Lc 19,28-40: Đức Giêsu Vào Jerusalem

0
2126


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 19,28-40 [1]

28 Nói những lời ấy xong, Đức Giê-su đi đầu, tiến lên Giê-ru-sa-lem. 29 Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: 30 “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. 31 Nếu có ai hỏi: “Tại sao các anh cởi lừa người ta ra”, thì cứ nói: “Chúa có việc cần dùng!” 32 Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. 33 Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông: “Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra?” 34 Hai ông đáp: “Chúa có việc cần dùng”.

35 Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. 36 Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. 37 Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. 38 Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!

39 Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!” 40 Người đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”.

***

1.- Ngữ cảnh

Với 19,28, Tin Mừng Luca chuyển sang phân đoạn cuối cùng (19,28–24,53). Cuộc hành trình dài của Đức Giêsu đã chấm dứt. Phân đoạn mở ra với việc Đức Giêsu vào Jerusalem (19,28-44).[2] Tại đây, thánh sử Luca, cũng như hai thánh sử Marco và Matthew, thấy Vương Quyền Thiên Sai của Đức Giêsu được công bố trước toàn dân: Người sẽ giảng dạy tại Đền Thờ (19,28–21,38). Thời gian Đức Giêsu giảng dạy tại Đền Thờ được tác giả Luca trình bày qua bốn đoạn văn nhỏ: 19,28-40; 19,41-44; 19,45-46; 19,47-48.[3]

Bốn bản văn ngắn ấy chỉ là những đoạn chuyển mạch bởi vì chúng cũng được dùng như đỉnh cao của bài tường thuật về cuộc hành trình trước đó. Đồng thời, chúng mô tả tổng quát cách thức Đức Giêsu đến gần Jerusalem và phản ứng đầu tiên của Người đối với Jerusalem, thành phố của định mệnh Người, và đối với Đền Thờ, nhà của Cha Người. Tác giả Luca đã chuẩn bị cho độc giả đón nhận phần này của Tin Mừng bằng nhiều lần nhắc đến Jerusalem, như những mốc đánh dấu bài tường thuật chuyến đi trước đó (9,51.53; 10,30; 13,4.22.33.34; 17,11; 18,31; 19,11).[4]

Với bản văn hôm nay, Đức Giêsu đến khuôn viên thành thánh và chuẩn bị đi vào đó, như mộtĐấng được chào là vua (và đi thẳng vào Đền Thờ). Truyện này cũng cho thấy những gì được loan báo ở 13,35 nay được hoàn tất.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

     1/. Câu dẫn nhập chuyển tiếp (19,28);

     2/. Đức Giêsu vào Jerusalem như Đấng Messiah (19,29-38);

     3/. Phản ứng của người Pharisee (19,39-40).

3.- Vài điểm chú giải

– Đi đầu (28): Tác giả Luca ưa chuộng động từ “Poreusthai”, “tiến đi, đi đến”; ở đây, động từ ấy ở thì “Imperfect” (eporeueto) nhằm diễn tả mộtchuyển động kéo dài, liên tục. Trạng từ “emprosthen”, “tới phía trước”, hàm ý Đức Giêsu dẫn đường, đi đầu đoàn môn đệ. Chúng ta ghi nhận Lc 18,31 diễn tả đoàn người đi đường không có tâm trạng của Mc 10,32a.[5]

– Tiến lên (28): “Anabainôn eis”, “đi lên về phía”. Đức Giêsu đi từ Jerikho, tức từ phía Đông, về Jerusalem, tức phía Tây; đường dài khoảng 28km. Vì Jerusalem cao hơn mặt biển trong khoảng 640-770m, trong khi Jerikho lại thấp hơn mặt biển khoảng 250m, nên đi từ Jerikho về Jerusalem đúng là “đi lên”. Nhưng chuyến “đi lên” này cũng còn là khởi đầu của mộtcuộc “thăng tiến” đưa Đức Giêsu về với Chúa Cha.

– Jerusalem (28): Ở đây tác giả Luca dùng tên “Hierosolyma”, là kiểu gọi Hy Lạp (x. Lc 13,22; 19,28; 23,7; có tới 25 lần trong Công Vụ Tông Đồ).[6] Nhưng ở Lc 2,25,[7] ngài dùng hình thức quen thuộc hơn, “Ierousalem” (phiên âm từ tiếng Hippri) và tiếp tục dùng như thế 26 lần (39 lần trong Công Vụ Tông Đồ).

– Bethphage… Bethany (29): Về “Bethphage” (nguyên nghĩa là “nhà của trái vả”), chúng ta không biết được gì chắc chắn. Đây là mộtlàng hay là một cơ sở? Dường như đây là mộtvùng đất ở bên ngoài Jerusalem, bắt đầu với ranh giới Đền Thờ, nghĩa là đàng trước các tường phía Đông của thành.

Còn “Bethany” (nguyên nghĩa không rõ: “nhà của người nghèo”? “nhà của ông Khanania”?) cách thành thánh khoảng hơn 2,5km, ở về phía Đông núi Olives.

– Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa (38): Tác giả Luca bỏ từ “Hosanna” của Mc 11,9,[8] do thói quen loại các từ hoặc các câu Sêmít khiến độc giả của ngài khó hiểu. Trong Bản LXX, lời chào khách hành hương dịch sát bản Hippri là “Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành (= Chúc tụng) cho người tiến vào đây nhân danh Chúa” (Tv 118,26). Luca thêm “Đức Vua” vào. Khác với Tin Mừng Marco, đây không phải là “triều đại vua David đang tới” (Mc 11,10), nhưng là chính “Đức Vua” của Jerusalem.

– Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời (38): Dịch sát theo nguyên bản Hy Lạp là “trên trời bình an và vinh quang trên chốn cao vời”, ta thấy được dạng chuyển hoán của câu văn:

          a = trên trời

               b = bình an

               b’= vinh quang

          a’= trên chốn cao vời

Vào lúc Đức Giêsu chào đời, ca đoàn thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế, cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Trong khi ca đoàn thiên quốc đặt đối lập vinh quang trên trời với bình an dưới thế, các môn đệ khi đến gần lúc kết thúc sứ vụ của Đức Giêsu lại hát về bình an trên trời và vinh quang trên chốn cao vời. Cho dù Đức Giêsu đã dạy các môn đệ mang “bình an” đến cho người ta (Lc 10,5-6),[9] bình an này, cùng với vinh quang, được coi như là mộtphẩm chất của trời cao. “Vinh quang trên trời” là quà tặng bình an được để trên trời cho dân Thiên Chúa, nay được Đức Giêsu mang đến bằng mộtđường lối mới. Đây không phải là “Pax Augusta”, mà Đức Giêsu chào đời mang đến cho nhân loại, nhưng là bình an của chính trời cao.

– Sỏi đá cũng sẽ kêu lên (40): Rất có thể câu này muốn nhắc đến Kb 2,11.[10] Trong chương trình của Thiên Chúa về lịch sử cứu độ, sự việc Đức Giêsu đến Jerusalem hẳn sẽ làm cho các tảng đá của Jerusalem kêu lên để hoan hô Người như Đấng thực hiện chương trình cứu độ, nếu như các môn đệ không hoan hô. Khi nói như thế, Đức Giêsu gián tiếp khẳng định về vai trò Người phải hoàn tất khi đến thành định mệnh.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Câu dẫn nhập chuyển tiếp (28)

Bằng câu này, tác giả Luca chấm dứt bài tường thuật dài về chuyến đi lên Jerusalem, và cho thấy là Đức Giêsu đã tới đích. Đã khởi đi từ Galilee, nay Đức Giêsu đi vào thành định mệnh, mục tiêu của những cuộc di chuyển nay đây mai đó (x. Lc 23,5),[11] là nơi mà tại đó Người sẽ “được rước lên” (Lc 9,51),[12] và là nơi mà từ đó Người sẽ đi về với Cha (“cuộc xuất hành của Người”; x. Lc 9,31).[13]

* Đức Giêsu vào Jerusalem như Đấng Messiah (29-38)

Đức Giêsu không chỉ đi vào thành định mệnh, mà còn vào Đền Thờ nữa. Người vào đó không chỉ như mộtkhách hành hương đến dự lễ Vượt Qua, được chào bằng lời chào thông thường dành cho người lên Đền (Tv 118,26),[14] nhưng như là “Đức Vua”, và như là “Đấng đang đến” (ngay bây giờ, hiểu theo nghĩa Luca). Lời chào này nhắc lại Lc 13,35,[15] đã được nói ra ở giữa bài tường thuật cuộc hành trình, như đánh dấu nửa chặng đường. Nhưng bây giờ “ho erchomenos” (“Đấng [đang] ngự đến”) không chỉ mang sắc thái vương giả, nhưng còn làm vọng lại câu hỏi của các sứ giả do vị Tẩy Giả gửi đến (x. Lc 7,19).[16] Nói cách khác, lời chào chúc của “tất cả đoàn môn đệ” (Lc 19,37b)[17] mang những âm vang của Malakhi 3,1,[18] trong đó danh hiệu “ho erchomenos” trong truyền thống Nhất Lãm được rút ra. Như thế, Đức Giêsu đi vào Jerusalem trong tư cách “Đức Vua”, “Đấng [đang] ngự đến” và như là biến cố hoàn tất lời sấm Ml 3,1 (Bản LXX). Chính đó là lý do khiến Đức Giêsu đi thẳng “vào Đền Thờ” (Lc 19,45).[19]

* Phản ứng của người Pharisee (39-40)

Nghe các “môn đệ” của Đức Giêsu hoan hô như thế, người Pharisee khó chịu; họ yêu cầu Đức Giêsu quở mắng các môn đệ. Nhưng Người đã trả lời rất oái oăm: “Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”. Khi đã nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, người ta phải tung hô; ngay các tảng đá được dùng để xây nên Jerusalem cũng sẽ làm như thế (x. Tv 122,3).[20] Khi Đức Giêsu bắt đầu chuyến đi lên Jerusalem, người Samari đã không chịu tiếp đón Người vào làng họ (Lc 9,52-53),[21] nay người Pharisee cũng không chấp nhận cho Người đi vào Jerusalem.

+ Kết luận

Cuộc đời của Đức Giêsu, vị Tôn sư cao quý và Đấng Messiah muôn đời mong đợi, đã đến đỉnh cao. Hôm nay, khi đã đến Đền Thờ, Người đi vào đó như trong mộtcuộc khải hoàn. Nhưng tình hình rất lạ: Đức Vua mà đi vào thành trên lưng lừa; đón chào Người, chỉ có đám đông môn đệ và dân chúng, chứ tuyệt nhiên không có ai trong giới lãnh đạo Do Thái giáo; những người này có đó, không phải để đón mừng, nhưng để bắt bẻ; các môn đệ cũng chẳng hiểu họ đang làm gì. Tất cả các dấu này đang báo trước cuộc Thương Khó.

5.- Gợi ý suy niệm

1/. Kết thúc cuộc hành trình, Đức Giêsu “đi đầu, tiến lên Jerusalem” (Lc 19,28). Người vẫn tỏ ra khí phách đã có khi bắt đầu hành trình tiến về Jerusalem, khi đó tác giả Luca ghi là Người “nhất quyết lên Jerusalem” (Lc 9,51), tức là Người phải làm cho mặt chai như đá để có thể tiến đi theo chương trình của Chúa Cha. Muốn tuân giữ thánh ý của Thiên Chúa, người Kitô hữu phải có đức tin và rất nhiều nghị lực.

2/. Hôm nay chúng ta được mời gọi cùng với đám đông tung hô Đức Giêsu: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. Nhưng hoan hô để rồi đi theo Người mà làm môn đệ, chứ không phải sau đó là đả đảo Người, kêu gào yêu cầu đóng đinh Người! Đức Giêsu chính là Đấng đến để đem bình an cho chúng ta và biến chúng ta trở thành sứ giả bình an nối tiếp Người.

3/. Người Samari không đón tiếp Đức Giêsu; giới lãnh đạo Do Thái giáo cũng không chấp nhận Người; còn dân Jerusalem chào đón Người chỉ như trong một vở kịch. Các Kitô hữu không được quên rằng mình là môn đệ của một vị Thầy bị loại trừ như thế. Hiểu như thế, tâm hồn của họ sẽ không thiếu phen chịu giằng co đau đớn.

 

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Lc 19,41-44: 41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương 42 mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”.

[3] Lc 19,45-46: 45 Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46 và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”; Lc 19,47-48: 47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

[4] Lc 9,51-53: 51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem; Lc 10,30: Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết; Lc 13,4.22.33.34: 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được. 34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu; Lc 17,11: Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê; Lc 18,31: Đức Giê-su kéo riêng Nhóm Mười Hai ra và nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất; Lc 19,11: Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giê-su lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi.

[5] Mc 10,32: Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình.

[6] Lc 13,22: Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy; Lc 23,7: Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê-rô-đê, ông liền cho áp giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem.

[7] Lc 2,25: Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.

[8] Mc 11,9: Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!.

[9] Lc 10,5-6: Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”.Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.

[10] Kb 2,11: Vì đá chân tường cũng phải kêu lên và đòn tay gỗ sẽ trả lời cho nó.

[11] Lc 23,5: Nhưng họ cứ khăng khăng nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây”.

[12] Lc 9,51: Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.

[13] Lc 9,31: Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.

[14] Tv 118,26: Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh CHÚA. Từ nhà CHÚA, chúng tôi chúc lành cho anh em.

[15] Lc 13,35: Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”.

[16] x. Lc 7,19: Họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”.

[17] Lc 19,37: Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy.

[18] Ml 3,1: Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, – ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.

[19] Lc 19,45: Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán.

[20] x. Tv 122,3: Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn.

[21] Lc 9,52-53: Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.