Lao Động Ghi Dấu Nhân Văn Trên Cõi Tạo Thành

0
758


Lm. FX. Nguyễn Văn Nhứt, OP.

 

“Lao Động Là Vinh Quang”

Đã có thời, sau khi nhà cầm quyền cộng sản thu tóm cả giang sơn về một mối, khẩu hiệu này được tuyên truyền, học tập và thực hiện trong hầu hết mọi lãnh vực của đời sống người dân, với mục tiêu tận dụng tất cả những thành quả họ sản xuất được. Ai dốc sức xả thân quên mình làm việc, bất kể trong nhà máy hầm hập lò nung, mịt mù khói bụi, hay trên cánh đồng nắng xém mặt, rét cóng tay; hoặc bụng rỗng mà cứ phải gò lưng, căng mắt đọc, ghi chép, cân đo những số liệu, những đề án, hoặc họng khô mà vẫn gắng liên tục gào lớn trên bục giảng hay trên sân khấu,… ai kiên trì phấn đấu không ngưng nghỉ như vậy đều được “truy tặng” danh hiệu “anh hùng lao động”.

Ngược lại, kẻ bị cáo buộc là lười biếng lao động chẳng những phải chịu phê bình, kiểm điểm, mà còn bị trừng phạt, bị cưỡng chế đi làm việc tay chân tại các trại lao động cải tạo.

Trong cả hai trường hợp – anh hùng lao động và tù nhân lao động cải tạo – thật khó mà nhận ra nét hào quang của lao động, bởi vì cả hai đều không hề được thụ hưởng một cách tương xứng thành quả công sức mình đã dốc đổ ra, không hề được nâng cao phẩm giá của một con người có quyền tự do quyết định về bản chất lao động, lựa chọn cách thực hiện lao động, xác lập mục đích lao động và biện giải lý do của lao động. Rốt cuộc, họ cùng chia sẻ chung một thân phận: thân phận của kẻ bị bóc lột lao động.

Thời ấy có một vua mới lên trị vì Ai Cập, vua này không biết Ông Giuse. Vua nói với dân mình: “Này đám dân con cái Israel đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ”. Người ta bèn đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai; họ phải xây cho Pharaoh các thành làm kho lương thực là Phi-thôm và Ram-xết. Nhưng chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến chúng đâm ra sợ con cái Israel. Người Ai Cập cưỡng bách con cái Israel lao động cực nhọc. Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc; phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm.[1]

Đoạn trích Sách Xuất Hành bên trên cho thấy điển hình của thứ lao động nô dịch, hủy diệt con người cả về phương diện thể lý lẫn tinh thần. Lao động khổ sai trở thành công cụ bóc lột kinh tế, đàn áp chính trị và âm mưu diệt chủng.

Lao động khổ sai bắt buộc con người làm việc cật lực, dưới biện pháp kiểm soát ngặt nghèo, kỷ luật trừng phạt tàn ác. Công nhân bị đối xử như con vật, được cho ăn uống cầm hơi, để tái sản xuất. Mọi chương trình kế hoạch gọi là giáo dục đào tạo thực chất chỉ nhắm làm ra những công cụ, những cỗ máy người để phục vụ sản xuất, để cung phụng giai cấp thống trị. Điểm dừng của dây chuyền lao động nô dịch và bóc lột đã được ấn định ở mọi xó xỉnh đen tối nhất để thải bỏ mọi thứ “cặn bã xã hội”, theo quy luật “vắt chanh bỏ vỏ”. Người công nhân cố kéo lê cuộc đời tàn tạ, chịu đựng đủ mọi thứ bệnh tật nghề nghiệp, mang theo xuống nấm mồ đủ mọi thứ thương tổn, tủi hờn, do bất công, oan ức, lừa đảo, miệt thị, và cơ man nào là những hình thức ác tà khác.

Hệ lụy trực tiếp và hiển nhiên của lao động nô dịch là tình trạng xuống cấp của dân trí. Công nhân tiếp tục bị giam cầm trong tình trạng tôi mọi miên viễn, cúc cung phục dịch giới chủ hết đời này đến đời khác, không bao giờ có được cơ may đổi thay số kiếp. Lao động nô dịch tước đoạt con người quyền tham gia vào công cuộc bàn bạc, lựa chọn, quyết định và điều hành đời sống của chính mình, của gia đình, của xã hội, và của đất nước. Thoảng hoặc, người lao động nghèo và thất học bị lôi kéo vào cuộc chơi chính trị chỉ để làm gạch lót đường công danh, làm bậc thang sự nghiệp, hoặc làm dê tế thần tham vọng, cho những kẻ hoạt đầu kinh tế, những con buôn quyền lực.

Nhưng có lẽ hệ lụy xấu ác và nguy hại hơn hết của lao động khổ sai nô dịch là đời sống gia đình của công nhân bị khủng hoảng, đổ nát và hủy diệt. Trận cuồng phong di dân kinh tế cuốn đi hàng triệu công nhân ra khỏi mái ấm gia đình, ra khỏi tập tục xã hội, văn hóa, chính trị và tôn giáo truyền thống của làng mạc, quê hương, đất nước. Có mấy ai trong số dân lao động du mục ấy được chuẩn bị – dầu chỉ là tương đối vừa đủ – để có thể hội nhập dễ dàng vào môi trường xã hội, văn hóa chính trị và tôn giáo nơi đất khách quê người? Có mấy ai trong số các nước chủ đầu tư sẵn sàng có chính sách đối đãi các di dân kinh tế một cách công bình, nhân đạo và thượng tôn luật pháp?

Có rất nhiều điều khuất tất đập thẳng vào mặt, vào lương tri của mọi người. Đó là tình trạng hàng triệu gia đình nay chỉ còn một mình người mẹ hoặc người cha phải đơn thương độc mã chăm lo đủ hết mọi phương diện cơm ăn, áo mặc, thuốc men, học hành, dạy dỗ con cái. Đó là tình trạng của những đứa trẻ rất hiếm khi hoặc chẳng bao giờ được cảm nhận tình thương trìu mến của người cha hoặc người mẹ vì sinh kế mà phải thường xuyên xa vắng gia đình. Rõ ràng mọi người đều thấy trước, không bao lâu nữa, xã hội sẽ phải đón nhận những con người mang đầy thương tật tâm sinh lý từ một tuổi thơ bất hạnh hoặc bị đánh mất.

Giữa vạn nẻo đường của nhân loại, gia đình là nẻo đường trước tiên và quan yếu nhất. Tuy là lối đi chung cho tất cả mọi người, nhưng gia đình là lối đi đặc biệt, độc nhất và bất khả tái lập, cũng tương tự như mỗi cá thể con người là bất khả tái lập; đó là lối đường con người không thể thoái bước. Quả vậy, mỗi người thường đi vào trần thế này trong khuôn khổ một gia đình, và do đó có thể nói con người chịu ơn gia đình vì đã cho mình được hiện hữu như là một cá nhân. Khi không có gia đình, con người bước vào cuộc đời với nỗi khắc khoải đau đớn và mất mát khôn nguôi. Tâm trạng này sẽ còn tiếp tục đè nặng trên cả cuộc đời của con người ấy.[2]

Đó là tình trạng của những công nhân di dân – đa số còn rất trẻ – không thể tự chủ trước bao nhiêu chèo kéo của nhu cầu thụ hưởng bản năng – tự nhiên hoặc giả tạo – tiếp tục lao vào và vướng mắc đủ thứ tật bệnh của xã hội tiêu thụ, vô cảm, vô luân và vô thần, cả lý thuyết lẫn thực dụng. Những vấn đề xã hội và luân lý nói trên trước tiên phát sinh tại nơi họ bị cuốn hút lại vì miếng cơm manh áo, vì lẽ sống còn của gia đình, sau đó sẽ tiếp tục đeo bám theo họ về với gia đình, làng mạc và đất nước của họ.

Không phải là những kẻ có trách nhiệm – chính quyền cũng như các tập đoàn đầu tư – không thấy, không ý thức được những thảm họa xã hội tiềm tàng này. Nhưng lợi nhuận quá lớn và quá dễ thu tóm khiến họ tiếp tục nuôi dưỡng chúng, miễn là họ tự tin có thể kiểm soát, khoanh vùng và khống chế chúng bằng bất kỳ biện pháp và công cụ nào có sẵn, kể cả bằng trấn áp và tiêu diệt.

Lao động như thế – lao động nô dịch khổ sai tuy tạo nên núi tiền núi của, nhưng rốt cuộc lại hủy hoại chính con người – sao có thể gọi là vinh quang?

Lao Động Mang Tính Nhân Văn

Không phải lao động nào cũng mang tính nô dịch, khổ sai và bóc lột, vì quả thật có một hình thức lao động – cả chân tay lẫn trí óc – tự bản chất thấm đượm nhân văn, vừa giúp con người trở nên người hơn, vừa nâng con ng ười lên với Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa.

Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.

Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. Một con sông từ Eden chảy ra tưới khu vườn, và từ đó chia thành bốn nhánh. Tên nhánh thứ nhất là Pi-sôn, nó bao quanh tất cả đất Kha-vi-la là nơi có vàng; vàng ở đất này tốt, tại đó có nhũ hương và đá ngọc. Tên nhánh thứ hai là Ghi-khôn; nhánh này bao quanh tất cả đất Cút. Tên nhánh thứ ba là Tích-ra; nhánh này chảy ở phía đông Át-sua. Còn nhánh thứ bốn là Êu-phơ-rát. Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lịnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”.[3]

Bài tường thuật của Sách Sáng Thế cho thấy rõ lao động là một trọng trách con người được chính Thiên Chúa ủy thác một cách trân trọng và đầy thương yêu, tín nhiệm. Thật sai lầm ấu trĩ khi nghĩ rằng: nếu như Tổ Tông không phạm tội, con người vẫn tiếp tục sống nhàn nhã trong Vườn Địa Đàng, cứ nằm há miệng chờ sung rụng, chứ đâu phải làm ăn quá vất vả như hiện nay.

Lao động đã là nghĩa vụ Thiên Chúa trao cho con người ngay trước lúc sa ngã phạm tội. Lao động là một thành tố quan yếu trong “trọn gói làm người” Thiên Chúa ban cho con người ngay buổi đầu sáng tạo, với đầy ắp nghĩa tình và kỳ vọng giữa Thiên Chúa và con người.

Phải chu toàn cùng một lúc hai nhiệm vụ “cày cấy và canh giữ” cả một cơ ngơi vũ trụ càn khôn bát ngát, vô biên vô tận như vậy không thể là công việc nhẹ nhàng chút nào. Chắc chắn con người phải có “trí” để cân nhắc kế hoạch, có “tâm” để quyết định thi hành, có “lực” để hoàn thành sứ mạng, và có “nghĩa” để bảo tồn công trình.

Vũ trụ thủa ban sơ tựa như vùng đất trinh nguyên đang chờ được khai phá, như cô thiếu nữ dậy thì mong được trang điểm, làm duyên làm đẹp. Những rừng cây chưa có dấu chân người, những thảo nguyên hầu như tiếp giáp chân trời, tựa mái tóc huyền của cô gái, cần được quy hoạch, phân ranh rạch ròi, như gội nước, chải chuốt, rẽ ngôi, tết gọn, và cài lên chiếc trâm nạm ngọc, kèm theo chùm hoa thiên lý thoang thoảng làn hương kín đáo, kiêu sa.

Thiên Chúa không làm công việc này, dầu đó chỉ là chuyện nhỏ, so với công trình xây dựng cả vũ trụ càn khôn từ hư vô tuyệt đối. Thiên Chúa đã ủy thác công việc ấy cho con người, tác phẩm vô cùng ưng ý do chính tay mình tác tạo như họa ảnh của mình. Con người đã hoàn thành theo đúng như đồ án của Thiên Chúa khiến Người hết sức ưng ý hài lòng.

Những dòng sông nước trong veo soi bóng mây trời, chở theo muôn vạn ánh trăng sao, trôi về cõi vô tận, tựa đôi mắt vừa ướt ngấn lệ lại vừa sắc lẻm dao cau của mỹ nhân, rất cần đôi nét điểm trang để’ càng thêm ma lực hốt hồn người, nhận chìm thêm nhiều trái tim lãng tử.[4] Chính là nhờ lao động chân tay lành nghề và lao động trí tuệ đầy sáng kiến của con người, từ chỗ đơn thuần là con kênh dẫn nước tưới mát đất đai, có những dòng sông, những chiếc cầu, những bến đò đã vĩnh viễn đi vào lịch sử, vào văn học, vào nghệ thuật. Những vật thể tưởng chừng vô hồn vô cảm ấy, qua bàn tay lao động nhân văn của con người, đã trở thành một phần máu thịt quê hương, thành một gia sản tinh thần vô giá phải bảo vệ bằng mọi cách.

Thiên Chúa không làm công việc này, dầu đó chỉ là chuyện nhỏ, so với công trình xây dựng cả vũ trụ càn khôn từ hư vô tuyệt đối. Thiên Chúa đã ủy thác công việc ấy cho con người, tác phẩm vô cùng ưng ý do chính tay mình tác tạo như họa ảnh của mình. Con người đã hoàn thành theo đúng như đồ án của Thiên Chúa khiến Người hết sức ưng ý hài lòng.

Những dải đất mầu mỡ, phì nhiêu, chờ được dọn, được vỡ, được gieo trồng, để cung cấp nguồn lương thực hầu như bất tận cho muôn loài, tựa như bầu vú căng sữa của bà mẹ[5]nuôi đàn con khỏe mạnh, lớn khôn. Biết bao hoa màu, đa dạng về lượng cũng như về phẩm, nhờ bàn tay và khối óc của con người, đã được thu hoạch từ ruộng đất và được chế biến thành thiên hình vạn trạng thực đơn trên bàn ăn. Từ đó, chẳng những chuyện đất đai đã đi vào luật lệ, định chế xã hội văn minh, mà các sản phẩm từ đất đai cũng góp phần xây dựng nền văn hóa giao tế lễ lạt của con người.

Từ cao thẳm Chúa đổ mưa xuống núi,

Đất chứa chan phước lộc của Ngài.

Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc,

Làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng.

Từ ruộng đất họ kiếm ra cơm bánh,

Chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,

Xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi,

Nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ.[6]

Thiên Chúa không làm công việc này, dầu đó chỉ là chuyện nhỏ, so với công trình xây dựng cả vũ trụ càn khôn từ hư vô tuyệt đối. Thiên Chúa đã ủy thác công việc ấy cho con người, tác phẩm vô cùng ưng ý do chính tay mình tác tạo như họa ảnh của mình. Con người đã hoàn thành theo đúng như đồ án của Thiên Chúa khiến Người hết sức ưng ý hài lòng.

Dãy núi trùng trùng điệp điệp lặng lẽ ngủ buồn ngàn năm bỗng trở mình thức giấc chào đón con người trèo lên thăm viếng, xây chùa dựng tháp, truy tặng cho những tước hiệu cao quý, linh thiêng. Từ dạo ấy, chúng trở thành thiên thần hộ mạng, che chở con người khỏi sức tàn phá khốc liệt của nắng lửa mưa dầu.

Biển khơi bao đời trầm uất dồn nén tận đáy sâu những trận sóng ngầm tàn sát một ngày kia chợt nghểnh tai nghe nhịp mái chèo khuấy nước theo tiếng khoan hò của con người ra khơi tìm nguồn hải sản, bỗng vỗ tay hòa điệu, hạ bớt những đợt sóng bạc đầu, và hào phóng tặng cho con người cơ man nào là đặc sản từ kho báu đại dương. Từ lúc đó, lòng biển được con người nhân hóa thành tấm lòng của mẹ, muôn thủa bao la dạt dào, ru con lớn mãi trong nghĩa tình mẫu tử bất hủ, bất tận, bất diệt.[7]

Thiên Chúa không làm công việc này, dầu đó chỉ là chuyện nhỏ, so với công trình xây dựng cả vũ trụ càn khôn từ hư vô tuyệt đối. Thiên Chúa đã ủy thác công việc ấy cho con người, tác phẩm vô cùng ưng ý do chính tay mình tác tạo như họa ảnh của mình. Con người đã hoàn thành theo đúng như đồ án của Thiên Chúa khiến Người hết sức ưng ý toại nguyện.

Lao Động Ghi Dấu Ấn Nhân Văn Trên Cõi Tạo Thành

Thánh Kinh cho biết: Thiên Chúa giao cho con người công việc đặt danh tánh cho muôn loài muôn vật.[8] Hẳn rằng đây không đơn giản là cứ “xem mặt đặt tên”, cũng không phải hễ thực hiện được những kho dữ liệu nghiên cứu khoa học về khoáng chất, thực vật và động vật, là coi như hoàn tất việc dán nhãn cho chúng, mặc dầu công trình đồ sộ của các khoa học gia để hàng triệu triệu vật thể có tên có tuổi thật rất đáng nể trọng. Thánh Ý kỳ diệu của Đấng Tạo Thành không quan tâm đến số liệu và số lượng. Nếu cần, hễ sáng tạo ra vật thể nào thì Thiên Chúa liền đặt tên cho vật thể đó ngay, như vậy vừa nhanh gọn, vừa chính xác, bởi lẽ ngoài Người ra không ai biết rõ bản chất thực sự của các thụ tạo. Do đó, sự kiện con người được Thiên Chúa ủy thác cho việc đặt danh tánh cho muôn loài phải hiểu là Đấng Sáng Tạo muốn con người dùng đôi tay, khối óc và con tim của mình – những thành tố của lao động nhân văn – để thuần hóa, ký nhận và đóng dấu ấn nhân bản lên trên toàn thể tạo thành, biến công trình sáng tạo của Thiên Chúa thành công trình phục vụ con người.

Nhờ lao động và tính cần mẫn, con người – vốn được phép tham gia vào tài nghệ và đức khôn ngoan của Thiên Chúa – làm cho cõi tạo thành, cả khối vũ trụ đã được Chúa Cha định đặt, thêm xinh đẹp hơn. Con người vận dụng mọi năng lực của xã hội và cộng đồng để gia tăng thêm công ích, trước hết và trên hết nhắm phục vụ những người túng thiếu nhất. Lao động nhân văn, một khi được hướng đến đức ái như mục tiêu tối hậu, trở thành một dịp tốt để suy ngẫm, để thành tâm cầu nguyện, để tỉnh táo vươn lên, trong khắc khoải mong chờ, đón đợi một ngày không bao giờ kết thúc.[9]

 

 


[1]Xh 1:8-14.

[2]Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, “Thư Gởi Các Gia Đình,Daughters of Saint Paul: Pasay, 1994; số 2.

[3]St 2:4b-17.

[4]Dựa ý câu “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân”, nghĩa là: mưa không cần xiềng xích mà giữ được khách, sắc đẹp chẳng có sóng gió mà nhận chìm được người.

[5]Do vậy mà từ mẹ ghép với từ đất (đất mẹ, quê mẹ, nhà mẹ) nghe thật gần gũi, thân thương, nhớ nhung da diết như cào như cắt cõi lòng khi xa cách, mãi cho đến lúc lìa đời cũng không sao quên được (trở về lòng đất mẹ).

[6]Tv 104:13-15.

[7] Xin tri ân Nhạc sĩ Y Vân đã dạy cho nhiều thế hệ con cháu người Việt biết vinh danh công ơn của mẹ: “Lòng Mẹ Bao La Như Biển Thái Bình!”.

[8]Xc. St 2:19.

[9]Tóm lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, số 266.