Lc 7,36–8,3: Đức Giêsu Tha Thứ Cho Người Phụ Nữ Tội Lỗi

0
1268


Lm. F.X. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 7,36–8,3 [1]

36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” 40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. 41 Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” 43 Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm”.

44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. 48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.

8 1 Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

***

I.- NGỮ CẢNH

Toàn Chương 7 Tin Mừng Luca được bố trí xung quanh chứng từ của Đức Giêsu về Gioan Tẩy Giả: bắt đầu là hai bài tường thuật về phép lạ (Lc 7,1-10 và Lc 7,11-17);[2] sau đó là bài tường thuật về người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,36-50); ở giữa là ba hoạt cảnh diễn tả quan hệ giữa Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu (Lc 7,18-23; 7,23-30; 7,31-35).[3] Chúng ta có thể cho rằng ngữ cảnh là như sau: Ở trong tù, Gioan đã cho người đi gặp Đức Giêsu mà đặt câu hỏi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không?…” (Lc 7,20). Như Người đã làm trong diễn từ khai mạc ở Nazareth, Đức Giêsu trả lời bằng cách trích ngôn sứ Isaia (Is 26,19; 35,5t; 61,1).[4] Nhưng Người thay thế câu “Hôm nay đã ứng nghiệm …” (Lc 4,21) bằng các hành vi: “Người chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền…” (Lc 7,21). Người muốn chứng minh cho Gioan và các đồ đệ ông biết rằng, Người đúng là Đấng phải đến, bởi vì Người làm ứng nghiệm Kinh Thánh. Hai phép lạ được nêu ra ở đầu Chương 7 (chữa người nô lệ của viên sĩ quan; cho con trai bà góa Nain sống lại) là như một yếu tố để chứng minh. Đứng trước phép lạ Nain, đám đông đã reo lên: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta” (Lc 7,16). Vậy Đức Giêsu đúng là vị ngôn sứ được Kinh Thánh loan báo, và Gioan có nhiệm vụ dọn đường cho Người.

Nhưng Người đã được đón tiếp như thế nào? Khi những người Gioan cử đến đã đi, Đức Giêsu giải thích: có những người, đó là toàn dân và đặc biệt những người bị khinh bỉ nhất, những người thu thuế, đã “biện minh” cho Thiên Chúa, đã cho thấy rằng Ngài có lý, khi xin Gioan làm phép rửa cho mình; còn những người khác, những người Pharisees và các thầy thông luật, khi từ khước phép rửa này, đã làm cho chương trình của Thiên Chúa nên vô ích cho họ.

Có hai yếu tố của bản văn trên đây được nhắc lại trong hoạt cảnh Người phụ nữ tội lỗi, nên đã liên kết hoạt cảnh này vào văn cảnh trên.

1/. Tư cách ngôn sứ

Câu nói của người Pharisees là “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào…” (câu 39); thế mà Đức Giêsu đã trả lời bằng một hành vi: tha tội.

2/. Tiếp đón

Vị ngôn sứ này đã được tiếp đón cách tuyệt vời bởi con người bị khinh bỉ nhất, một phụ nữ tội lỗi. Vậy bản văn này phải được kể là thuộc về toàn bộ Chương 7. Đây chính là lối viết văn quen thuộc của tác giả Luca: ngài thích viết các truyện thành hai bảng.

– Trong bảng thứ nhất, ngài cho thấy cách thức Kinh Thánh được hoàn tất bởi và nơi Đức Giêsu.

– Sau đó, có một câu hỏi hoặc một sự cố khơi lại đề tài, và Luca sẽ cho thấy rằng cách thức Đức Giêsu hoàn tất Kinh Thánh thì đẹp và sâu hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể hy vọng hoặc tưởng tượng.[5]

Bài đọc Phụng vụ nối thêm vào một đoạn nhỏ nói về các phụ nữ “đi theo” Đức Giêsu, tức là làm môn đệ Người.

II.- BỐ CỤC

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1/. Đức Giêsu, ông Pharisees và người phụ nữ tội lỗi (7,36-50):

     1- Phần một (câu 36-40):

          A (36-38)

          B (39)

          C (40-43)

     2- Phần 2 (44-50)

          A’ (44-46)

          C’ (47)

          B’ (48-50)

2/. Các phụ nữ đi theo Đức Giêsu (8,1-3).

Trình bày kết cấu của 7,36-50:

Chúng ta có thể chia bản văn thành hai phần. Cả hai phần đều bắt đầu bằng cử chỉ của Đức Giêsu là “vào” nhà ông Pharisees Simon và nhấn trên sự hiện diện của người phụ nữ. Cả hai phần đều nêu ra các cử chỉ của bà này (câu 37-38) mà đối lập với ông Pharisees trong phần 2 (câu 44-46). Do đó, ta có thể đặt song song hai phần nhỏ A (câu 36-38) và A’ (câu 44-46).

Hai câu hỏi “trong lòng” (nghĩ bụng) về căn tính của Đức Giêsu cho phép xác định hai phần nhỏ khác là B (câu 39) và B’ (câu 48-50). Hai phần nhỏ này không có cùng một vị trí như nhau. Tương ứng với phần C (câu 40-43) trong đó có bài dụ ngôn nhỏ Hai con nợ, là lời tha tội ở C’ (câu 47).

Vậy lược đồ của toàn bản văn là A-B-C x A’-C’-B’. Cấu trúc này xoay quanh chủ đề “xét đoán” (krinô) được diễn tả bởi chi câu trung tâm là câu 43b. Trong phần 1, người “nghĩ bụng (tự nhủ, en heautô) là ông Pharisees Simon, ông nghi ngờ căn tính ngôn sứ của Đức Giêsu vì có liên quan đến căn tính của người phụ nữ tội lỗi. Cũng ông Simon đã được mời dựa vào dụ ngôn và đoán xét về lòng biết ơn của hai con nợ. Trong phần 2, người “xét đoán” là Đức Giêsu, Người tỏ cho thấy là Người biết người phụ nữ có “nhiều tội”, nhưng đồng thời cũng biết là chị ấy “mến” nhiều. Những người đồng bàn “nghĩ bụng” (en heautois) về khả năng của Đức Giêsu là tha tội. Cuối cùng, cả hai phần kết thúc bằng hai từ tương tự: “tha, charizô” (câu 43a)“cứu, sôzô” (câu 50). Chiều kích “xét đoán” nằm tại trung tâm của mỗi phần: trong B, người Pharisees xét đoán người phụ nữ và Đức Giêsu, còn trong C’, Đức Giêsu xét đoán (tích cực) người phụ nữ khi chặn ông Pharisees.

III.- VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

– Có người thuộc nhóm Pharisees mời Đức Giêsu dùng bữa (7,36): Tin Mừng Luca là Tin Mừng duy nhất cho thấy có ba lần Đức Giêsu được người Pharisees mời dùng bữa (ở đây; Lc 11,37 và 14,1).[6] Ở chỗ khác, ta thấy người Pharisees đối xử tốt với Đức Giêsu, chẳng hạn khi họ báo cho Người biết là Herode tìm giết Người (Lc 13,31).[7] Có lẽ Luca gần với thực tế lịch sử hơn Marco và nhất là Matthew. Phải chăng Luca có cách nhận định mềm dẻo như thế vì ngài đã chịu ảnh hưởng tông đồ Phaolô, mà vị này thì rất tự hào về tư cách Pharisees (Pl 3,5; Cv 23,6; 26,5).[8]

– Vào bàn ăn (7,36): Bản Hy Lạp là keteklithe, “nằm dài ra”. Như vậy, Đức Giêsu đã được mời ăn tiệc, bởi vì trong các bữa ăn thường, người ta ngồi.

– Một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành (7,37): Theo các truyền thống của Họi Thánh Tây phương, ít ra từ thời Đức Gregorian Cả, người ta đã đồng hóa cô Maria Bethania với người phụ nữ tội lỗi miền Galilee, và thậm chí với Maria Magdalena (8,2). Tuy nhiên, cách đồng hóa này không có cơ sở trong Tân Ước. Chị này tội lỗi có thể vì là một cô gái điếm, hay là vì đang sống trong một hoàn cảnh hôn nhân không bình thường, hoặc là vợ của một người làm một nghề bất chính (thu thuế, chăn chiên,.v.v…)? Ta loại bỏ nghĩa cuối cùng, vì câu 49 rõ ràng nhắm đến các tội lỗi cá nhân.

– Một bình bạch ngọc đựng dầu thơm (7,37): Thường các bình này được làm bằng đá mềm, với đủ thứ hình dạng.

– Lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người (7,38): Luca không cho biết nguyên do khiến chị này khóc. Các nhà chú giải thường phỏng đoán là chị ấy khóc vì hối hận. Nhưng biết đâu chị cũng khóc vì vui sướng, do đã được cảm nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.

– Hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên (7,38): Đây là những cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính dành cho Đấng được nhìn nhận là tác nhân đưa lại ơn cứu độ của Thiên Chúa. Người ta hôn đầu gối hoặc bàn chân là để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa.

– Ông này là ngôn sứ (7,39): Các ý nghĩ của người Pharisees phản ánh niềm tin thông thường: một ngôn sứ thì phải có khả năng nhận ra được tính cách của các con người mà họ tiếp xúc.

– Thưa Thầy (7,40): Simon coi Đức Giêsu như là một trong các vị thầy đáng kính của xứ Palestina. Danh hiệu “didaskalos” được dùng để gọi Gioan Tẩy Giả (Lc 3,12),[9] nay được gán cho Đức Giêsu lần đầu tiên.

– Mến chủ nợ (7,42): Các hành vi của chị là những hành vi diễn tả lòng biết ơn; thế nhưng Đức Giêsu lại nói đến “lòng mến”. Đó là vì tiếng Hipri, Aram, Xyri không có động từ “cám ơn” hay danh từ “lòng biết ơn”, nên phải dùng một từ ngữ khác để diễn tả; ở đây là từ “yêu mến” (x. câu 42: câu 44-46 // câu 47).

– Được tha nhiều vì/nên (hoti) đã yêu mến (7,47a): Có thể dịch hai cách:

+ (i) Chị đã được tha nhiều vì đã yêu mến nhiều (= kết quả);

+ (ii) Chị đã được tha nhiều nên đã yêu mến nhiều (= nguyên nhân).

Muốn ăn khớp với ngữ cảnh, nên hiểu theo cách thứ hai: Người ta nhận ra được là chị đã được tha nhiều ở chỗ chị yêu mến nhiều. Chính kết luận của Đức Giêsu ở câu 47b cũng khẳng định như vậy, cùng với lời tiếp theo: “Tội của chị đã được tha rồi” (câu 48).

– Mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh (8,2): Ta có thể kể ra cả mẹ vợ Simon (Lc 4,38-39),[10] nhưng có thể cho rằng bà ở lại nhà chứ không đi theo Đức Giêsu. Còn các bà khác hẳn là được nhắc đến trong các chi tiết ở Lc 4,40-41 và 6,17-19.[11]

– Đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ (8,3): Các mà dùng cách này để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Giêsu. “Giúp đỡ”, dịch sát là “phục vụ” (diakonein). Từ này được dùng để chỉ hoạt động của các tông đồ (Cv 1,17.25)[12] và của bảy trợ tá (Cv 6,1),[13] và nhất là của chính Đức Giêsu (Mc 10,45; Lc 22,27).[14]

IV.- Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN

* Đức Giêsu, ông Pharisees và người phụ nữ tội lỗi (36-50)

Đức Giêsu được ông Pharisees tên là Simon mời ăn tiệc; đây là dấu chứng tỏ ông tôn kính Người, vì ông nghĩ Đức Giêsu có thể là một ngôn sứ (x. câu 39), hoặc ít ra Người cũng là một vị thầy du thuyết, đã có lần lên tiếng trong hội đường. Tuy nhiên, hoàn cảnh vẫn có tính hàm hồ. Ông chủ nhà nghĩ mình là người quan trọng, ông nắm hoàn cảnh trong tay, ông không phải đánh liều gì cả: ông đã tiếp đón Đức Giêsu nhưng với một mức lịch sự tối thiểu bởi vì ông mong muốn làm vui lòng mọi người. Bằng cách mời Đức Giêsu đến ăn tiệc, ông chứng tỏ ông có tâm trí cởi mở, có khả năng để ý đến các tư tưởng mới, một con người có một trí thông minh nào đó; tuy nhiên, bằng cách bỏ qua những cách tiếp khách quen thuộc (“Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi… Ông đã chẳng hôn tôi một cái”, câu 44-45), ông luôn luôn có thể nói rằng ông đã giữ khoảng cách và chỉ làm một chuyện là ngó tới Người để nghe xem Người nói gì mà thôi.

Thái độ của ông chủ như thế hẳn đã làm cho bầu khi ra căng thẳng và nặng nề rồi; những người khác lại cũng đang trông chừng nhau và hẳn là cũng nói những chuyện chung chung để khỏi làm mất lòng ai.

Giữa tình thế ấy, một người phụ nữ đi vào, lại là “một người tội lỗi trong thành”, ai cũng biết (câu 37). Bà này bất kể các quy ước xã hội, bà không sợ hãi gì cả, bà tiến đến. Rồi bằng một cử chỉ thú nhận tội lỗi công khai, bà bày tỏ với Đức Giêsu những dấu chỉ diễn tả là quý mến, lòng biết ơn và tôn kính mà không một ai đã bày tỏ với Người trước đó: “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người” (câu 38; x. câu 44), “lấy tóc mình mà lau” (câu 38; x. câu 44), “hôn chân Người” (câu 38; x. câu 45), “và lấy dầu thơm mà đổ lên” (câu 38; x. câu 46). Lòng biết ơn của bà chan hòa đến độ bà không ngại xõa tóc ra để lau chân Đức Giêsu, cho dù bỏ khăn và xõa tóc ra trước mặt phái nam là một sự ô nhục cùng cực. Bà đã làm như thế, vì bà quá sợ khi thấy nước mắt mình làm hoen ố chân Đức Giêsu, sợ đến mức quên những người đang ở chung quanh.

Không một ai đã dám làm một cử chỉ đánh liều; người phụ nữ này đã liều một bước lớn: Đức Giêsu sẽ làm gì, Người đứng về phía nào? Đức Giêsu lại chứng tỏ sự khéo léo mà lật ngược các hoàn cảnh. Người không bắt đầu với một lời trách; Người hành động cách cẩn thận. Người kể một dụ ngôn cho Simon: “Một chủ nợ kia có hai con nợ…” (câu 41tt), rồi đến cuối, Người hỏi ông một câu để ông nhận định. Ông đã “xét đúng” về câu chuyện, theo hình thức (câu 43): Kẻ được tha nhiều hơn, thì yêu mến nhiều hơn. Thật ra đây là một lý luận theo số lượng. Nhưng từ đó Đức Giêsu đưa ông đến chỗ biết rằng theo cái nhìn của Thiên Chúa, và cũng từ quan điểm của sự thành thật con người, hoàn cảnh này hoàn toàn ngược lại với những gì mỗi người đang nghĩ. Ông “xét đúng” câu chuyện, nhưng ông lại xét sai những con người (người phụ nữ và Đức Giêsu). Ông có một cái bên ngoài đúng đắn, có học thức và lịch thiệp, và có một cái bên trong đối lập với người phụ nữ và Đức Giêsu. Kẻ không mời mà đến, kẻ phải thật sự xấu hổ về chính mình, kẻ không đã biết cách cư xử, chính là Simon; còn người đã xử sự đúng như hoàn cảnh đòi hỏi, đáp trả theo một cách đúng là người, đó là người phụ nữ: bà là người đã hiểu và đã nắm lấy đúng hoàn cảnh.

Nói cho cùng, từ ngữ “tình yêu” tuy không được viết ra, lại là từ ngữ trung tâm: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (câu 47). Thật ra, những người tội lỗi, những người không tin nên không mở ra với ân sủng của Đức Giêsu cũng là những người tưởng mình công chính. Đức Giêsu vẫn tiếp tục đồng bàn với họ. Như thế, có một sự lật ngược tình thế, đó là: Đức Giêsu mà người Pharisees chỉ trích vì “đồng bàn” với người thu thuế và kẻ tội lỗi, cũng là Đức Giêsu không ngại đồng bàn với những kẻ vẫn tưởng mình đàng hoàng, nhưng thật ra có con tim khép kín với tình yêu và sự tha thứ. Với cả hai bên, Đức Giêsu đều có thể nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).

* Các phụ nữ đi theo Đức Giêsu (1-3)

Qua đoạn văn nhỏ này, chúng ta thấy Hội Thánh đã có trước khi Đức Giêsu chết và sống lại. Hội Thánh gồm có Nhóm Mười Hai, và có cả một nhóm các phụ nữ. Họ cũng có một vị trí và một vai trò trong Hội Thánh. Tin Mừng Luca đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các phụ nữ: tác giả cho thấy, trong khi họ bị khinh bỉ vào thời đó, Đức Giêsu kết hợp họ vào hoạt động của Người: họ phục vụ (“diekonoun”, giúp đỡ, 8,3). Người, như các trợ tá, như các tông đồ và hơn nữa, như chính Đức Giêsu. Việc “phục vụ” này là thái độ căn bản của người Kitô hữu.

+ Kết luận

Toàn bản văn hôm nay như nói về chính chính hành trình thiêng liêng của chúng ta. Trước mặt Đức Giêsu, mỗi người chúng ta biết mình là người tội lỗi. Chính vì Người là ngôn sứ mà Đức Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta như thế. Nhưng vì Người cũng là Đấng Cứu độ, là Lòng Từ bi của Thiên Chúa nhập thể, nên Người đã đến với chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Phía chúng ta, chúng ta đã và sẽ làm gì để bày tỏ lòng biết ơn?

V.- GỢI Ý SUY NIỆM

1/. Tìm cách làm vui lòng mọi người mà không phải “trả giá” đúng là cách cư xử chúng ta có thể rơi vào: chúng ta làm việc gì đó nhưng theo cách mà không ai có thể chỉ trích chúng ta, và như thế, chúng ta cẩn thận tiến đi giữa hai ý kiến mà không nhận lấy ý kiến nào cả. Thật ra cũng có khi điều này là cần thiết do hoàn cảnh, nhưng cũng chắc chắn là người nào sống như thế thì không sống đầy; người ấy giống như Simon, chuẩn bị một bữa tiệc mời Đức Giêsu mà lại để cho bầu khí căng thẳng và nặng nề. Kérygma làm ra như thế: nó đảo lộn các hoàn cảnh, làm cho những người nghĩ mình làm chủ tình hình phải xấu hổ và nâng cao những người hành động trong một tinh thần khiên nhường, sự thật và đơn sơ, vì muốn hiến mình, vì muốn làm một điều gì hơn, vì muốn đánh liều vì yêu thương.

2/. Tin Mừng làm cho người ta ý thức về lầm lỗi của họ và ý thức mình cần được thanh tẩy: không phải bằng những lời trách móc nghiêm khắc khiến người ta rơi vào thế tự vệ, nhưng bằng cách ban cho người ta sự can đảm, sự cương quyết và tự do. Chính tất cả những điều này sẽ giúp người ta sẵn sàng đi tìm sự thanh tẩy và đạt được ơn Thiên Chúa tha thứ, khiến cuộc đời mình thay đổi hoàn toàn.

3/. Nếu loan báo Tin Mừng có nghĩa là đưa đến một cuộc giải phóng bên trong để con người đạt được tiềm năng sẵn có của mình, khả năng của mình, là tự diễn tả ra và thắng vượt khối nặng các tội lỗi, thì người loan báo Tin Mừng phải cho thấy là tất cả mọi điều này đều đã và đang đúng nơi chính mình. Chính Đức Giêsu đã chứng tỏ điều đó bằng cả cuộc sống của Người.

4/. Đi xưng tội là xưng thú các tội mình đã phạm, nhưng trước tiên là tuyên xưng rằng Thiên Chúa thật là cao cả trong tình yêu của Ngài, là loan báo Tin Mừng cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô. Có ý thức rằng Thiên Chúa là tình yêu cứu độ, chúng ta mới đến với Ngài để được cứu độ; có ý thức chúng ta được tha thứ nhiều, chúng ta mới có lòng biết ơn và biết diễn tả lòng biết ơn bằng lời nói và nhất là bằng đời sống, trong các quan hệ hằng ngày.

5/. Hôm nay chúng ta đến dự bàn tiệc với Chúa Giêsu, Người muốn chúng ta “nhìn thấy người phụ nữ” trong Giáo Hội chúng ta hiện nay. Các phụ nữ nơi bàn tiệc trong cộng đoàn Kitô hữu có địa vị gì? Họ có tiếng nói trong cộng đoàn hay không? Có ai để ý đến tiếng nói của họ không? Có những phần việc nào mà họ không được làm hay không? Tại sao? Ai là những người được có trách nhiệm phục vụ? Có những việc gì mà chỉ dành riêng cho một số người thôi? Tại sao? Bài Phúc Âm hôm nay có thể là kính mắt mới rõ ràng hơn để giúp chúng ta suy gẫm câu hỏi của Chúa Giêsu: “Anh em thấy người phụ nữ này chứ?” (Siciliano).

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Lc 7,1-17: 1 Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. 2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. 4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. 6 Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm”. 9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. 10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn. 11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

[3] Lc 7,18-23; 7,23-30; 7,31-35: 18 Môn đệ của ông Gio-an báo cho ông biết tất cả những việc ấy; ông Gio-an liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, 19 sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” 20 Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: “Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: “Thầy có thật là “Đấng phải đến” không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” 21 Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22 Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, 23 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. 24 Khi những người ông Gio-an sai đến đã ra về, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? 25 Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. 26 Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! 27 Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến! 28 “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. 29 Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. 30 Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông. 31 “Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? 32 Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than’. 33 “Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. 34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. 35 Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho”.

[4] Is 26,19; 35,5t; 61,1: 19 Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng! Vì lạy Chúa, sương Ngài ban là sương ánh sáng, và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh. 35 5 Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. 61 1 Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân.

[5] x. Hoạt cảnh Truyền tin; hoạt cảnh Đức Giêsu trước Thượng Hội Đồng.

[6] Lc 11,37 và 14,1: 37 Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. 14 1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

[7] Lc 13,31: Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!”.

[8] Pl 3,5: Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu; Cv 23,6; 26,5: 6 Ông Phao-lô biết rằng một phần Thượng Hội Đồng thuộc phái Xa-đốc, còn phần kia thuộc phái Pha-ri-sêu, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị: “Thưa anh em, tôi là người Pha-ri-sêu, thuộc dòng dõi Pha-ri-sêu; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử”. 26 5 Từ lâu họ đã biết, và nếu muốn, họ có thể làm chứng rằng tôi đã sống theo phái nghiêm nhặt nhất trong tôn giáo chúng tôi, tức là phái Pha-ri-sêu.

[9] Lc 3,12: Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”.

[10] Lc 4,38-39: 38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. 39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.

[11] Lc 4,40-41 và 6,17-19: 40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô. 6 17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

[12] Cv 1,17.25: 17 Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. 25 để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giu-đa đã bỏ để đi về nơi dành cho y”.

[13] Cv 6,1: Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.

[14] Mc 10,45: Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”; Lc 22,27: Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.