LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG MỘT

0
2054

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

Mục Lục

Chương Một: NHỮNG HÌNH THỨC SƠ KHỞI

Mục 1. Đời tu trì trước Kitô giáo

Mục 2. Tân ước với đời tu trì

Mục 3. Các nhà khổ hạnh

Mục 4. Hàng ngũ trinh nữ

Chương Hai: NHỮNG CHẶNG KHỞI ĐẦU CỦA ĐỜI ĐAN TU…..

Mục I. Lịch sử đời đan tu bên Đông phương

Mục II.Lịch sử đời đan tu bên Tây phương

Chương Ba: LÝ TƯỞNG ĐỜI ĐAN TU

Mục I. Văn học đời đan tu

Mục II. Những bản luật cổ điển

Chương Bốn: SỰ TIẾN TRIỂN ĐỜI ĐAN TU

Mục 1.Liên hiệp đan viện

Mục 2. Lưu luyến đời ẩn sĩ

Chương Năm: CÁC TĂNG SĨ

Mục 1. Lịch sử các giáo sĩ tu trì

Mục 2. Mối tương quan  giữa ơn gọi giáo sĩ và ơn gọi tu sĩ

Chương Sáu:  NHỮNG DÒNG HÀNH KHẤT

Mục 1. Nguồn gốc

Mục 2. Thần học đời tu

Mục 3. Những bước thăng trầm

Chương Bảy: CÁC NỮ ĐAN SĨ

Mục 1.Thời các giáo phụ

Mục 2. Thời Trung cổ và Cận đại

Mục 3. Ý nghĩa đời tu “kín”

Chương Tám: CÁC GIÁO SĨ KỶ LUẬT

Mục 1. Lịch sử

Mục 2. Linh đạo

Chương Chín: CÁC TU ĐOÀN

Mục 1. Lịch sử

Mục 2. Linh đạo

Chương Mười: CÁC HỘI DÒNG

Mục 1. Các hội dòng nam

Mục 2. Các  hội dòng nữ

Mục 3. Đặc trưng

Chương Mười Một: CÁC TU HỘI ĐỜI

Mục 1. Lịch sử

Mục 2. Đặc trưng

————–

Trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày sự tiến triển của các hình thức tu trì, được phân làm ba giai đoạn chính: thời giáo phụ; thời trung cổ; thời cận đại.

I. THỜI GIÁO PHỤ

Trong giai đoạn Một, chúng ta sẽ theo dõi sự phát triển các hình thức tu trì Kitô giáo từ hồi khởi thủy Giáo Hội cho đến hết thời các giáo phụ, và nói được là kéo dài ra suốt thiên niên kỷ thứ nhất: bắt đầu là các nhà khổ hạnh và các trinh nữ (chương Một), rồi đến đời sống đan tu dưới nhiều hình dạng khác nhau bên Đông phương và Tây phương (chương Hai-Bốn).

————-

Chương Một. 

NHỮNG HÌNH THỨC SƠ KHỞI

————-

Đời tu trì Kitô giáo khởi đầu từ khi nào? Thật không dễ trả lời. Có người cho rằng đời sống tu trì Kitô giáo bắt đầu từ thế kỷ IV với nếp sống đan tu trên sa mạc. Một ý kiến đối lập cho rằng không thể nào xác định khởi điểm đời sống tu trì Kitô giáo, bởi vì hiện tượng này đã hiện hữu từ nhiều thế kỷ trước Kitô giáo. Một ý kiến thứ ba cho rằng đời tu trì Kitô giáo xuất hiện với Đức Kitô, bởi vì Người đã mang lại một sắc thái mới cho hiện tượng tu trì.

Thiết tưởng cả ba ý kiến vừa nói đều có lý, tùy theo quan điểm của mỗi người về đời tu trì. Ngay trong lịch sử Kitô giáo, đời sống tu trì đã mang nhiều dạng thức khác nhau rồi; tất nhiên khi đối chiếu với các tôn giáo khác thì sự khác biệt lại càng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, dù có nhiều sự khác biệt đi nữa, nhưng những điểm tương đồng cũng không ít. Vì thế, tuy hình thức tu trì Kitô giáo mang một thể chế cố định với đời đan tu vào hôì thế kỷ IV, nhưng nó đã được manh nha ngay từ khi Kitô giáo xuất hiện, và ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của các phong trào khổ hạnh tu đức đã được thực hành nơi các tôn giáo khác.

Mục 1. Đời tu trì trước Kitô giáo

Một sự thực không thể chối cãi được là đời tu trì đã xuất hiện trước Kitô giáo, một cách cụ thể là ở Phật giáo, với ba cột trụ là “Phật – Pháp – Tăng”. Nếu bên Phật giáo, Tăng đoàn là một thành phần cốt yếu, thì thử hỏi: có thể khẳng định tương tự như vậy bên Kitô giáo không? Thực ra câu hỏi này có thể hiểu theo hai nghĩa: 1) Đời tu trì có thiết yếu đối với Kitô giáo hay không; nói khác đi: phải chăng duy chỉ các nhà tu hành mới thực là Kitô hữu chân chính? 2) Đời tu trì Kitô giáo chịu ảnh hưởng của Phật giáo không?

Câu hỏi thứ nhất (phải chăng chỉ có tu sĩ mới thực là Kitô hữu chân chính?) sẽ được trả lời trong mục kế tiếp khi bàn về nguồn gốc đời tu theo Tân ước. Câu hỏi thứ hai (về ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời tu Kitô giáo), thì thiếu tài liệu chắc chắn. Phật giáo bắt nguồn từ Ấn độ, sau đó được truyền bá sang Trung Hoa, Việt Nam, nghĩa là hướng về phương Đông. Không có tài liệu nào cho biết là Kinh Phật được truyền bá sang miền Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, lịch sử tôn giáo cho thấy rằng hiện tượng tu trì không chỉ xuất hiện ở bên Ấn độ mà thôi, nhưng còn ở nhiều miền khác nữa. Cách riêng, các Kitô hữu tiên khởi đã có dịp tiếp xúc với những hình thức tu trì bên Palestina, hoặc xa hơn chút nữa, với những hình thức tu trì ở vùng Địa-Trung-hải.

I. Hình thức tu trì trong Cựu ước

Ở Việt Nam, vào ngày đầu năm, người ta chúc cho nhau “Phúc, Lộc, Thọ”, và đôi khi còn bông đùa thêm “đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái”. Đó cũng là quan niệm về hạnh phúc ở nhiều dân tộc khác, kể cả dân tộc Israel. Khi gọi ông Abraham lìa bỏ quê cha đất tổ để trở thành tổ phụ một dân tộc mới, Thiên Chúa đã hứa với ông một dòng dõi đông đúc (như sao trên trời, như cát dưới biển) và đồng ruộng mênh mông (xc. St 13,14; 15,5). Những điều đó sẽ còn được lặp lại trong giao ước với ông Moisen: các lời chúc phúc hoặc nguyền rủa được đo lường theo số con cháu và hoa lợi đồng áng (xc. Đnl 28,1-68). Vì thế không lạ gì trong các thánh vịnh ta thấy những lời cầu chúc không khác gì những lời chúc Tết ở xứ mình:

“Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn ở trong nhà / khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128, 2-4; xc.144, 12-15).

Trong bối cảnh đó, thật khó mường tượng có ai đón nhận cảnh độc thân hoặc thanh bần như là phúc lành của Chúa. Tuy vậy, các học giả đã ghi nhận một thể chế những nhà khổ hạnh mang tên là nazir. Hình ảnh quen thuộc với chúng ta hơn hết là ông Samson. Khi bà mẹ còn mang thai, thiên sứ đã nói trước về nếp sống của con mình như sau: “Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một nazir của Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Israel khỏi tay người Philitin” (Tl 13,5-7; 16,17). Thực ra đây không phải là một kỷ luật áp đặt riêng cho ông Samson vì là một anh hùng dân tộc, nhưng là một thể chế khá phổ thông mang tên là nazir (có nghĩa là “khấn hứa, tận hiến”) đã được ghi lại trong chương 6 của sách Dân số như sau:

Bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, đã khấn nazir, tức là khấn đặc biệt kiêng cữ để kính Đức Chúa, thì nó phải kiêng rượu và men nồng (…). Suốt thời gian nó bị ràng buộc bởi lời khấn, dao cạo không được đụng đến đầu nó; bao lâu chưa mãn thời kỳ khấn đặc biệt để kính Đức Chúa, thì nó sẽ là người được thánh hiến; nó phải để cho tóc trên đầu được mọc tự nhiên. Suốt thời kỳ khấn đặc biệt để kính Đức Chúa, nó không được tới gần xác chết. Dù là cha mẹ hay anh chị em nó chết, nó cũng không được để cho mình bị nhiễm uế, bởi vì nó mang trên đầu lời khấn nazir kính Thiên Chúa. Suốt thời kỳ khấn đặc biệt, nó sẽ là người được thánh hiến cho Đức Chúa.

Chúng ta thấy có ba nghĩa vụ kèm theo lời khấn nazir (tận hiến): không cắt tóc; kiêng các đồ uống có men; kiêng không chạm đến xác chết. Có thể coi đó như là dấu hiệu bày tỏ ý muốn thuộc trọn về Thiên Chúa: a/ không cắt tóc: tóc là biểu tượng của sức mạnh, vì thế không cắt tóc mang ý nghĩa là đương sự phó mặc cho Thiên Chúa tác động nơi mình; b/ kiêng rượu: có nghĩa là khước từ nếp sống dễ dãi; c/ kiêng tới gần xác chết: có nghĩa là mình hoàn toàn thuộc về Chúa.

Nói đúng ra, hình như đó chỉ là những nghĩa vụ mà luật đã đặt ra cho một người đã khấn nazir chứ không hẳn là một nếp sống trọn đời, bởi vì lời khấn này có thể chỉ có giá trị trong một thời hạn. Đàng khác, tuy bản văn có giá trị cho đàn ông và đàn bà, nhưng xem ra Kinh Thánh không thuật lại điển tích nào của nữ giới. Ngoài ông Samson, chúng ta còn được biết các nhân vật khác giữ luật nazir, chẳng hạn như ông Samuel (1Sam 1,11); sang thời Tân ước, ông Gioan Tẩy giả (Lc 1,15) và ông Saulô (Cv 18,18).

Có những dòng tu Công giáo lấy ông Gioan Tẩy gia làm khuôn mẫu cho nếp sống khổ hạnh và rao giảng Tin mừng (chuẩn bị cho Chúa đến). Một khuôn mẫu khác của Cựu ước thường được trưng dẫn là ông Elia: ông là người nhiệt thành bảo vệ đức tin, bảo vệ công bình xã hội, cũng như là một con người chiêm niệm và hướng dẫn một đoàn người tu trì (xc. 1V 20, 35; 2 V 2,3; TH số 84b)[1].

II. Hình thức tu trì ở Palestina: nhóm Esseni

Từ lâu các sử gia đã nghe ông Josephus Flavius và ông Philo Alexandria nói đến một cộng đoàn tu trì Do thái mang tên là nhóm Esseni. Danh xưng này có lẽ bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp hosioi (những kẻ thánh thiện) hoặc tiếng Aramic hassaya (những kẻ sùng đạo). Nhóm này tách ly ra khỏi quần chúng, rút vào sa mạc để tìm sự thánh thiện. Do một tình huống may mắn, mãi đến năm 1947, các nhà khảo cổ khám phá ra được địa điểm Qumran, ở bờ Biển Chết, nhờ đó người ta mới biết chi tiết hơn về nếp sống cụ thể của họ. Bản luật của họ được viết vào khoảng từ năm 110 đến năm 75 trước Công nguyên, với những điểm nổi bật sau đây: vâng lời Bề trên (được gọi là “Thầy Công chính”), tình yêu huynh đệ, đức khiêm nhường, việc sữa lỗi huynh đệ.

Lý tưởng của cộng đoàn là nhắm tới sự hoàn hảo thánh thiện. Sự thánh thiện được đạt tới bằng sự thông hiệp với thế giới thần linh (Thiên Chúa và các thiên sứ); sự hoàn hảo được diễn tả qua việc tuân giữ nghiêm ngặt bản Luật. Vì thế cuộc đời của các thành viên được đan dệt bởi sự cầu nguyện, lao động và học hỏi Lề Luật.

Từ sáng sớm, họ đã thức dậy để đọc kinh chung với nhau. Tiếp đó, mỗi người làm công tác được trao phó ở trong cộng đoàn: làm bếp, làm bánh, làm vườn, đồ gốm, chép sách, vv. Đến 11 giờ trưa, họ tham dự một cuộc thanh tẩy (tắm rửa), rồi bữa ăn cộng đoàn. Bữa ăn này mang tính cách phụng vụ: chỉ những phần tử cộng đoàn mới được dự phần, và phải khoác phẩm phục. Dĩ nhiên là trước và sau bữa ăn đều hát kinh chúc tụng và tạ ơn. Sau đó mỗi người trở về với công tác lao động cho đến chiều tối. Sau bữa ăn là buổi canh thức kéo dài 3 tiếng rưỡi đồng hồ.

Cộng đoàn Qumran gồm những người độc thân, chuyên chăm nghiền ngẫm Lời Chúa; nhưng xem ra cũng có hàng giáo sĩ ở đây nữa.

III. Hình thức tu trì bên Ai cập

Trong khảo luận De vita contemplativa (về đời sống chiêm niệm), ông Philô (k.20 trước CN – k.50 CN) có nhắc đến những nhà khổ hạnh sống ở phía Đông thành phố Alêxandria (Ai-cập), gần hồ Mariotis. Ông đặt tên cho họ là Therapeutae, gốc Hy-lạp có nghĩa là “phục vụ” hoặc “chữa trị”, nhưng ông nghiêng về nghĩa thứ hai hơn, bởi vì họ là những kẻ chữa trị bệnh tật của linh hồn, tức là những dục vọng, gây ra sầu não cho con người. Họ sống cuộc đời lành mạnh, chuyên chú vào việc chiêm niệm. Ông thuật lại rằng thỉnh thoảng ông cũng rút lui vào ở với họ, xa cách cảnh náo nhiệt của thành phố.

Chắc rằng một vài Kitô hữu tiên khởi đã có dịp tiếp xúc với nhóm Esseni và có lẽ kể cả với nhóm Therapeutae. Thử hỏi: những nhóm đó đã tác dụng như thế nào đối với lý tưởng đời tu Kitô giáo? Thật khó trả lời, bởi vì thiếu tài liệu lịch sử. Dù sao, bên cạnh những định chế tu trì, chúng ta đừng nên bỏ qua những luồng tư tưởng tâm linh đã tiềm tàng trong Cựu ước, chẳng hạn như khát vọng “đi tìm Chúa, khao khát chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa” (Tv 42,2-3; 143,6-7), hoặc những “người nghèo của Giavê” (anawim), nghĩa là những kẻ khiêm tốn bé mọn (xc Xp 2,3; 3,11; Lc 1,47).

Mục 2. Tân ước với đời tu trì

Trong lịch sử Kitô giáo, không thiếu ý kiến muốn nhận Đức Maria như là tu sĩ đầu tiên, mẫu gương cho kẻ khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời; ý kiến khác thì cho rằng các tu sĩ đầu tiên là các môn đệ (tông đồ) đã từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Kitô; và thậm chí có người khẳng định rằng chính Đức Kitô mới là tu sĩ tiên khởi. Dĩ nhiên, không thể nào tránh được cuộc tranh luận giữa ba ý kiến đó. Nhưng còn một cuộc tranh luận còn gay gắt hơn nữa, có thể phát biểu như sau: Chúa Giêsu có ý định thành lập hàng ngũ tu sĩ trong Hội thánh không?

I. Vấn nạn

Câu hỏi vừa nêu phản ánh một cuộc tranh biện sôi nổi trong thế kỷ XX, giữa hai lập trường trái nghịch.

– Lập trường thứ nhất cho rằng Chúa Giêsu muốn cho tất cả mọi người nên trọn lành (Mt 5,48). Ngài chẳng có ý định thiết lập một thứ phân chia giai cấp trong Hội thánh giữa những người “trọn lành” và những người “không trọn lành”. Toàn thể Phúc âm được dành cho tất cả mọi tín hữu. Đời sống tu trì ra đời do một hoàn cảnh lịch sử của Giáo hội vào thế kỷ III, chứ không nằm trong ý định của Chúa Giêsu.

– Lập trường thứ hai cũng chấp nhận rằng Chúa Giêsu ước muốn cho hết mọi người nên trọn lành (Mt 5,48). Tuy vậy, ai thực sự muốn nên trọn lành thì phải khước từ tài sản gia đình để đi theo Chúa (Mt 19,21). Do đó, các tu sĩ mới thực sự là đồ đệ chân chính của Chúa.

Thành thực mà nói, ta có thể gặp thấy lập trường thứ hai trong nhiều sách thần học tu đức công giáo trước công đồng Vaticanô II; còn lập trường thứ nhất chỉ lưu hành nơi ông Martin Lutherô và các giáo hội Tin lành (tại đây không có hàng ngũ tu trì). Hồi trung tuần thế kỷ XX, lập trường này cũng được các phong trào giáo dân bên Công giáo ủng hộ, bởi vì muốn thúc đẩy các giáo dân dấn thân trong hoạt động tông đồ cũng như trong nếp sống thánh thiện.

Công đồng Vaticanô II đã tìm cách trả lời cho các vấn nạn vừa nói, cách riêng ở chương Năm của Hiến chế tín lý về Hội thánh. Công đồng khẳng định rằng tất cả mọi tín hữu đều được thúc gịuc nên thánh qua việc thực hành đức ái: sự trọn lành thánh thiện là một ơn gọi nhắm tới tất cả mọi tín hữu, chứ không dành riêng cho các tu sĩ. Tuy nhiên, có nhiều đường lối nên thánh khác nhau, tùy theo nếp sống riêng: giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ, người độc thân, kẻ goá bụa, vv. Chúa Giêsu không có ý định thiết lập một hàng ngũ tu trì theo kiểu tương tự như khi thiết lập hàng ngũ tông đồ và bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, Hội thánh có nhiệm vụ thông truyền cho nhân loại gia sản đã nhận được do Chúa Giêsu: Lời của Chúa, Mình Chúa, và lối sống của Chúa. Lối sống của Chúa cần được duy trì cho đến muôn đời nhờ chứng tá của đời sống thánh hiến qua ba lời khuyên Phúc âm. Hiểu như vậy ta có thể nói là đời sống tu trì bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu, nghĩa là bắt nguồn từ chính lối sống của Ngài (xc. HT 44).

Như vậy ta thấy có sự thay đổi lớn trong phương pháp giải thích Kinh thánh.

– Trước đây, người ta tìm cách trích dẫn một câu nói của Chúa Giêsu để chứng minh nguồn gốc đời tu trì, điển hình là câu trả lời cho người thanh niên giàu có: “Nếu anh muốn nên trọn lành, anh hãy về nhà, bán hết những gì anh có, phân phát cho người nghèo, và anh sẽ được kho tằng trên trời. Rồi anh hãy đến đây đi theo tôi” (Mt 19,21). Câu nói này hàm ngụ một lời khuyên mời, dành cho những người tình nguyện (Anếu anh muốn”), chứ không bắt buộc.

– Ngày nay, người ta không muốn dừng lại ở một câu tuyên bố lẻ tẻ, nhưng nhằm đến toàn thể cuộc sống. Đời sống tu trì muốn hoạ lại nếp sống của Chúa Giêsu. Đây là một nghĩa vụ đòi hỏi cho tất cả các môn đệ của Chúa. Tuy vậy, khi đọc kỹ Phúc âm, chúng ta thấy có nhiều đường lối khác nhau để làm môn đệ Chúa. Có những người được mời gọi hãy từ bỏ tất cả mọi sự, kể cả gia đình tài sản, để họp thành một gia đình mới của Chúa Giêsu, dấn thân cho việc loan báo Tin mừng và thi ân giáng phúc cho đồng loại. Đó là nhóm 12 tông đồ, nhóm 72 môn đệ, nhóm một vài phụ nữ được nói đến ở Luca 8,2-3 và Mc 15,41. Mặt khác, không phải tất cả các môn đệ của Chúa đều được yêu cầu khước từ gia đình và tài sản (chẳng hạn như: hai chị em Martha và Maria, ông Giuse Aritmathea, ông Nicôđêmô), nhưng không vì thế mà họ không phải là môn đệ chân chính.

Tất cả mọi người đều phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (xc Mt 22,35); nhưng không phải tất cả mọi người đều được mời gọi hãy bán hết cơ nghiệp để theo Chúa. Ông Matthêu được gọi hãy từ bỏ nghề nghiệp thu thuế để đi theo Chúa (Mt 9,9-13; Mc 2,13-17; Lc 5,27-32); còn ông Dakêô thì chỉ được yêu cầu hãy biết sử dụng tiền bạc hợp với công lý, chứ không phải khước từ hết cơ nghiệp.

II. Mẫu gương

Thực ra, khi tìm hiểu “nền tảng Kinh thánh” của đời tu trì ta có thể nhận thấy hai lối tiếp cạnh khác nhau, (hoặc có thể nói là hai phương pháp sử dụng Kinh thánh).

– Lối thứ nhất là tìm hiểu những bản văn biện minh cho một hàng ngũ những người tình nguyện từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Đây là lối tiếp cận trong thần học tín lý khi bàn về nguồn gốc các bí tích, nguồn gốc chức tư tế thừa tác, nguồn gốc quyền tối thượng của vị kế vị thánh Phêrô.

– Lối thứ hai là tìm hiểu xem xưa nay những đoạn Kinh Thánh đã gợi hứng cho các tín hữu muốn hiến dâng trót đời cho Thiên Chúa. Lối tiếp cận này phong phú hơn nhiều, mà ta tạm đặt tên là “noi theo mẫu gương”, với những khuôn mẫu chính là: Chúa Giêsu, các môn đệ, các Kitô hữu tiên khởi.

A. Mẫu gương của Chúa Giêsu

Xưa nay đã từng có biết bao nhiêu tín hữu nhìn ngắm tấm gương của Chúa Giêsu trong Phúc âm, và họ cố gắng hoạ lại trong đời mình. Có thể là tấm gương của thơ nhi yếu ớt tại Belem; tấm gương của kẻ ẩn dật 30 năm trường ở Nadaret; tấm gương của người đi rao giảng Tin mừng; tấm gương của người đi tiếp xúc với hết mọi thành phần xã hội, cách riêng những kẻ sống bên lề, bị ruồng bỏ hất hủi; tấm gương của kẻ rút vào nơi cô tịch để cầu nguyện; tấm gương của kẻ hiền lành, nhẫn nhục, không đi tìm danh vọng chức quyền; tấm gương của kẻ phó thác cho Cha trên trời; tấm gương của kẻ hy sinh mạng sống, chịu chết thay cho tha nhân. Chúng ta sẽ còn có dịp trở lại điểm này khi phân tích tông huấn Đời sống thánh hiến (chương 12).

B. Mẫu gương của cộng đoàn tiên khởi

Ngoài tấm gương chính bản thân Chúa Giêsu Thầy chí thánh, nhiều tín hữu cũng tìm cách học hỏi cách thức đi theo Chúa ở nơi các môn đệ ưu tuyển của Ngài.

1/ Người môn đệ hoàn hảo hơn cả là Đức Mẹ Maria, người thân mẫu đã muốn trở thành kẻ thụ huấn lắng nghe lời Chúa (xc Lc 11,27-28). Người là tấm gương cho kẻ nghiền ngẫm lời Chúa (xc Lc 2,19.51), sẵn sàng để cho Lời Chúa hướng dẫn, kể cả vào những lúc thử thách cam go. Người là tấm gương cho kẻ tin (xc Lc 1,45). Người đã đón nhận Thiên Chúa vào cung lòng và trở thành đền thờ sống động của Thánh Linh. Các kẻ tận hiến cho Chúa cũng muốn đưa Người về ở với mình, theo như lời ký thác của Chúa Giêsu trên thập tự (xc Ga 19, 27). Trên thực tế, Mẹ đã hiện diện với cộng đoàn tín hữu tại Giêrussalem, cùng cầu nguyện với họ để khẩn nài Thánh Linh ngự đến (xc Cv 1,13-14).

2/ Các thánh tông đo cũng trở thành tấm gương của những kẻ từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa (Mc 1,16-20). Hơn thế nữa, họ đã ở lại sống bên cạnh Chúa, họp thành một gia đình mới của Chúa (Mc 3,13-15. 32-35). Trong số các tông đồ, thánh Phaolô đã nổi bật về lòng gắn bó với Chúa Kitô, sống chết cho Chúa, hăng say phục vụ rao giảng Tin mừng ngõ hầu mọi người được biết Chúa.

3/ Cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem đã trở thành nguồn hứng khởi cho nhiều bản luật đan tu cổ điển. Đời tu trì được hình dung như là nỗ lực tái lập cộng đoàn Giêrusalem, được thuật lại ở đầu sách Tông đồ công vụ (2,42-47; 4,32-35; 5,12-16). Tất cả các phần tử chia sẻ với nhau niềm tin vào lời giảng của các thánh tông đồ; họ cùng nhau tham gia việc cầu nguyện và bí tích Thánh Thể; tình đoàn kết huynh đệ đưa đến việc đặt hết tài sản làm của chung.

Tóm lại, thật khó vạch ra một mối liên hệ chặt chẽ giữa các hình thức tu trì hiện nay với hình thức tu trì vào thời nguyên thuỷ. Nhưng đó là xét dưới phương diện nguồn gốc lịch sử; nhưng nếu xét về nguồn hứng khởi, thì phải nhận rằng trải qua nhiều thế hệ, các tu sĩ không ngừng nghiền ngẫm Tân ước để tìm cho mình một khuôn mẫu cho cuộc sống.

Mục 3. Các nhà khổ hạnh

Trong hàng ngũ các môn đệ của Chúa Giêsu, có những người đi theo Chúa, chia sẻ cuộc sống bấp bênh nay đây mai đó, nhưng đa số vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật tại gia đình. Điều này cũng diễn ra trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Lý tưởng cao nhất để biểu lộ lòng gắn bó với Chúa Kitô là chết cho Thầy mình, nói cách khác đó là sự tử đạo, như ta đọc thấy nơi các thư của thánh Inhaxiô giám mục Antiôkia[2]. Bên cạnh đó, có những người theo gương của các thánh tông đồ dấn thân rao giảng Tin mừng, như sách Tông đồ công vụ còn để lại vài tên tuổi như là: Apollô, Aquila và Priscilla (Cv 18,2-3;18-26); Sosaprô, Aristarcô và Seconđô, Gaiô, Timôthê, Tikikô, Trophinô (xc Cv 20,4-5).

Trong các văn phẩm thời các tông phụ, chúng ta thấy nói đến những nhà khổ hạnh (tiết độ: continentes), hoặc sống tại gia đình hay di động để thực hành những công tác bác ái và truyền giáo (xc. Didache, ch.12-13; Clementê, ep. ad Corinthios, 38,2). Bước sang thế kỷ II thì văn chương về sự khổ chế tăng gia, nhắm hướng dẫn các tín hữu trong bước đường khổ hạnh.

Trên thực tế, các giáo phụ không chỉ phải đương đầu với những trào lưu trụy lạc của thời đại, nhưng còn phải lo chống lại những quan điểm sai lầm của vài lạc giáo, điển hình nơi nhóm “tiết dục” (encratismus, gốc bởi từ hy-lạp egkrateia: điều độ, tiết chế), chủ trương rằng ơn cứu rỗi chỉ được dành cho những kẻ kiêng thịt, kiêng rượu và không kết hôn. Người ta gán cho ông Tatianus (k.172) là thủ lãnh của phong trào này. Không rõ sự bài trừ hôn nhân là một lạc thuyết phát sinh từ Kitô giáo, hay là chịu ảnh hưởng của các phong trào ngoại đạo đã bị thánh Phaolô vạch mặt từ lâu (xc. 1Cr 7,28; 1Tm 4,3): theo họ, hôn nhân là điều tội lỗi. Nhóm Montanô cũng bài trừ hôn nhân, lấy cớ là chuẩn bị cho cuộc Quang lâm gần kề[3]. Một nguy cơ nữa của những nhà khổ hạnh là rơi vào tội kiêu ngạo, nghĩ rằng mình hoàn thiện hơn người khác, và thậm chí tự mãn đến độ không dựa vào sự trợ lực của ân sủng.

Tuy phải đề phòng về các nguy cơ vừa kể, nhưng không thể nào phủ nhận sự cần thiết của công tác khổ chế trong tiến trình của đời sống tâm linh. Điều này được xác nhận nơi các bậc thầy của các tôn giáo lớn trên thế giới, như chúng tôi đã có dịp trình bày trong tập IV, khi nói đến kỷ luật của Yoga (trang 57tt; 283tt). Người Kitô hữu còn thêm một động lực mới, đó là hoạ theo mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô[4]. Những điều này có giá trị cho tất cả mọi tín hữu, và tất nhiên cho các tu sĩ. Như chúng ta đã thấy trong tập V, truyền thống tâm linh của các đan tu Đông phương không những đã thiết định những hình thức khổ chế (kiêng cữ, chay tịnh, canh thức, cầu nguyện, thống hối), nhưng còn đề ra cả một lý thuyết biện minh: những công tác đó nằm trong kế hoạch praxis nhằm thanh luyện con tim và chuẩn bị cho theoria, chiêm ngưỡng nhan Chúa[5]. Truyền thống này được thành hình từ các sư phụ trên sa mạc, được đưa vào các bộ luật của cộng đoàn đan tu, và được thích nghi khi cho các dòng hoạt động tông đồ. Như sẽ trình bày trong những chương sắp tới, các đan sĩ đầu tiên rời bỏ thành thị và tìm nơi cô tịch thanh vắng để gặp gỡ Chúa; sang thời Trung cổ, các tu sĩ sẽ tìm về thành thị để rao giảng Tin mừng và phục vụ người nghèo. Tuy dù khung cảnh sống trái ngược, nhưng tinh thần khổ chế vẫn đồng nhất, đó là theo gương Đức Kitô, từ bỏ ý muốn riêng tư và phục vụ ý định cứu độ của Thiên Chúa.

Chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề ý nghĩa khổ chế đối với đời tu ở chương 14.

Mục 4. Hàng ngũ trinh nữ

Những nhà khổ hạnh vừa nói trên đây bao gồm cả hai phái, tuy thường chú trọng đến nam giới hơn. Hàng ngũ trinh nữ thì đương nhiên được hiểu về phái nữ. Sự hiện diện của họ đã được ghi nhận ngay từ các tác phẩm Tân ước.

Khi đọc Phúc âm chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã muốn khôi phục lại giá trị của hôn nhân khi khẳng định tính cách bất-khả-ly theo như ý định của Đấng Tạo hoá vào thời nguyên thuỷ. Kinh nghiệm cho thấy duy trì sự chung thuỷ hôn nhân không dễ chút nào, như các môn đệ đã thú nhận (Mt 19,10). Vì thế cần phải huấn luyện con tim, bởi vì tội ngoại tình bắt đầu từ con tim, từ cái nhìn ngang trái chứ không phải chỉ từ hành động mà thôi (Mt 5,27). Ngoài việc đề cao sự thánh thiện của hôn nhân, Chúa Giêsu còn mở ra một viễn tượng mới, đó là sự chọn lựa sống độc thân vì Nước Trời (Mt 19,11-12).

Cần phải ghi nhận một cuộc cách mạng tư tưởng giáo huấn của Đức Giêsu. Xã hội đương thời cho rằng con cái đông đúc là một sự chúc lành của Thiên Chúa. Người phụ nữ son sẻ bị xã hội coi như một hình phạt (xc 1Sam 1,6). Sự trinh tiết lại càng đáng than khóc hơn nữa, như sự tích cô Mizpah được kể lại trong sách Thủ lãnh (11,37-40). Thế nhưng, ngoài đức trinh nữ Maria, Tân ước đã cho thấy sự hiện diện của các trinh nữ trong Hội thánh nguyên thuỷ, chẳng hạn như bốn người con gái ông trợ tá Philipphê (Cv 21,9). Lá thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corintô cũng cho ta biết rằng tại đây có những trinh nữ, và sự độc thân để chuyên lo việc Chúa là một ân huệ chứ không phải là điều đáng thương tiếc (1Cr 7,7.34).

I. Hàng ngũ trinh nữ

Nhiều giáo phụ đã để lại văn phẩm vừa đề cao nếp sống của các trinh nữ, đồng thời cũng không bỏ qua những mặt trái của nó[6].

A. Thần học

Trong số những điểm tiêu cực, ngoài nguy cơ lên mặt kiêu căng, các giáo phụ đã lên án hủ tục các trinh nữ sống chung với các người nam độc thân (chế độ này – mang tên là virgines subintroductae, agapetae, syneisaktoi, matrimonium spirituale – bị nhiều công nghị lên án).

Tuy nhiên những điểm tích cực vượt xa những lệch lạc. Các vị hộ giáo đã đề cao các trinh nữ như là chứng cớ cho sự tuyệt vời của Kitô giáo, giữa một xã hội trụy lạc đương thời. Đi xa hơn nữa, các giáo phụ đã khai triển khía cạnh huyền nhiệm của đức trinh khiết Kitô giáo: họ không lập gia đình để dành hết tâm lực cho công việc của Chúa (xc. 1Cor 7,32); họ đã “kết duyên” với đức Kitô, và như thế trở thành biểu tượng cho Hội thánh là hiền thê của Đức Kitô (Tertullianô; Cyprianô, khai triển Ep 5,32). Đồng thời, cũng tựa như Hội thánh, các trinh nữ cũng trở thành “hiền mẫu” bởi vì sinh ra những con cái thiêng liêng qua việc cầu nguyện và công tác bác ái.

B. Nếp sống

Vào buổi đầu, các trinh nữ sống tại gia đình, tương tự như các phụ nữ khác. Dần dần, phụng vụ đặt ra một nghi thức “thánh hiến trinh nữ” (consecratio virginum), qua lời cầu nguyện của giám mục và nghi thức trao khăn che đầu (velatio). Các trinh nữ họp thành một hàng ngũ (ordo) trong Giáo hội.

Về sau, khi đời sống đan tu phát triển, hàng ngũ trinh nữ được sát nhập hàng ngũ tu trì. Sau công đồng Vaticanô II, Giáo hội đã tái lập hàng ngũ các trinh nữ, những người dâng mình cho Chúa nhưng không gia nhập một hội dòng. Kỷ luật được quy định ở số 604 của bộ giáo luật (ban hành năm 1983). Nhà lập pháp để cho mỗi giám mục thiết lập hàng ngũ này trong giáo phận của mình, ấn định những điều kiện gia nhập, việc đào tạo, sự cam kết và hoạt động. Các trinh nữ có thể sống biệt lập hoặc quy tụ thành hiệp hội. Nghi thức thánh hiến được Bộ Phụng tự ban hành ngày 31 tháng 5 năm 1970.

II. Các goá phụ

Trong Giáo hội sơ thủy, ngoài các trinh nữ ra, các giáo phụ còn nhắc đến các goá phụ như hàng ngũ những người dâng mình cho Chúa. Nói đúng ra, hiện tượng những bà goá dâng mình cho Chúa đã hiện hữu trước Kitô giáo rồi, bằng cớ là khi Đức Mẹ dâng hài nhi Giêsu trong đền thờ thì gặp bà cụ Anna đã tám mươi tư tuổi, goá chồng sau 7 năm thành hôn và từ đó bà dâng những tháng năm còn lại để phụng sự Chúa (xc. Lc 2,36-38).

Trong thư thứ nhất gửi Timothê, ta thấy thánh Phaolô nhắc đến các quả phụ không chỉ như những người cần được cộng đoàn quan tâm săn sóc, nhưng còn như là những nhân viên phục vụ Giáo hội nữa: họ dâng mình vào việc cầu nguyện, đón tiếp lữ khách (1Tm 5,5.10). Xem ra họ họp thành một đoàn ngũ, và một điều kiện để được đăng ký là phải đạt được 60 tuổi đời.

Thực ra cũng nên lồng vấn đề trong bối cảnh lịch sử. Xã hội thời xưa tôn trọng sự chung thuỷ vợ chồng, và mối dây vẫn được duy trì dù khi một người đã qua đời; thậm chí có nơi coi việc tái giá như là ngoại tình. Não trạng này phản ánh nơi các thư của thánh Phaolô, với nhiều ý kiến khác biệt, thậm chí trái nghịch. Trong thư thứ nhất gửi Corintô, thánh nhân nghĩ rằng việc tái giá không phải là chuyện xấu xa tội lỗi, nhất là khi không thể chống cự cơn cám dỗ (1Cr 7,8-9); tuy nhiên thánh Phaolô cho rằng nên ở vậy thì tốt hơn (1Cr 7,39-40). Đến khi sang lá thư thứ nhất gửi Timothê (5,14), thánh tông đồ khuyên các bà goá nên tái giá nhất là khi còn trẻ: “Tôi muốn các bà goá trẻ này hãy taí giá, sinh con cái, lo việc cửa nhà, đừng để cho đối phương có dịp bới móc”.

Ý kiến của các giáo phụ cũng không đồng nhất. Một khuynh hướng nghiêm khắc cho rằng dây hôn nhân bất khả ly cho dù một bên đã chết. Tượng trưng cho ý kiến này là ông Tertullianô (De exhortatione castitatis; De monogamia). Các giáo phụ khác bên Hy-lạp (Grêgôriô Nazianzô, Gioan Kim Khẩu) thì chỉ nhắm mắt làm ngơ cho phép tái giá một lần thôi, nhưng ngăn cấm lần thứ ba hoặc thứ tư.

Nói chung, người ta cổ võ việc duy trì sự thủ tiết hơn là tái giá. Từ thế kỷ III, nhiều tài liệu cho thấy các bà goá họp thành một hàng ngũ (Ordo viduarum), với một nghi thức gia nhập cũng tương tự như nghi thức thánh hiến dành cho các trinh nữ (xc. Traditio apostolica, Didascalia). Các quả phụ cũng như một vai trò trong Giáo hội tương tự như các “nữ trợ tá” (diaconissa), nghĩa là dạy giáo lý cho các dự tòng, chuẩn bị cho họ lãnh bí tích rửa tội, giúp đỡ những người đồng cảnh.

Từ thế kỷ IX trở đi, hàng ngũ các goá phụ không còn được nói đến trong các giáo hội bên Tây phương nữa. Dĩ nhiên, thời nào cũng có các goá phụ không muốn tái giá, nhưng đó là một sự lựa chọn tư riêng, chứ không họp thành một hàng ngũ được nhìn nhận trong Giáo hội. Tại khóa họp Thượng hội đồng giám mục về đời thánh hiến (năm 1994), có ý kiến đề nghị khôi phục lại hàng ngũ này. Tông huấn Đời sống thánh hiến chỉ nói lướt qua ở số 7, mở rộng cho cả hai giới nam nữ: những người này khấn giữ khiết tịnh trọn đời như là dấu chỉ của Nước Chúa, và dâng hiến đời mình vào việc cầu nguyện và phụng sự Hội thánh.

Trên thực tế, trong thời kỳ Đệ Nhị Thế chiến, một hiệp hội các bà goá đã được thiết lập tại Paris vào năm 1943 (Notre Dame de la Résurrection), với một nghi thức chúc lành được Toà thánh nhìn nhận năm 1984. Nghi thức bao gồm việc bày tỏ ý định dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa (bao gồm việc giữ khiết tịnh trọn đời), lời cầu cung hiến, và làm phép nhẫn cưới (lần thứ hai).

Thật khó biết được trong tương lai hàng ngũ các người goá (nam hoặc nữ) sẽ được tái lập như thế nào. Dù sao, giáo luật hiện hành không cấm những người goá bụa gia nhập hàng tu sĩ, và con số những người goá vợ gia nhập hàng giáo sĩ (phó tế vĩnh viễn hoặc linh mục) không phải là hiếm. Chúng ta sẽ còn trở lại với vấn đề trinh khiết độc thân khi bàn đến các văn kiện Giáo hội liên quan đến ba lời khuyên Phúc âm (chương 13). Ở đây chỉ cần ghi nhận sự phân biệt hai khía cạnh của tình trạng sự độc thân hoặc goá bụa: xét như là điều kiện xã hội, và xét như là một sự hiến thân. Trong thư thứ nhất gửi Timothê (5,3-16), thánh Phaolô đã phân biệt nhiều hạng bà goá:

– có những bà được gia đình nâng đỡ; vì thế cộng đoàn khỏi bận tâm (câu 4);

– có những bà không có chỗ nương tựa; vì thế cộng đoàn có bổn phận phải chăm sóc (câu 3.5.16);

– có những bà (dù có chỗ nương tựa hay không), được Giáo hội mời gọi tham gia vào công tác (câu 9-15).

Hai hạng đầu tiên bàn về điều kiện xã hội; còn hạng thứ ba mới họp thành một “hàng ngũ” (ordo) thi hành một tác vụ, cách riêng là việc cầu nguyện và bác ái. Dĩ nhiên là cần phải hội đủ vài điều kiện luật định thì mới có thể gia nhập hàng ngũ này.

—————-

[1] Xc. Đời sống tâm linh, tập IV, trang 131-139.

[2] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 66-72.

[3] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 77; 91-94.

[4] Xc. Đời sống tâm linh, tập III, trang 295-309.

[5] Xc. Đời sống tâm linh, tập V, trang 210-218.

[6] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 72-77.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here