Làm Sao Để Chúa Được Thấy Rõ Trên Internet?

0
1103


Lavie. Fr. Laurence Desjoyaux, 2015-09-04

 

STRASBOURG: “Làm cho Chúa thành hữu hình?”, Đó là một trong các đề tài sẽ được thảo luận tại “Hội Nghị Kitô Giáo” do báo La Vie tổ chức ở Strasbourg, Pháp, vào các ngày 2, 3 và 4 tháng 10-2015 sắp tới. Cùng tìm hiểu những suy tư trong lãnh vực truyền thông, đặc biệt trên mạng Internet, với Linh mục Eric Salobir, Dòng Đa Minh.

Cha Eric Salobir, O.P. hiện nay là Phụ tá Tổng Quyền, Đặc trách Truyền Thông và giao tế của Dòng Đa Minh. Cha Eric Salobir, O.P. còn là thành viên ban cố vấn của “Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội”. Với câu hỏi đặt ra: Giáo hội dùng truyền thông, đặc biệt là Internet, thế nào trong thế giới ngày nay?”, Cha Eric Salobir, O.P. cho rằng, người công giáo phải đầu tư nhiều hơn nữa trong lãnh vực này để người đương thời được nhận biết Chúa.

Đâu là sứ mệnh của “ông Internet” Dòng Đa Minh và của “ông Cố Vấn” Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội?

Đối với các tu sĩ Dòng Đa Minh, công việc của tôi là sắp xếp lại cho có thứ tự các kỹ năng để rao giảng trong các mạng truyền thông mới. Ngoài các khóa đào tạo cho anh em trong dòng ở khắp nơi trên thế giới, nhiệm vụ của tôi là phát triển các chương trình sáng tạo mới. Chẳng hạn ở Toulouse, chúng tôi đưa ra một áp dụng cho các du khách hành hương các nơi thánh của Dòng Đa Minh. Đó là chỉ dẫn tự động để họ tải về máy điện thoại của mình, họ đi đến đâu, xem tác phẩm nào họ sẽ theo dõi được chỉ dẫn. Đó là cách đi tìm họ tại nơi họ đang ở, nói với họ trong ngôn ngữ của họ, mang đến một ý nghĩa thiêng liêng cho chuyến đi của họ. Còn sứ vụ của tôi trong trách vụ cố vấn ở Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội trong thời gian gần đây, là tham dự vào việc tái tổ chức lại hệ thống truyền thông của Vatican và gần đây việc này đã được Đức Phanxicô chấp nhận.

Hội Đồng đã đi đến đâu trong việc tái tổ chức đang thực hiện này?

Tôi nghĩ là chúng ta sẽ thấy kết quả cụ thể trong những tháng sắp tới. Phải nói tái tổ chức là một công việc khổng lồ. Đây là công việc của 600 người và của nhiều cơ quan truyền thông khác nhau như Radio Vatican, báo Osservatore Romano và dĩ nhiên là bao gồm cả đài truyền hình. Một trong những ‘trận chiến’ là làm sao ít rườm rà và ít mất đường truyền như tình trạng hiện nay. Đức Giáo hoàng đã giữ lại đề nghị của hội đồng do ông Chris Patten chủ tọa, ông là cựu giám đốc điều hành cơ quan giám sát của đài BBC, ông đã đưa ra công khai chương trình làm việc của mình vào tháng 5 vừa qua. Ý tưởng là thành lập một Bộ và tái tổ chức lại tất cả hệ thống truyền thông để đem tất cả về một mối.

Nếu phải chọn một lãnh vực ưu tiên cho Giáo Hội về mặt Truyền Thông, vậy Cha sẽ chọn lãnh vực nào?

Đó sẽ là một hình thức tái hội nhập văn hóa để ngang với tầm cao của sự thay đổi khổng lồ của kỷ nguyên văn hóa kỹ thuật số. Ví dụ, việc điều hành các mạng và việc phát triển các mạng xã hội cần nhiều tương tác hơn. Ngày nay, người dân không còn chịu đựng được khi nhận chỉ thị từ trên cao. Đưa đến một sự tái hội nhập văn hóa cho Giáo hội có nghĩa là bỏ quyền bá chủ của văn viết mà cho đến hiện nay vẫn còn là cách luân lưu chính của Giáo hội. Phải có sự hiện diện của truyền thông đa dạng, bằng cách dùng một ngôn ngữ đa dạng hơn, hoàn toàn dành chỗ cho các chất vấn của người dân.

Trong công việc đối thoại này, tất cả mọi lực lượng đều cần thiết. Cần phải làm cho đám đông làm việc “crowd-sourcing”. Đối với tôi, chúng ta đang ở nơi mà ngày xưa Công đồng Vatican II đã dự trù: một dân tộc của các tín hữu, nơi mỗi người đến làm chứng cho đức tin của mình, trên các trang mạng xã hội, họ cũng làm như vậy.

Theo Cha, các trang mạng xã hội có phù hợp cho việc làm chứng cho đức tin không?

Có, người ta thường giải bày tâm sự cá nhân của mình trên các trang mạng. Nhất là đức tin. Nhà phân tâm Serge Tisseron với khái niệm giải bày của ông đã chứng tỏ cho thấy cái gì thân thiết trên các trang mạng xã hội thì cũng trở nên như thế ở ngoài. Dưới tiêu đề là thế tục, tôn giáo thường có khả năng bị đuổi ra khỏi cửa chính, nhưng nó có thể leo cửa sổ để đi vào. Lại phải ý thức điều này. Một cách chung chung, Giáo hội chưa giao tiếp đủ với văn hóa kỹ thuật số. Tôi nghĩ phải phát triển một kiểu tuyên úy mới cho kỹ thuật số, chẳng hạn như cảm hứng từ các tuyên úy nghệ sĩ mà Giáo hội đã biết đưa vào hoạt động từ những năm 50. Người ta có thể khoán trắng cho những người sẽ phát triển hệ thống truyền thông của giáo phận trên Internet. Đây là cách làm việc trong tinh thần hợp tác, linh động và tương tác, ít mang tính cách thể chế. Một vài địa phận đã làm việc như thế như địa phận Lyon.

Vậy, Giáo Hội có thể được coi như một mạng xã hội?

Giáo hội là một mạng xã hội! Giống như các cộng đồng Kitô đầu tiên, Giáo hội đã thành lập xã hội và có ảnh hưởng trên xã hội. Bây giờ Giáo hội phải tái tìm lại điều này. Không phải là khuấy động hết thứ trật vì cần phải có các cơ cấu thứ trật điều hòa. Nhưng phải có chiều kích mặt bằng ngang và học cách làm việc chung với nhiều người như các tôn giáo khác họ đã làm được như vậy.

Ngày nay, đâu là tính hữu hình của thông điệp Phúc Âm trên Internet?

Nó còn yếu. Nếu bạn gõ chữ “Chúa” trên video Youtube, những hình ảnh đầu tiên là lời của các tu sĩ Hồi giáo hay các video của Giáo hội Tin Lành làm. Có thể nói trên lãnh vực này, người công giáo còn ở sau đuôi.

Làm sao giải thích điều này?

Tôi nghĩ trên Internet, đừng lẫn lộn giữa tỏ cho thấy mình là tín hữu Kitô và làm cho Chúa được thấy rõ. Trên rất nhiều trang web của các giáo phận, chắc chắn bạn sẽ thấy mọi tin tức liên quan tới giáo phận và công việc, nhưng để biết Chúa là ai… thì lại là một chuyện khác. Chúng ta chưa thích đáng được với việc đi tìm đời sống thiêng liêng của những người xử dụng mạng mà không phải là người công giáo.

Thật sự họ tìm gì?

Các thế hệ trẻ thường không có một nền văn hóa tôn giáo nào. Với họ, Chúa Giêsu thì cũng là lạ như Đức Phật. Gần đây tôi đến trụ sở Google ở San Francisco. Các tìm tòi của người xử dụng công cụ tìm kiếm cho thấy người xử dụng gõ nhiều câu hỏi liên quan đến sự hiện diện của Chúa trong đời sống của họ: Chúa và tự do của tôi? Chúa và cái chết? Chúa can thiệp vào đời sống của tôi như thế nào? vv. Rõ ràng, người lên Internet để đi tìm Chúa sẽ không hỏi Ba Ngôi là gì, nhưng sẽ đặt các câu hỏi về đức tin và vì vậy câu trả lời phải là một chứng tá. Như thế thế hệ của những người công giáo nhạy cảm về văn hóa “vùi tìm,” họ vẫn còn chiếm đa số trong số những người giữ đạo và họ sẽ không thoải mái với hình thức truyền thông rõ ràng và thố lộ. Cho đến bây giờ, bản văn thật sự có tính hữu hình nổi bật, vẫn là của những người thuộc phái duy truyền. Đó là cả một thách thức cho người khác, nếu họ muốn đưa ra hình ảnh một Chúa khác.

Gần đây các sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục Pháp như các website jesus.catholique.fr hay noel.catholique.fr đều có mục đích đến gần với các cư dân mạng đi tìm Chúa này. Cha nghĩ gì về điều này?

Rất hay! Nhưng chưa đủ. Phải chất vấn về Giáo hội là ai và làm chứng thông điệp của Chúa Kitô cho ai. Chắc chắn đó không phải là công việc của một mình Hội đồng Giám mục Pháp, một hội đồng có nhiệm vụ điều hợp và cai quản. Bây giờ chúng ta làm việc cho ơn cứu độ trong tinh thần cộng tác hơn, sự lan truyền thông điệp dựa trên số lượng người hợp tác tích cực. Phải xem trọng khái niệm tinh thần tư tế chung được triển khai trong thời Công đồng Vatican II. Rằng mỗi người, theo vị trí của mình phải sẵn sàng làm chứng cho Chúa, nhất là trên Internet và đặc biệt trên các trang mạng xã hội, trong bối cảnh của một cử tọa tụ hợp lại. Như thế các cộng đoàn Kitô phải có một độ xốp lớn hơn với môi trường sáng tạo của kỹ thuật số. Nếu một vài người có ý tưởng thì làm sao họ được những người khác giúp đỡ? Giáo hội cung cấp cho họ phương tiện nào để họ có thể phát triển các ý tưởng này?

Theo Cha, có những sáng kiến trong lãnh vực này không?

Các tu sĩ Dòng Đa Minh vừa tổ chức một hội thảo về phát triển vi tính và phần mềm (hackathon) ở San Francisco để lọc ra các dự án kỹ thuật số liên quan đến việc phúc âm hóa. Các dự án nào được giữ lại sẽ có thể được triển khai trong lò ấp như từng có với những dự án mới nảy sinh. Chẳng hạn một ứng dụng di đông gọi là Preachback sắp được ra mắt. Đây là khoảng không gian cho tín hữu để họ có thể cho ý kiến của mình về bài giảng ngày chúa nhật. Chỉ có linh mục mới nhận các phản hồi này, những phản hồi ông không bao giờ có dịp nghe và thường những phản hồi này chỉ là dịp ngồi lê đôi mách. Ứng dụng có thể giúp tạo ra một đối thoại đích thực chung quanh Lời Chúa! Các tu sĩ Dòng Đa Minh có dự án lập một lò ấp như thế ở Âu Châu.

Marta An Nguyễn chuyển dịch