Lễ Kính Thánh Giuse

0
1532

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Bài đọc: 2Sm 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a.

1/ Bài đọc I: 4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Nathan rằng:

5 “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đavít: Đức Chúa phán thế này: 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra – và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.

13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. 14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.

16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.”

2/ Bài đọc II: 13 Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Ápraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.

16 Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Ápraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, 17 như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.

18 Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.

22 Bởi thế, ông được kể là người công chính.

3/ Phúc Âm: 16 Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.

19 Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

24 Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.

—————————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: THÁNH GIUSE TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH NHỜ NIỀM TIN VÀO THIÊN CHÚA

Con người luôn bị giằng co giữa hai thái cực: một bên là đức tin tuyệt đối vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một bên là sự suy luận theo lý trí của con người. Khi có sự xung đột, con người phải chọn đàng nào ? Nhiều người cho họ chỉ tin những gì lý trí con người có thể hiểu được; ngoài ra là mê tín dị đoan. Nhưng Thiên Chúa đã tuyên sấm qua miệng tiên tri Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất thế nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các người như vậy” (Is 55,8-9). Lịch sử nhiều lần chứng minh: vâng lời làm theo ý Thiên Chúa mang lại những kết quả quá lòng mong đợi của con người; ngược lại, bất tuân thánh ý Thiên Chúa để làm theo ý riêng mình sẽ gây ra muôn vàn khổ đau cho con người.

Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những mẫu gương của những người thi hành thánh ý Thiên Chúa cho dẫu họ không hiểu kế hoạch của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa hứa với vua Đavít dòng dõi ông sẽ làm vua cai trị tới muôn đời. Điều này được thực hiện qua Đức Kitô, Ngài thuộc dòng tộc Đavít và sẽ cai trị tới muôn đời. Trong Bài Đọc II, Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời, trong khi ông chỉ có hai người con duy nhất: Isaac bởi Sara và Ismael bởi Hagar. Lời hứa này cũng được làm trọn nơi Đức Kitô, tất cả những ai tin vào Đức Kitô, họ trở thành con cháu của tổ phụ Abraham. Trong Phúc Âm, thánh Giuse chấp nhận đón Đức Mẹ về chung sống; sau khi được sứ thần của Thiên Chúa cho biết việc Đức Mẹ chịu thai là do quyền năng của Thánh Thần.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta

1.1/ Lời Thiên Chúa hứa với vua Đavít: Sau khi đã ổn định đất nước, vua Đavít nói với tiên tri Nathan ý định muốn xây nhà cho Thiên Chúa tại thành của Đavít; nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Nathan rằng: “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đavít: Đức Chúa phán thế này: Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra – và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.”

Không phải Đavít sẽ xây nhà cho Thiên Chúa; nhưng chính Thiên Chúa sẽ xây nhà cho ông. Nhà ở đây ám chỉ dòng dõi của Đavít; từ dòng dõi này sẽ xuất hiện Đấng Thiên Sai và uy quyền cai trị sẽ tồn tại đến muôn đời.

1.2/ Lời Hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa cho biết người sẽ xây nhà cho Ngài là Solomon, con kế vị của vua Đavít: “Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.”

Lời Hứa của Thiên Chúa bị đe doạ bởi sự bất trung của hậu duệ của vua Đavít. Có những lúc tưởng chừng như nhà Đavít sẽ hết người nối ngôi, như thời kỳ bị lưu đày; nhưng Thiên Chúa vẫn quan phòng cách khôn ngoan, cho đến ngày Đấng Thiên Sai ra đời từ dòng dõi Đavít.

2/ Bài đọc II: Abraham được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin

2.1/ Đe dọa của niềm tin: Khi Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi, ông vẫn chưa có lấy một người con dù đã quá tuổi sinh con (St 15). Làm sao một người có thể có con đông như sao trên trời và như cát dưới biển, khi chưa có lấy một người con trong lúc tuổi già ?

2.2/ Đức tin của tổ phụ Abraham: Nhưng Abraham hoàn toàn tin vào Lời Thiên Chúa hứa, và đó là lý do Abraham được trở nên công chính, như lời thánh Phaolô viết: “Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.”

Thánh Phaolô muốn đả phá một quan niệm sai lầm của người Do Thái: con người trở nên công chính bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Ngài dùng chính những gì đã xảy ra cho Abraham để đả phá quan niệm này:

(1) Lời Hứa được Thiên Chúa ban cho Abraham cách nhưng không: Abraham không làm gì để xứng đáng được hưởng những gì Thiên Chúa hứa, như Phaolô xác tín: “Vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Abraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông.” Hơn nữa Lề Luật được Thiên Chúa ban cho con người sau này, thời của Moses trong cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập. Thời của Abraham, làm gì đã có Lề Luật để tuân giữ !

(2) Dòng dõi Abraham được trở nên đông đúc không do di truyền; nhưng do bởi niềm tin của các tín hữu vào Đức Kitô. Phaolô viết: “Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.”

(3) Con người trở nên công chính bằng đức tin: Abraham không sống trên dương gian để nhìn thấy Lời Thiên Chúa được thực hiện; hơn nữa, Abraham còn chịu rất nhiều thử thách đe doạ niềm tin này. Ví dụ, việc Thiên Chúa muốn ông sát tế Isaac, con ông, trên núi Moriah. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn và thử thách, “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Bởi thế, ông được kể là người công chính.”

3/ Phúc Âm: Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy

3.1/ Đức tin của Giuse bị thử thách: Cuộc đính hôn của thánh Giuse với Đức Mẹ chắc chắn được Thiên Chúa quan phòng; nhưng Giuse không thể chấp nhận việc Đức Mẹ mang thai khi hai người chưa ăn ở với nhau.

(1) Tình trạng pháp lý: Truyền thống Do Thái về việc cưới hỏi cũng giống như phong tục của Việt-nam. Có ba giai đoạn trong việc cưới hỏi: thứ nhất là giai đoạn hứa hôn, được làm bởi cha mẹ hai bên khi hai trẻ vẫn còn nhỏ. Giai đoạn này không bị ràng buộc nếu sau này một trong hai trẻ không đồng ý tiến tới; thứ hai là giai đoạn đính hôn, thường kéo dài trong khoảng một năm. Theo Luật Do Thái, hai người chính thức thành vợ chồng tuy chưa ăn ở với nhau; nếu muốn ly dị phải theo thủ tục pháp lý. Thánh Giuse và Mẹ Maria ở trong giai đoạn này. Sau cùng là giai đoạn kết hôn, khi hai người ăn ở với nhau.

(2) Cách giải quyết: Một điều Giuse biết chắc chắn là bào thai Đức Mẹ đang cưu mang không phải là của mình. Là người công chính, Giuse không thể chấp nhận bào thai của Đức Mẹ, và ông có hai cách để giải quyết: hoặc tố cáo và Đức Mẹ sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình, hoặc bỏ Đức Mẹ cách kín đáo. Vì có lòng nhân từ, Giuse không muốn Đức Mẹ bị ném đá, ông “định tâm bỏ bà cách kín đáo.”

3.2/ Đức tin của Giuse: Khi ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

Để hiểu việc làm của Giuse, chúng ta cần tìm hiểu truyền thống Do Thái hiểu biết về Thánh Thần. Theo Kinh Thánh, Thánh Thần có ít nhất 4 nhiệm vụ như sau:

(1) Ngài là người mang sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người (Xh 31,3; Đnl 34,9; 1Sm 10,10; 2Sm 23,2; G 32,8; Tv 32,2);

(2) Làm cho con người hiểu biết sự thật (St 41,38; Ds 24,2; Tv 32,2; Lc 12,12; Ga 14,17; 15,26);

(3) Ngài cùng với Thiên Chúa tạo dựng (St 6,3; 1Sm 11,6; G 27,3; 33,4; Tv 33,6; 104,30);

(4) Tái tạo dựng con người (St 1,2; 1Sm 10,6; Tv 51,10; 143,10; G 33,4; Ed 37,1-14; Cv 2,1-4).

Thấm nhuần truyền thống trên, Giuse chấp nhận bào thai của Đức Mẹ dẫu biết bào thai không phải là của mình, ông cũng không đòi cắt nghĩa “việc chịu thai bởi Chúa Thánh Thần;” nhưng tin Thánh Thần là nguyên nhân tạo dựng bào thai đó. Suốt cuộc đời chăm sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu, thánh Giuse luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi việc và vâng lời làm theo những gì sứ thần truyền. Kinh Thánh tường thuật ba sự kiện: thứ nhất, thánh Giuse chấp nhận đính hôn với Đức Mẹ để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế; thứ hai, thánh Giuse chấp nhận đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập lúc đang đêm; ngài không nại lý do đang đêm hay làm gì sinh sống nơi đất lạ quê người; sau cùng, ngài chấp nhận đưa gia đình hồi hương và lập nghiệp tại Nazareth; không than phiền phải di chuyển đến nơi ở mới một lần nữa.

Nói tóm, tuy thánh Giuse không để lại một lời nào cho hậu thế; nhưng ngài để cho chúng ta một tấm gương luôn biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa. Ngài hoàn toàn tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa, và khiêm tốn thi hành những gì Thiên Chúa truyền, vì Ngài biết trí khôn của mình không thể hiểu nổi sự quan phòng của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta được trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô; chứ không nhờ những việc chúng ta làm.

– Thử thách và đau khổ trong cuộc đời là những cơ hội giúp chúng ta chứng tỏ đức tin nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

– Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài hứa; vì thế, chúng ta cần đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Ngài.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here