LỊCH SỬ GIÁO HỘI HỌC – THỜI TRUNG ĐẠI, CẬN ĐẠI

0
3149

Phan Tấn Thành

——————————-

Thời các Giáo phụ

Thế kỷ XX

——————————

TRUNG ĐẠI

       Sau khi nhắc qua khung cảnh lịch sử, chúng ta sẽ xét đến các diễn ngữ, các khuynh hướng, và các tác giả, đặc biệt là thánh Tôma Aquinô.

A. Khung cảnh lịch sử

       Vào thời Trung đại, Giáo hội Công giáo ở Âu châu trải qua một chế độ được đặt tên là Christianitas (Pháp: Chrétienté; Anh: Christendom): toàn thể lục địa theo Kitô giáo (toàn tòng). Thuở ấy chưa có các quốc gia mà chỉ có các “tiểu quốc” ở dưới trướng của hoàng đế. Dân là một, nhưng phải tùng phục hai nguyên thủ: hoàng đế và giáo hoàng. Trong hai người ấy, ai lớn hơn ai? Từ đó đặt ra vấn đề tương quan giữa “thế quyền” và “thần quyền” (Sacerdotium et Imperium), với những thăng trầm của nó: có lúc thế quyền muốn lấn thần quyền, và ngược lại. Mặt khác, nội bộ Giáo hội cũng không thiếu những tranh chấp, đến nỗi có lúc có đến ba giáo hoàng. Chúng ta không đi sâu vào chi tiết, nhưng chỉ gợi lên nguồn gốc các vấn đề đặt ra cho giáo-hội-học.

       1/ Tương quan giữa Giáo hoàng và Hoàng đế. Sự thăng bằng giữa hai quyền lực này có sự tiến triển từ thời Constantinô sang thời Charlemagne, và cuộc cải cách của Giáo hoàng Grêgoriô VII (1073-1085). Dĩ nhiên là thần học bênh vực chủ quyền của Giáo hoàng ở trên hoàng đế. Các khảo luận thần học và giáo luật nhắm đến việc bảo vệ quyền tối thượng của Giáo hoàng. Lối tiếp cận dẫn đến sự trình bày Hội Thánh dưới khía cạnh hữu hình, định chế và quyền bính.

       2/ Tương quan giữa Giáo hoàng và giám mục. Dưới cái nhìn của giáo luật, thể chế của Giáo hội rất giống với thể chế của Đế quốc. Hậu quả là nếu trong Đế quốc, Hoàng đế có thẩm quyền trên các tiểu vương và chư hầu, thì trong Giáo hội, Giáo hoàng cũng có quyền trên các giám mục. Giáo hoàng bổ nhiệm giám mục. Điều trớ trêu là có lúc Giáo hội có đến hai hay ba giáo hoàng. Nhắm tái lập sự thống nhất, thuyết conciliarismus được đề ra, theo đó Công đồng đứng trên Giáo hoàng.

       3/ Tương quan giữa các giám mục và các dòng tu. Như đã nói trên đây, sau thời thái bình của Constantinô, một số tín hữu lên sa mạc sống đời đan tu, thực hành những yêu sách triệt để của Tin mừng. Họ đi truyền giáo, mở nhà ở những vùng biên cương và dần dần cũng thành lập các giáo đoàn, ngang hàng với giáo phận (abbatiae nullius). Hơn thế nữa, vào thế kỷ XIII, những dòng hành khất ra đời, cổ vũ sự canh tân Giáo hội bằng việc trở về nguồn Phúc âm. Họ tùy thuộc vào giáo hoàng chứ không tùy thuộc các giám mục. Người ta dễ hình dung hai hàng giáo sĩ trong Hội thánh: a) hàng giáo sĩ giáo phận, gắn liền với một lãnh thổ, dưới quyền của giám mục; b) hàng giáo sĩ tu trì, mang tính lưu động, được đặt dưới quyền của giáo hoàng, nhằm phục vụ giáo hội phổ quát.

B. Các diễn ngữ

       Quan niệm huyền nhiệm về Giáo hội vào thời các giáo phụ nhường chỗ cho quan niệm định chế về Giáo hội. Ý nghĩa của các từ ngữ cũng biến đổi theo.

       – Corpus Christi theo thánh Phaolô ám chỉ Giáo hội được xây dựng trên bí tích Thánh Thể. Sang thời Trung đại, Corpus Christi ám chỉ bí tích Thánh thể (corpus reale), vì muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích này (chống lại Berengarius de Tours); Hội thánh được gọi là corpus mysticum, được hiểu theo nghĩa huyền bí, chẳng có liên lạc gì với Thánh Thể[1].

       – Populus Dei trong Kinh thánh được thay thế bằng populus christianus mang tính xã hội học, tương đương với societas christiana.

       – Hội thánh được nhìn như societas hơn là như mysterium của thời giáo phụ. Quan niệm định chế nhìn Hội thánh theo chiều ngang hơn là theo chiều dọc, và cuối cùng Hội thánh được đồng hóa với hàng phẩm trật.

C. Các khuynh hướng

       1/ Những căng thẳng giữa Đông và Tây do sự khác biệt về thần học và cách tổ chức đã đưa tới sự tuyệt giao năm 1054 giữa hai toà Rôma và Constantinopolis. Thần học Đông phương tiến triển theo truyền thống từ các giáo phụ, mang tính huyền nhiệm (nhìn trong tương quan với Chúa Ba ngôi) và bí tích (Giáo hội biểu lộ nơi phụng vụ Thánh Thể). Về cơ cấu, họ đề cao quyền của giám mục địa phương (tính cách tự trị).

       2/ Bên Tây phương, thần học về Giáo hội mang tính định chế và pháp lý, tách rời ra khỏi bí tích Thánh thể.

       Để phản ứng lại, đó đây nảy ra nhiều phong trào canh tân, nhấn mạnh đến khía cạnh tâm linh của Hội thánh (Ecclesia spiritualis) chẳng hạn như vào thế kỷ XIII, các dòng hành khất và nhiều phong trào giáo dân đã kêu gọi trở về với tinh thần đơn sơ khó nghèo của Tin mừng. Trước đó một thế kỷ, viện phụ Gioakim Fiore (k.1135-1202) còn đề nghị một học thuyết táo bạo hơn khi phân chia lịch sử cứu độ thành ba thời đại: thời đại của Chúa Cha trong Cựu ước; thời đại của Chúa Con trong Tân ước, với sự thiết lập Hội thánh để loan báo Tin mừng và ban các bí tích; thời đại thứ ba của Thánh Linh, là thời của các đặc sủng và cảm nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa cư ngụ ở trong tâm hồn. Đặc trưng của thời đại này là những người con cái Thiên Chúa được biến đổi thành những bạn hữu của Ngài.

D. Các tác giả kinh viện

       1/ Thánh Tôma Aquinô không viết một tác phẩm nào về Hội thánh, cũng không dành một khảo luận riêng về Hội thánh trong bộ Tổng luận thần học. Hội thánh được bàn đến trong khuôn khổ của ân sủng (ân sủng thủ lãnh nơi Đức Kitô) và các bí tích.

       Theo lược đồ của Tổng luận thần học, toàn thể lịch sử cứu độ bắt nguồn từ Thiên Chúa (exitus) và trở về với Thiên Chúa (reditus). Việc kết hợp con người với Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, bằng đức tin và các bí tích của đức tin.

       Giáo hội là một cộng đoàn những người tin vào Đức Kitô (congregatio fidelium), có khả năng kết hợp với Thiên Chúa nhờ ân sủng được ban qua vị Thủ lãnh (gratia capitis, Summa Theol. III, q.8). Đức Kitô là Thủ lãnh Hội thánh được xem như một bí tích, dấu chỉ và dụng cụ chuyển thông ân sủng.

       2/ Những khảo luận biệt lập về Giáo hội xuất hiện vào đầu thế kỷ XIV, mở đầu với De regimine christiano (1301-1303) của Jacobus de Viterbo[2]. Sau đó không lâu, vài tác phẩm tương tự cũng ra đời tựa như De ecclesiastica potestate của Aegidius Romanus, De potestate regia et papali của Joannes Parisiensis. Các khảo luận đầu tiên về Giáo hội không mang tính cách thần học, nhưng cốt là bênh vực quyền bính của Giáo hoàng chống lại hoàng đế.

Cận đại

       Vào thời cận đại, Giáo hội học phát triển mạnh, nhưng mang giọng tranh biện và hộ giáo nhiều hơn là “suy tư về đức tin”. Trước hết chúng ta điểm qua khung cảnh lịch sử, để hiểu rõ lập trường Giáo hội học của phái Cải cách theo Martin Luther và những phản ứng của thần học Công giáo từ Công đồng Trentô.

A. Khung cảnh lịch sử

       Vào thời cận đại, cuộc Cải Cách của Martin Luther là một biến cố quan trọng ảnh hưởng rất lớn không những đến Giáo hội học (lý thuyết) mà còn đến cách tổ chức Giáo hội. Một biến cố thứ hai đã làm thay đổi bộ mặt Giáo hội ở châu Âu là sự thành hình các quốc gia độc lập và không muốn lệ thuộc vào quyền bính của Giáo hoàng.

B. Quan điểm của phái Cải Cách về Giáo hội

Thực ra đã có nhiều yếu tố dọn đường cho cuộc Cải cách của Luther.

       – Quan niệm mập mờ của thánh Augustino về hai bộ mặt của Giáo hội, khía cạnh hữu hình và vô hình.

       – Những phong trào thần khí của thời Trung đại chống lại bộ mặt cơ chế và pháp lý của Giáo hội. Họ mong muốn trở về với Tin mừng, chẳng hạn như nhóm tu sĩ Phan sinh “thần khí” (Spirituales) chịu ảnh hưởng của Joakim Fiore.

       – Những quan niệm của John Wycliff và Jan Hus về khía cạnh tâm linh và vô hình của Hội thánh. John Wycliff (người đầu tiên đặt tựa đề Tractatus de Ecclesia cho cuốn sách viết năm 1378) và Jan Hus (Tractatus de Ecclesia năm 1423) trình bày Hội thánh như một cộng đồng thiêng liêng, không có tài sản vật chất, không có chức vụ bởi vì Chúa Kitô là thủ lãnh duy nhất. Hội thánh trở thành một thực thể vô hình, chỉ có thể nhận thấy trong đức tin, được thành hình bởi các cá nhân được cứu độ và được tiền định, không có một dây liên kết hỗ tương nào với nhau để trở nên một bí tích giữa trần gian và lịch sử.

       – Những ý kiến tương phản nhau về quyền bính Giáo hội tiếp theo hiện tượng hai đầu (giáo hoàng ở Rôma và Avignon): Giáo hoàng ở dưới hay ở trên công đồng (conciliarismus)?

       Đó là những tiền đề đưa đến ý tưởng thần học của phái Cải cách với vài đặc trưng như sau:

       1/ Tách rời hai bộ mặt của Giáo hội: hữu hình và vô hình, ngoại tại và nội tại. Giáo hội đích thực là giáo hội vô hình và thần khí. Bộ mặt hữu hình và cơ chế không những là không nằm trong ý Chúa, mà dần dần còn bị xem như là hậu quả của tình trạng tội lỗi của con người, đối lại với tình trạng ân sủng. Xét về phương diện Kitô học, cha Yves Congar đánh giá quan điểm này như là một hình dạng của thuyết nhất tính (monophysismus)[3]. Xét về phương diện thần học, quan điểm này là một thiếu sót về bí tích, nghĩa là không nhìn nhận rằng khía cạnh hữu hình có thể trở thành dụng cụ của ơn cứu độ.

       2/ Ecclesia spiritualis et abscondita. Đối với Luther, Giáo hội là congregatio fidelium, cộng đoàn của những tín hữu chân chính, cộng đoàn được tạo lập bởi Lời Chúa và đức tin, sự hiệp thông các thánh, cộng đoàn thần khí và ẩn mình. Quan điểm này lệ thuộc vào nguyên lý về mặc khải của ông: Deus absconditus (Thiên Chúa ẩn mình: Is 45,15). Thiên Chúa huyền nhiệm mặc khải mình bằng cách che giấu.

       3/ Hội thánh là “Dân Thiên Chúa”, dân tư tế, được xây dựng trên lời Chúa, đức tin và bí tích thánh tẩy, có khả năng dâng hy lễ tâm linh, không có phân biệt phẩm trật.

C. Thần học Công giáo

       Để phản ứng quan điểm của phái Cải cách, các tác giả Công giáo hầu như chỉ tập trung vào việc bảo vệ khía cạnh hữu hình và định chế của Hội thánh.

       1/ Công đồng Trentô (1545-1563) không dành một văn kiện nào cho Hội thánh, nhưng đã đề cập đến yếu tố có liên quan, chẳng hạn như đạo lý về sự công chính hóa, giá trị khách quan của các bí tích, quyền bính trong Giáo hội, chức tư tế thừa tác. Tuy nhiên, dựa trên những đạo lý này, nhiều tác giả đã biên soạn các khảo luận Giáo hội học mang nặng tính pháp lý hơn là huyền nhiệm. Chúng ta có thể lấy hai tác phẩm điển hình: Sách Giáo lý Công đồng Trentô và tác phẩm của thánh Robertô Bellarminô.

a) Sách Giáo lý Catechismus ex decreto concilii Tridentini ad parochos, được biên soạn theo ý muốn của Công đồng và được Đức thánh cha Piô V ban hành năm 1566, tuy không minh thị bàn về Giáo hội, nhưng đã đề cập đến nhiều khía cạnh của Giáo hội. Sách Giáo lý liệt kê những hình ảnh về Kinh thánh: chiếc tàu, Giêrusalem, ngôi nhà, gia đình, đàn chiên, hiền thê và thân thể của Đức Kitô; những khía cạnh liên quan đến mầu nhiệm của dân Thiên Chúa, được hợp nhất dưới tòa thánh Phêrô một dân họp bởi Giáo hội chiến đấu và khải hoàn. Khi mô tả Giáo hội, sách viết rằng: “Hội thánh là cộng đoàn những người được kêu gọi bởi đức tin đến với ánh sáng của chân lý và sự hiểu biết Thiên Chúa, những người đã đánh tan bóng tối của dốt nát và sai lầm, những người thờ lạy cách cung kính và thánh thiện vị Thiên Chúa hằng sống và chân thật và phụng sự Ngài hết lòng[4].

b) Tác phẩm Disputationes de controversiis christianae fidei của Bellarminô, được sử dụng làm sách giáo khoa trong các chủng viện, trình bày Giáo hội giống như một quốc gia, nhấn mạnh đến quyền bính, đặc biệt là quyền của Giáo hoàng. Định nghĩa nổi tiếng về Giáo hội như sau: “Giáo hội là tập hợp những người được hợp nhất với nhau nhờ việc tuyên xưng cùng một đức tin Kitô giáo và nhờ sự hiệp thông trong những bí tích như nhau, dưới sự cai quản của những mục tử hợp pháp và cách riêng của Đức giáo hoàng Rôma là đại diện duy nhất của Chúa Kitô[5]. Khi mô tả Giáo hội, tác giả nhấn mạnh đến tính cách hữu hình giống như các quốc gia: “Giáo hội là tập hợp những người mà ta có thể thấy và chạm tới giống như tập hợp dân Rôma, hoặc vương quốc Pháp hay cộng hòa Venezia”. Về điều kiện để trở nên phần tử Giáo hội, tác giả viết: “Để có thể là thành phần của Giáo hội chân thật, chúng tôi không nghĩ rằng cần phải có một nhân đức nội tại,mà chỉ đòi hỏi họ tuyên xưng đức tin và hiệp thông các bí tích, là những điều mà giác quan ta thấy được”.

       Như vậy, để phản ứng khuynh hướng một chiều của phái Cải cách, tác giả cũng nhấn mạnh một chiều đến khía cạnh hữu hình và phẩm trật của Giáo hội. Vì dựa trên tiêu chuẩn hữu hình để xác định điều kiện làm phần tử của Giáo hội, nên tác giả phải du nhập sự phân biệt trong Giáo hội giữa “thân thể hữu hình” và “linh hồn” (ân sủng); điều này làm lu mờ cái nhìn toàn diện về mầu nhiệm Giáo hội.

       Tóm lại, Giáo-hội-học không phải là thần học về Giáo hội mà chỉ là một thiên hộ-giáo (apologetica), nêu bật các dấu chỉ (notae) của Giáo hội chân thật. Bộ mặt của Giáo hội giống như một tổ chức trong đó Đức Kitô là Đấng sáng lập lúc nguyên sơ và Thánh Linh làm bảo chứng cho quyền bính.

       2/ Thế kỷ XVIII-XIX

       Thần học trong những thế kỷ này không chỉ phải đối phó với phái Cải Cách mà còn phải đương đầu với những học thuyết chính trị đề cao vai trò của Nhà nước chống lại Giáo hội. Giáo hội bị đồng hóa với một tổ chức tư nhân, dưới sự chỉ huy của Nhà nước (những học thuyết được đặt tên chung là regalismo)[6]. Vì thế các sách Giáo-hội-học không chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh hữu hình của Giáo hội mà còn bảo vệ quyền bính, đặc biệt là của Giáo hoàng. Dù sao bộ mặt của Giáo hội được trình bày với hai đặc điểm chính: a) Giáo hội là một xã hội hoàn bị (societas perfecta) với đầy đủ các cơ cấu như một quốc gia[7]; b) Giáo hội là một xã hội “bất bình đẳng” (societas inaequalis), bởi vì trong đó có hàng phẩm trật do Chúa thiết lập; nói cách khác, không thể chấp nhận nguyên tắc “dân chủ bình quyền” của các học thuyết chính trị cận đại.

       Trong khi khuynh hướng chung của Giáo hội học nặng về cơ cấu định chế, thì một vài tác giả đã mở ra lối tiếp cận khác, và có ảnh hưởng đến những cuộc canh tân vào thế kỷ sau.

a) Trường phái Tübingen, đại biểu nơi Johann Adam Möhler (1796-1838), trình bày Giáo hội dựa theo hai nguyên ủy nền tảng là Thánh Linh và Lời Nhập thể. Giáo hội là “Thân thể Chúa Kitô”, với cơ cấu vừa hữu hình vừa vô hình, kéo dài sự hiện diện của mầu nhiệm Nhập thể trải qua thời gian. Thánh Linh là linh hồn và nguyên ủy hợp nhất của Giáo hội, còn sự hữu hình và định chế tượng trưng cho “thân thể” của nó. Ý tưởng này được khai triển nơi trường phái Rôma (Giovanni Perrone, Carlo Passaglia, Johann Baptist Franzelin) và Matthias Josef Scheeben, trình bày Giáo hội như là “thân thể của Chúa Kitô” trong viễn ảnh của “cuộc nhập thể kéo dài”, gắn với các cơ cấu phẩm trật. Như vậy, chiều kích vô hình và huyền nhiệm được liên kết với chiều kích hữu hình và lịch sử. Khía cạnh huyền bí được đặt lên hàng đầu của “mầu nhiệm” Giáo hội; khía cạnh cơ cấu được xem như yếu tố hòa nhập của thực tại nhập thể.

b) John Henry Newman (1801-1890) nêu bật hai nguyên lý của Giáo hội học. Thứ nhất, nguyên lý bí tích: cần có sự hài hòa giữa điều kiện hữu hình và điều kiện vô hình, giữa ân sủng và các cơ cấu pháp lý. Thứ hai, nguyên tắc sự cần thiết của quyền bính trong Hội thánh. Mặt khác, tác giả cũng lưu ý đến chiều kích “lịch sử” (Giáo hội biểu lộ căn tính của mình trong điều kiện nhập thể vào thời gian) và cái nhìn “nhân vị” (Giáo hội là cộng đoàn gồm bởi những con người nam nữ, tham dự vào nhiệm vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Kitô, chứ không thuần túy là định chế).

       Cần nói thêm là những luồng canh tân này không gây ảnh hưởng nhiều đối với hướng đi chung của Giáo hội học đường thời. Tại các chủng viện, Giáo hội học được dạy trong môn Hộ giáo (Apologetica), gồm ba phần: 1) Mặc khải (de revelatione): ngoài khả năng của lý trí, con người có thể biết Thiên Chúa nhờ mặc khải. 2) Tôn giáo chân thật (de vera religione). Thiên Chúa đã mặc khải đạo chân thật nơi Đức Kitô. 3) Hội thánh chân thật (de vera ecclesia): đạo Chúa Kitô được duy trình trong Giáo hội Công giáo, nơi hội đủ bốn điều kiện: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

D. Công đồng Vaticanô I (1869-70)

       Đây là lần đầu tiên một công đồng trực tiếp bàn về Giáo hội. Qua hiến chế Pastor aeternus (18-7-1870), công đồng đã tuyên bố hai tín điều liên quan đến thẩm quyền tối cao của Giáo hội: quyền tối thượng của giáo hoàng và đặc ân bất khả ngộ. Tiếc rằng công đồng kết thúc bất ngờ do những biến chuyển chính trị ở Italia, nên nhiều đề tài của Giáo hội còn dang dở[8] (xem lược đồ chuẩn bị).

       Những điểm chính của Công đồng có thể tóm lại như sau:

  • Giáo hội được nhìn như một xã hội hoàn bị (societas perfecta), với đủ các cơ cấu pháp lý, đặc biệt là quyền bính của Giáo hoàng.
  • Đường lối trình bày mang tính hộ giáo, nhằm chứng minh rằng Giáo hội là nơi gìn giữ chân lý mặc khải. Giáo hội “ngọn cờ phất lên giữa các dân tộc”, đáng khâm phục vì sự bành trướng mạnh mẽ, sự thánh thiện cao vời, sự sản sinh phong phú trong mọi công tác tốt lành, sự hợp nhất phổ thế, sự kiên trì không lay chuyển. Giáo hội là một động lực khả tín trường cửu và chứng nhân cho sứ mạng thần linh[9].

Giáo hội được trình bày như một thực thể hữu hình, độc lập khỏi mọi quyền bính thế gian. Giáo hội có một thể chế riêng, lãnh nhận từ Thiên Chúa. Ngoài những định chế thuộc một xã hội hoàn bị, Giáo hội còn quyền bính thiêng liêng siêu nhiên, để hướng dẫn các linh hồn đến phần rỗi. Quyền bính này hiện hữu nơi các giám mục, và nhất là nơi Giáo hoàng là thẩm quyền tối cao, đại diện Chúa Kitô, kế vị thánh Phêrô. Công đồng cũng định tín đặc ân bất khả ngộ của Giáo hoàng.

———————————–

[1] H. de Lubac, Corpus Mysticum. L’Eucaristia e la Chiesa nel Medioevo. Studio storico, Torino 1968.

[2] H.X. Arquillière, Le plus ancien traité de l’Eglise. Jacques de Viterbe, De Regimine Christiano (1301-1302). Étude des sources et édition critique, Paris 1926.

[3] X. Y. Congar, Le Christ, Marie et l’Église, Bruges, Desclée de Brouwer, 1952, p. 67-68.

[4] “Communi vero deinde sacrarum Scripturarum consuetudine haec vox ad rempublicam Christianam, fideliumque tantum congregationes significandas usurpata est; qui scilicet ad lucem veritatis et Dei notitiam per fidem vocati sunt, ut, reiectis ignorantiae et errorum tenebris, Deum verum et vivum pie et sancte colant, illique ex toto corde inserviant; atque, ut unico verbo haec res tota absolvatur, Ecclesia, ut ait S. Augustinus, est populus fidelis per universum orbem dispersus.” (Pars I, cap.10 – de nono articulo, quaestio 2).

[5] Disputationes de controversiis christianae fidei adversus huius temporis haereticos (Controversiae) (1586-1593), Ingolstadt 1601, t. II: Prima Controversia generalis, liber III: De Ecclesia militante, caput II: De definitione Ecclesiae.

«Nostra autem sententia est Ecclesiam … esse coetum hominum ejusdem christianae fidei professione, et eorundem sacramentorum communione colligatum, sub regimine legitimorum pastorum, ac praecipue unius Christi in terris vicarii Romani pontificis». « Ecclesia enim est coetus hominum ita visibilis et palpabilis, ut est coetus populi Romani, vel regnum Galliae, aut respublica Venetorum»

[6] Régalisme: tên đặt cho học thuyết cho rằng nhà vua đứng trên giáo quyền (trong quốc gia). Học thuyết này mang nhiều dạng thức khác nhau, tùy thời và tùy nơi, chẳng hạn như gallicanisme (bên Pháp thế kỷ XVII), giuseppinisme (bên Áo, thế kỷ XVIII). Hàng giám mục dưới quyền điều khiển của nhà vua, chứ không dưới quyền của Giáo hoàng nữa: Giáo hội quốc gia.

[7] Societas perfecta có thể dịch là xã hội “hoàn bị, hoàn hảo, trọn lành”. Sự “hoàn hảo” ở đây không hiểu theo nghĩa luân lý, nhưng theo nghĩa là Hội thánh có tất cả những phương thế và “quyền bính” để đạt được mục đích của mình. Vì thế Hội thánh có thể đứng ngang hàng với Nhà nước để ký kết những thoả ước.

[8] Lược đồ chuẩn bị đề nghị 15 chương (chương đầu mang tựa đề “Thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô”), nhưng công đồng chỉ mới thảo luận chương 11 bàn về giáo hoàng.

[9] «Ecclesia per se ipsa, ob suam nempe admirabilem propagationem, eximiam sanctitatem et inexhaustam in omnibus bonis foecunditatem, ob catbolicam unitatem invictamque stabilitatem magnum quoddam et perpetuum est motivum eredibilitatis et divinae suae legationis testimonium irrefragabile. Quo fit, ut ipsa veluti signum levatum in nationes (Is 11,12), et ad se invitet, qui nondum crediderunt, et filios suos certiores faciat, firmissimo niti fundamento fidem, quam profitentur» (DS 3013s.).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here