Lịch sử Giáo Hội: sử học hay thần học?

0
1258

Jesús Álvarez Gómez C.M.F.

Trích Thời sự Thần học, Số 72 – Chủ đề: Thần học lịch sử

Mở đầu cho bộ sách Lịch sử Giáo hội, tác giả trình bày những câu hỏi căn bản liên quan đến bản chất và phương pháp của môn này. 1/ Lịch sử là một chuỗi các sự kiện, hay là sự ghi nhận các sự kiện (sử ký)? 2/ Lịch sử chỉ gồm các sự kiện của con người hay còn là những công việc của Thiên Chúa? 3/ Giáo hội là một thực thể đã thành hình, hay sẽ chỉ biểu lộ bản tính của mình vào cuối dòng lịch sử? 4/ Lịch sử Giáo hội là thần học. 5/ Lịch sử Giáo hội cũng là khoa học thực nghiệm. 6/ Đối tượng của lịch sử Giáo hội. 7/ Chức năng mục vụ của lịch sử Giáo hội. 8/ Lịch sử môn sử ký Giáo hội. 9/ Phương pháp lịch sử Giáo hội. 10/ Sự phân chia các giai đoạn. Nguồn:  Jesús Álvarez Gómez, Historia de la Iglesia. Vol. I. Edad Antigua, BAC Madrid, 2001. (Nociones preliminares : p.5-16).

Chữ viết tắt. DV : Hiến chế Dei Verbum. GS : Hiến chế Gaudium et spes. LG : Hiến chế Lumen gentium.  OT : Sắc lệnh Optatam totius. TMA : Tông thư Tertio millennio adveniente (Ngàn năm thứ ba đang đến) của thánh Gioan Phaolô II (ngày 10-11-1994).

1. TỪ NGUYÊN THỦY ĐÃ CÓ LỊCH SỬ

Lịch sử nhân loại, (mà lịch sử Giáo hội là một thành phần), là một tiến trình bất định và một chiều, bắt buộc con người phải liên lỉ định nghĩa lại tương quan của mình với thực tại nội tại và siêu việt, và đồng thời, phải khước từ cái định nghĩa ấy để tiếp tục bước tới. Vì thế, lịch sử không chỉ là cái gì đã xảy ra, nhưng còn là cái gì đã bắt đầu và tiến tới đích điểm. Bất cứ biến cố nào cũng còn đang trong tiến trình hoàn tất, bởi vì nó luôn có thể hòa nhập vào một bối cảnh rộng lớn hơn. Những con người sống vào mỗi thời kỳ, tuy vẫn có cùng chung một căn cước bền bỉ, nhưng luôn luôn khác với những con người thuộc thời kỳ trước hoặc sau đó; vì vậy những con người sống vào một thời kỳ nhất định không thể rút ra từ thời kỳ trước đó một công thức thần diệu để giải quyết các vấn đề của hoàn cảnh hiện đại, cho dù ông Cicero khẳng định rằng “lịch sử là thầy dạy cuộc đời” (historia magistra vitae). Tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác, câu nói của ông Cicero hàm chứa một sự thật lớn lao, nếu được hiểu không theo nghĩa là lịch sử giúp ta trở thành khéo léo hơn trong một trường hợp sẽ đến, nhưng theo nghĩa là nó giúp ta trở nên những con người khôn ngoan chín chắn hơn.

Lịch sử là những chuyện xảy ra, là tiến trình của những biến cố diễn ra trong thế giới do con người làm chủ ; nhưng lịch sử cũng là tường thuật, giải thích làm thế nào lại có thể có cái thế giới mà chúng ta đang sống từ hai ngàn năm qua sau Đức Kitô. Trong khoảng thời gian ấy, các con người vẫn luôn luôn khác biệt, về cách sống, suy nghĩ, làm việc. Nhưng giữa những sự khác biệt đó, có một cái gì đó liên kết chúng với nhau, làm nên một móc xích của một tiến trình. Chính lịch sử là yếu tố móc nối những sự khác biệt ấy.

2. CƠ CẤU «BÍ TÍCH» CỦA LỊCH SỬ

Các sự kiện lịch sử của mỗi thời kỳ hành trình nhân loại  ở trần thế đều mang theo « dấu chỉ thời đại », bởi vì bên trên tính cách độc đáo của mỗi sự kiện, chúng biểu lộ vài khuynh hướng phổ quát (GS 9) và chất vấn con người đã làm ra chúng (GS 10). Nói khác đi, mỗi sự kiện lịch sử đều bộc lộ cách nào đó những “lo âu và hy vọng” (GS 1) của con người ở mỗi thời đại. Lịch sử không chỉ là một chuyện xảy ra do con người, nhưng còn là hành động cứu độ của Thiên Chúa. Lịch sử là nơi mà hành động của con người và hành động của Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Không có sự phân cách giữa lịch sử phàm tục và lịch sử cứu độ, bởi vì lịch sử phàm tục là sự biểu hiện của một hữu thể hướng về Thiên Chúa, vì thế trở nên lịch sử cứu độ ; ân sủng của Thiên Chúa thấp thoáng nơi mỗi hành vi của con người, như thánh Phaolô đã nói với dân thành Athen : « Thiên Chúa không xa cách mỗi người chúng ta, bởi vì trong Ngài chúng ta sống, cử động và hiện hữu ». Vì thế, tất cả những gì do con người làm ra đều mang dấu tích của Thiên Chúa, “bởi vì chúng ta là dòng dõi của Ngài” (Cv 17,28). Từ ngàn xưa, như thánh Phaolô đã viết, Thiên Chúa đã tự biểu lộ qua trăm phương ngàn cách, cho đến khi đến khi « thời gian viên mãn », Ngài đã tự biểu lộ cách dứt khoát nơi « Người Con, sinh ra bởi một phụ nữ » (Gl 4,4). “Thời gian viên mãn” có nghĩa là thời gian đã được hoàn tất do sự kiện Thiên Chúa, qua mầu nhiệm nhập thể, đã đi vào lịch sử; Đấng vĩnh cửu đã nhập vào thời gian (TMA 9). Con Thiên Chúa nhập thể đã trở nên trung tâm Nhân-Thần, mang lại giá trị cứu độ cho dòng lịch sử trước đó đang mong đợi ngài, đồng thời ngài cũng mang lại ý nghĩa cho dòng lịch sử tiếp đó đang hướng đến cuộc quang lâm của ngài vào lúc tận thế. Đức Ki-tô là trung tâm của lịch sử cứu độ, bởi vì “Đức Giêsu Ki-tô vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13,8). Chỉ nơi Đức Ki-tô, nhân loại sống trước hoặc sau ngài mới tìm thấy ơn cứu độ. Duy chỉ nơi Đức Ki-tô mới tìm thấy “chìa khóa, trung tâm và cứu cánh của toàn thể lịch sử nhân loại” (GS 10). Thánh Gioan Phaolô II đã vạch cho thấy sự liên kết giữa lịch sử với ơn cứu độ: “Nơi Ki-tô giáo, thời gian mang một tầm quan trọng vô song. Thế giới được tạo dựng trong thời gian ; lịch sử cứu độ diễn ra trong thời gian; thời gian đạt đến hồi viên mãn nơi việc Nhập thể và đạt đến tận cùng nơi cuộc quang lâm của Con Thiên Chúa. Với việc Đức Ki-tô đến trần gian, đã bắt đầu “thời cuối cùng” (x.Dt 1,2), “giờ chót” (x.1Ga 2,18), thời của Giáo hội, kéo dài cho đến lúc Quang Lâm” (TMA 1). Thiên Chúa quan phòng đã dẫn dắt lịch sử đến hồi viên mãn nơi cuộc Nhập thể của Ngôi Lời, và  sẽ dẫn lịch sử đến hồi kết thúc cánh chung.

3. LỊCH SỬ HỘI THÁNH SẼ NÓI CHO BIẾT HỘI THÁNH LÀ GÌ

Lịch sử của Hội thánh sẽ nói cho biết Hội thánh là gì. Theo nghĩa chặt, khởi điểm của lịch sử Hội thánh là giai đoạn hiện tại của lịch sử cứu độ, bắt đầu từ cuộc Nhập thể của Con Thiên Chúa. Nơi đức Giêsu Nazaret, giấc mơ của nhân loại đã trở thành hiện thực, và giấc mơ ấy đã tiềm ẩn cách nào đó nơi các tôn giáo hoàn cầu. Cuộc Nhập thể của Ngôi Lời là điểm đến, tại đó « con người tìm kiếm Thiên Chúa và Thiên Chúa tìm kiếm con người để nói cho nó biết về ngài, và tỏ cho con người thấy con đường có thể dẫn đến ngài… Như thế Đức Giêsu Ki-tô là sự tóm kết của vạn vật và đồng thời cũng là chóp đỉnh của vạn vật nơi Thiên Chúa » (TMA 6). Lịch sử là một yếu tố cốt yếu của Hội thánh ; lịch sử của Hội thánh sẽ nói cho biết Hội thánh như thế nào ; Hội thánh tự biểu hiện như là một thực tại lịch sử, một hữu thể phát triển và tự thể hiện trong lịch sử và tham dự vào những đặc tính của lịch sử, tựa như sự tiến triển, sự độc nhất vô nhị, sự hướng về cùng đích, tuy không thẳng băng nhưng gập ghềnh, cho đến khi Con Thiên Chúa làm người sẽ trở lại để thu tóm lịch sử nhân loại và trao vào tay Thiên Chúa Cha. Hội thánh, trên đường lữ hành trong thời gian, thay mặt cho đoàn dân Thiên Chúa đang đi về « ngày của Đức Ki-tô » (Pl 1,6). Mặt khác, chính Thiên Chúa là Đấng dẫn dắt Hội thánh, kể cả khi Hội thánh đi lệch con đường mà Ngài đã vạch ra nơi Lời của Con Chúa.

4. LỊCH SỬ GIÁO HỘI LÀ THẦN HỌC

Khởi đầu và cùng đích của lịch sử Giáo hội dựa trên những viên đá tảng của Mạc khải và Nhập thể, là những nền tảng của tính lịch sử của Ki-tô giáo. Thiên Chúa đã mặc khải cho loài người trong những hoàn cảnh nhất định của thời gian và không gian, và nhất là bởi vì khi tự mặc khải dứt khoát nởi Ngôi Lời « sinh bởi một phụ nữ » (Gl 4,14), Thiên Chúa đã đi vào lịch sử. « Kế hoạch cứu độ đã được thể hiện bằng những sự kiện và lời nói liên kết chặt chẽ với nhau ; đến độ các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ thì biểu lộ và củng cố những giáo huấn cũng như các thực thại được diễn tả bằng lời nói ; còn lời nói được dùng công bố và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong các việc làm » (DV2). Mặc khải của Thiên Chúa bắt đầu từ thuở xa xưa với việc tạo dựng loài người, và gần hơn nữa, với việc tuyển chọn dân Israel và lịch sử của dân tộc này trong Cựu ước. Phần thứ nhất của lịch sử hướng đến sự sung mãn dứt khoát nơi bản thân Đức Ki-tô và công cuộc cứu độ của Người. Các tông đồ, và qua các ngài là những người kế vị và toàn thể Dân Thiên Chúa, đã lãnh nhận từ đức Giêsu Nazaret sứ mạng phải duy trì và truyền thông mặc khải, nhờ Truyền thống và các bản văn Tân ước : « Thánh truyền và Thánh kinh họp thành một kho tàng duy nhất của Lời Chúa, được ủy thác cho Hội thánh » (DV 10). Vì thế, Hội thánh là sự hiện diện của Lời Chúa ở giữa thế gian ; Hội thánh có sứ mệnh phải bảo tồn và loan báo Lời Chúa cách toàn diện, và phân phát ân sủng của Chúa Ki-tô. Lịch sử Hội thánh chính thức bắt đầu từ biến cố Ngũ tuần, tuy dù đã được chuẩn bị trong suốt giai đoạn thứ nhất của lịch sử cứu độ : Thiên Chúa « đã quyết định quy tụ những kẻ tin kính Đức Ki-tô vào trong Hội thánh, được tiên báo ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, được chuẩn bị diệu kỳ trong lịch sử dân Israel trong Cựu ước, được biểu lộ bằng việc trao ban Thần khí, và sẽ được hoàn thành vinh hiển vào cuối thời gian » (LG 2). Qua những lời vừa trưng dẫn hiến chế Lumen gentium, tất cả lịch sử cứu độ đã được phác họa, bắt đầu từ khi tạo thành vũ trụ, xuyên qua lễ Ngũ Tuần, cho đến ngày Quang Lâm. Lịch sử của Hội thánh được cấu tạo bởi giai đoạn kéo dài từ lễ Ngũ tuần cho đến tận thế. Qua những lời vừa kể, hiến chế Lumen gentium cũng nêu bật hai khía cạnh căn bản nằm trong bản chất Hội thánh : 1) Hội thánh của đức tin, xét vì là kết quả của một nguyên nhân siêu việt ở bên trên dòng lịch sử ; 2) Hội thánh của lịch sử. Tuy nhiên Hội thánh của lịch sử (thể chế hữu hình của những con người) và Hội thánh của đức tin không phải là hai thực thể tách biệt, nhưng là một thực thể duy nhất : Hội thánh như là « cộng đoàn của đức tin, cậy, mến ở trên trần thế này, như là một cơ cấu hữu hình .. qua đó Chúa Ki-tô truyền thông chân lý và ân sủng cho mọi người; tuy nhiên không nên coi cái xã hội với các cơ cấu phẩm trật và Thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô, đoàn thể hữu hình và cộng đồng thiêng liêng, Hội thánh dưới đất và Hội thánh được trang bị với những của cải trên trời như là hai thực thể, nhưng đúng hơn, tất cả chỉ làm nên một thực thể đa phức, được kết thành bởi yếu tố và yếu tố thần linh » (LG 8). Lịch sử Hội thánh là một thần học lịch sử ; nó là thần học thực chứng (théologie positive), bổ túc cho thần học hệ thống, cả tín lý cũng như luân lý, bởi vì nó mang lại chất liệu để xây dựng thần học cách hệ thống. Thật vậy, nếu thần học mà không có lịch sử thì chỉ gồm toàn những lý luận mơ hồ.

5. LỊCH SỬ GIÁO HỘI CŨNG LÀ KHOA HỌC THỰC NGHIỆM

Lịch sử Hội thánh là một phần của lịch sử cứu độ bởi vì khởi điểm là cuộc Nhập thể của Ngôi Lời ; với việc xuống thế của Đức Ki-tô, đã bắt đầu những thời cuối cùng (x.Dt 1,2), giờ cuối cùng (x.1Ga 2,18), bắt đầu thời của Hội thánh sẽ kéo dài đến ngày Quang Lâm (TMA 10). Lịch sử Hội thánh là thần học bởi vì nguồn gốc và sự phát triển của nó nằm dưới tác động của Thánh Linh, mà ta chỉ có thể nhận ra nhờ ánh sáng đức tin. Lịch sử Hội thánh cũng là khoa học thực nghiệm đúng nghĩa, bởi vì đối tượng của nó cũng là một thể chế gồm bởi những con người cụ thể, những sự kiện có thể sưu tầm qua các nguồn mạch văn chương và vật thể, và có thể được diễn tả nhờ những dụng vụ của phương pháp sử học.

Lịch sử Giáo hội trở thành khoa sử học bởi vì nó có thể vượt lên điều kiện của nó là lịch sử cứu độ, lịch sử thần linh. Chính hồng y Baroniô (1538-1607) đã đặt nền tảng cho khoa sử học của Giáo hội công giáo khi phản biện các sử gia Tin lành (nhóm Magderburger Centuria 1560) tố cáo Giáo hội công giáo đã đi lệch con đường của Phúc âm và giáo huấn các thánh tông đồ. Hồng y Baronio và những người kế thừa, nhất là nhóm Bollandistes (SJ) và Saint-Maur (OSB) đã thiết lập môn sử học và hoàn chỉnh phương pháp phê bình sử học. Phương pháp phê bình sử học của họ đã hoàn bị đến nỗi bỏ qua chiều kích thần học, khiến cho Johan Adam Mohler và các đồng nghiệp vào thế kỷ XIX phải lên tiếng cảnh báo.

6. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐỊNH NGHĨA LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Ngay từ đầu quyển sách Historia eclesiástica (I,1), Eusebiô Cesárea đã tuyên bố vì lý do gì ông viết cuốn này : « mục đích của tôi là ghi chép lại những sự kế vị các thánh tông đồ và những thời gian kể từ Chúa Cứu thế cho đến nay ; con số và tầm quan trọng của những sự kiện đã được lịch sử giáo hội ghi lại, và con số những người đã nổi bật trong việc cai quản và lãnh đạo các giáo đoàn lừng danh nhất ; cũng như những người, trải qua mỗi thế hệ, đã từng là sứ giả của Lời Chúa, bằng lời nói hoặc bằng văn phẩm ; cũng như những người đã bị mê hoặc bởi sai lầm và du nhập những lạc thuyết vào đoàn chirn của Đức Ki-tô; ngoài ra, những tai họa đã giáng xuống dân tộc Do thái vì đã âm mưu giết Đấng Cứu thế, cũng như những cuộc tấn công của người ngoại đạo (bao nhiêu lần, hồi nào) vào đạo lý của chúng ta, và sự oanh liệt của các chứng nhân đã chịu những cực hình vì họ ; sau cùng, các vị tử đạo vào thời đại chúng ta, và sự che chở lân tuất của Chúa chúng ta ».

Mục tiêu do Eusebio vạch ra đã được các sử gia tiếp tục duy trì, với vài thay đổi chi tiết, khi viết lại lịch sử của Giáo hội thời cổ đại : 1/ đời sống nội bộ của các cộng đồng Ki-tô hữu ; 2/ sự bành trướng của Giáo hội và việc hội nhập văn hóa ; 3/ các tác vụ trong Giáo hội ; 4/ sự thành hình quy thư Kinh thánh ; 5/ các giáo phụ và các văn sĩ của Giáo hội ; 6/ thái độ của Giáo hội đối với các lạc giáo ; 7/ Đế quốc Rôma đối với Giáo hội : những cuộc bách hại. Lịch sử của Giáo hội không trùng hợp với lịch sử của Ki-tô giáo, bởi vì nó không chỉ quan tâm đến một tư tưởng, nhưng chú trọng đến các sự kiện lịch sử cụ thể, một đàng chúng có thể nhận ra bằng đức tin, nhưng đàng khác chúng có thể nhận thấy qua một cuộc truy tầm thực nghiệm. Dưới phương diện này, lịch sử Giáo hội là sự xây dựng nhiệm thể Chúa Ki-tô ; tuy nhiên, dưới phương diện của sử học thực nghiệm, lịch sử Giáo hội nghiên cứu sự phát triển của cộng đồng Ki-tô giáo từ khởi thủy cho đến sự viên mãn vào thời cánh chung.

Sau khi đã phân biệt những góc cạnh khác nhau, ta có thể định nghĩa Lịch sử Giáo hội là một khoa học truy tầm và trình bày, qua mối liên hệ nhân quả, sự tiến triển bên trong và bên ngoài của Cộng đồng do Đức Ki-tô thiết lập và do Thánh Linh điều khiển, ngõ hầu thông truyền những hoa trái ơn Cứu độ cho tất cả mọi người.

7. CHỨC NĂNG MỤC VỤ CỦA LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Sắc lệnh của công đồng Vaticanô II về việc đào tạo linh mục Optatam totius, đã ủy thác cho lịch sử Giáo hội hai chức năng : 1/ tập trung vào những môn chính của khóa đào tạo cơ bản ; 2/ định hướng cho những tác vụ khác nhau mà các linh mục và các cộng tác viên sẽ đảm nhận. Việc tập trung vào các môn chính nhằm phối kết giữa các môn học « cần trình bày cho các chủng sinh thấy sự đóng góp của các giáo phụ bên Đông và bên Tây vào việc truyền thông và hiểu biết các chân lý đức tin mạc khải, và lịch sử hình thành các tín điều, đặt trong bối cảnh rộng lớn của lịch sử Giáo hội … ; các chủng sinh cần học biết cách thức áp dụng các chân lý trường cửu vào điều kiện biến thiên của những thực tại con người, và biết cách thông đạt chúng cho con người thời đại » (OT 16). Hẳn nhiên, lịch sử Giáo hội là một trong những môn học nhằm giúp các sinh viên biết vun trồng những đức tính góp phần vào cuộc đối thoại với nhân loại, tùy theo những hoàn cảnh sinh sống (OT 19).

Nếu thiếu một sự hiểu biết đầy đủ về lịch sử Giáo hội, thì các linh mục và giáo lý viên khó có thể giải thích cân xứng những hoàn cảnh và ý định của các quyết nghị của Huấn quyền, những ý nghĩa chân thực của đạo lý của các giáo phụ và các công đồng. Nếu không được trang bị bởi kiến thức sử học, thì Giáo-hội-học sẽ hiểu sai các định chế của Giáo hội, chẳng hạn như các Hội đồng giám mục (LG 38), và ngay cả ý niệm Hiệp thông (LG 21-11.25), là một định chế rất dồi dào ý nghĩa trong Hội thánh nguyên thủy : hiệp thông trong cùng một niềm tin, hiệp thông Thánh Thể, hiệp thông trong lời nguyện, hiệp thông bằng thư tín. Môn Phụng vụ cũng cần dành nhiều chỗ cho lịch sử, nhờ vậy mới hiểu được những gì được đề cập trong Giờ Kinh Sách. Sắc lệnh của công đồng Vaticanô II về đại kết đã giao cho môn lịch sử Giáo hội vai trò quan trọng là giải độc những tương quan giữa các Giáo hội, bởi vì một khi đã biết nguồn gốc những cuộc phân rẽ giữa các Giáo hội, thì người ta mới có thể tìm cách hàn gắn và kiến tạo sự hợp nhất (UR 10).

Đôi khi người ta nêu lên vấn nạn để chống lại việc học lịch sử Giáo hội, chẳng hạn như : các sinh viên sẽ dễ mắc não trạng tương đối hóa chân lý, hoặc chỉ trích các định chế của Giáo hội, hoặc bài xích những việc đạo đức bình dân, và nhất là chỉ trích các chức sắc của Giáo hội. Tuy nhiên những vấn nạn này sẽ không có ý nghĩa nếu đã hiểu rõ bản chất của lịch sử Giáo hội đã được nói trước đây. Thật vậy, ta đừng nên lẫn lộn lý tưởng của một Giáo hội tinh tuyền không tì ố, với hình thức lịch sử mà Giáo hội đã và đang sinh sống : Giáo hội cũng mang những khiếm khuyết lỗi lầm của con người. Đây là một thực trạng nghịch lý mà các giáo phụ đã cảm thấy thấm thía khi diễn tả Hội thánh như là « casta meretrix » (cô kỹ nữ khiết tịnh).  Kể cả những khuyết điểm và giới hạn của Hội thánh cũng làm nên thành phần của Hội thánh.

8. LỊCH SỬ MÔN SỬ KÝ GIÁO HỘI

Khi bắt đầu rao giảng sứ điệp cứu rỗi của Đức Giêsu Nazaret, các thánh tông đồ đã dùng đến hình thức sử học, bởi vì họ thuật lại cho các thính giả những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu và cho nhân loại. Đối với những người rao giảng tiên khởi, hình thức tường thuật các việc lịch sử mà Thiên Chúa đã làm là hình thức tốt nhất để giúp cho các dân hiểu được sứ điệp Ki-tô giáo. Thánh Luca, kẻ đồng hành với thánh Phaolô trên hành trình truyền giáo, có thể được xem như sử gia đầu tiên của Giáo hội, bởi vì ông sưu tầm tất cả những gì diễn ra chung quanh nhân vật Giêsu Nazaret và sự phát triển, bên trong và bên ngoài, của những cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi ; ông đã thực hiện công việc này với ánh sáng của đức tin và ánh sáng của sử ký, nhưng chúng ta có thể nhận thấy nơi cuốn Phúc âm thứ ba và Tông đồ công vụ (x. Lc 1,1-4 : Cv 1,1). Tuy nhiên, hai tác phẩm này không phải là hai cuốn sử ký theo nghĩa chặt.

Sau thời các tông đồ, một vài tác giả tỏ ra quan tâm cách nào đó đến lịch sử Giáo hội, chẳng hạn như Hegesipo (+ 180), Hipólito Romano (+ 235) và Giulio Africano (+ 240). Tuy nhiên, người cha đích thực của môn lịch sử Giáo hội là Eusebio giám mục Cesárea (+ 339), tác giả quyển Historia Ecclesiástica gồm 10 quyển, bao gồm từ khi Chúa Giêsu ra đời cho đến năm 324; ngoài ra ông cũng là tác giả quyển Chrónica universal (Biên niên sử phổ quát) và Vida de Constantino (Cuộc đời hoàng đế Constantinô). Nói đúng ra, ông Eusebiô không phải là sử gia mà chỉ là người biên chép các sự kiện từ các nguồn mạch ; ông chưa có khả năng trình bày mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện xảy ra trong Giáo hội trong ba thế kỷ đầu tiên. Dù vậy, giá trị của cuốn Historia Ecclesiástica nằm ở chỗ nó đã cung cấp những nguồn sử liệu phong phú, danh sách các giám mục, trích dẫn các sách cổ điển mà ta chỉ có thể biết được nhờ công lao sưu tập của ông. Ông Eusebio tuân theo phương pháp viết sử đương thời ; sự mới mẻ là đưa thêm đức tin Ki-tô giáo vào lịch sử nhân loại.

Sang thế kỷ V, bên Đông phương có ba tác giả tiếp tục công trình của Eusebio : Sócrates (+ 439), viết tiếp sử ký của Eusebio từ năm 307 đến năm 439 ; Sozomeno (+ 450), từ năm 324 đến năm 424; và Theođoretô giám mục Ciro (+ 458), từ năm 320 đến năm 428. Bên Tây phương, Rufino de Aquileya (+ 410) dịch thoáng tác phẩm Historia Ecclesiástica của Eusebio sang tiếng Latinh; đan sĩ Epifanio, theo lệnh của Cassiodoro (+ 570), dịch và san định các tác giả tiếp theo Eusebio, và kéo dài đến năm 518. Thánh Hieronimo (+ 420) san định lại quyển Chronica của Eusebio. Vào thời các giáo phụ cũng có những người viết lịch sử Giáo hội : Próspero de Aquitania, thánh Isidoro de Sevilla và Paulo Orosio.

Vào thời Trung cổ, không ai tiếp tục tác phẩm của Eusebio nữa, nhưng người ta viết nhiều biên niên và lịch sử của vài giáo hội địa phương. Đó là thánh Beđa Venerabilis (+ 735) viết cuốn Historia Ecclesiastica gentis Anglorum, và để lại một khuôn mẫu cho các tác giả thời Trung cổ muốn đề cập đến lịch sử Giáo hội. Nên nhớ là vào thời Trung cổ, lịch sử Giáo hội trùng hợp với lịch sử của xã hội dân sự.

Khoa phê bình sử học ra đời vào thời Phục hưng (Renaissance). Ông Matías Flacio Ilírico, cùng với một nhóm cộng sự viên, đã xuất bản tại Bale (1559-1574) bộ sách Centuriae Magdeburgenses với 13 quyển, trong đó ông áp dụng cho Giáo hội những tư tưởng mới của cuộc Cải Cách Tin lành. Để đáp lại, hồng y Cesare Baronio viết bộ sách Annales Ecclesiastici (1588-1607), tuy nhiên nội dung chỉ mới bao trùm 12 thế kỷ của Giáo hội, và được Rinaldi bổ túc cho đến năm 1566.

Sang thế kỷ XVII, khoa lịch sử Giáo hội đạt đến thời cực thịnh. Các cha dòng Biển đức thuộc đan viện Saint Maur đã kiện toàn các khoa phụ thuộc của sử học ; với Jean Mabillon (1632-1707), sự phê bình lịch sử đã đạt đến mức độ hoàn thiện. Các cha dòng Tên ở Bỉ, được đặt tên là nhóm Bollandistes (lấy tên từ vị sáng lập Jean Bolland +1665), đã duyệt lại toàn bộ lịch sử Giáo hội, loại trừ các truyền thuyết ra khỏi Truyện các thánh (Vita sanctorum).

9. PHƯƠNG PHÁP LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Khi bàn về những môn học trong chương trình thần học quy củ, công đồng Vaticano II đã đưa ra một định hướng tổng quát, trong đó lịch sử giữ một vai trò dường như điều phối tất cả : « Trong việc tu chính các môn học của Giáo hội, cần làm nổi bật mối tương quan giữa triết học và thần học, phải hòa hợp cả hai để mở rộng các chủng sinh đón nhận mầu nhiệm Chúa Ki-tô, một mầu nhiệm liên hệ đến toàn thể lịch sử nhân loại, hiện không ngừng tiếp diễn trong Giáo hội và đang hoạt động cách chủ yếu qua thừa tác vụ linh mục » (OT 14). Sắc lệnh cũng nói đến việc giảng dạy môn lịch sử và vạch ra một phương pháp cần áp dụng : « Khi giảng dạy lịch sử Giáo hội, hãy chú ý đến mầu nhiệm Hội thánh, dựa theo hiến chế tín lý Lumen gentium » (OT 16).

Sau công đồng, Tòa thánh đã công bố vài văn kiện liên quan đến việc huấn luyện hàn lâm : Normis declarationis (1968), Ratio fundamentalis (1970), Tra i molteplici segni (1976), Bộ giáo luật (1983). Một vài văn kiện, ngoài việc nhắc đến sự hiện diện của môn Lịch sử Giáo hội trong chương trình đào tạo linh mục, còn nhắc lại vài quy tắc về phương pháp đã được nói đến trong sắc lệnh Optatam totius số 16, chẳng hạn như : môn này phải được xếp vào các môn chính chứ không phải là môn phụ (Ratio fundamentalis số 79) ; việc nghiên cứu sử học cần phải tuân theo những quy tắc của khoa học thực chứng (Tra i molteplici segni số 29). Phương pháp sư phạm của lịch sử Giáo hội cần nhắm đến việc đào tạo (formare) hơn là thuần túy cung cấp thông tin (informare). Dù sao, trách vụ của sinh viên không thể nào chỉ giới hạn vào việc nhớ thuộc lòng những tên tuổi và năm tháng, nhưng cần được hướng dẫn để phân tích nguồn gốc và sự tiến triển của những biến cố, với những mối dây liên hệ của chúng, ngõ hầu nhận ra những tư tưởng và lực lượng đánh dấu bước tiến của Giáo hội. Dĩ nhiên, đây không phải là việc chọn lựa giữa những sự kiện và những ý tưởng, nhưng là tìm hiểu sự tương tác giữa đôi bên.

Môn lịch sử Giáo hội cần phải áp dụng những nguyên tắc của việc nghiên cứu sử học, nhưng với một vài đặc trưng bắt nguồn từ chiều kích thần học riêng của Hội thánh. Trong phương pháp này, phải tuân thủ những yêu sách căn bản của ngành sử học : phê bình, đòi hỏi phải tra cứu kỹ lưỡng các nguồn, dựa theo kỹ năng phê bình nội tại và ngoại tại ; khách quan, đòi hỏi không để bị lôi cuốn bởi các thiên kiến, mà chỉ muốn biết sự thật ; truy nguyên : tìm hiểu nguyên nhân phát sinh sự kiện, và những động lực thúc đẩy hành động của những người đã gây ra nó ; dưới ánh sáng đức tin : bởi vì Giáo hội không chỉ là công trình của con người nhưng còn là công trình của Thiên Chúa ; lịch sử của Giáo hội cần được bàn dưới viễn tượng của đức tin, mặc dù vẫn tôn trọng tính cách khoa học thực nghiệm của nó.

10. NHỮNG NGÀNH KHOA HỌC PHỤ THUỘC MÔN LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Tất cả các môn học đều có thể coi như phụ thuộc cho môn sử học nói chung và lịch sử Giáo hội nói riêng, bởi vì có một mối liên lạc nào đó giữa các môn học của tri thức nhân loại. Tuy vậy, có một vài môn học được coi như phụ thuộc cho môn lịch sử Giáo hội theo nghĩa chặt hơn bởi vì có liên lạc trực tiếp với nó, đặc biệt là : Ngữ học (Philologia), học về bản chất và cơ cấu của ngôn ngữ ; Cổ tự (Paleografía), giải nghĩa các chữ viết đời xưa ; Văn thư học (Diplomatica) giải mã các văn thư và tài liệu ; Nghiên cứu tiền đúc (Numismática), học hỏi các đồng tiền và huy hiệu ; Khảo cổ học (Arqueología) chuyên về các di tích cổ điển, Niên biểu (Chronologia) và Địa lý (Geografía), học hỏi các yếu tố thời gian và không gian nơi xảy ra các sự kiện.

11. PHÂN CHIA LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Lịch sử, cũng như đời sống, không có những chặng dừng : lịch sử là một dòng chảy liên tục, trong đó ngày hôm nay xuất phát từ ngày hôm qua và sẽ chảy sang ngày mai. Lịch sử của Giáo hội là một đơn vị liên tục không thể cắt ngang. Tuy nhiên, có những thời kỳ và giai đoạn khác nhau bởi vì các diễn viên và quang cảnh thay đổi liên tục. Từ đó nảy ra sự khó khăn trong việc ấn định chính xác khi nào kết thúc một giai đoạn và khi nào bắt đầu giai đoạn mới. Trong lịch sử của các cá nhân và của các định chế, không có chuyện một giai đoạn phải chấm dứt hoàn toàn, và khởi đầu một giai đoạn mới hoàn toàn khác biệt, tách rời khỏi giai đoạn trước. Trái lại, cần phải đi tìm những gốc rễ và mầm mống xa xưa, từ đó nảy sinh những đặc trưng của giai đoạn mới ; và nhiều đặc trưng của giai đoạn cũ vẫn tồn tại lâu năm trong giai đoạn mới. Vì thế cần phải hết sức thận trọng khi ấn định những lằn ranh giữa các giai đoạn và thời kỳ.

Tuy vậy, mặc dù chỉ là tương đối, nhưng sự phân chia các thời kỳ là một yếu tố quan trọng nhằm giúp ta hiểu rõ lịch sử hơn.  Hẳn nhiên mỗi sử gia sẽ đưa ra những lý lẽ để biện minh cho lối phân chia của mình về các giai đoạn trong lịch sử Giáo hội. Mặc dù cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến sự ấn định thời điểm để phân chia, nhưng tất cả các sử gia đều đồng ý rằng lối phân chia làm ba thời kỳ (Thượng cổ, Trung cổ và Cận đại), do nhóm Nhân văn vào hồi thế kỷ XV sáng nghĩ, đã lỗi thời, bởi vì thời gian không dừng lại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XXI. Ngày nay, trong lịch sử Giáo hội cũng như lịch sử xã hội châu Âu, người ta thường phân chia làm 4 thời kỳ : Thượng Cổ, Trung cổ, Hiện đại và Đương đại, tuy dù các tiêu chuẩn để ấn định mỗi thời kỳ vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Nói chung, trong các sách Lịch sử Giáo hội, người ta thường đặc các mốc như sau : Thượng cổ (1-400) : từ khi Chúa Giêsu ra đời cho đến cuộc xâm lăng của dân Germanic. Trung cổ (400-1454) : thủ đô Constantinopolis sụp đổ. Thời hiện đại (1454-1789) : cho đến cuộc cách mạng Pháp. Thời đương đại (từ 1789…) cho đến ngày nay và hướng đến tương lai[1].

———————————

THƯ MỤC

Chúng tôi chia thư mục làm ba nhóm: 1/ Lịch sử Giáo hội Công giáo nói chung. 2/ Lịch sử Kitô giáo. 3/ Lịch sử Giáo hội công giáo ở Việt Nam.

1. Những bộ sách lịch sử giáo hội

(Chúng tôi chỉ liệt kê những bộ sách xuất bản từ thế kỷ XX)

FLICHE, A.-MARTIN, V. (eds.), Histoire de l’Eglise, Paris 1934-1963 (dự trù 24 quyển nhưng chỉ mới ra được 20 quyển. Các bản dịch tiếng Ý và Tây ban nha bổ túc thêm).

JEDIN, H. (ed.), Handbuch der Kirchengeschite , Herder 7 vol., được dịch ra nhiều thứ tiếng: (Tây ban nha): Manual de Historia de la Iglesia, 10 vols., 2.a ed. Barcelona 1980-1987. (Ý). Storia della Chiesa, 12 volumi, Milano 1976 ss. (Anh): Handbook of Church History, 10 vol., New York, 1965-1981.

LORTZ, J., Geschichte der Kirche in Ideengeschichtlicher Betrachtung, Munster 1965. (Bản dịch Tây ban nha: Historia de la Iglesia en la perspectiva de la historia del pensamiento, 2 vols., Madrid 1982) (Lịch sử Giáo hội nhìn dưới viễn ảnh các tư tưởng).

AUBERT, R., – KNOWLES M. D., – ROGIER L. J., (dir.), Nouvelle Histoire de l’Église, Paris, Seuil, 1963-1975, được dịch ra nhiều ngôn ngữ (Anh, Ý, Tây ban nha, Việt: “Tân lịch sử Giáo hội), gồm 5 quyển :  1/ Từ đầu đến thánh Grêgoriô Cả (1-600). 2/ Giáo hội thời Trung đại (600-1500). 3/ Cải cách và Phản Cải cách (1500-1715). 4/ Từ thời Khai sáng tới trời Trung hưng (1717-1848). 5/ Giáo hội trong thế giới hiện đại (1848-1970).

BIHLMEYER, K. H. – TUECHLE, H., Storia della Chiesa, Brescia 2009 (15 ed), 4 vol.  I. L’antichità cristiana (fino al 692); II. Il Medioevo (692-1294); III. L’epoca nuova o delle riforme (1294-1648); IV. L’epoca moderna (1648 – ai nostri giorni).

HERTLING, L., Geschichte der katholischen Kirche, Berlín, 1967 (bản dịch Tây ban nha: Historia de la Iglesia, Barcelona,1993).

COMBY, J., Pour lire l’histoire de l’Eglise, Paris 2003 (Bản dịch tiếng Việt : Để đọc lịch sử Giáo Hội, 2 cuốn, Đại chủng viện thánh Giuse 2007).

ÁLVAREZ GÓMEZ, J., Manual de Historia de la Iglesia, Madrid 1995.

HITCHCOCK, J., History of the Catholic Church: From the Apostolic Age to the Third Millennium. San Francisco, 2012.

2. Lịch sử Ki-tô giáo

Những tác phẩm trên đây viết về « Lịch sử Giáo Hội Công giáo ». Có những tác giả quan niệm rằng Lịch sử Giáo hội phải bao gồm tất cả các Giáo hội, và như vậy trở thành « Lịch sử Ki-tô giáo ». Vài thí dụ:

LATOURETTE, K. S., History of Expansion of Christianity, 7 vol., New York, 1937-1945. (Tác giả Tin lành).

FILORAMO, G. – MENOZZI, D., Storia del Cristianesimo, 4 vol., Bari, 2001.

GUTSCHERA, H. – MAIER, J.- THIERFELDER, J., Storia delle Chiese in prospettiva ecumenica, Brescia, 2007.

VAUCHEZ, A. – CRACCO, G. – VASINA, A., Storia del Cristianesimo, Roma, 1999.

3. Lịch sử Giáo hội Việt Nam (xếp theo năm xuất bản)

PHAN PHÁT HUỒN, Việt Nam giáo sử, 2 tập, Saigon 1965.

BÙI ĐỨC SINH, Giáo Hội Công giáo ở Việt Nam, 3 quyển, Chân lý 1978.

NGUYỄN VĂN TRINH, Lịch sử Giáo hội Việt Nam, 3 tập, Đại Chủng viện thánh Giuse TPHCM 1994.

CAO THẾ DUNG, Việt Nam Công giáo sử tân biên, 3 quyển, Dân Chúa 2003.

TRƯƠNG BÁ CẦN, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, 2 tập, Hà Nội 2008.

—————————

 Xem thêm thư mục về lịch sử thần học trong bài kế tiếp

[1] Chú thích của người dịch. Việc chia lịch sử thế giới thành ba thời kỳ phần nào đã trở thành phổ thông tại châu Âu từ thế kỷ XVII, khi ông Christophorus Cellarius (Christoph Keller) xuất bản bộ lịch sử thế giới, phân làm ba bộ: Historia antiqua (cổ sử: 1685), Historia medii aevi (sử trung đại: 1688), Historia nova (tân sử: 1696). Tuy nhiên, các tác giả không đồng ý về mốc điểm bắt đầu và kết thúc thời Trung đại. Về khởi điểm, có người tính từ thế kỷ V (Đế quốc Rôma bị người Đức tấn công), có người muốn khởi sự chậm hơn hai thế kỷ (hoàng đế Charlemagne được tấn phong tại đền thánh Phêrô). Về tận điểm, có người muốn chấm dứt với việc thủ đô Constantinopolis thất thủ năm 1453; hoặc với việc khám phá châu Mỹ năm 1492; hoặc với việc sáng chế máy in của Gutenberg năm 1454; nhưng cũng có người muốn nhích lên một thế kỷ rưỡi trước đó, năm 1303, khi sứ giả của vua Henri VII dám vả mặt giáo hoàng Bonifaxio VIII, tượng trưng cho sự chấm dứt thời đại thế quyền phải tùng phục giáo quyền. Ngoài ra cũng nên lưu ý đến việc dịch thuật. Tên gọi của hai thời kỳ đầu tiên tạm chấp nhận: Cổ đại (thời cổ xưa), Trung đại (thời ở giữa); nhưng thời kỳ thứ ba modernité không có nghĩa là “cận đại”, (nghĩa là gần với thời nay) nhưng còn có nghĩa là “đề cao lý trí và kỹ thuật”; đối lại với thời kỳ của chúng ta là post-modernité, thiên về tình cảm chủ quan (chứ không phải là “hậu hiện đại”).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here