LỊCH SỬ PHONG TRÀO NỮ QUYỀN

0
1021

(Thời sự Thần học, Số 79 (tháng 2/ 2018), tr. 121-137)

LAIA SAN JOSÉ

Tác giả, giảng viên sử học tại đại học tư lập Madrid (Tây Ban Nha), đã mô tả vắn tắt lịch sử của phong trào nữ quyền (PTNQ: feminismo) dưới những hình dạng khác nhau, đặc biệt trong vòng ba thế kỷ gần đây tại Âu châu và Mỹ châu.

Nguồn: https://historiadospuntocero.com/historia-las-mujeres-i-repaso-la-historia-del-feminismo

——————————

1. Khái niệm : phong trào nữ quyền là gì?

2. Những giai đoạn của PTNQ

2.1 PTNQ tiền cận đại

2.2 Đợt một: PTNQ của chủ nghĩa Ánh sáng (từ cách mạng Pháp đến giữa thế kỷ XIX)

2.3 Đợt hai: PTNQ đòi phổ thông đầu phiếu (từ giữa thế kỷ XIX đến khi kết thúc thế chiến thứ hai)

2.3.1 PTNQ theo chủ nghĩa tự do

2.3.2 PTNQ theo chủ nghĩa xã hội

2.3.3 PTNQ vô chính phủ

2.4 Đợt ba: PTNQ đương đại (từ những cuộc cách mạng thập niên 60 đến nay)

2.4.1 PTNQ tự do

2.4.2 PTNQ cấp tiến

2.5 Đợt bốn?

Thư mục

———————–

1. Khái niệm: Phong trào nữ quyền là gì?

Hàn lâm viện Tây Ban Nha, dựa trên sự phân tích từ ngữ (feminisme bởi tiếng latinh “femina” là phụ nữ), đã định nghĩa phong trào nữ quyền như là một chủ trương đòi cho phụ nữ có những quyền lợi như người nam.

Mạng lưới Mujeresenred cung cấp một khái niệm chi tiết hơn như sau: “Phong trào nữ quyền (viết tắt: PTNQ) là một phong trào xã hội và chính trị bắt đầu chính thức từ cuối thế kỷ XVIII – mặc dù lúc ấy chưa lấy tên là PTNQ –  ý thức về các phụ nữ như là một nhóm người bị áp bức, thống trị và khai thác bởi một nhóm người nam dưới chế độ gia trưởng (patriarcado: phụ quyền) dưới nhiều hình dạng khác nhau, và nhắm tới hành động để giải phóng nữ giới cùng với những thay đổi xã hội cần thiết”.

Như Victoria Sau đã nói, các phụ nữ bận rộn với việc tranh đấu cho nữ quyền hơn là với việc định nghĩa nó. Theo Simone de Beauvoir, cuộc đàn áp phụ nữ đã bắt đầu từ kỷ nguyên đồng, khi các bà bị loại trừ khỏi các việc chinh chiến, từ đó “phái chém giết thì mạnh hơn là phái sinh đẻ”.

2. Các giai đoạn của PTNQ

Không có một tiêu chuẩn thống nhất để phân chia các giai đoạn PTNQ, một phần tại vì lịch sử thay đổi tùy theo từng quốc gia. Ở đây chúng tôi dựa theo hai tác giả  Amelia Valcárcel và Celia Amorós để phân chia các giai đoạn.

2.1 PTNQ tiền cận đại

Mặc dù không thể nói đến PTNQ đích danh trước thế kỷ XIX, nhưng điều chắc là trong suốt dòng lịch sử, đã có nhiều phụ nữ ý thức về điều kiện bất bình đẳng và đã lên tiếng dưới nhiều hình thức.

Vào thời cổ đại, có những phụ nữ như Aspasia de Mileto (470-400 trước CN), bảo vệ quyền giáo dục của nữ giới, hoặc Hypatia de Alejandría (k.360-415), một triết gia Tân Platon, nhà toán học, nhà thiên văn đã bị ám sát bởi các đan sĩ vì họ lo sợ mối nguy của một phụ nữ thông thái. Nhà triết học Hiparquía (k.346-k.300 trước CN) ăn mặc giống người nam vì không muốn theo truyền thống Hy lạp. Khi  ông Theodoro hỏi bà vì sao bà không làm những công việc như những phụ nữ khác, bà trả lời : «Thế ông nghĩ rằng tôi làm bậy khi dành thời giờ để đi học, thay vì mất thời giờ để dệt vải hay sao?».

Vào thời Trung Cổ, chúng ta có thể kể đến hai người đã có lối cư xử khác thường. Một người tên là Guillermina de Bohemia (1210-1281), đã thành lập một giáo hội dành riêng cho phụ nữ và đã bị tố cáo bởi Tòa giáo-pháp. Người thứ hai là một triết gia và nhà thơ Christine de Pizan (1360-1430), với tác phẩm nổi tiếng “Thành phố của các bà” (La cite des dames, xuất bản năm 1405) được coi như tiền hô của PTNQ Tây phương. Bà tố cáo chế độ kỳ thị phụ nữ, và bà chứng minh rằng nguyên nhân của sự thấp kém của các bà là tại vì họ không được giáo dục. Bà đã khởi xướng một cuộc tranh luận văn chương và học thuật La querelle des femmes kéo dài từ cuối thế kỷ XIV cho đến cách mạng Pháp, để bảo vệ khả năng trí thức của phụ nữ, và quyền được đi theo các lớp ở đại học.

Sang thời cận đại và chủ nghĩa Nhân văn, với chủ trương là văn hóa, kiến thức và giáo dục là điều phổ quát; nhờ vậy điều kiện phụ nữ được cải thiện dần. Dù sao, cần ghi nhận sự đóng góp của phong trào Cải cách Tin lành. Mặc dù các nhà lãnh đạo của phong trào này không mấy thiện cảm với những đòi hỏi của phụ nữ, nhưng họ đã đem lại một cái nhìn mới về nữ giới. Trên thực tế, vài nhánh của nhóm Quaker đã chấp nhận cho phụ nữ tham gia vào những chức vụ lãnh đạo. Trong số các phụ nữ nổi bật ở giai đoạn này phải kể đến Agripa de Nettesheim, người đã viết khảo luận về vẻ cao quý của nữ giới (De nobilitate et praecellentia foeminei sexus) vào năm 1510.

2.2 Đợt Một: PTNQ của kỷ nguyên Ánh sáng (từ cách mạng Pháp đến giữa thế kỷ XIX)

Mặc dù chưa thể nói đến phong trào khi mới chỉ có vài cá nhân lẻ tẻ, nhưng một điều chắc là vào cuối thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX, đặc biệt là tại hai nước Pháp và Anh, đã nảy lên nhiều ý tưởng cho rằng phụ nữ đã không được nhìn nhận đúng mức ở nhiều lãnh vực. Điều kiện thấp kém của phụ nữ không phải là cái gì tự nhiên, nhưng là do kết quả của việc thiếu phương tiện giáo dục. Kế thừa tư tưởng của La querelle des femmes, các phụ nữ vào thời Khai sáng đã tiếp tục cuộc tranh luận chung quanh quyền của phụ nữ được giáo dục và hưởng những quyền lợi công dân để ra khỏi sự tùng phục nam giới. Họ đã tận dụng những cuộc tranh đấu của Thời khai sáng, tuy dù các triết gia như Rousseau vẫn còn xếp các bà ở hạng nhì.

Trong cuộc cách mạng Pháp (1789), các bà sát cánh với các ông cách mạng trong cuộc tranh đấu cho khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, huynh đệ”. Các bà tham gia các cuộc diễn thuyết chính trị, các câu lạc bộ cộng hòa,  các cuộc khởi nghĩa chiếm ngục Bastille. Các bà cũng ký vào bản đề nghị Cahiers de doleances yêu cầu quốc hội xét lại quyền đầu phiếu, định chế hôn nhân, việc trông nom con cái, và dĩ nhiên là quyền giáo dục.

Tuy vậy, các tác giả tự do như Jean-Jacques Rousseau đã để các bà ngồi trong xó của tân quốc gia tự do. Chỉ có vài tiếng nói bênh vực các phụ nữ như John Stuart Mill hoặc Nicolas de Condorcet, cha đẻ của nền giáo dục phi tôn giáo, đã viết một khảo luận về việc cấp quyền công dân cho phụ nữ (1790).

Cách mạng 1789 đã tuyên bố Tuyên ngôn những quyền lợi của con người và công dân (Declaration des Droits de l’Homme et du Citoyen), nhưng chỉ là người nam chứ không phải là người nữ. Để đáp lại, Olympe de Gouges (1748-1793) xuất bản tuyên ngôn về những quyền lợi của người nữ và nữ công dân (Déclaration des Droits de la Femme et de la Citoyenne), đòi hỏi sự độc lập của phụ nữ đối với nam giới, áp dụng quy tắc luật pháp đồng đều, quyền tự do ngôn luận và bình đẳng về kinh tế. Vì những lý tưởng mà bà bị đưa lên máy chém năm 1793.

Bên Anh, khuôn mặt nổi bật nhất vào thời này là bà  Mary Wollstonecraft (1759-1797), tác giả của quyển sách được coi như khai mào cho PTNQ “A Vindication of the Rights of Woman” (đòi hỏi quyền lợi của phụ nữ, 1792). Bà tranh đấu cho các quyền lợi kinh tế và chính trị, cũng như đòi hỏi sự bình đẳng đối với quyền được giáo dục. Bà cũng đặt vấn đề là : phải chăng vai trò phụ nữ gắn liền với bản tính tự nhiên hay chỉ là hậu quả của sự bất bình đẳng?

Hầu như một định luật xảy ra cho mọi giai đoạn: sau một thời thay đổi và tiến bộ là một thời thụt lùi. Không những là các bà không được hưởng những quyền lợi mà họ đòi hỏi, mà lại còn bị chèn ép thêm. Năm 1793, các câu lạc bộ phụ nữ bị đóng cửa, các bà mất quyền tự do lập hội và những cuộc buổi hội họp quá 5 người bị cấm. Năm 1795, bộ luật Napoléon được ban hành, theo đó, vợ phải vâng lời chồng trong khế ước hôn nhân. Bộ luật này được phổ biến sang nhiều quốc gia khác, và hiệu lực kéo dài hơn 100 năm.

2.3 Đợt Hai: PTNQ với quyền đầu phiếu (từ giữa thế kỷ XIX đến khi kết thúc thế chiến thứ hai)

Mặc dù sự tranh đấu liên quan đến nhiều lãnh vực, nhưng có thể nói rằng đối tượng chính mà các phụ nữ nhắm tới trong đợt này là quyền đầu phiếu và sự tham gia chính trị. Tác phẩm The Subjection of Women (Sự tùng phục của phụ nữ, 1869) mà ông cùng viết với phu nhân Harriett Taylor Mill, đã đặt nền tảng cho quyền đầu phiếu, được phổ biến ở Anh và Hoa kỳ.

Cuộc Cách mạng kỹ nghệ  đã gây ra một sự thay đổi trong nếp sống của các phụ nữ; cuộc di dân từ nông thôn lên thành thị đã làm biến chuyển nhiều mô hình. Cho đến nay, nam giới và nữ giới cùng làm việc tại một nơi: đồng ruộng, xưởng thủ công, cửa tiệm, vân vân. Bây giờ khoảng cách đã tăng thêm: đàn ông làm việc ở công xưởng, đàn bà thì ở nhà. Có sự khác biệt giữa công việc ở nhà (nội trợ) và công việc bên ngoài (xí nghiệp). Trong bối cảnh này, việc làm của phụ nữ bị đánh giá thấp bởi vì không sinh ra tiền.  Chúng ta đang nói đến giai cấp lao động mà thôi, bởi vì các phụ nữ thuộc giai cấp thượng lưu thì cũng ở nhà và làm các công việc của phái nữ và đồng nghĩa với quyền hành. Tuy nhiên, một điều xem ra nghịch lý là khi các bà đi làm việc ở công xưởng thì tình trạng cũng chẳng khả quan hơn: tuy làm việc nhiều giờ hơn (cộng thêm việc nội trợ không lương) nhưng họ lãnh lương thấp hơn.

Chính trong bối cảnh chèn ép như vậy mà nổi lên các phong trào nữ quyền, lôi cuốn cả những cấp thượng lưu cũng như cấp lao động. Tuy vậy, cuộc tranh đấu của các bà ở giai đoạn này thường diễn ra cách êm thắm (hợp với đức tính phụ nữ), nhưng nếu cần, họ cũng tỏ ra quyết liệt như sẽ thấy.

2.3.1 PTNQ theo chủ nghĩa tự do (liberal)

PTNQ theo chủ nghĩa tự do tìm cách cải cách chính trị, ngõ hầu các phụ nữ được quyền bầu cử và ứng cử. Họ không quan tâm đến hình thức chính thể; điều mà họ yêu sách là được tham gia vào việc chính trị. Họ đòi hỏi được bình đẳng trong quyền tư hữu, quyền định đoạt tài sản (tiền do họ làm ra nhưng do người cha hay người chồng quản lý), bình đẳng về quyền lợi trong hôn nhân, và từ hậu bán thế kỷ XIX, quyền đầu phiếu. Quyền đầu phiếu của phụ nữ trở thành mục tiêu tranh đấu lớn nhất (tuy không phải là độc nhất) của PTNQ.

Tại Hoa kỳ, bầu khí thật là thuận tiện để các PTNQ chớm nở, nhờ sự tham gia của các phụ nữ vào đời sống công, sự canh tân luân lý vào những thập niên ấy. Các phụ nữ đăng ký hoạt động trong các phong trào xã hội chống nạn nô lệ (trong đó nhiều phụ nữ cũng là nạn nhân). Năm 1840, tại Hội nghị quốc tế chống nạn nô lệ được tổ chức tại London, với sự tham gia của các đại biểu khắp thế giới : Hoa kỳ gửi 6 đại biểu, trong đó 4 người là phụ nữ, trong đó có hai khuôn mặt lừng danh trong việc bài trừ nạn nô lệ là Lucretia Mott (1793-1863) và Elizabeth Cady Stanton (1815-1902). Nhưng người ta không cho các bà tham dự các buổi họp viện cớ là thể chất của các bà không thích hợp. Sự kiện này đã đánh dấu khởi đầu của phong trào đòi hỏi đầu phiếu tại Hoa kỳ. Tám năm sau, ngày 19 và 20 tháng 7 năm 1848, hai bà vừa nói đã tổ chức đại hội Seneca Falls ở New York. Tham dự buổi họp này có hơn 200 người nam và nữ thuộc nhiều phong trào xã hội và tổ chức khác nhau. Kết quả là bản Tuyên ngôn Tình cảm Seneca Falls (Seneca Falls Declaration of Sentiments) được công bố, gợi hứng từ bản Tuyên ngôn Độc lập, trong đó người ta tố cáo những hạn chế xã hội và chính trị của các phụ nữ, việc phủ quyết quyền bầu cử và ứng cử cho họ, khước từ việc nắm giữ chức vụ công quyền hoặc tham gia các tổ chức công cộng. Văn kiện tóm lại 12 điểm đòi hỏi thay đổi phong tục ngõ hầu các phụ nữ được hưởng đầy đủ các quyền lợi công dân. Nếu nhân dân Hoa kỳ tự nhận bị  Đế quốc Anh đàn áp và đã giành tự do, thì các phụ nữ tại Seneca Falls cũng cảm thấy bị chèn ép bởi Nhà nước và bởi nam giới, và họ quyết định đòi tự do. Bản Tuyên ngôn này có thể gọi như văn bản nền tảng thứ hai của PTNQ tại Hoa kỳ.

Tuy nhiên, đó không phải là những phụ nữ duy nhất đã lên tiếng. Nếu các phụ nữ trung lưu Hoa kỳ cho rằng tình trạng của họ là bất công, thì các phụ nữ da đen lại càng có lý hơn nữa để lên tiếng. Nổi tiếng nhất là bà Sojourner Truth (k.1797-1883),với câu nói bất hủ Ain’t I a Woman? (tôi không phải là đàn bà hay sao?). Trước đây bà đã từng là nô lệ, sau đó được giải phóng, và  trở thành người đàn bà da đen đã thắng một vụ kiện chống lại một người đàn ông da trắng.

Năm 1870, bản Tu chính hiến pháp số XV được phê chuẩn, cấp quyền bầu cử cho người nam da đen. Những người nam da đen đã được quyền đầu phiếu trước các phụ nữ, bởi vì các bà phải chờ cho đến năm 1920, với bản Tu chính hiến pháp số XIX.

Đến lượt bên Anh nổi lên  các suffragettes, những phụ nữ trung lưu tranh đấu cho quyền công dân, và họ cũng liên minh với các phụ nữ thợ thuyền bị bóc lột trong các xí nghiệp. Những tên tuổi nổi bật nhất là Emmeline Pankhurst (1858-1928) và hai cô con gái, Sylvia và Christabel, tuy rằng họ không phải là những nhà tiên phong. Năm 1855 Barbara Leigh Smith (1815-1902) đã lập ra một trường học cho phụ nữ, và năm 1882, bà yêu cầu cho các phụ nữ được hưởng những quyền lợi kinh tế. Sau khi đã được toại nguyện, bà chuyển sang việc tranh đấu cho quyền đầu phiếu.

Các phụ nữ tranh đấu cho quyền đầu phiếu đã bắt tay hành động và chứng tỏ khả năng lập hội và tranh đấu: các hành động của họ đi từ chỗ bất bạo động (biểu tình, rải truyền đơn, tự trói mình ở nơi công cộng) cho đến các hành động vũ lực (đập phá các động sản công cộng, cắt đứt các đường dây thông tin, bất tuân lệnh). Những hành động này một đàng đã gây chia rẽ trong nội bộ của phong trào, một đàng đã dẫn đến hàng ngàn người bị bỏ tù. Nhiều người bắt đầu tuyệt thực trong tù để phản đối cách đối xử khắc nghiệt. Đây là thời điểm mà quốc hội biểu quyết đạo luật “Mèo và Chuột” (Cat and Mouse Act), cho phép trả tự do cho những người suffragettes bị bắt và suy nhược trong tù do tuyệt thực, nhưng lại bắt vì họ tham gia vào hành vi công cộng. Emmeline Pankhurst đã bị bắt giam nhiều lần, nhưng sau đó lại được thả vì sức khỏe xuống dốc.

Hành động quyết liệt nhất là của bà Emily Wilding Davison: ngày 4 tháng 6 năm 1913, bà lao vào con ngựa của vua Georges IV trong cuộc đua. Bà qua đời bốn ngày sau đó vì những vết thương. Cái chết của bà làm chấn động cả thế giới; hàng trăm ngàn người nam và nữ, và trên mộ của bà, người ta khắc khẩu hiệu của WSPU (Women Social and Political Union): “Hành động, chứ không lời nói”.

Vào đầu thế kỷ XX, cả hai phong trào (cấp tiến và ôn hòa) đã kết hợp hoạt động với nhau, và đã đạt được kết quả là quyền đầu phiếu của các phụ nữ được nhìn nhận. Các phụ nữ nước Anh đã được đi bầu năm 1918, đối với những người trên 30 tuổi. Nam giới được quyền đi bầu từ 25 tuổi, còn các bà dưới 30 tuổi bị coi là còn nông nổi trong việc sử dụng lá phiếu. Năm 1925, các bà được quyền hành trên con cái của mình (trước đó, chỉ được chấp nhận cho người cha), và năm 1928, các bà mới được bình đẳng với các ông trong việc bỏ phiếu.

2.3.2 PTNQ theo chủ nghĩa xã hội (socialist)

Do ý thức hệ, PTNQ gặp được đồng minh nơi chủ nghĩa xã hội. Các phụ nữ đi theo chủ nghĩa này đòi bình quyền giữa hai phái cũng như bình đẳng giai cấp. Các bà nhận thấy rằng những thuyết gia tiên khởi của chủ nghĩa xã hội không quan tâm lắm đến sự bình đẳng giữ nam nữ. Với tư cách là phụ nữ, họ yêu cầu phải ghi thêm điều đó vào chương trình tranh đấu chính trị.

Các phụ nữ xã hội chỉ trích các phụ nữ tự do là “tư sản” mặc dù đã tham gia vào việc tranh đấu cho quyền đầu phiếu. Những người nổi tiếng trong giai đoạn này là Flora Tristán, Alexandra Kollantai với quan niệm “người nữ mới”, Clara Zetkin (1857-1933) và Rosa Luxemburg (tuy bà không tự nhận danh nghĩa là theo chủ trương nữ quyền).

2.3.3 PTNQ vô chính phủ (anarchist)

Các phụ nữ theo chủ nghĩa vô-chính-phủ tung lên khẩu hiệu “Không Chúa, không Chồng, không Nước không Chồng”, và đặt mục tiêu tranh đấu là lật đổ chế độ đang đàn áp phụ nữ. Một trong những lãnh tụ, Emma Goldman, cho rằng chuyện ra khỏi nhà để làm việc không phải là chìa khóa để giải quyết sự kỳ thị đối với phụ nữ.

Điều trớ trêu là chính trong chủ nghĩa vô-chính-phủ mà các bà gặp nhiều chống đối. Pierre-Joseph Proudhon, cha đẻ của chủ nghĩa vô-chính-phủ cùng với Bakunin, là một người chống lại quyền giáo dục của các bà hơn cả. Ông nại đến sự thấp kém về thể chất, trí tuệ và luân lý của các bà để kết luận rằng chỗ đứng của các bà là gia đình, nơi mà các bà phát triển các đức tính của mình, nhưng ở dưới quyền của chồng. Ông đã bị chỉ trích không chỉ bởi các bà mà còn bởi những người nam như Joseph Déjacque hoặc André Léo: họ cho rằng không thể chủ trương vô-chính-phủ mà không bênh vực nữ quyền, và ai khước từ quyền lợi của phụ nữ là cư xử như chủ nô.

2.4 Đợt ba: PTNQ cận đại hoặc cấp tiến (từ sau những cuộc cách mạng của thập niên 60 cho đến nay).

Sau khi đã đạt được quyền đầu phiếu (từ thập niên thứ hai của thế kỷ XX trở đi, tùy theo tình hình của mỗi quốc gia) và các quyền lợi chính trị khác, các bà vẫn còn bị thua thiệt ở nhiều lãnh vực, và phải xác định lại mục tiêu của cuộc tranh đấu. Nói chung, kể từ khi bắt đầu thế chiến thứ nhất, phong trào tranh đấu cho phụ nữ đã suy giảm vì tình hình chiến cuộc tại Âu châu lúc đó, và mãi đến thập niên 60 mới tiếp tục.

Vào lúc bùng nổ thế chiến thứ nhất, phần lớn các phụ nữ từ bỏ cuộc tranh đấu của mình để tham gia vào việc chung của đất nước. Điều trớ trêu là các phụ nữ phải làm việc ở các xí nghiệp, để lấp vào khoảng trống mà các ông để lại khi ra tiền tuyến. Tuy vậy, những phụ nữ vẫn hoạt động tích cực không phải trong các phong trào nữ quyền nhưng là xã hội: họ hoạt động cho những chuyện có liên quan đến hòa bình, thịnh vượng, thêm vào những công tác bác ái và xã hội xưa nay vốn là nơi mà họ đã chứng tỏ các đức tính của nữ giới.

Sau khi chấm dứt thế chiến thứ nhất, các cuộc tranh đấu nữ quyền lại tiếp tục. Vài thí dụ: Hội nghị thế giới để cải cách nữ giới (1929), tác phẩm The Three Guineas của Virginia Woolf (1938) coi nữ quyền như con đường để đạt tới hòa bình, bởi vì chiến tranh và quốc gia được gắn liền với nam giới.

Phong trào tiếp tục hoạt động chưa được bao lâu thì lại bùng nổ thế chiến thứ hai. Các phụ nữ tạm gác việc tranh đấu, để bắt tay vào những công việc lao động trong các xí nghiệp thay cho nam giới. Đến khi chiến cuộc chấm dứt, các ông từ mặt trận trở về, và các bà bị buộc phải trả lại việc làm cho các ông. Nhiều chính phủ yêu cầu các bà “khôi phục” lại vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình, trong kế hoạch khắc phục lại những hậu quả của chiến tranh.

Vì thế, các nữ văn gia của thời kỳ giữa thế chiến thứ hai cho đến thập niên 60 trở lại với các đề tài cổ truyền của việc tề gia nội trợ, được Betty Friedan  đặt tên là “huyền nhiệm nữ tính”. Trong thập niên 50, các phương tiện truyền thông xã hội giới thiệu một hình ảnh phụ nữ rất hài lòng về vai trò nội trợ của mình, bởi vì họ đã có đầy đủ tất cả: những máy giặt điện, những biệt thự có vườn tược, những chiếc xe hơi. Có những tạp chí chuyên môn dành cho các phụ nữ, dạy cách nuôi con, quản lý tài sản gia đình. Các bà thật là nữ hoàng tại gia!

Trong thập niên 60, nổi lên các phong trào chống chế độ (cuộc cách mạng tháng 5 năm 1968), chống lại kỳ thị chủng tộc (các phụ nữ da đen ở Hoa kỳ), chống chiến tranh (phong trào phản chiến chống lại chiến tranh Việt Nam). Từ đó, có những trào lưu mới của PTNQ: bây giờ không còn là đòi hỏi bình đẳng về quyền lợi công dân (quyền đầu phiếu, quyền tư hữu, quyền vào đại học), nhưng là bình đẳng xã hội và văn hóa, mang tên là Phong trào Phụ nữ hoặc Phong trào giải phóng phụ nữ kéo dài cho đến thập niên 80 và 90.

Trong giai đoạn này, nỗ lực nhằm đến việc bãi bỏ những bất bình đẳng không chính thức (sự phân biệt phái tính trong công ăn việc làm, trong gia đình) và đòi hỏi những quyền lợi giới tính (kế hoạch hóa gia đình, sinh sản, phá thai). Người ta đòi hỏi những quyền lợi trong lãnh vực sinh sản và bình đẳng chính trị. Để được như vậy, cần phải chấm dứt hình ảnh của phụ nữ gắn liền với giới tính mà các phương tiện truyền thông đặt ra. Người ta yêu cầu bãi bỏ chế độ gia trưởng, bởi vì họ cho rằng chính chế độ gia trưởng đã gây ra những bất bình đẳng có lợi cho nam giới. Dưới tiêu đề “đời tư là chính trị », PTNQ đòi xét lại vấn giới tính, ngừa thai, phá thai: những chuyện tư riêng nhưng đã gây ra sự kỳ thị trên bình diện chính trị.

Vào thập niên 80 (vài tác giả coi như còn thuộc về đợt thứ ba, còn một số khác coi như khởi đầu của đợt thứ bốn), nảy ra những đề tài mới: sự đa dạng nữ tính (không có một khuôn mẫu duy nhất của phụ nữ, hoặc nữ tính), và cần phải tranh đấu cho các nhóm LGBT (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender), chủ nghĩa đa văn hóa, tình liên đới phụ nữ.

2.4.1 PTNQ tự do

Trong giai đoạn này, cần phải nhắc đến hai tác giả thuộc PTNQ tự do. Người thứ nhất là Simone de Beauvoir (1908-1986) với tác phẩm “Phái thứ hai” (Le deuxième sexe 1949) được xem như chìa khóa của PTNQ đợt ba. Phương châm của tác phẩm cũng như của tác giả là: “Phụ nữ do sinh ra chứ không do tạo thành”, để cho thấy rằng những gì được coi thuộc bản tính phụ nữ chẳng qua chỉ là do xã hội nặn ra. Người ta đặt ra một khuôn mẫu gọi là căn tính phụ nữ, mà chẳng ăn nhập gì với các phụ nữ hết.

Tác giả thứ hai là Betty Friedan (1921-2006) với tác phẩm  “Huyền nhiệm nữ tính” (The Feminine Mystique, 1963), điển hình của đợt thứ ba. Tác giả phân tích những nguyên nhân của “vấn đề không tên”. Như đã nói trên đây, trong thập niên 50, người ta tuyên truyền một hình ảnh của phụ nữ hạnh phúc với chuyện gia thất. Bà Friedan cho thấy rằng thực sự các phụ nữ không hạnh phúc: họ trở thành nạn nhân của “vấn đề không tên”: trầm cảm, lo âu, stress, cáu kỉnh, nghiện rượu, và thậm chí là muốn tự tử. Đàng sau bộ mặt tiến bộ và hạnh phúc, các bà vẫn còn là nạn nhân của chế độ gia trưởng, và đó chính là vấn đề!

2.4.2 PTNQ cấp tiến

Trong thập niên 50, PTNQ biến thành cấp tiến. Chủ trương “tự do” (liberal) chú trọng đến kinh tế và chính trị nhưng không xét lại khuôn mẫu hiện hành, còn chủ trương “cấp tiến” (radical, có thể dịch là: tận căn, triệt để) đi tới tận cội rễ của vấn đề, và gọi đích danh nó là chế độ “gia trưởng” (patriarchy: cũng có thể dịch là: phụ quyền). Chế độ gia trưởng là mẫu số chung cho tất cả mọi hình thức đàn áp phụ nữ: xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, tình cảm. Chế độ phụ hệ tìm cách thống trị phụ nữ bằng tước quyền tự ý quyết định (phá thai, hôn nhân khác phái) và dùng phụ nữ như đồ vật hưởng thụ. Các tác giả  Jo Freeman và Shulamith Firestone đòi hỏi sự phá thai và tự do thông tin về phá thai như là hình thức để cho các phụ nữ làm chủ thân xác của mình.

Điều khác biệt của PTNQ cấp tiến là họ quyết định xông pha một mình. Trước đây, các PTNQ ủng hộ các phong trào xã hội khác thuộc tả phái (bãi bỏ nô lệ, xã hội, chống kỳ thị chủng tộc, sinh thái); giờ đây, họ nhận thấy rằng nhiều lần sự đàn áp được gây ra bởi chính những đồng chí của phong trào tranh đấu, cho nên họ tự tổ chức mà không có sự tham gia của nam giới.

Như đã nói trên đây, phương châm của PTNQ cấp tiến là “đời tư là chính trị” và chú trọng đên mối tương quan giữa nam và nữ như tương quan chính trị. Họ quan niệm quyền lực không chỉ trong những tương quan ở cấp độ lớn (Nhà nước – giai cấp thống trị) mà ngay cả trong những tương quan vợ chồng, và phụ quyền chính là cấu trúc căn bản của mọi tương quan quyền lực. Vì thế họ ly khai khỏi các đảng phái tả bởi vì chung quy những nhóm này cũng là những ổ chứa chấp quyền lực của phái nam. Các tác giả suy tư về những sự kỳ thị xảy ra hằng ngày mà các bà phải gánh chịu bởi vì là đàn bà.

Đây là lúc xuất hiện các quan niệm gender (« giống », khác với « phái » sex, nghĩa là tách khỏi quan niệm dựa trên yếu tố sinh lý) và ý thức phái tính như là một yếu tố chính trị. Nữ và nam là hai giai cấp đối lập nhau, và người ta chủ trương sự khác biệt phái tính ngõ hầu chia rẽ các giai cấp phái tính.

PTNQ cấp tiến vẫn còn hiện hành, và các hành động của họ thường gây sốc, chẳng hạn những cuộc biểu tình, đập phá, bất tuân phục, để gây dư luận chú ý đến các hành vi đàn áp của nam giới.

Những tác giả tượng trưng của phong trào này là Kate Millett (1934-2017) với tác phẩm Sexual Politics (1970) và Shulamith Firestone (1945-2012) với tác phẩm The Dialectic of Sex (1970).

2.5 Đợt thứ bốn?

Mặc dù các tác giả không nhất trí trong việc đặt tên cho đợt thứ bốn, nhưng có thể nói được là nó bắt đầu từ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, và còn kéo dài đến nay.

Đề tài chính của đợt này là cho thấy rằng không có một khuôn mẫu duy nhất về phụ nữ, nhưng có nhiều khuôn mẫu phụ nữ, được hình thành do những khác biệt trong vấn đề xã hội, quốc gia, chủng tộc, giai cấp, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính. Vì không có một mục tiêu duy nhất nhưng là một phong trào với nhiều khuynh hướng khác nhau, cho nên chỉ có thể nói rằng đây là một phong trào nữ quyền thu thập nhiều khuynh hướng nữ quyền khác nhau. Chúng ta hãy chờ xem sự tiến hóa của nó.

——————————–

Thư mục

AMORÓS, Celia. DE MIGUEL, Ana (eds). Teoría feminista. De la Ilustración a la globalización. Ed. Biblioteca nueva Col. Estudios sobre la mujer. Madrid, 2013.

BEAUVOIR, Simone. El segundo sexo. Ed. Cátedra Col. Feminismos, Madrid, 2005.

BELTRÁN, Elena. MAQUIEIRA, Virgina (eds). Feminismos. Debates teóricos contemporáneos. Ed. Alianza, Madrid, 2008.

FRIEDAN, Betty. La mística de la feminidad. Ed. Cátedra Col. Feminismos, Madrid, 2016.

MILLET, Kate. Política sexual. Ed. Cátedra Col. Feminismos, Madrid, 2010

NASH, Mary. Mujeres en el mundo: Historia, retos y movimientos. Segunda edición ampliada. Ed. Alianza, Madrid, 2012.

SISINIO GONZÁLEZ, Juan. Historia del Feminismo. Ed. Los libros de la Catarata. Col. Mayor, Madrid, 2012.

VALCÁRCEL, Amelia. La Política de las mujeres. Ed. Cátedra Col. Feminismos, Madrid, 2004.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here