Lc 24,46-53: Những Giáo Huấn Cuối Cùng Của Đức Giêsu Và Thăng Thiên

0
696


Lm. F.X. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 24,46-53 [1]

46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

49 “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.

50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

***

1.- Ngữ cảnh

Chương 24 của Tin Mừng Luca được xây dựng thành ba đoạn và một kết luận. Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay lấy một vài câu của phần ba và đoạn kết luận.

Khi hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu cho thấy Người chính là Đức Kitô đã chịu đóng đinh, Người cũng không được gìn giữ khỏi đau khổ và thiếu thốn, khỏi bị từ khước và thù ghét, khỏi những đau đớn và cái chết. Nhưng cũng chính Đấng chịu đóng đinh là Đấng Phục Sinh. Người đã bị điệu đi đến cái chết trong tình trạng thê thảm và tàn bạo, nay Người đang đứng trước mặt các ông như là Đấng đang sống đã thắng vượt cái chết và không thể chết nữa. Rồi Người cho các môn đệ hiểu rằng các ông chẳng những không phải sợ là bị hủy diệt hoàn toàn, mà còn có thể và phải đi làm chứng về biến cố trọng đại này. Đức Giêsu đã dựa vào Kinh Thánh để trình bày cuộc Thương Khó – Phục Sinh, rồi xác định sứ mạng của các môn đệ.

2.- Bố cục

Bản văn này có thể chia thành hai phần:

     1) Đức Giêsu Phục Sinh ban sứ điệp (24,46-49);

     2) Đức Giêsu lên trời (24,50-53).

3.- Vài điểm chú giải

– Bắt đầu từ Giêrusalem (47): Câu này là câu chuyển tiếp đưa sang tập thứ hai của tác phẩm Luca (= sách Công Vụ Tông Đồ).

– Chứng nhân (48): Tại đây, tác giả Luca đã nói trước điều ngài sẽ triển khai trong sách Công Vụ Tông Đồ, bắt đầu ở Cv 1,21-22.[2] Ngoài Tin Mừng thứ IV, sách Công Vụ Tông Đồ là quyển sách thuộc Tân Ước, trong đó, từ này và các từ phái sinh (làm chứng, chứng tá, chứng từ) được sử dụng nhiều nhất: 29 lần. Lý do là vì quyển sách này là sách chuyên về việc làm chứng. Như thế, từ “martys”, “chứng nhân”, cũng có một tầm quan trọng đặc biệt. Đặc biệt, không được lẫn lộn từ này với tư cách “mục chứng”: Hy ngữ cổ điển, và chính Luca (Lc 1,2) [3] dùng từ “autopês”, “người chứng mắt thấy”. Vai trò của một “autopês” khá thụ động, và tư cách này thực ra chỉ là một tình trạng thực tế: “autopês” là người có cơ hội chứng kiến một biến cố nào đó; do đó, nếu cần phải làm chứng hoặc tòa án buộc làm chứng, người ấy có thể trình bày những gì mình đã thấy, như mình đã thấy. Còn “chứng nhân” (martys) có một vai trò tích cực hơn nhiều, có một sứ mạng phải hoàn tất: đó là không những công khai công bố những gì mình đã chứng kiến, mà còn xác định ý nghĩa, tầm mức của biến cố ấy nữa. Là người đi qua biến cố, “chứng nhân” trở thành người tuyên cáo (trong bối cảnh tôn giáo, thần học) sứ điệp đã được hàm chứa trong biến cố ấy. Câu truyện tuyển chọn ông Matthia thay thế cho Giuđa minh họa điểm phân biệt này (Cv 1,15-26).[4] Bởi vì trong thực tế, ta khó mà hiểu được vì sao lại phải đi tới một tuyển chọn, thậm chí một sự chuẩn nhận để cắt đặt một chứng nhân, nếu người này chỉ cần có một điều kiện, là hiện diện thể lý trong một biến cố thuộc quá khứ. Trái lại, ta hiểu là cần có một cuộc tuyển chọn (rút thăm) nếu vai trò người được chọn vượt quá khung cảnh chật hẹp này, nếu cùng với việc công bố biến cố, người ấy còn phải biết minh giải đúng đắn biến cố ấy. Vậy các chứng nhân mà Công Vụ Tông Đồ sẽ nói tới trong cả sách, là những nhà thần học về các hoạt động cứu độ của Chúa.

Muốn làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa (Cv 4,33),[5] thì phải công bố chân tính và toàn thể sứ vụ của Đức Giêsu. Công việc làm chứng này của các tông đồ được mô tả rõ ràng trong các bài diễn từ (Cv 2,22-36; 3,12-16; 4,8-12; 5,29-32; 10,34-43; 13,26-41; 17,30-31).[6]

– Điều Cha Thầy đã hứa (49): Dịch sát là “lời hứa của Cha Thầy”, là Thánh Thần, như Cv 1,4b.5b sẽ diễn tả rõ.[7] Thánh Thần sẽ là nguồn của “quyền năng” trong câu tiếp theo.

– Giơ tay (50): Đây là cách chúc lành của tư tế (xem Aharon trong Lv 9,22),[8] hoặc của vị thượng tế (xem Simôn II trong Hc 50,20-21).[9] Điều mà ông Dacaria (Lc 1,21-22) [10] đã không thể làm được, thì Đức Giêsu đang làm cho người đang đi theo Người. Mặc dù tác giả Luca mô tả Đức Giêsu thực hiện một hành vi tư tế, nền thần học của ngài không hề đề cập đến Đức Giêsu như là tư tế.

– Được đem lên trời (50): Đây là trạng thái bị động thay tên Thiên Chúa (x. Cv 1,9.11.22).[11] Các câu 50-53 dường như mâu thuẫn với Cv 1,3-11.[12] Theo Công Vụ Tông Đồ, Đức Giêsu “còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3). Trong khi đó, bản văn Tin Mừng dường như lại bảo rằng, tất cả những gì tác giả Luca kể trong Chương 24 đã xảy ra trong ngày Phục Sinh, rằng di chúc của Đức Chúa đang rời xa thế gian này (câu 41-49) và cuộc Thăng Thiên của Người (câu 50-53) theo liền ngay sau cuộc hiện ra vào chiều ngày Phục Sinh.

Dường như Luca đã có những ý hướng Phụng vụ khi trình bày các biến cố: mỗi ngày Chúa Nhật của cộng đoàn Kitô hữu là một lễ Phục Sinh, một ngày Phục Sinh.

– Các ông bái lạy Người (52): Các môn đệ làm một cử chỉ nhận biết Đức Kitô. Họ thinh lặng bái lạy để thờ phượng Người, như người Do Thái đã làm trước mặt thượng tế Simon (Hc 50,22) [13] để nhận phúc lành của ông.

– Trở lại Giêrusalem (52): Như vậy, Tin Mừng Luca kết thúc tại nơi nó đã bắt đầu (Lc 1,5).[14] Giêrusalem đã là mục tiêu của hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu (Lc 23,5);[15] bây giờ Giêrusalem lại được nêu ra như điểm nhắm. Nhưng rồi, điểm nhắm lại trở thành khởi điểm khi “lời” lan tỏa đến tận cùng trái đất (Cv 1,8).

– Lòng đầy hoan hỷ (52): Dịch sát là “với niềm vui lớn lao”. Đây là niềm vui của những người không những đã được thấy Đấng Phục Sinh, mà còn đã đặt sự Phục Sinh của Người liên hệ với cuộc ra đi của Người và đặt cuộc ra đi này liên hệ với lời hứa Thánh Thần. Lời nhắc đến “niềm vui lớn lao” khiến ta hiểu rằng, biến cố Lên Trời chấm dứt thời gian Đức Giêsu ở tại trần thế, mà cũng là hoàn tất cuộc Phục Sinh của Người, là khởi đầu của thời gian Giáo Hội. Niềm vui này của những người chứng kiến cuộc Lên Trời là tiếng vọng và sự hoàn tất của niềm vui mà sứ thần hứa cho tư tế Dacaria và cho một số đông vào ngày Gioan Tẩy Giả chào đời (Lc 1,14).[16] Nhưng nhất là niềm vui này thể hiện trọn vẹn niềm vui lớn lao mà sứ thần hứa cho các mục đồng, “một niềm vui cho toàn dân” (Lc 2,10).[17] Ở đây cũng vậy, khởi đầu và kết thúc gặp nhau.

– Hằng ở trong Đền Thờ (53): Như vậy, tác giả Luca bắt đầu mô tả đời sống cộng đoàn của Hội Thánh phôi thai (x. Cv 2,46; 3,1; 5,42).[18] Ở đây lại nổi bật tầm quan trọng của Đền Thờ theo hướng nhìn của Luca.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu Phục Sinh ban sứ điệp (46-49)

Trong tư cách Đấng Phục Sinh, Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng toàn thể định mệnh của Người đã được Thiên Chúa muốn như thế, và Người giúp các ông hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh, như Người đã làm cho hai môn đệ Emmau. Cái chết của Người trên thập giá và cuộc Phục Sinh của Người cũng đã làm trọn nội dung sau này phải được loan báo cho mọi dân tộc. Nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là trong chứng từ về Người, khởi đi từ tất cả những gì đã được biểu lộ xuyên qua công trình và toàn thể cuộc tiến bước của Người cho đến thập giá và sự sống lại, muôn dân sẽ được loan báo sự hoán cải và sự tha thứ tội lỗi. Mọi người phải quay trở lại với Thiên Chúa, Đấng đã nhờ cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu mà chứng tỏ tình yêu và quyền lực của Người. Rồi Đấng Phục Sinh biến các môn đệ trở thành chứng nhân của Người. Họ sẽ phải làm chứng về các biến cố trong cuộc đời của Người cũng như cuộc gặp gỡ với Người đây và việc Người trở về trời (x. Cv 1,21t). Mỗi lời loan báo đều phải phát xuất từ các chứng nhân này, nghĩa là không dựa trên những suy diễn, những ý tưởng hoặc ý kiến cá nhân, nhưng trên các biến cố lịch sử và trên những giáo huấn do Đức Giêsu ban cho. Do đó, lời loan báo chỉ có thể phát xuất từ những người đã tháp tùng và lắng nghe Đức Giêsu, đã hiểu ý nghĩa của cuộc đời Người nhờ được Người giải thích.

Các môn đệ không thể hiểu nhiệm vụ bao la này bằng sức riêng. Do đó, Đức Giêsu báo cho các ông là Người sẽ gửi cho các ông điều Chúa Cha đã hứa, tức là Thánh Thần. Chính Thánh Thần, là quyền lực của Thiên Chúa, sẽ giúp cho các ông có khả năng loan báo với xác tín và can đảm công trình và sự Phục Sinh của Đức Giêsu (x. Cv 2,22-36).

* Đức Giêsu lên trời (50-53)

Sau khi đã dùng nhiều cách để làm cho các môn đệ tin chắc vào sự sống lại của Người và sau khi đã chuẩn bị các ông đi vào nhiệm vụ, Đức Giêsu từ biệt các ông.

Người sẽ không hiện diện bên các ông theo kiểu hữu hình nữa. Nhưng Người sẽ cùng đi với các ông trên mọi nẻo đường. Người giơ tay lên để từ biệt các ông. Trong khi Người đi xa dần khỏi mắt các ông, Người chúc lành cho các ông. Người gửi đến cho các ông sức mạnh của hành vi chúc lành của Người, để sức mạnh này ở lại với các ông và nâng đỡ các ông suốt đời trong mọi hoạt động.

Chỉ đến lúc này, tác giả mới nhắc đến niềm vui của các môn đệ và việc các ông chúc tụng Thiên Chúa. Ông Dacaria (Lc 1,64.68-79) [19] và ông Simêôn (Lc 2,28-32) [20] đã chúc tụng Thiên Chúa. Lời chúc tụng Thiên Chúa liên tục vang lên khi dân chúng chứng kiến những hành vi quyền lực của Đức Giêsu (Lc 7,16; 13,13; 17,15; 18,43).[21] Sau khi đã trải nghiệm qua Đấng Phục Sinh hành vi quyền lực lớn lao nhất của Thiên Chúa, nghĩa là sự Phục Sinh của Đức Giêsu, các môn đệ chỉ có một câu trả lời đúng đắn: ca ngợi trong niềm hoan hỷ và chan hòa tâm tình biết ơn đối với Thiên Chúa.

+ Kết luận

Tác giả Luca đã bắt đầu tác phẩm với việc Dacaria dâng hương và dân chúng cầu nguyện trong Đền Thờ (Lc 1,8-10),[22] để xin Thiên Chúa nhớ lại dân Ngài và tỏ lòng nhân ái. Bây giờ tác giả kết thúc Tin Mừng với việc các môn đệ của Đức Giêsu chúc tụng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Các ông đã cùng đi với Đức Giêsu cho đến khi Người lên trời, các ông đã biết hơn bất cứ ai rằng Thiên Chúa đã nhớ đến dân Ngài thế nào. Và tất cả những ai nhờ chứng tá của các môn đệ và qua tác phẩm Luca mà trải nghiệm lòng từ bi cao cả của Thiên Chúa, thì không thể làm gì hơn là tham gia vào việc ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa.

5.- Gợi ý suy niệm

1/. Hôm nay là ngày Chúa Giêsu lên trời. Khi mừng đại lễ này, chúng ta tưởng niệm lần cuối cùng Đức Giêsu tỏ mình ra hữu hình với các môn đệ. Người chọn một cách thức hiện diện khác để hỗ trợ các môn đệ trong hoạt động truyền giáo. Từ nay, Người sẽ đồng hành với họ, sẽ hiệp thông với họ khi chia sẻ bữa ăn, sẽ sống động khi họ giải thích Sách Thánh và khi họ ý thức rằng họ đang được đón nhận sự sống viên mãn của Người. Người bỏ cách hiện diện trước đây bằng thân xác, để từ nay hiện diện mãi mãi với mỗi môn đệ.

2/. Khi đi về trời, Đức Giêsu cũng chỉ cho chúng ta biết mục tiêu của đời sống chúng ta. Nếu chúng ta xác tín rằng chúng ta thuộc về “trên cao”, thì chúng ta sẽ phải quy hướng trọn cuộc sống chúng ta về đó. Chúng ta vẫn sống giữa các thực tại trần gian, chúng ta vẫn phải sử dụng các yếu tố trần gian, nhưng không bám víu vào các phương tiện ấy, trái lại, biết dùng chúng cách tích cực mà chuẩn bị cho mình và người khác đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Trước ngày đi chịu chết, Đức Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm nhưỡng vinh quang của con” (Ga 17,24).

3/. Thánh Thần, là quyền năng của Chúa Cha và của Đức Giêsu, luôn ở với Hội Thánh để hỗ trợ Hội Thánh trong sứ mạng đã nhận từ Đức Giêsu. Đọc sách Cv, chúng ta nhận ra được sức năng động của Thánh Thần.

4/. Nếu các tín hữu gắn bó mật thiết với Đức Giêsu, họ nhận ra quyền lực vô song của Thiên Chúa trong việc cho Đức Giêsu sống lại. Khi đó, họ chỉ có thể cảm thấy tưng bừng hoan hỷ và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa sẽ hồn nhiên từ đáy lòng trào dâng lên môi miệng họ. Và trọn cuộc sống của họ là một chứng từ về quyền lực cứu độ của Thiên Chúa mà họ đã trải nghiệm.

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Cv 1,21-22: 21 “Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, 22 kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh”.

[3] Lc 1,2: Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta.

[4] Cv 1,15-26: 15 Trong những ngày ấy, ông Phê-rô đứng lên giữa các anh em – có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt – Ông nói: 16 “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đa-vít để nói trước về Giu-đa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giê-su. 17 Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. 18 Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra. 19 Điều đó, mọi người ở Giê-ru-sa-lem đều biết, khiến họ đặt tên cho thửa đất ấy là Kha-ken-đơ-ma, theo tiếng của họ nghĩa là Đất Máu. 20 Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng: “Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ; và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó”. 21 “Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, 22 kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh”. 23 Họ đề cử hai người: ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mát-thi-a. 24 Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai 25 để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giu-đa đã bỏ để đi về nơi dành cho y”. 26 Họ rút thăm, thăm trúng ông Mát-thi-a: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ.

[5] Cv 4,33: Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.

[6] Cv 2,22-36: 22 “Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. 23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. 24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. 25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. 26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. 27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. 28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan. 29 “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. 30 Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, 31 nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. 32 Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. 33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe. 34 Thật vậy, vua Đa-vít đã chẳng lên trời, thế mà lại nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, 35 để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con. 36 Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô”.

Cv 3,12-16: 12 Thấy vậy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi? 13 Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. 14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. 15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng. 16 Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.

Cv 4,8-12: 8 Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, 9 hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. 10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. 11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. 12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”.

Cv 5,29-32: 29 Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. 30 Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, 31 và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. 32 Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”.

Cv 10,34-43: 34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. 36 “Người đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người. 37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. 39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. 40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. 42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. 43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”.

Cv 13,26-41: 26 “Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta. 27 Dân cư thành Giê-ru-sa-lem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giê-su; khi kết án Người, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày sa-bát. 28 Tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi Phi-la-tô xử tử. 29 Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ. 30 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. 31 Trong nhiều ngày, Đức Giê-su đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân. 32 “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, 33 thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con. 34 “Về việc Người đã làm cho Đức Giê-su từ cõi chết sống lại, không còn phải hư nát nữa, thì Người phán thế này: Ta sẽ ban cho các ngươi những ơn lộc đã hứa cho Đa-vít. 35 Vì vậy ở chỗ khác, lại có lời rằng: Ngài sẽ không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. 36 Thế mà vua Đa-vít, sau khi phục vụ ý định của Thiên Chúa trong đời ông, đã an nghỉ, đã được chôn cất bên cạnh tổ tiên và phải hư nát. 37 Còn Đấng mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy thì không phải hư nát. 38 “Vậy thưa anh em, xin biết cho điều này: chính nhờ Đấng ấy mà ơn tha tội được loan báo cho anh em; và trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở nên công chính nhờ tuân giữ Luật Mô-sê, 39 thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính. 40 “Vậy hãy coi chừng kẻo lại xảy ra điều đã nói trong sách Các Ngôn Sứ: 41 Hỡi những kẻ khinh mạn, hãy xem, hãy kinh ngạc sững sờ và biến mất đi! Vì chính vào thời các ngươi, Ta sắp làm một việc, một việc mà các ngươi sẽ chẳng tin, nếu có ai kể lại cho các ngươi.

Cv 17,30-31: 30 “Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, 31 vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết”.

[7] Cv 1,4b.5b: 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.

[8] Lv 9,22: Ông A-ha-ron giơ tay trên dân và chúc phúc cho họ; rồi ông đi xuống, sau khi đã cử hành lễ tạ tội, lễ toàn thiêu và lễ kỳ an.

[9] Hc 50,20-21: 20 Bấy giờ ông Si-môn bước xuống, giơ tay trên toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en, và đọc lời chúc lành của Đức Chúa; như thế ông được vinh dự xướng lên Thánh Danh Người. 21 Một lần nữa dân chúng lại phủ phục, để đón nhận phúc lành từ Đấng Tối Cao.

[10] Lc 1,21-22: 21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.

[11] x. Cv 1,9.11.22: 9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 11 và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. 22 kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh”.

[12] Cv 1,3-11: 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”. 6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” 7 Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”. 9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”.

[13] Hc 50,22: Giờ đây hãy chúc tụng Thiên Chúa muôn loài, Đấng đã làm những điều vĩ đại ở khắp nơi, Đấng đã làm cho đời sống chúng ta nên cao quý ngay từ thuở ta còn trong lòng mẹ, và đối xử với chúng ta theo lòng lân tuất của Người.

[14] Lc 1,5: Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron.

[15] Lc 23,5: Nhưng họ cứ khăng khăng nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây”.

[16] Lc 1,14: Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời.

[17] Lc 2,10: Sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân”.

[18] x. Cv 2,46; 3,1; 5,42: 46 Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. 3 1 Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. 5 42 Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Ki-tô Giê-su.

[19] Lc 1,64.68-79: 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 68 “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. 69 Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, 70 như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: 71 sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; 72 sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên     và nhớ lại lời xưa giao ước; 73 Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, 74 và cho ta chẳng còn sợ hãi, 75 để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. 76 Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, 77 bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. 78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, 79 soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

[20] Lc 2,28-32: 28 ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: 29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài”.

[21] Lc 7,16; 13,13; 17,15; 18,43: 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 13 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 17 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 18 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

[22] Lc 1,8-10: 8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: 9 Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.