Lễ kính tên Đức Mẹ Maria có ý nghĩa gì?

0
1994

Bình Hòa

Theo lịch phụng vụ, ngày 8 tháng 9 kính lễ Sinh nhựt Đức Mẹ; và ngày 12 tháng 9 kính tên Mẹ Maria. Lễ kính tên Đức Mẹ Maria có ý nghĩa gì?

Khi phân tích các lễ kính Đức Mẹ Maria trong năm phụng vụ, chúng ta thấy lòng đạo đức bình dân muốn mừng một lễ dành cho Đức Mẹ tương tự như lễ dành cho Chúa Giêsu. Chẳng hạn như có lễ kính việc thụ thai Chúa Giêsu trong lòng đức Maria (quen gọi là lễ truyền tin), thì cũng có lễ kính việc thụ thai đức Maria trong lòng bà thánh Anna (gốc tích của lễ đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội); nếu đã có lễ sinh nhật Chúa Giêsu thì cũng có lễ sinh nhật Đức Mẹ. Nếu có lễ Chúa Phục sinh và Lên trời, thì cũng có lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Nếu có lễ kính trái tim rất thánh của Chúa Giêsu, thì cũng có lễ kính trái tim vô nhiễm của Mẹ Maria. Trong tháng 9 này, ngày 14 dành kính nhớ thánh giá Chúa Giêsu, thì ngày 15 kế đó là lễ kính nhớ Đức Mẹ đứng gần bên thập giá. Từ đó, chúng ta cũng dễ hiểu vì sao mà có lễ kính Tên Chúa Giêsu và lễ kính tên Đức Maria.

Hai lễ này có ra đời cùng lúc không?

Tuy rằng trong niên lịch phụng vụ hiện hành, chúng ta nhận thấy có sự song đối giữa các lễ kính Chúa Giêsu và các lễ kính Đức Maria, nhưng xét về nguồn gốc lịch sử thì các lễ kính Chúa xuất hiện trước, rồi sau đó mới đến lễ của Đức Mẹ. Một cách cụ thể, bàn về lễ kính danh, ta có thể ghi nhận những sự tiến triển như sau. Từ năm 1530, dòng Phan-sinh được đức thánh cha Clêmentê VII cho phép mừng lễ kính thánh danh Chúa Giêsu vào ngày 14 tháng giêng. Đến năm 1721, lễ này mới được nới rộng ra toàn thể Hội thánh. Nam 1913, lễ này được dời sang Chúa nhật sau ngày 1 tháng giêng. Cuộc cải tổ lịch phụng vụ năm 1970 dẹp bỏ lễ này, với lý do là lễ kính danh Chúa đã được bao gồm trong ngày bát nhật Giáng sinh, nghĩa là ngày đầu năm dương lịch rồi. Với việc phát hành Sách lễ Rôma năm 2002 thì lễ kính danh Chúa lại được tái lập vào ngày 3 tháng giêng. Đó là nói về lễ kính danh thánh Chúa Giêsu. Còn lễ kính danh đức Maria có một lịch sử riêng biệt. Tại Rôma, từ thế kỷ VII đã có lễ sinh nhật Đức Mẹ, được mừng rất long trọng vào ngày 8 tháng 9. Lễ kính tên Đức Mẹ được bắt đầu ở Cuenca bên Tây ban nha vào năm 1513, mừng vào ngày 12 tháng 9. Năm 1683 đức thánh cha Innocentê XI cho mừng trong toàn thể Hội thánh, để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ vì trận chiến thắng tại Vienne (thủ đô Áo quốc) chống lại sự tấn công của Thổ-nhĩ-kỳ, chấm dứt những mưu toan của Hồi giáo muốn tràn qua châu Âu. Lễ kính ten Đức Maria cũng chịu chung số phận với lễ kính danh thánh Chúa, nghĩa là cũng bị gạch khỏi lịch phụng vụ cải tổ năm 1970, và được tái lập vào năm 2002. Hiện nay chỉ là một lễ nhớ nhiệm ý.

Đó là lịch sử của lễ kính phụng vụ. Còn dưới khía cạnh thần học, việc kính tên Maria có ý nghĩa gì?

Chúng ta nên phân biệt hai lãnh vực: thứ nhất là ý nghĩa của tên Maria xét theo lãnh vực từ ngữ; thứ hai, là lãnh vực thần học. Xét về khía cạnh từ ngữ, thì như chị đã biết, trong xã hội Do thái, việc đặt tên mang một ý nghĩa cũng tương tự như trong các xã hội bên Đông phương vậy, bởi vì “tên là người”, nhất là khi mà người đó lãnh một sứ mạng đối với dân tộc. Vì the không lạ gì mà trong Cựu ước, chúng ta thấy có những người mang tên do thiên sứ chỉ định, như trường hợp của Abraham, Môsê, Samson. Điều tương tự cũng xảy ra trong Tân ước, đối với Gioan tiền hô, Phêrô và nhất là Giêsu. Riêng đối với tên Maria, ta có thể nói như thế này. Trong lịch sử dân tộc Do thái, đã có nhiều phụ nữ mang tên là Maria, hay muốn nói chính xác hơn Miryam, chẳng hạn như người chị của ông Môsê. Trong Tân ước, Phúc âm kể lai nhiều phụ nữ mang tên là Maria, chẳng hạn như bà Maria ở làng Bêtania, thuộc gia đình của bà Marta và ông Ladarô; bà Maria Clêopa, và đặc biệt là bà Maria ở làng Magđala. Vì thế, có thể nói rằng Maria là một tên gọi khá phổ thông trong giới phụ nữ, và có lẽ chẳng có ý nghĩa đặc biệt. Tuy nhiên, kể từ khi một người phụ nữ làng Nadaret mang tên là Maria trở nên thân mẫu của Chúa Cứu thế, thì các giáo phụ và các nhà thần học mới đe ý phân tích ý nghĩa của tên gọi này. Chỉ riêng từ thánh Epiphaniô (thế kỷ VIII) cho đến cha Hugues de Saint Victor (thế kỷ XII), người ta tính được 70 lối giải thích khác nhau; tiếc rằng đa số những lời giải thích đó dựa theo những dụng ý thần học hơn là theo ngôn-ngữ-học. Ngày nay, người ta chỉ còn giữ lại hai giả thuyết theo tầm nguyên.

Tầm nguyên dựa theo tiếng Do thái, phải không?

Dĩ nhiên, nếu muốn theo sát khoa học thì phải dựa theo nguyên ngữ Do thái, chứ không thể nào theo lối phiên âm ra các ngôn ngữ hiện đại, kiểu như trong quá khứ không xa lắm, đã có người tán tiếng Marie trong tiếng Pháp cũng gồm 5 vần như là aimer, vì thế Marie có nghĩa là thương yêu. Dựa theo nguồn gốc Miryam trong tiếng Do thái, các nhà chú giải đưa ra hai giả thuyết. Giả thiết thứ nhất móc nối miryam với myrrha, có nghĩa là “biển chua chát”, hay “sự chua chát của biển”. Từ đó, người ta gắn liền với hai nghĩa khác dành cho sứ mạng của Mẹ Maria: “biển” thì gắn với “sao biển”; còn “chua chát” thì đi với những thử thách đau khổ gây ra nhiều cay đắng suốt cuộc đời. Giả thiết thứ hai thì móc nối miryam với hai nguyên gốc khác nhau: một gốc tiếng Ai-cập mry, mryt có nghĩa là được yêu thương; và một gốc tiếng Do thái jam có nghĩa là Jaweh (Thiên Chúa); ghép lại hai gốc đó, miryam có nghĩa là kẻ được Chúa thương yêu.

Tại sao phải móc nối với tiếng Ai-cập làm gì?

Xét về ngôn-ngữ-học, thì các từ ngữ vay mượn của các dân tộc láng giềng không còn phải là chuyện gì xa lạ, chẳng hạn như người ta cắt nghĩa từ “Việt” như tên riêng của một dân tộc, nhưng cũng có thể là gốc bởi “Vượt” trong tiếng Hán. Xét về khía cạnh lịch sử, thì bà Myriam nổi tiếng nhất trong lịch sử Do thái là chị của ông Môsê, ở đầu sách Xuất hành (chương 2). Lúc đó hai chị em đang sống bên Ai-cập; vì thế nếu tên của Aaron và Môsê đều mang gốc tích của ngôn ngữ này, thì tên Myriam có một phần Ai cập cũng chẳng có gì lạ. Tóm lại, theo giả thuyết thứ hai, tên miryam có nghĩa là kẻ được Chúa yêu thương; và tên này rất xứng hợp với đức Maria làng Nadarét, kẻ được thiên sứ Gabriel chào là “kẻ được Thiên Chúa sủng ái”. Điều này cũng giống như tên Giêsu: theo nguyên ngữ, tên này có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chữa” và đã được đặt cho ông Giosuê, kẻ kế vị Môsê lãnh đạo dân tộc Israel, nhưng tên gọi được áp dụng cho Đức Giêsu Nadarét cách đặc biệt bởi vì Người thực sự là kẻ cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi.

Nhưng đó là bước sang ý nghĩa thần học rồi, chứ đâu phải là ý nghĩa ngôn-ngữ học nữa?

Đúng thế. Như đã nói trên đây, nhiều lễ phụng vụ kính Đức Maria hoạ lại các lễ kính Chúa Giêsu. Riêng về việc kính tên, thì ta cần phải nói như sau. Lễ kính danh thánh Chúa Giêsu mới được du nhập vào lịch phụng vụ phổ quát từ năm 1721, nhưng việc tôn kính danh Chúa Giêsu thì đã có từ lâu đời rồi. Trong Tân ước, căn cước của các Kitô hữu đã được định nghĩa như là “những kẻ kêu cầu danh Chúa Giêsu” (Cv 9,14.21; 1 Cr 1,2). Trong Phúc âm theo thánh Gioan, chính Chúa Giêsu đã khuyến khích các môn đệ hãy dùng danh Người để cầu nguyện với Chúa Cha (Ga 14,13; 15,16; 16,23). Kêu cầu và tuyên xưng danh đức Giêsu có nghĩa là nhìn nhận rằng đức Giêsu thực là Đấng cứu chuộc duy nhất của nhân loại (Cv 4,11-12), tuyên xưng rằng do cuộc Tử nạn và Phục sinh, đức Kitô đã được siêu tôn là Chủ tể với quyền năng trên trời dưới đất. Dưới khía cạnh này, thì danh Giêsu chiem một vị thế độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người. Ngoài ra, các tín hữu bên Đông phương còn đọc một kinh mà họ gọi là kính danh Chúa Giêsu như sau: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Con khi kính danh Maria, thì chúng ta cũng muốn hợp lời với thiên sứ Gabriel và bà Ysave, để ngợi khen Người vì đã được Thiên Chúa đoái thương chọn làm thân mẫu của Chúa Cứu thế, và vì thế chúng ta tin rằng Người cũng quan tam đến số phận của nhân loại. Đó là ý nghĩa của kinh “Kính mừng”, trong đó danh Maria được lặp lại hai lần: phần thứ nhất mang tính cách chúc tụng ngợi ca, còn phần thứ hai mang tính cách khẩn cầu, theo như sách Giáo lý Hội thánh công giáo đã giải thích ở số 2675. Dĩ nhiên, ta có thể coi các danh xưng và các tước hiệu trong “Kinh cầu Đức Bà” như là những cách chú giải danh xưng Maria, không còn theo nghĩa ngôn ngữ học, nhưng trong mối tương quan với các tín hữu.

Với việc tái lập lễ kính tên Đức Maria vào ngày 12 tháng 9, những người mang tên thánh Maria cũng mừng lễ bổn mạng vào ngày này, phải không?

Không hẳn như vậy. Trong năm có nhiều lễ kính Đức Mẹ, cho nên những người mang tên Maria chọn ngày nào mà họ ưa thích. Ngoài ra, điều này còn tùy thuộc vào tập tục của mỗi dân tộc nữa. Nói chung, bên Pháp người ta mừng vào ngày 15 tháng 8; bên Italia, người ta mừng vào ngày 8 tháng 9; bên Tây ban nha vào ngày 8 tháng 12.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here