LỊCH SỬ HÒA BÌNH

0
697

Renzo Paternoster

Trích Thời sự Thần học, Số 81 – tháng 08-2018

Lịch sử chiến tranh chiếm nhiều ngăn kệ trong các thư viện, nhưng lịch sử hòa bình thì tương đối hiếm. Lý do không chỉ tại vì nhân loại đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh hơn là hòa bình, nhưng bởi vì không phải tất cả mọi người đều có cùng một quan điểm về hòa bình. Lịch sử hòa bình là gì? Phải chăng là tình trạng của những thời kỳ không có chiến tranh? Hay là lịch sử của những người chống lại chiến tranh? Có thể định nghĩa hòa bình một cách tích cực hơn, mà không cần quy chiếu về chiến tranh? Phải chăng lịch sử hòa bình là lịch sử của những tư tưởng bảo vệ nhân phẩm, dân chủ, bình đẳng?

Trong bài này, tác giả chọn một đường khác: lịch sử những tư tưởng hòa bình (các triết gia, các thi sĩ, các nhạc sĩ), trải qua những giai đoạn chính: 1) Trước Công nguyên. 2) Kitô giáo. 3) Thời Trung cổ. 4) Thời cận đại. 5) Thế kỷ XVIII-XIX. 6) Thế kỷ XX. Tiếc rằng tác giả không đề cập đến lịch sử các triết học bên Đông phương.

Nguồn: “Dalla guerra alla pace, non viceversa: Il pacifismo e le lotte non violente”. Storia in network. Numero 138, Aprile 2008.

http://win.storiain.net/arret/num138/artic1.asp

Lưu ý.

– Các tiêu đề phân đoạn và các chú thích là của người dịch.

– Pacifism: tạm dịch là chủ nghĩa “hiếu hòa” (đối lại với “hiếu chiến”; có khi cũng được gọi là “chủ hòa”). Thuật ngữ này mới ra đời vào năm 1845, và chỉ được sử dụng chính thức kể từ năm 1901, nhân dịp Hội nghị hoàn vũ về hòa bình họp tại Glasgow[1].

– Chữ viết tắt: HB = hòa bình.

——————–

Nhập đề

Từ pax tiếng La-tinh (từ đó chuyển dịch thành pace tiếng Ý, paix tiếng Pháp, peace tiếng Anh, paz tiếng Tây-ban-nha) có nguồn gốc trong tiếng Phạn paç/pak/pag – kết, nối, buộc), và từ đó mà có pâç-a yâmi (tôi buộc vào), paç-as (dây), pag-ras (chặt chẽ) hoặc ngay cả tiếng Latinh pac-iscor (tôi ký kết). Do đó, nguyên ngữ pax không nói lên một tình trạng nguyên thủy, nhưng là một điều kiện hiện hữu được ấn định qua một hiệp ước. Như thế, khái niệm về pax (HB) không phải là một điều kiện bẩm sinh của cuộc sống, nhưng là một sự thỏa hiệp đạt được nhằm ngăn ngừa những cuộc xung đột trong tương lai.

Nếu từ “chiến tranh” gợi lên lập tức trong đầu một ý tưởng chính xác, thì điều này không xảy ra như vậy đối với từ “HB”. Thực vậy, mặc dù chúng ta tưởng rằng HB có một ý nghĩa phổ quát, nhưng trên thực tế, trải qua lịch sử, từ này mang nhiều ý nghĩa trong những nền văn hóa khác nhau.

Nói chung, ta có thể khẳng định rằng trong lịch sử nhân loại, ý niệm “HB” thường được hiểu theo hai phương diện:

a) HB cá nhân, được hiểu như “yên hàn, an bình” nội tâm, tâm linh và tâm lý, mà một cá nhân đạt được;

b) HB chính trị xã hội, được hiểu như là không có giao tranh ở trong xã hội và giữa các quốc gia.

Phương diện thứ hai, tuy xem ra quen thuộc hơn, nhưng không cho thấy lý do của sự phức tạp ẩn chứa trong đó. Nếu chúng ta phân tích triết học Tây phương, chúng ta nhận thấy rằng có một “triết lý về chiến tranh” nhưng không có một “triết lý về HB” được mọi người chấp nhận.

Nói về chiến tranh, người ta dễ có ngay trong đầu một ý tưởng trực tiếp và cụ thể, mặc dù cũng không thiếu nhiều sắc thái khác biệt: chiến tranh có một hiện hữu xác định. Ngược lại, khi muốn đi tìm một ý nghĩa thống nhất cho hạn từ HB, thì không thể đưa ra ngay lập tức một quan niệm chính xác. Chiến tranh gây nhiều tiếng vang hơn là HB, bởi vì những hậu quả tai hại của chiến tranh, và bởi vì đã có những người đề cao các đức tính được biểu lộ trong đó: sức mạnh, can đảm, anh hùng. Vào thời nay, chiến tranh lại còn mang theo chức năng nhân đạo, cũng như cơ hội để thực hiện các cuộc thương thuyết nhằm ngăn ngừa nó. Đang khi định nghĩa chiến tranh súc tích bởi vì mang theo nhiều nội hàm, thì định nghĩa HB lại thường mang tính tiêu cực như là “không có” chiến tranh. Trong trường hợp này, ý tưởng “chiến tranh” mạnh hơn, ám chỉ một tình trạng nổi bật, và làm mờ nhạt ý tưởng “HB”. Mặc dù HB là một ý tưởng “yếu”, nhưng nó cũng có một hành trình trong lịch sử nhân loại, qua những khuôn mặt còn để lại ảnh hưởng sâu đậm[2].

I. Trước Công nguyên

1/ Hiệp ước hòa bình

Bằng chứng lịch sử cổ xưa nhất của một hiệp ước hòa bình là một văn kiện ký kết vào năm 1259 trước CN, giữa hai cường quốc ở Trung Đông, Ai-cập và Hitti, đã giao chiến lâu năm để giành quyền bá chủ. Sau trận đánh thời danh xảy ra ở Kadesh (hoặc Qadesh đối với Ai-cập, và Kinza đối với Hitti) bên bờ sống Oronte, gần thung lũng Beqaa, ngày nay thuộc về nước Syria, lãnh đạo Hitti là Hattusili III (k.1275-1250) và lãnh đạo Ai cập là Ramses III (1292-1225) ký kết một thỏa ước hòa bình mang tên là “Giao ước cổ điển”.

Trong văn kiện, hai vị lãnh đạo thề nguyền với nhau (cho cá nhân và con cháu của họ) sẽ giữ “HB và huynh đệ vĩnh viễn”. Hai bên cũng cam kết nhìn nhận những lãnh thổ đã chiếm đóng vào lúc ký kết thỏa ước. Ngoài ra đôi bên còn hứa sẽ giúp đỡ lẫn nhau hoặc để duy trì quyền bính trong trường hợp nội chiến, hoặc trong trường hợp bị quân đội Syria tấn công hoặc bất cứ cuộc ngoại xâm nào.

Bản văn viết như sau: “Lãnh đạo người Hitti sẽ không bao giờ xâm chiếm lãnh thổ của Ai-cập nữa [.] và về phía mình, hoàng đế Ai-cập sẽ không bao giờ xâm chiếm lãnh thổ của Hitti nữa. Nếu một kẻ thù nào tấn công lãnh thổ của vua Ramses và vị này sai sứ giả đến nói với lãnh đạo người Hitti rằng ‘Hãy đến giúp tôi chống lại nó’; thì lãnh đạo dân Hitti sẽ đến để đánh quân thù. Cũng vậy, nếu một kẻ thù nào đánh lãnh đạo dân Hitti và vị này cầu cứu vua Ramses, thì nhà vua sẽ đến để đập tan quân thù, hoặc ít là gửi bộ binh và chiến xa đến[3].

Tính thánh thiêng của thỏa ước được nhận thấy nơi việc kêu cầu các thần linh. Ở đoạn kết người ta đọc thấy những dòng sau đây: “Hiệp ước này được viết trên tấm bản bằng bạc của nước Hitti và Ai-cập. Bên nào không giữ thỏa ước, thì ngàn thần linh Hitti và ngàn thần linh Ai-cập sẽ tàn phá nhà cửa, đất đai, thần dân. Tái lại, ai tuân giữ thỏa ước, dù là người Hitti hay người Ai-cập, thì ngàn thần linh Hitti và ngàn thần linh Ai-cập sẽ cho họ được mạnh khỏe, bản thân họ, xứ sở họ và thần dân của họ”.

Theo truyền thống, hiệp ước được thắt chặt nhờ hôn nhân của vua Ramses với công chúa Maathorneferura ái nữ của vua Hattusili, và vài năm sau đó, với một công chúa khác của nhà vua Hitti.

Những bản sao thỏa ước được tìm thấy ở Tebe (gần Uxor) và ở Hattusa (hiện nay là Bogazköy, cách Ankara khoảng 150 cây số về phía Đông).

2/ Hiệp ước quy định giao tranh

Một thí dụ lịch sử đầu tiên của “cuộc chiến được quy định bằng thỏa ước” được gặp thấy xưa hơn, ở Hy-lạp vào thế kỷ VII trước CN. Các thành phố Calcide và Eretria đang đánh nhau để chiếm đoạt cánh đồng Lelanto. Đây là một cuộc chiến kỳ lạ, bởi vì mặc dù là đối thủ quân sự, nhưng đôi bên vẫn không cắt đứt liên lạc thương mại kể cả trong thời gian giao chiến. Chính vì thế, thay vì chém giết khốc liệt, đôi bên ấn định một vài quy luật lúc đánh nhau. Các quy luật này được khắc trên một tấm bia ở Amarinto, trong đó cấm không được dùng vũ khí phóng lao[4].

3/ Tranh đấu bất bạo động

Hình thức tranh đấu bất bạo động tiên khởi được các sử gia ghi nhận ở Rôma năm 494 trước CN. Vào thời ấy, tại nước Cộng hòa Rôma, có một hố ngăn cách rất lớn giữa hàng quý tộc và các tiện dân (plebs). Hàng tiện dân, tuy có quyền đầu phiếu, nhưng không có đại biểu ở Thượng viện, bởi vì có một luật ngăn cấm không cho họ được đắc cử. Ngoài ra, còn có luật cấm kết hôn giữa tiện dân và quý tộc; các tiện dân cũng không được san sẻ tài sản khi thắng trận. Các tiện dân bộc lộ nỗi bất mãn của họ bằng cuộc tranh đấu không bạo động: họ rủ nhau rút lui (secessio) khỏi thành phố để buộc hàng quý tộc phải chấp nhận yêu sách của mình.

Tục truyền kể rằng cuộc phản đối đầu tiên của các tiện dân xảy ra vào năm 494 trước CN, khi họ quyết định rời thành phố, không thi hành các nghĩa vụ và quân sự. Việc “rút lui” này gây ra nhiều lo lắng cho hàng quý tộc, bởi vì Rôma đang cần tuyển mộ binh sĩ (kể cả các tiện dân) để tham gia các cuộc chiến tranh chống lại dân Etruschi, Equi và Volsci. Một đàng thiếu người đi lính, đàng khác sinh hoạt xã hội bị tê liệt, vì thế hàng quý tộc buộc lòng phải nhượng một phần các quyền chính trị cho các tiện nhân. Không những các tiện dân được cử đại biểu vào Thượng viện, nhưng nhờ sự chống đối bất bạo động, họ còn buộc Nghị viện phải thông qua đạo luật Canuleia, xóa bỏ việc ngăn cấm hôn nhân giữa các giai cấp khác nhau[5].

4/ Văn thơ hòa bình ở Hy-lạp

Hầu hết các dân tộc thời xưa đều coi chiến tranh là tình trạng bình thường của lịch sử. Thậm chí ở Hy-lạp cổ thời, chiến tranh được xem như cái gì thuộc về trật tự tự nhiên, và Heraclitus định nghĩa chiến tranh là “cha và vua của vạn vật”.

Mặc dù dân Hy-lạp cổ thời rất đề cao chiến tranh, nhưng cũng có những người bảo vệ và kêu gọi HB. Dĩ nhiên là họ không nhận được ủng hộ nồng nhiệt của nhân dân, và đôi khi phải trả giá đắt cho lời hô hào HB. Chẳng hạn như cô Cassandra đã bị kết tội phản bội, vì đã gợi ý cho cha là vua Priam (thành Troy) hãy làm hòa với dân[6]. Ngay cả ông Aristophanes cũng bị coi là phản bội xứ Athenes vì “sân khấu chống lại chiến tranh” của ông.

Thi sĩ cổ xưa nhất của Hy-lạp được biết đến là ông Hesiodos (tk VIII-tk VIII trước CN). Đối lại với ông Homero ca ngợi chiến tranh và tinh thần mạo hiểm, ông Hesiodos đề cao HB, thanh liêm, công bình và yêu thích làm việc mang lại hạnh phúc.

Nói đúng ra, mối tương quan giữa HB và hạnh phúc cũng gặp thấy nơi hai văn hào Homero và Eschilo. Trong Odissea, ông Homero viết: “Mong cho họ lại hòa thuận với nhau như trước, đầy đủ tài sản và HB” [XXIV 486]. Tuy nhiên, nơi ông Homero, đề tài HB chỉ chiếm một chỗ đứng rất khiêm tốn! Thực vậy, trong trường thi đang nói, đề tài HB chỉ xuất hiện một lần ở đoạn vừa trưng dẫn. Trong tác phẩm Iliade, khi mô tả chiếc thuẫn của Achille, ta thấy xuất hiện một thành phố an bình và một thành phố chiến tranh [Il. XVIII 490 tt], tác giả phần nào nhấn mạnh đến những công tác của HB.

Đối với ông Eschilo (525 – 456 trước CN), chiến tranh được móc nối với tư tưởng tàn phá và tang tóc, vì thế trong cuốn Những người Ba tư ông luyến tiếc nhớ lại thời hoàng đế Đariô, vị vua “mang lại HB cho tất cả các bằng hữu”.

Khác với người đương thời, ông Aristophanes (k.450 – k.388 trước CN) đứng lên bênh vực cho HB. Trong các tác phẩm, ông vạch ra cuộc khủng hoảng xã hội và luân lý gây ra bởi các cuộc chiến tranh của thành Athène, và ông định nghĩa chiến tranh như một tên khổng lồ đã chà đạp các thành phố Hy-lạp trong một cối xay, và thậm chí còn làm bá chủ núi Olympo thánh thiêng. Trong tác phẩm Hòa bình, ông Aristophanes cho ông Trigeo công dân thành Athène lên núi Olympo để chất vấn thần linh chiến tranh từ mười năm nay đã gây ra cảnh đổ máu trong cách thành phố Hy-lạp. Khi đến cửa nhà trời, ông ta khám phá rằng các thần linh, chán ngán vì hành động của loài người, đã để mỗi mình thần Hermes làm chủ núi Olympo. Nhờ sự thuyết phục của ông Trigeo, thần chiến tranh Hermes đã giải thoát HB đang bị giam ở một cái hang động sâu thẳm.

Trái lại, trong tác phẩm Lisistrata, ông Aristophanes tưởng tượng rằng phụ nữ Hy-lạp, để chấm dứt tình trạng chiến tranh, đã họp nhau lại và đi đến một quyết định cựa đoan: họ sẽ kiêng cữ mọi hành vi ái ân ngõ hầu bắt buộc hàng nam nhi phải nhất trí bảo vệ HB.

Ngay cả trong các tác phẩm của Euripides (480- 406 trước CN) chúng ta cũng gặp thấy nhiều đoạn văn đề cao HB hoặc mô tả cách ảm đạm những kinh tởm của chiến tranh. Chẳng hạn như trong tác phẩm Những lời van nài, ông nói rằng “đối với loài người, HB thì đáng quý hơn chiến tranh: bởi vì HB được các thần Muse[7] mến chuộng, HB hân hoan vì con cái đông đảo, tài nguyên phong phú; các thần gớm ghét người phàm chúng ta bởi vì chúng ta là con người mà lại bắt con người làm nô lệ, và các thành thị bắt các thành thị làm nô lệ”.

Để kết thúc cuộc du hành sang xứ Hy-lạp cổ xưa, chúng ta không thể nào bỏ qua đoạn văn của ông Herodotus (484-425 trước CN), trong bộ Sử ký, khi hoàng đế Ciro hỏi ông Creso vì lý do điên rồ khiến cho ông này dám gây chiến với một người mạnh thế hơn nhiều và không hy vọng gì thắng được, thì Creso trả lời rằng: “Trăm sự đều do vị thần của dân Hy-lạp đã xúi giục tôi đánh nhau. Không ai điên rồ gì mà lại yêu thích chiến tranh thay vì HB: vào thời bình thì con cái chôn cất cha mẹ, vào thời chiến thì cha mẹ chôn cất con cái: thế mà các thần lại ưa thích như vậy”.

Sự hiện diện của các nhà văn này tượng trưng cho một luồng phê bình nội tại cho những lý thuyết và thực hành chiến tranh trong xã hội Hy-lạp cổ xưa: đối với họ, HB là tình trạng bình thường, đối lại với chiến tranh là tình trạng đảo lộn trật tự thiên nhiên.

Trong một thế giới mà chiến tranh thường được coi là bình thường hơn là HB, thì một sự kiện nhắc nhở hết mọi người về sự cần thiết của HB tùy chỉ tạm thời, đó là thế-vận-hội tổ chức tại thành phố Olympia[8]. Thật vậy, nhiều thỏa ước được ký kết giữa các thành phố nhằm bảo đảm cho thế vận hội được diễn ra trong an bình, được mệnh danh là Ekecheiria (“giơ tay lên”) có nghĩa là đình chiến thế vận hội.

5/ Văn chương Latinh

Đối với người Rôma cổ xưa, có một sự tương phản lớn lao về chiến tranh và HB: một đàng, người ta khát mong HB, đàng khác chủ nghĩa đế quốc Rôma đã gây ra chiến tranh và phá hoại, và đồng hóa HB với chiến thắng. Xét cho cùng, HB của Rôma là một thứ “ý thức hệ quân sự về HB”, theo đó HB được hiểu là pax Romana khi các dân chịu phục tùng vào đế quốc.

Chủ nghĩa đế quốc Rôma đã được tướng Calgax, chỉ huy đoàn quân Britannici (nay là nước Anh) mô tả như sau, theo lời kể của sử gia Tacitus (55-197) trong sách Tiểu sử tổng trấn Agricola: “Những quân cướp bóc khắp thế giới, bây giờ không còn đất đai để chúng tàn phá nữa, thì chúng lại tìm cách chiếm đóng cả biển nữa: chúng tỏ ra tham lam nếu quân địch có của, chúng tỏ ra hống hách nếu quân địch nghèo nàn; họ là những người mà cả Đông cả Tây cũng đều không thỏa mãn lòng tham của họ; họ chỉ có khát vọng là chiếm đọat, dù là tài sản hoặc sự lầm than của người khác. Họ cướp bóc, tàn sát, chiếm đoạt, và đó là cái mà họ đặt tên là đế quốc! Họ làm ra hoang địa và gọi là HB”[9].

Chính vì quan niệm HB như vậy, cho nên thời đó người ta biện minh cho chiến tranh bằng câu tục ngữ thời danh Si vis pacem, para bellum (“Nếu muốn HB thì hãy chuẩn bị chiến tranh”). Câu tục ngữ này lấy lại câu nói Igitur qui desiderat pacem, praeparet bellum trong quyển III của cuốn Epitoma rei militaris do Publius Flavius Vegetius Renatus biên soạn vào cuối thế kỷ IV. Câu tục ngữ này cũng lại được Cornelius Nepos lấy lại trong quyển Epaminonda, với châm ngôn Paritur pax bello (HB đạt được nhờ có chiến tranh). Ta thấy rằng đang khi Vegetius muốn nói rằng để tránh chiến tranh thì cần phải chứng tỏ rằng mình biết cách đáp trả; còn quan điểm của Cornelius Nepos thì ngược lại. Dù hiểu thế nào đi nữa, chủ trương của đế quốc Rôma là chinh phục các nước khác, để áp đặt một thứ HB thống trị.

Chúng ta gặp thấy một tinh thần phê phán chủ nghĩa đế quốc nơi thi sĩ Virgilio (70 – 19 trước CN): ông xem chiến tranh như sự vi phạm tôn giáo và pháp luật. Hơn nữa, đối với ông, danh từ bellum (chiến tranh) được xếp vào loại nefas (sai trái), gọi nó là horridum (kinh tởm) và cruentum (tàn bạo). Không lạ gì mà trong 200 lần danh từ bellum (chiến tranh) xuất hiện, nó đều mang tính cách tiêu cực và không hề được gán những đức tính thuộc về tôn giáo và luật pháp, tựa như iustumpiumfelix (công bình, đạo hạnh, hạnh phúc). Khi nhà thơ này muốn nhân cách hóa chiến tranh, thì chúng ta có Bellum mortiferum (thần chiến tranh gieo rắc chết chóc), được liệt vào những tai ương độc dữ nhất giáng xuống nhân loại.

Tuy nhiên, Virgilio ý thức rằng chiến tranh có thể là sự cần thiết cùng cực mà đôi khi phải dùng đến, vì vậy ông nhấn mạnh đến việc bày tỏ cho các thần linh thấy rõ, qua những lễ nghi đặc thù, sự bất công biện minh cho chiến tranh.

II. Kitô giáo

Giáo huấn của Đức Kitô tóm lại trong phương châm “hãy yêu thương người thân cận như chính mình”. Như vậy, rõ ràng là giáo huấn này chống lại bạo lực và thúc đẩy hãy ôm ấp con đường yêu thương và tha thứ đối với kẻ thù. Tuy nhiên, các Kitô hữu đã có những cách xử sự khác nhau tùy theo người được xem là “thân cận” và tùy theo những khung cảnh lịch sử khác nhau.

Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, chúng ta có những thí dụ về những người tín hữu khước từ nghĩa vụ quân sự: nổi tiếng nhất là thánh Maximiliano, rồi đến thánh Marcello, thánh Maurizio, thánh Basilide, thánh Victor.

Suốt ba thế kỷ đầu, dựa theo các thư của thánh Phaolô, người ta khẳng định nghĩa vụ kháng cự thụ động, vì vậy Giáo hội tỏ ra bất bạo động, thậm chí còn bị bách hại và đã viết thành một chuỗi nhiều vị tử vì đạo. Những văn phẩm và hành động của những nhân vật “chủ hòa” tiên khởi đã ra đời vào thời này, tựa như Tertullianô (150 – k.220)[10], Origene (185 – 254), Hippolitô Rôma (k.170 – 235), Cipriano (. – 258), Athenagoras Athene (tk.II) và Lactanzio (250-320 circa). Những tác giả này, dựa trên trọng tâm của Kitô giáo là agape, chủ trương một thứ chủ hòa triệt để, do đó không thể nào chấp nhận bất cứ chiến tranh nào hết.

Thế nhưng khi Kitô giáo trở thành quốc giáo thì lý thuyết và thực hành chiến tranh của Kitô giáo đã thay đổi, thậm chí từ ngữ martyr mặc thêm một ý nghĩa mới: lúc đầu người ta chịu giết vì là martyr, bây giờ người ta trở thành martyr bởi vì bị giết vì chiến tranh. Chúng ta đừng quên rằng Kitô giáo trở thành tôn giáo của Rôma dưới dấu của chiến tranh, khi hoàng đế Constantinô trông thấy trên trời có cái gì giống như dấu thánh giá với dòng chữ “In hoc signo vinces” (bằng dấu này ngươi sẽ thắng). Hoàng đế xác tín rằng thập giá, biểu tượng của Đức Kitô, mang lại cuộc chiến thắng quân thù, từ đó ông truyền gắn biểu tượng này trên tất cả các quân kỳ của mình.

Sau đó, Giáo hội đã soạn ra học thuyết về “chiến tranh công bình”, đã cổ động những thập tự chinh chống lại người ngoại, đã chinh phục “Tân thế giới” cho Kitô giáo. Tuy nhiên, may thay, không hề thiếu những tiếng phê phán ngay trong nội bộ Giáo hội[11].

III. Thời Trung cổ

Ít khi chiến tranh đã trở thành quen thuộc với cuộc sống hằng ngày như là thời Trung cổ. Tuy nhiên, chiến tranh được ủy thác cho một nhóm “chuyên gia chiến tranh”: những người này được cấp đất đai, đối lại là auxilium militare nghĩa là bổn phận phải cầm khí giới để giúp đỡ lãnh chúa mỗi khi ông này cần. Vì thế, vào thời Trung cổ, chiến tranh mang tính cách tình nguyện, mang tính cách hào hiệp. Có những học thuyết được soạn ra để chiến tranh diễn ra trong khuôn khổ của luật pháp, luân lý, tôn giáo. Vào thời này, ít có những tiếng nói phê phán chống lại chiến tranh, và tập trung vào việc tuân thủ những luật lệ trong lúc lâm chiến. Một trong những tiếng nói đó là thánh Phanxicô Assisi (1181 hoặc 1182 – 1226). Người tham gia cuộc thập tự chinh, nhưng không tham chiến. Người sang Thánh địa để khuyến khích cả hai bên (Kitô và Islam) đừng đánh nhau.

Liên quan đến các cuộc Thập tự chinh, hồng y Nikolaus Krebs (hay Kryffs) người Đức (1401-1464) là một tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích chiến tranh bên Thánh địa, và chủ trương sự bao dung giữa các tôn giáo độc thần. Ông khởi đi từ tiền đề là đạo Do thái, đạo Kitô, đạo Islam đều có niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, và đi tới kết luận là sự khác biệt các tín ngưỡng tượng trưng cho những quan điểm khác nhau về cùng một Thiên Chúa. Vì vậy thật là phi lý khi chúng ta chia rẽ và đánh nhau. Tuy nhiên, đàng sau các tư tưởng này, tác giả hy vọng rằng các tôn giáo khác sẽ trở về với đạo Kitô.

Một mẫu gương khác của con người hòa bình là Pierre Valdo (hoặc Valdes, hoặc de Vaux: k.1140 – k.1217). Ông là một nhà tiên phong chống lại án tử hình, và một nhà giảng thuyết về hòa bình và hành động bất bạo động. Nhóm người hình thành nhờ lời giảng của ông đã thực hành việc phản đối lương tâm, và sống tinh thần cộng đồng.

Thời Trung cổ kết thúc với việc khám phá một thế giới mới, và mở màn cho cuộc chiến với các dân tộc ở đó. Nhân danh trách nhiệm đem Tin mừng cho các dân tộc sống trong mê muội, người ta dùng một chiêu bài tôn giáo để chiếm đoạt đất đai và tài nguyên của các dân tộc được xem như là “bán khai” và “vô trật tự”.

Đã có những tiếng nói gióng lên phản đối chiến tranh chống các thổ dân và nhất là cách thức đối xử dành cho họ: người ta bắt đầu nói đến những quyền lợi bình đẳng cho tất cả mọi người. Linh mục Bartolomé de Las Casas dòng Đaminh (1484 – 1566) là một trong những tiếng nói phê phán đó. Cảm thấy xao xuyến vì chiến dịch quân sự bạo động, vì cuộc xâm chiếm đất đai, cha đứng lên bênh vực các thổ dân, qua việc giảng thuyết chống lại sự bất công của chủ nghĩa thực dân: người Tây ban nha đã đến với “những con chiên hiền lành này” như là những “chó sói, cọp, sư tử hung dữ đã bị đói từ lâu ngày”.

Luận đề khởi đầu của Las Casas là “động lực của cuộc chinh phục chẳng phải vinh quang Thiên Chúa, chẳng phải là đức tin nhiệt thành, chẳng phải là ước muốn giúp đỡ người thân cận, chẳng phải phục vụ hoàng gia, mà chỉ là sự tham lam tiền của và ham hố danh vọng”. Cha được coi như “người bảo vệ thổ dân” nhờ tác phẩm Historia general de las Indias (Lịch sử thổ dân Mỹ châu).

Cha Francisco de Vitoria, một nhà thần học dòng Đa Minh (1483-1546) cũng dấn thân bảo vệ các thổ dân, và trở thành người tiên phong cho Tuyên ngôn các quyền lợi của con người, và của luật chư dân (ius gentium) được Đại Hội Đồng LHQ chấp nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948.

IV. Thời cận đại

Thế kỷ XVI đã chứng kiến sự kéo dài của những cuộc “chiến tranh tôn giáo” (giữa Công giáo và Tin lành), nhưng cũng đã chứng kiến sự ra đời của trào lưu triết học chủ hòa nhân bản. Trong số những nhân vật nổi bật nhất chúng ta cần nhắc đến ông Erasmus (1466 – 1536). Dựa trên sứ điệp Kitô giáo, ông khước từ chiến tranh vì coi như là nguyên nhân của tất cả mọi sự dữ. Trong cuốn Sưu tập các ngạn ngữ (Adagiorum Collectanea), ông không ngần ngại trách móc Giáo hội, tự hỏi tại sao “mục tiêu của Giáo hội trên thế giới là rao giảng Tin mừng, nghĩa là sứ điệp HB triệt để hơn cả, mà lại trở thành đồng lõa, thậm chí chịu trách nhiệm về các cuộc chiến tranh?”

Trong tác phẩm thời danh Querela Pacis, ông kêu gào ủng hộ HB. Đối lại sự tàn khốc điên cuồng của chiến tranh, ông tha thiết cầu nguyện cho HB, dựa trên lý trí và Tin mừng: nhờ lý trí, ta có thể đạt đến HB như nguồn mạch cho sự thịnh vượng và phong hóa; nhờ Tin mừng, chúng ta có thể đạt đến những khuôn mẫu dạy đức hiền lành. Khởi đi từ tiền đề là không có chiến tranh công bình, bởi vì các cuộc giao chiến chẳng qua chỉ là phương tiện mà kẻ mạnh theo đuổi lợi ích của mình, ông Erasmus đi tới chỗ lên án tất cả các Kitô hữu hiếu chiến, coi họ là “những tín đồ giả hiệu”.

Theo bước của Erasmus, ông Emeric Crucé (1590-1648), qua tác phẩm Le nouveau Cynée viết vào năm 1623, đề nghị một hội nghị gồm các đại sứ của tất cả thế giới, do quyền trọng tài các cuộc xích mích giữa các quốc gia, có thể bảo đảm HB phổ quát và tự do thương mại. Tư tưởng này sẽ được lặp lại nơi Abbé de Saint-Pierre (Projet pour rendre la paix perpétuelle en Europe – 1713), William Ladd (An Essay on a Congress of Nations – 1840) và William Jay (War and Peace – 1842).

Mặt khác, trường phái luật tự nhiên của thế kỷ XVII, vấn đề HB được đặt trong suy tư gắn liền chiến tranh với pháp lý, đặt ra những quy tắc khiến cho chiến tranh được hợp pháp. Nhờ vậy, tất cả những tai ương do chiến tranh gây sẽ được giảm bớt. Đại biểu cho tư tưởng này là luật gia Hugo Grotius (Huig de Groot, 1583 – 1645), với tác phẩm De iure belli et pácis.

V. Thế kỷ XVIII- XIX

Trong thế kỷ XVIII, ở châu Âu và Hoa kỳ, nạn nô lệ khá thịnh hành[12]. Hiện tượng những con người bị trở thành nô lệ đã khiến nhiều người chống đối bằng phương tiện bất bạo động, để tranh đấu hủy bỏ tệ nạn này.

Ông John Woolman (1720-1772) là một điểm quy chiếu cho cuộc tranh đấu bất bạo động để bãi bỏ chế độ nô lệ, và cũng là một nhà giảng thuyết của sự bất bạo động, không chịu nhượng bộ trong vấn đề HB. Cùng với các thân hữu, ông cổ động sự “bất tuân thuế vụ”, nghĩa là không chịu nộp thuế với lý do bởi vì số tiền này được dùng để tài trợ những cuộc chiến tranh chống lại các thổ dân và chống lại người Pháp. Trong các tác phẩm của ông, cần ghi nhớ: Nhật ký, Vài suy nghĩ về các điều kiện của người da đen. Lời kêu gọi giúp người nghèo.

1/ Thế kỷ XVIII: Phong trào Khai sáng và quan điểm hòa bình

Khuynh hướng hiếu hòa được bộc lộ rõ rệt nơi phong trào được khởi xướng bởi Montesquieu (1689 – 1755), Voltaire (1694 – 1778), Rousseau (1712 – 1778), Diderot (1713 – 1784), d’Alembert (1717 -1783), và những người khác, được biết dưới tên gọi “Khai sáng” (Illuminisme). Nói cho đúng, sự khai sinh của chủ trương hiếu hòa cận đại bắt nguồn từ giai đoạn Khai sáng. Thực vậy một đàng phong trào này đề cao các quyền lợi của con người mặt khác họ mạnh mẽ cổ súy cho HB. Đối với họ, chiến tranh được gắn liền với chế độ độc tài, với sự kém phát triển kinh tế, sự thiếu văn hóa mà họ đổ lỗi cho thời Trung cổ.

Trong cuốn sách Nhận định về dự án hòa bình trường cửu, Jean Jacques Rousseau viết về chiến tranh như sau: “Tôi thấy các dân tộc bạc phước rên siết dưới một cái ách bằng sắt, tôi thấy nhân loại bị nghiền nát bởi một nhúm người thống trị, tôi thấy một lũ đông những kẻ đói khát khổ sở vì thiếu ăn, đang khi người giàu yên tâm uống nước mắt và máu củ dân nghèo, và đâu đâu cũng thấy quân đội hùng mạnh của quyền lực những luật lệ chống lại kẻ yếu hèn”.

Giọng văn của triết gia François-Marie Arouet, được biết dưới bí danh Voltaire, lại càng thô bạo hơn nữa. Ông coi chiến tranh như một thùng chứa đựng tất cả những sự ác khác, và nhất là nó là kết quả của ý chí con người. Theo ông, chiến tranh là một “tai ương không tránh được”, một “nguyên liệu”, cùng với dịch tễ và đói kém, của thế giới thấp hèn này. Cách riêng chiến tranh là sản phẩm của “óc tưởng tượng của ba hoặc bốn trăm con người rải rắc khắp địa cầu mang danh là vua chúa và bộ trưởng [.] Bọn họ cấu xé lẫn nhau, không những là chẳng được lợi lộc chi mà không biết vì lý do gì [.] Tất cả chỉ đồng ý ở một điểm: cần phải hết sức làm mọi điều ác có thể được”. Như vậy, chiến tranh là một sự “chém giết anh dũng”, “một dự án của hỏa ngục” đưa nước này chống lại nước kia, con người chống con người.

Nhiều người cho rằng linh mục Charles-Irénée Castel de Saint-Pierre (1658-1743) là tiên phong của thuyết chủ hòa (pacifisme) cận đại. Vào khoảng năm 1713, nhân dịp hội nghị tại Utrecht, người đã soạn một dự thảo thỏa ước nhắm đạt một nền “hòa bình lâu dài” trong một thế giới Kitô giáo đang gặp cảnh xáo trộn. Tác giả đề nghị thiết lập một “Liên minh thường trực các quốc gia” có thẩm quyền không những để giải quyết các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia ngõ hầu các quốc gia không cần sử dụng vũ trang, mà còn có thẩm quyền phối hợp chính sách kinh tế quốc tế.

Để kết thúc quan điểm của thế kỷ XVIII về vấn đề HB, cần nói thêm rằng phong trào Khai sáng lên án chiến tranh tấn công nhưng chấp nhận tính hợp pháp của chiến tranh tự vệ. Vì lý do này, Quốc hội lập hiến đã ra lệnh đưa vào Hiến pháp nguyên tắc sau đây: “Nước Pháp sử dụng bất cứ chiến tranh nào nhằm xâm chiếm, và sẽ không bao giờ dùng vũ lực chống lại tự do của bất cứ dân tộc nào”. Tiếc rằng trên thực tế, Nhà Nước cách mạng vẫn đi theo con đường chính trị vũ trang, khi tuyên chiến với hoàng đế nước Áo ngày 10-4-1792.

Khởi đi từ tiền đề là chiến tranh “là sự ác tệ hại nhất đè nặng lên xã hội loài người và là nguồn gốc của mọi sự ác và của mọi suy sụt luân lý, triết gia Immanuel Kant (1724 – 1804) tìm cách tạo ra vài tiền đề có khả năng đưa tới hòa bình trường cửu”. Theo ông, con người không cần phải dựa trên nền tảng nào khác ngoài chính lý trí của mình, và chỉ cần dựa trên lý trí, và hành động dựa trên các giá trị. HB được xếp vào những giá trị quan trọng nhất.

Trong khảo luận Vì một nền hòa bình trường cửu, ông đã đưa ra một lý thuyết kết nối những điểm khác nhau liên quan đến HB, đề xuất cách thức tránh chiến tranh và hướng dẫn đến việc vĩnh viễn bãi bỏ chiến tranh. Theo Kant, con người không còn là người bao lâu còn chấp nhận (kể cả chỉ trên lý thuyết) chiến tranh để giải quyết những xung khắc; HB chỉ có thể thực hiện khi nào không thể đánh nhau nữa, nghĩa là khi các quốc gia tổ chức những pháp chế để ngăn chặn nó. Vì thế sự hoàn thiện luân lý của con người đòi hỏi sự trục xuất chiến tranh ra khỏi lịch sử. Nói cách khác, sự hoàn thiện luân lý chỉ có đạt được khi biết kết hợp luân lý và chính trị. Dĩ nhiên, đối với Kant, nếu nhân loại thành công trong việc trục xuất chiến tranh ra khỏi các mối tương quan cá nhân, coi người khác như là mục đích chứ không phải là phương tiện thì sẽ thành công trong việc trục xuất chiến tranh ra khỏi các mối tương quan quốc tế.

Thế kỷ XIX cũng không thiếu những nhà tư tưởng chống lại chiến tranh, đặc biệt là trong ngành học mới ra đời là xã hội học và tư tưởng chủ nghiệm, trong số đó ta có thể kể đến Claude-Henri de Rouvroy comte de Saint-Simon (1760-1825), Isidore Marie Auguste François Xavier Comte (1798-1857), Herbert Spencer (1820-1903).

Saint-Simon, thuyết gia của “triết học chủ nghiệm” và lối tiếp cận khoa học với các vấn đề xã hội và chính trị, đã ước mong thời đại của một xã hội mới nhắm cải thiện nếp sống của giới vô sản, và mang ra thực hành sứ điệp HB của Tin mừng.

Ngược lại, ông Auguste Comte chỉ trích xã hội đương thời được coi là thần học và quân sự; ông mong thấy sự ra đời của một xã hội mới dựa trên lao động và nghiên cứu xã hội, trong đó hàng ngũ quân đội được thay thế bằng hàng kỹ nghệ gia và tư bản còn phần trí thức thì dành độc quyền cho các nhà xã hội học.

Henri Spencer, khi tố giác các vụ vi phạm nhân quyền, đã đưa ra giả thuyết về sự hòa giải toàn diện: con người với con người, với tha nhân và với môi trường.

2/ Thế kỷ XIX: những hiệp hội bảo vệ HB

Những hiệp hội bảo vệ HB ra đời hồi thế kỷ XIX, đầu tiên ở Hoa kỳ, vào năm 1815 và 1828, được gợi hứng từ “Hội Hoa kỳ vì Hòa bình” do William Penn (1644-1718) sáng lập. Ông Penn là người đã lập ra bang Pensylvania, nổi tiếng nhờ Great Treaty năm 1683 và 1701, trong đó ông coi những thổ dân ngang hàng với các công dân Mỹ, và cổ vũ sư hợp tác và tôn trọng hỗ tương.

Bên Âu châu, hội bảo vệ HB (Peace Society) đầu tiên được thành lập năm 1830 do công tước Jean-Jacques de Sellon (1782-1839). Nhờ ảnh hưởng của những nhân vật uy tín, phong trào HB bành trướng mạnh mẽ, và đã tổ chức Hội nghị quốc tế lần đầu tiên tại London, vào ngày 22-6-1843 (tiếp theo là Hội nghị họp tại Bruxelles năm 1848 và Paris năm 1849). Nhờ các hội nghị này mà vào năm 1891 “Văn phòng thường trực quốc tế về HB” (Bureau International Permanent de la Paix) được thành lập tại Berne.

Trong thế kỷ XIX, tại châu Âu nhiều hội chủ hòa được thiết lập và từ năm 1848, “Liên minh Huynh đệ Hoàn cầu” (League of Universal Brotherhood) đã được phát triển ở nhiều quốc gia. Liên minh này được lập bởi ông Elihu Burritt (1810-1879), một nhà tranh đấu bằng đường lối hòa bình chống lại nạn nô lệ, phẩm giá của công nhân và chống lại chiến tranh. Triết gia và văn hào Henry David Thoreau (1817-1862) cũng đứng lên chống chiến tranh, bãi bỏ chế độ nô lệ, và nhìn nhận quyền công dân bình đẳng cho hết mọi người. Trong tác phẩm Bất tùng phục dân sự (Civil Disobedience), ông đưa ra lý thuyết về sự đề kháng thụ động để chống lại các luật pháp và vấn nạn lương tâm.

Nói chung thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự phát triển của nhiều trào lưu hiếu hòa. Chúng ta hãy tóm tắt những khuynh hướng chính:

– Trào lưu “tự do” có liên hệ với các học thuyết kinh tế tự do, muốn hạn chế chi tiêu quân sự và phát triển tự do thương mại (điển hình: Riccardo Cobden).

– Ngược lại, trào lưu “dân chủ cộng hòa” yêu cầu chuyển hướng từ chế độc tài sang chế độ chủ quyền thuộc về toàn dân (điển hình: Mazzini, Federico Passy).

– Trào lưu “pháp lý” chủ trương cần phải bảo đảm HB thế giới bằng những dụng cụ pháp lý: các hiệp ước quốc tế; các tòa án quốc tế. Ngay cả các “tổ kín” (Franc-maçon, Freemason) cũng bày tỏ lòng khao khát HB và ước mong thành lập “Hội các quốc gia” (Société des Nations) có thẩm quyền để giải quyết những vụ tranh chấp quốc nội và quốc tế (Albert Pike).

– Còn các đảng “xã hội” mong ước vượt khỏi chế độ tư bản, bởi vì “các cuộc chiến là kết quả của sự tranh chấp giữa các quốc gia tư bản; vì thế chiến tranh chỉ chấm dứt khi không còn chế độ tư bản” (Đại hội Stuggard năm 1907). Tuy vậy, phong trào HB của chủ nghĩa xã hội chấp nhận việc sử dụng vũ lực trong các cuộc vận động xã hội.

– Chủ trương “bất bạo động”, với Gandhi là đại biểu nổi bật, yêu cầu tổ chức đời sống xã hội như là công cụ để thay đổi[13].

 – Ngay cả các “phụ nữ” dấn thân trong phong trào tranh đấu nữ quyền cũng không bỏ qua việc ủng hộ HB và giải trừ binh bị. Trong những khuôn mặt có uy tín, chúng ta có thể kể đến Lucretia Coffin Mott (1793-1880), Julia Ward Howe (1819-1910) và Jane Addams (1860-1935) bên Hoa kỳ; Florence Nightingale (1823-1910) bên Anh là người gợi ý cho Henri Dunant, sáng lập Hội Chữ Thập đỏ; Bertha von Suttner (1843-1914) bên Áo.

Thế kỷ XIX được khép lại với với việc thành lập “Văn phòng quốc tế HB” (International Peace Bureau) năm 1891, một tổ chức vẫn còn hoạt động trong lãnh vực HB và giải trừ binh bị, việc thừa nhận một vài thỏa ước được ký kết tại Hội nghị quốc tế họp năm 1899 tại La Haye, để dàn xếp những vụ tranh chấp và hạn chế chiến tranh.

Thế kỷ XX mở màn với việc thành lập một Tòa Án quốc tế, theo đề nghị của Hội nghị quốc tế họp ở La Haye năm 1907.

VI. Thế kỷ XX

1/ Những văn bản pháp lý

Tuy nhiên, thế kỷ XX là thế kỷ của những trận chiến kinh khủng nhất của lịch sứ: hai cuộc chiến tranh thế giới, và một cuộc chiến tranh khác đã nguội ở châu Âu nhưng vẫn còn kéo dài ở nơi khác[14]. Mặc dù vậy, thế kỷ XX đã đánh dấu nhiều mốc điểm trong lãnh vực HB. Lời mở đầu Hiến chương Liên hợp quốc là một lời mời gọi minh bạch để cho luật quốc tế và ý muốn của các dân tộc được xây dựng trên một mệnh lệnh HB:

Chúng tôi, nhân dân các quốc gia liên hiệp quyết tâm: Phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh đã hai lần trong đời chúng ta gây cho nhân loại đau thương không kể xiết; Tuyên bố một lần nữa sự tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, ở quyền bình đẳng giữa nam và nữ, ở quyền bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ; Tạo mọi điều kiện cần thiết để giữ gìn công lý và tôn trọng những nghĩa vụ do những điều ước và các nguồn khác do luật quốc tế đặt ra; Khuyến khích sự tiến bộ xã hội và nâng cao điều kiện sống trong một nền tự do rộng rãi hơn; Và để đạt được những mục đích đó, Bày tỏ lòng mong muốn cùng chung sống hoà bình trên tinh thần láng giềng thân thiện, cùng chung nhau góp sức để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Thừa nhận những nguyên tắc và xác định những phương pháp bảo đảm không dùng vũ lực, trừ trường hợp vì lợi ích chung. Sử dụng cơ chế quốc tế để thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế và xã hội của tất cả các dân tộc; Đã quyết định tập trung mọi nỗ lực của chúng tôi để đạt được những mục đích đó. Vì vậy, các chính phủ chúng tôi thông qua các đại diện có đủ thẩm quyền hợp lệ, họp tại thành phố San Francisco, đã thoả thuận thông qua Hiến chương này và lập ra một Tổ chức quốc tế lấy tên là Liên hợp quốc.

Nên biết là LHQ, tuy ngăn cấm chiến tranh, nhưng không cấm sử dụng vũ trang trong những hành động cảnh sát quốc tế mang tính cách nhân đạo. Việc sử dụng vũ trang không bao hàm điều gọi là “chiến tranh phòng ngừa”.

Một chặng khác trong việc “chinh phục HB” là Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, được Đại Hội Đồng LHQ phê chuẩn ngày 10-12-1948. Văn kiện này là cơ sở cho việc thành lập Amnesty International[15].

Đại Hội Đồng LHQ, trong khóa họp khoáng đại lần thứ 57, ngày 12-11-1984, đã phê chuẩn Tuyên ngôn về quyền lợi các dân tộc được hưởng HB, trong đó nhấn mạnh rằng “ để bảo đảm sự thi hành quyền của các dân tộc được hưởng HB, điều tuyệt đối cần thiết là chính sách của các quốc gia phải hướng đến việc loại trừ các mối đe dọa chiến tranh, nhất là chiến tranh hạt nhân, khước từ việc sử dụng vũ lực trong các tương quan quốc tế, giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế cách hòa bình dựa trên Quy chế LHQ”.

Việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế năm 1988, như một cơ quan tư pháp, có thẩm quyền xét xử những kẻ có trách nhiệm trong cuộc diệt chủng, những tội phạm chống lại nhân loại và những tội phạm chiến tranh. Tác động này đã củng cố việc bảo vệ nhân quyền và việc ngăn cấm chiến tranh như khí cụ để giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế.

Tiếc rằng những quy định này không được các quốc gia tôn trọng, và ngay trong nội bộ LHQ, vẫn còn chình ình quyền phủ quyết dành cho 5 quốc gia thuộc Hội Đồng Bảo An khiến cho hoạt động bị tê liệt.

2/ Những tư tưởng HB

Thế kỷ XX đã chứng kiến sự vận động cho HB từ phía các nhà trí thức, chính trị, nghệ sĩ. Danh sách này khá dài, và tôi chỉ giới hạn vào vài nhân vật tiêu biểu: Bertrand Arthur William Russell (1872-1970), Albert Einstein (1879-1955), Jacques Maritain (1882-1973), Norman Mattoon Thomas (1884-1968), Josef Metzger (1887-1944), Carl Von Ossietzky (1889-1938), don Primo Mazzolari (1890-1959), Dorothy Day (1897-1980), Aldo Capitini (1899-1968), Linus Pauling (1901-1994), Raoul Follereau (1903-1977), dom Helder Camara (1909-1999), don Lorenzo Milani Comparetti (1923-1967), Johan Galtung (1930), Erich Fromm (1900 -1980), Hans Jonas (1903-1993), Norberto Bobbio (1909-2004).

Có những ca sĩ hát cho HB và kết án chiến tranh, chẳng hạn như Joan Baez, Bob Dylan, Donovan, Crosby, Stills & Nash, John Lennon, I Nomadi, Fabrizio De Andrè, Francesco Guccini.

Những kinh nghiệm của Mahatma Gandhi bên Ấn-độ, của Martin Luther King ở Hoa-kỳ, của Nelson Mandela in Sudafrica, đã đánh dấu những chặng đường căn bản trong lịch sử các cuộc “cách mạng bất bạo động” để thay đổi xã hội.

Tôi muốn dừng lại cách riêng nơi hai nhà “kiến trúc HB”: thánh Gioan XXIII (Angelo Giuseppe Roncalli, sinh năm 1881, giáo hoàng từ 1958 đến 1963) và thánh Gioan Phaolô II (Karol Józef Wojtyla, sinh năm 1920, giáo hoàng từ 1978 đến 2005). Trong một thế giới bị thống trị bởi Chiến tranh lạnh, và chia rẽ giữa hai khối tư bản và cộng sản, hai vị giáo hoàng này đã lên tiếng để nhắc nhớ giá trị căn bản của HB. ĐTC Gioan XXIII đã để lại chúc thư HB trong thông điệp Pacem in terries (ngày 11-4-1963), trong đó ngài định nghĩa HB không phải là không có chiến tranh nhưng là “công bình của Thiên Chúa”, được thực hiện trên trái đất này nhờ sự trợ lực của tất cả “những người có thiện chí”. ĐTC Gioan Phaolô II, bên cạnh việc tự kiểm thảo về vài hành động của Giáo hội (những lần thú nhận mea culpa nhân dịp năm Toàn xá 2000), còn là một nhà sư phạm HB, qua việc soạn ra những nguyên tắc luân lý mới liên quan đến việc “can thiệp nhân đạo”.

Kết luận

Như đã nói ở đầu, viết lịch sử về chiến tranh thì dễ hơn là viết lịch sử về hòa bình. Lý do không phải tại vì chiến tranh thì “nổi tiếng” do những tiếng bom đạn hơn hòa bình âm thầm, nhưng tại vì quan điểm HB không gây được sự đồng thuận giữa các tác giả.

Thông thường, người ta quan niệm HB theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là “không có chiến tranh”, không có những hành động thù nghịch bạo động giữa các quốc gia. Do đó, hoạt động cho HB có nghĩa là tìm cách để ngăn cản những hành động chiến tranh. Nói cách khác, HB là “hưu chiến”.

 Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những quan niệm HB “tích cực”, không chỉ bao hàm sự chấm dứt các hành vi thù nghịch nhưng còn diễn tả qua những công việc hợp tác nhằm xây dựng một trật tự mới. HB bao hàm không những thái độ tiêu cực (“không làm”: không gây hấn), nhưng nhất là một hành động tích cực, một nỗ lực không ngừng: “pax semper quaerenda”. HB không phải là một tình trạng tĩnh, song là một thực tại phải liên tục xây dựng. Theo quan niệm của Tân ước, HB vừa là ân huệ của Thiên Chúa vừa là kết quả của sự xây dựng của con người. Mặt khác, HB không phải là một thực tại tự lập, nhưng có liên hệ đến nhiều giá trị khác, chẳng hạn như công bình, yêu thương, tự do, chân lý. Đó là những điều kiện để xây dựng HB.

Để kết thúc, chúng tôi chỉ muốn ôn lại sự liên kết giữa HB với chiến tranh. Trên phương diện ý tưởng, “chiến tranh” và “HB” tương phản nhau. Trên thực tế, có sự tương tác giữa hai bên, dựa theo nhiều mô hình khác nhau.

– Một mô hình quen thuộc hơn cả là “nếu muốn cho HB, hãy chuẩn bị chiến tranh” (si vis pacem, para bellum). Như chúng ta đã biết, nguyên tắc này đã được sử dụng để biện minh cho cả các cuộc “chiến tranh phòng ngừa”.

– Một mô hình khác cho rằng chiến tranh không hoàn toàn xấu và HB không hoàn toàn tốt: có thể có chiến tranh “công bình” và HB “bất công”. Quan niệm “chiến tranh công bình” đã được dùng để biện mình cho các chiến tranh tự vệ. Ý niệm “công bình” đòi hỏi sự cân xứng giữa tội ác và hình phạt; do đó nếu HB đòi hỏi một hình phạt (bồi thường chiến tranh, nhượng lãnh thổ) không cân xứng thì sẽ trở thành bất công. Vấn đề là ai sẽ đứng ta thẩm định sự bất công này?[16]

– Một quan niệm nữa cho rằng chiến tranh hay hòa bình không phải là những giá trị tuyệt đối, nhưng cần phải xét đến những mục tiêu hay hậu quả của chúng là tốt hay xấu. Nói cách khác, chúng chỉ là giá trị “trung gian”. Nguy cơ của chủ trương này là sẽ dẫn đến đường lối hành động theo nguyên tắc “cứu cánh tốt biện minh cho cả các phương tiện xấu” (và “cứu cánh xấu không biện minh cho phương tiện tốt”). Trên thực tế, trong lịch sử triết học cận đại, chủ trương này cho rằng chiến tranh là một sự ác cần thiết (male necsarium), và HB là một điều tốt bất túc (bonum insufficiens)[17]. Lý thuyết được phát biểu qua hai phương thức:

+ Chiến tranh là điều cần thiết a) để phát triển các nhân đức luân lý (sự can đảm, anh hùng, lòng yêu nước); b) để phát triển đời sống xã hội (liên minh các dân tộc ngày càng rộng lớn hơn); c) để phát triển khoa học và công nghệ (vì phải vận dụng trí óc sáng tạo nhiều hơn).

+ Hòa bình là điều bất túc, bởi vì HB tự nó chưa đủ bảo đảm đời sống hạnh phúc thịnh vượng, mà chỉ là phương thế để thực hiện những giá trị cao quý hơn (công bình, tự do, an lạc).

Thư tịch

Giù le armi! Fuori la guerra dalla storia, di von Suttner B. – Edizioni Gruppo Abele, Torino, 1989

Vincere la guerra, Principi e metodi dell’intervento civile, di Muller J. M. – Edizioni Gruppo Abele, Torino 1999

Historia de la Paz. Tiempos, espacios y actores, a cura di Muñoz F. A. e Lòpez Martìnez M., Instituto de la Paz y los Conflictos, – Editorial Universidad de Granada, Granata, 2000

La bandiera arcobaleno tra storia e leggenda, di Desiderato G., in AA.VV., Bandiere di pace, – Chimienti Editore, Taranto, 2003

Un movimento per la pace. Per una storia del pacifismo, di Gagliardi R. – Edizioni Alegre, Rôma, 2003

Storia della pace. Idee, movimenti, battaglie, istituzioni, di Moro R. – Il Mulino, Bologna, 2004

Guerra e pace nel 20° secolo, di Lepre A. – Il Mulino, Bologna, 2005

Lưu ý: Ngoài thư tịch do tác giả cung cấp, độc giả có thể tìm thấy thư tịch dồi dào trên mạng, tại địa chỉ của “Peace History Society” (Hoa kỳ) http://www.peacehistorysociety.org/

———————–

[1] “Pacifisme” in: Dictionnaire historique de la Suisse, www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F27157.php?topdf=1, truy cập 15-7-2018.

[2] Bài viết bắt đầu với những chứng tích lịch sử về HB trước Công nguyên. Tác giả không muốn đi lùi lại thời “tiền sử”, bởi vì khó kiểm chứng: thực vậy, nếu có ý kiến cho rằng thời nguyên thủy nhân loại sống trong cảnh thái bình thịnh trị (thời Nghiêu Thuấn?) thì cũng có ý kiến cho rằng lịch sử nhân loại là một cuộc đấu tranh trường kỳ để sinh tồn (x. thuyết của Darwin).

[3] Umberto Diotti, Le Civiltà Antiche, De Agostini, Novara 2000, p.98.

[4] Fabrizio Battistelli, Armi e armamenti, Editori Riuniti, Rôma 1985, p. 133

[5] Vittoria Calvani e Andrea Giardina, La storia dalle origini alla crisi dell’Assolutismo, Arnoldo Mondadori Scuola, Milano 1991, p.XXVIII.

[6] Salvatore Parlagreco, Le ragioni della tolleranza, Sei, Torino, 1995, p. 2-3.

[7] Thần Muse là các thần linh của âm nhạc và nghệ thuật.

[8] Thế-vận-hội trong nguyên ngữ là Olympias, khởi đầu từ năm 776 trước CN. Để bảo đảm cho các lễ nghi diễn ra tốt đẹp, các thành phố thỏa thuận một thời kỳ hưu chiến Ekecheiria (có nghĩa “giơ tay lên”) trong vòng một tháng (hay hơn nữa) để bảo đảm an toàn cho các khách hành hương và các tham dự viên. Ngoài tác dụng đối với các thành phố với nhau, thời kỳ hưu chiến cũng có ảnh hưởng đến việc an ninh nội bộ nữa, chẳng hạn như tạm ngưng các vụ kiện tụng và các vụ thi hành án tử hình.

[9] Nên biết là khẩu hiệu “họ làm ra hoang địa và gọi là HB” đã được nhóm sinh viên ở châu Âu sử dụng hồi thập niên 70 của thế kỷ XX, để biểu tình chống lại quân đội Hoa kỳ tham chiến ở Việt Nam.

[10] Tertullianus chủ trương rằng các quân nhân phải bỏ hàng ngũ nếu muốn lãnh bí tích rửa tội (De Idolatria, 19, 2-3; De corona, 11, 4-5).

[11] Xem bài viết về lịch sử học thuyết “chiến tranh công bình” trong số này.

[12] Tục lệ nô lệ đã thịnh hành từ thời cổ xưa, chẳng hạn ở các đế quốc Ai-cập, Hy-lạp, Rôma, và được xem như chuyện thường tình. Vào thời cận đại, người ta mới ý thức rằng nô lệ là chuyện “bất bình thường” xúc phạm đến phẩm giá con người. Một cách tương tự như vậy, xưa nay chiến tranh vốn được coi là “bình thường”; vào thời này người ta mới ý thức rằng nó là điều “ngông cuồng”.

[13] Chúng ta cũng có thể thêm Lev Nikolaevic Tolstoj (1828-1910).

[14] So sánh số tổn thất nhân mạng do chiến tranh gây ra trong các thế kỷ gần đây. Tk XVI: 1.600.000; tk XVII: 6.100.000; tk XVIII: 7.000.000; tk XIX: 19.400.000; tk XX: 107.800.000. Những con số này (tính cho đến năm 1991) dựa trên thống kê trích từ: Ruth Leger Sivard, World Military and Social Expenditures, World Priorities Inc., Box 25140, Washington DC, 1991, p. 20.

[15] Amnesty International là một tổ chức quốc tế phi chính phủ được thành lập tại London ngày 28-5-1961 do luật sư Peter Benenson, nhằm bảo vệ nhân quyền. Tổ chức này đã được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1977.

[16] N. Bobbio, Il problema della guerra, le vie della pace, Bologna 1979, p. 171

[17] Idem, p.174.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here