Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Lc 10,25-37 [1]
25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” 27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” 30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” 37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
***
1.- Ngữ cảnh
Đức Giêsu vừa mới đặt đối lập các môn đệ như là “những người bé mọn” với “các bậc khôn ngoan thông thái” (Lc 10,21);[2] Người tuyên bố rằng các môn đệ có phúc vì được thấy được nghe nhiều điều mà các ngôn sứ và vua chúa không được (10,23-24).[3] Nay tác giả Luca tiếp tục phần tường thuật hành trình lên Giêrusalem bằng cách giới thiệu một trong các vị thông thái để ông này hỏi Đức Giêsu và trắc nghiệm giáo huấn của Người (Lc 10,25-28). Mối phúc được công bố trên các môn đệ nay được nối tiếp bằng một đoạn văn mang tính khuyến thiện nói về sự sống đời đời và tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân cận. Sau đó, do vị thông luật còn cật vấn, Đức Giêsu đã kể Dụ ngôn Người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37) để minh họa đòi hỏi của tình yêu. Đây là bản văn của riêng tác giả Luca.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần chính:
1) Điều kiện để được sống đời đời (Lc 10,25-28):
– Người thông luật đặt câu hỏi (câu 25),
– Đức Giêsu trả lời bằng câu hỏi (câu 26),
– Người thông luật trả lời bằng cách trích Kinh Thánh (câu 27),
– Đức Giêsu xác nhận (câu 28);
2) Dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37):
– Người thông luật cật vấn (câu 29),
– Đức Giêsu kể dụ ngôn để đưa tới câu hỏi (câu 30-36),
– Người thông luật trả lời (câu 37a),
– Đức Giêsu xác nhận (câu 37b).
3.- Vài điểm chú giải
– Thử (25): Động từ ekpeirazein, “test”, để diễn tả một thái độ thù nghịch. Chính câu hỏi về người thân cận mới là cái bẫy giăng ra cho Đức Giêsu.
– Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi (27): Trước tiên, vị thông luật trích Đnl 6,5 theo Bản LXX.[4] Đây là phần mở đầu của kinh Shema, tức là lời tuyên xưng đức tin mà người Do Thái đọc mỗi ngày hai lần.
Các phương diện của con người được nói đến ở đây phải được hiểu theo nghĩa Cựu Ước: kardia, “tim, lòng”, là những phản ứng cảm xúc nhanh nhạy của con người; psychê, “linh hồn”, là sinh lực và khả năng nhận thức; ischys, “sức lực”, là chiều hướng bản năng, và dianoia, “trí khôn”, là khả năng trí tuệ và lên kế hoạch. Tổng hợp lại, các phương diện này muốn diễn tả toàn thể con người.
– Yêu mến người thân cận như chính mình (27): Câu đáp thứ hai này trích Lv 19,18b (vẫn theo Bản LXX),[5] nhưng nối với câu trước như một đơn vị duy nhất. Không có chỗ nào trong Cựu Ước liên kết hai điều này với nhau cả. Chính Đức Giêsu đã xác nhận cách làm này, và như thế Người đã đơn giản hóa mà cũng là đào sâu 613 quy định của Lề Luật.
Trong sách Lêvi, “người thân cận” ở thế song đối với “những con cái của dân ngươi”, nghĩa là người Israel. Ở Lv 19,34,[6] tình yêu có mở rộng đến cả “ngoại kiều” (gêr) trong xứ (x. Đnl 19,10),[7] nhưng không mở ra với những người khác, chẳng hạn các gôyîm, “các dân [ngoại]”.
– Cứ làm như vậy (câu 28): Động từ poiei thuộc lối mệnh lệnh, thì hiện tại, có nghĩa là đây là một mệnh lệnh tổng quát, một quy tắc sống phải theo thường xuyên.
– Là sẽ được sống (28): nghĩa là được sống đời đời. Chỉ người nào đưa điều răn yêu thương ra thực hành thì mới đạt được sự sống. Động từ zêsê (“anh sẽ được sống”) rất có thể gợi đến Lv 18,5 là câu có lời hứa ban sự sống cho ai vâng phục các quy tắc và quyết định của Đức Chúa.[8] Như thế, những lời Đức Giêsu nói đã thêm vào một lời khuyên cho lệnh truyền của Lề Luật vì lệnh truyền này vẫn còn có tính lý thuyết. Và đây chính là bài giáo lý tác giả Luca nhắm gửi đến cho độc giả Kitô hữu.
– Người thân cận (29): Plêsion, “người ở gần”; “người hàng xóm”. Lv 19,18 dùng từ Hípri ‘rea’ có nghĩa là “người bạn, đồng nghiệp”, nói chung là người thuộc về cùng một khung cảnh sống và được liên kết với ta bởi những dây quan hệ tích cực.
– Từ Giêrusalem xuống Giêrikhô (30): Theo sử gia Gioxép (J.W. 4.8,3 § 474), còn đường này dài khoảng 150 stadia (một dặm [stadion] dài 192m) đi qua vùng “sa mạc và lởm chởm đá”. Giêrikhô, “thành phố chà là” (2 Sb 28,15), nằm kề ranh giới miền Pêrê, dọc theo một tuyến đường giao thông quan trọng, là một điểm chiến lược mà đế quốc Rôma quan tâm trong việc cai trị Giuđê. Tại đây người ta dễ gặp các nhân viên của đế quốc hoăc các sĩ quan, binh lính Rôma. Thành này không phải là Giêrikhô thời Cựu Ước (= Tell es-Sultan), mà là thành được Hêrôđê Cả thiết lập khoảng một dặm rưỡi về phía nam trên bờ tây của cánh đồng Giođan.
– Một thầy tư tế (31): Rất có thể thầy đã xong thời gian phục dịch tại Đền Thờ Giêrusalem, nay đang đi về nhà. Truyền thống kinh sư sau này cho biết Giêrikhô là nơi có một số tư tế cư ngụ.
– Một thầy Lêvi (32): Tên này lúc đầu chỉ một thành viên của chi họ Lêvi, tức một con cháu của người con thứ ba của Giacóp (St 29,34).[9] Trong Cựu Ước, danh hiệu “thầy Lêvi” thường được dùng để gọi những người không thuộc dòng dõi Aharon, nhưng được giao cho làm những việc lặt vặt liên hệ đến việc phụng tự và các nghi thức ở Đền Thờ.
– Tránh qua bên kia mà đi (31.32): Động từ anti-par-erchomai diễn tả một chuyển động “ở bên cạnh” (para), nhưng “ở bên kia” (anti). Hai vị đã đi bên cạnh người bị nạn, nhưng ở phía bên kia đường, để khỏi phải tiếp xúc.
– Người Samari (33; x. 9,52): tức dân cư Samari. Samari là kinh đô của vương quốc phía Bắc do vua Omri sáng lập vào khoảng năm 870 TCN. Sau này, tên gọi “người Samari” (HL. Samaritês) trở thành một tên gọi mang tính chủng tộc và tôn giáo để chỉ những người cư ngụ trong miền đất giữa Giuđê và Galilê, về phía tây sông Giođan. Sự đoạn tuyệt giữa người Samari và người Do Thái được giải thích khác nhau tùy mỗi bên. Thường người ta cho rằng có sự chia lìa đó là do có việc đế quốc Átsua đưa người Do Thái đi lưu đày sau khi chiếm được đất nước năm 722 TCN và đưa những người không phải là Do Thái vào làm thực dân ở trong miền đó (2V 17,24).[10] Có lẽ cũng do đó mà sau này những người ở lại quê nhà đã phá những người Do Thái hồi hương khi những người này xây lại thành và Đền Thờ Giêrusalem (x. Er 4,2-24; Nkm 2,19; 4,2-9).[11] Dù thế nào, những người Samari chỉ chấp nhận Bộ Ngũ Thư là Kinh Thánh và đã xây một đền thờ trên núi Garidim (Tell er-Râs) vào thời Hy Lạp (đền này đã bị phá hủy dưới thời Gioan Hiếccanô, khoảng năm 128 TCN).
– Chạnh lòng thương (33): Động từ splanchnizesthai có nghĩa là “đau lòng, lòng quặn thắt”. Đây là một xúc cảm mạnh mẽ, như tâm tình của người mẹ thấy lòng dạ quặn thắt trước nỗi đau của người con. Tin Mừng Luca chỉ dùng động từ này thêm hai lần nữa, cho Đức Giêsu khi Người gặp bà góa Nain (Lc 7,13) [12] và cho người cha nhân hậu trong dụ ngôn (Lc 15,20).[13] Trong các Tin Mừng Nhất Lãm khác, động từ này luôn luôn được dùng để nói về một phản ứng của Đức Giêsu (x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; 20,34; Mc 1,41; 6,34; 8,2; 9,22).[14] Trong Mt 18,27,[15] tác giả nói rằng ông chủ “chạnh lòng thương” trước lời van nài của con nợ.
– Lại gần (34): Động từ pros-erchomai, có nghĩa là “làm cho mình ra gần với”, đối lại với động từ anti-par-erchomai, được dùng 2 lần, có nghĩa là “tránh qua bên kia mà đi”.
– Quán trọ (34): Pan-docheion dịch sát chữ là “nơi đón tiếp mọi người”. “Chủ quán”, pandocheus, theo nghĩa chữ là “người đón tiếp mọi người”.
– Trở về (35): Động từ ep-an-erchomai diễn tả hành trình của người trở lại điểm khởi hành.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Cách sỉ nhục trầm trọng nhất đối với một người Do Thái là gọi người ấy là một vị thần hoặc là một người ngoại giáo. Cách tồi tệ tiếp theo là gọi người ấy là một “người Samari”. Gọi một người Do Thái là một người Samari thì chẳng khác nào gọi người ấy là đồ con hoang, một kẻ bỏ đạo, một kẻ lạc giáo. Đức Giêsu có đủ lý do để coi khinh người Samari, vì họ đã bỏ các truyền thống của tiền nhân, đã để cho đạo giáo của họ lây nhiễm thói tục ngoại giáo và sống trong tình trạng ô uế về tế tự.
* Điều kiện để được sống đời đời (25-28)
Chuyện xảy ra khi một vị thông luật (nomikos) hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (câu 25). So với Mt 22,34-40,[16] độc giả nhận thấy vị thông luật không hỏi về điều răn lớn nhất, có lẽ vì quá chuyên môn và liên hệ đến những vấn đề thuộc Do Thái giáo, nhưng lại lấy lại câu hỏi mà truyền thống Nhất Lãm đặt trên môi người giàu có, liên hệ đến cách đạt được sự sống đời đời (x. Mt 19,16 // Mc 10,17 // Lc 18,18).[17] Thế rồi tác giả lại làm cho cuộc đối thoại nên phức tạp hơn, vì không đặt trực tiếp câu trả lời trên môi Đức Giêsu, nhưng lại để Người trả lời bằng hai câu hỏi, với mục đích kéo người đối thoại vào trong cuộc. Cách đối thoại này diễn tả rất tốt khung cảnh của một dụ ngôn, là nhắm giúp triển khai tiệm tiến cuộc đối thoại và đào sâu việc giải thích điều răn.
Vị thông luật không hỏi để biết điều mà hẳn là ông không biết, nhưng hỏi để kiểm tra (ekpeirazein) ý kiến của Đức Giêsu. Thế nhưng vị Thầy lại chuyển trả lại câu hỏi, đưa ông ấy đến chỗ phải diễn tả rõ ra tư tưởng của ông. Ông liền trích dẫn hai đoạn Lề Luật, tức là Ngũ Thư. Đoạn thứ nhất, là Đnl 6,5, thuộc về lời kinh Do Thái cổ điển được coi như một lời tuyên xưng đức tin căn bản (“Nghe đây, Israel”: Đnl 6,4-9);[18] trái lại, bản văn thứ hai, lấy từ Lv 19,18, dẫn xuất từ một hợp tuyển các điều răn bên trong “Bộ Luật tư tế về sự thánh thiện” (Lv 17–26). Đặt hai điều răn này bên nhau (Mt 22,38-39 nhấn mạnh thêm)[19] là do truyền thống Kitô giáo, nhưng tác giả Luca đặt ngay trên môi vị thầy Do Thái với ý cho thấy ông rất chuyên về lý thuyết. Phản ứng của Đức Giêsu là một lời bình tích cực, chuẩn nhận cách “đọc” bản văn Kinh Thánh như thế, nhưng Người thêm một lệnh thực tiễn: “Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (câu 28). Để được thừa hưởng sự sống đời đời, biết lý thuyết mà thôi thì không đủ; điều cần thiết là bền chí thực hành lý thuyết ấy mãi mãi.
* Dụ ngôn người Samari nhân hậu (29-37)
Cảm thấy bị mất mặt vì phải tự tìm câu trả lời, vị thông luật chuyển sang bình diện suy lý, để biện minh cho chính mình (dikaiôsai heauton). Cứ theo nội dung của bài tường thuật, dường như vị thông luật đã tự bôi xấu mình, khi đặt một câu hỏi sơ đẳng mà chắc chắn ông biết trả lời; chính vì thế, ông đưa ra một xác định để nêu bật tính phức tạp của câu hỏi, ông muốn tập trung sự chú ý vào câu hỏi về “người thân cận, plêsion”: “Ai là người thân cận của tôi?” (câu 29). Ai thuộc về khối những người mà tôi phải yêu thương như chính mình tôi? Dường như ông xác tín rằng phải có những giới hạn trong số những người mà ông phải yêu thương. Đối với người Do Thái, chỉ người đồng hương mới được coi như là người thân cận, và người ta mới phải yêu thương và giúp đỡ; còn những người ở xa Israel và các kẻ thù của Israel thì chắc chắn không phải là những “người thân cận”.
Vẫn tỏ ra mình làm chủ cuộc tranh luận, Đức Giêsu coi câu hỏi của vị thông luật là quan trọng, và vì nhắm phục vụ công cuộc cứu độ các linh hồn, Người trả lời bằng dụ ngôn “Người Samari nhân hậu”.
Con đường đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô dài khoảng 27 cây số, băng qua sa mạc và gần một ốc đảo (đi mất khoảng 5 giờ). Cho đến cuối thế kỷ xx, đây là một con đường không an toàn, thường xuyên bị các đám cướp tấn công. Một người vô danh (anthrôpos tis), không rõ địa vị, nòi giống, quốc tịch và tôn giáo, đã rơi vào tay bọn cướp. Ông bị đánh nhừ tử, rồi bị bỏ mặc bên vệ đường dở sống dở chết: đây là một tình cảnh hết sức quẫn bách. Nói rằng một con người ở trong tình cảnh ấy cần được giúp đỡ, và ai giúp đỡ người ấy là thân cận của người ấy, điều này thật rõ ràng trước mắt mọi người. Hai người đi qua đó, một thầy tư tế và một thầy Lêvi (câu 31-32), hai người Israel đàng hoàng và có những ý tưởng rõ ràng về Thiên Chúa và đạo giáo. Các vị đã “thấy” (idôn) con người nằm đó dở sống dở chết, nhưng đã sang bên kia đường mà tiếp tục bước đi (antiparêlthen). Có thể hai vị sợ bị tấn công cướp bóc hoặc ngại là bị nhiễm uế. Sự bận tâm đến sự an toàn và sự tiện nghi thì mạnh hơn lòng đồng cảm đối với người bị nạn. Họ đều nhận ra hoàn cảnh có vấn đề, nhưng không đến gần và không đi vào tương quan. Họ đã trở nên vô cảm trước những người đang gặp cảnh khốn cùng.
Con người tích cực xuất hiện với một sự đối lập rõ nét; ông thuộc về nhóm Samari, tách biệt khỏi người Do Thái và bị người Do Thái khinh là lạc giáo. Đức Giêsu không gọi ông là một “người Samari nhân hậu”, mà chỉ là một “người Samari” thôi. Ông cũng đang đi đường (hodeuôn), ông cũng có những chương trình của ông. Nhưng khi “thấy” (idôn) kẻ bị nạn, giống như vị tư tế và thầy Lêvi cũng đã “thấy”, ông đã đẩy mọi sự khác vào bình diện thứ hai, để chỉ còn thấy tình trạng cần kíp của con người đang nằm trên đường dở sống dở chết. Ông đau lòng (esplanchnisthê) trước tình cảnh đáng thương, ông tìm mọi cách để kéo anh ta ra khỏi tình trạng nguy kịch càng nhanh càng tốt. Lòng thương của ông được cụ thể hóa qua tất cả những hành vi được mô tả kỹ lưỡng: ông “lại gần” (pros-erchomai). Ông đã tận dụng tất cả những gì ông có để cứu giúp người bị nạn (dầu, rượu, con lừa, bạc; câu 33-34). Ông đã quên công việc với những bận bịu của ông, để lo cho kẻ xấu số. Sau đó, ông còn đưa nạn nhân đến quán trọ, rồi xin chủ quán săn sóc cẩn thận, hứa sẽ trở lại (ep-an-erchomai) và thanh toán mọi chi phí.
Đức Giêsu đã cố tình chọn một người Samari làm kiểu mẫu. Hạng người lạc đạo ấy, không hể có kiến thức của nhà luật học, cũng không có phẩm cách của vị tư tế hay thầy Lêvi, lại tỏ ra hết sức nhân ái và đạo đức. Ông đã thực hành hai điều răn lớn của Cựu Ước về dức mến. Do đó, chính ông mới đáng được gọi là người Israel chân chính.
Đức Giêsu cho thấy rằng trong vấn đề yêu thương, không thể vạch ra một giới hạn chính xác. Người không nêu ra những tiêu chí, xác định một con số giới hạn gồm những kẻ mà ta phải yêu thương. Như trong những trường hợp khác, Người thay đổi hướng nhìn, mở rộng chân trời. Vị thông luật hỏi: “Ai là người thân cận của tôi, kẻ mà tôi phải yêu thương?”. Đức Giêsu đảo ngược câu hỏi: “Ai đã tỏ ra là [ai đã trở thành] người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Như thế, Người đã thay đổi tầm nhìn. Dụ ngôn và câu hỏi cuối cùng của Đức Giêsu hoàn toàn trả lời cho câu hỏi đầu tiên của vị thông luật: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (câu 25).
Những lời cuối cùng của Đức Giêsu gặp lại lời “Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (câu 28) và tóm tắt sứ điệp của Người: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (câu 37). Hãy trở thành người thân cận đối với kẻ đang có nhu cầu và bạn sẽ “được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (câu 25).
+ Kết luận
Trong lãnh vực yêu thương người thân cận, người ta không được nghĩ từ bản thân, nhưng phải khởi đi từ nhu cầu thực tế của bất cứ người nào ta gặp trên đường ta đi. Chỉ khi đó, đời sống ta mới trở thành con đường đưa tới cuộc sống vĩnh cửu. Vị thông luật tưởng có thể giữ cuộc tranh luận trên bình diện lý thuyết, nào ngờ Đức Giêsu đã đưa được ông về bình diện những thực tại sống động và đặt ông trước một chọn lựa: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (câu 37). Ông không bao giờ ngờ được rằng đời thường có thể đặt ông trước những chọn lựa éo le không sao tránh né được!
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đối với Đức Giêsu, sự sống đời đời là một thực tại quyết định. Bởi vì nếu không có sự sống đời đời, nếu không có trách nhiệm trước Thiên Chúa hằng sống, thì rốt cuộc người ta xử sự thế nào trên con đường đưa tới Giêrikhô cũng chẳng quan trọng gì. Chẳng bao lâu người ta sẽ quên đi mọi sự. Sẽ chẳng có ai cật vấn tôi và tôi sẽ chẳng phải trả lẽ với ai cả. Nhưng trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa không phải là chuyện xa lạ với thế giới; trách nhiệm này đưa tới trung tâm của đời sống hiện tại của chúng ta và quy định hình thức của đời sống này. Nó quy định điều gì là đúng và điều gì là sai trên đường đưa tới Giêrikhô. Không có trách nhiệm này, chỉ còn một vấn đề duy nhất là làm thế nào sống càng lâu càng tốt và sống càng thoải mái càng tốt.
2. Ta không thể nói: “Người thân cận của tôi có thể còn là người bà con đời thứ ba; người cư ngụ cùng đường phố với tôi; người cùng làm việc trong một xí nghiệp với tôi; người có thiện cảm với tôi, v.v.”. Đức Giêsu không chấp nhận những giới hạn cho tình yêu thương đối với người khác. Tôi không được suy nghĩ khởi đi từ chính bản thân: “Tôi còn buộc phải làm cho ai điều gì? Tôi [còn] phải giúp đỡ ai? Kể từ điểm đó, chuyện ấy không còn dính dáng đến tôi nữa?”. Không phải là bậc họ hàng hoặc mối thiện cảm sẽ quy định ai là người thân cận của tôi, nhưng là tình trạng cần được giúp đỡ thực sự trong đó người kia đang lâm vào. Bất cứ ai xuất hiện trên đường tôi đi, mà đang ở trong tình trạng quẫn bách, đều là người thân cận mà tôi phải yêu thương và giúp đỡ.
3. Muốn thực sự giúp đỡ người lâm nạn, người ta phải dấn thân vào trọn vẹn. Việc ấy có thể làm cho ta phải mất thì giờ, tốn phí tiền bạc, gây phiền toái, làm xáo trộn sự yên tĩnh cũng như chương trình, thậm chí có thể kèm theo một nguy hiểm cho mình nữa. Nhưng đấy chính là thực sự yêu thương người thân cận, một tình yêu đưa đến sự sống đời đời. Như thế, phải luôn mở mắt và có trái tim sẵn sàng để nhận ra được rằng ai đang thật sự cần được tôi giúp đỡ và tôi phải giúp đỡ người ấy thế nào. Hôm nay trên đường đời, vẫn còn có vô số “kẻ cướp”, nên sẽ còn vô số người rơi vào tay “kẻ cướp”, nằm trên đường ta đi, và chờ đợi ta trợ giúp.
4. Câu hỏi về sự sống đời đời đưa thẳng vào cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về lộ trình chúng ta theo hằng ngày, sao cho lộ trình này trở thành hành trình đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Muốn thế, cần biết không vội vàng lo cho bản thân và lo cho những dự phóng riêng tư, nhưng biết dừng lại để mau mắn giúp đỡ những ai ở bên vệ đường đang cần được cứu giúp.
5. Đức mến phải phát xuất từ tấm lòng của từng con người, phải thiết thực và hữu hiệu. Người Samari đã dừng lại, băng bó vết thương, thanh toán mọi chi phí cho chủ quán. Ông không cần tìm hiểu xem đây phải chăng là một người Do Thái, tức một kẻ thù không đội trời chung. Ông chỉ cần biết đây là một người đáng thương cần được cứu giúp, và ông đã cứu giúp.
6. “Chúng ta đừng bao giờ quên: đứng trước tình trạng đau khổ của biết bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và các bất công, chúng ta không thể cứ ở đó mà nhìn như là khán giả. Không biết đến tình trạng đau khổ của con người, điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là không biết Thiên Chúa! Nếu tôi không đi đến với người đàn ông ấy, người đàn bà ấy, em bé ấy, người cao tuổi đang đau khổ ấy, tôi cũng chẳng đi đến với Thiên Chúa” (Đức giáo hoàng Phanxicô).
[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Lc 10,21: 21 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
[3] Lc 10,23-24: 23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe”.
[4] Đnl 6,5: 5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).
[5] Lv 19,18: 18 Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.
[6] Lv 19,34: 34 (Các) ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi ; (các) ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai-cập. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi.
[7] x. Đnl 19,10: 10 Như thế, máu vô tội sẽ không đổ ra giữa đất của anh (em), đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp, và máu sẽ không đổ xuống đầu anh (em).
[8] Lv 18,5: 5 Các ngươi phải giữ các quy tắc và quyết định của Ta: khi con người đem các điều ấy ra thực hành thì nhờ đó sẽ được sống. Ta là ĐỨC CHÚA.
[9] St 29,34: 34 Bà lại có thai và sinh con trai. Bà nói: “Phen này, chồng tôi sẽ gắn bó với tôi, vì tôi đã sinh cho ông ba đứa con trai”, vì thế bà đặt tên cho nó là Lê-vi.
[10] 2V 17,24: 24 Vua Át-sua đã đưa người từ Ba-by-lon, Cu-tha, A-va, Kha-mát và Xơ-phác-va-gim đến định cư ở các thành xứ Sa-ma-ri, thế vào chỗ con cái Ít-ra-en. Họ chiếm Sa-ma-ri và ở trong các thành của xứ này.
[11] x. Er 4,2-24: 2 thì những kẻ thù của Giu-đa và Ben-gia-min đến gặp ông Dơ-rúp-ba-ven, và những người đứng đầu các gia tộc, mà nói: “Chúng tôi muốn được cùng xây với các ông, bởi cũng như các ông, chúng tôi tìm kiếm Thiên Chúa của các ông, và dâng lễ tế kính Người, từ ngày Ê-xa-khát-đôn, vua Át-sua, đem chúng tôi lên đây”. 3 Ông Dơ-rúp-ba-ven, ông Giê-su-a và những người khác, là những người đứng đầu các gia tộc Ít-ra-en, bảo họ: “Việc xây Nhà cho Thiên Chúa chúng tôi không phải là việc chung của các ông và chúng tôi, vì chỉ có chúng tôi sẽ xây cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, theo lệnh vua Ky-rô, vua Ba-tư, đã ban cho chúng tôi”. 4 Khi đó, dân trong xứ bắt đầu làm cho dân Giu-đa bủn rủn tay chân và sợ hãi, để họ không xây cất nữa. 5 Chúng mua chuộc các cố vấn, để làm hỏng ý định của dân Giu-đa trong suốt thời vua Ky-rô, vua Ba-tư, mãi cho đến triều vua Đa-ri-ô, vua Ba-tư. 6 Dưới triều vua Xéc-xét, vào thời đầu triều đó, chúng viết một bản cáo tội dân cư Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. 7 Vào thời vua Ác-tắc-sát-ta, Bít-lam, Mít-rơ-đát, Táp-ên, và các bạn đồng liêu khác đã viết cho vua Ác-tắc-sát-ta, vua Ba-tư. Bản văn ấy được viết bằng tiếng A-ram và được phiên dịch. Nguyên văn tiếng A-ram: 8 Rơ-khum, thủ hiến, và Sim-sai, thư ký, gửi lên vua Ác-tắc-sát-ta một bức thư tố cáo Giê-ru-sa-lem, với những lời lẽ như sau: 9 “Rơ-khum, thủ hiến, Sim-sai, thư ký, và các bạn đồng liêu khác, các thẩm phán và khâm sai, những người Tác-pơ-lai, E-réc, By-by-lon và Su-san, nghĩa là những người Ê-lam, 10 và các dân tộc khác mà vua Át-náp-pa vĩ đại và lừng danh đã bắt đi đày và cho định cư tại các thành của Sa-ma-ri và các miền khác thuộc Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, đồng tấu: 11 (Đây là bản sao bức thư họ gửi:) ‘Tâu vua Ác-tắc-sát-ta, bầy tôi của đức vua, những người ở Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát xin thưa: Và bây giờ, 12 xin trình để đức vua tường: từ nơi đức vua, người Do-thái đã lên chỗ chúng tôi tại Giê-ru-sa-lem, và đang tái thiết cái thành phản loạn và xấu xa ấy ; chúng dựng lại tường thành và đặt lại nền móng. 13 Vậy xin trình để đức vua tường: nếu thành ấy được tái thiết, tường thành được dựng lại, thì chúng sẽ không nộp cống vật, thuế má, thuế thông quá ; và như vậy, cuối cùng nhà vua sẽ phải thiệt thòi. 14 Vậy, vì được hưởng lộc của triều đình, chúng tôi thấy không được phép ngồi nhìn đức vua bị nhục mạ; cho nên chúng tôi đệ lên đức vua bản tường trình này, 15 để người ta tra cứu sách Sử Biên Niên của tổ tiên đức vua. Trong sách Sử Biên Niên đó, đức vua sẽ tìm ra và nhận thấy rằng thành ấy là một thành phản loạn, làm thiệt hại cho nhà vua và các tỉnh ; ở đó, từ thời xa xưa chúng đã làm loạn. Vì thế thành ấy đã bị tàn phá. 16 Chúng tôi xin trình để đức vua tường: nếu thành ấy được tái thiết, và tường thành được dựng lại, thì điều đó sẽ làm cho đức vua chẳng còn phần đất nào nữa trong Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát’.”. 17 Vua gửi thư trả lời: “Gửi lời vấn an quan thủ hiến Rơ-khum, thư ký Sim-sai và các đồng liêu cư ngụ ở Sa-ma-ri và ở các nơi khác trong Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát! Vậy bây giờ, 18 bức thư mà các ngươi đệ lên ta, đã được dịch và đọc trước mặt ta. 19 Theo lệnh ta, người ta đã tra cứu và tìm ra rằng từ thời xa xưa, thành ấy đã từng nổi dậy chống các vua, và những cuộc phản loạn, những cuộc nổi dậy đã từng diễn ra ở đó. 20 Ở Giê-ru-sa-lem đã có những vua hùng mạnh làm bá chủ khắp Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát. Người ta đã nộp cho họ cống vật, thuế má, thuế thông quá. 21 Vì thế, các ngươi hãy ra lệnh cấm chúng không được tái thiết thành ấy, cho đến khi có lệnh ta ban. 22 Các ngươi hãy coi chừng chớ trễ nải công việc này, kẻo gây nhiều thiệt hại cho nhà vua”. 23 Như thế, sau khi bản sao sắc chỉ của vua Ác-tắc-sát-ta được đọc trước mặt quan thủ hiến Rơ-khum, viên thư ký Sim-sai và các đồng liêu, thì những người này vội vàng đi Giê-ru-sa-lem gặp người Do-thái, và dùng võ lực mà ngăn cản họ. 24 Khi đó, công việc xây Nhà Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem phải ngưng lại và ngưng lại mãi cho đến năm thứ hai triều vua Đa-ri-ô, vua Ba-tư.
Nkm 2,19; 4,2-9: 19 Nghe tin này, Xan-ba-lát, người Khô-rôn, Tô-vi-gia, người nô bộc gốc Am-mon, và Ghe-sem, người Ả-rập, nhạo cười và khinh dể chúng tôi. Họ nói: “Các người làm gì thế? Các người nổi loạn chống lại nhà vua sao?” 4 2 Cả bọn liên minh với nhau để tiến đánh Giê-ru-sa-lem, nhằm gây rối loạn trong thành. 3 Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa chúng tôi và đặt chốt canh để phòng ngự ngày đêm. 4 Dân Giu-đa nói: “Sức khuân vác đã giảm, đá vụn lại nhiều. Ta không xây lại tường thành nổi đâu!” 5 Đối thủ của chúng tôi nói: “Chúng sẽ không hay không thấy gì cho tới khi ta đến giữa chúng. Ta sẽ giết chúng, bắt chúng phải ngưng việc”. 6 Lúc đó có những người Do-thái sống gần bọn chúng đến báo cho chúng tôi cả chục lần rằng: “Từ mọi nơi chúng ở, chúng lên đánh ta đấy”. 7 Vậy, ở phía dưới chỗ sau tường thành, nơi những khoảng đất trống, tôi bố trí dân theo từng thị tộc, trang bị cho họ gươm đao, giáo mác và cung nỏ. 8 Sau khi đã thị sát, tôi đứng lên tuyên bố với các trưởng tộc, quan chức và những người dân khác rằng: “Đừng sợ chúng! Hãy tưởng nhớ đến Chúa Tể khả tôn khả uý, và hãy chiến đấu cho anh em, cho vợ con và nhà cửa mình!” 9 Khi kẻ thù nghe tin chúng tôi đã biết chuyện và Thiên Chúa đã phá vỡ ý đồ của chúng, thì tất cả chúng tôi trở lại tường thành, người nào việc nấy.
[12] Lc 7,13: 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”.
[13] Lc 15,20: 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”.
[14] x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; 20,34: 36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 14 14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. 15 32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường”. 20 34 Đức Giê-su chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người.
Mc 1,41; 6,34; 8,2; 9,22: 41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”. 6 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. 8 2 “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! 9 22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi”.
[15] Mt 18,27: 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.
[16] Mt 22,34-40: 34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. – 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” 37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “ Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.
[17] x. Mt 19,16: 16 Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”.
x. Mc 10,17: 17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”.
x. Lc 18,18: 18 Có một thủ lãnh hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”.
[18] Đnl 6,4-9: 4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). 6 Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. 7 Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, 8 phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, 9 phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em).
[19] Mt 22,38-39: 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “ Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.