LỄ THÁNH GIA THẤT, NĂM A

0
2495

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Bài đọc A: Mt 2:13-15, 19-23, (B: Lk 2:22-40, C: Lk 2:41-52).

1/ Bài đọc IHc 3:2-6, 12-14

2 Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. 3 Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, 4 ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.

5 Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.

6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.

12 Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. 13 Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.

14 Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.

2/ Bài đọc II Cl 3:12-21

12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. 13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. 14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. 15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. 16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. 17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha. 18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. 19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. 20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. 21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.

3/ Phúc ÂmMt 2:13-15, 19-23

13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! “

14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.

15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,

20 báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.”

21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.

22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,

23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bí quyết để có một gia đình Thánh

Mọi người trong chúng ta đều đã nhìn thấy và cảm nghiệm được sự khủng hỏang của gia đình hôm nay. Chúng ta phải đương đầu với bao nhiêu những vấn nạn liên quan đến gia đình như: săn sóc và báo hiếu cha mẹ già, cho vào viện dưỡng lão, giết người già bằng cái chết êm dịu; ly dị, ly thân, và độc thân; hạn chế sinh sản và phá thai; con cái bỏ học, bỏ nhà, và bỏ đạo.

Gia đình Thánh cũng có những vấn đề như gia đình chúng ta: Thánh Giuse cũng toan bỏ Đức Mẹ cách kín đáo để bảo tòan sự công chính; Đức Mẹ cũng có những quyết định riêng cho đời mình bằng cuộc sống độc thân để phục vụ Chúa trong Đền Thờ; Chúa Giêsu cũng để cho cha mẹ vất vả mệt nhọc đi tìm kiếm mình, khi cha mẹ tìm thấy trong Đền Thờ lại còn hỏi: “Tại sao cha mẹ đi tìm con? Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?” Nhưng làm sao Gia Đình Thánh có thể vượt qua những trở ngại trong đời sống gia đình? Câu trả lời đơn giản là họ biết lắng nghe và làm theo ý Thiên Chúa.

Các vấn nạn xảy ra khi con người quá ích kỷ chỉ biết lo cho mình, và đánh mất tính tương giao với người khác. Họ không biết định giá, cám ơn, và trả ơn những gì Thiên Chúa và những người khác đã làm cho họ. Họ không biết kiên nhẫn và tha thứ cho người khác như Thiên Chúa và những người khác vẫn tha thứ cho họ. Họ quên đi rằng nếu Thiên Chúa và những người khác cũng ích kỷ như thế, họ sẽ không có cơ hội để có mặt trên trái đất này.

Hậu quả phải lãnh nhận: Vì gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội, nên khủng hỏang gia đình đứa tới khủng hỏang trong xã hội và Giáo Hội. Một ví dụ cụ thể: Việc hạn chế sinh sản dẫn tới việc mất quân bằng dân số trong quốc gia, các thống kê cho biết mỗi gia đình cần có 2.2 người con thì mới giữ được sự thăng bằng về dân số, các nước Âu Châu, Bắc Mỹ, và một số nước kỹ nghệ đã không có đủ tỉ lệ này. Hạn chế sinh sản cũng là lý do chính của việc khan hiếm linh mục và tu sĩ; nếu chỉ có một hay hai con, rất khó cho cha mẹ dâng con để phục vụ Chúa!

Các Bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những chất liệu suy tư và nhìn lại hòan cảnh gia đình của mỗi người chúng ta. Trong Bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca khuyên con cái phải săn sóc và báo hiếu cha mẹ già, dẫu các ngài đã lú lẫn và không tự săn sóc mình được nữa. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô liệt kê những đức tính và các cách cư xử cần có để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Trong Phúc Âm, Thánh Luca tường thuật Ngày Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ của Thánh Gia. Một gia đình hạnh phúc phải biết kính sợ Thiên Chúa, và giữ cẩn thận Lề Luật của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già.

1.1/ Giới răn thứ tư: Phải thảo kính cha mẹ.

(1) Lời Thiên Chúa dạy: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.”

(2) Lập luận của con người: Quá bận, không có thời giờ lo cho cha mẹ! Già yếu bệnh họan như thế đưa vào viện dưỡng lão tốt hơn. Có bác sĩ và y tá săn sóc thường trực. Thỉnh thỏang vào thăm tí được rồi. Thực tế: Có những viện dưỡng lão cả ngày không thay tã cho cha mẹ; có những y tá đã không săn sóc, chẳng để ý cha mẹ có ăn không, lại còn đánh luôn cha mẹ. Chúng ta cứ thử hỏi: Nếu cha mẹ đứt ruột đẻ ra và hy sinh chăm sóc cho mình, mình còn không chịu đựng săn sóc được, sao chờ đợi người khác chăm sóc cẩn thận? Điều chúng ta cần nhận ra là người già rất dễ cô đơn và tủi nhục. Họ không cần những chăm sóc bên ngòai, nhưng cần tình thương của con cháu. Chúng tôi đã từng đi xức dầu, và từng thấy các bậc cha mẹ từ giã cuộc đời trong cay đắng của nước mắt.

(3) Điều nên làm: Mọi người trong gia đình sẽ học được rất nhiều điều khi săn sóc cha mẹ già. Tất cả đều nhận ra sự mong manh của cuộc sống và biết nương tựa vào nhau hơn. Các anh chị em biết đòan kết với nhau để chia sẻ trách nhiệm. Các trẻ học biết cách chia sẻ bổn phận với cha mẹ: Khi thấy cha mẹ quá vất vả trong việc làm ăn và săn sóc ông bà, chúng sẽ tình nguyện chia sẻ gánh nặng với cha mẹ; điều này sẽ giúp chúng trưởng thành hơn so với những trẻ không có cơ hội thực tập. Các trẻ cũng sẽ học kinh nghiệm chăm sóc và đối xử với người già, và chúng sẽ áp dụng những gì chúng học được khi săn sóc cha mẹ.

1.2/ Ơn lành Thiên Chúa ban cho những ai hiếu thảo với cha mẹ: Sách Huấn Ca liệt kê những ơn lành như sau:

(1) Con cái cũng hiếu thảo với mình: “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.” Tục ngữ Việt Nam cũng khuyên: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó.” Người biết hiếu thảo và chăm sóc cha mẹ cũng sẽ được hưởng sự hiếu thảo và chăm sóc từ con cái mình. Ngược lại, người đối xử tàn tệ với cha mẹ, sẽ bị con cái mình đối xử tàn tệ hơn nhiều.

(2) Tội lỗi được tha thứ, ân sủng được thương ban: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.”

(3) Lời cầu xin được Thiên Chúa nhận lời: “Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.”

(4) Được sống trường thọ: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.” Khi một người săn sóc cha, người ấy cũng làm vui lòng mẹ.

2/ Bài đọc II: Những đức tính và cách xử thế cần có để giữ gia đình hạnh phúc.

2.1/ Những đức tính cần học:

(1) Đức bác ái yêu thương: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo… Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh, và yêu thương.” Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch yêu thương; gia đình nào năng tham dự Thánh-lễ và lãnh nhận Mình Thánh, sẽ có tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu này mới mạnh đủ để xóa tan những bất hòa và khác biệt trong gia đình, và liên kết mọi người trong gia đình với nhau.

(2) Kiên nhẫn chịu đựng và tha thứ cho nhau: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” Mọi người trong gia đình cùng nhau năng lãnh nhận Bí-tích Hòa Giải là cách thức để học và thực hành 2 nhân đức quan trọng này.

(3) Tâm tình biết ơn: “Ước gì sự bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng sự bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” Trước tiên là biết ơn Thiên Chúa đã lo lắng mọi sự cho con người. Thứ đến là biết ơn cha mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục, và cầu nguyện cho mình. Sau cùng là biết ơn tất cả những ai đã góp phần làm cuộc đời mình được thăng hoa và ý nghĩa.

2.2/ Tầm quan trọng của Thiên Chúa trong đời sống gia đình:

(1) Lời Chúa: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan.” Để làm được điều này trong gia đình, cha mẹ cần học hỏi để hiểu biết Lời Chúa và gây phong trào học và áp dụng Thánh Kinh trong gia đình; vì cha mẹ không thể cho con cái mình không có.

(2) Thánh Ca: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi, và thánh ca, do Thánh Thần linh hứng.” Điều này cũng nhắc nhở chúng ta tránh nghe và hát những bài hát vô nghĩa và lãng mạn, những chương trình hài hước và kịch nghệ vô bổ, có chủ tâm khinh thường Thiên Chúa và các giá trị đạo đức.

(3) Cầu nguyện: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” Mẹ Têrêxa cũng quả quyết điều này: “Gia đình nào dành thời giờ cùng nhau cầu nguyện sẽ ở với nhau lâu dài.”

2.3/ Cách cư xử trong gia đình: Tất cả các mối liên hệ đều đòi hỏi hai chiều thì mới có kết quả tốt đẹp được. Thánh Phaolô liệt kê 2 mối liên hệ chính và cách cư xử cần có:

(1) Liên hệ vợ chồng: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.”

(2) Liên hệ cha con: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.”

3/ Phúc Âm: Những tâm tình biết ơn

Năm A:

3.1/ Sự vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa của Giuse: “Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Herode sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Herode băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.”

Chúng ta học được rất nhiều nơi cách hành xử của Giuse: Ông không hiểu nổi kế hoạch của Thiên Chúa: Hài Nhi vừa mới được các nhà đạo sĩ tôn thờ và dâng lễ vật như một vì vua; giờ lại phải lẩn trốn như một tội nhân! Ông không than trách Thiên Chúa tạo hoàn cảnh khó khăn hay xin Thiên Chúa sai sứ thần bảo vệ gia đình. Ông không suy nghĩ đi Ai-cập rồi phải làm gì để sinh sống, nhưng ông hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông không trì hoãn để sáng mai; nhưng trỗi dậy trong đêm rét mướt và đưa gia đình đi ngay.

3.2/ Giuse bảo vệ Hài Nhi khỏi mọi nguy hiểm: Định cư bên Ai-cập chưa được bao lâu, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Giuse liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel. Khi nghe biết Archelaus đã kế vị vua cha là Herode, cai trị miền Judah, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilee,

và đến ở tại một thành kia gọi là Nazareth, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nazareth.”

Di chuyển chỗ ở không phải là điều dễ dàng vì nó liên quan tới nghề nghiệp, nhà cửa, đồ đạc, trường học của con cái… nhưng Giuse vững tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa cho gia đình, ông vâng lời sứ thần bỏ đất Ai-cập trở về quê hương, ông can đảm tránh nơi nguy hiểm cho dù là quê cha đất tổ, gần Đền Thờ, để đi đến Nazareth, một nơi xa lạ, để tránh nguy hiểm cho con.

Những người cha hôm nay phải học nơi gương Giuse: Họ cần can đảm tránh những nơi gây nguy hiểm cho con cái và chọn những môi trường lành mạnh để con cái có thể lớn lên tốt đẹp. Họ không thể hy sinh tương lai của con cái bằng lý do việc làm hay nhà cửa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải diệt trừ tính ích kỷ trong con người, vì đó là mầm mống của mọi khủng hỏang trong gia đình. Đồng thời, chúng ta cần biết rộng lượng để yêu thương và lo lắng cho người khác như Thiên Chúa và người khác đã yêu thương và lo lắng cho chúng ta.

– Chúng ta cần biết xét mình và xưng tội thường xuyên để nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của con người chúng ta. Nếu chúng ta có can đảm xin Thiên Chúa tha thứ tôi lỗi và kiên nhẫn với chúng ta, chúng ta cũng phải sẵn sàng kiên nhẫn và tha thứ những yếu đuối và tội lỗi của tha nhân; vì họ cũng là những con người yếu đuối và tội lỗi như chúng ta. Người không năng xét mình và xưng tội sẽ dễ rơi vào thái độ tự nhận mình tốt lành để dễ phê phán, kết tội, và khai trừ tha nhân.

– Chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận: chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn làm môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải “từ bỏ ý riêng mình, làm theo ý Thiên Chúa, và vác Thập Giá hằng ngày để theo Ngài.”

– Chúng ta có tự do để làm theo ý chúng ta; nhưng đồng thời chúng ta cũng phải lãnh nhận mọi hậu quả do sự cố chấp, thờ ơ, và khinh thường những lời giảng dạy của Thiên Chúa.

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2310:l-thanh-gia-nm-abc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here