LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG SÁU

0
861

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

———————

Chương Sáu

NHỮNG DÒNG HÀNH KHẤT

———————

Dẫn Nhập

Trong số những hình thức tu trì xuất hiện vào thời Trung cổ, bên cạnh các “tăng sĩ” (canonici regulares) nói ở chương trước và các “khất sĩ” sẽ bàn trong chương này, còn một hình thức nữa, đó là các dòng Hiệp sĩ và Cứu chuộc. Xét vì những dòng này không còn tồn tại, cho nên chúng tôi chỉ bàn lướt qua ở đây chứ không dành riêng một chương.

A. Dòng Hiệp sĩ

Cho đến nay, chúng ta thấy rằng các phần tử của dòng đan tu và dòng giáo sĩ dâng hiến cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa trong các đan viện hoặc các xứ đạo. Nói chung họ chuyên lo “công việc nhà Chúa”. Sang thời Trung cổ, chúng ta thấy xuất hiện một hiện tượng khác, đó là những dòng tu phục vụ tha nhân, mở màn cho những hội dòng hoạt động bác ái trong thiên niên kỷ thứ hai. Cách riêng, vào các thế kỷ XI-XIII, các dòng Hiệp sĩ và Cứu chuộc ra đời nhằm phục vụ ba đối tượng: 1/ các bệnh xá; 2/ các nơi thánh; 3/ các nô lệ. Nói cho đúng, vào lúc đầu họ chỉ là các đoàn thể bác ái, nhưng sau đó trở thành “dòng tu” khi khấn tuân giữ một bản luật dòng. Đến khi tình thế thay đổi thì các dòng này cũng chuyển dạng.

1/ Những Dòng bệnh viện. Trong tiếng Việt, “bệnh viện” có nghĩa là nơi dành cho người bệnh; nhưng nguồn gốc các “dòng bệnh viện” (Pháp: Ordres hospitaliers; Anh: hospitallers) thì khác: danh từ hospital gốc bởi tiếng La-tinh hospes (khách trọ). Nguồn gốc của nó là nhà trọ (domus hospitalis) dành cho những khách đi hành hương bên đất thánh, được cất khoảng năm 1050: sau đường trường xa xôi, người lữ khách không chỉ cần nơi ăn chốn ngủ, mà cả thuốc men băng bó. Trong bối cảnh đó mà dòng “hospitalis” đầu tiên ra đời, mang tước hiệu thánh Gioan Tẩy giả (Hôpital de Saint-Jean). Những hoàn cảnh chính trị tại thánh địa bó buộc các thành viên không những chỉ tiếp đón các lữ khách, mà còn sử dụng vũ khí để bảo vệ các khách hành hương. Dòng Bệnh viện trở thành dòng Hiệp sĩ (nặng về binh khí hơn là y tế), nổi tiếng nhất là các hiệp sĩ Malta (Ordre des chevaliers de Malte), một tổ chức được thiết lập năm 1120 tại Thánh địa, rồi sau đó phải chuyển qua đảo Chypre, Rhodes, và cuối cùng đặt trụ sở ở đảo Malta.

2/ Những Dòng binh sĩ (Ordres militaires), hay kỵ sĩ (Ordres chevaliers). Những dòng này ra đời trong hai bối cảnh: Palestina và Tây-ban-nha

– Palestina. Các Kitô hữu coi nơi này như “thánh địa” bởi vì là nơi mà Chúa Cứu thế đã giáng sinh và hoàn trình công cuộc cứu độ. Thói tục hành hương về đất thánh đã có từ thế kỷ IV. Khi miền Trung đông rơi vào tay Hồi giáo, các tín hữu tìm cách để bảo vệ những nơi thánh cũng như những tín đồ đến kính viếng. Đó là nguồn gốc của nhiều dòng ra đời trong thế kỷ XII: dòng đền thờ (Chevaliers du Temple; Templiers), dòng mộ thánh (Ordre des Chevaliers du Saint-Sépulchre).

– Tây ban nha. Những dòng tu được thiết lập để chống lại sự đô hộ của Hồi giáo hoặc những quân xâm lăng từ Bắc Phi, nổi tiếng hơn cả là các Dòng có trụ sở tại Calatrava (1158) và Santiago de Compostela (1175).

Ngày nay, khi nghe nói đến các dòng binh sĩ (dòng quân nhân), nhiều người cảm thấy chói tai: tại sao đã đi tu mà còn cầm gươm giáo? Người ta đã đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau, dĩ nhiên là cần đặt trong bối cảnh lịch sử.

a) Khi nói đến các dòng binh sĩ, chúng ta hãy nghĩ đến “các binh sĩ” đã trở thành thầy dòng, chứ không phải là “thầy dòng” trở thành binh lính.

b) Các dòng binh sĩ cầm khí giới không phải để chém giết cướp bóc, nhưng để tự vệ, nghĩa là bảo vệ các người hành hương thăm viếng Đất Thánh, hoặc bảo vệ các nơi thánh. Như đã nói, các dòng binh sĩ bắt nguồn từ các hội đón tiếp khách lữ hành.

c) Ngoài việc chiến đấu bằng vũ khí, các hiệp sĩ đã được thánh Bênađô (xc. De laude novae militiae ad milites Templi: PL 182,921-940) nhắc nhở đến cuộc chiến đấu tinh thần (chống lại xác thịt, nhục huyết, tà thần), cũng như tinh thần khi chiến đấu (khó nghèo, vâng phục).

 Ngày nay ít người còn biết đến “Ordre des Chevaliers” (Knight Orders) như là dòng đã chiến đấu để bảo vệ đức tin, nhưng chỉ nghĩ đến các “Đẳng cấp hiệp sĩ”.

3/ Những Dòng Cứu chuộc (Ordres pour la rédemption des captifs). Trước tình cảnh nhiều Kitô hữu bị người Hồi giáo bắt làm nô lệ, thánh Gioan de Matha (1160-1213) và thánh Felix de Valois (1127-1212) lập ra Dòng Chúa Ba ngôi (Ordo Sanctissimae Trinitatis), và thánh Phêrô Nolasco (+1256) đã lập Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi (Ordo B. Mariae Virginis de Mercede). Mục tiêu là chuộc lại các người nô lệ. Khi hoàn cảnh thay đổi, hai dòng này cũng chuyển hướng mục tiêu cũng như quy chế: hai dòng này được xếp vào các dòng hành khất.

B. Dòng hành khất

Trong tiếng latinh, mendicantes có nghĩa là những người “hành khất, ăn xin”. Từ ngữ này gợi lên hình ảnh của người nghèo. Trong lịch sử các dòng tu, từ này mang nhiều nghĩa khác nhau: xét trong bối cảnh lịch sử, xét theo từ ngữ giáo luật, xét theo hình thức tu trì.

1/ Nghĩa lịch sư. Từ thế kỷ XII, nhiều phong trào canh tân nổi lên trong Giáo hội, kêu gọi trở về với tinh thần đơn sơ khó nghèo của Phúc âm. Chống lại khuynh hướng củng cố các cơ chế pháp lý trong Giáo hội là những phong trào “Thánh Linh” (Spirituales) đề cao vai trò của Chúa Thánh Linh: Giáo hội cần được những con người “tâm linh” lãnh đạo. Chống lại khuynh hướng làm giàu nơi giới thương gia, và nhất là trong hàng giáo phẩm và dòng tu (với những cơ sở đồ sộ) là những phong trào “Khó nghèo” (Pauperes Christi) chủ trương sống khó nghèo, dấn thân rao giảng Tin mừng.

Tiếc rằng nhiều phong trào này tỏ ra chống đối giáo quyền và chính quyền và trở thành nhóm ly khai (Gioakim de Fiore, Pierre Valdes). Tuy nhiên cũng có những người nhạy cảm đối với những đòi hỏi chính đáng thời đại: thánh Đaminh và thánh Phanxicô chấp nhận sống đời khó nghèo vừa cá nhân vừa tập thể để làm chứng tá cho Tin mừng. Đặc trưng của hai dòng hành khất là “giảng thuyết” và “khó nghèo”.

2/ Nghĩa pháp ly. Giáo hội rất dè dặt trong việc phê chuẩn những dự án mới[1]. Công đồng Laterano IV (1215) nghiêm cấm thành lập dòng mới (Constitutio 13: de novis religionibus prohibitis). Các phong trào và đoàn thể phải đi vào khuôn khổ của ba bản luật có sẵn: Biển-đức, Basiliô, Âu-tinh.

Mặc dầu có quyết nghị ngăn cấm, các vị giáo hoàng vẫn cho phép thành lập dòng mới: Phan-sinh (1209), Đaminh (1216), Cát-minh (1226), Ẩn sĩ Âu-tinh (1256). Công đồng Lyon II năm 1274 (Constitutio 23) nhìn nhận bốn dòng hành khất đã được Toà thánh châu phê: Giảng thuyết, Hèn mọn, Cát-minh, Âu-tinh.

Dần dần nhiều dòng khác cũng được xếp vào số “hành khất”

– Dòng Tôi tớ Đức Mẹ (Ordo Servorum B. Mariae Virginis), được thành lập năm 1245 như một nhóm ẩn sĩ, và được đức Martinô V xếp vào loại hành khất năm 1418.

– Dòng Chúa Ba ngôi, do đức Phaolô V (1609) và Dòng Đức Mẹ cứu chuộc, do đức Alexander VII (1690). Hai dòng này được thành lập từ thế kỷ XIII để cứu các tín hữu bị bắt làm nô lệ cho người Hồi giáo.

– Dòng Minimi, do thánh Phanxicô de Paola (+1507) thành lập, lúc đầu như là nhóm ẩn sĩ (Societas pauperum eremitarum), và được đức Piô V cấp quy chế hành khất năm 1567 (Ordo minimorum pauperum eremiticarum fratris Francisci de Paula).

– Dòng Bệnh viện của thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550), được đức Piô V phê chuẩn (bulla Licet ex debito 1572), và được đức Urbanô VIII xếp dòng hành khất năm 1624.

3/ Nghĩa hình thức tu trì

Vào lúc đầu, các dòng hành khất muốn nêu bật giá trị chứng tá khó nghèo tập thể (khước từ quyền sở hữu của cá nhân và của dòng), nhưng dần dần, người ta thấy rằng sự khó nghèo không phải là yếu tố cốt yếu của đời tu trì. Đối chiếu với các dòng đan tu và các dòng giáo sĩ tu trì, đặc trưng của các dòng hành khất là hướng về hoạt động tông đồ. Mặt khác, các dòng hành khất phát triển cộng đoàn huynh đệ (khác với các dòng cận đại, đề cao quyền bính chiều dọc).

Chương này gồm ba mục: mục 1 giới thiệu lịch sử các dòng hành khất, cách riêng bốn dòng thuộc thế hệ đầu tiên (Đa-minh, Phan-sinh, Cát-minh, Âu-tinh); mục 2 bàn về đặc trưng các dòng hành khất, và nhất là thần học về đời tu trì theo quan điểm thánh Tôma; mục 3 nói đến những thăng trầm của các dòng hành khất.

Mục 1. Nguồn gốc

Công đồng Lyon II (1274) đã chấp nhận bốn dòng hành khất: dòng Giảng thuyết (Ordo praedicatorum), dòng Hèn mọn (Ordo minorum), dòng Cát-minh (Ordo Carmelitarum), dòng các ẩn sĩ thánh Âu-tinh (Ordo Eremitarum sancti Augustini).

Nói đúng ra, chỉ có hai dòng của thánh Đa-minh và thánh Phan-sinh mới thực là “hành khất” chính danh, nghĩa là ra đời trong bối cảnh của những “phong trào Tin lành” (evangelismus) trở về với tinh thần đơn sơ khó nghèo của Phúc âm. Hai dòng Cát-minh và Âu-tinh bắt nguồn từ khuynh hướng ẩn sĩ trên núi. Chúng tôi sẽ trình bày sơ lược lịch sử thành lập, cách tổ chức và tinh thần của bốn dòng hành khất nguyên khởi.

I. Dòng Giảng thuyết
A. Lịch sử

Dòng các Giảng viên (Ordo praedicatorum) do thánh Đaminh (Domingo de Guzman,  một “tăng sĩ” thuộc giáo phận Osma, Tây-ban-nha, 1170-1221), thành lập tại thánh đường Saint-Romain ở Toulouse. Việc giảng thuyết vốn  coi như là một tác vụ đặc hữu của các giám mục, nhưng đã không được thực hành chu đáo, gây ra tình cảnh dốt nát nơi các tín hữu và dễ bị quyến rũ bởi các lạc thuyết. Vì công đồng Lateranô IV (1215) nghiêm cấm lập Dòng mới, nên đức Innocentê III khuyên thánh Đaminh hãy chấp nhận một bản luật đã có sẵn. Cùng với các môn đệ, ngài đã nhận bản luật thánh Âu-tinh, và dự án lập Dòng được đức Honoriô III phê chuẩn ngày 22/12/1216.

Sau đó, các tổng hội đã biểu quyết Hiến pháp (Institutiones, sau này đổi tên thành Constitutiones), chịu ảnh hưởng của dòng Prémontrés xét về mặt tu đức, nhưng du nhập nhiều điểm cách mạng trong việc tổ chức. [Dòng cũng gồm một ngành nữ, sẽ được đề cập trong chương tới]

B. Tinh thần

1/ Hình thức tu trì mới: nếp sống tông đồ, giáo sĩ

– đời sống tông đồ (vita apostolica): được diễn tả qua việc giảng thuyết kèm theo nếp sống thanh bần;

– giáo sĩ: đời sống chung, cử hành Kinh nhật tụng. Khác với các “tăng sĩ” ở chỗ không gắn liền với một đan viện, và không đảm nhận giáo xứ.

-việc học (đặc biệt học Kinh Thánh) được coi như phương tiện để nên thánh.

2/ Cơ chế

– Bãi bỏ lời khấn vĩnh cư, để có thể đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi.

– Các chức vụ được bầu cử qua các cấp tu nghị (capitulum): tu viện, tỉnh dòng và toàn dòng.

II. Dòng Hèn mọn
A. Lịch sử

Thánh Phanxicô Assisi (1181/2-1226) khởi đầu việc trùng tu “nhà Chúa” ở nhà nguyện San Damiano từ năm 1206, và từ năm 1208, bắt đầu lên đường giảng Tin mừng trong thanh bần. Vào lúc đầu, sự giảng thuyết mang tính cách thống hối (hơn là đạo lý): các anh em không phải là linh mục.

Dự án được Đức thánh cha Innocentê III chấp thuận bằng miệng từ năm 1210. Nhưng tiến trình lập pháp gặp nhiều trăn trở:

– Dòng được phân chia thành “tỉnh”  (provincia) tại Tổng hội năm 1217 và 1219.

– Bản luật thứ I (23 chương) kết quả của tổng hội 1221(với ba ngàn anh em) không được phê chuẩn (Regula prima, non bullata). Nhờ sự góp ý của hồng y Hugolinô (tức là vị giáo hoàng tương lai Gregorio IX), Bản luật thứ II được soạn lại (12 chương) và đức Honoriô III phê chuẩn ngày 29/11/1223 (Regula secunda, bullata). Vài tháng trước khi qua đời, thánh nhân soạn thêm Di Chúc (Testamentum) nhắn nhủ anh em hãy tuân giữ khó nghèo và tuân phục Toà Thánh.

Cùng với thánh Chiara di Favarone di Offreduccio (k.1193/4-1253), thánh Phanxicô cũng khai sinh ngành nữ (Povere Dame di San Damiano) vào năm 1212 (sẽ được nói trong chương tới)

B. Tinh thần

Vài đặc trưng: 1/ Minores: đơn sơ, giản dị, khiêm tốn. 2/ Khó nghèo, được quan niệm như phương tiện để đạt thanh thản nội tâm, khổ hạnh, chứng tá cho Tin mừng. 3/ Tình Huynh đệ được nuôi dưỡng nhờ tình thương âu yếm giữa anh em với nhau và với các bề trên.. 4/ Vâng phục như quan niệm như tùng phục Giáo hội như phương thế cần thiết để bảo đảm sự kết hợp với Chúa Kitô. 5/ Làm tông đồ bằng lời giảng (dành cho những ai được uỷ thác) và bằng gương lành (tất cả mọi anh em).

C. Những rạn nứt và khủng hoảng

Sau khi thánh Phanxicô qua đời (3/1071226), xảy ra nhiều cuộc tranh luận về việc thực hành đức khó nghèo, nhất là dưới thời cai quản của Frater Elias (1232-1239) du nhập việc học vào trong Dòng, và xây cất tu viện và nhà thờ tại các thành phố. Một nhóm “zelantes” chủ trương áp dụng sát chữ bản Luật và Di Chúc, và chống lại bề trên Elias. Nhằm dàn xếp các tranh chấp, đức Gregoriô IX tuyên bố Di Chúc không có giá trị pháp lý (28/9/1230). Nhưng đến tổng hội 1239 thì Elias bị truất chức và trục xuất khỏi dòng.

– Bonaventura, vị tổng quyền thứ bảy (1257-1274) xúc tiến việc soạn thảo Hiến pháp (tổng hội Narbonne năm 1260), tìm cách dàn xếp các phe phái bằng cách phân biệt nhiều cấp độ bó buộc: “lý tưởng của vị lập dòng”; “điều khuyên nhủ” tùy theo lòng hảo tâm; “luật buộc” do Toà thánh phê chuẩn.

– Tuy nhiên, sau khi thánh Bonaventura qua đời, thì xảy ra cuộc tranh luận giữa nhóm “Cộng đoàn” (conventuales, nghĩa là khuynh hướng ôn hoà của các bề trên) với nhóm “Tinh thần” (spirituales) dưới sự lãnh đạo của Angelo Clareno, Ubertino di Casale, Pietro Olivi, với khuynh hướng triệt để. Cuộc tranh luận không chỉ giới hạn vào sự giải thích ý định của thánh Phanxicô, nhưng còn mở rộng sang lãnh vực tín lý: Chúa Giêsu và các thánh tông đồ đã giữ khó nghèo như thế nào? Bản luật có được linh hứng không?

Kết quả của cuộc tranh luận này đưa Nhóm “Tinh thần” đến chỗ ly khai khỏi Giáo hội, bởi vì họ không chấp nhận lập trường của Toà thánh. Nhưng những thành phần suy phục Toà thánh cũng phân ra nhiều nhóm nhiệm nhặt (Regolare Osservanza) trong suốt thế kỷ XIV-XV, như sẽ thấy trong mục 3.

III. Dòng Cát-minh
A. Lịch sử

Vào khỏang cuối thế kỷ XI, một vài hiệp sĩ từ châu Âu tham gia thập tự quân bên Thánh địa đã quyết định chọn nơi cô tịch ở trên núi Carmêlô, địa điểm nổi tiếng thời Cựu ước với ngôn sứ Elia (xc 1 V 18,20-45), và tự gọi là Fratres B. Mariae Virginis de Monte Carmelo. Đức cha Albertô Avogrado, thượng phụ Giêrusalem đã sọan một luật sống (Formula vitae) cho họ (khỏang năm 1206 và 1214, năm mà đức cha qua đời), và luật được đức giáo hòang Hônôriô III châu phê ngày 30/1/1226.

Trước sự tấn công của Hồi giáo, họ buộc lòng phải rời thánh địa rút về Âu châu, và được tổ chức lại thành một dòng tu theo kiểu các dòng hành khất (khó nghèo tập thể, họat động tông đồ), với bản luật “mới” (Hiến pháp) được đức giáo hòang Innocentê IV châu phê ngày 1/10/1247. Các tu viện không còn được thiết lập ở miền thượng du như ban đầu, nhưng tại các thành phố. Các tu sĩ tham gia vào việc giảng thuyết tại các thánh đường cũng như việc giảng huấn tại các đại học.

B. Linh đạo

Ngòai những bản luật nguyên thủy, tinh thần của Dòng Cát-minh đã được phát biểu do cha Filippo Ribot (giám tỉnh Cataluna) trong tác phẩm Institutio primorum monacorum ở trong bộ hợp tuyển Liber de institutione et pecularibus gestis Carmelitarum (k.1380-1390) được sử dụng vào việc đào tạo nhiều thế hệ trong Dòng. Những đặc trưng của linh đạo Cát-minh có thể tóm lại như sau.

1/ Khuôn mẫu. Dòng Cát-minh chọn ngôn sứ Elia và Mẹ Maria như khuôn mẫu điển hình: totus marianus et elianus. Ông Êlia tượng trưng cho thái độ chiêm niệm, khắc khổ, cũng như nhiệt thành với việc phục vụ vinh quang Chúa. Mẹ Maria, người đã sống kề bên Chúa Giêsu, là khuôn mẫu cho việc chiêm niệm và thực hành các nhân đức. Danh hiệu của dòng là “Anh em đức Mẹ núi Carmêlô” (Fratres beatae Mariae virginis de Monte Carmelo). Đức Maria được tuyên dương dưới nhiều tước hiệu, như là: “Patrona, Regina”, virgo purissima, Mater, soror. Các tu sĩ cần phải coi việc bắt chước Đức Maria như một nghĩa vụ căn bản của đời tận hiến.

2/ Chiêm niệm. Mặc dầu chấp nhận thể chế “dòng hành khất”, nghĩa là tham gia sinh họat tông đồ, nhưng dựa theo ý định nguyên thủy, dòng Cát-minh đặt nặng chiều kích chiêm niệm (thậm chí nếp sống cô tịch) hơn là chiều kích tông đồ. Việc chiêm niệm hướng đến đời sống nội tâm, cảm nghiệm sự thân tình với Thiên Chúa, qua việc suy niệm Lời Chúa, cử hành phụng vụ. Trong khi các tu sĩ Đaminh dành thời gian ở phòng riêng để học hành, thì các tu sĩ Cát-minh dùng thời gian đó để chiêm niệm, và chỉ rời bỏ phòng riêng khi có việc cần thiết. Phòng riêng cũng là nơi mà tu sĩ Cát-minh sống chiều kích sa mạc nguyên thủy. Tinh thần sa mạc không những nói lên sự cô tịch thinh lặng cần thiết cho sự chiêm niệm, nhưng nó còn muốn nêu bật việc đi theo Chúa Giêsu vào sa mạc chiến đấu chống lại các lực lượng ma quỷ, và nhất là tinh thần từ bỏ siêu thóat để đi theo Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận hy sinh mạng sống để cứu chuộc nhân lọai.

Để đạt đến những lý tưởng vừa nói, luật nguyên thủy dòng Cát-minh đề nghị các phương thế cổ điển của đời đan tu: ăn chay kiêng thịt, khó nghèo, thực tập nhân đức, thinh lặng, vâng lời, vv.

III. Dòng thánh Âu-tinh

Lịch sử

Lúc sinh thời, thánh Âu-tinh đã thiết lập các cộng đoàn và đã viết bản luật cho họ. Tuy nhiên không ai biết số phận các cộng đoàn đó ra sao sau khi thánh nhân qua đời.

Vào thời Trung cổ, trong chương trình cải tổ hàng giáo sĩ, nhiều cộng đoàn “tăng sĩ” đã tuân giữ luật thánh Âu-tinh cùng với các quy chế riêng, tuy nhiên họ không nhận tên là “dòng thánh Âu-tinh”, điển hình là dòng Prémontrés (của thánh Norbertô). Ngoài ra, công đồng Lateranô IV (năm 1215) đã cấm lập thêm dòng mới; ai muốn lập cộng đoàn thì phải theo những luật đã được phê chuẩn. Vì thế dòng Đaminh chấp nhận luật thánh Âu-tinh nhưng không vì thế mà trở thành dòng Âu-tinh.

Dòng tu mang tên thánh Âu-tinh bắt nguồn từ những nhóm ẩn sĩ ở miền Trung Italia, được đức giáo hòang Alêxanđrô IV quy tụ thành một Dòng mang tên là Ordo Eremitarum sancti Augustini (Bulla Licet Ecclesiae Catholicae, ngày 9/4/1256). Dần dần, họ tham gia vào việc giảng thuyết tại các thánh đường và đại học, và trở thành dòng hành khất.

V. Các Dòng hành khất đợt hai

Như đã nói trên đây, ngoài bốn dòng được công đồng Lyon II (1274) nhận vào hạng hành khất, nhiều dòng lập vào thế kỷ XI-XII cũng được Toà thánh xếp chung vào loại này: Dòng Chúa Ba Ngôi (1609, tuy thành lập từ năm 1198), Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi (1690, lập từ năm 1213), Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (1418, lập từ năm 1256). Sau cùng còn thêm Dòng Minimi (1435), Gioan Thiên Chúa (1537).

Mục 2. Thần học đời tu

Các dòng hành khất đã làm thay đổi bộ mặt đời sống tu trì Kitô giáo về lý thuyết cũng như về thực hành. Xét về nếp sống, họ thiết lập các tu viện tại các trung tâm dân cư (chứ không phải nơi sa mạc), và coi việc mục vụ như mục tiêu cho đời sống tu trì. Xét về lý thuyết, các dòng hành khất ra đời vào lúc các đại học ra đời tại Âu châu: trong khung cảnh các phân khoa thần học, họ bắt đầu các suy tư về bản chất đời tu, mà ta thấy thành quả điển hình nơi thánh Tôma Aquinô.

I. Nếp sống dòng hành khất

Như đã nói trong phần dẫn nhập, từ “hành khất” không nói lên tất cả lý tưởng của các dòng ra đời vào thế kỷ XIII. Ngoài cách thức thực hiện khó nghèo, họ còn muốn nêu bật những giá trị khác nữa, đó là: họat động tông đồ và tình huynh đệ.

1/ Khó nghèo tập thể

Ngay từ lúc khai sinh đời sống đan tu, việc từ bỏ tài sản được coi như một yêu sách tiên quyết để đi theo Chúa, như ta đọc thấy trong cuộc đời thánh Antôn: “Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy bán tài sản của anh và đem cho người nghèo…, rồi đến đây theo Thầy” (Mt 19,21).Thế nhưng dần dần sự khó nghèo chỉ còn được thực hành trên bình diện cá nhân chứ không phải ở bình diện cộng đòan, nhất là với sự phát triển của các đan viện với những cơ sở rộng lớn và đồn điền mênh mông. Tài sản của các Dòng tu cũng kếch sù không thua kém tài sản của các giáo phận và các lãnh chúa.

Nằm trong luồng những phong trào canh tân Giáo hội, các dòng hành khất chủ trương thực hành sự khó nghèo cả trên bình diện cá nhân lẫn trên bình diện cộng đòan. Sự khó nghèo được nhìn dưới chiều kích tông đồ: nó biểu lộ sự siêu thoát để rao giảng Tin mừng, theo như chỉ thị của Chúa Giêsu khi phái các môn đệ đi truyền giáo (Mt 10,7; Mc 6,6-13). Cũng nên ghi nhận là lý tưởng khó nghèo được đánh giá khác nhau nơi thánh Phansinh và Đaminh. Thánh Phansinh coi sự khó nghèo như một lý tưởng tuyệt đối bởi vì nó họa lại cuộc đời của Đức Giêsu khó nghèo lúc sinh ra tại Belem, trong cuộc sống và khi chết trần trụi trên thập giá: nudus Christum nudum sequi[2]. Thánh Đaminh coi sự khó nghèo như một phương tiện chứng tá cho người rao giảng Tin mừng, nhằm nói lên sự phó thác nơi quyền năng của Lời Chúa chứ không phải nơi thế lực trần gian (xc. Summa Theologica, II-II, q.188, aa.4-5).

Dù quan điểm hơi khác nhau về ý nghĩa của sự khó nghèo, nhưng cả hai đều thực hiện khất thực. Nếp sống khất thực giả thiết nhiều điều: (a) chỉ khất thực cho đủ ăn mỗi ngày, chứ không để dành cho tương lai; nếu dư thừa thì phải chia sẻ cho người nghèo, và hôm sau bắt đầu ngày khất thực mới. (b) Đi xa hơn nữa, cộng đồng tu viện không sở hữu tiền bạc, lợi tức, bất động sản. Như vậy, tất cả cộng đòan buộc phải sống khó nghèo, với những bấp bênh của mỗi ngày.

Trải qua dòng thời gian, việc tuân giữ nếp sống khất thực thay đổi khá nhiều, như sẽ thấy trong mục 3. Công đồng Trentô (sessio 25, c.3) cho phép các Dòng hành khất được sở hữu tài sản.

2/ Hoạt động tông đồ

Các dòng hành khất ra đời để phục vụ các tín hữu bằng việc giảng dạy, huấn giáo. Trong bối cảnh lịch sử, hàng giáo sĩ (giám mục và linh mục) lơ là việc giảng Lời Chúa, đang khi nhiều phong trào giáo dân đòi hỏi cho mình quyền được giảng. Đáp lại lời mời của công đồng Lateranô IV (1215), thánh Đaminh lập dòng Giảng để hợp tác với hàng giám mục trong sứ vụ giảng Lời Chúa. Dòng Phansinh tuy vào lúc đầu chỉ gồm những giáo dân nhiệt thành rao giảng bình dân, nhưng cũng đã sớm đào tạo các giáo sĩ giảng ở các thánh đường và dạy ở các đại học[3]. Hai dòng Đaminh và Phansinh thiết lập tu viện (conventus) ở thành phố, gần với nhân dân, khác với các đan viện được cất lên ở miền đồi núi. Các dòng hành khất còn lôi cuốn nhiều giáo dân vào các phong trào tông đồ, đặc biệt dưới hình thức Dòng Ba.

3/ Tình huynh đệ

Những tu sĩ của các dòng này không phải là “đan sĩ” (monaci) nhưng là “anh em” (fratres)[4]: ngòai tình huynh đệ dựa theo tinh thần Phúc âm (Mt 23,8: “đừng gọi ai là cha, là thầy.. tất cả đều là anh em với nhau”), các dòng này muốn xóa bỏ những phân biệt giai cấp thịnh hành trong các đan viện thời đó, dựa theo dòng tộc và giai cấp. Ngòai ảnh hưởng của tinh thần Phúc âm, ta không nên bỏ qua tinh thần thời đại, khi các chức vụ cai quản tại các thành thị và đại học đều tiến hành theo lối bầu cử. Đó là chưa nói đến các quyết nghị quan trọng đều được đem ra bàn thảo công khai tại các hội nghị. Trong các dòng hành khất, các tu nghị (capitulum) giữ vai trò lãnh đạo tối cao, ở trên các bề trên.

Việc thay đổi não trạng cũng làm thay đổi các danh xưng trong hiến pháp. Các bề trên không còn được gọi là “abbas” (viện phụ: cha), mà chỉ là “prior” (người đứng đầu, anh trưởng), “minister” (kẻ phục vụ), “custos” (kẻ trông coi).

4/ Di động và cố định

Các đan sĩ dòng Biển đức khấn giữ “vĩnh cư” để tránh cảnh lang thang: ai đã nhập đan viện nào thì trụ trì tại đó suốt đời. Đặc tính này cũng được duy trì nơi các “tăng sĩ”. Nhưng các tu sĩ dòng hành khất thì chỉ khấn “bền đỗ” ở trong dòng, chứ không ở tại một tu việc nhất định, bởi vì họ phải di chuyển đây đó để rao giảng Lời Chúa. Tuy vậy, các dòng hành khất cũng duy trì nhiều yếu tố đã thành gia sản đời tu trì Kitô giáo, tựa như: việc cử hành phụng vụ cộng đòan, các kỷ luật khổ chế (ăn chay, kiêng thịt, thinh lặng). Mặc dù phải di động để đi giảng, mặc dù sống gần gũi với nhân dân, nhưng các tu sĩ vẫn giữ một khỏang cách với đời, qua cơ cấu của tu viện, nơi mà họ chăm chuyên cầu nguyện, học hành, tu luyện. Về điểm này, các dòng hành khất khác với các dòng “giáo sĩ kỷ luật” thành lập vào thế kỷ XVI (chương Tám).

Xét về tương quan với giáo quyền, các dòng hành khất được đặt dưới sự điều động của Toà thánh, không còn lệ thuộc vào giám mục địa phương nữa. Nói khác đi, các dòng hành khất được giáo luật xếp vào hạng “miễn trừ”.

II. Thần học về hàng ngũ trọn lành

Nếp sống của các tu sĩ hành khất gây ra nhiều điều chướng mắt, không nguyên chỉ vì họ là dấu phản chứng đi ngược thói tục phô trương xa xỉ trong Giáo hội và xã hội, nhưng còn làm đảo lộn quan niệm về đời tu: thay vì xa lánh đời, họ dấn thân vào đời. Vào lúc các đại học đang thành hình tại châu Au, các tu sĩ dòng hành khất cũng chen chân vào giảng dạy. Một cuộc tranh luận đã xảy ra tại đại học Paris, khởi đầu với Guillaume de Saint-Amour (năm 1256) và kéo dài tới năm 1269 (Gérard d=Abbeville): đâu là vị trí của các tu sĩ? vai trò của họ đã tu nhân tích đức trong các nhà dòng, hay là đi giảng dạy? Cuộc tranh luận này đã tạo cơ hội cho thánh Tôma Aquinô, tu sĩ dòng Đaminh, suy tư về bản chất đời tu (mục tiêu, phương tiện)[5]: đời tu trì được coi như là “hàng ngũ trọn lành” (status perfectionis)[6], bởi vì các phần tử tìm cách đạt đến “đức ái trọn hảo” (perfectae caritatis) qua việc tuân giữ ba lời khấn vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo. Đạo lý của ngài trở thành cổ điển và còn được trích dẫn trong các văn kiện của công đồng Vaticanô II.

1/ Cốt yếu của sự trọn lành là đức ái: mến Chúa và yêu người. Tất cả mọi người đều buộc phải nên trọn lành, bởi vì tất cả mọi người đều buộc phải thực hành đức bác ái (II-II, q.184,a.1). Nhận xét này phần nào muốn phản bác lại vài tu sĩ dòng Phan-sinh quá sùng thượng “bà chúa nghèo”. Thánh Tôma nhắc nhở rằng sự khó nghèo không phải là tiêu chuẩn để đo lường sự thánh thiện. Sự trọn lành căn cứ trên việc thực hành đức ái và đi theo Chúa Kitô; sự khó nghèo chỉ là một phương thế để bắt chước Chúa mà thôi (II-II, q.188,a.7).

2/ Các tu sĩ được gọi là thuộc về “hàng ngũ trọn lành” bởi vì họ đã chấp nhận tuân giữ những điều kiện mà Giáo hội đặt ra để đạt đến sự trọn lành, đó là khấn giữ ba lời khấn. Thánh Tôma là chứng nhân quan trọng của một khúc quặt trong lịch sử khấn dòng. Các đan sĩ Biển đức cam kết: vĩnh cư, cải hoán, vâng phục (stabilitas, conversatio morum, oboedientia); các “tăng sĩ” cam kết ba điều: vĩnh cư, cộng đoàn, vâng phục (stabilitas, communitas, oboedientia). Công thức tuyên khấn trong Dòng Đaminh (mà thánh Tôma đã đọc) chỉ nói đến vâng lời mà thôi, khác với dòng Phan-sinh khấn ba điều: vâng lời, không tư sản, khiết tịnh (regula II: oboedientia, sine proprio, castitas). Từ năm 1253, Toà thánh nhìn nhận ba lời khấn “vâng lời, khước từ tư sản, khiết tịnh” như là cốt yếu cho các tu sĩ (tuyên cáo của đức Innocentê III cho dòng Clara).

a) Theo thánh Tôma, cốt yếu của sự trọn lành hảo ở chỗ tuân giữ đức ái. Ba lời khấn là những phương tiện nhằm giúp đạt được đức ái, bởi vì chúng cất đi những gì ngăn cản chúng ta yêu mến Chúa hết trọn tâm tình.

b) Cần phải phân biệt giữa “hàng ngũ trọn lành” và “sự trọn lành”, bởi vì hai điểm không nhất thiết trùng hợp với nhau (q.184,a.4). “Hàng ngũ trọn lành” ám chỉ một thể thức sống theo giáo luật, còn sự “trọn lành” là một tình trạng nội tâm. Sự trọn lành thánh thiện cốt ở yêu mến Chúa, và có nhiều người thánh thiện tuy rằng không thuộc về hàng ngũ trọn lành! Đối lại, không phải tất cả những người ở trong “hàng ngũ trọn lành” thì đương nhiên là thánh thiện! Đúng ra, khi gia nhập “hàng ngũ trọn lành” qua việc tuyên giữ ba lời khấn thì tu sĩ muốn đạt đến đức ái trọn hảo (q.186 a.2); nhưng đó mới chỉ là ý định chứ chưa chắc là thành hiện thực.

c) Khi nói đến sự đức ái trọn hảo, thì tiên vàn cần phải hiểu về việc mến Chúa, kết hiệp với Chúa. Đức ái là một nhân đức đối thần (virtus theologalis, hướng Chúa), do chính Chúa ban cho chúng ta. Nhờ đức ái, chúng ta có thể mến Chúa cách siêu nhiên, và chia sẻ vào mối tình của Chúa, nghĩa là yêu thương tất cả những gì mà Chúa yêu thương. Đức ái liên kết chúng ta với Thiên Chúa và trở thành động lực cho chúng ta yêu thương tha nhân. Vì thế mục tiêu của đời tu trì là hiến thân phụng sự Chúa. Tuy nhiên khi có nhu cầu đòi hỏi, tu sĩ cũng đi phụng sự tha nhân vì lòng mến Chúa.

d) Tuy tất cả các tu sĩ đều theo đuổi cùng một mục tiêu là đức ái trọn hảo, nhưng họ sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, nghĩa là thiên về một vài hoạt động chuyên biệt:

– có những dòng hoàn toàn chú tâm vào việc cầu nguyện (chiêm niệm, yêu mến Chúa);

– có những dòng phục vụ nhu cầu tinh thần (giảng dạy, thánh hoá) hoặc các nhu cầu vật chất của tha nhân (chăm sóc bệnh nhân).

Xét cách khách thể, việc chiêm niệm thì cao trọng hơn việc từ thiện, bởi vì mến Chúa thì trọng hơn yêu người. Một cách tương tự như vậy, phục vụ các nhu cầu tinh thần của tha nhân thì cao hơn là các nhu cầu vật chất.

Tuy nhiên, nhân đức cao thấp hệ tại động lực nội tâm chứ không phải tại giá trị của công tác (đành rằng việc dâng Thánh lễ thì quý trọng hơn săn sóc bệnh nhân; nhưng cô ý tá tận tâm với công tác của mình thì nhiều đức độ hơn là một linh mục cử hành bí tích cách lơ đãng).

e) Dù nói thế nào đi nữa, đức ái mang tính cách năng động. Không ai dám tự hào là đã đạt được đức ái trọn hảo, bởi vì không ai có thể mến Chúa như Chúa đáng mến: đức ái cần phải tăng trưởng mãi, không bao giờ chấm dứt.

Mục 3. Những bước thăng trầm

Chúng tôi không muốn tuyên dương công trạng hoặc tố cáo những lầm lỗi của các dòng hành khất ở đây, nhưng chỉ theo dõi những yếu tố đưa đến những thay đổi quan trọng về thể chế của những dòng đó, tóm vào hai điểm chính: 1/ Các Dòng Ba; 2/ Các cuộc cải tổ và chia rẽ.

I. Dòng Ba

Với sự ra đời của các dòng hành khất, ngôn ngữ giáo luật được nên phong phú không những vì các cơ cấu nội bộ trong Dòng (magister, minister, diffinitor, capitulum, conventus, vv) mà còn vì cơ cấu bên ngoài, đặc biệt là: Dòng nhất, Dòng nhì, Dòng ba. Đại khái, Dòng nhất gồm các nam tu sĩ, Dòng nhì gồm các nữ tu sĩ (nhà kín), Dòng ba ám chỉ những giáo dân nam nữ sống ngoài đời. Dĩ nhiên, sự tiến triển ba ngành không có tính cách đồng loạt. Chúng tôi sẽ bàn về Dòng nhì trong chương tới, vì thế ở đây chỉ nói sơ qua về các Dòng Ba.

A. Từ ngữ

Trong tiếng Việt, “Dòng Ba” dịch từ latinh Tertius ordo. Ý nghĩa của danh xưng này biến đổi theo thời đại. Hồi đầu thời Trung đại, tertius ordo ám chỉ các giáo dân, hàng ngũ thứ ba (ordo laicorum) trong Hội thánh, đứng sau hàng ngũ các giáo sĩ (ordo clericorum) và hàng ngũ các tu sĩ (ordo monachorum).

Vào cuối thế kỷ thứ XIII, hạn từ tertius ordo được dòng Phan-sinh sử dụng để nói đến ba ngành của những người cùng chia sẻ một lý tưởng: dòng anh em Hèn mọn, dòng thánh nữ Clara, dòng các giáo dân (với ba bản luật khác nhau). Dần dần tục này cũng được sử dụng nơi các dòng khác, tuy muộn hơn (thí dụ dòng Đa-minh từ thế kỷ XV, dòng Cát-minh mãi sau năm 1450).

B. Lịch sử

Trước đây, truyền thống cho rằng thánh Phan-sinh và thánh Đa-minh đã thành lập cả dòng nhất, dòng nhì và dòng ba. Thế nhưng vào hậu bán thế kỷ XX, những cuộc truy tầm sử liệu đã đặt lại tòan bộ vấn đề, do hai dữ kiện: một đàng, hiện tượng các giáo dân muốn chia sẻ nếp sống tu trì đã hiện hữu từ các dòng đan tu, dưới hình thức oblati; đàng khác, mãi đến hơn 50 năm sau khi thánh Phan-sinh qua đời thì luật Dòng Ba Phan-sinh mới được Tòa thánh châu phê (1289); một cách tương tự như vậy, mãi đến năm 1285, luật Dòng ba Đa-minh mới được tổng quyền Munio Zamora ban hành. Nói cách khác, hiện tượng “dòng ba” vừa có trước vừa có sau hai thánh Phan-sinh và Đa-minh, chứ không hẳn là đương thời.

Ngày nay, theo ý kiến đa số các học giả, lịch sử các Dòng ba có thể phác họa như sau. Trước đây, đã có các giáo dân được kết nạp với các đan viện Biển-đức, dưới hình thức oblati: họ ước ao được tham gia vào việc cầu nguyện và tinh thần khổ hạnh của các đan sĩ, để cùng được chia sẻ những phúc lộc tinh thần. Bước sang thế kỷ XII-XIII, trong Giáo hội nảy sinh nhiều phong trào giáo dân mang danh là “hối nhân” (ordo paenitentium hay ordo de paenitentia): họ sống đời nhiệm nhặt khắc khổ, cũng như dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện. Các nhóm này ra đời trong luồng canh tân Giáo hội vào thời đó. Tiếc rằng một số đã ly khai khỏi Giáo hội, trở thành nhóm ly giáo hay lạc giáo; nhưng đa số vẫn liên kết với Giáo hội. Khi các dòng Đa-minh và Phan-sinh ra đời, họ đến xin các tu sĩ này hướng dẫn. Từ đó ta thấy nảy ra các đòan hối nhân “Đen” và “Xám”, dựa theo màu áo chòang của hai dòng đó. Các bản luật được sọan ra cho họ: “luật thứ ba của dòng Phan-sinh” được giáo hòang Nicolas IV châu phê năm 1289; còn luật dòng Đa-minh thì phải chờ đến hơn một thế kỷ sau (1405) mới được phê chuẩn. Về sau, Tòa thánh cũng châu phê luật dòng ba của các dòng hành khất khác: Dòng Âu-tinh (1399 ngành nữ và 1470 ngành nam), Dòng Tôi tớ Đức Mẹ (1424), Dòng Cát-minh (1476).

Nói chung, vì bắt nguồn từ phong trào các hối nhân, cho nên các hội viên sống khắc khổ nhiệm nhặt. Chẳng hạn như theo luật dòng các hối nhân Đaminh (Regula Fratrum et Sororum Ordinis de Penitentia Beati Dominici), các hội viên phải ăn chay vào các ngày thứ 6 quanh năm cũng như trong suốt mùa Chay và mùa Vọng. Họ buộc phải kiêng thịt thường xuyên, chỉ trừ các ngày chúa nhựt, thứ ba và thứ năm. Các hội viên không được tham dự các buổi lễ hội giải trí công cộng. Về kinh nguyện, các hội viên đọc một số kinh Lạy Cha, được phân phối theo các giờ kinh phụng vụ. Vào một số ngày, họ phải thức dậy ban đêm để đọc kinh. Hàng tháng, các hội viên tụ họp tại các nhà thờ dòng để dự thánh lễ và nghe giảng, giải thích luật.

Các hội viên cũng phải trải qua một thời kỳ tập luyện trước khi khấn. Họ mặc y phục Dòng Ba không những chỉ khi đi nhà thờ mà cả trong đời sống hàng ngày.

Ngay từ đầu, hàng ngũ Dòng Ba đã có nhiều vị thánh: vua Louis IX (1214-1270), hòang hậu Elizabeth Hungari (1207-1231), Elizabeth Portugal (1270-1336) thuộc dòng Phan-sinh. Về phía dòng Đa-minh, nổi tiếng nhất là Catarina Siena (1347-1380).

Cũng nên biết là lúc đầu tuy các hội viên dòng ba dành cho các giáo dân sống ngòai đời[7], nhưng không phải tất cả đều có gia đình. Có những người độc thân xin gia nhập Dòng Ba; và lời khấn Dòng Ba bao gồm nghĩa vụ khiết tịnh suốt đời, chẳng hạn như trường hợp thánh Catarina Siena. Tiến thêm một bước nữa, nhiều phụ nữ độc thân tụ họp sống chung với nhau: đó là nguồn gốc của các dòng nữ tu Đa-minh, Phan-sinh của thời cận đại[8]. Giáo luật phân biệt hai hạng Dòng Ba: “đời” (Tertiarii saeculares) và “tu trì” (Tertiarii regulares).

Bộ giáo luật 1917 (điều 702-706) nhìn nhận các Dòng Ba sau đây: Phan-sinh, Đa-minh, Âu-tinh, Cát-minh, Tôi tớ Đức Mẹ, Chúa Ba ngôi, Prémontré, Minimi, Cứu chuộc. Các oblati của dòng Biển đức cũng được xếp vào Dòng Ba (từ năm 1898).

Bộ giáo luật 1983 cho phép tất cả mọi Dòng tu và Tu hội đời được kết nạp các giáo dân tham gia sinh hoạt của mình (xc. điều 303; 311; 672 ‘2). Ý nghĩa của sự hợp tác giữa các dòng tu và giáo dân trong lãnh vực tâm linh và tông đồ được tông huấn Đời sống thánh hiến giải thích ở các số 54-56.

 II. Cải tổ và chia rẽ

Như vậy, các dòng hành khất mở rộng kích thước nhờ việc kết nạp với các nữ tu (Dòng nhì) và giáo dân (Dòng ba). Tuy nhiên lịch sử cũng cho thấy một chuyển động ngược chiều, đó là nội bộ của dòng bị chia rẽ ra nhiều nhánh, và rồi trở thành dòng biệt lập. Có hai nguyên nhân chính đưa đến sự phân rẽ: một nguyên nhân thời cuộc và một nguyên nhân tinh thần.

A. Nguyên nhân sa sút

1/ Nguyên nhân thời cuộc bắt nguồn bởi sự phân chia ngai giáo hoàng làm hai tòa: Rôma và Avignon (1378-1417). Mỗi giáo hoàng tổ chức giáo triều riêng, và muốn lôi kéo các dòng về phe mình: do đó các dòng cũng có hai bề trên tổng quyền. Hiện tượng này chấm dứt khi Giáo hội lấy lại hợp nhất.

2/ Nguyên nhân tinh thần bắt nguồn từ nhu cầu cải tổ nội bộ đối phó với tình trạng sa sút. Dòng nào khi mới thành lập thì cũng hăng say nhiệt thành với lý tưởng nên thánh; nhưng ngọn lửa ấy rất dễ nguội. Đôi khi hiện tượng này xảy ra không chỉ riêng cho một dòng mà cho toàn thể Giáo hội. Trong tình trạng đó, nhu cầu cải tổ được gợi lên cho các dòng tu cũng như cho Giáo hội. Sự ra đời của các dòng hành khất cũng gắn với bối cảnh những phong trào cải cách bộc phát từ thế kỷ XII.

Trong thế kỷ XIV, các dòng hành khất gặp nhiều cuộc khủng hoảng, vì nhiều nguyên do đôi khi ngoài ý muốn:

– Cơn dịch đen (1348-1349) đã cướp đi nhiều sinh mạng tại châu Au, và không tha các nhà dòng. Sự giảm sút sĩ số lôi kéo theo sự buông lỏng về kỷ luật.

– Việc phân hoá hai toà giáo hoàng vừa nói trên đây cũng đem lại hậu quả tiêu cực cho đời sống tu trì. Nhằm lôi cuốn các tu sĩ về phe mình, mỗi toà giáo hoàng không ngần ngại ban cấp đặc ân, miễn chuẩn kỷ luật.

B. Cải tổ

Cuộc cải tổ được gợi lên từ bên trong nội bộ các dòng hoặc từ bên ngoài. Vào hồi thế kỷ XIV-XV, cuộc cải tổ được hiểu như là trở về với nếp sống kỷ luật nhiệm nhặt (khổ hạnh, khó nghèo). Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý như vậy. Vì thế nảy ra sự phân hoá trong Dòng với hai phe: một phe “cải tổ” (quen gọi là: “giữ luật nghiêm ngặt”, stricta observantia; hoặc: “không đi giày”, discalceati); và phe “không cải tổ” (được gọi là “giữ luật như thường” communis observantia, hoặc “cộng đoàn”, conventualis). Liệu có thể dung hoà hai phe được không? Câu trả lời tùy theo chính sách của mỗi dòng.

1/ Dòng Đa-minh. Nhờ sự hướng dẫn khéo léo của bề trên Raymondo Capua, những tu sĩ muốn giữ luật nghiêm ngặt thì được phép lập tu viện riêng (bắt đầu là Colmar bên Đức, năm 1390, rồi Venezia năm 1391); kế đó, các tu viện cải tổ được quy tụ thành Chi dòng (Congregatio) cải tổ, trực thuộc bề trên cả (Chi dòng Lombardia năm 1459, Chi dòng Hà Lan năm 1464, Chi dòng Tây ban nha năm 1474). Với thời gian, công cuộc cải tổ như “vết dầu loan” sẽ tràn ra toàn Dòng.

Nên biết là đối với Dòng Đaminh, việc cải cách đòi hỏi không những việc tuân giữ kỷ luật nghiêm ngặt, và bao hàm cả việc học hành nghiêm túc nữa.

2/ Dòng Phan-sinh.

Những mầm mống phân hoá đã âm ỉ trong Dòng từ lâu rồi, lúc thánh Phanxicô còn sống, điển hình qua những các phiên bản của bản luật: chỉ cần một bản luật duy nhất là Phúc âm, hay cần phải thêm những bản luật khác? Cần phải sống theo Thánh Thần hướng dẫn, hay cần phải đặt ra các cơ chế quản trị nữa?

Vị kế nhiệm thánh Phansinh, thầy Elia da Cortona (1232-1239) du nhập việc học vào dòng và cho xây cất những tu viện lớn. Lập tức một nhóm bảo thủ (zelantes) đã phản đối, đòi giữ nguyên luật của vị tổ phụ.

Một cuộc phân ly bùng nổ vào năm 1283 giữa nhóm “tinh thần” (spirituales) và nhóm “cộng đoàn” (conventuales); nhóm “tinh thần” chủ trương phải giữ nguyên di chúc của vị lập dòng, kể cả Tòa thánh cũng không được phép thay đổi[9].

Một đợt ly khai nữa xảy ra vào thế kỷ XIV (kéo dài đến thế kỷ XVI) giữa nhóm “cải cách” hoặc “ngặt” (stricta observantia; discalceati, recollecti) và nhóm “rộng” (communis observantia, conventualis). Năm 1517, đức thánh cha Lêô X (bulla Ite et vos ngày 29/5) đã chính thức nhìn nhận hai ngành biệt lập của Dòng Phan sinh (Observantes / Conventuales), với hai bề trên tổng quyền, mở màn cho những đợt ly khai kế tiếp: năm 1528 Tòa thánh chấp thuận cho ngành Cappuccini (do Matteo da Bascio và Luigi da Fossombrone lãnh đạo), được tách ra khỏi nhóm Observantes (đức Clementê VII, bulla Religionis zelus, ngày 3/7/1528). Từ ngành Observantes sẽ còn nhiều cuộc ly khai nữa: Riformati (1532), Discalceati (1555), Recolletti (1570/79), kéo theo những cuộc ly khai tương tự nơi ngành nữ (Damianite, Urbaniste, Cappuccine, vv).

Sau nhiều bước thăng trầm lịch sử, năm 1897 Đức Lêô XIII gom tất cả các ngành cải tổ vào một gia đình “Minores simpliciter dicti”, bên cạnh hai ngành “Minores conventuales” và “Minores cappuccini”.

3/ Dòng Cát-minh

Từ thế kỷ XV, một chiều hướng cải cách lan rộng, bắt đầu từ những chi dòng bên Ý (Mantova) và Pháp (Albi). Phong trào cải tổ mạnh hơn cả do thánh Têrêsa Avila (1515-1582) khởi xướng với sự hỗ trợ của thánh Gioan thánh giá (1542-1591). Ngành cải tổ được gọi là “kỷ luật nguyên thủy” (primitiva observantia) hoặc “không đi giày” (discalceati, nghĩa là đi dép): lúc đầu được chấp nhận như một tỉnh dòng (1580) và sau đó như một chi dòng biệt lập (năm 1593).

4/ Dòng Âu-tinh

Vào thế kỷ XVI, có hai trào lưu cải cách trong Dòng:

  1. a) một ngành nhiệm nhặt bên Tây-ban-nha (mang tên là Recolectos, đề cao chiều kích ẩn dật của thuở ban đầu). Lúc đầu họ được phép sống trong thành những tu viện biệt lập thuộc về tỉnh dòng Castilla; kế đó (năm 1602) họ được phép họp thành một tỉnh dòng (provincia), rồi chi dòng (congregatio), tuy vẫn duy trì sự hợp nhất. Năm 1912, đức Piô X chấp thuận cho họ trở thành một dòng biệt lập: Ordo Augustinianorum Recollectorum.
  2. b) một ngành cải tổ ở Napoli mang tên là “không đi giày” được thành hình từ năm 1593 và được Toà thánh châu phê năm 1599 dưới dạng một chi dòng (congregatio). Đến năm 1931, họ trở thành một dòng biệt lập, với tổng quyền riêng: Ordo Augustiniensium Discalceatorum.

5/ Dòng Cứu chuộc cũng bị phân tán kể từ năm 1621, với sự thành hình của Dòng những tu sĩ không đi giày (Discalceati).

Đó là lý do giải thích vì sao trong niên giám Toà thánh hiện nay, chúng ta thấy bốn bề trên tổng quyền Dòng Phan-sinh (Ordo Fratrum Minorum: OFM / Ordo Fratrum Minorum Conventualium: OFM Conv. / Ordo Fratrum Minorum Capuccinorum: OFM Cap. / Tertius Ordo Regularis S. Francisci: TOR); ba bề trên tổng quyền dòng Âu-tinh (Ordo Fratrum S. Augustini: OSA / Ordo Augustinianorum Recollectorum: OAR / Ordo Augustiniensium Discalceatorum: OAD); hai bề trên tổng quyền Cát-minh (Ordo Fratrum B. Mariae V. de Monte Carmelo: OC hay OCarm. / Ordo Fratrum Discalceatorum B. Mariae V. de Monte Carmelo: OCD); hai bề trên tổng quyền dòng Cứu chuộc (Ordo B. Mariae Virginis de Mercede: O. de M. / Ordo PP. Excalceatorum B.M.V. de Mercede: MD).

————————————-

[1] Công đồng Lateranô III (năm 1179) kết án các nhóm Humiliati… Công nghị Verona (1184) ra vạ tuyệt thông cho nhóm Cathari, Arnaldi, Vaudois.

[2] Công thức này bắt nguồn từ thánh Hiêronimô, nhưng được truyền bá vào cuối thế kỷ XI (khỏang 1080). J. Chatillon, Nudum Christum nudus sequere. Note sur les origines et la signification du thème de la nudité spirituelle dans les ecrits de saint Bonaventure, in: Le mouvement canonical au Moyen Age. Réforme de l=Eglise. Spiritualité et culture. Bibliotheca Victorina 2, Paris 1992, pp.201-254.

[3] Lúc đầu, các anh em giáo sĩ và không giáo sĩ đều được đối xử ngang nhau. Vị tổng quyền thứ nhất là thầy Elias (1230-1239) không thuộc hàng giáo sĩ. Kế đến (1240-44) là một linh mục làm tổng quyền: Aimon Favershal. Từ thánh Bonaventura trở đi, khuynh hướng giáo sĩ thắng thế.

[4] Lưu ý về việc dịch thuật. Frater / fratres được dịch sang tiếng Pháp là frères; nhưng sang tiếng Anh thì được phân biệt giữa friars cho các dòng Hành khất và brothers cho các hội dòng cận đại (Tu huynh). Sự phân biệt này cũng gặp thấy trong tiếng Tây-ban-nha (frailes – hermanos) và Ý (frati – fratelli).

[5] Contra impugnantes Dei cultum et religionem (1257), De perfectione vitae spiritualis (1269), Contra doctrinam retrahentium ab ingressu religionis (1271). Tóm lại trong Summa Theologiae II-II, qq.179-189.

[6] Nên lưu ý về việc dịch thuật. Từ perfectio (danh từ, và perfectus tính từ) có thể dịch bằng nhiều từ tương đương: hoàn hảo, hoàn thiện, trọn hảo, trọn lành, vv.

[7] Ngoài các Dòng Ba, các tu sĩ Đaminh và Phan-sinh còn hướng dẫn nhiều phong trào đạo đức giáo dân, như chúng tôi đã trình bày ở tập II (trang 228-229).

[8] Hiện tượng tương tự cũng xảy ra về phía nam giới, tuy ít hơn. Điển hình là một nhóm hội viên Dòng Ba Phan-sinh đã chọn lựa sống thành cộng đòan ẩn sĩ. Năm 1447, đức thánh cha Nicola V quy tụ tất cả các cộng đòan tại Italia thành một Dòng.

[9] Nhóm Spirituales với Angelo Clareno (+1337), Pier Giovanni Olivi (+1298), Ubertino da Casale (+1332) chủ trương phải tuân hành nguyên văn (sine glossa) Bản luật của thánh Phanxicô bởi vì được viết do miệng Chúa dạy. Nhóm này đã bị đức thánh cha Gioan XXII lên án tuyệt thông năm 1317-18.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here