Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, năm C

0
1308

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.

Bài đọc: Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22.

1/ Bài đọc I 1 Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.

2 Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường.

3 Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. 4 Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.

6 Người phán thế này: “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, 7 để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

2/ Bài đọc II:  34 Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. 36 “Người đã gửi đến cho con cái nhà Ítraen lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. 37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng.

38 Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.

3/ Tin Mừng: 15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsi-a!

16 Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.

21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,

22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.

———————————————

Chia sẻ:

NGƯỜI CON CỦA THIÊN CHÚA

Bây giờ cứ thế đã …

Khi “xuất hiện” bên bờ sông Giođan, theo cái nhìn bên ngoài, Ðức Giêsu không có vẻ gì là người đặc biệt. Người hòa mình vào đoàn dân, vào giữa làn sóng người tuốn đến xin Gioan làm phép rửa. Người là một người giữa muôn người.

Lúc ấy, tiếng tăm của Gioan lừng lẫy khắp nơi. Lời giảng của ông làm rung động lòng người. Thiên hạ tìm đến với ông để xin thanh tẩy, kể cả hàng đầu mục Do Thái, cả những người thu thuế và binh lính (x. Lc 3,10-14). Ðó là cả một dòng người đi tìm ơn cứu độ, là dòng lịch sử nhân loại chờ mong được cứu thoát. Và Ðức Giêsu đã đi vào trong dòng người đó, thể hiện tính cách “ở cùng” đến tận căn bản : tham dự trọn vẹn vào cuộc sống con người để rổi từ đó đưa con ngươi đi lên.

Mặc dầu đi giữa đoàn người sám hối, nhưng Ðức Giêsu không hề có tội để được tha thứ. Người muốn đồng hóa mình với nhân loại đến nỗi đã tự nhận mình là “Con Người”. Chính vì vậy Người đã hòa mình vào dòng người đến xin Gioan làm phép rửa.

Xưa kia, lúc lên 12 tuổi, Người đã nói đến bỗn phận của Người là thi hành ý muốn của Chúa Cha. Lúc này, Người cho thấy thánh ý Chúa Cha là gì : loài người được cứu độ. Tại Ðền thờ, Người đã nhấn mạnh đến nguổn gốc thiêng liêng của mình, đến lệnh truyền của Chúa Cha. Còn tại sông Gio-đan, Người cho thấy rõ Người “nên một” với nhân loại.

Với Ðức Giêsu, lịch sử cứu độ bước sang một khúc quanh mới, khúc quanh có tính cách quyết định. Ðức Giêsu đã hòa mình trong đám nạn nhân của tội lỗi để phục vụ họ. Người đã tự nộp mình trong tay những kẻ tội lỗi và để cho họ tố cáo, mặc dù Người chẳng hề vương tội lỗi. Người cũng đã chịu cắt bì đúng theo Lề Luật, như là người đã bị ô uế bởi tội, và giờ đây, cùng với mọi người, Người đã đến với Gioan…

Một sự hòa mình đến tận cùng !

Ðàng khác, theo thánh Mátthêu, phép rửa Ðức Giêsu lãnh nhận nơi Gioan gợi lại và tóm tắt toàn bộ lịch sử của dân Ítraen, một dân không ngừng vượt qua “bởi nước” (tức là đi xuống tận vực sâu, để rổi từ đó đi lên và được sống – nhờ ân sủng Chúa ban). Như vậy, thánh Mátthêu có ý nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là người nối tiếp của dân Ítraen, là người làm cho “dân được tuyển chọn” đạt được ý nghĩa cao cả nhất của mình.

Trong dòng người đông đảo ấy, Gioan đã nhận ra Ðức Giêsu. Sững sờ và kinh ngạc, ông thưa : “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Gioan biết rõ thân phận mình, ông thấy mình bất xứng và đã từ chối làm phép rửa cho Ðức Giêsu, nhưng Người đã trả lời “Bây giờ cứ thế đã…”

Bây giờ cứ thế đã… để thánh ý Chúa Cha được chu toàn : Ðức Giêsu nên giống mọi người.

Bây giờ cứ thế đã… biến cố hôm nay mới chỉ là khởi đầu cho những điều lớn lao hơn, lạ lùng hơn.

Với Gioan, điều xảy ra hôm nay khó có thể chấp nhận, nhưng đó chưa phải là tất cả. Hôm nay mới chỉ là khúc dạo đầu cho một phép rửa khác có năng lực đem lại ơn cứu độ.

Một cuộc Tấn phong

Trong trình thuật của thánh Mátthêu, người ta thấy có tất cả những dấu hiệu về việc sáng tạo :

+ Gioan, người sống trong sa mạc, dấu hiệu về sự đoạn tuyệt.

+ Nước sông Giođan, từ đó Ðức Giêsu bước lên, như ra khỏi lòng mẹ.

+ Các tầng trời mở ra.

+ Thánh Thần dưới hình chim bồ câu.

Thực ra, tiếng nói từ trời công bố Ðức Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, vĩnh cửu không phải là nói lên một điều gì mới. Không phải lúc này Chúa Cha mới công nhận Ðức Giêsu là Con. Ðức Giêsu muôn đời vẫn là Con Thiên Chúa. Hôm nay chỉ là lời công bố long trọng về một sự việc vẫn có trong vĩnh cửu, và hôm nay được tỏ hiện trong thời gian cho mọi người được biết: Ðức Giêsu là Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa, là Ðấng nối kết trời với đất.

Hình ảnh Ðức Giêsu chìm trong nước gợi lại việc sáng tạo và lụt hồng thủy; đất chìm trong làn nước; đồng thời hình ảnh Mô-sê và đoàn dân ra khỏi Biển Ðỏ.

Như vậy, việc Ðức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan là biến cố kết thúc cuộc đời ẩn dật của Người, và mở ra đời sống công khai. Khi Người bước xuống dòng sông, người ta chỉ biết Người như mọi người khác, là con bà Maria. Nhưng khi từ dưới sông bước lên, Người tỏ mình ra – và được công nhận – là Ðấng Vĩnh Cửu, là Con Thiên Chúa. Trong khi trở nên hoàn toàn giống nhân loại, ngoại trừ tội lỗi, Người vẫn là Con Thiên Chúa. Và Thánh Thần đã tấn phong, đã thánh hiến Người, Chúa Cha đã nói rõ Người là Con chí ái. Thực là một cuộc tấn phong, một cuộc xức dầu đặc biệt. Xức dầu để sai đi.

Trong cuộc tấn phong long trọng này, Ðức Giêsu vẫn thể hiện tính khiêm tốn. Ở đây, người ta nhớ lại lời ngôn sứ Isaia diễn tả về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa : “Không kêu la… không bẻ gẫy cây sậy bị giập” (Bài đọc I), và “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38). Ðức Giêsu được sai đến trần gian không phải để thống trị, nhưng là để hiến mạng sống hầu chuộc lại con người cho Thiên Chúa.

Dầu vậy, trong nét khiêm tốn và hiền lành, Ðức Giêsu vẫn cho thấy tính cương quyết. Khiêm tốn nhưng không yếu đuối, hiền lành nhưng không nhu nhược. Người đã vững vàng thi hành trọn vẹn sứ mạng đã được trao phó, dù phải hy sinh cả tính mạng.

Nhìn xa hơn, cuộc tấn phong này là biến cố báo trước cuộc tử nạn và phục sinh. Sau này, trong cuộc đời công khai, Ðức Giêsu đã nói đến một thứ phép rửa khác Người phải chịu, tức là cuộc Thương khó, một phép rửa bằng máu (x. Mc 10,38; Lc 12,50). Phép rửa trong nước hôm nay là bước khởi đầu, còn phép rửa trong máu là điểm kết thúc. Do đó, hình ảnh Ðức Giêsu từ dòng sông Giođan bước lên cũng báo trước việc Người sẽ bị dìm trong sự chết, được mai táng trong mổ, và sẽ bước ra khỏi đó vào ngày phục sin. Và lời tuyên phong của Chúa Cha cũng sẽ đạt được ý nghĩa trọn vẹn trong mầu nhiệm Phục Sinh.

Như thế, cuộc hiển linh hôm nay, tuy có tính cách dịu dàng và long trọng, nhưng chỉ mới là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến đấu, mới chỉ là những tuyên bố đầu tiên cho một tương lai dài. Tất cả đều hướng tới mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Vinh quang hôm nay hứa hẹn cho vinh quang trọn vẹn của Ngày Phục Sinh.

Con đường đi lên

Hôm nay, người Kitô hữu mừng lễ Rửa tội của mình. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mỗi người đã trở thành Con Thiên Chúa, và được sống với Người, vì đã được dìm trong sự chết và sống lại của Ðức Kitô. Ngày nay, không còn phép rửa của Gioan, nhưng là mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ðức Kitô.

Tuy vậy, như Ðức Giêsu, việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy mới chỉ là bước khởi đầu, chứ chưa phải là kết thúc, mỗi người Kitô hữu sẽ cảm nghiệm dần dần về thực tại lớn lao ấy, đồng thời thể hiện nỗ lực sống của mình để đạt tới tầm mức viên mãn như Thiên Chúa mong muốn.

Bên bờ giếng rửa tội, cũng một Thần Khí xưa kia xuống trên Ðức Giêsu, đã được ban cho người Kitô hữu, giúp họ sống thân mật với Chúa, và tiến bước trong niềm vui. Nhờ Thần Khí thúc đẩy, họ luôn trở thành những con người mới trong Ðức Kitô, luôn chiến đấu chống lại các nết xấu, và cương quyết chu toàn những cam kết của một người con.

“Con là Con Ta”
Ðó là lời Chúa Cha nói với Ðức Giêsu,
cũng là nói với mỗi người chúng ta.

“Con là Con Ta”
Ðó là một hồng ân – một kinh nghiệm
phải đón nhận và sống mỗi ngày.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here