Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm

0
3859

Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm
(Lc 23, 34)

(Trích Timothy Radcliffe. BẢY LỜI CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC KITÔ.
Bd. Học viện Đaminh. Tr. 28-35)

Từ ngữ đầu tiên được dành cho chúng ta hôm nay là từ “tha”. Tha thứ đi trước cả việc đóng đinh, trước những đòn vọt và cái chết. Tha thứ luôn luôn đứng ở hàng đầu. Có thể chúng ta không thể chịu nổi khi nghe trình thuật Thương Khó của Đức Kitô, nếu không bắt đầu bằng sự tha thứ. Trước khi phạm tội, chúng ta đã được tha thứ. Chúng ta không đáng để được như thế. Chúng ta thậm chí không cần phải hối tiếc nữa. Ơn tha thứ có mặt ở đó, đang chờ đợi chúng ta.

Điều đó thật là đẹp, nhưng liệu như thế lại có vẻ gì là hơi gia trưởng không ? Điều đó có thể ra như làm cho các hành vi của chúng ta chẳng còn quan trọng nữa. Cách đây vài tuần, bạn bè mời tôi đến nhà họ nghỉ. Họ có những đứa bé, hai đứa sinh đôi dễ thương lắm, và trên lý thuyết họ phải để cho chúng nó muốn làm gì tuỳ thích: những đứa bé có thể đập vỡ cái này cái kia, hét hò và đổi ý như chong chóng. Tôi trở về nhà sau khi đã được sống một khoảnh khắc rất thú vị ấy, nhưng cảm ơn Chúa tôi là người độc thân. Có lẽ những đứa bé kia sẽ lớn lên và cảm thấy rất ư là an toàn khi biết rằng dù thế nào đi nữa thì bố mẹ chúng vẫn cứ là yêu thương chúng. Tôi thắc mắc tự hỏi ! Như thế liệu chúng có nguy cơ đi đến chỗ nghĩ rằng những gì chúng nó làm chẳng quan trọng gì không ? Nếu như bạn biết rằng, dù bạn làm cái gì đi nữa, bạn vẫn cứ được tha thứ, thì tại sao sống mà gắng trở nên tốt lại phức tạp như thế ? “Ông lão Timothy ơi, họ lại vừa sát hại một người anh em của chúng ta đấy. Quả là buồn ! Nhưng Chúa lại sẽ tha thứ cho họ, thế thì chuyện giết chóc buồn phiền kia có gì là quan trọng”.

Ơn tha thứ đi đầu. Đó là cớ vấp phạm của Tin Mừng. Nhưng như thế không có nghĩa là Thiên Chúa không coi trọng những gì chúng ta làm đâu. Thiên Chúa không quên rằng chúng ta đã đóng đinh Con của Người. Còn chúng ta, chúng ta không thể đẩy chuyện đó ra khỏi tâm trí. Trái lại, ngày thứ sáu Tuần Thánh, chúng ta họp nhau để nghe trình thuật Thương Khó và cái chết của Đức Kitô, và để nhắc cho nhau nhớ rằng nhân loại đã từ khước, hạ nhục và giết chết Con của Thiên Chúa. Chính vì ơn tha thứ mà chúng ta dám nhắc cho nhau nhớ hành vi khủng khiếp ấy giữa chúng ta.

Ơn tha thứ, đó không phải là Thiên Chúa quên đi ngày thứ sáu Tuần Thánh. Chính Chúa Cha phục sinh Người Con vào ngày Vượt qua. Nếu tha thứ là quên đi, thì có lẽ Thiên Chúa sẽ là Đấng bị bệnh quên trầm trọng. Nhưng tha thứ lại là một sự sáng tạo không thể tưởng tượng được của Thiên Chúa, Đấng chiếm lấy những gì chúng ta đã làm và biến đổi cho trở thành phong phú. Thời Trung cổ trình bày ơn tha thứ của Thiên Chúa bằng cây thánh giá có hoa nở. Thánh giá là biểu tượng khủng khiếp của nhục hình. Đó là biểu tượng cho khả năng của con người là có thể khước từ tình yêu và chọn sự khô cằn hoàn toàn. Nhưng các nghệ sĩ Trung cổ lại muốn trình bày một cây thánh giá đang nở hoa vào ngày Chúa Nhật Vượt qua – như cây thánh giá ở phía cung thánh nhà thờ thánh Clêmentê ở Rôma diễn tả lời thứ ba trong những lời cuối cùng của Đức Giêsu. Từ cây gỗ chết đâm ra những đọt non và trổ những bông hoa. Ơn tha thứ làm cho cái đã chết được sống, làm cho cái xấu xí thành đẹp đẽ.

Ơn tha thứ có nghĩa là thánh giá trở thành cây mới ban sự sống của chúng ta, hoa trái của cây ấy được tặng cho chúng ta làm lương thực. Vào thế kỷ IV, thánh Gioan Kim Khẩu viết về thánh giá : “Cây này là ơn cứu độ vĩnh cửu của tôi. Đó là lương thực của tôi, là bữa tiệc của tôi. Rễ của tôi đâm sâu vào giữa rễ của cây ấy. Tôi lớn lên dưới các cành của cây ấy. Tôi căng lều của tôi dưới bóng cây ấy cho khỏi nắng nóng thiêu đốt và tôi tìm được ở đấy một chốn nghỉ ngơi mát mẻ nhờ sương đêm. Tôi nở hoa nhờ hoa của cây ấy. Trái của cây ấy đem lại cho tôi niềm vui hoàn hảo, những trái đã được giữ cho tôi từ buổi bình minh của thời gian, trái tôi có thể ăn thoải mái. Cây này là lương thực cho tôi, một lương thực mỹ vị làm giảm cơn đói của tôi, một mạch nước làm giãn cơn khát của tôi, một y phục che phủ sự trần truồng của tôi. Lá của cây ấy là hơi thở đem lại sự sống. Nếu tôi sợ Thiên Chúa, thì đấy là sự che chở của tôi. Nếu tôi run rẩy, thì đấy là cây gậy đỡ nâng tôi. Đó là giải thưởng vì đó tôi chiến đấu, là phần thưởng chiến thắng của tôi. Đấy là con đường thẳng của tôi, là lối đi hẹp của tôi. Đấy là chiếc thang Giacóp ở đó các thiên thần lên lên xuống xuống, và chính Đức Chúa ngự ở phía bên trên”.

Ơn tha thứ có nghĩa là chúng ta dám nhìn thẳng vào những gì chúng ta đã làm. Chúng ta dám nhớ lại cuộc đời của chúng ta với những thất bại và thua thiệt, với các hành vi hung ác và những thái độ thiếu vắng tình yêu. Chúng ta dám nhớ lại tất cả những lúc chúng ta đã thiếu lòng quảng đại, những lần chúng ta đã có những hành vi xấu. Chúng ta dám nhớ lại không phải để dày vò chính mình, nhưng là để mở rộng con người chúng ta đón nhận sức mạnh sáng tạo của sự biến đổi. Sức mạnh ấy không đụng chạm vào chúng ta mà lại không làm cho chúng ta thay đổi, như thể chẳng có gì trong những cái chúng ta đã làm có được một chút quan trọng. Nếu chúng ta đi sâu vào trong sự tha thứ này, thì sự tha thứ ấy sẽ thay đổi chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta. Cái gì là khô cằn sẽ sinh hoa kết trái. Cái gì là phi lý sẽ tìm được một ý nghĩa. Kết phim Chúa tể của những chiếc nhẫn, Sam trải trên mặt đất khô cằn một thứ phân thần thông các thần đã tặng cho anh và, đến khi xuân sang, tất cả đều đâm chồi nảy lộc. Đó là một hình ảnh rất đẹp về ơn tha thứ.

Đức Giêsu xin ơn tha thứ, không phải chỉ đối với những gì người ta đã gây ra cho Người. Người không chịu đóng đinh một mình. Còn có hai người nữa ở bên cạnh Người. Họ tượng trưng cho cả triệu con người mà chúng ta đã đóng đinh. Cứ nghĩ đến Shoah mà biết bao Kitô hữu đã là những người đồng loã hoặc ít là không phản kháng. Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã cầu nguyện thế này : “Chúng con biết rằng dấu của Cain ở trên trán chúng con. Qua các thế kỷ, người em của chúng con là Aben nằm bất động trong máu mà chúng con đã làm cho chảy lai láng, hoặc phải rơi lệ do lỗi của chúng con bởi chúng con quên lãng Tình yêu của Ngài. Xin thứ tha sự nguyền rủa mà chúng con đã đổ không phải phép lên tên của người Do-thái. Xin thứ tha cho chúng con vì chúng con đã đóng đinh Ngài một lần nữa nơi thân xác của họ. Vì chúng con không biết việc chúng con làm”[1].

Với chủ nghĩa đế quốc kinh tế sản sinh ra bao hình thức nghèo khó, chúng ta hôm nay đang đóng đinh những ai ? Chúng ta đang đóng đinh những ai với bạo lực và chiến tranh của chúng ta ? Chúng ta đang gây thương tích cho những ai, cho đến tận trong mái ấm gia đình của chúng ta ? Vì chúng ta không biết là ơn tha thứ đứng hàng đầu, cho nên chúng ta không dám mở mắt ra nhìn.

Cây thánh giá của Michael Finn

Cây thánh giá này do một người bạn của tôi làm, anh tên là Michael Finn và là cha của một người, Richard, cũng là một người anh em của tôi trong thánh Đa Minh. Michael nổi tiếng về các bức hoạ trừu tượng nhưng, trong hai mươi năm cuối đời, ông cũng chế tạo một số tượng chuộc tội với một sức mạnh ngoại thường. Ông thường sử dụng gỗ trôi dạt do bà vợ của ông là Celine và ông thu lượm được trên các bãi biển gần nhà của họ ở Cornuailles[2]. Michael đã qua đời ngày Chúa Nhật lễ Lá năm 2002, ngày Đức Giêsu vào Giêrusalem để đương đầu với cái chết của chính Người.

Nếu ơn tha thứ là tính sáng tạo của Thiên Chúa xuất hiện cho chúng ta để biến đổi, để biến đổi vẻ xấu xí và sự khô cằn của chúng ta, thì chúng ta có thể cần đến các nghệ sĩ như Michael để diễn tả điều ấy hay hơn. Cái đẹp không phải là một yếu tố thuần tuý để trang trí, nhưng nó làm cho hoạt động của ân sủng trong cuộc đời của chúng ta trở thành khả thị. Simone Weil nói rằng cái mỹ là một bí tích của nụ cười Thiên Chúa. Nghệ thuật bộc lộ cho chúng ta thấy cây thánh giá, một vật vô cùng xấu xí, cuối cùng có thể trở thành đẹp đẽ cho chúng ta như thế nào[3]. Một bài thánh thi phụng vụ trình bày thánh giá như là một cây rất quí rất sang, gỗ của cây này lại “dịu ngọt”:

Crux fidelis, inter omnes

Arbor una nobilis:

Nulla silva talem profert

Fronde, flore, germine:

Dulce lignum, dulces clavos,

Dulce pondus sustinet.

(Ta tin thật muôn rừng xanh chẳng thấy

một cây nào cành hoa quả như ngươi,

mấy mũi đinh nhẹ quá thập tự ơi,

sao mang nổi tấm hình hài vô giá).

Người ta kể lại rằng Michel-Ange gặp thấy một miếng cẩm thạch một nghệ sĩ khác đã sử dụng. Người nghệ sĩ ấy không thành công và đã bỏ miếng cẩm thạch ấy vào chung trong đống đá. Michel-Ange lấy lại và tạc nên bức tượng Đavít nổi tiếng của ông. Đó chính là điều ơn tha thứ của Thiên Chúa hoàn thành, theo một cách thức vượt hẳn hiểu biết của chúng ta. Ơn tha thứ làm cho tội lỗi của chúng ta có thể tìm được chỗ của nó trên con đường đưa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Không một thất bại nào lại là một nẻo đường không lối thoát. Thánh Augustinô gọi tội của Ađam và Eva rất hay là felix culpa, lỗi lầm hạnh phúc, vì đã khiến cho Đức Kitô đến. Khi phạm tội, chúng ta làm những hành vi phi lý và cằn cỗi, khiến cho ý nghĩa cuộc đời chúng ta bị băng hoại. Ơn tha thứ nghĩa là người ta có thể kể câu chuyện đưa đến một nơi kia : đến hạnh phúc.

Vào thế kỷ XVIII, ở Nhật bản, có một nghệ sĩ tài ba tên là Hokusai. Ông hoạ trên một cái bình hình núi thánh Fuji-Yama. Ngày kia, có người làm đổ cái bình ấy. Vỡ. Kiên nhẫn, Hokusai thu lại các mảnh vụn. Nhưng để đánh dấu điều đã xảy ra cho cái bình này, vết thương trong lịch sử của nó, ông ghi dấu đường vỡ bằng một sợi chỉ vàng. Thế là chiếc bình lại đẹp hơn xưa.

————————

[1] Do Eliezer Berkovits trích dẫn, Faith after the Holocaust, New York, 1973, p. 26.

[2] Anthony Phillips đã rất khéo khi sử dụng cây thánh giá của Michael Finn để minh hoạ những suy niệm của mình về bảy lời cuối cùng, Entering into the Mind of God, London, 2002.

[3] Trong nguyên bản tiếng Anh, tác giả trích dẫn bài thơ The Dream of the Rood (bài thơ bằng tiếng Anh cổ thuộc thế kỷ IX). Nxb du Cerf đã xin và tác giả đồng ý thay vào đây là bài thơ phụng vụ cổ, Crux fidelis. Bản dịch Việt ngữ trích trong Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thánh thi, Kinh Sáng, bốn ngày đầu Tuần Thánh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here