Lc 12,49-53: Sứ Mạng Của Đức Giêsu

0
3275


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 12,49-53 [1]

49 “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

***

1.- Ngữ cảnh

Những lời Đức Giêsu nói về tôi tớ và chủ đã chấm dứt tại Lc 12,48 trong bài tường thuật về hành trình lên Giêrusalem; nay Đức Giêsu chuyển sang những đề tài khác. Đề tài đầu tiên là một loạt những lời bình luận về sứ vụ của chính Người (Lc 12,49-53). Trong những câu trước (các câu 36.40.43.45-46),[2] tác giả đã nhắc tới việc một ông chủ (kyrios), một tên trộm, và Con Người, “đến”. Rất có thể những điểm này đã gợi cho ngài thêm các lời bình về việc chính Đức Giêsu đến (các câu Lc, 12,49.51).

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

     1) Nguyện vọng sâu xa của Đức Giêsu (12,49-50);

     2) Hậu quả sứ mạng Đức Giêsu gây ra (12,51-53).

3.- Vài điểm chú giải

– Ném lửa vào mặt đất (49): Trong Cựu Ước, lửa đôi khi được dùng với ý nghĩa là một phương tiện để thanh luyện (Lv 13,52; Ds 31,23),[3] để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14),[4] và để xét xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2).[5] Các nhà chú giải gán cho “lửa” trong Lc 12,49 nhiều nghĩa: Chúa Thánh Thần (Thánh Gregorio Cả, thánh Ambrosio, thánh Xyrillo Alexandria; thánh Gieronimo); các thử thách đang chờ các môn đệ (Maldonat); công trình thanh luyện và canh tân của Đức Giêsu ở trần gian (Knabenbauer; BJ).

– Thầy còn một phép rửa phải chịu (50): Phép rửa ở đây có nghĩa ẩn dụ: bị tràn ngập bởi tai ương. Đức Giêsu khẳng định rằng ước muốn Người vừa diễn tả phải lệ thuộc một điều kiện: trước hết Con Người phải lên Giêrusalem và trải qua cuộc Thương Khó.

– Lòng Thầy khắc khoải biết bao (50): Nghĩ đến viễn tượng Thương Khó, tâm hồn Người “khắc khoải” (synechomai). Ta có thể hiểu nỗi “khắc khoải” này như là cảm nhận tại vườn Gethsemani, hoặc như một nỗi ước ao mãnh liệt là sứ mạng cứu thế của Người đạt tới mức hoàn tất (bản TOB).

– Hòa bình (51): Tin Mừng Luca thường nêu lên rằng, hoà bình / bình an là ân huệ tiêu biểu nhất của thời thiên sai (Lc 2,14.29; 7,50; 8,48; 10,5-6; 11,21; 19,38-42; 24,36).[6] Kiểu nói nghịch lý của Đức Giêsu ở đây cho ta hiểu: hòa bình này không phải là thứ hòa bình trần thế dễ đạt được như các ngôn sứ giả vẫn giới thiệu (Gr 6,14; 8,11; Ed 13,10.16).[7]

– Cha chống lại con trai (53): Rất có thể bối cảnh của câu này được tác giả Luca lấy lại từ Mk 7,6.[8]

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Nguyện vọng sâu xa của Đức Giêsu (49-50)

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu có nói một câu vẫn còn gây thắc mắc: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. “Lửa” Đức Giêsu mang đến mà ném vào mặt đất là gì? Và tại sao Người lại mong ước cho lửa đó bùng lên?

Có những người cho rằng đây là một thứ lửa đã được đốt lên, nên dịch là: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy còn ước mong gì nữa, nếu lửa ấy đã bùng lên rồi”;[9] đây y như thể là Đức Giêsu chẳng còn gì mà mong ước, nên chỉ còn việc chờ đợi chịu Thương Khó (câu 50) hầu hoàn tất sứ mạng. Bản Nova Vulgata dịch theo hướng này: “Ignem veni mittere in terram et quid volo? Si iam accensus esset!”. Nhưng đa số các tác giả nghĩ rằng, Đức Giêsu diễn tả một nguyện ước, nên đã dịch: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Bản Vulgata cũ dịch theo nghĩa này là: “Ignem veni mittere in terram et quid volo nisi ut accendatur?”; đây cũng là cách dịch của Segond, Zorell, Lagrange, BJ, TOB, CGKPV,…

Trong Cựu Ước, “lửa” đôi khi được dùng với ý nghĩa là một phương tiện để thanh luyện (Lv 13,52; Ds 31,23), để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14), và để xét xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2). Vậy từ ngữ “lửa” của Lc 12,49 có nghĩa nào? Có tác giả cho rằng, lửa này quy về Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,3):[10] Đức Giêsu hiện đang mang Chúa Thánh Thần và ước mong là tất cả mọi người được đầy Thánh Thần (thánh Gregorio Cả, thánh Ambrosio, thánh Xyrillo Alexandria, thánh Gieronimo). Nhưng lửa này cũng được giải thích là quy chiếu về phán xét (x. Lc 3,17):[11] Đức Giêsu đưa lại sự chia cắt giữa người tốt và kẻ xấu, đồng thời muốn rằng, sự chia cắt này xảy ra trọn vẹn (Knabenbauer; BJ).

Dù có chọn nghĩa nào, “lửa” cũng cần được liên kết với Lc 3,16, là câu trả lời của Gioan: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Qua câu này, ta nhận thấy “lửa” có nghĩa tượng trưng. Thật ra dựa theo ngữ pháp (hai danh từ nối với nhau bằng liên từ “và”), chúng ta đã có thể giải thích rằng: “Thánh Thần và lửa” có nghĩa là “Thánh Thần là lửa”, và từ đó có thể đi đến những nghĩa khác như là hệ quả, chẳng hạn “sự thanh luyện”, hay là “sự biện phân”, “sự xét xử” như là những tác động của Thánh Thần. Tuy nhiên, nối tiếp câu này là câu 17 cũng có “lửa”: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. “Lửa” này chắc chắn không có nghĩa như “lửa” trong câu 16.

Muốn tìm ra nghĩa chính xác của “lửa”, nên tìm hiểu xem Đức Giêsu đến để làm gì? Người muốn đạt được điều gì nhờ hoạt động của Người? Chẳng lẽ Người không muốn mang bình an đến, kêu gọi loài người thông cảm nhau hơn, đối xử nhân hậu và từ bi với nhau hơn? Chính Đức Giêsu đã diễn tả rõ ràng về mục tiêu sứ mạng của Người và những hậu quả phát sinh từ đó: Người đến ném lửa vào mặt đất; có một phép rửa Người phải chịu; Người đến để gây chia rẽ. Thật ra những lời lẽ này không mô tả hết ý nghĩa của sứ mạng của Đức Giêsu. Nhưng các phương diện thuộc sứ mạng của Người được nhắc đến ở đây cần được cứu xét.

Nói đến việc “Người đến”, chúng ta nhớ đến những lời khác: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Một yếu tố cốt yếu của sứ mạng Người là nhân ái đối với những kẻ tội lỗi, nỗ lực đưa họ về lại với Thiên Chúa. Đức Giêsu đầy lòng tốt lành và từ bi thương xót (x. Lc 7,36-50).[12] Nhưng Người không hề nhắm biện minh cho mọi sự, triệt tiêu sự phân biệt giữa tốt và xấu, làm cho mọi sự hòa hợp với nhau. Mục tiêu của Người không phải là sự yên tĩnh và bình an của một thỏa hiệp chung. Người đã đến ném “lửa” vào trần gian. Đó là ý muốn thâm sâu của Người: trái đất được bao trùm trong “lửa” ấy và bốc cháy. Ghi nhận rõ ràng những đường nét của câu nói của Đức Giêsu, ta thấy các cách giải thích trên về “lửa” dường như quá gò ép.

Có thể nói Đức Giêsu gán cho toàn thể hoạt động của Người đặc tính của “lửa”. Người đến, đầy Thánh Thần, đầy sức sống thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Người loan bao Tin Mừng cho người nghèo. Người cho những kẻ bần cùng và tội lỗi biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi làm những việc ấy, Người nhen lên ngọn lửa, muốn đốt cháy, và như lửa, Người bao trùm, xuyên suốt mọi sự. Người sẽ đến gặp người ta, nắm bắt người ta một cách thâm sâu. Điều mà Người làm không chỉ là một đóng góp trung lập, không hứng thú. Theo cách làm của Người, không có chỗ cho sự dửng dưng và chán chường, không có bức tường vô phương xuyên thấu đẩy bật mọi sự trở lại, không có một tấm bạt tráng dầu trên đó mọi sự trôi tuột đi. Hành động của Đức Giêsu có đặc tính của “lửa”: nó muốn thắng vượt mọi thái độ lãnh đạm và xa cách; nó muốn đốt cháy; nó muốn có một cuộc gặp gỡ mãnh liệt, sống động.

* Hậu quả sứ mạng Đức Giêsu gây ra (51-53)

Trong cuộc gặp gỡ này, ai đón tiếp Đức Giêsu và sứ điệp của Người thì được đầy Chúa Thánh Thần. Ngược lại, đối với ai từ khước Đức Giêsu, thì cuộc gặp gỡ này lại trở thành một cuộc phán xét nhờ trung gian Đức Giêsu, sự đối lập đã bùng cháy và các tâm trí đang được phân rẽ (x. Lc 2,34tt).[13] Trong cuộc gặp gỡ với Người, sự phân rẽ này đã được thực hiện và từ đó phát xuất ra các tương phản. Những người đón tiếp Người và những người từ khước Người ở trong một thế đối kháng mạnh mẽ với nhau. Do đó mà xảy ra chuyện là Đức Giêsu, Đấng muốn cuộc gặp gỡ này phải đậm đặc và ý thức về kết quả khác của cuộc gặp gỡ, lại không loan báo hòa bình, nhưng loan báo sự chia rẽ như là mục tiêu của việc Người ngự đến.

Một phần cốt yếu trong cuộc tiến bước của Người là khổ nạn, chết và phục sinh, như Người đã loan báo cho các môn đệ (Lc 9,22).[14] Kết thúc này của hành trình là “phép rửa” mà Người phải chịu. Kết cuộc này đến với Đức Giêsu không phải như một số phận ngẫu nhiên, nhưng là để hoàn tất những gì Chúa Cha đã quy định cho Người và các ngôn sứ đã tiên báo (x. Lc 18,31).[15] Tinh thần của Đức Giêsu cũng bị chế ngự bởi kết cuộc này, và ý muốn sâu xa của Người là mọi sự được hoàn tất nơi Người. Và kết cuộc này cũng có đặc tính lửa thiêu đốt trọn cuộc sống của Đức Giêsu.

Vào lúc Đức Giêsu chào đời, ca đoàn các thiên thần đã dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng về hòa bình (Lc 2,14). Chính Đức Giêsu cũng đã ban bình an cho người phụ nữ tội lỗi và người phụ nữ được chữa lành (Lc 7,50; 8,48). Khi được sai đi rao giảng, vào nhà nào, các môn đệ phải chào chúc bình an (Lc 10,5tt). Đặc biệt đây là sự bình an với Thiên Chúa. Nhưng do những kết quả khác nhau phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, xảy ra những mâu thuẫn giữa loài người với nhau, thậm chí xảy ra chia rẽ trong một gia đình. Trong ví dụ Đức Giêsu nêu ra, đó là sự chia rẽ giữa thế hệ lớn tuổi hơn và thế hệ trẻ hơn. Cha và mẹ một bên chống lại con trai, con gái và con dâu bên kia: “ba chống lại hai, hai chống lại ba”. Trong sách ngôn sứ Mikha, chúng ta đọc thấy: “Con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch” (Mk 7,6). Ở đây cuộc xung đột được gây ra từ một bên: đây là cuộc nổi loạn của những người trẻ chống lại thế hệ già hơn. Còn xung đột Đức Giêsu mô tả thì hai chiều: “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha”. Không phải là một bên bách hại bên kia. Và cũng chẳng rõ là bên nào có lý hơn. Như thế hai bản văn có hai quan điểm khác nhau, không thể dung hòa. Khi nhận quan điểm này, người ta chống lại quan điểm kia. Đón nhận quan điểm này cũng đồng thời là từ khước quan điểm kia. Người ta không thể cùng một lúc theo Đức Giêsu và chống Đức Giêsu, và cũng chẳng có một lập trường ở giữa. Sự chia rẽ này chỉ do người ta lấy lập trường cá nhân đối với Đức Giêsu, chứ không do bất cứ những đối lập nào khác.

+ Kết luận

Những lời Đức Giêsu nói trong đoạn Tin Mừng trên đây cho chúng ta thấy nguyện ước sâu xa của Đức Giêsu. Sứ mạng của Đức Giêsu nhắm đạt được cuộc gặp gỡ cao độ, “nóng cháy”, với loài người. Trái tim của Người khao khát hoàn tất hành trình mà Thiên Chúa đã quy định cho Người. Mục tiêu Người nhắm không phải là một sự hài hòa bên ngoài, nhưng là một việc lấy lập trường rõ ràng kể từ khi đã gặp gỡ cao độ với Người. Từ chỗ này có thể phát sinh các chia rẽ. Người ta không được hy sinh việc lấy lập trường theo Đức Giêsu hầu đạt được một thỏa hiệp cho việc đi tìm sự hài hòa.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Như lửa có khả năng tẩy luyện, hoạt động của Đức Giêsu có thể thanh luyện con người chúng ta khỏi những tâm tình bất chính, và ban cho chúng ta Thánh Thần để Thánh Thần tiếp tục sưởi ấm và soi sáng chúng ta.

2. Đức Giêsu đang tiến về Giêrusalem để đi vào cuộc Thương Khó; tâm hồn Người khắc khoải. Chỉ qua cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh, ơn cứu độ mới được ban cho loài người. Nhận ra được điều này, chúng ta được mời gọi bỏ đi những phương tiện dễ dãi, những phương tiện to lớn chúng ta đang dùng để bảo đảm mọi phương diện cuộc sống chúng ta. Ngoài ra, nếu muốn đốt lên trên trái đất một ngọn lửa như Đức Giêsu đã nhen lên, chúng ta không thể tránh né “phép rửa” Đức Giêsu đã chịu, tức phải chấp nhận đi qua tình trạng tự truất hữu và thất bại, chấp nhận hiến tặng cuộc sống chúng ta.

3. Qua cuộc gặp gỡ với Đấng chịu đóng đinh, các thần khí bị phân chia ra. Thánh Phaolô sẽ viết: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,23-24). Tất cả công trình và cuộc hành trình của Đức Giêsu nhắm đến một cuộc gặp gỡ mãnh liệt. Nhưng chính từ đây phát sinh chia rẽ và bất thuận.

4. Đức Giêsu không hề có ý phá hỏng các dây liên kết trong gia đình; trái lại Người vẫn khẳng định rằng hiếu thảo với cha mẹ là một điều răn của Thiên Chúa (x. Mc 7,10).[16] Tuy nhiên, trong cuộc sống làm môn đệ Người, chúng ta phải tôn trọng một bậc thang các giá trị, chúng ta phải chấp nhận hy sinh tất cả mọi sự muốn ngăn cản chúng ta bước đi theo Người.

5. Đức Giêsu mô tả cuộc khổ nạn của Người sắp đến như một “phép rửa”. Ngôn ngữ đó sẽ nhắc nhở cộng đoàn được rửa tội của tác giả Luca rằng, những gì Đức Giêsu đối diện như là kết quả sứ vụ của Người và họ cũng được đòi buộc phải thi hành sứ vụ đó. Những người được rửa tội sẽ không ngạc nhiên rằng phép rửa sẽ mang lại giá trị cho chúng ta. Phép rửa mang lại cho chúng ta giá trị ở chỗ: tính phổ quát, vì đôi khi chúng ta bày tỏ một quan điểm trái ngược với bạn bè và gia đình chúng ta; sự an ủi, vì chúng ta biết trao ban, thậm chí cả nhu cầu của chúng ta đến những người lâm cảnh khốn khó; thời gian tự do, vì chúng ta làm tình nguyện trong một tổ chức viện trợ cộng đồng ở nhà thờ hoặc ở địa phương; thậm chí nếu họ cô lập chúng ta ra khỏi cộng đồng thờ phượng nơi sở tại của mình, thì chúng ta có thể làm việc đạo đức hoặc cầu nguyện theo thói quen của mình (Siciliano).

 

 

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Lc 12,36.40.43.45-46: 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. 43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

[3] Lv 13,52: 52 Người ta phải đốt áo dệt hay áo đan bằng len hay bằng gai, hay bất cứ đồ vật gì bằng da có vết, vì đó là phong hủi dễ lây; đồ vật ấy phải bỏ vào lửa mà thiêu.

Ds 31,23: 23 nghĩa là tất cả những gì chịu được lửa, anh em mới phải cho qua lửa để các vật ấy được sạch; tuy nhiên, các vật ấy phải được thanh tẩy bằng nước tẩy uế. Tất cả những gì không chịu được lửa, thì anh em phải nhúng vào nước.

[4] Gr 23,29: 29 Lời của Ta lại chẳng giống như lửa, chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao? Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

Is 33,14: 14 Tại Xi-on, quân tội lỗi khiếp sợ rụng rời, bọn bất lương kinh hoàng run rẩy. Chúng rằng: “Ai trong chúng ta ở gần được lửa thiêu? Ai trong chúng ta ở gần được hoả hào muôn kiếp?”.

[5] St 19,24: 24 ĐỨC CHÚA làm mưa diêm sinh và lửa từ ĐỨC CHÚA, từ trời, xuống Xơ-đôm và Gô-mô-ra.

Xh 9,24: 24 Đã có mưa đá và lửa loé ra giữa mưa đá; mưa đá rất nặng, như chưa từng có trên khắp đất Ai-cập, kể từ khi chúng thành một dân.

Tv 66,12: 12 mặc thiên hạ cỡi lên đầu lên cổ. Cơn nước lửa, chúng con từng gặp bao lần, nhưng Ngài đã cứu thoát, đem ra chỗ thảnh thơi.

Is 43,2: 2 Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn; ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.

[6] Lc 2,14.29; 7,50; 8,48; 10,5-6; 11,21; 19,38-42; 24,36: 14 “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. 29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 7 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”. 8 48 Đức Giê-su nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an”. 10 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 11 21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. 19 38 Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời! 39 Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!” 40 Người đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”. 41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương 42 mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 24 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”.

[7] Gr 6,14; 8,11: 14 Chúng bô bô: “Bình an vô sự”, để xoa dịu thương tích của dân Ta, trong khi chẳng có bình an chi cả. 8 11 Chúng bô bô: “Bình an vô sự” để xoa dịu thương tích của con gái dân Ta, trong khi chẳng có bình an chi cả.

Ed 13,10.16: 10 Bởi vì chúng đã làm cho dân Ta lạc đường khi nói rằng: “Hoà bình”, mà thực ra chẳng có hoà bình; trong khi dân xây tường thì chúng lại trát vôi lên tường. 16 là các ngôn sứ của Ít-ra-en đã tuyên sấm về Giê-ru-sa-lem và có những thị kiến hoà bình về nó, mà chẳng có hoà bình – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.

[8] Mk 7,6: 6 Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch.

[9] Theo Bản dịch của Anh giáo; Crampon; Joüon; Cha Nguyễn Thế Thuấn;…

[10] x. Cv 2,3: 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.

[11] x. Lc 3,17: 17 “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

[12] x. Lc 7,36-50: 36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. 39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” 40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. 41 Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” 43 Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm”. 44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. 48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.

[13] x. Lc 2,34tt: 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng

[14] Lc 9,22: 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.

[15] x. Lc 18,31: 31 Đức Giê-su kéo riêng Nhóm Mười Hai ra và nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất”.

[16] x. Mc 7,10: 10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!