Làm Thế Nào Dung Hòa Hình Phạt Hỏa Ngục Với Lòng Thương Xót Của Chúa?

0
1252


 

Kính thưa quý vị,

Chúng ta được kêu mời hãy tín thác vào lòng từ bi vô lượng của Chúa. Lòng thương xót của Chúa bao la hơn những tội lỗi của chúng ta. Vì thế dù tội lỗi của chúng ta nặng nề đến đâu đi nữa, Chúa cũng sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta ăn năn hối cải. Như vậy, tại sao có những kẻ sẽ mãi mãi bị trầm luân trong hỏa ngục. Hỏa ngục có đi ngược lại lòng từ bi của Chúa không? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.

Chúng ta thường đối chọi giữa công bình với thương xót. Khi nghĩ đến tội lỗi, chúng ta dễ hình dung rằng theo lẽ công bình thì người phạm tội đáng bị Chúa phạt; nhưng theo lòng từ bi thương xót, thì Chúa tha thứ. Tuy nhiên, khi nói đến hình phạt hỏa ngục, thì theo lý luận tự nhiên, nó không chỉ đi ngược với lòng thương xót mà đi ngược cả với sự công bình nữa.

Tại sao mà trái ngược công bình?

Theo lẽ công bình, hình phạt phải cân xứng với tội phạm. Nếu một tội nhẹ mà xử phạt nặng là không công bình. Thí dụ như tôi ăn trộm một gói kẹo ở siêu thị và bị bắt được, thì cơ quan an ninh có thể phạt tội phải đền bù số tiền tương đương với món hàng đó, hoặc có thể giam tôi trong trại cải tạo mấy ngày. Như vậy là công bằng. Nhưng nếu vì tội ăn cắp gói kẹo mà kết án tử hình thì chắc chắn là quá đáng. Bây giờ chúng ta hãy áp dụng vào trường hợp một người phạm tội, lỗi luật Chúa. Theo phép công bằng, anh ta đáng phải phạt. Nhưng phạt như thế nào cho hợp công bằng? Tạm thời chúng ta không bàn đến bản chất của hình phạt, làm sao cho cân xứng với tội phạm, nhưng chúng ta hãy nghĩ đến thời gian thụ hình. Hình phạt hỏa ngục mang tính vĩnh cữu, bất tận. Có nghĩa là không phải là 100 năm, 1000 năm, 10 ngàn năm, mà còn hơn thế nữa. Ta thấy là không cân xứng, bởi lẽ con người chỉ sống trên đời hơn kém 100 năm, có tung hoành gì đi nữa thì cũng chỉ trong khoảng thời gian ấy thôi. Như vậy, ông ta chỉ đáng phạt 100 năm hoặc cùng lắm là 500 năm; đàng này, ông phải chịu phạt tới cả trăm ngàn năm (và hơn nữa). Như vậy là không hợp lẽ công bình; chứ đừng nói trái ngược với lòng thương xót.

Như vậy, phải giải quyết như thế nào để bảo vệ lòng thương xót của Thiên Chúa?

Một cách đơn giản hơn cả là sau một thời gian trừng phạt, Thiên Chúa tuyên bố ân xá. Đây là điều mà các chính phủ cũng thường áp dụng. Từ xưa rồi, ông Origene cũng nghĩ như vậy. Theo ông, sau một thời gian chịu án phạt, cuối cùng Thiên Chúa sẽ ban ân xá tha thứ không những cho những người tội lỗi mà kể cả ma quỷ nữa. Nhưng luận đề của ông đã bị công nghị Constantinopolis năm 543 lên án.

Tại sao vậy?

Có lẽ tại vì đi ngược lại với giáo lý của Thánh kinh, nói đến hình phạt đời đời, chứ không phải là hình phạt có hạn. Và có lẽ bởi vì thuyết này sẽ dễ đưa tới lý luận của thuyết luân hồi, theo đó con người sinh ra trên đời để đền tội đã phạm trong kiếp trước, và nếu kiếp này không đền xong thì lại đầu thai thêm nhiều kiếp nữa, chừng nào sạch tội thì thôi. Chúng ta nên biết có hai tiền đề đàng sau thuyết luân hồi. Thứ nhất, nhằm giải quyết vấn nạn: vì sao trên đời có những em bé sinh ra đã phải chịu khổ sở tàn tật; câu trả lời hợp lý là tại vì kiếp trước nó đã phạm tội cho nên kiếp này phải đền. Thứ hai, tạo cơ may cho hết mọi người được cơ may cứu độ; cũng ví như kỳ thi, nếu rớt kỳ này thì kỳ sau sẽ thi lại. Tiếc rằng tuy thoạt tiên giải pháp này xem ra hợp lý hợp tình, nhưng gặp phải khó khăn lớn, đó là thuyết luân hồi trái ngược đức tin công giáo. Mặt khác, không ai còn nhớ kiếp trước mình đã phạm tội gì để kiếp này mình cố gắng cải thiện.

Còn có giải pháp nào để giải quyết vấn đề dung hòa hỏa ngục với lòng thương xót không?

Có nhiều giả thuyết được đưa ra. Một giả thuyết thứ nhất là đóng cửa hỏa ngục. Ý kiến này đã được các nhà thần bí nêu lên từ thời Trung cổ, trong đó nổi tiếng bà Rabia al-Adawiyya (713-801), thuộc Hồi giáo, được mệnh danh là “thi sĩ của tình yêu”. Bà chủ trương phải dành tình yêu trong trắng cho Thiên Chúa, nói như sau: “Ta phải yêu mến Chúa bởi vì Ngài là Sự Thiện tuyệt đối, chứ không phải vì trông mong được Ngài ban thưởng. Nếu ai phục vụ để được hưởng thiên đàng thì chỉ là một kẻ làm thuê mà thôi”. Bà đã cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa, nếu con tôn thờ Chúa vì sợ hoả ngục thì xin đốt con trong lửa đó. Nếu con tôn thờ Chúa vì muốn lên thiên đàng thì xin đóng cửa thiên đàng lại. Còn nếu như con tôn thờ Chúa vì Chúa, thì xin đừng ngăn cản con được nhìn thấy Chúa”. Dựa theo lời nguyện đó, người ta kể lại một giai thoại về bà như sau: “Một bữa kia, một đám thanh niên thấy cô Rabia chạy nhanh, một tay cầm đuốc cháy, tay kia xách thùng nước. Họ hỏi: Cô đi đâu vậy? Cô đáp: Tôi chạy lên thiên đàng để đốt nó, và chạy xuống hoả ngục để dập tắt ngọn lửa. Có thế người ta mới phụng thờ Chúa vì lòng mến Chúa chứ không vì mong lên thiên đàng hay vì sợ hoả ngục”. Nên biết là vào thời Trung cổ, các sử gia Kitô giáo đã viết lại tiểu sử của bà và cho bà trở lại đạo Công giáo với cái tên là Dame Caritée. Về phía công giáo, thì ta thấy có thánh Catarina Siena, ngài đã thốt lên trong buổi cầu nguyện: “Lạy Chúa, làm sao con có thể an lòng khi còn có một người, được dựng nên cũng như con đây, giống hình ảnh Chúa, mà lại bị trầm luân hoặc thoát khỏi tay Chúa? Con không muốn dù chỉ một người trong số anh chị em con, là những thân nhân của con do bản tính và do ân sủng, lại phải thiệt mất… Nếu Chúa chân thật và lân tuất cho phép, con muốn phá hủy hoả ngục, hoặc ít là từ nay trở đi, không còn linh hồn nào xuống dưới đó nữa. Miễn là con được kết hợp với Chúa nhờ tình yêu, con mong được đặt ở cửa miệng hoả ngục để bịt nó lại ngõ hầu không ai có thể vào đó được nữa. Như vậy, con mong rằng hết mọi người sẽ được cứu rỗi”. Như vậy chúng ta thấy rằng hai phụ nữ vừa rồi giải quyết vấn đề hỏa ngục dựa trên tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy sống với Chúa trong tương quan yêu mến chứ không phải vì sợ hãi. Thậm chí, thánh nữ Catarina nghĩ rằng Thiên Chúa tha hết mọi tội lỗi của chúng ta, và chỉ có ai không tin vào sự tha thứ của Chúa mới bị xuống hỏa ngục mà thôi. Chúng ta đọc thấy điều này trong sách Đối thoại, các chương 37 và 132.

Đó là giải pháp của các phụ nữ, dựa trên tình cảm. Còn các nhà thần học thì sao?

Câu hỏi này muốn nói rằng bên cạnh những giải pháp dựa trên tình cảm, chúng ta cần phải đi tìm những giải pháp dựa trên lý luận nữa. Và dĩ nhiên là có khá nhiều giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất là vào lúc sắp lìa đời, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta một tia sáng để nhìn lại tất cả cuộc đời, và quyết định chọn lựa theo Chúa. Chỉ cần một giây là đủ, giống như người trộm lành bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu vậy. Một giải pháp nữa là xét lại toàn bộ vấn đề hỏa ngục: có hỏa ngục không? Câu trả lời là: vừa có vừa không, tùy theo chúng ta hiểu hỏa ngục theo nghĩa nào. Phần lớn chúng ta hình dung hỏa ngục như cái nhà tù, trại tập trung, trong đó phạm nhân phải chịu đủ thứ cực hình tra tấn, và hình khổ nhất là lửa thiêu đốt. Nếu hiểu theo nghĩa này thì phải nói là không có hỏa ngục. Lý do là tại vì những hình phạt vừa kể chỉ có giá trị cho những loài nào có thể xác. Nếu không thân xác, thì làm sao đánh đập được, và nhất là giam giữ được. Chỉ có thân xác mới có thể bị nhốt trong ngục, chứ linh hồn thì không thể nào bị nhốt trong một nơi chốn được. Chúng ta vẫn tin là linh hồn thiêng liêng, không bị lệ thuộc vào vật chất mà! Bởi vậy, chúng ta phải hiểu hình phạt theo một nghĩa khác, đó là bị sống xa cách Chúa. Thoạt tiên, xem ra câu nói này chẳng có nghĩa lý gì, bởi vì trên đời có biết bao nhiêu người không tin vào Thiên Chúa, vì thế sống gần Chúa chẳng làm họ hạnh phúc, và xa cách Chúa cũng chẳng làm cho họ đau khổ. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi đời này rồi, thì lúc ấy chúng ta mới biết đâu là cứu cánh cuộc đời. Khi chúng ta không còn mang theo thân nhân, địa vị, chức quyền, tài sản, và chỉ có hai bàn tay trắng, lúc đó chúng ta mới tự hỏi: đâu là ý nghĩa cuộc đời? Đâu là hạnh phúc thật của cuộc sống? Lúc đó, chúng ta mới thấy rõ: hạnh phúc thật là được chia sẻ sự sống với Chúa; và cái bất hạnh tuyệt đối là mất Thiên Chúa. Xét vì Thiên Chúa là niềm vui, là yêu thương, là tốt lành, cho nên mất Chúa là mất niềm vui, không cảm nhận được yêu thương nhưng chỉ thấy oán ghét và hận thù. Những thực tại này đôi khi đã cảm nhận được ngay từ trên đời này, khi chúng ta cắt đứt tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân.

Tóm lại, làm thế nào dung hòa giữa hỏa ngục với lòng thương xót của Thiên Chúa?

Như vừa nói, chúng ta đừng hiểu hỏa ngục như cái ngục với đủ mọi hình cụ tra tấn kinh khủng nhất trên đời này; nhưng như là khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Đến đây, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm, đó là tự do của con người. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, sẵn sàng tha thứ tất cả mọi lỗi lầm. Nhưng có người khước từ tình yêu ấy. Tại sao vậy? Thật khó hiểu. Và Thiên Chúa tôn trọng quyết định tự do của con người. Nghĩ đến đây, chúng ta chỉ còn biết than thở với lời nguyện của thánh Inhaxio Loyola: Lạy Chúa, xin chấp nhận tự do, ký ức, trí tuệ, tất cả nhưng con có và sở hữu. Tất cả là do Chúa ban cho con, bây giờ con xin dâng chúng cho Chúa. Xin Chúa xếp đặt theo ý muốn của Chúa. Xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa, và thế là đủ cho con rồi.