LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG BỐN

0
1260

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

———————

Chương Bốn

SỰ TIẾN TRIỂN ĐỜI ĐAN TU

———————

Trong những chương trên đây, chúng ta đã tìm hiểu các hình thức tu trì và văn học đời đan tu vào thời các giáo phụ. Tuy nhiên đời đan tu không dừng lại ở đó.

Trong tập Năm, chúng tôi đã trình bày sự tiến triển của đời đan tu bên các Giáo hội Đông phương. Địa bàn đã chuyển từ miền Ai-cập, Palestina, Tiểu Á, sang Hy-lạp (núi Athos) và vùng Đông Au[1]. Nói chung, bên Đông phương hình thức đan tu được duy trì dưới ba dạng thức: ẩn tu, bán ẩn tu, cộng đoàn. Bên Tây phương, một đàng, đời tu trì sẽ còn chứng kiến nhiều hình thức khác (như sẽ thấy trong những phần kế tiếp); đàng khác, chính đời đan tu cũng sẽ biến dạng không ít: tiếp theo nhiều cuộc cải tổ về phía chính quyền hoặc giáo quyền, các đan viện được liên kết với nhau ở dưới trướng của luật thánh Biển đức, nhưng dần dần được tách ra thành Dòng (Ordo) biệt lập: Biển đức, Xitô (mục 1); đồng thời lại xuất hiện những khuynh hướng muốn quay về hình thức ẩn sĩ (mục 2). Xin lưu ý là trong chương này, chúng tôi chỉ bàn đến nam giới; các nữ đan sĩ sẽ được đề cập trong một chương riêng vào thời Trung cổ (chương Bảy).

Mục 1. Liên hiệp đan viện

Đời sống đan tu bên Tây phương mang nhiều sắc thái đa dạng: ngoài những cộng đoàn giáo sĩ sống cạnh toà giám mục còn có những cộng đoàn đan sĩ được thiết lập trên núi đồi hoặc các hoang đảo. Mỗi cộng đoàn tuân giữ một bản luật riêng.

Trong chương trình cải cách Giáo hội, hoàng đế Charlemagne (768-814) muốn thống nhất tất cả các cơ chế: phụng vụ (một nghi điển), hàng giáo sĩ (một kỷ luật chung), các đan sĩ (một bản luật). Chúng tôi sẽ bàn đến việc kỷ luật giáo sĩ trong chương tới. Riêng về các đan sĩ, hoàng đế áp đặt một bản luật cho tất cả mọi đan viện.

Giấc mơ của hoàng đế Charlemagne được thực hiện dưới thời vua Louis le Pieux (814-840), với các khoá công nghị (Capitularia) họp tại Aachen (Aix-la-Chapelle) vào năm 816-817. Một nhân vật đã thúc đẩy công cuộc cải tổ các đan sĩ là thánh Beneđictô viện phụ Aniane (750-821). Vị này, sau khi nghiên cứu các bộ luật cổ điển Đông Tây (Concordia Regularum), đã tìm cách áp đặt bộ luật thánh Biển-đức cho tất cả mọi đan viện, dựa theo sự chú giải và châm chước của mình (Codex Regularum). Với biện pháp này, các bộ luật cũ dần dần bị loại trừ: các đan viện sẽ tuân giữ luật thánh Biển-đức, kèm theo Quy chế và Tập tục riêng (Statuta et Consuetudines).

I. Cuộc cải tổ Cluny

Cuộc cải tổ của vua Louis le Pieux không tồn tại sau khi nhà vua băng hà. Thêm vào đó, những cuộc xâm lăng của quân man-di (Saraceni, Normanni, Huni) đã gây ra nhiều cảnh tan nát. Đời đan tu sa sút thì cũng là chuyện dễ hiểu.

Ngoài ra, chế độ phong kiến không chỉ khuyến khích tính cách địa phương tự trị, nhưng còn muốn đặt các giáo phận và đan viện dưới quyền điều khiển của các lãnh chúa. Nhằm đưa Giáo hội ra khỏi sự lệ thuộc thế quyền, đức thánh cha Grêgoriô VII (1073-1085) thực hiện cuộc cải tổ tăng thêm quyền bính của Giáo hoàng. Một chiều hướng tương tự cũng diễn ra trong đời đan tu, khởi sự từ đan viện Cluny, được thành lập năm 909 do quận công Guillaume le Pieux,và đặt dưới sự lãnh đạo của viện phụ Bernon (+927). Cluny phát triển mạnh mẽ nhờ sự hướng dẫn của những viện phụ tài đức như thánh Odon (+942), Aymard (942-954), Mayeul (954-994), Odilon (994-1049), Hugues I de Semur (1049-1109).

Công cuộc cải tổ để lại hai dấu vết trong lịch sử đời đan tu.

– Thứ nhất, chú trọng đến phụng vụ (Opus Dei, laus perennis), với hậu quả là giảm bớt công việc lao động chân tay. Cũng nên biết là vào thời này, đa số các đan sĩ thụ phong linh mục.

– Thứ hai, Cluny tổ chức một mạng lưới nối kết các đan viện thành một Dòng Ordo cluniancensis ecclesiae: tất cả mọi đan viện đều tuân giữ luật thánh Biển đức, và các Tập tục (Usus et consuetudines), tùng phục một viện phụ duy nhất, tức là bề trên nhà mẹ. Khi viện phụ Odilon qua đời, thì Dòng đã kết nạp được 75 đan viện, và đến thời cực thịnh vào thế kỷ XII, con số lên đến hơn 1200 đan viện trong toàn châu Âu. Đối ngoại, các đan viện được Toà thánh cấp đặc ân miễn trư, nghĩa là khỏi tùng phục giám mục địa phương. Tiến trình này manh nha dưới thời đức Gregoriô V (996-999) và hoàn tất dưới thời đức Gioan XIX (công nghị Rôma, 27 tháng 3 năm 1027): các đan sĩ được đặt dưới sự bảo trợ của Toà thánh, không lệ thuộc giám mục dù về quyền tài phán hoặc về quyền thánh chức.

II. Cuộc cải tổ Citeaux

Đan viện Citeaux được thành lập ngày 21/3/1098 do cha Robert viện phụ Molesme (+1111) ở một nơi hoang địa, với chủ trương trở về hình thức nguyên sơ của luật thánh Biển-đức.

Cơ cấu tổ chức được hoàn chỉnh dưới thời viện phụ Stephanus Harding (1109-1134). Citeaux trở thành một Dòng (Ordo) vào năm 1119, dựa trên Charta caritatis (Hiến chương bác ái), tôn trọng sự tự trị của mỗi đan viện (nghịch lại khuynh hướng tập trung vào đan viện mẹ của Dòng Cluny). Các đan viện liên kết với nhau nhờ mối dây đức ái và qua hai định chế pháp lý: a/ tổng hội tất cả các viện phụ họp hàng năm; b/ việc kinh lý của bốn vị “tiên chỉ” (primi abbates), nghĩa là viện phụ của bốn đan viện tiên khởi (La Ferté, Pontigny, Clairvaux, Morimond).

Sang đến thế hệ thứ hai, ta thấy có sự chuyển hướng không nhỏ. Các đan sĩ không rút vào nơi đồng hoang cỏ vắng (horror solitudo), nhưng tham gia đắc lực vào sinh hoạt của giáo quyền, nơi các khuôn mặt của thánh Bênađô viện phụ Clairvaux (+1153), Guillaume de Saint-Thierry (+1148), Aelred de Rielveaux (+1167), Amedeus de Lausanne (+1159), Isaac de Stella (+1169), thậm chí một môn sinh của Bênađô đắc cử giáo hoàng Eugeniô III (1145-1153).

Xét về cơ chế, các đan viện Dòng Citeaux liên kết với nhau qua tổng tu nghị, nơi gặp gỡ các viện phụ. Riêng trong đời sống nội bộ của mỗi đan viện, Citeaux giảm bớt thời gian ở nhà thờ và thêm giờ lao động. Con số những tu sĩ không linh mục cũng tăng thêm qua định chế “trợ sĩ” (conversi).

III. Thời Trung cổ và cận đại

1. Các công đồng Laterano I (1123), Laterano II (1139), Laterano IV (1215) củng cố thêm các định chế liên minh giữa các đan viện. Tất cả các đan sĩ buộc phải giữ luật thánh Biển-đức, kèm thêm các tập tục, nội quy (Consuetudines, Statuta). Các đan viện được gom thành “tỉnh” (provincia), với các “tỉnh hội” (capitulum provinciale) và các cuộc kinh lý.

2. Sang thế kỷ XV, vào thời kỳ cải tổ các dòng tu, nảy ra một định chế mới là “chi dòng” (Congregatio), gồm những đan viện chấp nhận chương trình cải cách, khởi sự từ đan viện Santa Giustina (Padova, Italy) do cha Ludovico Barbo xướng xuất năm 1412, và được Tòa thánh phê chuẩn năm 1431. Chi Dòng được cai quản do tổng hội (capitulum generale) và tổng phụ (abbas generalis). Những chi dòng đầu tiên là Cassinensis (đan viện Monte Cassino), Valladolid bên Tây-ban-nha (1436).

3. Hưởng ứng lời kêu gọi cải tổ của công đồng Trentô, cha Armand de Rancé (1626) lập đan viện La Trappe, chủ trương giữ luật thánh Biển-đức với khuynh hướng nghiêm nhặt (kiêng thịt, thinh lặng tuyệt đối).

4. Sau nhiều lần bị giải tán (do cuộc cánh mạng 1789 bên Pháp và do hoàng đế Joseph II bên Áo), các đan viện được tái lập cùng với thể chế Congregrationes (Chi Dòng). Vào cuối thế kỷ XIX, các chi dòng được quy tụ thành một “Liên minh các chi dòng thánh Biển đức” (Confoederatio congregationum monasticarum Ordinis S. Benedicti), được thiết lập do đoản dụ Summum semper của đức Lêô XIII (12/7/1893), đứng đầu là Abbas Primas cư ngụ tại Rôma.

IV. Hiện tình các Dòng đan tu

Dựa theo truyền thống, Bộ giáo luật Đông phương (năm 1990) đã đặt các đan viện đứng hàng đầu các định chế của đời tu trì. Tuy nhiên, con số các đan viện Công giáo không đông cho lắm, sánh với các Dòng Tu và Hội dòng. Dù sao, ở đây chúng tôi chỉ chú trọng đến các dòng đan tu trong Giáo hội latinh.

1/ Dòng Biển đức: Ordo Sancti Benedicti (O.S.B.)

Confoederatio do Thống phụ (Abbas Primas) lãnh đạo, gồm có 21 Congregationes. Abbas Primas được bầu do đại hội gồm tất cả các viện phụ.

– Đứng đầu mỗi Congregatio là Preses hoặc Abbas Generalis. Đôi khi Congregatio còn được chia thành provincia

– Đan viện do một viện phụ điều khiển. Viện phụ được chúc phong. Tuy nhiên, không phải bất cứ đan viện nào cũng có  viện phụ.

2/ Dòng Xitô: Ordo Cisterciensis (O.Cist.)

– Đứng đầu Dòng là Abbas Generalis

– Dòng gồm 12 Congregationes, vị đứng đầu gọi là Abbas preses.

3/ Dòng Trappe: Ordo Cisterciensium Strictioris Observantiae (O.C.S.O.)

Cũng theo tinh thần của dòng Xitô, nhưng xét về cách tổ chức thì không phân chia thành Congregatio

Mục 2. Lưu luyến đời ẩn sĩ

Hình thức tu trì khởi đầu dưới dạng ẩn sĩ (như thánh Phaolô và thánh Antôn), rồi tiến sang dạng “nhóm ẩn sĩ” (các môn đệ của thánh Antôn, các laura), và “cộng đoàn” (thánh Pacômiô, Basiliô, Biển-đức). Từ thời Trung cổ, các đan viện lại liên kết thành “Dòng” (ordo) và “Chi dòng” (congregatio). Tuy nhiên lịch sử đời đan tu còn ghi nhận một hướng chuyển động ngược chiều: không ít người vẫn nhớ nhung đời ẩn sĩ, đến nỗi có những Dòng được thiết lập nhằm khuyến khích nếp sống ẩn sĩ. Sau cùng, bộ giáo luật 1983 đã khôi phục lại nếp sống này trong Giáo hội latinh[2].

I. Những Dòng tu “bán ẩn sĩ thời Trung cổ

Như đã nói, bên các giáo hội Đông phương, các dạng ẩn sĩ, bán ẩn sĩ, cộng đoàn cùng tồn tại ở trên núi Athos hay bên Nga. Bên Tây phương, đời đan tu ra như được đồng hoá với đời sống theo luật thánh Biển-đức, nghĩa là sống trong đan viện và tùng phục viện phụ.

Tuy nhiên, vào thế kỷ XI, khi mà các đan viện Biển-đức tiến đến các hình thức liên minh của Cluny và Citeaux, thì lại nảy ra nhiều khuynh hướng không những bảo vệ quyền tự trị của các đan viện mà còn trở về với nếp sống ẩn sĩ. Các sử gia ghi nhận ba “đợt” dòng tu ẩn sĩ thời Trung cổ[3]; hay nói chính xác hơn, những dòng “bán ẩn sĩ”.

1/ Đợt thứ nhất giới hạn trong lãnh thổ Italia, điển hình là các đan viện Camaldoli (1012) do thánh Romualđô (952-1027), và Vallombrosa (1039) do thánh Gioan Gualbertô (985-1073) thành lập.

2/ Đợt thứ hai kéo dài từ năm 1050-1150 mang tính cách rộng lớn và đa dạng hơn. Nổi tiếng nhất bên Pháp là La Chartreuse (1084) do thánh Bruno (1030-1101) thiết lập, và những cơ chế pháp lý được thành hình năm 1127 dưới thời viện phụ Guigo I (+1137). Đan viện dòng Chartreux gồm nhiều “chòi”, nơi đan sĩ cầu nguyện, làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ. Họ hội nhau trong thánh đường để dự thánh lễ và nguyện giờ kinh đêm và kinh chiều. Như vậy, họ muốn dung hoà giữa nếp sống ẩn sĩ với nếp sống cộng đoàn, nhưng tuyệt đối không tham gia vào hoạt động tông đồ cho giáo dân.

Tại Italia, nhiều nhóm ẩn sĩ quy tụ thành từng nhóm ở miền Toscana, nhưng sau đó họ được tổ chức thành Dòng tu, và được giáo luật cấp quy chế Dòng hành khất: bảy vị sáng lập dòng tôi tớ Đức Mẹ (Ordo servorum B. Mariae Virginis); các ẩn sĩ dòng thánh Âu-tinh (Ordo fratrum eremitarum sancti Augustini); trường hợp tương tự cũng xảy ra cho dòng Carmelô, bắt nguồn từ nhóm ẩn sĩ bên thánh địa (fratres beatae Maria virginis de Monte Carmelo).

3/ Đợt thứ ba (thế kỷ XIV-XV) chứng kiến sự phục hồi của nhiều ẩn sĩ ở dưới quyền của giám mục giáo phận. Bên Tây-ban-nha, một dòng ẩn sĩ được thành lập mang danh là thánh Hiêronymô (1373). Khuynh hướng ẩn sĩ cũng được duy trì nơi vài ngành cải cách của Dòng Autinh (Recoletos), Phan-sinh (ngành Capucini), Cát-minh.

Tóm lại, các Dòng vừa kể trên mang tính cách “bán ẩn-sĩ” hơn là “ẩn sĩ”. Ngày nay, chỉ còn dòng Chartreux duy trì ơn gọi “ẩn tu”, các dòng khác dần dần tham gia vào sinh hoạt tông đồ.

II. Đời sống ẩn tu trong giáo luật hiện hành

Vào thời cận đại, tuy không thiếu những tín hữu sống đời ẩn sĩ (chẳng hạn như thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, Charles de Foulcauld) nhưng họ không được giáo luật nhìn nhận như một định chế của đời tu trì. Chỉ một ít dòng tu chấp nhận cho vài phần tử, sau nhiều năm tu hành, được chuyển sang nếp sống ẩn tu, nhưng ở dưới sự chăm sóc của bề trên dòng.

Trong thời gian chuẩn bị công đồng Vaticanô II, đã có ý kiến xin tái lập thể chế ẩn tu, nhưng không có văn kiện nào đề cập đến vấn đề này. Phải chờ đến khi tu chính bộ giáo luật thì nếp sống ẩn tu mới được bàn thảo. Hiện nay nếp sống ẩn tu được quy định khác nhau trong bộ giáo luật Latinh (1983) và Đông phương (1990).

1. Bộ giáo luật Latinhnhìn nhận các ẩn sĩ (vita eremitica seu anachoretica) như là một hình thức đời thánh hiến, tuy không gia nhập một hội dòng nào hết. Họ tuyên khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm trong tay giám mục giáo phận. Đức giám mục cũng là thẩm quyền phê chuẩn bản luật sống cho ẩn sĩ (điều 603)[4].

2. Bộ giáo luật Đông phương nhìn nhận hai thể chế ẩn sĩ:

– Một dạng ẩn sĩ là thành viên của đan viện (điều 481-485): sau khi đã trải qua một thời gian cộng đoàn (ít là 6 năm kể từ khi khấn trọn đời), đan sĩ xin phép rút vào nơi cô tịch, thường là tại một địa điểm nằm trong lãnh thổ đan viện.

– Một dạng ẩn sĩ (mang danh là “khổ hạnh”, asceta), không trực thuộc đan viện, tương tự như chế độ trong luật latinh.

Kết luận

Trong chương này, chúng ta đã tìm hiểu đời đan tu như là hình thức tiên khởi của hàng ngũ tận hiến trong Giáo hội. Lần lượt trải qua lịch sử sẽ còn nhiều hình thức khác nữa, như sẽ thấy trong những chương kế tiếp. Thử hỏi: phải chăng hình thức đan tu đã lỗi thời? Đời đan tu còn có giá trị gì cho thời đại hôm nay nữa không?

Để trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng cần phải phân biệt nhiều khía cạnh trong đời sống đan tu.

Như chúng ta đã biết, bên các giáo hội Đông phương, không có hình thức tu trì nào khác nữa, ngoại trừ đời đan tu. Tuy vậy, đời sống đan tu cũng khá đa dạng, quy vào ba mô hình: cộng đoàn, bán-ẩn-sĩ; ẩn sĩ.

Bên Tây phương, đời đan tu cũng mang nhiều hình dạng khác nhau: đừng kể sự khác biệt giữa những dòng lớn (Biển-đức, Xitô, Chartreuse), ta còn thấy sự tiến triển về cơ chế ngay trong nội bộ của dòng Biển đức (cơ cấu của “Chi dòng”, Tổng phụ).

Dù sao, khi nói đến đời sống đan tu, thiết tưởng nên xét đến hai khía cạnh khác nhau: động lực đời tu và hình thức tu trì.

1/ Xét về động lực đời tu, thì những giá trị mà các đan sĩ thế kỷ IV-V tìm kiếm vẫn là những giá trị mà các tu sĩ theo đuổi trải qua mọi thế hệ. Tông huấn Đời sống thánh hiến đã mô tả những giá trị đó ở số 6a:

Kể từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, có những người nam nữ cảm thấy được kêu gọi noi theo thân phận tôi tớ của Ngôi Lời Nhập thể. Qua việc tuyên khấn tu trì, họ bước theo Người bằng cách sống chuyên biệt và triệt để các đòi hỏi phát xuất từ bí tích thánh tẩy, đó là sự tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của cuộc Thương khó và Phục sinh. Nhờ mang Thập giá trên mình, họ đã cố gắng trở thành những người mang Thánh Linh, những con người thần khí có khả năng làm cho lịch sử được phồn thịnh cách bí nhiệm, nhờ việc ca ngợi và chuyển cầu thường xuyên, nhờ những lời khuyên bảo tu đức và những công tác bác ái.

Nhằm biến đổi bộ mặt của thế giới và cuộc đời, trong khi chờ đợi được hưởng kiến vĩnh viễn dung nhan Thiên Chúa, truyền thống đan tu Đông phương dành ưu tiên cho việc hoán cải, từ bỏ bản thân và thống hối, tìm kiếm hesychia, và cầu nguyện thường xuyên, chay tịnh và canh thức, chiến đấu thiêng liêng và thinh lặng, niềm vui phục sinh trong sự hiện diện với Chúa Kitô và trong niềm chờ mong Người đến vĩnh viễn, trao hiến bản thân và tài sản của mình, hoặc trong sự hiệp thông thánh thiện của đan viện, hoặc trong đời ẩn tu cô tịch.

Tuy tông huấn nhắm đến nếp sống đan tu bên Đông phương, nhưng ta có thể mở rộng cho cả bên Tây phương, và thậm chí cho tất cả mọi hình thức tu trì. Tông huấn cũng còn nhắc đến vài đề tài gợi hứng cho các đan sĩ tiên khởi mà vẫn còn giá trị hiện đại, chẳng hạn như:

– Khắc khoải cánh chung và vai trò ngôn sứ (số 27d).

– Đường nên thánh: trường học cách phụng sự Chúa; trường học yêu thương và thánh thiện (số 35d).

– Chiêm ngắm thực tại thần linh, đồng thời quan tâm đến vấn đề nhân sinh, noi theo gương của ông Elia (số 84b).

– Cộng tác vào công cuộc truyền giảng Tin mừng (số 78).

2/ Có những yếu tố gắn liền với một thời đại lịch sử, vì thế tầm áp dụng hẹp hơn. Chẳng hạn như nếp sống của dòng Biển đức như được phác họa ở đoạn chót của số 6 tông huấn Đời sống thánh hiến: nối kết cầu nguyện với lao động, hoán cải đời sống, vâng phục, vĩnh cư, lectio divina, cử hành phụng vụ…

3/ Dù sao, tính cách hiện đại của đời đan tu có thể nhận ra nơi những dòng đan tu mới được thành lập trong thế kỷ XX, trong đó không thể bỏ qua tu viện Taizé của frère Roger Schutz (+2005) thuộc Tin Lành nhằm cổ võ sự hoà giải giữa các giáo hội Kitô.

Cách riêng, đời đan tu là một hình thức thích hợp trong công cuộc đối thoại với các tôn giáo Á châu, như chúng tôi đã trình bày trong tập IV (trang 357-360), được đức Gioan Phaolô II khuyến khích trong hai tông huấn Vita consecrata 101c; 102a và Ecclesia in Asia 44.

Những nhận xét vừa nói sẽ còn được bổ túc trong chương Bảy, khi bàn về các nữ đan sĩ.

————————-

[1] Đời sống tâm linh, tập V, trang 161tt; xem thêm Đời sống tâm linh tập II, trang 258-262.

[2] AA.VV., Eremita, Eremite, Eremiti, Eremitismo, in: Dizionario degli Istituti di Perfezione, vol. III, col.1153-1244. AA.VV., Erémitisme en Occident – en Orient, in: Dict. de Spiritualité, t.IV, col. 936-982.

[3] E. Sastre Santos, La vita religiosa nella storia della Chiesa e della società, Ancora Milano 1997, p.282; 486; 491.

[4] E. Sastre Santos, La vida heremitica diocesana forma di vida consagrada. Variaciones sobre el canon 603, in: Commentarium pro Religiosis 68 (1987) 99-124; 245-267; 351-358; 69 (1988) 145-170; 307-312; 70 (1989) 89-189.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here