Lc 7,11-17: Con Trai Bà Góa Nain Sống Lại

0
2483


Lm. F.X. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 7,11-17 [1]

11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

***

1.- Ngữ cảnh

Sau bài diễn từ “trong đồng bằng”, Đức Giêsu đi vào Capharnaum. Tại đây Người chữa lành một người nô lệ sắp chết (Lc 7,1-10).[2] Do đó, ta có thể thấy có một sự tiến triển từ truyện ấy đến truyện đọc hôm nay: ở Lc 7,1-10, ta ghi nhận là tại Capharnaum, Đức Giêsu chữa lành một người nô lệ “gần chết”; ở Lc 7,11-17, tại Nain, Đức Giêsu cho một thanh niên, con một bà góa, đã chết, được “trỗi dậy”.

Hai dấu chỉ này lại không tách biệt với những gì đến sau: trong câu trả lời cho những người được Gioan cử đến, Đức Giêsu gửi họ trở lại với những phép lạ cho người chết sống lại (Lc 7,22).[3] Như vậy, chức năng của hai truyện Capharnaum và Nain đã rõ: tác giả dùng để chuẩn bị cho câu hỏi về chân tính của Đức Giêsu và câu trả lời của chính Người. Nhờ hai hành vi quyền lực này cũng như những cuộc chữa lành khác (x. Lc 7,21),[4] Đức Giêsu có thể nói: anh em cứ nhìn xem những gì tôi đã làm! Nhưng nếu người ta có thể nhận biết Người là bởi vì các phép lạ đáp lại một sự chờ đợi được gợi lên bởi một lời hứa: trong câu trả lời, Đức Giêsu nhắc lại bản văn Isaia đã đọc tại hội đường Nazareth, cũng như những bản văn khác (x. Is 26,19; 29,18; 35,5-6; 61,1),[5] để nói lại lần nữa rằng trong tất cả những chuyện này, phải thấy là các lời ngôn sứ được ứng nghiệm. Đàng khác, nếu rảo qua tất cả các xen nằm trong Lc 7,1–7,49, ta thấy rõ toàn khối có tính thống nhất: từ đầu cho đến cuối Chương 7 này, đề tài là tư cách ngôn sứ của Đức Giêsu và những dấu chỉ cho phép nhận ra Người. Để thấy được điểm này, ta có thể so sánh Lc 7,1-10 // 7,11-17; 7,18-23 // 7,24-28; 7,29-35 // 7,36-49.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

       – 1/. Giới thiệu các nhân vật (7,11-12);

       – 2/. Hành động của Đức Giêsu (7,13-15);

       – 3/. Phản ứng của dân chúng: ca ngợi và phổ biến (7,16-17).

3.- Vài điểm chú giải

– Nain (11): Một thành ở về phía nam Galilee, chỉ được nhắc đến ở đây trong Kinh Thánh. Thành ở không xa Endo về phía tây bắc của Nebi Dahi, một quả đồi ở giữa Ghinboa và núi Tabo, cách Nazareth về phía tây nam vài dặm.

– Bà đừng khóc nữa (13): Dạng mệnh lệnh hiện tại có nghĩa là “Bà đừng tiếp tục khóc nữa!”. Đức Giêsu không ngăn cản nỗi đau của một người mẹ, nhưng khuyên bà như thế là nhắm đến hành vi Người sắp làm.

– Ngôn sứ (16): Hẳn là sự kiện này nhắc nhớ đến sự việc ngôn sứ Elijah cho người con một của bà góa Sarepta sống lại. Có thể so sánh 1V 17,20 // Lc 7,12; 1V 17,17.20 // Lc 7,12; 1V 17,22 // Lc 7,15; 1V 17,23 // Lc 7,15; 1V 17,24 // Lc 7,16.[6] Sau này chính tác giả Lc cho thấy đám đông coi Đức Giêsu là Elijah của thời cuối cùng (Lc 9,18).[7]

– Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (16): Câu này nhắc lại minh nhiên câu mở đầu và câu kết của bài Benedictus (Lc 1,68.78).[8] Có lẽ tác giả thấy trong cả hai trường hợp, có việc ban tặng một người con: cho Dacaria và Elisabeth đã lâu vẫn xin có được một con trai, và cho bà góa vừa mất đứa con một.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Giới thiệu các nhân vật (11-12)

Bài tường thuật bắt đầu với việc giới thiệu các nhân vật qua hai bước (= hai thì). Câu 11 cho thấy Đức Giêsu đang tiến về một thành gọi là Nain, có các môn đệ và một đám đông cùng đi với Người. Còn câu 12 thì kể rằng, khi Đức Giêsu đến cửa thành thì gặp một người chết là con trai một, được đưa đi chôn, mẹ của anh là một bà góa, và một đám đông đáng kể của thành đi với bà.

Chúng ta ghi nhận sự song đối: có hai đám đông, nhưng đi theo hai hướng đối ngược. Đây là hai nhóm người không có gì chung cả: những người thuộc nhóm thứ nhất đi theo một người có uy quyền, còn những người thuộc nhóm thứ hai đi theo một người chết.

* Hành động của Đức Giêsu (13-15)

Chúng ta không biết gì về tình cảm của cả hai nhóm. Nếu tác giả không ghi lại các tình cảm của những người đi theo người chết cũng như phản ứng của các môn đệ nhằm lưu ý Đức Giêsu về tình trạng bất hạnh của bà góa, thì không phải là vì ngài quên, nhưng ngài muốn nêu bật kết quả: phần giới thiệu ngắn gọn và hoàn toàn khách quan, bề ngoài, về các nhân vật, nhằm giúp tập trung chú ý vào lòng thương cảm của Đức Giêsu: Người là chủ ngữ của tất cả các động từ trong câu 1-15: thấy, chạnh lòng thương/đầy lòng trắc ẩn (“splanchnizomai”: ruột gan quặn thắt), nói (với bà góa), lại gần, sờ, nói (với người chết), trao anh ta cho bà mẹ. Cũng như trong truyện Dakeu (Lc 19,1tt), chính sáng kiến của Đức Giêsu gây ra sự cố: nếu Đức Giêsu đi qua mà không dừng lại trước bà góa hoặc không ngỏ lời với ông trưởng nhóm thu thuế, thì hẳn là chẳng một ai trong những nhân vật ấy đã được nếm cảm niềm vui. Trong cả hai trường hợp, lời Đức Giêsu nói cho thấy Người hiểu thấu trái tim con người hoặc Người vén mở cho thấy dần dần căn tính của con người.

Quả thật, chính Đức Giêsu nói lên ý thức về nỗi phiền muộn của người phụ nữ: “Bà đừng khóc nữa!” (câu 13), và về tuổi tác của người chết: một người thanh niên (câu 14)! Đặc biệt lời Người nói có sức mạnh vô song, bởi vì tức khắc điều Người truyền đã xảy ra: từ lời quyền năng của Người trào vọt ra mọi thay đổi tiếp đó. Ta ghi các lời nói tuôn trào từ lời của Đức Giêsu: “Đức Giêsu nói: Hãy trỗi dậy! Người chết liền… bắt đầu nói… Mọi người đều nói: Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện… Lời này (logos) được đồn ra trong khắp cả miền Giudea”. Tác giả đã đưa chúng ta chuyển đi từ cái nhìn trên nhóm người đi đưa đám sang chú ý vào Đức Giêsu bằng cách gọi Người là “Chúa” (“Kyrios”, câu 13). Ngài không nói trong tư cách là người tường thuật một sự kiện, một biến cố, nhưng trong tư cách tín hữu. Đối với tác giả, chính chúa tể của sự sống và sự chết đang ngỏ lời với bà góa. Có hai chi tiết khiến ta nhờ đến bài thánh ca Benedictus: Lòng trắc ẩn của Đức Giêsu (Lc 1,78: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn”) và lời của dân chúng: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16; x. Lc 1,68: “đã viếng thăm cứu chuộc dân Người”). Từ đó, có thể nói: khi Đức Giêsu cứu chữa vì lòng trắc ẩn, Thiên Chúa đã đến gặp dân Ngài. Chính dân Israel đã đón Thiên Chúa đến viếng thăm (Lc 7,17).

Cũng cần ghi nhận một điểm nữa. Vừa giới thiệu xong hai nhóm, tác giả ghi nhận một hành động của Đức Giêsu: “trông thấy bà”, “idôn autên” (câu 13a). Không phải người chết khiến Đức Giêsu phải động lòng thương, nhưng là người mẹ đang khóc. Chính do ghi nhận này của tác giả mà người đọc hiểu rằng bà đang yêu thương và đang đau khổ như chỉ một người mẹ mới có thể đau khổ, và chính nỗi đau đớn này khiến trái tim của Đức Giêsu không chịu nổi. Chuyện người chết bắt đầu nói cũng không quan trọng gì ở đây, vì điểm nhắm là người mẹ đau khổ như bản văn nối tiếp cho thấy: “Chúa chạnh lòng thương bà” (câu 13a); “Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (câu 15b). Chúng ta ghi nhận rằng, chủ ngữ của động từ “chạnh lòng thương”“Chúa” (trong phép lạ cho con gái ông Giaia sống lại, chủ ngữ luôn là “Đức Giêsu”: Lc 8,40.41.45.46.50):[9] dường như tác giả muốn nêu bật tư cách Mesiah của Đức Giêsu, hơn là chiến thắng của Người trên sự chết.

Như vậy, việc cho người con trai của bà góa sống lại được coi như một trong các kỳ công của Đấng Mesiah, nhằm chứng thực cho sứ vụ của Đức Giêsu (x. Lc 7,19: Gioan sai các môn đệ đến hỏi “Chúa”). Tuy nhiên, cả hai lần từ “Chúa” xuất hiện đều thuộc về người kể truyện. Lý do: tác giả muốn giữ một khoảng cách so với tiếng nói của những người có mặt (các môn đệ và đám đông), vì họ đang tung hô Người là “một vị ngôn sứ vĩ đại” (Lc 7,16). Tác giả vừa duy trì ý kiến chung của mọi người coi Đức Giêsu là “ngôn sứ vĩ đại” (câu 17: “Lời này về Đức Giêsu…”), vừa đưa vào một sự hiểu biết mới mẻ và đúng đắn hơn về Đức Kitô.

Người phụ nữ trở thành mẹ vào lúc bà đón nhận người con trai từ tay Đức Giêsu, khi bà đón lấy làm con người thanh niên vừa nhận sự sống không phải từ bà nữa nhưng từ Đấng Tạo Hóa: từ cử chỉ của Đức Giêsu, cả bà lẫn chàng trai nhận được chân tính là mẹ và là con. Tác giả vẫn không muốn nói về các tình cảm của bà mẹ, chẳng hạn hy vọng trước khi phép lạ xảy ra và tri ân sau khi người con đã được trả lại vì ngài chỉ nhắm làm cho mọi người biết rằng mọi chuyện đều được Đức Giêsu biết và làm cho xảy ra.

* Phản ứng của dân chúng: ca ngợi và phổ biến (16-17)

Tuy không nói gì về các tâm tình của hai mẹ con, tác giả Lc không làm cho ta nghĩ họ là những con người vô ơn: bản văn nhấn mạnh rằng “mọi người” không ngoại lệ “tôn vinh Thiên Chúa” (câu 16), và cũng như ở Lc 19,7,[10] tính từ “mọi / tất cả [người]” (pantes) có một ngoại diên tối đa bao hàm cả người phụ nữ và chàng trai.

Cho dù trong câu 16-17, Đức Giêsu không nói cũng không hành động nữa, Người vẫn hiện diện, hoặc thậm chí hiện diện khắp nơi, bởi vì danh tiếng Người tràn lan ra đến tận biên cương xứ Palestine. Lời Người nói cũng như việc Người làm nay biện minh cho việc dân chúng nhìn nhận Người là “ngôn sứ” như Elijah (1V 17,17-24: Bản LXX) của thời đại cuối cùng (x. Lc 9,18) và sự kiện danh tiếng Người được đồn thổi khắp nơi. Cuối cùng, Thiên Chúa cũng được ca ngợi là “đã viếng thăm dân Người”. Câu 16c này rõ ràng nhắc lại lời mở và kết của bài Benedictus (Lc 1,68.78). Việc Đức Giêsu đi ngang qua được coi như là việc Thiên Chúa viếng thăm nhằm cứu độ dân Ngài.

+ Kết luận

Trong bài tường thuật này, các hàng rào bị phá vỡ. Đức Giêsu chạm tới thi hài, ngược lại mọi luật lệ về trong sạch (x. Ds 19,11-16).[11] Nhưng ở một độ sâu hơn nữa, Người triệt tiêu giới hạn giữa sự chết và sự sống, bằng cách làm cho chàng trai sống lại và ban lại niềm hy vọng cho ai đã hoàn toàn mất hy vọng. Thế rồi “lời” băng qua cổng thành và tràn lan khắp vùng. Ý nghĩa của phép lạ có tính phổ quát: có một Đấng có thể làm cho người chết sống lại. Việc triệt hạ các hàng rào mở ra một cửa sổ trên mầu nhiệm của Đấng, khi tỏ ra thương xót và biểu lộ ơn cứu độ cho dân Người, được nhìn nhận là vị ngôn sứ vĩ đại, đồng thời là Chúa tể của sự sống.

Bằng khả năng viết tài ba, tác giả Lc đã tiến hành bằng cách mô tả hai nhóm, rồi tập trung vào nhân vật chính là Đức Giêsu (phản ứng của Người, sáng kiến, lời năng động và các hậu quả), rồi ngay sau đó trở lại với nhóm đã được thống nhất (“mọi người”). Sự biến đổi không chỉ hệ tại việc đưa chàng trai trở về cõi sống, hay trong việc một người mẹ mất con nhận lại anh ta vẫn sống từ tay Chúa, nhưng còn trong sự kiện hai đám đông tách biệt nay hiệp nhất với nhau mà ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa.

Phần các môn đệ, nếu các ông đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mesiah của Thiên Chúa , điều này có nghĩa là Đức Giêsu đã làm những dấu chỉ cho phép các ông nhận ra Người. Do đó, các môn đệ sẽ phải bước theo Thầy trên nẻo đường đưa tới cái chết và cuộc tôn vinh, hầu cho hành vi nhận biết được nên thật.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Điểm quan trọng của bản văn không phải là người chết hoặc cái chết, hoặc việc trở lại cõi sống, nhưng là sự kiện một người mẹ, đã là góa bụa, lại vừa mất đứa con một và Đức Giêsu không chịu để cho bà phải khóc lóc. Việc trở về cõi sống không phải là mục tiêu mà sáng kiến Đức Giêsu nhắm tới. Hành động của Đức Giêsu đã kết thúc với một nhận xét đẹp: “Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (câu 15). Chuyện người chết bắt đầu nói cũng không quan trọng gì ở đây, vì điểm nhắm là người mẹ đau khổ như bản văn nối tiếp cho thấy: “Chúa chạnh lòng thương bà” (câu 13a); “Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (câu 15b).

2. Người góa phụ, như một “đứa con thinh lặng”, chẳng thốt lên một lời nào. Bà không cầu xin được giúp đỡ; tác giả không nói rằng bà góa ấy có lòng tin vào Đức Giêsu, hay bà đã đi theo Người, hoặc là bà đã nghe biết về Đức Giêsu và quyền năng của Người. Chẳng có yêu cầu trông mong nào đối với phép lạ ấy. Không, đây là một câu chuyện về sự khó khăn túng thiếu của con người. Thế nhưng, điều đó chưa phải là đã kết thúc, như người ta vẫn nói: “nhìn vậy chứ không phải vậy” (hoặc tất cả những chứng cứ chưa nói lên được điều gì). Cái chết không phải là kết thúc câu chuyện bà góa và của cả chúng ta nữa. Bởi lẽ, Đức Giêsu đã đến và trông thấy nhu cầu của con cái Chúa đang lặng thầm. Người cho đứa con trai của bà góa được sống lại, và hơn thế nữa, Người còn cho bà góa cũng được sống lại. Nỗi đau buồn hiện tại của bà đã được cất khỏi, bà lại có niềm hy vọng vào tương lai (Siciliano).

3. Chúng ta có thể suy ngẫm về lời và cử chỉ của Đức Giêsu, một lời hết sức uy quyền và một cử chỉ hết sức khả ái. Người đã gọi người chết trở về cõi sống và trao anh ta cho bà mẹ. Trong tư cách là Đấng Tạo Hóa, Người đã ban cho anh sự sống rồi trao anh cho mẹ. Chính khi đó, người phụ nữ trở thành mẹ và chàng trai trở lại làm con.

4. Sự hiện diện của Đức Giêsu giữa lòng nhân loại chính là sự hiện diện của Thiên Chúa cứu độ. Sự hiện diện này không chỉ đưa lại sự an ủi, khích lệ, mà còn đưa lại sự sống, khôi phục sự sống và kiến tạo sự hiệp nhất. Chính những hiệu quả này giúp dân chúng nhận ra rằng Thiên Chúa đã đến viếng thăm họ nơi “vị ngôn sứ vĩ đại” này. Đấy hẳn cũng phải là điều các môn đệ của Đức Giêsu ở mọi thời phải chứng tỏ.

5. Lời đáp của đám đông mang dấu ấn là nỗi sợ hãi và tâm tình tôn vinh Thiên Chúa. Đây là phản ứng tiêu biểu của con người khi đứng trước sự biểu lộ của thế giới siêu việt, của Thiên Chúa (x. Lc 1,12.65; 2,9; 5,26),[12] nỗi sợ hãi có kèm theo việc tôn vinh Thiên Chúa (Lc 2,20; 5,26; 13,13; 17,15; 18,43; 23,47),[13] dấu chứng tỏ có hiểu biết về Thiên Chúa và đáp lại bằng lời cầu nguyện với mạc khải của Thiên Chúa.

 

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Lc 7,1-10: 1 Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. 2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. 4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. 6 Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm”. 9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. 10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

[3] Lc 7,22: Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng”.

[4] x. Lc 7,21: Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy.

[5] x. Is 26,19; 29,18; 35,5-6; 61,1: 19 Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng! Vì lạy Chúa, sương Ngài ban là sương ánh sáng, và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh. 29 18 Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy. 35 5 Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. 6 Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. 61 1 Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân.

[6] 1V 17,17.20.22-24: 17 Sau các sự việc đó, đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở. 20 Rồi ông kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao?” 22 ĐỨC CHÚA nghe tiếng ông Ê-li-a kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống. 23 Ông Ê-li-a liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và nói: “Bà xem, con bà đang sống đây!” 24 Bà nói với ông Ê-li-a: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời ĐỨC CHÚA do miệng ông nói ra là đúng”.

[7] Lc 9,18: Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”.

[8] Lc 1,68.78: 68 “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. 78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta.

[9] Lc 8,40.41.45.46.50: 40 Khi Đức Giê-su trở về thì đám đông tiếp đón, vì ai ai cũng đợi chờ Người. 41 Bỗng có một người tên là Gia-ia đi tới; ông là trưởng hội đường. Ông sụp xuống dưới chân Đức Giê-su, nài xin Người vào nhà ông, 45 Đức Giê-su hỏi: “Ai là người đã sờ vào tôi?” Mọi người đều chối, nên ông Phê-rô nói: “Thưa Thầy, đám đông xô đẩy, chen lấn Thầy đấy!” 46 Nhưng Đức Giê-su nói: “Có người đã đụng vào Thầy, vì Thầy biết có một năng lực tự nơi Thầy phát ra”. 50 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu”.

[10] Lc 19,7: Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”.

[11] x. Ds 19,11-16: 11 Ai đụng vào người chết, bất cứ người chết này là ai, đều bị nhiễm uế trong bảy ngày liền. 12 Ngày thứ ba và thứ bảy, người đó sẽ lấy nước nói trên mà thanh tẩy mình và sẽ được sạch; nếu người đó không thanh tẩy mình ngày thứ ba và thứ bảy, thì sẽ không được sạch. 13 Ai đụng vào người chết -thi thể của một người đã chết- mà không thanh tẩy mình, người đó làm cho Nhà Tạm của ĐỨC CHÚA bị nhiễm uế, người như thế phải bị diệt trừ khỏi Ít-ra-en, vì nó đã không được dội nước tẩy uế. Nó đã bị nhiễm uế, và ô uế vẫn tồn tại nơi nó. 14 Đây là luật phải giữ khi có người chết trong lều: ai vào lều cũng như mọi người đang ở trong lều, đều bị nhiễm uế trong bảy ngày liền. 15 Mọi bình lọ để mở, không được cột kín, đều bị nhiễm uế. 16 Bất cứ ai ở ngoài đồng đụng vào một người bị gươm đâm, một tử thi, hoặc xương người hay là mồ mả, đều bị nhiễm uế trong bảy ngày liền.

[12] x. Lc 1,12.65; 2,9; 5,26: 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 2 9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. 5 26 Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!”.

[13] Lc 2,20; 5,26; 13,13; 17,15; 18,43; 23,47: 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. 5 26 Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!”. 13 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 17 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 18 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa. 23 47 Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!”.