LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG NĂM

0
1127

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

———————

Phần II. THỜI TRUNG CỔ

Khi bàn về lịch sử các đường hướng linh đạo Kitô giáo (Đời sống tâm linh, tập II, trang 151-153) chúng tôi đã lưu ý về những tiêu chuẩn phân biệt các giai đoạn “cổ đại – trung đại – cận đại”, dựa theo sự hưng thịnh của văn minh Hy-lạp La-mã cũng như dựa trên mối tương quan giữa Giáo quyền và Thế quyền tại châu Au.

Dù sao sự phân ranh giữa thời giáo phụ với thời Trung cổ không quan trọng lắm trong việc tìm hiểu sự tiến triển các hình thức tu trì. Trong chương vừa rồi, khi bàn về hình thức đan tu, chúng ta đã theo dõi sự tiến triển vào thời Trung đại và kể cả trong bộ giáo luật hiện hành. Do đó khi nói đến thời Trung cổ, chúng tôi chỉ muốn bàn đến những hình thức tu trì ra đời trong khoảng các thế kỷ IX-XV tại châu Au, với các tăng sĩ (chương Năm), các khất sĩ (chương Sáu), và dành riêng một chương cho các nữ đan sĩ (chương Bảy). Như sẽ giải thích sau, hai từ “tăng sĩ” và “khất sĩ” lấy từ ngôn ngữ Phật giáo để dịch hai từ ngữ latinh “canonici” và “mendicantes” tuy nội dung không trùng hợp hoàn toàn.

Chương Năm

CÁC TĂNG SĨ

———————

Dẫn nhập

Trong tiếng Việt, hễ ai đã “bỏ đời” đều được coi là “đi tu” (trở thành “tu sĩ”). Tuy nhiên, bên Phật giáo tất cả các nhà tu hành đều là “tu sĩ”, còn bên Kitô giáo, cạnh các “tu sĩ” còn có các “giáo sĩ” nữa. Dĩ nhiên sự phân biệt này chỉ áp dụng cho nam giới mà thôi.

Tại sao có sự phân biệt giữa “tu sĩ” và “giáo sĩ” ? Quan niệm bình dân cho rằng một đàng là “tu làm thầy” và một đàng là “tu làm cha”, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Không ít tu sĩ cũng là giáo sĩ (quen gọi là “Cha Dòng”, phân biệt với “Cha Triều”). Từ đó nảy ra câu hỏi : có gì khác biệt giữa cha dòng với cha triều không, cách riêng khi các cha dòng cũng khi coi xứ chứ không chỉ ở trong nhà dòng ? Phải chăng như vậy là tu sĩ trở thành giáo sĩ ? Có thể xảy ra trường hợp ngược lại, nghĩa là giáo sĩ trở thành tu sĩ không ?

Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên lưu ý về từ ngữ. Ngay từ đầu tập này, chúng tôi đã nói rằng các từ ngữ thông dụng ở Việt Nam không tương ứng hoàn toàn với những từ chính thức trong tiếng latinh. Từ “tu trì” có lẽ chỉ thích hợp với chế độ “asceta” (những nhà khổ hạnh) được bàn ở chương Một. Khi đời sống đan tu xuất hiện, những phần tử đầu tiên quen gọi là “ẩn sĩ” (eremita) rồi đến “đan sĩ” (monacus). Điều trớ trêu là thánh Basiliô và thánh Augustinô không sử dụng những từ đó trong bản luật của mình, bởi vì các phần tử chỉ gọi nhau là “anh em” (fratres).

Công đồng Calxêđônia (năm 451) đã xác định hai hàng ngũ trong Giáo hội với hai từ ngữ : clerici (các giáo sĩ), và monaci (các đan sĩ), tuy nhiên sự phân biệt này không được rõ rệt trên thực tế, bởi vì các cộng đoàn giáo sĩ bên cạnh toà giám mục được gọi là monasterium clericorum (đan viện giáo sĩ), chẳng hạn như cộng đoàn của thánh Augustinô. Trải qua lịch sử, sự trà trộn giữa hai hàng ngũ xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau :

1/ Có những cộng đoàn đan tu (tựa như dòng Biển đức) vào lúc đầu là giáo dân, nhưng dần dần đa số các phần tử thụ phong linh mục, đến nỗi danh từ “đan sĩ” (monacus) được dành cho các giáo sĩ ; những đan sĩ không có chức thánh được gọi là “conversi“, lo việc lao động chân tay.

2/ Có những cộng đoàn giáo sĩ vào lúc đầu chỉ sống chung để cầu nguyện và học hành chung với nhau, nhưng dần dần họ tuyên giữ một bản luật và trở thành các “giáo sĩ tu trì”. Vào thế kỷ IX-XI, hiện tượng này được gọi là “canonici regulares“. Nếu phân tích nguyên ngữ thì cả hai từ đều mang một nghĩa như nhau : canonicus là tính từ bởi canon gốc Hy-lạp có nghĩa là “quy chuẩn” ; regularis cũng là tính từ tiếng La-tinh bởi danh từ regula cũng có nghĩa là “quy luật”. Thực ra, kể từ thế kỷ VI, canonicus ám chỉ một giáo sĩ tuân giữ một số luật lệ (canones) của Giáo hội quy định việc đọc kinh Nhật tụng, phục vụ thánh đường, tuân phục giám mục. Sang thế kỷ VIII, vào thời cải tổ của hoàng đế Charlemagne, các giáo sĩ này còn buộc phải tuân giữ một số quy tắc khác nữa như sẽ nói dưới đây ; từ đó có hiện tượng “canonici regulares” (Thường được dịch ra tiếng Việt là “kinh sĩ Dòng” ; tuy nhiên dịch “canonici” là kinh sĩ thì vừa có nguy cơ là coi việc chính của họ là “đọc kinh”, vừa gây lẫn lộn với trào lưu triết học “kinh viện” scholastica).

Trong chương này chúng tôi xin dịch là “tăng sĩ” vì hai lý do :

– a/ giản lược ngôn ngữ, khỏi dùng đến bốn từ (“giáo sĩ tu trì”) ;

– b/ đối thoại tôn giáo. Tăng sĩ là một thể chế của Phật giáo. “Tăng” là giản lược từ tăng già, phiên âm từ tiếng Phạn Sangha, dịch nghĩa là : “hoà hợp với mọi người”, áp dụng cho một tập thể, gồm nhiều người tụ họp với nhau. Ý tưởng này phù hợp với thể chế “canonici regulares” ở chỗ là cổ võ nếp sống chung trong hàng giáo sĩ, sống “một lòng một ý” giống như các Kitô hữu tiên khởi được thánh Augustinô đặt làm phương châm cho bản luật của ngài.

3/ Muộn hơn nữa, vào thế kỷ XIII, một số dòng tu được thành lập để thi hành tác vụ linh mục (giảng dạy, ban bí tích), chẳng hạn như Dòng Đaminh, và phần lớn các Dòng hành khất : thành phần chính yếu là các giáo sĩ.

4/ Vào thời cận đại (thế kỷ XVI) nảy ra một phong trào cải tổ hàng giáo sĩ, bằng việc cổ võ một nếp sống kỷ luật, mang danh là các “giáo sĩ kỷ luật” (clerici regulares) như sẽ trình bày trong chương Tám.

5/ Sang các thế kỷ kế tiếp (từ thế kỷ XVII-XVIII cho tới nay), một số “Dòng tu giáo sĩ” (Congregationes clericales) được thành lập, trong đó các phần tử chuyên lo các công tác mục vụ giống như hàng giáo sĩ : giảng dạy, cử hành bí tích, truyền giáo, mục vụ giáo xứ.

Trong chương này chúng tôi chỉ nghiên cứu hiện tượng “giáo sĩ tu trì”, gồm hai mục : mục thứ nhất bàn về lịch sử ; mục thứ hai bàn về mối liên hệ giữa giáo sĩ và đời tu trì.

Mục 1. Lịch sử các giáo sĩ tu trì

Như đã thấy trong chương trước, vào thời đầu của đời đan tu, mỗi đan viện đều có một bản luật riêng. Sang thế kỷ IX, tiếp theo các cuộc cải tổ do hoàng đế Charlemagne xướng xuất, các đan viện đều buộc tuân giữ luật thánh Biển-đức.

Một điều tương tự cũng xảy ra cho các cộng đoàn giáo sĩ. Từ thế kỷ IV, người ta đã nhận thấy những giáo sĩ họp thành cộng đoàn bên cạnh toà giám mục. Nhiều bản luật đã được viết ra và chỉ có giá trị cho cộng đoàn địa phương, chẳng hạn như bản luật của thánh Au-tinh cho cộng đoàn tại Hippo. Trong tiến trình cải tổ Giáo hội, hoàng đế Charlemagne cũng muốn cho các giáo sĩ tuân giữ một bản luật chung. Tuy nhiên, công cuộc cải tổ này không mang lại kết quả mong muốn, hay nói đúng hơn, phải mất nhiều thời gian và trải qua nhiều giai đoạn kéo dài hàng thế kỷ.

I. Luật thánh Chrodegang

Công nghị Aachen (Aix-la-Chapelle) năm 816 đã quyết định áp dụng bản luật thánh Chrodegang cho các giáo sĩ.

Thực ra, trước đó nửa thế kỷ (vào khoảng năm 750) thánh Chrodegang đã khởi sự cuộc cải tổ hàng giáo sĩ trong giáo phận Metz. Một bản luật[1] được soạn ra nhằm mục tiêu đó, với vài điểm căn bản như sau :

– Các giáo sĩ giữ đời sống chung giống như các đan sĩ, chung bàn ăn và chung phòng ngủ. Họ phải sống trong nội vi, ngăn cách với người đời. Tuy nhiên, họ được phép ra khỏi nội vi vì lý do mục vụ.

– Các giáo sĩ buộc tham dự buổi đọc kinh chung, và hội thú lỗi.

– Các giáo sĩ phải giữ đức vâng lời và khiết tịnh. Về sự khó nghèo, họ buộc khước từ quyền sở hữu trên bất động sản (nhưng vẫn giữ quyền thâu hoa lợi), và tiến đến chỗ khước từ cả quyền sở hữu các động sản.

II. Các cuộc cải tổ vào thế kỷ XI

Trong khuôn khổ cải cách Giáo hội dưới thời đức Grêgôriô VII (1073-1085), nhiều giáo hoàng và công đồng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giúp các giáo sĩ sống tinh thần Phúc âm. Dựa theo quan điểm đương thời, điều này có nghĩa là các giáo sĩ phải tuân giữ một kỷ luật sống theo một bản luật.

– Giáo hoàng Nicola II (1056-1061), tại công nghị Lateranô năm 1059, buộc các giáo sĩ phải giữ đời sống chung (ăn chung và ở chung), và khai trừ tư sản. Biện pháp này đưa đến sự phân chia hai hạng canonici : “Aregulares” (những ai chấp nhận đời sống chung theo luật dòng) và “saeculares” (những ai không muốn khước từ tư sản).

– Giáo hoàng Urbanô II (1088-1099) phân biệt hai nếp sống “tu trì” (đan sĩ) và “giáo sĩ” trên nguyên tắc, nhưng lại liên kết trên thực hành. Đành rằng mục tiêu chính của hàng giáo sĩ là phục vụ Giáo hội ; tuy vậy, họ buộc phải tuân giữ kỷ luật tu trì (tựu trung là : sống chung, thanh bần, khiết tịnh).

– Công đồng Lateranô II (1139) tiến thêm bước nữa khi bắt buộc các giáo sĩ phải tuân giữ luật thánh Âu-tinh, theo phiên bản đã được nhìn nhận (Regula canonica sancti Augustini), cùng với việc sống chung, và tuyên khấn vâng phục, khiết tịnh, không giữ tư sản. Các canonici họp thành một Ordo.

III. Những thành quả

Không phải tất cả các giáo sĩ đều chấp nhận những quyết nghị kể trên. Đã từ lâu, các giáo sĩ không còn giữ đời sống chung bên cạnh toà giám mục nữa, bởi vì họ được phân tán đến các giáo xứ. Vì thế các canonici hầu như chỉ chiếm một số nhỏ trong hàng giáo sĩ giáo phận, và cho dù sống với nhau cạnh nhà thờ chánh toà đi nữa, không phải tất cả đều chấp nhận “kỷ luật tu trì”.

Xem ra những quyết nghị của các giáo hoàng và công đồng hồi thế kỷ XI không mang lại kết quả mong muốn. Ngoại trừ kỷ luật độc thân có hiệu lực phổ quát kể từ công đồng Laterano II (năm 1139 : tuyên bố vô hiệu hôn thú của các giáo sĩ và đan sĩ), số các cộng đoàn “tăng sĩ” không nhiều lắm. Thế nhưng chính hàng ngũ đó đã cung cấp cho Giáo hội nhiều nhân vật sáng giá trong hàng giáo phẩm (bốn vị giáo hoàng : Honorius II, Innocentius II, Lucius II, Hadrianus IV ; nhiều hồng y và giám mục), và nhiều trường thần học, nổi tiếng nhất là trường Saint-Victor (thành lập tại Paris năm 1113).

Dần dần các cộng đoàn canonici cũng được cải tiến về định chế thành các Dòng (Ordo), cũng tương tự như các dòng đan tu. Trong số những dòng “tăng sĩ” còn tồn tại đến nay, ta có thể nhắc đến hai định chế : 1/ Liên hiệp các “tăng sĩ” thánh Au-tinh và 2/ Dòng Prémontrés.

A. Liên hiệp các tăng sĩ thánh Âu-tinh : Sacer et Apostolicus Ordo Canonicorum Regularium S. Augustini (CRSA).

Ta đừng nên lẫn họ với các dòng thánh Âu-tinh (được xếp vào các Dòng hành khất, sẽ bàn trong chương tới). Liên hiệp (Confoederatio) được thành lập năm 1959 (được Đức thánh cha Gioan XXIII phê chuẩn với đoản dụ Caritatis unitas, ngày 22/5/1959) đứng đầu là một Abbas Primas, bao gồm nhiều chi dòng (Congregatio). Mỗi chi dòng là một dây liên kết giữa các đan viện :

  1. Congregatio Ssmi Salvatoris Lateranensis (CRL), phát xuất từ những giáo sĩ phục vụ tại đền thánh Gioan Laterano tại Roma, cho tới năm 1391.
  2. Congregatio Canonicorum Regularium S. Augustini Lateranensium Austriaca
  3. Congregatio Ss. Nicolai et Bernardi Montis Iovis (CRB. Mont Saint Bernard), được Bernard de Menthon thiết lập (năm 989) trên đèo ở núi Alpes.
  4. Congregatio Helvetica a Sancto Mauritio Agaunensis (Saint Maurice)
  5. Congregatio Vindemensis (Windesheim). Nguồn gốc là cộng đoàn được thành lập hồi thế kỷ XIV bởi Gerard Groot (1340-1384), lừng danh với Thomas a Kempis (1380-1471). Được phục hồi năm 1961.
  6. Congregatio Victorina (Saint Victor, lập năm 1968)
  7. Congregatio Canonicorum Regularium Immaculatae Conceptionis (lập năm 1866)
  8. Congregatio Fratrum a Vita Communi (phục hưng năm 1991)

B. Ordo

Những Dòng sau đây được tổ chức với cơ cấu trung ương toàn dòng,

  1. Candidus et Canonicus Ordo Praemontratensis, do thánh Norbertus Xanten (+1134) lập tại Prémontré (gần Laon, Pháp). Vị kế nhiệm là Hugo de Fosses (+1164) đã soạn ra các văn bản pháp lý : Ordinarius (1126-1131) và Statuta (1131-1140). Vào lúc đầu, mỗi đan viện được tự trị, nhưng có những cuộc gặp gỡ hàng năm giữa các đan viện (từ năm 1128). Vào năm 1150, các cuộc gặp gỡ ấy biến thành tổng hội, và trở thành quyền bính cao nhất trong dòng.
  2. Ordo Canonicorum regularium Sanctae Crucis (ORC), thành lập năm 1131 ở Coimbra, được phục hưng năm 1979.
  3. Ordo Teutonicorum, (Ordre de l=Hôpital de Sainte Marie des Allemands – Les Chevaliers Teutoniques) với nguồn gốc lịch sử từ các “dòng binh sĩ” bên thánh địa (1189/90), sau đó dời về Đức, nơi và họ kết nạp thêm “fratres militiae Christi in Livonia” (năm 1237). Ngày nay chỉ còn vài cơ sở bên Áo và Ba-lan.
  4. Ordo S. Crucis (OSC), bắt nguồn từ Clairlieu-les-Huy, (Liège, năm 1209).
  5. Canonici Regulares Sanctissimae Crucis a stella rubea ở Praha (lập năm 1237).

Mục 2. Mối tương quan giữa ơn gọi giáo sĩ và ơn gọi tu sĩ

Mặc dù trên nguyên tắc, ơn gọi giáo sĩ và ơn gọi tu sĩ khác biệt nhau, nhưng lịch sử cho thấy rằng sự phân biệt không có gì rõ rệt, bởi vì vào thời đang bàn, chúng ta nhận thấy sự trà trộn giữa đôi bên : a/ các tu sĩ trở thành giáo sĩ ; b/ các giáo sĩ trở thành tu sĩ.

I. c tu sĩ trở thành giáo sĩ

Các ẩn sĩ trên sa mạc không thuộc hàng giáo sĩ. Các cộng đoàn đan tu tiên khởi bên Ai cập gồm bởi các giáo dân : họ tụ họp nhau trong nhà thờ để cầu nguyện, và tham dự thánh lễ ở xứ đạo vào ngày chúa nhựt. Nếu cộng đoàn nào có giáo sĩ thì thánh lễ sẽ được cử hành thường xuyên hơn.

Luật thánh Biển-đức chứa đựng vài khoản quy định liên quan đến các đan sĩ giáo sĩ. Điều này có thể xảy đến : a/ hoặc vì có những giáo sĩ xin gia nhập đan viện (chương 60) ; b/ hoặc vài đan sĩ được tiến cử làm linh mục (chương 62). Dù sao đi nữa, các giáo sĩ chỉ là thiểu số và không được hưởng đặc ân nào hết ; trái lại, chức thánh trở thành động cơ bó buộc phải tuân giữ kỷ luật nghiêm túc hơn.

Con số giáo sĩ gia tăng trong các đan viện vì nhiều lý do, đối nội cũng như đối ngoại.

1/ Những lý do đối nội

– Đời sống phụng vụ. Các đan sĩ không chỉ cử hành kinh nguyện nhưng còn cử hành Thánh lễ và bí tích thống hối, cách riêng từ khi các tín hữu thích lui tới các thánh đường đan viện. Vì thế đan viện cần có những linh mục thuộc đan viện, để tránh gây phiền hà có các cha sở.

– Tổ chức cộng đoàn. Công nghị Rôma năm 827 quyết định rằng các viện phụ phải là linh mục (canon 27). Một trong những lý do là viện phụ phải giảng dạy và chúc lành cho các đan sĩ.

– Bước sang thiên niên kỷ thứ hai, các đan sĩ bắt đầu chuyển hướng, chuyên chú vào việc phụng vụ và học hành. Nhiều đan sĩ (như dòng Chartreux) coi việc dâng Thánh lễ như sứ vụ chính yếu của mình, tuy chỉ cử hành Thánh lễ trong phòng riêng (Missae privatae).

2/ Đối ngoại

Các đan sĩ đảm nhận công tác mục vụ cho các giáo dân sống chung quanh nhà dòng, cách riêng tại những vùng chưa thiết lập các cơ cấu giáo phận hoặc giáo xứ. Từ đó nảy sinh cơ chế “abbatiae nullius” (được đổi tên thành “abbatiae territoriales” trong bộ giáo luật 1983), khi viện phụ mang những trọng trách giống như giám mục.

II. Các giáo sĩ trở thành tu sĩ

Bên các Giáo hội Đông phương, sự phân biệt nếp sống giữa linh mục và đan sĩ khá rõ rệt : các linh mục có gia đình, các đan sĩ thì độc thân. Tuy nhiên, các giám mục buộc phải sống độc thân, vì thế thường được tuyển chọn từ hàng ngũ đan sĩ.

Bên các Giáo hội Tây phương, sư phân biệt không được rõ rệt. Từ thế kỷ IV, ngoài các cộng đoàn đan sĩ sống trên sa mạc, còn có những “đan viện giáo sĩ” (monasterium clericorum), nghĩa là cộng đoàn các giáo sĩ độc thân được thiết lập cạnh toà giám mục.

Kể từ cuộc cải tổ của Hoàng đế Charlemagne, các giáo sĩ buộc phải tuân giữ một bản luật (regula). Sự khác biệt chính giữa các giáo sĩ và các đan sĩ có thể tóm lại như sau : các giáo sĩ tuy buộc sống chung, nhưng không buộc phải khước từ quyền tư hữu ; đối lại, các đan sĩ thì không buộc phải đảm nhận công tác mục vụ giáo xứ.

Sang thời Trung cổ, bên Tây phương, các giáo sĩ buộc giữ luật độc thân. Sự khác biệt với các đan sĩ chỉ còn nằm trong phương diện khó nghèo. Đang khi đó, nhiều Dòng tu được thiết lập để đảm nhận tác vụ giáo sĩ (giảng thuyết, cử hành bí tích). Trên nguyên tắc các tu sĩ linh mục vẫn sống trong cộng đoàn (khác với các giáo sĩ sống riêng ở giáo xứ), nhưng trên thực tế, các tu sĩ linh mục sống lẻ tẻ không phải là họa hiếm.

III. Linh đạo

1/ Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến ơn gọi nên thánh dành cho tất cả các Kitô hữu, mỗi người tuỳ theo bậc sống của mình. Các linh mục có nghĩa vụ nên thánh bởi vì họ là hiện thân của Chúa Kitô mục tử nhân lành, Đấng trao hiến mạng sống cho đoàn chiên, cũng như bởi vì những chức vụ mà họ đảm nhiệm, đó là rao giảng Lời Chúa và cử hành mầu nhiệm thánh. Phương tiện chính của các linh mục để nên thánh là tận tâm thi hành các công tác mục vụ. Tuy nhiên, việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm cũng là phương tiện hữu hiệu cho việc nên thánh. Những điều này đã được trình bày trong Hiến chế tín lý về Hội thánh (Lumen gentium), Sắc lệnh về tác vụ linh mục (Presbyterorum Ordinis), và được khai triển trong Tông huấn Pastores dabo vobis (các số 19-30). Ta có thể nói được đây là mối liên kết giữa ơn gọi linh mục và ơn gọi tu trì.

2/ Ngược lại, về mối tương quan giữa ơn gọi tu trì và ơn gọi linh mục, ta có thể đọc thấy nơi Tông huấn Đời sống thánh hiến (số 30) như sau :

Đối với các linh mục tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm ; kinh nghiệm cho thấy rằng bí tích Truyền chức thánh thêm phong phú hơn nhờ sự tận hiến tu trì, bởi vì nó đòi hỏi và nâng đỡ việc sống liên kết mật thiết với Chúa. Vị linh mục nào tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm thì được trợ giúp đặc biệt để hoạ lại trọn vẹn mầu nhiệm Đức Kitô trong cuộc sống, cũng như nhờ linh đạo riêng và nhờ chiều kích tông đồ do đoàn sủng của tu hội. Quả thế, ơn gọi chức linh mục và ơn gọi đời tận hiến kết hợp chặt chẽ với nhau nơi con người linh mục tạo ra một sự thống nhất sâu xa và năng động trong cuộc sống.

Các tu sĩ linh mục chuyên sống đời chiêm niệm cũng mang lại cho Giáo hội một ơn ích khôn lường. Đặc biệt khi cử hành Thánh Thể, họ chu toàn một hành vi của Giáo hội và cho Giáo hội ; họ liên kết việc dâng hiến bản thân với Thánh Thể, hiệp thông với Đức Kitô, Đấng dâng mình cho Chúa Cha để cứu độ toàn thể thế giới (xem thêm số 10c).

——————————————-

[1] Có bốn phiên bản của luật thánh Chrodergang: 1/ Phiên bản nguyên thủy, gồm 34 chương, chỉ áp dụng cho hàng giáo sĩ Metz. 2/ Phiên bản thứ hai do Angilrammus (kế vị thánh Chrodergang) bổ túc, và cũng gồm 34 chương (PL 89, 1097-1120). 3/ Phiên bản thứ ba vẫn còn duy trì 34 chương, nhưng không còn gắn liền với giáo phận Metz nữa. 4/ Phiên bản thứ tư, thành hình vào cuối thế kỷ IX, quảng diễn thành 84 chương (PL 89, 1057-1097).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here