Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP.
Bài đọc: Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-18.
1/ Bài đọc I: 7 Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”
8 Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Sion. 9 Hỡi Jerusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Jerusalem. 10 Trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy.
2/ Bài đọc II: 1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;
2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.
3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. 4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu. 5 Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta. 6 Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.
3/ Phúc Âm: 1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.
11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 15 Ông Gioan làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” 16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. 18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
——————————————–
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: THIÊN CHÚA HỌAT ĐỘNG TRONG LỊCH SỬ CON NGƯỜI
Nhiều người trong chúng ta dễ dàng bị thuyết phục bởi câu nói xem ra rất chí lý, “đạo nào cũng là đạo; đạo nào cũng dạy con người làm điều lành tránh điều ác!” Từ đó, nhiều người đưa đến kết luận, ai theo đạo nào cũng được. Nếu chúng ta chỉ dựa vào đạo lý để tin vào các thần, sẽ có rất nhiều thần trong thế giới này; nhưng những thần này có làm lợi gì cho chúng ta đâu? Có những vị thần do trí tưởng tượng của con người tạo nên, có những vị thần do con người tự nhận, có những vị thần do con người phong chức cho; đâu là Vị Thần đích thực và là Người điều khiển thế giới này? Một trong những tiêu chuẩn giúp chúng ta nhận ra là dựa vào giòng lịch sử của con người để tìm hiểu, kiểm chứng, và xác nhận ảnh hưởng và sự can thiệp của Vị Thần này vào đời sống nhân lọai.
Trong suốt Mùa Vọng qua, và trong các Bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của Vị Thần đích thực này chính là Thiên Chúa. Ngài không phải là một vị thần sống xa cách và không quan tâm gì đến cuộc sống của dân chúng; trái lại cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều sống mật thiết và quan tâm đến mọi khía cạnh của con người suốt giòng lịch sử: từ khi tạo dựng cho đến Ngày Cánh Chung. Trong Bài đọc I, Tiên-tri Isaiah cho thấy sự can thiệp của Thiên Chúa vào cuộc sống của dân trước, đang, và sau thời gian Lưu Đày. Trong Bài đọc II, Tác giả của Thư Do Thái cho thấy 2 cách can thiệp khác nhau của Thiên Chúa: thuở xưa Ngài phán dạy qua các Tiên-tri; thời nay Ngài dạy dỗ con người qua chính Người Con Nhập Thể. Điều này cũng đã được Tiên-tri Isaiah và Jeremiah loan báo trước: “Mọi người sẽ được dạy dỗ bởi chính Thiên Chúa” (Is 54,13; Gr 31,33; Ga 6,45). Trong Phúc Âm, Thánh Gioan nhìn thấy vai trò của Ngôi Hai ngay từ ban đầu, khi Thiên Chúa tạo dựng con người; và vai trò của Người trong Kế họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Chính Người Con này đã nhập thể để ở với con người, để yêu thương dạy dỗ, và để hiến mình thành của lễ hy sinh đền tội cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người bốn bể sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta
1.1/ Thiên Chúa cho dân trở về Sion từ nơi lưu đày: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.” Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Sion.” Người loan báo Tin Mừng phải loan báo 3 điểm có liên quan mật thiết với nhau, mỗi điểm nói lên một khía cạnh của ơn cứu độ:
(1) Công bố bình an: Bình an là một trong những chữ được Tiên tri Isaiah dùng nhiều nhất; nó không phải là sự vắng mặt của chiến tranh, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Con người được hòa giải với Thiên Chúa; vì thế, con người có bình an.
(2) Loan tin tốt lành: Tin Mừng đến từ Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành. Ngài ban phúc lành của Ngài cho con người: tha thứ tội lỗi và cho được hưởng ơn cứu độ.
(3) Công bố ơn cứu độ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa. Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn trong việc giải phóng Dân Do Thái khỏi lưu đày Babylon; nhưng bao gồm cả việc giải phóng dân khỏi tội lỗi, và đem lại cho dân sự tốt lành và bình an.
Thiên Chúa là Vua hiển trị, chính Ngài sẽ lãnh đạo dân. Những người canh gác của Thành Thánh Jerusalem sẽ nhìn thấy Đức Chúa, và cất tiếng reo hò. Ngài sẽ cai trị dân và cho họ hưởng bình an, những điều tốt lành, và ơn cứu độ.
1.2/ Mọi người sẽ nhìn thấy Thiên Chúa cứu độ Jerusalem: “Hỡi Jerusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Jerusalem. Trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người: người bốn bể rồi ra nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” Sự kiện Chúa giải phóng dân Do Thái khỏi lưu đày Babylon và cho về lại Jerusalem, là một phép lạ mà các dân trong vùng đều hay biết: không bằng sức mạnh quân sự, không bằng sức cố gắng của dân Do Thái; nhưng bằng niềm tin tưởng của Cyrus, Vua Ba Tư vào Thiên Chúa. Tương tự khi Chúa Giêsu giải phóng dân khỏi tội bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá tại Jerusalem, nước Do Thái còn đang dưới ách đô hộ của Đế quốc Rôma.
2/ Bài đọc II: Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử
2.1/ Thánh Tử cao trọng hơn các tiên tri: Trong Mầu Nhiệm Cứu Độ, những gì Thiên Chúa muốn được mặc khải qua hai giai đọan:
(1) “Thời xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ.” Các tiên tri, vì khả năng giới hạn, không thể lĩnh hội một lần; nên Thiên Chúa phải mặc khải nhiều lần và qua nhiều người. Mỗi thời đại có những vấn đề khác nhau, nên mặc khải của các tiên tri cũng khác nhau, chẳng hạn: Tiên tri Amos chú trọng đến công bằng xã hội; Tiên tri Isaiah chú trọng đến việc sửa dạy để thanh luyện dân chúng; Tiên tri Hosea chú trọng đến sự trung thành của Thiên Chúa và sự bất trung của dân. Các tiên tri chỉ biết một khía cạnh về Thiên Chúa, không một tiên tri nào biết tất cả các khía cạnh của Thiên Chúa. Các tiên tri cũng dùng các cách khác nhau để mặc khải: tuyên sấm (Amos, Isaiah), hành động như đóng kịch (Jeremiah).
(2) Thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta trực tiếp qua Thánh Tử: Mặc khải do Thánh Tử hòan hảo hơn tất cả mặc khải của các tiên tri, vì Thánh Tử biết rõ tất cả những gì xảy ra nơi Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu. Các tiên tri là những bạn hữu của Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu là Người Con của Thiên Chúa. Ngài không chỉ biết một phần sự thật như các tiên tri; nhưng nơi Ngài ẩn chứa tất cả sự thật. Qua Ngài, con người nhận ra Thiên Chúa. Tác giả Thư Do-Thái không chủ ý khinh thường các tiên tri; nhưng muốn làm nổi bật vai trò của Thánh Tử.
Người Do Thái quan niệm họ đang sống giữa hai thời đại: thời hiện tại và thời cánh chung; thời hiện tại hòan tòan xấu và thời tương lai là thời huy hòang của Đức Chúa. Giữa hai thời đại là Ngày của Đức Chúa đến và Đức Kitô là Người bắt đầu triều đại của Thiên Chúa.
2.2/ Thánh Tử cao trọng hơn các thiên thần.
1/ Sự cao trọng của Thánh Tử: C.J. Vaughan chỉ ra 6 điều quan trọng liên quan đến Đức Kitô:
(1) Vinh quang nguyên thủy của Thiên Chúa thuộc về Đức Kitô: “Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.” Vinh quang của Thiên Chúa gồm chứa không trong sự đánh phạt con người hay giảm họ xuống hàng tôi tớ, nhưng trong phục vụ, yêu mến, và chết cho con người.
(2) Vương quốc thuộc về Đức Kitô: “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” Các tác giả Tin Mừng không bao giờ nghi ngờ sự chiến thắng thuộc về Đức Kitô; đơn giản vì Ngài là Con Thiên Chúa. Khi mọi việc hòan tất, Ngài sẽ trao vương quốc lại cho Thiên Chúa.
(3) Công cuộc tạo dựng cũng thuộc về Đức Kitô: “Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ.” Thiên Chúa tạo dựng bằng Lời “Hãy có!” tức thì mọi vật liền có.
(4) Công việc quan phòng vũ trụ cũng thuộc về Đức Kitô: “Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.” Thiên Chúa không những dựng nên vũ trụ, nhưng còn quan phòng điều khiển nó theo một trật tự hòa điệu. Ngài điều khiển nó theo sự khôn ngoan, mà Ngôi Lời là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
(5) Công cuộc cứu chuộc là do Đức Kitô: Bằng cái chết, Ngài gánh tội cho con người; bằng sự hiện diện liên tục với con người, Ngài giải phóng con người khỏi tội.
(6) Cuộc vinh thắng khải hòan cũng thuộc về Đức Kitô: “Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.” Theo tác giả Sách Do-Thái, Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa để làm Trạng-sư bênh vực cho con người.
2/ Thánh Tử cao trọng hơn các thiên-thần: Truyền thống Do Thái tin thiên thần là các sứ giả (aggeloi, Hy Lạp, và mal’akim, Do Thái) của Thiên Chúa: các thiên thần có nhiệm vụ trao mệnh lệnh của Thiên Chúa cho con người và tường thuật những gì con người làm hay cầu xin lên Thiên Chúa. Quan hệ trực tiếp giữa Thiên Chúa và con người không thể xảy ra; nếu con người nhìn thấy Thiên Chúa, chắc chắn họ sẽ phải chết (Cv 7,53; Gl 3,19). Vì thế, dễ dàng cho người Do Thái chấp nhận các thiên thần hơn là chính Thiên Chúa. Tác giả Thư Do Thái muốn nhấn mạnh Đức Kitô không phải là một trong số các thiên thần; nhưng cao trọng hơn các thiên thần bội phần. “Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu. Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con; hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta. Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.”
3/ Phúc Âm: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”
3.1/ Sự hiện hữu và vai trò của Ngôi Lời:
(1) Ngôi Lời hiện hữu từ khởi thủy: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.” Từ ngữ “Ngôi Lời” có lịch sử trong cả Do Thái và Hy Lạp. Cả hai lịch sử đều cho “Lời” là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là trí tuệ của Ngài. Thánh sử Gioan dùng từ Hy Lạp để nói về Đấng Thiên Sai của Do Thái, cho người Hy Lạp hiểu. Nếu Ngôi Lời là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời luôn hiện hữu với Thiên Chúa từ khởi thủy.
(2) Vai trò của Ngôi Lời trong việc tạo dựng vũ trụ: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” Nếu Ngôi Lời là trí tuệ của Thiên Chúa, cái gì có trong trí tuệ thì sẽ có; cái gì không có trong trí tuệ thì sẽ không có. Sự sống và Ánh sáng là hai chủ đề chính trong Tin Mừng Gioan, và có liên quan mật thiết với nhau. Sự sống không chỉ thuần túy thể lý, nhưng mở rộng tới sự sống đời đời. Chỉ có Ngôi Lời có khả năng đem sự sống đời đời này cho con người.
(3) Ngôi Lời là ánh sáng: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta là ánh sáng thế gian; ai tin Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12). Bóng tối đối ngược với ánh sáng, và con người cần ánh sáng xua tan bóng tối để con người có thể nhìn thấy; nhưng cũng có những con người muốn ở trong bóng tối nên muốn diệt trừ ánh sáng, vì sợ ánh sáng sẽ phơi bày những tội lỗi của họ cho người khác nhìn thấy.
3.2/ Phản ứng của con người: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” Ánh sáng của Ngôi Lời chính là sự thật Ngài mang từ Thiên Chúa đến cho con người. Đứng trước sự thật, Thánh sử Gioan tường thuật 2 phản ứng chính:
(1) Không nhận biết và không tiếp nhận Người: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Con người ít nhất hai lần từ chối Ngôi Lời: Lần thứ nhất, Thánh Phaolô đồng ý với Gioan khi tố cáo: “Con người phải nhận biết Thiên Chúa qua những gì Thiên Chúa tạo dựng, nhưng họ đã không nhận ra Thiên Chúa” (Rm 1,19-20). Thiên Chúa tạo dựng qua Ngôi Lời, con người chẳng nhận ra Ngôi Lời cũng chẳng nhận biết Thiên Chúa. Lần thứ hai là qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, rất nhiều người đã nhìn thấy Ngôi Lời, nhưng vẫn từ chối tiếp nhận Ngài.
(2) Phần thưởng dành cho những ai tiếp nhận Người: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.” Phần thưởng trọng đại dành cho những ai tin vào Ngôi Lời là họ trở thành con Thiên Chúa; và được hưởng tất cả mọi ơn lành dành cho người con.
3.3/ Những hồng ân Ngôi Lời ban cho con người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật… Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có.”
(1) Ân sủng: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” Đức Kitô, tuy trong thân xác con người, nhưng chứa đựng tất cả khôn ngoan, uy quyền, tình thương, và sự bình an của Thiên Chúa (như các tên gọi của Ngài trong Thánh Lễ Nửa Đêm). Bất cứ ai có được Ngài, là hưởng được tất cả những gì Ngài có. Ngài là sự tòan hảo của Thiên Chúa, và Ngài ban cho con người đời sống thần linh của Ngài.
(2) Sự thật: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Người Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” Ngôi Lời mặc khải cho con người biết sự thật về Thiên Chúa và tất cả các ý định của Ngài. Khi Philip xin Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa, Đức Kitô bảo ông: “Ai đã xem thấy Thầy là đã thấy Cha” (Ga 14,9).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Lịch sử rất quan trọng trong việc hiểu biết và củng cố niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Người không biết lịch sử sẽ dễ dàng chạy theo những niềm tin mơ hồ. Nguy hiểm của những niềm tin này là con người không đạt được mục đích của đời mình.
– Lịch sử của Do Thái quan trọng cho niềm tin của các Kitô hữu, vì Thiên Chúa đã chọn họ làm Dân Riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Chúng ta cần học hỏi lịch sử của họ qua các Sách Cựu Ước để hiểu biết Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa cho con người.
– Theo Lịch sử Cứu Độ, Thiên Chúa đã dùng những cách thức khác nhau để dạy dỗ con người: thời Cựu Ước, Ngài dùng các tiên tri để nói thay và dạy dỗ con người; thời Tân Ước, Thiên Chúa cho Người Con nhập thể để dạy dỗ và mặc khải rõ ràng Kế Họach Cứu Độ cho con người.
– Mọi người chúng ta đều cần được dạy dỗ bởi chính Người Con này. Chúng ta phải có Đức Kitô trong cuộc đời để Ngài soi sáng, dạy dỗ, ban ơn, và chỉ đường cho chúng ta về hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa.