LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG MƯỜI

0
1021

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

———————

Chương Mười

CÁC HỘI DÒNG

———————

Đã hơn một người nêu thắc mắc: “dòng tu” và “hội dòng” khác nhau như thế nào? Câu hỏi thật hợp lý, nhưng khó mà tìm được câu trả lời chính xác. Trước hết là sự khó khăn do vấn đề dịch thuật: trong tiếng Việt, quanh đi quẩn lại, chúng ta tìm được hai từ “dòng tu – hội dòng” để chuyển dịch nhiều danh từ trong tiếng latinh: ordo, congregatio, societas, institutum, unio, fraternitas, vv. Một sự khó khăn nữa là cùng một danh từ trong tiếng latinh có thể mang nhiều nghĩa khác nhau theo dòng thời gian.

I. Từ ngữ

Bộ giáo luật 1917 phân chia các dòng tu thanh hai loại chính: ordocongregatio (Canon 488). Ordo thì có lời “khấn trọng” (vota solemnia), còn congregatio chỉ có lời “khấn đơn” (vota simplicia). Đó là nền tảng cho sự phân biệt giữa “Dòng” và “Hội dòng” khi dịch sang tiếng Việt.

Tuy nhiên trong lịch sử, danh từ Ordo không chỉ có nghĩa là “dòng tu” mà thôi. Vào các thế kỷ đầu, Ordo có nghĩa là một đoàn ngũ, chẳng hạn như ordo virginum, ordo viduarum ordo monachorum, cũng tương tự như ngày nay trong dân luật, các bác sĩ, luật sư, ký giả cũng họp thành ordo (Pháp: ordre; Anh: order).

Một cách tương tự như vậy, danh từ Congregatio cũng mang nhiều nghĩa khác nhau:

– a) trong các Dòng đan tu (Biển-đức, Xi-tô), congregatio là một liên minh nhiều đan viện với nhau, mà chúng tôi dịch là “Chi dòng”, chẳng hạn như các đan viện Xitô ở Việt Nam họp thành một congregatio (mang thánh hiệu Thánh Gia).

– b) trong các Dòng hành khất, congregatio ám chỉ một vài tu viện liên kết với nhau (trong thời cải cách). Đôi khi congregatio được hưởng quy chế ngang hàng với một tỉnh dòng; đôi khi tiến tới việc tách rời thành một Dòng biệt lập (ngành “cải tổ” hay “nhiệm nhặt”).

– c) nhiều “Tu đoàn” ra đời vào thế kỷ XVI cũng mang tên là congregatio (hoặc congregatio saecularis, chẳng hạn như Congregazione dell=Oratorio của thánh Philippe Neri, hoặc Congrégation de la Mission của thánh Vinh-sơn Phaolô), bởi vì họ không có lời khấn trọng. Có lẽ vì thế mà bộ giáo luật 1917 đã sử dụng từ congregatio để gọi những hội dòng có lời khấn đơn[1].

Như vậy, đặc trưng của các hội dòng nói trong chương này là họ chỉ có lời khấn đơn. Vì lý do gì mà có sự phân biệt giữa “khấn trọng” và “khấn đơn”?

II. Bối cảnh lịch sử

Sự phân biệt giữa các tu sĩ “khấn trọng” và “khấn đơn” có nhiều nguồn gốc khác nhau.

1/ Một lý do đã được nêu lên trong chương trước khi bàn về các tu đoàn, đó là nhiều vị sáng lập muốn nhắm thẳng tới thực chất sự trọn lành, chứ không muốn bị khựng lại ở các lời khấn. Vào thời đó, các lời khấn dòng mang tính cách “trọng thể”; vì thế các tu đoàn chỉ khấn “đơn thường” (và được xếp vào hạng “congregationes saeculares”).

2/ Cách riêng, đối với nữ giới, từ sau công đồng Trentô, giáo luật chỉ nhìn nhận những ai khấn trọng và sống trong nội vi. Vì thế những ai muốn làm công tác tông đồ ở ngoài nội vi chỉ có thể khấn đơn và khấn tư.

3/ Ngoài những lý do thuộc phạm vi nội bộ Giáo hội, cần phải thêm các lý do bên ngoài nữa, trong đó đáng kể nhất sự giải tán các Dòng tu vào nhiều đợt khác nhau, kéo dài từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX

– Cuộc giải tán quy mô lần thứ nhất xảy ra tại các quốc gia theo Tin Lành (Đức, Thụy điển, Anh, Ai-len). Như đã biết, Lutherô chủ trương rằng đời sống tu trì đi ngược với giáo huấn Phúc âm, vì thế cần phải dẹp bỏ.

– Đợt giải tán quy mô thứ hai diễn ra tại Pháp vào hồi cách mạng 1789. Đạo luật 13/2/1790 giải tán các dòng khấn trọng; đạo luật 18/8/1792 giải tán các dòng khấn đơn hoặc tu đoàn không có lời khấn. Các chính phủ chịu ảnh hưởng của cách mạng Pháp cũng ban hành những biện pháp tương tự: Bỉ (1796), Đức (1807), Tây ban nha (1809).

Luật pháp không nhìn nhận giá trị pháp lý của các lời khấn (khước từ hôn nhân, khước từ tư hữu). Các tu sĩ bị cưỡng bách hồi tục. Chính trong bối cảnh này mà những người muốn tiếp tục đời tu trì đã quy tụ thành những đoàn thể với lời khấn đơn (và tư).

Dưới đây, chúng ta hãy theo dõi sự thành lập của vài hội dòng nam (mục 1) và nữ (mục 2); sau đó, chúng tôi sẽ xét đến vài đặc trưng của hình thức tu trì này (mục 3).

Mục 1. Các hội dòng nam

Những hội dòng đầu tiên được thành lập từ hồi thế kỷ XVII, nhưng phần lớn ra đời trong thế kỷ XIX-XX.

I. Khởi đầu

1/ Những hội dòng đầu tiên được thành lập hồi thế kỷ XVII nhằm mục tiêu giáo dục, đặc biệt dạy giáo lý

Congrégation des Pères de la Doctrine Chrétienne (ou: Doctrinaires) được thành lập ở Avignon năm 1592 do cha César de Bus (+1607) như là một hội dòng giáo sĩ, chuyên lo việc giáo dục và thi hành các công tác thuộc chức vụ linh mục. Dòng được đức Clementê VIII phê chuẩn từ năm 1597, nhưng đã thay hình đổi dạng nhiều lần (có lúc phải sát nhập với dòng Somaschi và Oratoire), và cuối cùng bị cách mạng Pháp giải tán.

Pii Operai catechisti rurali (Missionari Ardorini) do Carlo Carafa (+1633) thành lập tại Napoli năm 1600, nhằm dạy giáo lý ở miền quê; được đức Phaolô V phê chuẩn năm 1606.

Chierici Mariani (Congregatio Clericorum Marianorum sub titulo Immaculatae Conceptionis B.V.M.), do Stanislaus Papczynski thành lập năm 1673 bên Ba-lan và được đức Innocentê XII phê chuẩn (năm 1699) như là một dòng có lời khấn trọng, được kết nạp vào dòng Phan-sinh. Hội dòng hầu như tàn luị do những cuộc chính biến ở Ba-lan vào thế kỷ XIX, nhưng sau đó được đức Piô X phục hưng như một hội dòng với lời khấn đơn (năm 1910).

2/ Các hội dòng giáo sĩ chuyên giảng đại phúc.

Passionisti: do thánh Phaolô Thánh giá (1694-1775) lập từ năm 1720. Đức Benêdictô XIV phê chuẩn bản luật năm 1741. Đức Clêmentê XIV châu phê hội dòng vào năm 1769 dưới danh xưngACongregazione dei Chierici Scalzi della SS.ma Croce e Passione di Nostro Signore Gesù Christo”. Linh đạo của dòng mang nhiều nét của đời đan tu (cô tịch, khổ hạnh, khó nghèo), và cổ võ việc suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Redentoristi: do thánh Alphonsô Maria dei Liguori (1696-1787) lập năm 1732, và được châu phê năm 1749 dưới danh xưng “Congregazione del SS.mo Redentore”. Dòng phát triển mạnh dưới thời của thánh Clementê Maria Hofbauer (+1820), kế nhiệm vị Sáng lập.

3/ Những hội dòng chuyên lo giáo dục

– Những sư huynh các trường Kitô giáo (Frères des écoles chrétiennes), do thánh Jean Baptiste de la Salle (1651-1719) thành lập tại Reims năm 1682, để đào tạo các giáo viên và giáo dục các học sinh nghèo. Đây là hội dòng tu huynh đầu tiên của thời cận đại, nghĩa là các tu sĩ không thụ phong linh mục. Lúc đầu tổ chức này là một tu đoàn sống chung không có lời khấn công (nhưng chỉ có lời khấn tư và tạm thời); mãi đến năm 1694 mới đặt ra lời khấn vĩnh viễn. Đức Beneđictô XII phê chuẩn như một Hiệp hội với lời khấn đơn và công (1725)

Monfortains. Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (1673-1716), vị sáng lập một dòng chuyên lo việc giảng đại phúc (Compagnie de Marie cũng gọi là Communauté du Saint-Esprit), khoảng năm 1705. Nên biết là ngài cũng thành lập một hội dòng nữ (Filles de la Sagesse) cùng với chân phước Marie-Louise Trichet.

II. Thế kỷ XIX

Hầu hết các hội dòng được lập vào thế kỷ XIX, gồm các giáo sĩ và các tu huynh.

1/ Hội dòng giáo sĩ

Congrégation des SS. Coeurs de Jésus et de Marie (Picpus) do cha Pierre Coudrin (1768-1837) lập tại Poitiers khoảng năm 1800, chuyên về mục vụ giáo xứ và truyền giáo, truyền bá lòng sùng kính hai Trái Tim, giáo dục thiếu niên, thờ lạy Thánh Thể.

Société de Marie (Marianistes) lập năm 1817 tại Bordeaux do thánh Guillaume Joseph Chaminade (1761-1850), với hoạt chính là giáo dục thanh thiếu niên.

Congrégation du Saint-Esprit (Spiritains) bắt nguồn từ chủng viện do cha Claude Francois Poullart des Places (+1709) lập tại Paris năm 1703, và tái lập sau thời cánh mạng Pháp vào năm 1816, hướng tới công tác truyền giáo.

Missionaires Oblats de Marie Immaculée lập năm 1816 tại Aix do thánh Eugène de Mazenod, nhắm đến công tác truyền giáo. Cũng trong chiều hướng truyền giáo ta có thể kể thêm các Dòng: Thừa sai Trái tim Đức Mẹ (Missionarii Filiorum Immaculati Cordis) của thánh Antonio Maria Claret lập năm 1849 tại Vich (Tây ban nha), Ngôi Lời (Societas Verbi Divini) của thánh Arnold Janssen lập năm 1875 ở Teyl (Hà lan).

Hội dòng lớn nhất là dòng do thánh Gioan Bosco thành lập tại Torino năm 1859, với danh xưng Società Salesiana (Salesiani), nhắm tới giáo dục thanh niên.

2/ Hội dòng tu huynh

Đây có thể coi là một đặc trưng của các hội dòng nam được thành lập gần đây. Vào lúc khai sinh đời đan tu, các tu sĩ không phải là linh mục. Dần dần các đan sĩ lãnh chức linh mục; những thành phần “không giáo sĩ” thường là những người kém học thức và chỉ lo lao động tay chân (gọi là conversi); tập tục này cũng còn được tiếp tục nơi các dòng hành khất.

Vào thời cận đại, ngoài các hội dòng “giáo sĩ” (trong đó cũng có các “trợ sĩ”), còn có các hội dòng “tu huynh”, nghĩa là gồm toàn tu sĩ không phải là giáo sĩ. Thực ra danh từ “tu huynh” (Pháp: frères; Anh: brothers; dịch từ tiếng latinh fratres) đã được sử dụng trong các bản luật đan tu cổ điển (thánh Basiliô, thánh Augustinô) nhằm đề cao tình huynh đệ trong cộng đoàn. Thời nay danh từ “tu huynh” được áp dụng đặc biệt cho các nam tu sĩ chuyên lo việc giáo dục, khởi đầu từ tổ chức Frères des Ecoles Chrétiennes của thánh Jean Baptiste de la Salle (1682 taị Reims), như đã nói trên đây.

– Một hội dòng tu huynh giáo dục cùng thời là Frères de Saint Gabriel bắt nguồn từ dòng Frères du Saint-Esprit của thánh Louis-Marie Grignion de Montfort (1715).

Christian Brothers do ông Edmund Rice (+1844) một giáo dân thành lập ở Waterford (Ireland), được phê chuẩn năm 1820;

Frères de l=Instruction Chrétienne (de Ploermel) do cha Jean Marie de la Mennais và cha Gabriel Dehayes lập tại Saint-Brieuc năm 1817,

Frères Maristes des écoles lập năm 1817 do thánh Marcellin Champagnat (1789-1840).

Tại Việt nam, nghe nói đến “sư huynh” hoặc “tu huynh”, người ta thường đến nghĩ đến các sư huynh dòng Lasan hoặc các thầy trợ sĩ, nhưng có lẽ ít người để ý đến một nét độc đáo trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, đó là tổ chức các thầy giảng, khởi đầu từ Cha Đắc Lộ. Theo pháp lý, các thầy giảng được đặt dưới quyền của các giám mục giáo phận, và có thể coi như tương đương với các “tu đoàn”. Dần dần, với sự nhìn nhận quy chế của các hội dòng khấn đơn, người ta thấy xuất hiện các hội dòng tu huynh tại Việt Nam, đó là:

Dòng Sư huynh Giáo lý Công giáo Kitô Vua (Cái nhum, Vĩnh Long) lập năm 1870 do hai thừa sai Gernot (Quý) và Ritter (Giáo), với mục đích trợ giúp hàng giáo sĩ thành lập họ đạo mới, dạy giáo lý tân tòng và trẻ em.

Dòng Sư huynh Thánh Tâm (Huế) do đức cha Joseph Allys (Lý) sáng lập ngày 9/10/1925 dựa theo luật dòng các sư huynh Ploermel.

Dòng Sư huynh thánh Giuse (Nha trang) do thừa sai Jean Sion (sau làm giám mục Kontum) lập năm 1926.

Mục 2. Các hội dòng nữ

Từ sau tông hiến Circa pastoralis của đức Piô V (29/5/1566), giáo luật chỉ nhìn nhận tư cách “tu sĩ” cho những phụ nữ “khấn trọng và tường kín”. Số phận những phụ nữ khác thì sao?

Dĩ nhiên, vào thời nào cũng có những phụ nữ dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa qua lời khấn “tư”, nghĩa là trực tiếp giữa bản thân với Thiên Chúa, hoặc qua trung gian của một giám mục, linh mục. Thậm chí có khi họ liên kết với nhau dưới hình thức của một nhóm, một đoàn. Từ thời Trung cổ, ta đã thấy nhiều nhóm như vậy xuất hiện, chẳng hạn các nhóm béguines, hoặc các nhóm “Dòng Ba” (mantellata) mà thánh nữ Catarina Siena là một thí dụ. Hình thức “phụ nữ khấn tư” không bị chi phối bởi quyết nghị của đức Piô V, bởi vì họ là giáo dân chứ đâu phải là tu sĩ.

Vấn đề được đặt ra cho những phụ nữ muốn sống chung với nhau, giữ ba lời khấn, đồng thời ra khỏi “tường kín” để làm việc tông đồ. Họ muốn được nhìn nhận như là “tu sĩ”. Giấc mộng của họ chỉ thành hiện thực từ năm 1900. Quãng đường dài hơn ba trăm năm (1566-1900) đã trải qua nhiều bước thăng trầm: từ chỗ “tu chui” đến chỗ “công khai”. Chúng ta hãy ôn lại những chặng chính.

I. Thời cấm cách

Chúng tôi đã trình bày những lý do đưa đến quyết định áp đặt luật “tường kín” cho các nữ tu trong bối cảnh cuộc cải tổ kỷ luật mà công đồng Trentô đề xướng. Dù sao, vì muốn bảo vệ tính cách nghiêm minh của luật pháp, giáo quyền bắt buộc các dòng nữ phải chọn một trong hai giải pháp: nếu muốn được nhìn nhận là “tu sĩ” thì phải vào tường kín; nếu muốn ở ngoài tường kín thì không được nhìn nhận là tu sĩ. Vài trường hợp điển hình.

1/ Giải pháp một: ai muốn thành “tu sĩ thì vào tường kín.

– Dòng Thăm Viếng Visitandines (Visitation Sainte-Marie, sau nhiều lần đổi tên: Soeurs de sainte Marthe, Oblates de la sainte Vierge) được lập ở Annecy năm 1610 do thánh François de Sales (1567-1622) và thánh nữ Jeanne Françoise Frémyot de Chantal (+1614), dành cho những phụ nữ (khấn đơn) hiến mình phục vụ những người nghèo và người bệnh (Hiến Pháp năm 1613). Nhưng do áp lực của đức cha Denis-Simon de Marquemont, tổng giám mục Lyon, dòng phải trở thành một dòng với lời khấn trọng và tường kín vào năm 1618.

– Do sự hỗ trợ của các cha Dòng Tên (Compagnie de Jésus), bà Jeanne de Lestonac (1556-1640) lập một dòng chuyên lo giáo dục cho giới thượng lưu (Compagnie de Marie Notre Dame). Dòng nhận được sự phê chuẩn của giám mục Bordeaux (năm 1607) và của Toà thánh (năm 1608) với điều kiện là tuyên giữ lời khấn trọng và tường kín.

2/ Giải pháp hai: ai không vào tường kín thì không được nhìn nhận là “tu sĩ.

– Đây là trường hợp xảy ra cho các nữ tử Bác ái (Filles de la Charite) do thánh Vinh-sơn (1581-1660) cùng với thánh Louise de Marillac (+1660) lập ra như một hiệp hội (compagnie 1633), rồi như một hội có lời khấn đơn (confrérie). Hội này trực thuộc bề trên dòng nam, chứ không ở dưới quyền giám mục. Do đó, họ sẽ không là tu sĩ (religieuses) và cũng không buộc giữ tường kín.

– Nhiều tu đoàn bác ái khác cũng chấp nhận một số phận: Présentation de Marie được lập ở Sainville (Eure et Loir) năm 1696 do chân phước Marie Poussepin (1653-1744); Soeurs de la Charité de Ste Marie d=Angers (1679); Soeurs de la Charite de Besançon (1799) do thánh Jeanne-Antide Thouret (1765-1826).

– Bên cạnh đó cũng nên điểm qua những tu đoàn lo việc giáo dục: Soeurs Charitables de l=Enfant-Jésus (Dames de St-Maur) tại Rouen (1666) do cha Nicholas Barré; Maestre Pie ở Viterbo (1685) do Rosa Venerini (+1728) và kế đó do Lucia Filippini (+1742) điều khiển ở Montefiascone (Italia).

3/ Ngoài hai giải pháp vừa nêu, còn có những nố khó xử, tựa như trường hợp của một tổ chức mang tên là The English Ladies của bà Maria Ward (1585-1645). Không những bà muốn lập một dòng hoạt động bên ngoài tường kín mà còn được độc lập khỏi Bản quyền sở tại. Lịch sử của Dòng trải qua nhiều cuộc thăng trầm: lúc thì bị Toà thánh giải thể (đức Urbanô VIII vào năm 1631), rồi được đức Clementê XI phê chuẩn bản luật (năm 1703) nhưng không châu phê Dòng; cho tới năm 1877 mới được đức Piô IX phê chuẩn như là một Hội dòng.

II. Thời nhắm mắt làm ngơ

Thời thế biến chuyển khi bước sang thế kỷ XVIII. Như đã nói, nhiều chính quyền châu Âu đã giải tán các Dòng tu nam nữ (hoặc ít là các “Dòng kín” xét vì không làm ích cho xã hội, như hoàng đế Joseph II bên Áo đã viện dẫn khi đóng cửa các đan viện vào những năm 1781-82 và 1783-87). Trong những hoàn cảnh đó, chỉ có thể tổ chức những tu đoàn khấn đơn, để phục vụ các công tác bác ái, giáo dục, và thậm chí để điều hành Giáo hội trong thời gian các linh mục không thể xuất đầu lộ diện.

Toà thánh buộc lòng chấp nhận sự hiện hữu của các cộng đoàn nữ tu sống ngoài tường kín, ít là làm ngơ để cho các giám mục phê chuẩn các tổ chức đó.

Chúng ta đang nói đến tình hình của Giáo hội tại châu Au. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể vươn tầm mắt xa hơn, hay nói cho đúng, quay về quê nhà để nhắc đến một hội dòng quen thuộc ở Việt Nam, đó là Dòng Mến Thánh Gia, do đức cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679) thiết lập. Tên tuổi của Người được gắn liền với việc thành lập Hội thừa sai Paris (cùng với đức cha François Pallu). Khi đặt chân tới Thái lan vào đầu năm 1664, đức cha Lambert có ý định lập một “Hội dòng thừa sai tông tòa” (Congrégation Apostolique): các thừa sai suy gẫm mỗi ngày ba giờ, ăn chay hành xác mỗi ngày, khi đau ốm không dùng thuốc chữa bệnh, không nằm giường nệm. Họ sẽ là hội viên của một dòng “những người Yêu Mến Thánh giá Chúa Giêsu”. Tuy nhiên, bản quy luật này quá ngặt nghèo đối với các thừa sai cho nên không được Tòa thánh chấp thuận[2]. Nói đúng ra, theo ý định của đức cha Lambert, “Dòng những người Yêu Mến Thánh giá Chúa Giêsu” sẽ gồm ba nhánh: nhánh thứ nhất (Dòng Nhất) quy tụ giám mục, linh mục và nam giáo dân trợ tá tông đồ; nhánh thứ hai (Dòng Nhì) dành cho nữ tu; nhánh thứ ba (Dòng Ba) gồm nam nữ giáo dân sống giữa đời. Tuy nhiên chỉ còn hình thức “Dòng Ba” còn tồn tại, nghĩa là các cộng đoàn sống chung với lời khấn tư, mang tên là “Chị em mến câu-rút Đức Chúa Jesu” (Institut des Amantes de la Croix de Jésus-Christ). Mãi cho tới công đồng Đông dương họp tại Hà-nội năm 1934 mới tiến hành việc cải biến các “nhà phước” (monasteria) Mến Thánh Giá thành “hội dòng” giáo phận (congregatio diocesana) với ba lời khấn (tuy đã có vài giám mục đi trước, thí dụ Phát diệm từ năm 1925). Điều này cũng được áp dụng cho các “nhà phước” (beaterio, trong tiếng Tây-ban-nha) dòng ba Đaminh[3].

III. Thời phát triển

Từ chỗ “mặc nhiên” thừa nhận, Toà thánh tiến đến chỗ “minh nhiên” thừa nhận, lúc đầu cấp riêng từng hội dòng và đến năm 1900 thì trở thành luật chung[4].

Người ta ghi nhận trong khoảng từ năm 1816 đến năm 1862, đã có 125 hội dòng nam nữ được Toà thánh nhìn nhận. Con số này lên cao hơn nữa nếu tính thêm các hội dòng giáo phận, và dĩ nhiên nếu xét đến nhân số. Riêng tại nước Pháp, từ năm 1800 đến 1880 đã có 400 hội dòng được thành lập; số tu sĩ là 15000 vào năm 1816, tăng gấp đôi vào năm 1830; 105.000 vào năm 1861 và 135.000 vào năm 1878.

Một nhận xét đáng kể nữa là số các dòng nữ vượt xa các dòng nam: trong thế kỷ XIX, tại Pháp trong số những hội dòng được Toà thánh nhìn nhận, có đến 283 nữ (đối lại 33 nam), ở Italia tỉ lệ là 183 nữ / 23 nam; Tây ban nha 70 nữ / 4 nam.

Nói chung, các hội dòng được lập để đáp ứng với một nhu cầu mục vụ hoặc xã hội tại một địa phương (chẳng hạn: các cô nhi bị bỏ rơi, các trẻ em thất học, các người già yếu không ai trông nom, dạy giáo lý), nhưng dần dần bành trướng hoạt động sang nhiều giáo phận, và đôi khi vượt ra khỏi biên cương của quốc gia. Những vị sáng lập có thể là các chủ chăn (giám mục, cha xứ); hay là nhiều phụ nữ nhạy bén đối với nhu cầu xã hội.

Về cách quản trị hội dòng nữ, ta cũng thấy sự biến chuyển. Trước đây, mỗi đan viện là một đơn vị biệt lập; cùng lắm thì chỉ có những “liên hiệp” để hỗ trợ về mặt tinh thần mà thôi. Đối với các hội dòng thì khác: mỗi hội dòng gồm nhiều tu viện (thậm chí nhiều tỉnh, miền), với cơ cấu quản trị theo lối trung ương tập quyền. Dưới khía cạnh xã hội, phải nói rằng phong trào giải phóng phụ nữ khởi sự từ các hội dòng nữ. Thực vậy, vào thời mà đa số phụ nữ chỉ lo đảm đang công chuyện nội trợ, thì các nữ tu đã lên đường đến tận năm châu bốn biển, và đã tỏ ra nhiều tài năng sáng kiến trong việc điều hành các cơ sở, bên cạnh sự tận tụy của tấm lòng hiền mẫu.

Mục 3. Đặc trưng

Tuy các hội dòng đã ra đời từ thế kỷ XVII và cách riêng trong thế kỷ XIX, nhưng hình thức tu trì chỉ được chính thức nhìn nhận khi bước sang thế kỷ XX, với tông hiến Conditae a Christo do đức Lêô XIII ký ngày 8/12/1900. Với văn kiện này, những hội dòng với lời khấn đơn cũng được hưởng quy chế “tu trì” (congregatio religiosa, chứ không còn là “bán-tu-trì” congregatio saecularis như trước đây). Một năm sau (ngày 28/6/1901), Bộ Dòng tu ra một huấn thị quy định những điều kiện để phê chuẩn hội dòng: Normae secundum quas Sacra Congregatio Episcoporum et Regularium procedere solet in approbandis novis Institutis votorum simplicium. Chúng ta sẽ phân tích các đặc trưng của những hội dòng dưới hai khía cạnh: thể chế và linh đạo.

I. Thể chế
A. Hội dòng với lời khấn đơn

Trước đây, giáo luật chỉ nhìn nhận các Dòng với lời khấn trọng; bây giờ giáo luật thêm các Hội dòng lời khấn đơn nữa.

1/ Sự khác biệt giữa khấn trọng với khấn đơn

Sự phân biệt này không được đơn giản, xét vì ý nghĩa của mỗi từ ngữ đã thay đổi theo dòng thời gian.

a) Cho đến công đồng Trento, lời khấn trong các Dòng tu mang tính cách “công” (publicum) và “trọng” (solemne). Đối lại là lời khấn “đơn” (simplex) và “tư” (privatum). Như vậy, lời khấn “công” và “trọng” đồng nghĩa với nhau. Theo thánh Tôma Aquinô, tính cách “trọng thể” của lời khấn không căn cứ theo lễ nghi phụng vụ cho bằng ý nghĩa thần học. Lời khấn “trọng” là một sự dâng hiến trọn vẹn và vĩnh viễn, ví như sự kết hôn (còn lời khấn “đơn” thì chỉ tựa như sự đính hôn mà thôi).

b) Thánh Inhaxiô bắt đầu tách rời “khấn trọng” và “khấn công”, khi xoay lại mối tương quan của lời khấn, nghĩa là không phải với Thiên Chúa nhưng là với Dòng. Các sinh viên khấn trọn đời sau khi mãn năm tập, nhưng đó không phải là khấn trọng mà chỉ là khấn đơn mà thôi, nên vẫn có thể bị Dòng sa thải.

c) Với các hội dòng cận đại, thì lời “khấn đơn” trở thành lời “khấn công”, nhưng khác với “khấn trọn”. Sự khác biệt giữa “khấn trọn” và “khấn đơn” được xét theo hiệu quả pháp lý, cách riêng là về khiết tịnh và khó nghèo.

– xét về khiết tịnh, lời khấn đơn là một ngăn trở cấm chỉ (impedimentum prohibitivum) chứ không phải là ngăn trở tiêu huỷ (impedimentum dirimens) giá thú. Nói cách khác, việc kết hôn của một tu sĩ khấn đơn là điều bất hợp pháp, nhưng vẫn hữu hiệu;

– xét về khó nghèo, lời khấn đơn chỉ khước từ quyền định đoạt tài sản, chứ không khước từ quyền sở hữu.

2/ Khấn “tạm thời” và khấn “vĩnh viễn”

Lời khấn trọng lúc nào cũng vĩnh viễn, còn lời khấn đơn có thể là “tạm thời” hoặc “vĩnh viễn”. Trước đây, các đan sĩ và tu sĩ chỉ tuyên khấn một lần (khấn trọng) cho đến chết. Thời đó ít ai nghĩ đến chuyện xin tháo lời khấn (cũng như trong hôn nhân, ít ai nghĩ đến chuyện ly dị). Tuy nhiên kể từ khi những vụ xin tháo lời khấn tăng gia, nhà lập pháp mới nghĩ đến biện pháp khấn “tạm thời”: một đàng để công cuộc đào tạo được kéo dài và vững chắc hơn; đàng khác, nếu đương sự cảm thấy mình không thích hợp với nếp sống thì có thể rời bỏ sau khi mãn hạn, không cần xúc tiến thủ tục xin miễn chuẩn.

Bộ Tu sĩ đã du nhập định chế “khấn tạm 3 năm” cho Dòng nam (thông tư Neminem latet, 19/3/1857) trước khi khấn trọng; điều này cũng áp dụng cho các nữ tu với nghị định Perpensis ngày 3/5/1902. Lời khấn tạm thời chỉ có giá trị như “khấn đơn” mà thôi.

Đối với các Hội dòng, thì khấn tạm hoặc vĩnh viễn cũng là đều là khấn đơn. Dù vậy, đây là lời khấn “công” chứ không phải là “tư”. Đây cũng là điều khác biệt giữa “hội dòng” và “tu đoàn”[5].

II. Nếp sống

  1. Hầu hết các hội dòng cận đại được thiết lập để làm việc tông đồ. Hoạt động này thường được quy định trong hiến pháp như là “mục đích thứ yếu” (finis secundarius) riêng cho mỗi hội dòng. Mục tiêu “chính yếu” thì chung cho tất cả mọi hội dòng, đó là: vinh danh Thiên Chúa, thánh hoá bản thân, cứu rỗi các linh hồn. Ngày nay, “mục đích thứ yếu” được gọi là “đặc sủng” (charisma) của Hội dòng. Đôi khi hiến pháp còn thêm “lời khấn thứ tư” nhằm nêu bật ơn gọi riêng biệt của hội dòng (thí dụ: dấn thân phục vụ người bệnh).
  2. Ngoài ba lời khấn, các tu sĩ phải tuân giữ kỷ luật tu trì: cầu nguyện, hy sinh, tu phục, nội vi. Quy chế này (cách riêng là nội vi) được châm chước để không làm ngăn trở hoạt động tông đồ.
  3. Về việc quản trị, các hội dòng mang tính cách trung ương tập quyền. Nếu là hội dòng lớn, thì được chia ra tỉnh hoặc miền. Tuy nhiên quyền bính tập trung vào bề trên cùng với hội đồng cố vấn; vai trò của tu-nghị (capitulum) hầu như không đáng kể.
  4. Giám mục giáo phận có thẩm quyền để thành lập một hội dòng trong giáo phận (sub iurisdictione Ordinariorum). Đây là một điều cách mạng, so với quyết định của công đồng Laterano IV (năm 1215) dành riêng việc lập dòng cho Toà thánh. Tuy nhiên, hội dòng do giám mục thiết lập thì được coi là “thuộc luật giáo phận” (iuris diocesani). Sau một thời gian hoạt động, Hội dòng có thể trở thành “luật giáo hoàng” (iuris pontificii) qua sự phê chuẩn của Toà thánh (decretum laudis).

III. Linh đạo

Các hội dòng cận đại hướng về hoạt động nhiều hơn là chiêm niệm. Điều này rất rõ rệt nơi các nữ tu, với sự phân ranh giữa các “nữ đan sĩ” (moniales) với nếp sống chiêm niệm và các “nữ tu” (religiosae, sorores) hoạt động tông đồ.

1/ Xét về đời sống cầu nguyện, các hội dòng không đặt nặng vai trò của phụng vụ cho bằng các việc đạo đức: suy gẫm, lần hạt, viếng Mình Thánh Chúa, tĩnh tâm (hàng tháng và hàng năm).

 2/ Qua tên gọi, nhiều hội dòng muốn cho thấy lòng tôn kính dành cho mầu nhiệm của Chúa Kitô (nhất là Thánh Tâm), Mẹ Maria (dưới nhiều tước hiệu: Vô nhiễm, Mông Triệu, Thăm viếng, vv), Thánh Gia, Thánh Giuse. Ngoài ra nhiều hội dòng cũng muốn kết nạp với linh đạo của một Dòng Nam: Biển đức, Đaminh, Phan sinh, Autinh, Cát-minh.

3/ Xét cho cùng, có lẽ các dòng tu lập trong thế kỷ XX chỉ khác nhau về tên gọi và màu áo, chứ không có gì nổi bật về thần học. Các sử gia cho rằng đó là lỗi của Toà thánh, bởi vì văn kiện của Bộ Tu sĩ ban hành tiếp theo tông hiến Conditae a Christo của đức Leo XIII (năm 1900) quy định những điều kiện về việc nhìn nhận các Hội dòng, đính kèm cả bản mẫu Hiến pháp. Hậu quả là các hội dòng đều trích y nguyên một bản hiến pháp như nhau, từ những cơ cấu tổ chức cho đến việc thực hành ba lời khuyên Phúc âm, và thậm chí công thức khấn dòng[6].

4/ Dù sao, phần lớn các Hội dòng cận đại được thiết lập để phục vụ các người nghèo, bệnh nhân hoặc các công tác giáo dục. Họ làm nêu bật việc bắt chước Chúa Kitô trong việc tiếp xúc và giúp đỡ những kẻ lầm than cơ cực, để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Nói khác đi, đang khi các dòng đan tu chuyên tâm vào việc mến yêu thờ lạy Thiên Chúa, thì các Hội dòng cận đại nêu bật khía cạnh phục vụ Thiên Chúa qua những người được Chúa yêu thương cứu chuộc.

————————————–

[1] Đó là chưa đến Congregatio được hiểu như là một cơ quan của giáo triều Rôma, được dịch là AThánh Bộ@. Nguồn gốc của các Congregatio là các buổi họp của các hồng y để giải quyết một vấn đề nào đó, và dần dần trở thành một định chế thường trực từ khi thành lập giáo triều Rôma vào ngày 27/5/1586. Cũng nên biết là danh xưng của Bộ Tu sĩ đã được thay đổi nhiều lần, như chúng tôi đã trình bày trong bộ Giải thích Giáo luật: Dân Thiên Chúa, tập IV, trang 651-652.

[2] Bùi đức Sinh, Giáo hội công giáo ở Việt Nam, quyển I, Calgary (Canada) 1998, trang 240.

[3] Primum Concilium Indosinense Anno 1934, Liber I, De Personis et officiis. Caput VI, De Religiosi. art IV: ADe Amatricibus Crucis tertiariisque Dominicanis saecularibus in communi viventibus (nn.104-110).

[4] E. Sastre Santos, El ordenamiento de los Institutos de votos simplices según las ANormae@ de la Santa Sede 1854-1958. Introducción y textos, P.U. Urbaniana Roma 1993, p.74.

[5] Về sự phân biệt lời khấn và lời thề trong giáo luật, xc. Giải thích Giáo luật. Dân Thiên Chúa, tập IV, trang 557-558; 687-706.

[6] Đối với các hội dòng thuộc thẩm quyền Bộ Truyền giáo, xc. S.C. de Propaganda Fide, Normae pro Constitutionibus Congregationum iuris dioecesani, Typis Polyglottis Vaticanis 1940.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here