công vụ (DH 3581-3586)

12.06.1913      Các câu hỏi về các thư mục vụ của tông đồ Phaolô (DH 3587- 3590)

24.06.1914      Thư gửi Híp-ri (DH 3591-3593)

2.1.2    Triều giáo hoàng Bêneđictô XV (3/9/1914 – 22/1/1922)

Dưới triều giáo hoàng này, PCB chỉ ban hành một văn kiện ngày 18/6/1915, Ngày Chúa quang lâm trong các thư thánh tông đồ Phaolô (DH 3628-3630).

Để lượng định, cần nhắc lại rằng Đức Bênêđictô XV là tác giả thông điệp Spiritus paraclitus (ngày 15/9/1920), về việc giải thích KT, trong đó có đoạn viết như sau:

“Chúng tôi tán thành dự định của những người vì muốn cho chính mình và kẻ khác thoát khỏi các vấn nạn của bản văn đã dựa vào tất cả các dữ kiện của khoa học và khóa phê bình, để tìm ra những đường hướng và những phương tiện mới nhằm giải quyết, nhưng họ sai lầm một cách thảm hại nếu họ lơ là với các chỉ thị của vị tiền nhiệm chúng tôi và vượt qua những ranh giới nhất định và những giới hạn do các Giáo phụ lập ra […] Giữa các chỉ thị và giới hạn này có cái ý kiến của những tác giả gần với thời chúng ta hơn, những người đưa vào việc phân biệt giữa một yếu tố thứ yếu hay phàm tục trong KT, và qua đó có ý hiểu rằng linh hứng bao hàm tất cả các câu, thậm chí tất cả các chữ của các sách KT, nhưng lại khép lại và giới hạn công hiệu của linh hứng, trước hết là sự miễn nhiễm sai lầm và tính chân thật tuyệt đối, cho yếu tố uyên nguyên hay tôn giáo. Quả vậy, theo họ thì chỉ những gì liên quan đến tôn giáo là được Thiên Chúa nhắm tới và dạy bảo; phần còn lại thuộc lãnh vực của các môn đời và được dùng như thể chiếc áo mặc vào chân lý thánh thiêng thì chỉ được Thiên Chúa cho phép mà thôi và được để lại cho sự yếu kém của người viết” (DH 3652).

Dưới triều giáo hoàng này cũng được ban hành đoản dụ Cum Biblia sacra[6] (ngày 15/8/1916), thu thập vài quy chuẩn dành cho PIB, và công cuộc của PCB duyệt lại bản dịch Vulgata [7]  .

2.1.3 Triều giáo hoàng Piô XI (6/2/1922 – 10/2/1939)

01.07.1933      Minh giải sai lệch về hai đoạn KT (DH 3750-3751)

27.02.1934      Luận phi tác phẩm “Die Einwanderung Israels in Kanaan” (AAS 26 (1934) 130)

30.04.1934      Về việc sử dụng bản dịch KT trong nhà thờ (AAS 35 (1943) 270)

Tự sắc Bibliorum scientiam[8] (27/4/1924) về việc giảng dạy KT. Tự sắc Inde ab initio pontificatu (27/9/1927), về những biện pháp để kiểm duyệt các sách về KT và thánh khoa. Sắc lệnh De usu versionum Sacrae Scripturae[9] (30/4/1934), trả lời cho một tham vấn về việc có thể sử dụng trong phụng vụ những bản văn khác với bản Vulgata.

Dưới triều giáo hoàng này, Ủy ban xuất bản cuốn Enchiridion Biblicum[10] thu thập tất cả văn kiện huấn quyền liên quan đến KT[11].

2.1.4 Triều giáo hoàng Piô XII (2/3/1939 – 9/10/1958)

Dưới triều giáo hoàng này, PCB đã ban hành những văn kiện sau đây:

16.07.1939 Các kỳ thi tiến sĩ (AAS 31 (1939) 320).

20.08.1941 Thư gửi các giám mục Ý (DH 3792-3796).

06.07.1942 Các kỳ thi cử nhân (AAS 34 (1942) 232).

22.08.1943 Việc dịch KT ra các sinh ngữ (AAS 35 (1943) 270).

22.10.1947      Việc sử dụng bộ thánh vịnh mới bằng tiếng latinh ngoài các giờ kinh phụng vụ (AAS 39 (1947) 508).

16.01.1948      Thư của Thư ký PCB gửi Tổng giám mục París về Những nguồn của Ngũ Kinh và giá trị lịch sử của các chương 1-11 của sách Sáng thế (DH 3862-3864).

13.05.1950 Việc giảng dạy KT trong các chủng viện và học viện (AAS 42 (1950) 495-505).

09.06.1953 Về quyển sách «Die Psalmen» của Bernard Bonkamp (AAS 45 (1953) 432).

15.12.1955 Về các hiệp hội và hội nghị KT (AAS 48 (1956) 61-64).

Để lượng định các văn kiện này, cần phải biết những bản văn và quyết định khác liên quan đến các vấn đề KT được ban hành dưới triều Đức Piô XII. Vì vậy, cần phải lưu ý đến thông điệp Divino Afflante Spriritu (ngày 30/9/1943) và việc tái bản Enchiridion Biblicum[12] tạo cơ hội cho một dư luận theo đó PCB không hề có ý định hạn chế quyền tự do truy tầm, bất chấp những giải đáp trước đây của Ủy ban này” [13].

2.1.5 Triều giáo hoàng Gioan XXIII (28/10/1958 – 3/6/1963)

21.04.1964 “Sancta Mater Ecclesia”: Sự thật lịch sử của các Phúc âm (DH 4402).

2.2 Giai đoạn hai: từ cuộc cải tổ 1971 cho đến nay

2.2.1 Triều giáo hoàng Phaolô VI (21/6/1963 – 6/8/1978)

Trong số những cuộc cải tổ sau công đồng Vaticanô II, Đức Phaolô VI đã xúc tiến việc cải tổ PCB. Với tự sắc Sedula cura (ngày 27/6/1971)[14] ngài thiết lập một luật mới để định chế này trở nên hữu hiệu hơn và phù hợp với thời đại hơn.

“Vì muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho sự tiến triển đạo lý lành mạnh trong lãnh vực KT, để bảo vệ việc giải thích KT khỏi những ý kiến liều lĩnh, và để phối kết sự hợp tác giữa các nhà chú giải và các nhà thần học với Tòa Thánh và với nhau, chúng tôi nghĩ rằng cần phải quan tâm đặc biệt đến PCB […] Tuy nhiên, ngõ hầu Giáo hội thu lượm được nhiều hoa trái phong phú hơn, chúng tôi nghĩ rằng không có gì thuận tiện hơn là cấu trúc Ủy ban này với những quy chuẩn mới và thích thời hơn, để ủy ban có thể tiếp tục thực thi bổn phận dễ dàng hơn và phù hợp với những nhu cầu không ngừng gia tăng của xã hội Kitô giáo liên quan đến  thủ tục hành động, đề nghị và giải quyết các vấn đề bổ nhiệm, tuyển chọn các thành viên của Ủy ban này”.

Ủy ban KT được liên kết với Bộ Giáo lý Đức tin, và vị Bộ trưởng sẽ là chủ tịch của ủy ban. Các thành viên không còn là những hồng y và các cố vấn nữa, nhưng là những chuyên viên về KT, thuộc nhiều quốc gia và học viện khác nhau, và con số này không quá hai mươi người. Các thành viên được Đức thánh cha bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, và có thể tái nhiệm. Các thành viên sẽ có một phiên họp khoáng đại hằng năm.

Bởi vì các Hồng y không còn là thành viên của ủy ban nữa, cho nên cơ quan này không còn giữ chức năng huấn quyền mà chỉ là một cơ quan tư vấn, gồm các chuyên viên trên khắp thế giới. Thông thường các thành viên phân tán khắp nơi, cho nên theo tự sắc, họ chỉ gặp nhau mỗi năm một tuần lễ, thường là vào tháng 4. Trong thời gian giữa các phiên họp khoáng đại, một ủy ban thường trực – do các thành viên bầu chọn – sẽ gặp nhau thường xuyên để tổ chức công việc.

Phiên họp đầu tiên của PCB canh tân đã diễn ra vào năm 1974, và duyệt lại chương trình thi cử để lấy các bằng cấp. Ngày 7 tháng 12, một chương trình được ban hành Ratio periclitandae doctrinae ad academicos gradus candidatorum[15] (Chương trình thi để lãnh các bằng cấp KT).

Trong hai năm kế tiếp, PCB nghiên cứu về điều kiện phụ nữ trong KT, và nói cụ thể hơn nữa, về vai trò của phụ nữ trong xã hội và trong hoạt động tôn giáo theo KT. Sau đó, Đức Phaolô VI yêu cầu nghiên cứu về việc Tân ước có mở cửa cho phụ nữ lãnh chức tư tế thừa tác hay không. Các kết luận không được công bố. Điều này cũng xảy ra cho cuộc nghiên cứu về việc sử dụng KT trong các tác phẩm viết về thần học giải phóng.

2.2.2 Triều giáo hoàng Gioan Phaolô II (16/10/1978 — 2/4/2005)

Năm 1979, PCB nghiên cứu đề tài hội nhập văn hóa của KT. Kết quả được xuất bản thành một tập sách tựa đề “Đức tin và văn hóa dưới ánh sáng của KT” kèm theo diễn từ của Đức Thánh Cha đọc trong buổi tiếp kiến dành cho các thành viên sau phiên họp khoáng đại[16].

Đề tài nghiên cứu năm 1980 là “Các vấn đề thông diễn và Kitô-luận”, Sau ba năm làm việc, một văn kiện được xuất bản mang tựa đề “De Sacra Scriptura et christologia” (Kinh thánh và Kitô luận”[17].

Từ năm 1985 đến 1988, PCB thảo luận về đề tài tương quan giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội phổ quát, cũng như vấn đề hiệp nhất của Dân Chúa. Kết quả được công bố ngày 11 tháng 4 năm 1988, qua văn kiện “L’unité et la diversité dans l’Église” (Hiệp nhất và đa dạng trong Hội thánh)[18].

Năm 1989 đề tài “Việc giải thích KT trong Giáo hội” được đem ra nghiên cứu. Sựa lựa chọn này một đàng mang tính cách mục vụ, đàng khác để kỷ niệm 100 năm thông điệp Providentissimus Deus và 50 năm thông điệp Divino Afflante Spiritu. Công cuộc này kéo dài cho đến năm 1995, khi PCB xuất bản văn kiện “Việc giải thích KT trong Giáo hội”, nhằm vạch ra những hướng đi ngõ hầu giải thích KT phù hợp với đặc tính vừa nhân vừa thiên linh[19].

Từ năm 1994 đến 1996 PCB nghiên cứu đề tài tính cách phổ độ của Đức Kitô và sự khác biệt giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, các thành quả không được công bố thành văn kiện.

Kể từ năm 1997, PCB bắt đầu việc nghiên cứu về tương quan giữa Tân ước và Cựu ước, giữa các tín hữu đạo Kitô và đạo Do thái. Công trình kết thúc vào khóa họp năm 2000, và vào tháng 11 năm 2001, một văn kiện được phát hành bằng nhiều ngôn ngữ, dưới tựa đề “Le peuple Juif et ses Saintes Ecritures dans la Bible chrétienne[20].

Sau đó, PCB bắt tay vào việc học hỏi về tương quan giữa Kinh thánh và Luân lý. Kết quả được công bố qua văn kiện “Kinh thánh và luân lý. Những nền tảng KT của hành động Kitô hữu” (11/5/2008).

Ngày 4 tháng 3 năm 2003, định chế này lên 100 tuổi. Biến cố này được mừng trong một buổi cử hành hàn lâm diễn ra tại Học viện Augustinianum ngày 2 tháng 3. Các bài thuyết trình được in thành một tập sách[21], trong đó có bài của Klemens Stock, thư ký của Ủy ban, ôn lại lịch sử của cơ quan, được bổ túc bằng những chia sẻ cảm nghiệm cá nhân của H. Cazelles và A. Vanhoye — thư ký của ủy ban trong những nhiệm kỳ trước. Hồ sơ cũng bao gồm bài thuyết trình của vị chủ tịch là Hồng y J. Ratzinger về “Tương quan giữa Huấn quyền và việc chú giải KT trong vòng 100 năm qua”. Độc giả cũng có thể tìm thấy danh mục các văn kiện của PCB và danh sách các thành viên kể từ khi được cải tổ năm 1972.

2.2.3 Triều giáo hoàng Bênêđictô XVI (19/4/2005 – 2/2013)

(Chú thích của người dịch: tác giả kết thúc bài này vào năm 2008, lúc ấy vừa bắt đầu triều của ĐTC Bênêđictô XVI, nguyên chủ tịch của PCB, vì thế chưa có nhiều thông tin. Chúng tôi xin bổ túc với những dữ kiện lấy từ trang mạng của PCB:

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/pcb_documents/rc_con_cfaith_pro_14071997_pcbible_it.html

Năm 2008 không có phiên họp khoáng đại vì đang thay đổi các thành viên. Từ năm 2009, Ủy ban bắt đầu nghiên cứu đề tài “Linh hứng và chân lý của KT”. Sau năm khóa họp, kết quả được công bố qua văn kiện tựa đề “Ơn linh hứng và chân lý trong KT. Lời đến từ Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa để cứu độ thế gian” (ngày 22/2/2014), dưới triều giáo hoàng Phanxicô.

Năm 2014 không có phiên họp khoáng đại vì đang thay đổi các thành viên. Từ năm 2015, Ủy ban bắt đầu nghiên cứu “Các chủ đề nhân học trong KT”.

3. Lượng định. Vai trò của thể chế theo dòng thời gian

3.1 Trong giai đoạn thứ nhất

Khi quan sát các dữ kiện, chúng ta có thể giải thích rằng tiến trình phát triển của PCB cũng song song với việc nghiên cứu thần học trong thế kỷ XX.

Giai đoạn thứ nhất (kể từ khi ra đời cho đến công đồng Vaticanô II) bắt đầu vào thời điểm đang nổi cộm điều mang tên là “cuộc khủng hoảng của nhóm Tân thời” (crise moderniste), và hệ quả của nó là thuyết duy lý trí (rationalisme) và duy lịch sử (historicisme). Đó là thời của các giáo hoàng Piô X, Bênêđictô XV và Píô XI. Phản ứng của Huấn quyền mang đặc điểm là “tập trung mọi nỗ lực để đề phòng nguy cơ bành trướng việc truyền bá những ý kiến nông nổi và lệch lạc”[22]. Nhằm phục vụ cho chiến lược đó, Tòa Thánh thiết lập trước hết là PCB, kế đến là PIB, ngõ hầu bảo đảm việc đào tạo các giáo sư chân chính về KT cũng như một thẩm quyền “tài phán” để xét những sai lầm hoặc nghi vấn được đặt ra trong việc nghiên cứu KT. Vai trò giám sát việc nghiên cứu KT được đặc biệt đề cao trong thông điệp Providentissimus Deus. Đây là một mục tiêu hộ giáo: hiểu biết để đề phòng. Bầu khí chung của thời bấy giờ là phòng thủ, và có người ví sứ mạng của PCB lúc ấy giống như làm “chó săn”[23]. Trên thực tế, triều giáo hoàng Piô X được xem như điển hình cho thái độ ấy. Trong khoảng thời gian từ 1905 đến 1914, PCB đã đưa ra 13 giải đáp cho các vấn nạn; Đức thánh cha viết một thông điệp và ban hành bốn tự sắc liên quan đến việc nghiên cứu KT; bộ Thánh vụ (nay là Giáo lý đức tin) ban hành một sắc lệnh. Nếu phân tích các bản văn của PCB, chúng ta nhận thấy rằng, thứ nhất, thể chế này được coi như thẩm quyền hợp pháp để xác nhận các tuyên bố liên quan đến việc học hỏi KT là đúng hay sai. Vì thế, công thức mặc định để đặt câu hỏi là “có được phép”, “có thể chấp nhận rằng” … và câu trả lời rất ngắn gọn “Affirmative” hoặc “Negative” (Được / Không được). Quan điểm này được giải thích trong tự sắc Praestantia Scripturae” của Đức Piô X (ngày 18/11/1907), tuyên bố rằng các ý kiến của PCB bó buộc theo lương tâm (DH 3503).

“Chúng tôi thấy rằng phải tuyên bố và ra lệnh, như chúng tôi đang tuyên bố và ra lệnh một cách rõ ràng, là mọi người không trừ ai, đều buộc phải tuân phục, theo lương tâm, các quyết định của PCB, cả các quyết định đã ban hành lẫn các quyết định sẽ ban hành, theo cùng một cách mà người ta phải tuân phục các sắc lệnh của các Thánh Bộ liên quan đến các vấn đề đạo lý đã được Đức Giáo hoàng phê chuẩn; và tất cả những ai bằng lời nói hay bằng văn bản đả phá các quyết định sẽ không tránh bị đánh dấu là bất tuân và liều lĩnh; và sẽ mắc lỗi nặng nề, đừng kể gương mù mà họ có thể gây ra và những trách nhiệm mà họ có thể gánh lấy trước mặt Thiên Chúa vì những lời lẽ bất đồng thường là liều lĩnh và lệch lạc”.

Ngoài ra, khi phân tích các câu hỏi tham vấn, chúng ta thấy rằng vấn đề căn bản đặt ra cho PCB trong giai đoạn thứ nhất thường liên quan đến môn phê bình, đặc biệt là phê bình lịch sử: phải chăng ông Môsê là tác giả Ngũ Kinh, các tác giả sách thánh, vấn đề nhất lãm, các thể văn.

Đó cũng là những mối bận tâm của ĐTC Piô X, như ta đọc thấy trong các văn kiện Huấn quyền liên quan đến KT, hoặc trong những cơ quan khác của Tòa Thánh. Thiết tưởng nên ôn lại các văn kiện ấy theo thứ tự thời gian, khởi đầu bằng sắc lệnh Lamentabili của Bộ Thánh vụ ngày 3/6/1907 về những sai lầm của thuyết Tân thời (DH 3401-3466); thông điệp Pascendi ngày 8/9/1907 (DH 3475-3500); tự sắc Praestantia scripturae sacrae (DH 3503), tự sắc Quoniam in re bíblica[24], tông thư ngày 27/3/1906 về việc dạy KT trong các chủng viện; tự sắc Illibatae[25] ngày 29/6/1910, về lời thề của các tiến sĩ KT, sửa đổi[26] bản văn của tự sắc Praestantia scripturae sacrae. Sau cùng là tự sắc Sacrorum antistitum về những sai lầm của thuyết Tân thời kèm theo lời thề chống lại thuyết ấy, trong đó có đoạn viết như sau:

“Tôi cũng bác bỏ phương pháp phán đoán và giải thích đã khinh thường Truyền thống của Giáo hội, loại suy đức tin và các chuẩn mực của Tông Tòa, lại đi gắn bó với những điều bịa đặt của phe duy lý và tiếp nhận một cách bừa bãi và táo bạo phê bình bản văn làm quy tắc duy nhất và tối thượng. Ngoài ra, tôi cũng vứt bỏ ý kiến của những kẻ cho rằng người dạy môn lịch sử thần học hoặc tác giả viết về các vấn đề này trước tiên phải gác qua mọi tiên kiến liên quan đến nguồn gốc siêu nhiên của truyền thống công giáo hay liên quan đến ơn trợ giúp Thiên Chúa đã hứa để vĩnh viễn bảo toàn từng chân lý mặc khải một, rồi nói rằng các bài viết của các Giáo phụ phải được Minh giải, bằng cách loại bỏ mọi thẩm quyền thánh thiêng mà chỉ dùng các nguyên lý khoa học mà thôi, với sự tự do phê bình vốn quen dùng khi nghiên cứu bất cứ tài liệu phàm tục nào” (DH 3547).

Tất cả những văn kiện này chi phối không chỉ các vấn đề được nêu lên cho PCB mà còn những vấn đề khác, chẳng hạn như: ơn linh hứng, chân lý của KT, mặc khải (là những tiền đề mà các nhà chú giải ngoài công giáo đặt nghi vấn), như chúng ta có thể đọc thấy trong thông điệp Pascendi, về học thuyết của thuyết Tân thời:

“21. Nếu chúng ta quan niệm KT theo thuyết bất khả tri, nghĩa là một tác phẩm phàm nhân do con người viết ra cho con người, mặc dù họ cho phép nhà thần học gọi nó là thần linh do tính nội tại, thì thử hỏi còn gì là ơn linh hứng nữa? Thực ra thuyết Tân thời chấp nhận ơn linh hứng phổ quát của các sách thánh, nhưng họ không chịu chấp nhận linh hứng theo nghĩa công giáo”.

Sắc lệnh Lamentabili mô tả sự sai lạc của thuyết Tân thời về ơn linh hứng như thế này:

“10. Tính linh hứng của các sách Cựu ước hệ tại các văn sĩ Israel truyền lại các quan niệm tôn giáo theo một quan điểm mà dân ngoại ít được biết hay không được biết.

11. Tính linh hứng không bao trùm toàn bộ KT đến độ tất cả các phần và từng phần được tránh khỏi mọi sai lầm.

12. Nhà chú giải mà muốn nghiên cứu KT một cách hữu ích thì trước hết phải loại ra ngoài mọi tiên kiến về nguồn gốc siêu nhiên của KT và không được minh giải KT một cách khác với các tài liệu khác của người đời.”

Sắc lệnh Lamentabili cũng quan tâm đến các vấn đề tác giả, tính lịch sử của KT giống như PCB:

“13. Các dụ ngôn Tin mừng đã được chính các tác giả Tin mừng và những người Kitô hữu thế hệ hai và ba khéo léo dàn dựng và bằng cách đó họ đã lý giải kết quả eo hẹp của công cuộc rao giảng của Đức Kitô giữa những người Do thái.

14. Trong nhiều bản tường thuật, các tác giả Tin mừng không kể lại sự thật cho bằng những điều mà dù là sai họ coi là hữu ích hơn cho người đọc.

15. Các Tin mừng đã không ngừng được bổ sung và sửa chữa mà tăng lên cho đến khi quy điển KT được xác định dứt điểm; từ đó chỉ còn lại vết tích mỏng manh thiếu chính xác của giáo huấn Đức Kitô.

16. Các bản tường thuật của Gioan, nói cho đúng, không phải là lịch sử mà là một cách chiêm niệm huyền nhiệm Tin mừng, các diễn từ nằm trong Tin mừng này là những bài suy niệm về mầu nhiệm cứu độ, thiếu hẳn sự thật lịch sử.

17. Tin mừng thứ bốn đã phóng đại các phép lạ, không những để chúng có vẻ lạ thường hơn, mà còn để chúng nói lên một cách công hiệu hơn công trình và vinh quang của Ngôi Lời Nhập thể.

18. Thánh Gioan đòi người ta dành cho mình tư cách chứng nhân của Đức Kitô; thật ra ông chỉ là một chứng nhân về đời sống Kitô hữu hày về đời sống của Đức Kitô trong Giáo hội vào cuối thế kỷ I”.

Chúng ta đừng quên rằng, dưới triều của Đức Piô X, như đã nói trong phần dẫn nhập, nhiều văn kiện được ban hành lúc thành lập PIB, để xác định rõ hơn vai trò của PCB: cơ quan này không còn là một cơ quan hàn lâm nhưng là một cơ quan xét xử các điều sai lầm liên quan đến KT mà có thể được truyền bá qua việc dạy học, sách báo, giảng thuyết.

Triều giáo hoàng Piô XII đã đánh dấu một sự thay đổi sâu xa trong hướng đi của PCB qua các văn kiện được ban hành. Trước hết, không còn hình thức giải đáp cho các nghi vấn (“có được phép”, “có thể chấp nhận”), như trước đây; bây giờ là những lá thư giải đáp cho những vấn đề được nêu lên bởi các giám mục (Ý, Paris). Ngoài ra, đã có sự thay đổi giáo huấn liên quan đến lịch sử tính của các sách Tin mừng hoặc của 11 chương đầu sách Sáng thế, và việc sử dụng các bản dịch sinh ngữ.  Một bằng cớ của sự thay đổi dưới triều giáo hoàng này là những lời chú giải được phổ biến sau khi phát hành ấn bản mới của Enchiridion Biblicum năm 1954. Trong một bài báo viết vào năm 1960, M. Nicolau đã trình bày ý kiến như sau:

“Về thái độ hiện thời của PCB, người ta đã phân biệt hai hạng sắc lệnh: những sắc lệnh liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến đức tin và phong hóa; những sắc lệnh khác không liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến đức tin và phong hóa. Đối với hạng thứ hai này, theo như PCB, không nên hạn chế sự tự do chính đáng trong việc nghiên cứu, tuy dù chúng vẫn được duy trì trong Enchiridion Biblicum như chứng tích lịch sử cho mối quan tâm của Giáo hội. Những câu hỏi như thế vẫn được tiếp tục nghiên cứu, chẳng hạn như tác giả và thể văn của Sách Thánh”[27].

Dưới triều giáo hoàng Gioan XXIII, sự chuyển hướng của PCB đã rõ rệt, tuy dù hoạt động bị đình chỉ vì lý do Công đồng Vaticanô II đã được triệu tập.

3.2 Trong giai đoạn thứ hai

Cuộc cải tổ  PCB của Đức Phaolô VI sau công đồng cho phép chúng ta kết luận rằng cơ quan này phản ánh không những sự tiến triển của việc truy tầm thần học và KT, mà còn phản ánh sự tiến triển của lịch sử Giáo hội nữa.

Tự sắc Sedula cura đã biến đổi thể chế này thành một cơ quan tư vấn cho Huấn quyền chứ không còn là một cơ quan xét xử nữa.

Nếu phân tích các đề tài được nghiên cứu, chúng ta nhận thấy rằng có những vấn đề sôi bỏng của hậu bán thế kỷ XX: vai trò của phụ nữ trong cộng đoàn, Kitô học, Giáo hội học. luân lý.

Một sự mới mẻ do cuộc cải tổ thực hiện là việc tổ chức sinh hoạt, mang tính cách uyển chuyển và làm việc nhóm. Các cuộc họp diễn ra mỗi năm một lần, để dành thời gian cho các thành viên làm việc riêng tư. Hơn nữa, các đề tài nghiên cứu được nêu lên bởi Đức thánh cha hoặc vị Chủ tịch đã mang đến cho ủy ban một vai trò tư vấn. Vai trò tư vấn cũng được nổi bật do sự chọn lựa các thành viên, chẳng hạn như các thành viên được Đức Phaolô VI bổ nhiệm trong khóa đầu tiên bao gồm những học giả nổi tiếng trong thế kỷ XX: J. Alonso Díaz, J. D. Barthélemy, P. Benoit, R. Brown, H. Cazelles, I. de la Potterie, C. M. Martini… Tuy nhiên chúng ta cũng thấy dần dần có sự chuyển tiếp thế hệ, với những khuôn mặt trẻ trung đến từ các trung tâm và học viện khắp năm châu.

Một nhận xét cuối cùng là việc xuất bản các công trình của PCB: xét vì là một cơ quan tư vấn, cho nên các văn kiện không được quảng bá sâu rộng, thậm chí đôi khi chỉ được dành riêng cho cơ quan Huấn quyền đã đề nghị học hỏi.

4. Vài viễn tượng cho tương lai

Từ việc lượng định sinh hoạt của PCB từ khi được cải tổ dưới thời đức Phaolô VI, chúng ta có thể rút ra vài kết luận như là đề nghị cho tương lại. Một số điều đã được cha R.E. Murphy nêu lên trong một bài báo viết năm 1978[28].

Chúng tôi đã ghi nhận rằng lịch sử của PCB là phản ánh của sự tiến triển trong Giáo hội trong suốt thế kỷ XX. Theo chiều hướng ấy, một đàng cần có những phụ nữ làm thành viên của thế chế này, đàng khác cũng nên có những thành viên thuộc các giáo hội khác. Trong đời sống Giáo hội, đã có những phụ nữ chuyên môn trong ngành KT, và đang giữ những chức vụ quan trọng trong các đại học, hội đồng tư vấn, các nhà xuất bản … Tại sao các phụ nữ không thể là làm tư vấn cho Huấn quyền trong PCB?[29] Một cách tương tự như vậy, trên bình diện đại kết, từ năm 1967, Hồng y Agostino Bea, với tư cách là Chủ tịch Văn phòn hợp nhất Kitô hữu, đã ký một thỏa ước hợp tác giữa các Hiệp Hội Kinh thánh và Giáo hội Công giáo. Tại sao PCB lại không thể là nơi hợp tác đại kết?

Chúng tôi cũng đã nêu bật vai trò tư vấn Huấn quyền của PCB, và ghi nhận rằng nhiều kết quả nghiên cứu đã không được phổ biến. Thật là thú vị khi biết rằng các nghiên cứu ấy liên quan đến nhiều vấn đề đang tranh cãi trong Giáo Hội: việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, việc sử dụng KT trong thần học giải học, ơn phổ độ của Đức Kitô và các tôn giáo. Tại sao không phổ biến tất cả các kết quả nghiên cứu của các chuyên gia? Phải chăng đó là một phương thế để thực hành tính cách đa dạng của thần học, và góp phần cho việc tiếp nhận các văn kiện này cách rộng rãi hơn?

Cũng như bao nhiêu thể chế cổ truyền trong Giáo hội, PCB cần tự hỏi làm thế nào canh tân đổi mới ngõ hầu giúp cho Giáo hội sống theo nhịp thời đại. Chúng tôi hy vọng bài viết này giúp cho độc giả hiểu biết lịch sử của thể chế này, đồng thời cũng giúp suy nghĩ về tương lai của nó.

——————————–

[1] Tông thư Vigilantiae studiique ngày 30 tháng 10 năm 1902 x. Acta Sanctae Sedis n. 35 (1902-1903) 234-238. Danh xưng chính thức là Commissio Pontificia de Re Biblica.

[2] Vào lúc mới thành lập, chức năng của cơ quan này chưa được rõ rệt: Ủy ban này sẽ có vai trò của một tòa án xét xử hay của một ủy ban tư vấn? X. G. Martina, diễn từ kỷ niệm 100 năm thành lập PIB, đăng trên Archivum Historiae Pontificiae 37 (1999) 129-160.

[3]  Các sử gia như K. Stock và G. Martina cho rằng ý định nguyên khởi gắn liền với một dự thảo do cha M. J. Lagrange đề xuất.

[4]  EB 149-157.

[5] K. Stock, “I cento anni della Pontificia Commissione Biblica”, in: Pontificia Commissione Bíblica, Atti della giornata celebrativa per il 100° anniversario di fondazione della Pontificia Commissione Biblica, Citta del Vaticano 2003, 7-21.

[6]   EB 422-436.

[7]  […] Deliberatum igitur Nobis est, nonnulla consumere, quibus tum Instituti in primis Biblici efficientiam virtutemque, quantum fieri potest, augeamus, tum etiam mutuas rationes et necessitudines moderemur, quae et eidem Instituto et Pontificio Consilio Vulgatae restituendae praeposito cum supreme Nostro de universa re biblica Consilio intercedant oportet” EB 425.

[8] EB 505-512.

[9]  EB 520.

[10] Pontificiae Commissionis de Re Biblica, Enchiridion Biblicum. Documenta ecclesiastica sacram scripturam spectantia.

[11] Pontificiae Commissionis de Re Bíblica, Enchiridion Biblicum, Praefatio ad primam editionem.

[12] Enchiridion biblicum. Documenta Ecclesiastica Sacram Scripturam Spectantia, Editio tertia aucta et recognita, Romae, 1954.

[13] M. Nicolau, “Dos clases de decretos de la Comisión Bíblica”: Estudios Bíblicos XIX (1960) 97-109.

[14] AAS 63 (1971) 665-669.

[15] AAS 67 (1975) 153-158.

[16] PCB, Fede e cultura alla luce della Bibbia, Torino 1981.

[17] PCB, Bibbia e cristologia, Cité du Vatican 1984.

[18] PCB, Unité et diversité dans l’Eglise, Cité du Vatican 1988.

[19] PCB, La interpretación de la Biblia en la Iglesia, 23.

[20] PCB, Le peuple Juif et ses Saintes Ecritures dans la Bible chrétienne, Città del Vaticano, 2001

[21] PCB, Atti della giornata celebrativa per il 100° aniversario di fondazione della Pontificia Commissione Biblica (Roma 2-3 maggio 2003), Città del Vaticano 2003.

[22] Praestantia scripturae sacrae, EB 149-157.

[23] Câu nói của Fitzmyer được K. Stock nhắc lại trong bài thuyết trình “I cento anni della Pontificia Commissione Bíblica”, in: Pontificia Commissione Bíblica, Atti della giornata celebrativa per il 100° aniversario di fondazione della Pontificia Commissione Biblica, Roma 2-3 maggio 2003, Città del Vaticano 2003, 12.

[24] EB 160.

[25] EB 352-353.

[26]   Sau khi được sửa đổi, văn kiện được đọc như sau: “suy phục các quyết định của PCB liên quan đến vấn đề đạo lý [ad doctrinam pertinentibus]… cũng tương tự như các sắc lệnh của các Thánh bộ đã được Đúc Giáo hoàng phê chuẩn”.

[27] M. Nicolau, “Dos clases de decretos de la Comisión Bíblica”: Estudios Bíblicos 1 (1960) 98.

[28] R. E. Murphy, “Problemas en torno a la Biblia”: Concilium 138-bis (1978) 157-163.

[29] Chú thích của người dịch. Bài này viết năm 2008. Trong nhiệm kỳ hiện tại (từ năm 2014), PCB có ba phụ nữ làm thành viên: Nuria Calduch-Benages, Bruna Costacurta, Mary Healy.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here